Trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 294 BLHS (tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội)
a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng
Không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia là trường hợp biết rõ một người đã có hành vi vi phạm một trong các tội quy định từ Điều 78 đến Điều 91 Bộ luật hình sự mà không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không kết luận điều tra hoặc không lập cáo trạng truy tố người có hành vi phạm tội.
Không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp biết rõ một người đã có hành vi phạm tội thuộc trường hợp có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình mà không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không kết luận điều tra hoặc không lập cáo trạng truy tố người có hành vi phạm tội. Ví dụ: Điều 193, các khoản 3 và 4 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 194, các khoản 3 và 4 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy); Điều 195, các khoản 3 và 4 (tội tàng trữ, vận chuyển mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 197, các khoản 3 và 4 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy); v.v..
Tuy nhiên, để xác định hành vi của một người có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm đã là một việc khó, nhưng để xác định người phạm tội thuộc trường hợp nào, tại điều khoản nào của Bộ luật hình sự lại càng khó hơn, trong khi đó điều luật quy định người phạm tội phải biết rõ hành vi phạm tội đó là có tội và tội phạm đó thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì không đơn giản.
b) Gây hậu quả nghiêm trọng
Khác với trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, nếu hậu quả nghiêm trọng do hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là thiệt hại gây ra cho chính người bị oan và gia đình họ là chủ yếu, thì hậu quả do hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội lại là những thiệt hại gây ra cho xã hội là chủ yếu.
Để lọt người phạm tội, tức là trên thực tế tội phạm đã xảy ra nhưng do để lọt người phạm tội nên những thiệt hại do tội phạm đã gây ra không được xử lý và do không được xử lý nên các thiệt hại đó không được khắc phục kịp thời, dẫn đến những thiệt hại khác cùng với những thiệt hại mà người phạm tội đã gây ra cho xã hội.
Việc xác định hậu quả do hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội gây ra cũng có ý kiến khác nhau:
Có ý kiến cho rằng, tiêu chí để xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, mà còn phải căn cứ vào những thiệt hại do không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên họ tiếp tục gây thiệt hại cho xã hội, như tiếp tục phạm tội khác nhưng gây ra những thiệt hại cho xã hội mà chưa tới mức cấu thành tội phạm.
Các ý kiến trên có yếu tố hợp lý, nhưng chưa đầy đủ, bởi lẽ bỏ lọt một người phạm tội ít nghiêm trọng nhưng cũng có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, thâm chí gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Mặt khác, điểm a khoản 2 điều luật nhà làm luật đã quy định tình tiết: “không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng” là tình tiết định khung hình phạt rồi, nếu lại xác định loại tội mà người có thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự để xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nữa thì không phù hợp.
Do đó, chỉ có thể xác định hậu quả do hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất và tùy thuộc vào mức độ thiệt hại cho xã hội mà xác định hậu quả đó là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi chưa có giải thích hướng dẫn chính thức thì có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội gây ra.
Ngoài việc tham khảo thông tư liên tịch trên, còn phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể do để lọt tội mà người được “thoát tội” gây ra những thiệt hại cho xã hội để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội gây ra. Ví dụ: do không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ, nên Vũ Quang D đã được đề bạt làm Thứ trưởng và ở cương vị này D tiếp tục thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi và trù dập người đã tố cáo D.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 294 người phạm tội bị phạt tù từ hai đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, phạm tội thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù, nhưng không được dưới sáu tháng tù.
Nếu người phạm tội thuộc trường hợp có cả 2 tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Danh sách 56 đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025?
- Ngày 25 tháng 11 âm là ngày bao nhiêu dương 2024? Người lao động được nghỉ hưởng lương vào ngày này không?
- Mẫu bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú mới nhất 2024?
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?