Dấu hiệu cơ bản của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thế của các tội phạm khác, chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng có một đặc điểm khác với chủ thể của các tội phạm khác ở chỗ: người phạm tội phải là người đang có vợ hoặc có chồng hoặc một trong hai người phải là người đang có vợ hoặc đang có chồng.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chính là chế độ một vợ, một chồng, là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà Luật hôn nhân và gia đình quy định; bảo vệ chế độ một vợ, một chồng khỏi bị xâm hại cũng chính là giữ vững nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có thể có một trong các hành vi sau:
Đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn (kể cả hôn nhân thực tế được pháp luật thừa nhận) và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03-01-1987 và đang sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng từ ngày 03-01-1987 đến ngày 01-01-2001 và đang sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.
Hôn nhân thực tế là hôn nhân có đủ điều kiện kết hôn về nội dung, chỉ vi phạm điều kiện về hình thức là không có đăng ký kết hôn. Các điều kiện về nội dung là: có tổ chức lễ cưới khi về sống chung với nhau; việc chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận; việc chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Tuy nhiên, nếu những người đã chung sống với nhau như vợ chồng (hôn nhân thực tế) trước ngày 03-01-1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn, còn đối với những người chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03-01-1987 đến ngày 01-01-2001 trở đi nếu nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được công nhận là vợ chồng.
Việc chấm dứt quan hệ hôn nhân có thể do nhiều nguyên nhân như: một trong hai người chết (kể cả trường hợp chết về mặt pháp lý do Tòa án quyết định); đã ly hôn do Tòa án công nhân hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng mà bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu quan hệ hôn nhân đang tồn tại là quan hệ hôn nhân trái pháp luật mà một trong hai người tự ý kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng với người khác thì không phải là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Kết hôn với người khác trái pháp luật là hành vi lừa dối các cơ quan nhà nước để đăng ký kết hôn hoặc tổ chức đám cưới theo phong tục, tập quán; người phạm tội có thể lừa dối đối với người mà mình kết hôn như: nói dối là mình chua có vợ, chưa có chồng hoặc tuy đã có vợ hoặc có chồng nhưng nói dối là đã ly hôn hoặc đã chết làm cho người mà mình định kết hôn tin mà đồng ý kết hôn. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp cả hai người (nam và nữ) đều biết nhau đã có vợ hoặc đã có chồng nhưng vẫn cố tình lừa dối cơ quan nhà nước để được kết hôn trái pháp luật. Ví dụ: Nguyễn Như B đang có vợ hợp pháp và Đào Kim A đang có chồng hợp pháp, nhưng cả B và A bỏ nhà rủ nhau vào Lâm Đồng chung sống rồi dùng giấy tờ giả mạo để lừa dối UBND xã đăng ký kết hôn. Do không thẩm tra nên UBND xã đã đăng ký kết hôn cho Nguyễn Như B và Đào Kim A.
Nếu một trong hai người (nam hoặc nữ) bị lừa dối mà đồng ý kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có hành vi gian dối thì chỉ người có thủ đoạn gian dối mới bị coi là vi phạm chế độ một vợ, một chồng, còn người bị lừa dối không phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Ví dụ: Trần Trọng K là công nhân thuộc Công ty bảo dưỡng đường bộ NH. K đã có vợ hợp pháp ở quê và hai con. Do điều kiện công việc nên K thường xuyên phải sống xa nhà; năm 1993, K lừa dối để kết hôn với chị Tần Thị D và sinh được một con trai, đơn vị phát hiện đã xử lý hành chính và đã bị Tòa án nhân dân huyện hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa K với chị D. Năm 1999, K lại lừa dối chị Hoàng Thị O và chính quyền địa phương nơi K đang lao động để UBND xã lại đăng ký kết hôn cho K và O. Trong trường hợp này, chỉ có K là người có hành vi phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, còn chị D và O là người bị K lừa dối, không có hành vi phạm tội.
Hành vi chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi của nam và nữ không có đăng ký kết hôn nhưng về sống chung với nhau như vợ chồng, có thể có tổ chức lễ cưới hoặc không tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán; gia đình có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; họ sống với nhau như vợ chồng một cách công khai, mọi người xung quanh đều biết và cho rằng họ là vợ chồng.
Sẽ không phải là chung sống như vợ chồng nếu như nam và nữ lén lút quan hệ tình dục với nhau theo quan niệm mà xã hội gọi là “ngoại tình”
Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng là trường hợp người chưa có vợ, chưa có chồng biết rõ người khác đã có chồng, đã có vợ nhưng vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người này.
Người chưa có vợ hoặc chưa có chồng là người chưa kết hôn lần nào hoặc đã kết hôn nhưng đã ly hôn hoặc một trong hai người (vợ hoặc chồng) đã chết hoặc được Tòa án tuyên bố là đã chết. Điều luật quy định người chưa có vợ, chưa có chồng, nhưng bao gồm cả những người đã có vợ hoặc đa có chồng nhưng vợ hoặc chồng đã chết, đã ly hôn hoặc đã bị Tòa án hủy hôn nhân trái pháp luật. Đúng ra, nhà làm luật phải quy định: người đang chưa có vợ hoặc đang chưa có chồng, thì chuẩn xác hơn và không thể hiểu khác được.
Khi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đã có chồng hoặc có vợ, người phạm tội phải biết rõ người mà mình kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng là người đang có chồng hoặc có vợ. Nếu không biết rõ không phải là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Thông thường, trường hợp này người chưa có vợ, chưa có chồng (nhất là người chưa có chồng) bị người đang có vợ hoặc đang có chồng lừa dối nên mới kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người này.
Biết rõ là biết một cách chắc chắn, không có nghi ngờ gì về người mà mình kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng là họ đang có chồng hoặc đang có vợ, có thể do chính người đang có chồng hoặc có vợ nói cho biết hoặc thông qua người khác nói cho biết, hoặc tự tìm hiểu qua nhiều nguồn nên biết.
Các hành vi trên chỉ cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng khi người có hành vi đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm.
Đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần vi phạm chế độ một vợ, một chồng, đã bị xử lý hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi trên thì không cấu thành tội phạm này.
b) Hậu quả
Hậu quả của tội phạm này là hậu quả nghiêm trọng, nếu hậu quả gây ra chưa nghiêm trọng mà người phạm tội cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ra là những thiệt hại như: người vợ hoặc người chồng hợp pháp phải bỏ việc, phải tốn kém tiền của để lo giải quyết hàn gắn quan hệ vợ chồng hoặc do quá uất ức với hành vi vi phạm của người chồng hoặc người vợ mà sinh ra bệnh tật, tự sát, con cái bỏ học đi lang thang; hoặc do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà dẫn đến hành vi phạm tội khác như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Thực tiễn xét xử cho thấy hậu quả của hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thường là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm có thể là của chính người phạm tội nhưng cũng không ít trường hợp gây ra cho người thân của người phạm tội như: vợ hoặc chồng hợp pháp của người phạm tội, những cuộc đánh ghen thường xảy ra khi có hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập, nhưng có thể chưa cấu thành tội phạm này.
Có nhiều ý kiến khác nhau về hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, nhưng qua thực tiễn xét xử, có thể coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ra trong những trường hợp sau:
- Gây chết người (kể cả chết người do hành vi giết người);
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên;
- Gây dư luận xấu về các mặt văn hóa, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự quản lý xã hội, quản lý nhà nước;
Điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng mà không quy định gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm.
Như vậy, hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu người phạm tội chưa bị xử lý hành chính thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, thấy trước được hậu quả nghiêm trọng nhất định xảy ra hoặc có thể xảy ra, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc cho hậu quả xảy ra. Đối với tội tội phạm chế độ một vợ, một chồng, người phạm tội thường bỏ mặc cho hậu quả nghiêm trọng xảy ra, miễn là được chung sống như vợ chồng với nhau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?