Không xử lý kỷ luật với lao động nuôi con dưới 12 tháng

Vừa qua, công ty tôi có phân công một nữ thu ngân vừa đi thu tiền, vừa đi phát hợp đồng mới cho khách hàng. Công việc chính của chị này trong hợp đồng lao động là “thu ngân và thực hiện những công việc khác theo sự phân công của lãnh đạo công ty”. Và công ty đã phân chị này đi thu tiền kèm thêm phát gần 1.000 cái hợp đồng. Vì khối lượng công việc quá lớn nên chị này làm không nổi và báo cáo với lãnh đạo (có người làm chứng) nhưng lãnh đạo vẫn cứ bắt làm. Chị này vì thế mang theo hợp đồng đi giao. Khi giao, vì hợp đồng quá nhiều, khách hàng thì hối, dù chị đã nói phải chờ thu tiền xong đã. Có vài khách hàng nói rằng để họ tự tìm và chị đồng ý. Thế là khách hàng ôm đống hợp đồng thả xuống đất và ngồi tìm tên mình tạo ra một hình ảnh phản cảm và nhà báo lại ghi được hình ảnh này. Thế là ngay tức khắc, lãnh đạo yêu cầu dừng công việc lại và mang hợp đồng về. Sau khi về đến nơi, công ty tiến hành họp xét kỷ luật chị này theo hướng như sau: 1. Sa thải: Vì vi phạm quy trình giao tiếp khách hàng (có quy định trong nội quy lao động), tuy nhiên, trong quy trình này không có nói rõ là phải giao hợp đồng như thế nào mà chỉ nói chung chung là phải lịch sự, hòa nhã với khách hàng. Tuy nhiên, do thấy chị này vừa sinh xong (7 tháng), trong quá trình công tác không có xảy ra sự cố gì nên công ty loại phương án này và tiến hành khiển trách 2. Khiển trách: Vì vi phạm nội quy lao động (do thiếu trách nhiệm bảo quản tài sản, trong nội quy lao động có quy định). Cá nhân tôi cảm thấy việc xử lý kỷ luật chị này là không hợp lý nhưng không rõ pháp luật quy định xử lý như thế nào trong trường hợp này. Rất mong nhận được sự góp ý của luật sư.

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, cả hai hướng xử lý kỷ luật của công ty được thực hiện tại thời điểm hiện tại đều không hợp pháp bởi vì căn cứ theo quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 123, Bộ luật Lao động năm 2012 về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Hơn nữa, dù rằng nội quy lao động có quy định việc vi phạm quy trình giao tiếp khách hàng sẽ bị sa thải, nhưng quy định này trái pháp luật. Điều 126, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

3. Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.

Nếu không thuộc những trường hợp nêu trên, người sử dụng lao động không được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. 

Bộ luật Lao động năm 2012 nhấn mạnh không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động, nhưng điều này không đồng nghĩa rằng, nếu nội quy lao động có quy định về hành vi vi phạm thì người sử dụng lao động được quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
126 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào