Nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, tự trở về nước được tiếp nhận và hỗ trợ như thế nào?

Đầu tháng 02/2016, một phụ nữ tên Hương với dáng vẻ mệt mỏi, lo lắng đến Phòng Tư pháp huyện X, tỉnh Lạng Sơn trình bày: Cuối năm 2011 chị Hương theo chị H lên cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn buôn bán và bị chị H lừa đưa sang Trung Quốc bán làm vợ một người Trung Quốc già đáng tuổi cha của mình. Lợi dụng chủ nhà sơ hở, chị Hương đã bỏ trốn và may mắn được một người Trung Quốc tốt bụng giúp đỡ đưa qua biên giới về Việt Nam. Nhiều ngày nay, chị Hương phải sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi bị bọn buôn bán người bắt trở lại Trung Quốc. Hiện chị không có giấy tờ, tài sản gì. Vậy, thủ tục tiếp nhận, hỗ trợ chị Hương được quy định như thế nào?

Căn cứ  Điều 24 và khoản 3 của điều 26 Luật phòng, chống mua bán người thì việc tiếp nhận, hỗ trợ cho chị Hương được quy định như sau:

Phòng Tư pháp của huyện X sẽ thông báo về trường hợp của chị Hương với UBND cấp xã, nơi mà Phòng Tư pháp đóng trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiếp nhận nạn nhân thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện X thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ cho chị Hương và phối hợp với cơ quan Công an huyện X xác định thông tin ban đầu về chị Hương.       

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội  huyện X xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp chị Hương tự trở về nơi cư trú; Trường hợp chị Hương cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Trường hợp chị Hương chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận là nạn nhân của mua bán người thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện X đề nghị cơ quan Công an huyện X tiến hành việc xác minh.   

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an huyện X có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Nếu vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp có đủ điều kiện xác định chị Hương là nạn nhân thì cơ quan công an huyện X cấp giấy xác nhận nạn nhân cho chị.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
225 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào