Người chưa thành niên gây tai nạn giao thông bị xử lý như thế nào?

Xin Luật sư giải đáp giúp, trong trường hợp người thanh niên 15 tuổi gây tai nạn cho một cụ bà 86 tuổi. Cụ bà đi bộ nhưng chưa qua đường, người thanh niên lái xe 50 phân khối đụng phải bà phải nằm viện. Vụ việc này cảnh sát giao thông tỉnh X khám nghiệm hiện trường sau đó mời hai bên đến hoà giải, cảnh sát giao thông cho rằng hai bên đều có lỗi nên yêu cầu tự dàn xếp. Nhưng gia đình cụ bà không đồng ý do bà cụ hiện nay không cử động được, tụ máu bầm trong não nhưng bác sĩ không thể phẫu thuật do bà truỵ tim. Gia đình bà cụ đã tốn nhiều tiền để chữa trị cho bà và yêu cầu bên gây tai nạn hỗ trợ bồi thường tiền thuốc men nhưng gia đình bên gây tai nạn thách thức và không bồi thường. Như vậy gia đình của cụ bà có thể làm những gì để đòi lại công bằng cho bà? Kính mong Luật sư hướng dẫn cụ thể. Xin chân thành cảm ơn!

1. Trước hết, muốn xác định hành vi gây tại nạn giao thông của cậu bé kia có đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 202 BLHS hay không thì gia đình cần cho bà cụ đi Giám định thương tật. Nếu tỷ lệ thương tật của bà cụ từ 31% trở  lên thì cậu bé có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cậu bé đó mới 15 tuổi, là trẻ Chưa thành niên nên khi áp dụng các quy định của BLHS cũng có những nét đặc thù so với người thành niên.

2. Việc bồi thường thiệt hại của cậu bé kia do người giám hộ (bố mẹ…) thực hiện theo quy định của pháp luật theo các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

3. Trẻ vị thành niên là người phát triển chưa đầy đủ về thể chất và tinh thần do vậy dễ mắc sai lầm, phạm pháp. Do vậy, trong vụ việc này nếu thương tật của bà cụ không quá lớn thì hai bên nên hòa giải để bồi thường dân sự như hướng dẫn của cán bộ công an.

4. Bạn có thể tham khảo các quy định sau đây của pháp luật để đối chiếu với thực tế vụ việc đó thì sẽ biết kết quả:

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Điều 202 BLHS quy định về tội Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.”.

                  Về các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự được hướng dẫn tại Nghị quyết02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao như sau:

“4.1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:

a. Làm chết một người;

b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;

d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.”.

             BLHS quy định đặc thù đối với Người chưa thành niên phạm tội như sau:

Điều 68. Áp dụng Bộ luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật không trái với những quy định của Chương này.

Điều 69. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

6. Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Điều 70. Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

1. Đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án có thể quyết định áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa sau đây:

a) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Đưa vào trường giáo dưỡng.

2. Toà án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ một năm đến hai năm đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.

Người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, lao động, tuân theo pháp luật dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền xã, phường, thị trấn và tổ chức xã hội được Toà án giao trách nhiệm.

3. Toà án có thể áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ một năm đến hai năm đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

4. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc người được đưa vào trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn do Toà án quyết định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của tổ chức, cơ quan, nhà trường được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, Toà án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc thời hạn ở trường giáo dưỡng.

Điều 71. Các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:

1. Cảnh cáo;

2. Phạt tiền;

3. Cải tạo không giam giữ;

4. Tù có thời hạn.

Điều 72. Phạt tiền

Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

Mức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Điều 73. Cải tạo không giam giữ

Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.

Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.

Điều 74. Tù có thời hạn

Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Điều 75. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:

1. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của Bộ luật này;

2. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội.

Điều 76. Giảm mức hình phạt đã tuyên

1. Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có nhiều tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Toà án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến bốn năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.

2. Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

3. Người chưa thành niên bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Toà án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ (BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI  HỢP ĐỒNG DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA)

Điều 606 Năng lực chịu trách nhiệm dân sự của cá nhân

1. Ng­ười từ đủ mư­ời tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thư­ờng.

2. Ngư­ời chư­a thành niên d­ưới m­ười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi th­ường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thư­ờng mà con ch­ưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi th­ường phần còn thiếu, trừ tr­ường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.

Người từ đủ m­ười lăm tuổi đến chư­a đủ m­ười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi th­ường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

 

Điều 632 BLDS bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phư­ơng tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi th­ường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho ng­ười khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi th­ường, trừ trư­ờng hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, ng­ười đ­ược chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi th­ường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các tr­ường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của ng­ười bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong tr­ường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ tr­ường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong tr­ường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì ng­ười đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi th­ường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, ng­ười đ­ược chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi th­ường thiệt hại.

         Nghị Quyết03/2006/NQ-HĐTP ngày 18/7/2006 của HĐTP TAND tối cao hướng dẫn về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định như sau:

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

1.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

(…)

1.3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế.

b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định như sau:

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc, có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.

- Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.

1.4. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

a) Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.

b) Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.

1.5. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.

            a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại.

            b) Trong mọi trường hợp, khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

            Đó là các quy định pháp luật liên quan đến vụ việc người thành niên gây tai nạn giao thông. Hi vong sau khi xem xong các quy định pháp luật nêu trên gia đình cụ già có thể tìm ra cách giải quyết tốt nhất, có tình có lý để giải quyết vụ việc!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
389 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào