Trường hợp cụ thể khi phạm tội theo khoản 2 Điều 311 BLHS (tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử)

Trường hợp cụ thể khi phạm tội theo khoản 2 Điều 311 (Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử) là trường hợp nào?

 a) Có tổ chức
 
    Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang dẫn giải, đang bị xét xử có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng bỏ trốn hoặc giữa người bỏ trốn với người không bị giam, giữ hoặc trốn khi đang dẫn giải, đang bị xét xử dưới sự chỉ huy của người cầm đầu.
    
    Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang dẫn giải, đang bị xét xử có tổ chức thường được chuẩn bị rất chu đáo, có trường hợp được chuẩn bị hàng năm, vài năm; có trường hợp có sự móc nối với người không bị giam giữ; có trường hợp móc nối với chính cán bộ canh gác, bảo vệ thậm chí với cán bộ giám thị, quản giáo…Người cầm đầu, chỉ huy việc bỏ trốn có thể là người giam, giữ, đang dẫn giải, đang bị xét xử nhưng cũng có thể là người khác. Tuy nhiên, đối với người thực hành thì bao giờ cũng là người bỏ trốn.
 
    Nếu việc tổ chức trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang dẫn giải, đang bị xét xử mà không có ai bỏ trốn vì trở ngại khách quan thì tất cả những người tham gia vào việc tổ chức trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang dẫn giải, đang bị xét xử đều phạm tội tùy trường hợp cụ thể mà xác định ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.
 
    Nếu người bị giam, giữ, đang dẫn giải, đang bị xét xử tự ý nửa chừng chấm dứt việc bỏ trốn thì tât cả những người đồng phạm được miễn trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử (tội định phạm). Nếu hành vi đã thực hiện của những người đồng phạm cấu thành một tội phạm khác thì người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó.
 
    Ví dụ: Bùi Quang T, Vũ Khắc X và Phạm xuân K đã dùng tiền hối lộ cán bộ quản giáo để bỏ trốn khỏi nơi giam nhưng đến phút chót T đã từ bỏ ý định bỏ trốn nhưng X và K vẫn thực hiện việc bỏ trốn và bị bắt lại. T được miễn trách nhiệm hình sự về tội bỏ trốn khỏi nơi giam nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ.
 
    Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang dẫn giải, đang bị xét xử có tổ chức với quy mô càng lớn thì tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội càng cao, người bỏ trốn là người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị kết án tử hình thì mức hình phạt đối với người phạm tội phải càng nặng.
 
    b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải
 
    Trong quá trình thực hiện hành vi bỏ trốn, người phạm tội có thể bị người canh gác, người dẫn giải phát hiện bắt giữ hoặc bỏ trốn đề phòng người canh gác phát hiện nên người phạm tội đã dùng vũ lực đối với họ nhằm thực hiện hành vi bỏ trốn trót lọt.
 
    Hành vi dùng vũ lực của người bỏ trốn đối với người canh gác hoặc người dẫn giải cũng giống hành vi dùng vũ lực trong các tội khác như: đâm, chém, đấm, đá, bắn, đốt, cháy, tạt axit, xịt hơi cay, hơi ngạt hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm khác xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người canh gác hoặc người dẫn giải. Hành vi dùng vũ lực của người phạm tội (người bỏ trốn) có thể làm cho người canh gác hoặc người dẫn giải bị tê liệt nhưng cũng có thể không làm cho họ bị tê liệt, thì người có hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 điều 311 với tình tiết “ dùng vũ lực với người canh gác hoặc người dẫn giải”. Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý:
 
    - Chỉ cần người phạm tội đối với người canh giữ, dẫn giải là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật mà không cần hành vi dùng vũ lực phải gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe người canh giữ, dẫn giải. Tuy nhiên, nếu người phạm tội gây ra thương tích cho người canh giữ, dẫn giải có tỷ lệ thương tật dưới 11% thì cũng hỉ bị áp dụng khoản 2 của điều luật về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang dẫn giải, đang bị xét xử mà không bị truy cứu thêm tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe cho người khác theo điều 104 Bộ luật Hình sự.
 
    - Hành vi dùng vũ lực đối với người canh giữ, dẫn giải về bản chất đó là hành vi chống người thi hành công vụ nhưng người thực hiện hành vi lại là người trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử nên người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang dẫn giải, đang bị xét xử.
    
    - Nếu hành vi dùng vũ lực không phải đối với người canh gác hoặc người dẫn giải mà đối với người khác thì người bỏ trốn không bị áp dụng điểm b khoản 2 điều 311 mà tùy hợp hành vi vũ lực của người bỏ trốn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng với hành vi dùng vũ lực của người bỏ trốn như: tội giết người,tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội cướp tài sản, …
 
    Ví dụ: Lê Hồng Ch là phạm nhân đang thi hành án phạt tù ở trại cải tạo Gia Trung. Lợi dụng cán bộ canh gác mất cảnh giác, Ch đã bỏ trốn. Trên đường bỏ trốn, Ch đã gặp một người dân tộc Banar đi làm rẫy có tên là KHưl, Ch đã dùng đoạn cây đánh trọng thương anh KHưl để mặc và bỏ lại bộ quần áo tù. Sau khi tỉnh lại anh Khưl đã đi báo chính quyền và lực lượng truy bắt đã bắt được Lê Hồng Ch. Trong trường hợp này, Lê Hồng Ch bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam giữ theo quy định tại khoản 1 điều 311 và tội cướp tài sản theo điều 133 Bộ luật Hình sự.
 
    - Nếu hành vi dùng vũ lực của người bỏ trốn đối với người canh gác hoặc người dẫn giải cấu thành một tội phạm khác, thì người bỏ trốn vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 điều 311 vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác.
    
    Ví dụ:Đào Đình B trên đường bị dẫn giải tự trại tạm giam đến phòng xử án để xét xử theo lệnh trích xuất của tòa án, B đã xin với cán bộ dẫn giải mở còng để đi đại tiện. Khi cán bộ dẫn giải mở còng cho B thì B đã tấn công người dẫn giải rồi cướp sung bắn bị thương nặng một chiến sỹ cảnh sát tư pháp có tỷ lệ thương tật 45%. Trong trường hợp này, ngoài tội trốn khi đang bị dẫn giải theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 311, Đào Đình B còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng quy định tại điều 230 và tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự.
 
    Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều 311, người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm là tội phạm rất nghiêm trọng.
 
    Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong hai tình tiết định khung hình phạt, hành vi dùng vũ lực không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác và có nhiều tình tiết giảm nhẹ không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể áp dụng điều 47 Bộ luật Hình sự phạt dưới ba năm tù. Nếu thuộc cả hai tình tiết định khung hình phạt, hành vi dùng vũ lực bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tù đến mười năm.
 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào