Dấu hiệu cơ bản của tội xâm phạm chỗ ở của công dân

Nhận biết tội xâm phạm chỗ ở của công dân qua các dấu hiệu nào?

 
  1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
 
    Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm chỗ ở của công dân cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12,13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội xâm phạm chỗ ở của công dân, chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này vì theo quy định tại Điều 12, đối với tội xâm phạm chỗ ở của công dân không có trường hợp phạm tội nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
 
    Nói chung chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định như bộ đội biên phòng; cán bộ kiểm lâm; cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang; cán bộ, nhân viên công an nhân dân… Đối với những người này, thông thường phạm tội trong khi thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp vì động cơ cá nhân mà xâm phạm chỗ ở của công dân.
 
    2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
 
    Khách thể của tội xâm phạm chỗ ở của công dân là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Quyền này được ghi nhận tại Điều 73 Hiến pháp năm 1992: “công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép… Việc khám xét chỗ ở của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật”.
 
    Quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân còn được cụ thể hóa bởi những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự tại Điều 8 (Đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở…); Điều 140 (Căn cứ khám người, chỗ ở…); Điều 141 (Thẩm quyền ra lệnh khám xét); Điều 143 (Khám chỗ ở…). Ngoài quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khám chỗ ở, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cũng có những quy định về khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì cũng được coi như khám chỗ ở theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định chặt chẽ hơn.
 
    Đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của công dân, có thể là nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền của ngư dân mà cả gia đình họ sinh sống trên tàu thuyền đó như là nhà của mình, cũng có khi chỉ là một túp lều, một chỗ ở gầm cầu, bến tàu, bến xe, vỉa hè của những người sống lang thang, cơ nhỡ…
 
    Nếu nhà ở, căn hộ do Nhà nước quản lý nhưng chưa có người ở mà người phạm tội có hành vi xâm phạm (phá khóa vào chiếm nhà) thì không phải là xâm phạm chỗ ở của công dân mà tùy trường hợp cụ thể mà hành vi xâm phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo Điều 270 Bộ luật hình sự; nếu chủ nhà đã ở trong căn nhà đó nhưng vì điều kiện phải đi công tác, đi du lịch, học tập lâu ngày, phải khóa cửa, không ở thường xuyên mà người khác xâm phạm thì cũng là hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân. Nhưng nếu đó là nhà của công dân đã hoặc đang hoàn tất, người phạm tội đến chiếm thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm sở hữu quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa được tổng kết thực tiễn xét xử nên còn có những quan điểm khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng hành vi xâm phạm nhà bỏ không của cá nhân vẫn là hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân.
 
    Theo Hiến pháp, thì công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam, nhưng nếu xâm phạm chỗ ở của người nước ngoài cũng bị coi là xâm phạm chỗ ở của công dân, vì theo quy định tại Điều 81 Hiến pháp năm 1992 thì: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền và lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam”.
 
    3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
 
    a) Hành vi khách quan
    
    Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân có thể có các hành vi như: khám xét chỗ ở, đuổi người ra khỏi chỗ ở của họ hoặc hành vi khác xâm phạm chỗ ở.
 
    Khám xét chỗ ở là hành vi lục soát, tìm kiếm những gì mà người khám có ý định tìm kiếm trong phạm vi chỗ ở của người khác. Nếu khám xét là một hoạt động điều tra, thì việc khám xét là để tìm kiếm và thu hồi công cụ, phương tiện phạm tội (vật chứng), đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc để phát thiện người phạm tội đang lẩn trốn hoặc có lệnh truy nã, v.v…
 
    Khám xét trái phép là khám xét không được pháp luật cho phép như: không có lệnh khám xét chỗ ở, tuy có lệnh nhưng lệnh đó không hợp pháp hoặc khi thực hiện việc khám không đúng thủ tục…Muốn biết trường hợp nào là khám xét chỗ ở trái phép thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về trường hợp được khám chỗ ở. Việc khám xét chỗ ở có liên quan đến hành vi phạm tội được tiến hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, còn việc khám chỗ ở có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính được tiến hành theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
 
    Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự thì việc khám chỗ ở có liên quan đến hành vi phạm tội chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở của công dân có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc phát hiện có người đang có lệnh truy nã.
 
    Việc khám xét chỗ ở theo thủ tục hành chính tuy không được quy định cụ thể như Bộ luật tố tụng hình sự, nhưng căn cứ vào quy định về khám nươi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, thì nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể là chỗ ở.
 
    Như vậy, việc khám chỗ ở của công dân được pháp luật quy định rất chặt chẽ, nếu khám xét chỗ ở của công dân không đúng với quy định đều là hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân. Tuy nhiên, không phải là hành vi xâm phạm nào cũng cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của công dân, mà chỉ coi là tội phạm khi hành vi xâm phạm chỗ ở được thực hiện do cố ý, nếu thiếu trách nhiệm hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém thì tùy trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử lý hành chính.
 
    Đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác nhằm buộc người khác ra khỏi chỗ họ đang ở. Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ thường do những người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: chủ nợ xiết nợ, tranh chấp thừa kế, tranh chấp trong quan hệ thuê nhà, mượn nhà… Tuy nhiên, cũng có trường hợp người thực hiện hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ lại do người có chức vụ,quyền hạn thực hiện, trong trường hợp này chủ yếu do người thực hiện công vụ trái pháp luật như cán bộ thi hành án, cán bộ thi hành quyết định hành chính gây ra.
 
    Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ được coi là hoàn thành khi người bị đuổi buộc phải ra khỏi nhà, không kể thời gian là bao nhiêu, đối với một người hay tất cả gia đình họ, không kể sau khi bị đuổi họ không được trở lại hay đã trở lại chỗ ở trước đó bị đuổi.--- Nếu trong khi thực hiện hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ mà còn gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của người bị đuổi thì ngườ phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra. Ví dụ: Trịnh Bá A, quê Nghệ An vào khai hoang tại Tây Nguyên. Khi về thăm quê, biết bố mẹ đã bán nhà cho anh Nguyễn Văn T, vợ chồng anh T đã trả đủ tiền và dọn đến ở, mọi thủ tục sang tên đã hoàn tất, nhưng A cho rằng, việc bố mẹ bán nhà không hỏi ý kiến mình, giá nhà lại đang tăng. Lấy lý do muốn giữ lại ngôi nhà để thờ cúng tổ tiên, A nhiều lần đến gặp vợ chồng anh T xin hủy hợp đồng mua bán nhà, nhưng anh T không đồng ý nên A đã tổ chức 10 người mang theo dao, gậy kéo đến nhà đe dọa buộc vợ chồng anh T phải ra khỏi nhà. Bị anh T chống cự, A đã dùng dao chém anh T nhiều nhát, gây thương tích có tỉ lệ thương tật là 40%. Ngoài hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi nơi ở của họ, A còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.
 
    Hành vi khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân là những hành vi không phải là khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác hoặc đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ. Hành vi này biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ nhà và gia đình họ ra khỏi chỗ ở rồi chiếm chỗ ở; tự ý dọn đồ của chủ nhà ra ngoài để chuyển đồ đạc của mình vào nhà khi chủ nhà đi vắng rồi ở luôn trong nhà.
 
    Cũng có trường hợp không dọn đồ đạc của chủ nhà ra mà trong lúc chủ nhà đi vắng đã dọn đồ đạc của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm vào nơi ở của chủ nhà nhằm mục đích tranh giành một phần diện tích nhà ở. Ví dụ: phòng 51, nhà B9, khu tập thể K.L có diện tích 17m2, của cơ quan T giao cho anh Đỗ Cao Thăng và anh Võ Thành Long là hộ độc thân ở và quản lý. Khi anh Long lấy vợ, Nguyễn Duy Ng, Phó văn phòng và Nguyễn Đức T, Trưởng phòng tài vụ cơ quan T lấy lý do anh Long lấy vợ nhằm chiếm nhà của cơ quan để thu hồi và phân cho người khác. Lợi dụng việc lãnh đạo cơ quan có chủ trương giải tỏa túp lều của ông Phạm Văn K là bảo vệ cơ quan đã về hư, nên Ng và T đã chuyển toàn bộ đồ đạc của ông K đến phòng 51 trong lúc anh Long và anh Thăng không có nhà.
 
    Nói chung hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân là rất đa dạng. Vì vậy, khi xác định hành vi này có phải là hành vi phạm tội hay không, trước hết phải xem hành vi đó có xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân hay không, sau đó mới xem xét đến hình thức xâm phạm
 
    b) Hậu quả
 
    Hậu quả của tội xâm phạm chỗ ở của công dân là làm cho người khác bị mất chỗ ở, ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của công dân và các thành viên trong gia đình họ hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại. Các thiệt hại này phải liên quan đến hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân, nếu còn xâm phạm đến các quyền khác thì tùy trường hợp, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng. Ví dụ: trong khi dùng vũ lực đuổi người khác ra khỏi chỗ ở của họ, người phạm tội đã gây thương tích cho chủ nhà với tỉ lệ thương tật là 31%, thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự. Cũng có quan điểm cho rằng, nếu người phạm tội dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt nhà của người khác thì hành vi đó cấu thành tội cướp tài sản.
 
    Thời điểm hoàn thành của tội phạm này là kể từ khi quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân bị ảnh hưởng, không kể mức độ gây thiệt hại nhiều hay ít. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại càng lớn, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội càng cao. Ví dụ: chiếm chỗ ở của người khác nguy nhiểm hơn trường hợp khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác.
 
    4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
 
    Tội xâm phạm chỗ ở của công dân được thực hiện do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (cố ý trực tiếp) hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (cố ý gián tiếp). Trong thực tiễn, lỗi này thường là cố ý trực tiếp.
 
    Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.--- Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm được chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong khám chỗ ở của người khác, có người mong đuổi được người khác khỏi chỗ ở, có người mong lấn chiếm được một phần chỗ ở của người khác, v.v..
 
    Khi xác định lỗi, cũng như động cơ, mục đích của người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân, cần chú ý một số vấn đề sau:
 
    - Đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân của những người thực hiện công vụ (điều tra viên, chấp hành viên, cảnh sát, cán bộ quản lý thị trường, kiểm lâm, bộ đội biên phòng…) nếu vì động cơ đấu tranh phòng chống tội phạm và do yếu kém nghiệp vụ hoặc vì thiếu trách nhiệm để cấp dưới của mình khám xét trái phép chỗ ở của công dân thì không bị coi là cố ý phạm tội, mà tùy trường hợp hành vi của những người này có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự.
 
    - Đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân nhưng không phải là những người thực hiện công vụ thì không cần phải xác định động cơ, mục đích của người phạm tội, vì họ không phải là người thi hành công vụ nên việc xâm phạm chỗ ở của công dân chỉ là do cố ý, không thể có trường hợp do nghiệp vụ non kém hay do thiếu trách nhiệm mà xâm phạm trái phép chỗ ở của công dân được.

Tội xâm phạm quyền tự do
Hỏi đáp mới nhất về Tội xâm phạm quyền tự do
Hỏi đáp pháp luật
Đọc trộm tin nhắn của người khác có bị đi tù không?
Hỏi đáp pháp luật
Hình phạt áp dụng đối với tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Bộ Luật hình sự 2015
Hỏi đáp pháp luật
Hình phạt áp dụng đối với tội xâm phạm quyền biểu tình của công dân theo Bộ Luật hình sự 2015
Hỏi đáp pháp luật
Tội xâm phạm các quyền hội họp, lập hội, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Bộ Luật hình sự 1985
Hỏi đáp pháp luật
Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo Bộ luật hình sự 1985
Hỏi đáp pháp luật
Trường hợp phạm tội cụ thể khi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
Hỏi đáp pháp luật
Các trường hợp phạm tội cụ thể khi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân
Hỏi đáp pháp luật
Đối tượng "bắt cóc" là bố đẻ của đứa trẻ và mục đích bắt cóc chỉ là để dành quyền nuôi dưỡng chăm sóc con thì sẽ xử lý như thế nào?
Hỏi đáp pháp luật
Có thể kiện gia đình vợ bắt cóc con?
Hỏi đáp pháp luật
Nhận biết tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tội xâm phạm quyền tự do
Thư Viện Pháp Luật
238 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Tội xâm phạm quyền tự do
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào