Dấu hiệu nhận biết tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12,13 Bộ luật hình sự.
Đối với tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng trong trường hợp cụ thể thì người phạm tội phải là người có quan hệ nhất định với người bị hại. Ví dụ: chỉ người con của người bị hại mới là chủ thể của tội ngược đãi cha mẹ; chỉ người cháu (cháu nội hoặc cháu ngoại) của người bị hại mới là chủ thể của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà; chỉ người vợ của người bị hại mới là chủ thể của tội ngược đãi hoặc hành hạ chồng…
Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là tội phạm ít nghiêm trọng, nên chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, đối với hành vi ngược đãi hoặc hành hạ vợ chồng thì chỉ những người đến tuổi kết hôn và quan hệ hôn nhân đó được pháp luật thừa nhận thì người vợ hoặc người chồng đó mới có thể là chủ thể của tội ngược đãi hoặc hành hạ vợ chồng.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là quan hệ gia đình. Quan hệ này không chỉ được quy định tại Hiến pháp mà nó được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân và gia đình: “Cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau” (khoản 2 Điều 21); “Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con” (khoản 2 Điều 34); “Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ” (Điều 35); “Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu… có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu” (Điều 47)
Đối tượng tác động (người bị hại) của tội phạm này bao gồm: ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.
Ông bà bao gồm cả ông bà nội, ông bà ngoại. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng có cả ông bà bên vợ hoặc bên chồng, nếu bị cháu rể hoặc cháu dâu ngược đãi, hành hạ thì cũng là đối tượng điều chỉnh của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà. Có thể còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng theo chúng tôi, quan hệ ông bà với các cháu xuất phát từ quan hệ huyết thống chứ không xuất phát từ quan hệ hôn nhân, vì vậy, người bị hại (đối tượng tác động) của tội phạm này không bao gồm ông bà bên vợ hoặc ông bà bên chồng. Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình, khi quy định về quan hệ ông bà với các cháu cũng không quy định ông bà bên vợ hoặc bên chồng. Về quan hệ đạo đức, ông bà bên vợ cũng như ông bà bên chồng thì chồng hoặc vợ cũng phải tôn trọng, chăm sóc. Nhưng nghĩa vụ pháp lý và trách nhiệm hình sự đối với cháu rể hoặc cháu dâu thì lại là vấn đề khác. Nếu chúng ta chấp nhận quan điểm cho rằng, cháu rể hoặc cháu dâu có nghĩa vụ pháp lý đối với ông bà của vợ hoặc chồng mình thì sau khi quan hệ hôn nhân chấm dứt nghĩa vụ đó sẽ được thực hiện thế nào.
Cha mẹ bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng. Tuy nhiên, đối với cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng chỉ có thể là đối tượng của tội phạm này khi quan hệ hôn nhân vợ chồng vẫn còn tồn tại hoặc một trong hai người đã chết, nếu quan hệ hôn nhân chấm dứt do ly hôn và người vợ hoặc người chồng đã kết hôn với người khác thì cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng cũ không còn là đối tượng tác động của tội phạm này nữa.
Con bao gồm con đẻ (con trong giá thú hoặc ngoài giá thú), con nuôi, con dâu, con rể, con riêng của vợ hoặc chồng chưa thanh niên và đang chung sống chung với bố dượng hoặc mẹ kế.
Cháu bao gồm cháu nội hoặc cháu ngoại, cháu nuôi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, còn bao gồm cả cháu dâu, cháu rể cũng là đối tượng tác động của tội phạm này. Nhưng theo chúng tôi, đối tượng tác động của tội phạm này không bao gồm cháu dâu hoặc cháu rể.
Người có công nuôi dưỡng mình là người có công nuôi dưỡng người có hành vi ngược đãi, hành hạ. Đối tượng này không phụ thuộc vào quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân, mà hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ giữa người nuôi dưỡng với người được nuôi dưỡng. Nếu người nuôi dưỡng người phạm tội lại là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu bị ngược đãi, hành hạ thì không thuộc trường hợp ngược đãi, hành hạ người có công nuôi dưỡng mình.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Người phạm tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình có thể có một trong hai hành vi, đó là hành vi ngược đãi và hành hạ hoặc cả hai hành vi này.
Hành vi ngược đãi hoặc hành hạ tương tự như hành vi ngược đãi, hành hạ trong tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân, tự nguyện, tiến bộ quy định tại Điều 146 và tội hành hạ người khác quy định tại Điều 110Bộ luật hình sự.
Ngược đãi ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng là hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, trái với lẽ phải, với đạo đức của cháu đối với ông bà, của con đối với bố mẹ, của vợ đối với chồng hoặc của chồng đối với vợ, cha hoặc mẹ đối với con, người được nuôi dưỡng đối với người có công nuôi dưỡng mình.
Hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng là hành vi đối xử tàn ác của cháu đối với ông bà, của con đối với cha mẹ, của vợ với chồng hoặc của chồng với vợ, cha hoặc mẹ đối với con, người được nuôi dưỡng với người có công nuôi dưỡng mình.
Hành vi đối xử tàn ác được thể hiện như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm. Hành vi này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự.
Các hành vi trên chỉ cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình khi người có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm. Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính khác hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì cũng không cấu thành tội phạm này.
b) Hậu quả
Hậu quả của tội phạm này là hậu quả nghiêm trọng, nếu hậu quả gây ra chưa nghiêm trọng mà người phạm tội cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình cũng chưa cấu thành tội phạm này.
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình gây ra những thiệt hại cho ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình như: tính mạng, sức khỏe, do bị bệnh tật, do tự sát, hoặc những thiệt hại khác cho người bị hại (như phải bỏ học đi lang thang bị người khác rủ rê lôi kéo vào con đường tội phạm).
Tuy chưa có giải thích hướng dẫn chính thức thế nào là gây ra hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, nhưng qua thực tiễn xét xử, có thể coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình gây ra trong những trường hợp sau:
- Gây chết người (kể cả chết người do hành vi giết người);
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên (không kể thương tích hoặc tổn hại sức khỏe do chính người phạm tội trực tiếp gây ra cho người bị hại);
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên;
- Gây dư luận xấu về các mặt văn hóa, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức gia đình và xã hội.
Điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng mà không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu người ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình mà gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm.
Như vậy, hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.
Tuy nhiên, tội phạm là tội xâm phạm quan hệ gia đình, nên thực tế có nhiều trường hợp người phạm tội không nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi ngược đãi, hành hạ người thân của mình, thậm chí một số bậc cha mẹ còn cho rằng đánh đập con cái là quyền của bố mẹ và đó là phương pháp dạy dỗ, giáo dục con cái. Cũng chính xuất phát từ tư tưởng lạc hậu này nên có những người con bị ngược đãi, hành hạ thậm tệ nhưng không dám tố cáo hành vi của cha mẹ, còn cha mẹ thì thản nhiên coi như không có chuyện gì xảy ra. Chiếu cố đến một thực trạng này và khi xã hội chưa phát triển cao, nên nhà làm luật quy định hành vi ngược đãi, hành hạ phải gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm mới là tội phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Người có công với cách mạng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?