Bồi thường khi nhân viên lái xe gây tai nạn giao thông

Tôi có va chạm xe máy với xe tải của anh Ngô Văn Lộc khiến tôi bị thương nặng và phải điều trị tại bệnh viện một tháng. Công an kết luận rằng do xe tải của anh Lộc điều khiển chạy quá tốc độ quy định dẫn đến việc va chạm với xe tôi. Anh Lộc là lái xe cho một công ty xây dựng tại Hà Nội. Vậy, ai có trách nhiệm bồi thường chi phí điều trị bệnh viện cho tôi? Chúng tôi muốn kiện đòi bồi thường thì sẽ kiện ai? Anh Lộc hay là Công ty Xây dựng?

Theo quy định tại mục 1 và mục 3 Chương XXI của Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Tòa án nhân dân Tối Cao hướng dẫn thi hành về việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có nội dung cụ thể như sau:

Điều 604 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Về nguyên tắc bồi thường quy định tại Điều 605: “1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.

Nhận thấy việc yêu cầu Bồi thường thiệt hại của anh do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Với nội dung này, áp dụng Điều 623 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:

“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

Ngoài vấn đề trên vụ việc của anh sẽ được áp dụng Điều 609 về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm:

“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.

Với việc Anh Lộc là lái xe cho một công ty xây dựng tại Hà Nội thì cần có căn cứ cụ thể để xác định chủ thể bồi thường. Nếu trường hợp Anh Lộc là nhân viên của công ty thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về công ty.

Theo quy định, chủ thể bị kiện (bị đơn) là anh Lộc, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty xây dựng. Về phần yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp anh và anh Lộc không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa yêu cầu công ty bồi thường.

Về thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 607 thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.

Anh nên khởi kiện tại TAND cấp quận huyện nơi bị đơn cư trú hoặc nơi công ty có trụ sở. Trường hợp đặc biệt anh có thể khởi kiện tại TAND cấp quận, huyện nơi anh cư trú (nếu hai bên không có thỏa thuận gì khác).

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
131 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào