Trách nhiệm bồi thường dân sự khi gây ra tai nạn giao thông

Thưa cô/ chú cháu có một sự việc như này mong cô chú tư vấn giúp cho cháu : Ngày 8/10/2012, cháu đang điều khiển xe máy đi trên đường theo đúng phần đường làn đường thì có một người đi bộ sang đường cách cháu khoảng 20 - 30m, cháu đã bấm còi nhưng người đó không nghe tiếng, và khi sag đường người đó cũng không hề xin đường hay quan sát đường nên không nhìn thấy cháu đang đi tới. Cháu đã tránh, do không xử lý kịp cháu định vượt trước nhưng không kịp nên đã đâm phải người đó, vị trí đâm là gần giữa đường nhưng vẫn ở bên phần đường của cháu, và hướng đi sang đường của người đó là từ bên phải  sang trái theo chiều lưu thông của xe cháu. Hiện công an đã tạm giữ xe cháu, đã vẽ lại hiện trường nhưng chưa lấy lời khai nên chưa biết đúng sai, theo cháu thì cháu có lỗi nhưng người đó sang đường không quan sát cũng là lỗi phải không ạ? Cho cháu hỏi nếu cháu muốn lấy xe ra khỏi đồn công an có được không ạ, có cần gia đình nhà người ta làm đơn cho phép thì mới được lấy không ạ? Các chú công an bảo cháu đề nghị nhà người ta làm giấy thì cho lấy, nhưng họ lại bảo họ không can thiệp, để các chú công an tự làm. Và cháu muốn hỏi một vấn đề nữa là nễu cháu sai hoàn toàn, thì cháu phải bồi thường như thế nào ạ? Người cháu đâm phải là một bà 62 tuổi, có 7 người con đã ra ở riêng, hiện bà ở cùng chồng và nuôi 1 người con trai bị nghiện, gia đình họ bảo bà là lao động chính trong gia đình, hiện bà làm lao công cho một lò mổ gia súc, lương tháng là 3tr2, họ bảo mới tăng lương lên 3tr5, trong khi bà đã hết tuổi lao động và lại có rất nhiều con cháu, ông giám đốc chỗ bà ý chửi cháu rất khó nghe mặc dù tai nạn là cháu không cố ý và cháu cũng rất tận tình chăm sóc bà, cháu hỏi là nếu ông ấy sử dụng lao động như vậy có phải là sai k ạ? Cháu đã đưa bà vào viện, sau khi chữa trị và nằm viện thì bệnh viện quyết định là đồng ý ngày ngày 12/10/2012 cho bà ra viện, bà bị gãy và trật xương quai xanh bên trái, bệnh viện bảo về 1 tháng là nó sẽ tự can lại, không rút xương cho cân được, nếu bây giờ gia đình họ yêu cầu xuống Hà Nội rút xương cho cân thì cháu có phải đáp ứng không ạ? Hay là chỉ cần làm theo yêu cầu của bệnh viện tỉnh chỗ cháu, còn đó là nguyện vọng riêng thì họ tự túc ạ? Vì bác sĩ chỗ cháu bảo trường hợp này vẫn trong khả năng của bệnh viện, khi nào bệnh viện đề nghị chuyển thì mới phải đáp ứng. Cháu mong các cô chú sớm trả lời giúp cháu. Cháu xin cảm ơn nhiều ạ.   Cho cháu xin hỏi tiếp là  nếu gia đình họ yêu cầu bồi thường vượt quá khả năng của cháu, cháu đã trên 18 tuổi, cháu chấp nhận ngồi tù thì cháu phải bồi thường những gì nữa ạ để giảm chi phí thấp nhất về vật chất ạ?

1. Theo thông tin bạn nêu thì bạn có lỗi là thiếu quan sát mặt đường, không làm chủ được tốc độ, gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác. Nếu thương tích của bà cụ từ 31% trở lên thì bạn sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, bạn phải bồi thường cho nạn nhân theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2005 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của HĐTP TAND tối cao, cụ thể như sau:

Ðiều 609 BLDS năm 2005 quy định:

"Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Ðiều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.".

 
- Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn cụ thể như sau:

"   Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

1.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

a) Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau:

- Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm sức khoẻ nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khoẻ bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 609 BLDS.

b) Xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được thực hiện như sau:

Bước một: Xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị có hay không. Nếu có thì tổng số thu nhập là bao nhiêu.

Bước hai: Lấy tổng số thu nhập thực tế mà người bị thiệt hại có được trong thời gian điều trị so sánh với thu nhập thực tế tương ứng được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2 này. Nếu không có khoản thu nhập thực tế nào của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất; nếu thấp hơn thì khoản chênh lệch đó là thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút; nếu bằng thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không bị mất.

Ví dụ 1: A làm nghề sửa xe máy tự do. Thu nhập thực tế của A trước khi sức khoẻ bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là một triệu đồng. Do sức khoẻ bị xâm phạm, A phải điều trị nên không có khoản thu nhập nào. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của A bị mất.

Ví dụ 2: B làm công cho một công ty trách nhiệm hữu hạn. Thu nhập thực tế của B trước khi sức khoẻ bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là 600 ngàn đồng. Do sức khoẻ bị xâm phạm, B phải điều trị và trong thời gian điều trị công ty trả cho B 50% tiền lương là 300 ngàn đồng. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của B mỗi tháng bị giảm sút 300 ngàn đồng.

Ví dụ 3: C là công chức có thu nhập hàng tháng ổn định 500 ngàn đồng. Do sức khoẻ bị xâm phạm, C phải điều trị và trong thời gian điều trị cơ quan vẫn trả đủ các khoản thu nhập cho C. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của C không bị mất.

1.3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế.

b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định như sau:

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc, có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.

- Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.

1.4. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

a) Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.

b) Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.

1.5. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.

            a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại.

            b) Trong mọi trường hợp, khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…

            c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.".

          - Theo thông tin bạn nêu thì bà cụ già kia cũng có lỗi nên nếu ra pháp luật thì bạn chỉ phải bồi thường một phần thiệt hại trong phạm vi lỗi của mình. bạn tham khảo quy định sau đây của Bộ luật dân sự:

"Ðiều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi

 Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.".

         2. Sau khi công an xác minh, làm rõ lỗi của các bên, xem xét các dấu vết trên chiếc xe của bạn để làm căn cứ giải quyết vụ việc, nếu bạn không bị xử lý hành chính ở hình thức tạm giữ phương tiện hoặc tịch thu phương tiện thì công an sẽ trả lại xe cho bạn. Bạn cũng có thể gửi đơn tới cơ quan công an để sớm nhận lại được chiếc xe trên.

         3. Theo quy định của Bộ luật lao động thì người về hưu, hết tuổi lao động vẫn được phép tham gia hợp đồng lao động trên cơ sở tự nguyện. Pháp luật cũng quy định những đặc thù của đối tượng lao động này.

         4. Gia đình bị hại có quyền yêu cầu được cứu chữa để đảm bảo, phục hồi sức khỏe do hậu quả tai nạn gây ra. Vì vậy, mọi chi phí cứu chữa hợp lý, bạn vẫn phải thanh toán.

          5. Theo thông tin bạn nêu thì bạn quý tài sản (tiền) hơn cả số phận, sinh mệnh chính trí của mình....Trong vụ việc trên, tốt nhất là bạn nên giải quyết tình cảm để bồi thường và không phải xử lý hình sự. "Ngồi tù" không đơn giản như bạn nghĩ "cháu chấp nhận ngồi tù thì cháu phải bồi thường những gì nữa ạ để giảm chi phí thấp nhất về vật chất ạ ?".  Người xưa nói "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Trong vụ việc trên, nếu có kết quả giám định bà lão thương tật từ 31% trở lên thì dù bạn có bồi thường bao nhiêu thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, bạn nên nghĩ lại để có giải pháp hợp lý hơn!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
235 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào