Các dấu hiệu cơ bản của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác

Nhận biết Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác qua các dấu hiệu nào?

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
    Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này vì cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng.
 
    Nói chung chủ thể của tội phạm này là bất kỳ, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Đối với những người này, thông thường phạm tội thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cá biệt có trường hợp vì động cơ cá nhân hoặc vụ lợi mà xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
 
    2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
 
    Khách thể của tội phạm xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là quyền an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín của người công dân. Quyền này được ghi nhận tại Điều 73 Hiến pháp năm 1992: “Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được đảm bảo an toàn và bí mật… việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật”.
 
    Quyền an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân còn được cụ thể hóa bởi những quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự tại Điều 8 (Đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân); Điều 140 (Căn cứ khám thư tín); Điều 144 (thu giữ thư tín điện tín); Điều 147 (Trách nhiệm bảo quản thư tín, điện tín bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong); Điều 148 (Biên bản khám xét của người ra lệnh và thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ thư tín, điện tín).
 
    Đối tượng tác động của tội phạm này là thư, điện báo, telex, fax, các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính.
 
    Thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính là thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính của Nhà nước hoặc tổ chức thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này mà tùy trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng. Ví dụ: hành vi chiếm đoạt một công văn mật của cơ quan nhà nước là hành vi phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 263, nếu là tài liệu khác (không phải là tài liệu mật) là phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan nhà nước quy định tại Điều 268 Bộ luật hình sự. Văn bản khác, ngoài thư, điện báo, telex, fax được truyền đưa bằng phương tiện viên thông và máy tính, không phải là văn bản bất kỳ mà chỉ gồm các văn bản có nội dung, tính chất của thư tín, điện tín của người khác. Người nước ngoài công tác và sinh sống ở Việt Nam nếu tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam mà bị xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín cũng được bảo hộ như công dân Việt Nam.
 
    3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
 
    a) Hành vi khách quan
    Người phạm tội có thể thực hiện hành vi chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax được truyền đưa bằng phương tiện viên thông và máy tính, hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín.
 
    Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viên thông và máy tính là làm cho thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viên thông và máy tính không đến được với người nhận bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lén lút, gian dối, bội tín, công nhiên… Cũng giống như hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội xâm phạm sở hữu là lấy đi, nhưng tính chất chiếm đoạt ở đây khác chiếm đoạt tài sản ở chỗ, người phạm tội có thể lấy thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính là làm cho thư cho mình, nhưng cũng có thể chỉ lấy rồi vứt đi, mà không chiếm hữu, sử dụng.
 
    Nếu chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính để dùng vào mục đích khác và hành vi dùng vào mục đích của người phạm tội lại cấu thành một tội phạm độc lập thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương tứng nếu hành vi chiếm đoạt chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích. Ví dụ: chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính dùng vào mục đích gián điệp thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự. Nếu chiếm đoạt thư của người khác rồi bóc ra xem thấy có nội dung mà người phạm tội thấy có thể lừa dối người khác chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
    Các văn bản mà người phạm tội chiếm đoạt không phải là văn bản được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính và không có nội dung, tính chất thư tín, điện tín thì không phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng. Ví dụ: một người đột nhập vào cơ quan nhà nước để chiếm đoạt một tập tài liệu thì không phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác mà phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan nhà nước quy định tại Điều 268 Bộ luật hình sự.
 
    Hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác không phải là hành vi chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính. Hành vi này rất đa dạng, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: nghe trộm điện thoại; bóc và đọc trộm thư; tiêu hủy thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính của người khác v.v.. Đối với hành vi này, khi xác định có phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hay không, cần phải đối chiếu với các quy định về bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của các cơ quan chức năng chuyên nghành như bưu điện, viễn thông…
 
    Tuy không phải hành vi, nhưng lại là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm này, đó là đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính, hoặc óc hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện tín, điện thoại mà còn vi phạm.
 
    Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Nếu trước đó người phạm tội có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi nói trên thì cũng không cấu thành tội phạm này. Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Nếu trước đó người phạm tội truy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này.
 
    b) Hậu quả
 
    Hậu quả của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho con người hoặc gây ra những thiệt hại về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Những thiệt hại này có thể tính ra được bằng tiền, nhưng cũng có thể không tính ra được bằng tiền.
 
    Hậu quả của hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, trước hết là làm cho thư tín, điện thoại, điện tín không còn giữ được bí mật hoặc không đến được người nhận và do không giữ được bí mật hay không đến được với người nhận nên có thể gây ra hậu quả khác về vật chất hay tinh thần cho người khác. Ví dụ: A ký hợp đồng vận chuyển hàng cho B, nhưng vì lý do khách quan nên B phải thay đổi thời gian nhận hàng; B gửi điện báo cho A để A đừng chở hàng đến nữa, nhưng bức điện mà B gửi cho A lại lọt vào tay C. Vì sãn có thù tức với B nên C đã chiếm đoạt bức điện đó. Do không nhận được điện của B nên A vẫn chở hàng cho B đúng hẹn, gây thiệt hại cho B hàng trăm triệu đồng.
 
    Hậu quả của tội phạm này chỉ là bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín bị xâm phạm, nên chỉ cần xác định thư tín, điện thoại, điện tín bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm là tội phạm đã hoàn thành, còn các hậu quả khác do thư tín, điện thoại, điện tín bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm chỉ có ý nghĩa trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội để quyết định hình phạt. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín xảy ra khá phổ biến ở nước ta hiện nay, nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm không đáng kể, nguyên nhân là do ý thức pháp luật chưa cao, chỉ khi nào có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín gây ra hậu quả nghiêm trọng khác thì người có hành vi xâm phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
    4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
 
    Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác được thực hiện do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra. Nói chung, người phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín thực hiện hành vi của mình do lỗi cố ý trực tiếp.
 
    Người phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác có nhiều động cơ khác nhau;động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ của người phạm tội chỉ có ý thức trong việc quyết định hình phạt.
 
    Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Tuy nhiên mức độ có khác nhau, có người chỉ mong xem trộm thư rồi dán lại, có người chiếm đoạt…

Tội xâm phạm quyền tự do
Hỏi đáp mới nhất về Tội xâm phạm quyền tự do
Hỏi đáp pháp luật
Đọc trộm tin nhắn của người khác có bị đi tù không?
Hỏi đáp pháp luật
Hình phạt áp dụng đối với tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Bộ Luật hình sự 2015
Hỏi đáp pháp luật
Hình phạt áp dụng đối với tội xâm phạm quyền biểu tình của công dân theo Bộ Luật hình sự 2015
Hỏi đáp pháp luật
Tội xâm phạm các quyền hội họp, lập hội, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Bộ Luật hình sự 1985
Hỏi đáp pháp luật
Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo Bộ luật hình sự 1985
Hỏi đáp pháp luật
Trường hợp phạm tội cụ thể khi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
Hỏi đáp pháp luật
Các trường hợp phạm tội cụ thể khi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân
Hỏi đáp pháp luật
Đối tượng "bắt cóc" là bố đẻ của đứa trẻ và mục đích bắt cóc chỉ là để dành quyền nuôi dưỡng chăm sóc con thì sẽ xử lý như thế nào?
Hỏi đáp pháp luật
Có thể kiện gia đình vợ bắt cóc con?
Hỏi đáp pháp luật
Nhận biết tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tội xâm phạm quyền tự do
Thư Viện Pháp Luật
298 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Tội xâm phạm quyền tự do
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào