Trường hợp phạm tội thuộc theo khoản 2 điều 312 (tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử)

Trường hợp phạm tội thuộc theo khoản 2 Điều 312 (Tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử) là trường hợp nào?

  a)Có tổ chức
 
    Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, đánh tháo người bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện hành vi đánh tháo, dưới sự chỉ huy của người cầm đầu.
 
    Tương tự như trường hợp trốn khỏi nơi giam giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử có tổ chức, việc đánh tháo người bị giam giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử có tổ chức thường được chuẩn bị rất chu đáo; có trường hợp được chuẩn bị hàng năm, có móc nối giữa những người trong trại giam hoặc với chính cán bộ canh gác, bảo vệ thậm chí với cán bộ giám thị, quản giáo…Người cầm đầu, chỉ huy việc đánh tháo thường là người không bị giam giữ nhưng cũng có thể là người bị giam giữ đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử.
 
    Đánh tháo người bị giam giữ, người đang bị dẫn giải hoặc người đang bị xét xử có quy mô càng lớn thì tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng cao và mức hình phạt đối với người phạm tội phải càng nặng.
 
    b)Lợi dụng chức vụ quyền hạn
 
      Lợi dụng chức vụ quyền hạn để đánh tháo người bị giam giữ, người đang bị dẫn giải hoặc người đang bị xét xử là hành vi của một người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để đánh tháo người bị giam giữ, người đang bị dẫn giải hoặc người đang bị xét xử.
 
    Chức vụ, quyền hạn mà người phạm tội có được là do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
 
    Mặc dù nhà làm luật không quy định người có chức vụ, quyền hạn có liên quan đến việc giam, giữ, dẫn giải hoặc xét xử nhưng xét về mối quan hệ giữa các chức vụ, quyền hạn với hành vi đánh tháo người bị giam, giữ, đang bị dẫn giải, đang bị xét xử thì thông thường chức vụ, quyền hạn của người phạm tội phải có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc giam, giữ, dẫn giải hoặc xét xử. Tuy nhiên, đối với những người có chức vụ, quyền hạn không liên quan đến việc giam, giữ, dẫn giải hoặc xét xử vẫn có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử.
 
    Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử là dùng chức vụ, quyền hạn của mình để tổ chức hoặc tham gia hoặc trực tiếp thực hiện hành vi đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử. Nếu người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tổ chức hoặc tham gia vào việc tổ chức đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử thì ngoài tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” người phạm tội còn bị áp dụng tình tiết “phạm tội có tổ chức”.
 
    Khi áp dụng tình tiết này, cần phân biệt với trường hợp người có chức vụ, quyền hạn do thiếu trách nhiệm hoặc do vi phạm các quy định về canh gác, dẫn giải để người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử bỏ trốn. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử là trực tiếp tham gia vào việc đánh tháo bằng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn (có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn), là đồng phạm hoặc là người thực hành tong vụ án đánh tháo người bị giam, giữ, đang bị dẫn giải, đang bị xét xử; mong muốn đánh tháo được người bị giam, giữ, đang bị dẫn giải, đang bị xét xử.
    
    c) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải
 
     Trường hợp phạm tội này như đã phân tích ở trên, hành vi dùng vũ lực đối với ngưới canh gác hoặc dẫn giải vừa là dấu hiêu định tội, vừa là dấu hiệu định khung hình phạt. Do đó, nếu người phạm tội dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc dẫn giải thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c, khoản 2 Điều 312 Bộ luật hình sự.
    
    d) Đánh tháo người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc người bị kết án tử hình
 
    Đây là trường hợp người bị đánh tháo là người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc bị kết án tử hình.
    
    Người bị kết án là người bị Tòa án tuyên bố phạm một tội hoặc một số tội được quy định tại Bộ luật hình sự bằng một bản án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
 
    Người bị kết án không chỉ bao gồm người mà bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với họ mà còn bao gồm cả bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Đây là vấn đề về lý luận và thực tiễn còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, người bị kết án chỉ bao gồm những người đã bị Tòa án tuyên bố phạm một tội hoặc một số tội được quy định tại Bộ luật hình sự bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật, vì Bộ luật tố tụng hình sự chỉ dùng thuật ngữ “người bị kết án” là để chỉ những người trong giai đoạn thi hành án, nên phải hiểu rằng người bị kết án là người mà bản án hình sự đối với họ đã có hiệu lực pháp luật.
    
    Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào thuật ngữ “người bị kết án” quy định trong giai đoạn thi hành án hình sự thì ý kiến trên là đúng, nhưng như vậy sẽ không lý giải được trường hợp một người bị Tòa án sơ thẩm kết án và bản án cũng chưa có hiệu lực pháp luật mà họ lại phạm một tội mới thì theo quy định của Bộ luật hình sự họ vẫn bị xem xét tội phạm mà họ đã bị Tòa án sơ thẩm kết án để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm đối với hành vi phạm tội sau.
 
    Cũng tương tự như vậy, đối với người được Tòa án sơ thẩm cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà họ phạm tội mới trong thời gian thử thách ngay sau khi tuyên án sơ thẩm và trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì họ vẫn phải chấp hành hình phạt tù mà Tòa án sơ thẩm đã cho họ hưởng án treo. Như vậy, thuật ngữ “người bị kết án” quy định ở đây bao gồm cả người đã bị Tòa án kết án mà bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật.
    
    Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia là người bị Tòa án tuyên bố phạm một tội hoặc một số tội được quy định tại Chương XI Bộ luật hình sự (từ Điều 78 đến Điều 91) bằng một bản án hình sự.
 
    Người bị kết án tử hình là người phạm một tội hoặc một số tội quy định tại Bộ luật hình sự và bị Tòa án áp dụng hình phạt tử hình. Ví dụ: Trần Văn B bị Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu phạt tử hỉnh về tội mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi xét xử sơ thẩm, A kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, Nguyễn Văn H, Vũ Văn T đã bàn bạc giải thoát B ra khỏi trại tạm giam để trả ơn B đã cưu mang cả gia đình H và T.
    
    Khi áp dụng tình tiết “đánh tháo người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc người bị kết án tử hình” cần chú ý:
 
    - Nếu người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng lúc đánh tháo đã được Tòa án cấp phúc thẩm hoặc Tòa án cấp Giám đốc thẩm tuyên bố họ lại phạm một tội khác, không phải tội xâm phạm an ninh quốc gia thì người phạm tội đánh tháo,… không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 312 Bộ luật hình sự nữa.
 
    đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
 
     Cũng như đối với một số tội khác quy định trong Bộ luật hình sự nói chung và Chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng, nhà làm luật quy định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt, nhưng hầu hết như các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương chưa hướng dẫn, nên thực tiễn xét xử khi càn phải xác định các tình tiết này, cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn, mà trường hợp đánh tháo người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử, gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng chỉ là cá biệt.
 
    Nhà làm luật quy định ba tình tiết có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau trong cùng một khung hình phạt cũng là một vấn đề đã được đề cập khi bình luận một số tội phạm khác. Tuy nhiên, việc xác định như thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử gây ra cần phải căn cứ vào những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất mà xác định hậu quả đó là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức thì có thể vận dụng các hướng dẫn về tình tiết này trong một số tội phạm khác để xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
 
    Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 312, người phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
 
    Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 312, chỉ gây hậu quả nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới năm năm tù. Nếu thuộc hai tình tiết định khung hình phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 312, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.
 

Tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Hỏi đáp mới nhất về Tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Hỏi đáp pháp luật
Công an triệu tập nhiều lần nhưng không thực hiện thì bị tội gì?
Hỏi đáp pháp luật
Khai báo gian dối trong vụ án hình sự thì bị tội gì?
Hỏi đáp pháp luật
Hành vi khai báo gian dối thì bị tội gì?
Hỏi đáp pháp luật
Trường hợp phạm tội thuộc theo khoản 1 Điều 312 BLHS (tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử)
Hỏi đáp pháp luật
Trường hợp phạm tội thuộc theo khoản 2 điều 312 (tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử)
Hỏi đáp pháp luật
Trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 306 BLHS (tội cản trở thi hành án)
Hỏi đáp pháp luật
Trường hợp phạm tội theo khoản 1 Điều 306 BLHS (tội cản trở thi hành án)
Hỏi đáp pháp luật
Tội cản trở thi hành án
Hỏi đáp pháp luật
Cản trở thi hành án, bị xử lý ra sao?
Hỏi đáp pháp luật
Trường hợp phạm tội theo khoản 3 Điều 302 BLHS (tội tha trái pháp luật người bị giam, giữ)
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Thư Viện Pháp Luật
595 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Tội xâm phạm hoạt động tư pháp

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào