Nhận biết mặt khách quan của tội ra quyết định trái pháp luật
a) Hành vi khách quan
Người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định trái pháp luật có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản (nói chung là bằng văn bản) mà biết rõ là trái pháp luật.
Người thực hiện hành vi ra quyết định trái pháp luật cũng không giống nhau, mà tùy trường hợp người có thẩm quyền là ai mà để xác định hành vi ra quyết định có trái pháp luật hay không. Nếu người ra quyết định là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, điều tra viên thì chỉ có thể ra các quyết định trái pháp luật trong quá trình điều tra vụ án hình sự, nhưng nếu Chánh án, Phó chánh án tòa án, thẩm phán, hội thẩm thì không chỉ ra các quyết định trái pháp luật liên quan đến vụ án hình sự mà còn có những quyết định trái pháp luật liên quan đến các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.
Trong trường hợp ra quyết định bằng miệng thì phải có căn cứ xác định người có thẩm quyền đã quyết định và từ quyết định này đã trực tiếp gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì mới bị coi là hành vi phạm tội ra quyết định trái pháp luật. Ví dụ: Hoàng Văn D là Đội trưởng đội thi hành án dân sự huyện H, được phân công chỉ huy lực lượng cưỡng chế buộc gia đình bà M phải ra khỏi nhà để giao nhà cho anh K. Khi lực lượng cưỡng chế đã tập kết tại gia đình bà M thì nhận được quyết định tạm hoãn thi hành án để chờ kết quả giám đốc thẩm. Mặc dù đã nhận được quyết định tạm hoãn thi hành án, nhưng D vẫn ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế thi hành việc buộc gia đình bà M ra khỏi nhà.
Trong trường hợp quyết định trái pháp luật là quyết định bằng miệng của cấp trên đối với cấp dưới trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự hoặc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động có liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật trái pháp luật thì cần phân biệt:
- Nếu người ra quyết định (mệnh lệnh) biết rõ là do mệnh lệnh của mình mà cấp dưới đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật trái pháp luật thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 293, Điều 294, hoặc Điều 295 Bộ luật hình sự.
- Nếu người ra quyết định (mệnh lệnh) biết rõ là trái pháp luật nhưng không biết rõ là do mệnh lệnh của mình mà cấp dưới đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật trái pháp luật thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.
b) Hậu quả
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hành vi ra quy định trái pháp luật chưa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì chưa cấu thành tội phạm này, mà tùy trường hợp người có hành vi có thể chỉ bị xử lý hành chính.
Ở đây, chúng tòa án cần lưu ý là khoản 2 của điều luật cũng quy định tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt. Vậy gây hậu quả nghiêm trọng với thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích của tổ chức, công dân có gì khác nhau? Đây không phải là một trường hợp nhà làm luật quy định trong Bộ luật hình sự mà trong một số tội phạm khác cũng quy định “gây thiệt hại” và gây “hậu quả” là hai tình tiết khác nhau trong cùng một điều luật.
Khoa học luật hình sự coi hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là những thiệt hại mà người phạm tội gây ra cho xã hội. Như vậy, nếu hiểu hậu quả là những thiệt hại thì giữa hậu quả và thiệt hại không có gì khác nhau. Tuy nhiên, nếu xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra thì thiệt hại là do hành vi (nguyên nhân) trực tiếp gây ra, còn hậu quả có thể còn do hành vi là nguyên nhân gián tiếp gây ra. Ví dụ quyết định kê biên tài sản bị kê biên của chủ sở hữu tài sản, còn hậu quả do quyết định kê biên tài sản trái phép không chỉ bao gồm những thiệt hại do không thực hiện được quyền sở hữu gây ra (như mất thu nhập, phải hủy bỏ các hợp đồng do tài sản đã bị kê biên, ảnh hưởng đến đời sống của gia đình chủ sở hữu có tài sản bị kê biên trái phép..)
Điều luật chỉ quy định gây thiệt hại chứ không quy định gây thiệt hại nghiêm trọng, còn khoản 2 của điều luật quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, mức độ thiệt hại quy định tại khoản 1 (cấu thành cơ bản) phải thấp hơn trường hợp gây thiệt hại mà thiệt hại đó là hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 2 của điều luật. Do đó, việc nhà làm luật quy định gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân tại khoản 1 của điều luật (cấu thành cơ bản) với tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi ra quyết định trái pháp luật gây ra không có gì mâu thuẫn.
Mặc dù khoản 1 (cấu thành cơ bản) quy định chỉ cần gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là người có hành vi ra quyết định trái pháp luật đã cấu thành tội phạm này rồi, nhưng khi xem xét từng trường hợp cụ thể cần phải căn cứ vào tình tiết, mức độ nguy hiểm của hành vi ra quyết định trái pháp luật và thiệt hại thực tế mà người đã ra quyết định trái pháp luật đã gây ra cho Nhà nước, cho tổ chức hoặc cho công dân để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi ra quyết định trái pháp luật. Ví dụ quyết định tạm giữ một chiếc xe mô tô trái pháp luật gây thiệt hại thấp hơn một quyết định cưỡng chế thi hành án trái pháp luật buộc cả gia đình phải rời khỏi chỗ mình đang ở.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thiệt hại mà hành vi ra quyết định trái pháp luật gây ra phải đáng kể thì mới cấu thành tội phạm và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn bằng cách lượng hóa các thiệt hại do hành vi ra quyết định trái pháp luật. Theo ý kiến này thì hành vi ra quyết định trái pháp luật gây thiệt hại từ 50 triệu đến 100 triệu đồng; gây tổn hại đến sức khỏe con người có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức hoặc danh dự, nhân phẩm của công dân, thì người có hành vi ra quyết định trái pháp luật mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 296 Bộ luật hình sự.
Việc lượng hóa những thiệt hại để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự là một việc cần thiết, nhưng đối với loại tội phạm này chỉ nên lượng hóa những thiệt hại vật chất có thể lượng hóa được, còn những trường hợp gây thiệt hại phi vật chất thì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Đối với tội ra quyết định trái pháp luật ngoài h khách quan, nhà làm luật còn quy định một dấu hiệu khách quan khác rất quan trọng, đó là tính trái pháp luật của quyết định mà người có thẩm quyền đã ra.
Một quyết định bị coi là trái pháp luật là quyết định có nội dung không đúng với quy định của pháp luật. Khi xác định tính trái pháp luật của quyết định do người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ban hành cần phải xem xét cả nội dung và hình thức của quyết định. Nếu một người không có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì quyết định đó tuy trái pháp luật nhưng người ra quyết định đó không phạm tội ra quyết định trái pháp luật, mà tùy trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng quyền hoặc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Như vậy, tính trái pháp luật của quyết định là đối tượng của tội phạm này chỉ là những quyết định trái pháp luật liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Tính trái pháp luật được biểu hiện không chỉ trái pháp luật về nội dung của quyết định mà còn trái pháp luật về cả hình thức của quyết định đó. Tuy nhiên, người phạm tội ra quyết định trái pháp luật chủ yếu là trái pháp luật về nội dung, còn về hình thức rất ít trường hợp người phạm tội để sai, vì nếu vi phạm về hình thức quyết định thì dễ bị phát hiện, mà người phạm tội đã chủ định ra quyết định trái pháp luật thì bao giờ cũng bằng cách này hay cách khác để che giấu hành vi phạm tội của mình.
Ví dụ: anh D và chị L kết hôn với nhau năm 1990 và có một con chung, năm 1996, anh D yêu chị M cùng làm việc với anh D ở Nga; năm 2000 anh D về nước xin ly hôn với chị L, nhưng chị L không đồng ý ly hôn. Do quen biết với thẩm phán A, nên D nhờ A làm cho mình một quyết định “thuận tình ly hôn” với vợ là chị L để trở lại Nga kết hôn với chị M. Vì nể D là bạn học phổ thông với mình, nên A đã làm cho D một quyết định thuận tình ly hôn. Khi sự việc bị bại lộ thì mới biết quyết định thuận tình ly hôn mà thẩm phán A cấp cho D chỉ có chữ ký của anh D còn chữ ký của chị L là do D tự ký. Quyết định thuận tình ly hôn mà thẩm phán A cấp cho anh D cả nội dung và hình thức đều trái pháp luật. Về nội dung không có sự thuận tình của chị L, về hình thức chữ ký của chị L trong quyết định là chữ ký giả.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài vè về thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 ý nghĩa, hay nhất 2024?
- Lịch nghỉ Tết âm lịch 2025: Nghỉ liên tiếp 09 ngày đúng không?
- Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
- Đỉnh Fansipan ở tỉnh nào? Fansipan cao bao nhiêu mét? Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 đón bao nhiêu triệu lượt khách du lịch?
- Bài phát biểu ngày 20 11 của phụ huynh mới nhất năm 2024?