Các trường hợp phạm tội cụ thể khi tội xâm phạm chỗ ở của công dân
1. Phạm tội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 124
Trường hợp xâm phạm chỗ ở của công dân không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 124 có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 124, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một trong ba hành vi quy định tại điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội nếu có nhiều tình tiết tăng nặng, không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ. Nếu người phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho họ được hưởng án treo.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 124
a) Phạm tội có tổ chức
Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, xâm phạm chỗ ở của công dân có tổ chức là trường hợp có nhiều người cùng cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch kế hoạch để thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.
Xâm phạm chỗ ở của công dân có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Ví dụ: theo bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án quận thì anh Nguyễn Cảnh D phải trả nhà cho bà Tô Thị Ng; sau khi xét xử sơ thẩm, anh D kháng cáo với nội dung không đồng ý trả nhà cho bà Ng. Trong thời gian chờ Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại, anh D cùng gai đình đi nghỉ mát ở Vũng Tàu; bà Ng lợi dụng cơ hội này đã thuê một số người đến phá khóa vào nhà anh D dọn hết đồ đạc của gia đình anh ra chất đống ngoài vỉa hè và thay khóa khác. Khi gia đình anh D đi nghỉ mát về thấy vậy đã báo cho chính quyền địa hương đến giải quyết.
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm chỗ ở của công dân
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu của, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có ưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm chỗ ở của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ; nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội dễ dàng thực hiện tội phạm.
Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Đỗ Văn Ch là Đội trưởng đội dân phòng, chỉ vì nghi ngờ cháu Phạm Quốc A trộm cắp chiếc radio của mình nên Ch đã vào nhà cháu A lục lọi khắp nơi để tìm nhưng không thấy. Trong trường hợp này mặc dù Ch có chức vụ nhưng khi khám nhà cháu A, Ch không lợi dụng chức vụ của mình nên không thuộc trường hợp lợi dụng, chức vụ, quyền hạn.
b) Gây hậu quả nghiêm trọng
Xâm phạm chỗ ở của công dân gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân nên đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc những thiệt hại khác cho xã hội. Mặc dù cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn thế nào là xâm phạm chỗ ở của công dân gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng căn cứ vào thực tiễn xét xử có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng:
- Gây chết người ngoài trường hợp dùng vũ lực. Ví dụ: đuổi một người đang bị bệnh nặng ra khỏi nhà dẫn đến người này bị chết.
- Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỉ lệ thương tật từ 41% trở lên ngoài trường hợp dùng vũ lực;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, ngoài hành vi hủy hại hoặc làm hư hỏng tài sản của chủ nhà khi thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân. Ví dụ: do dọn đồ đạc của chủ nhà ra khỏi nhà nên bị hư hỏng, mất mát.
- Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định hậu quả nghiêm trọng như: người bị đuổi ra khỏi nhà đi lang thang, phải bỏ học, bỏ sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức…
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 124 thì người phạm tội bị phạt tù từ một năm đến ba năm, cũng là tội phạm ít nghiêm trọng.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, Tòa án có thể phạt dưới một năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ;người nếu phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ, là người thuộc đối tượng nghiêm trị được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự (người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng) thì phạt mức cao của khung hình phạt (ba năm tù).
3. Hình phạt bổ sung
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc trường hợp được hưởng án treo.
Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, Tòa án cần xác định, nếu xét thấy để người phạm tội đảm nhiệm những chức vụ đó có thể gây nguy hại cho xã hội, thì mới áp dụng hình phạt này, không nên áp dụng tràn lan. Thông thường, chỉ trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm chỗ ở của công dân mới áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?
- Đảo Phú Quốc có hình dạng gần giống như hình nào? Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất tỉnh Kiên Giang đúng không?
- Các trường hợp không được hoàn thuế GTGT dự án đầu tư từ ngày 01/7/2025?