Dấu hiệu cơ bản của tội làm sai lệch kết quả bầu cử

Nhận biết tội làm sai lệch kết quả bầu cử qua các dấu hiệu cơ bản nào?

    1.Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
 
    Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội làm sai lệch kết quả bầu cử chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này vì cả khoản 1 và 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng.
 
    Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, đối với những người khác, có thể là chủ thể trong trường hợp có đồng phạm.
 
     Người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử là người được giao nhiệm vụ tổ chức việc bầu cử như: Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử; Trưởng ban, Phó trưởng ban giám sát bầu cử; ủy viên Ủy ban bầu cử; nhân viên giúp việc trong ban bầu cử, tổ bầu cử… Nói chung, những người được giao nhiệm vụ trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử và do có trách nhiệm này nên mới làm sai lệch được kết quả bầu cử.
 
    2. Các vấn đề thuộc mặt khách quan của tội phạm
 
    Đây là vấn đề khá phức tạp và có nhiều ý kiến khác nhau về khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử. Nếu là khách thể loại, thì ai cũng hiểu được rằng đó là quyền tự do dân chủ của công dân, nhưng khách thể trực tiếp của tội phạm này là gì, thì là vấn đề cần trao đổi. Nếu trước đây, hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử được quy định chung trong cùng một điều luật với tên gọi là xâm phạm quyền bầu cử của công dân (Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985) thì việc xác định khách thể không có gì phức tạp, nay hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử lại quy định thành tội danh độc lập, vậy khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử có còn là quyền bầu cử của công dân nữa hay không? Cũng có ý kiến cho rằng, khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử không phải là quyền bầu cử hoặc quyền ứng cử của công dân nữa, vì hai quyền này công dân đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi xâm phạm đến sự quản lý của cơ quan tổ chức bầu cử và theo ý kiến này, thì tội làm sai lệch kết quả bầu cử phải được quy định ở Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính mới đúng.
 
    Có thể vấn đề xác định khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử còn những ý kiến khác nhau, nhưng việc xác định khách thể của tội phạm chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận và có ý nghĩa trực tiếp đối với việc cơ cấu Bộ luật hình sự trong quá trình soạn thảo, thông qua, mà không làm thay đổi đặc điểm của tội phạm cũng như các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử gây ra, chúng ta thấy khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử cũng chính là quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân, bởi lẽ suy cho cùng thì hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử đã gián tiếp xâm phạm đến quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân. Ví dụ: việc sửa chữa phiếu bầu đã làm cho giá trị của phiếu bầu đó không còn đúng với kết quả ban đầu mà công dân đã lựa chọn. Cũng tương tự như đối với tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự, quyền này được ghi nhận tại Điều 54 Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa bởi những quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, cũng như các quy định cụ thể về việc tổ chức bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
 
    Đối tượng tác động của tội phạm này là kết quả bầu cử, kết quả này có thể được ghi nhận trong một biên bản, một báo cáo, một danh sách hoặc được lưu trong máy tính…
 
    3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
 
    a) Hành vi khách quan
 
    Để thực hiện hành vi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:
 
    - Giả mạo giấy tờ để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi làm phiếu bầu cử giả hoặc dùng phiếu bầu cử giả, sửa chữa kết quả bầu cử trên các phiếu bầu, thêm hoặc bớt phiếu bầu với mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử theo ý mình. Ví dụ: Trần Văn K là Trưởng ban kiểm soát phiếu kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân huyện H, đã sửa chữa kết quả bầu cử trong biên bản kiểm phiếu để bà Trần Thị Hồng H không trúng cử, vì giữa bà H và K có mâu thuẫn.
 
    - Gian lận phiếu để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi dối trá trong việc thêm, bớt phiếu bầu dẫn đến kết quả bầu cử không chính xác như: thêm phiếu trúng cử cho người mà mình quan tâm hoặc bớt phiếu trúng cử đối với người mà mình không muốn trúng cử. Ví dụ: Hồ Anh D là thành viên trong Ban kiểm phiếu, vì không muốn cho ông Võ Thành N trúng cử nên đã rút bớt phiếu trúng cử của ông N trước khi bắt đầu kiểm phiếu.
 
    - Dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi ngoài hành vi giả mạo giấy tờ hoặc gian lận phiếu bầu nhưng cũng làm sai lệch kết quả bầu cử. Đây là quy định mở, nhằm đề phòng những trường hợp không phải là giả mạo giấy tờ hoặc gian lận phiếu bầu nhưng vẫn làm sai lệch kết quả bầu cử.
 
    Do kỹ thuật lập pháp của nước ta không chỉ có tội phạm này nhà làm luật mới quy định thủ đoạn khác mà trong nhiều điều luật của Bộ luật hình sự chúng ta cũng thấy cách quy định này. Nếu để cho ngắn gọn thì chỉ cần quy định “người nào cáo trách nhiệm làm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà có thủ đoạn làm sai lệch kết quả bầu cử” là đủ, mà không cần phải quy định giả mạo giấy tờ hoặc gian lận phiếu. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định như vậy thì quá chung chung, không phổ thông, nhất là việc giải thích chính thức các luật ở nước ta chưa có điều kiện thực hiện. Mặt khác, khi quy định các dấu hiệu đặc trưng của từng tội phạm cũng cần phải nêu được một số dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác.
 
    Thủ đoạn khác làm sai lệch kết quả bầu cử, trong thực tế xảy ra rất đa dạng như mua chuộc, dụ dỗ, cưỡng ép… người có trách nhiệm trong việc tổ chức giám sát việc bầu cử để những người này thực hiện hành vi giả mạo giấy tờ hoặc gian lận phiếu bầu để làm sai lệch kết quả bầu cử.
 
    b) Hậu quả
 
    Hậu quả của tội làm sai lệch kết quả bầu cử là những thiệt hại do hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác gây ra, mà trước hết là kết quả bầu cử bị sai lệch, không đúng với kết quả thực. Ngoài ra, còn gây ra những thiệt hại khác về vật chất hoặc phi vật chất.
 
    Theo quy định của điều văn trong điều luật, thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm này, vì chỉ cần người phạm tội đã có hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử là tội phạm đã hoàn thành. Việc kết quả bầu cử có bị làm sai lệch hay không chỉ có ý nghĩa đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi quy định hình phạt. Tuy nhiên, nếu kết quả bầu cử không bị làm sai lệch thì tùy trường hợp cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng có thể không truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội. Trường hợp kết quả bầu cử tuy không bị sai lệch, nhưng phạm tội có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều mặt đến quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
    4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
 
    Tội làm sai lệch kết quả bầu cử thực hiện do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Nói chung, người phạm tội làm sai lệch kết quả bầu cử thực hiện hành vi của mình do lỗi cố ý trực tiếp.
 
    Người phạm tội làm sai lệch kết quả bầu cử có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
 
    Mục đích của người phạm tội là mong muốn hoặc bọ mặc kết quả bầu cử bị làm sai lệch. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người mong sai lệch nhiều, có người chỉ mong sai lệch một phiếu để người mà mình quan tâm trúng cử.

Tội xâm phạm quyền tự do
Hỏi đáp mới nhất về Tội xâm phạm quyền tự do
Hỏi đáp pháp luật
Đọc trộm tin nhắn của người khác có bị đi tù không?
Hỏi đáp pháp luật
Hình phạt áp dụng đối với tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Bộ Luật hình sự 2015
Hỏi đáp pháp luật
Hình phạt áp dụng đối với tội xâm phạm quyền biểu tình của công dân theo Bộ Luật hình sự 2015
Hỏi đáp pháp luật
Tội xâm phạm các quyền hội họp, lập hội, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Bộ Luật hình sự 1985
Hỏi đáp pháp luật
Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo Bộ luật hình sự 1985
Hỏi đáp pháp luật
Trường hợp phạm tội cụ thể khi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
Hỏi đáp pháp luật
Các trường hợp phạm tội cụ thể khi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân
Hỏi đáp pháp luật
Đối tượng "bắt cóc" là bố đẻ của đứa trẻ và mục đích bắt cóc chỉ là để dành quyền nuôi dưỡng chăm sóc con thì sẽ xử lý như thế nào?
Hỏi đáp pháp luật
Có thể kiện gia đình vợ bắt cóc con?
Hỏi đáp pháp luật
Nhận biết tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tội xâm phạm quyền tự do
Thư Viện Pháp Luật
330 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Tội xâm phạm quyền tự do

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Tội xâm phạm quyền tự do

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào