Chuyển nhượng chồng 50 triệu đồng, có tội không?

Ông Trần Văn Thương chung sống với bà Bùi Thị Nhị, cùng ở xã Phú Thuận, Thoại Sơn (An Giang), có ba con chung. Năm 2010 ông Thương đến làm thầu cất nhà cho bà Bùi Thị Hiền - phụ nữ độc thân cùng xã. Hai bên nảy sinh tình cảm nên khi xây xong căn nhà, ông Thương ở lại… xây tiếp “tổ ấm” với bà này. Bà Nhị biết chuyện nên nhiều lần đến đánh ghen, yêu cầu họ chấm dứt mối quan hệ. Bà Hiền thú nhận mình quá yêu thương và muốn chung sống với ông Thương. Không biết cặp tình mới bàn tính cùng nhau thế nào mà sau đó bà Hiền tìm gặp bà Nhị thương lượng: nếu “nhường” lại chồng, để ông Thương đến sống hẳn với mình thì bà ta sẽ “đưa” bà Nhị 50 triệu đồng. Thấy khó ngăn cản được chồng, phần phải lo nuôi ba đứa con cùng mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi nên bà Nhị đồng ý. Cả ba người gồm ông Thương, bà Nhị, bà Hiền cùng làm và ký tên vào tờ thỏa thuận, trong đó có nội dung: “Ngày 24-5-2010 âm lịch, tôi Bùi Thị Nhị đồng ý cho chồng tôi là Trần Văn Thương sống cùng chung với chị Bùi Thị Hiền… Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai”. Từ đó ông Thương ở hẳn bên nhà bà Hiền, gần như ly thân với vợ, chỉ thỉnh thoảng về thăm mẹ, thăm con. Tưởng chuyện chỉ có thế thì bỗng dưng hai năm sau, ông Thương… cao chạy xa bay, không còn chung sống với bà Hiền nữa nên bà Hiền tìm gặp bà Nhị đòi lại 50 triệu đồng. UBND xã hòa giải ba lần ông Thương đều lánh mặt, còn bà Nhị khai trước đây mình không hề hỏi mượn gì cả, việc bà Hiền đưa cho 50 triệu đồng là phụ tiếp mình nuôi con, nuôi mẹ chồng để mình chấp thuận… giao chồng cho bà này. Sau đó bà Hiền khởi kiện ra tòa đòi tiền. Ngày 28-6-2013 tại TAND huyện Thoại Sơn, ông Thương nhận trách nhiệm và cam kết trả lại 50 triệu đồng cho người tình dứt điểm trong 60 ngày. Nguyên đơn chấp thuận, rút yêu cầu khởi kiện nên tòa quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Quá thời hạn cam kết mà người tình cũ không trả tiền, bà Hiền lại khởi kiện yêu cầu bà Nhị và ông Thương trả 50 triệu đồng. Bà Hiền đưa ra tờ thỏa thuận có dòng chữ “cho chị Bùi Thị Nhị mượn với số tiền mặt là 50 triệu đồng thời hạn 1 năm”, trong đó chữ “mượn”, số “1” và vài chỗ có dấu sửa, được tô đậm lên. Căn cứ vào đó bà Hiền quả quyết mình cho mượn tiền để… được chung sống với người tình, chứ không phải bỏ tiền ra để… mua chồng. Vấn đề cần trao đổi là bà Nhị, bà Hiền và ông Thương có vi phạm pháp luật không? Và vi phạm điều luật nào? Tòa án có thụ lý vụ kiện không? Và sẽ xử lý ra sao cho đúng các quy định pháp luật?

Theo nội dung vụ án, ở đây có hai sự việc cần xem xét về mặt pháp lý. Đó là sự việc 3 người, gồm bà Nhị, bà Hiền và ông Thương thỏa thuận về quan hệ với ông Thương và việc bà Hiền kiện đòi số tiền 50 triệu đồng. 

Về việc ba người thỏa thuận về mối quan hệ với ông Thương, xét về mặt pháp lý, ở đây có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. 

Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) 2014 quy định: Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Luật HNGĐ quy định tại khoản 1c điều 5: Nghiêm cấm: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.  Ông Thương đang có vợ có kết hôn là bà Nhị lại chung sống với bà Hiền là vi phạm khoản 1c điều 5 Luật HNGĐ. 

Việc bà Nhị, do không ngăn cản được việc ông Thương sang sống với bà Hiền, chấp nhận không đánh ghen, không xúc phạm bà Hiền mà không tố cáo trước các cơ quan chức năng là việc làm sai, thiếu trách nhiệm với gia đình mình và các con cái, tuy không vi phạm pháp luật, nhưng về mặt đạo đức cũng cần lên án. Tuy nhiên việc nhận 50 triệu đồng của bà Hiền lại là một việc phải xem xét kỹ lưỡng. Nếu đây là khoản tiền “hỗ trợ” bà Nhị chăm sóc con cái và cả mẹ ông Thương nữa thì việc nhận tiền chỉ là sự cảm thông giữa các phụ nữ trong hoàn cảnh éo le, không vi phạm pháp luật. 

Thậm chí đây có thể coi là một nghĩa cử của bà Hiền. Lẽ ra ngay sau đó, bà Nhị và ông Thương cần tiến hành các thủ tục pháp lý để ly dị, sau đó, ông Thương kết hôn với bà Hiền, mọi việc sẽ đúng các quy định pháp luật. Nhưng nếu bà Nhị yêu cầu bà Hiền phải trả 50 triệu đồng để nhường ông Thương cho bà Hiền, không tiếp tục đánh ghen nữa, thì đó lại là một hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 1 Điều 135. Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì phạm tội Cưỡng đoạt tài sản và  bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 

Về vụ kiện đòi tiền của Bà Hiền, có thể thấy đây là một vụ tranh chấp tài sản và tòa án thụ lý là đúng. Tuy nhiên, nếu tòa án xử lý lần thứ nhất xem xét hủy giao dịch không đánh ghen và nhận 50 triệu đồng vì giao ước này vi phạm pháp luật, trái với các tiêu chuẩn đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục và yêu cầu bà Nhị trả số tiền đã nhận cho bà Hiền thì sẽ không có vụ kiện thứ hai. 

Cũng cần xem xét giấy thỏa thuận ba bên giữa bà Nhị, bà Hiền, ông Thương để làm rõ 50 triệu đồng bà Hiền đưa cho bà Nhị là khoản tiền bà Hiền tặng cho bà Nhị để “bù đắp tổn thất tinh thần” hay là khoản tiền bà Hiền cho bà Nhị vay. Theo đó, toà án cấp phúc thẩm cần tổ chức giám định lại giấy thỏa thuận ba bên để xác định sự thật của vụ án. Kết thúc vụ kiện thứ nhất, các bên đã hòa giải thành, ông Thương cam kết trả tiền cho bà Hiền, Bà Hiền cũng đồng ý như vậy.

 Vì vậy tôi đồng ý với một bạn đọc: “Do đó, bà Hiền không có quyền khởi kiện bà Nhị trong lần khởi kiện thứ hai, trừ trường hợp số tiền khởi kiện lần 2 là một giao dịch khác lần khởi kiện thứ nhất. Tòa án có thể đối chiếu văn bản thỏa thuận giữa bà Hiền, ông Thương, bà Nhị trong hai vụ kiện sẽ xác định được bản chất sự việc”.

Câu chuyện này cũng là một lời cảnh báo đối với những người đang có các quan hệ ngoài vợ chồng. Cơ sở của một mối quan hệ, một gia đình bền vững là sự chung thủy và tôn trọng lẫn nhau. Nếu nghĩ rằng người vợ hay người chồng là “vật sở hữu” của mình và mình có thể nhượng lại cho người khác thì không đúng. Hậu quả của việc này không chỉ với những người lớn mà còn đối với những đứa trẻ trong gia đình.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
291 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào