Yêu cầu trả lại số tiền chuyển nhầm tài khoản

Ngày 01 tháng 05 năm 2016, tôi thực hiện giao dịch ATM chuyển 30 triệu đồng cho con trai tôi đang học tại TP. Hồ Chí Minh. Do sơ xuất, tôi đã thao tác và chuyển nhầm số tiền này vào tài khoản của một người khác. Ngay sau đó, tôi đã thông báo và đề nghị Ngân hàng tôi mở tai khoản rút lại số tiền cho tôi. Tuy nhiên, Ngân hàng cho biết giao dịch đã thành công, muốn rút lại tiền cần có sự đồng ý của người mà tôi đã chuyển nhầm. Xin hỏi trách nhiệm của Ngân hàng trong trường hợp tôi đã thông báo. Nếu người tôi chuyển nhầm không đồng ý, tôi có cách nào khác để lấy lại tiền không?

Khoản 4 Điều 36 Thông tư 23/2010/TT-NHNN ngày 09/11/2010 của Ngân hàng nhà nước quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quy định:

“4. Điều chỉnh các sai sót khác

Đối với Lệnh thanh toán sai địa chỉ khách hàng (Lệnh thanh toán chuyển đúng đơn vị nhận lệnh nhưng không có người nhận lệnh hoặc người nhận lệnh mở tài khoản ở Ngân hàng khác), sai tên, số hiệu tài khoản của người nhận Lệnh thanh toán (đúng tên nhưng sai số hiệu tài khoản hoặc ngược lại), ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, xử lý như sau:

a) Đối với các Lệnh thanh toán Có (hoặc Nợ) đơn vị nhận lệnh đã nhận nhưng chưa hạch toán thì thực hiện hạch toán vào tài khoản phải trả (phải thu) sau đó lập Lệnh thanh toán chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh. Nghiêm cấm đơn vị nhận lệnh chuyển tiền tiếp;

b) Đối với các Lệnh thanh toán đã thực hiện, đơn vị nhận lệnh xử lý tương tự như đã nêu tại Điểm b Khoản 3 Điều này.”

Như vậy, trước hết bạn cần mang theo giấy tờ tùy thân (đã sử dụng để mở tài khoản như Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước), thẻ ATM, hóa đơn chuyển khoản in ra từ máy ATM đến Ngân hàng để thông báo về việc chuyển nhầm (số tài khoản và số tiền chuyển nhầm).

Ngân hàng khi phát hiện có dấu hiệu nhầm lẫn hay sai sót sẽ thông báo cho chủ tài khoản và thực hiện phong tỏa, tạm khóa tài khoản để giải quyết vụ việc theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 12 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ như sau:

“1. Tài khoản thanh toán được tạm khóa (tạm ngừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản khi chủ tài khoản yêu cầu hoặc theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

2. Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong các trường hợp sau:

a) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền;

c) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thanh toán;

d) Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung”.

Khi xác định đúng bạn đã chuyển nhầm, tài khoản chuyển nhầm vẫn còn số tiền bạn chuyển đến, Ngân hàng sẽ thực hiện chuyển tiền trả lại cho bạn.

Trong trường hợp số tiền chuyển nhầm đã được rút, Ngân hàng có trách nhiệm thông báo với chủ tài khoản để yêu cầu trả lại.

Nếu chủ tài khoản không đồng ý trả lại, bạn có thể đề nghị Ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản để khởi kiện dân sự hoặc tố cáo đến cơ quan công an nhằm bảo vệ quyền lợi của mình theo các căn cứ pháp luật như sau:

1. Căn cứ pháp luật để khởi kiện dân sự:

Khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về nghĩa vụ hoàn trả: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó”.

Khoản 1 Điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được”.

Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định quyền khởi kiện vụ án: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

2. Căn cứ pháp luật để xử lý hình sự:

Khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội chiếm giữ trái phép tài sản: “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
264 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào