Bồi thường tai nạn giao thông gây chết người

Anh Nguyễn Văn Hậu ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có câu hỏi với nội dung như sau:Ngày 21/8/2011 vào khoảng 6 giờ 30 phút bố tôi đi bộ từ nhà ở đến nhà con gái cách 400 m trên đường quốc lộ 1A, khi đi qua phần đường bên kia thì một xe ô tô khách 15 chỗ đâm vào bố tôi. Hậu quả bố tôi đã chết. Bố tôi đã bị bể sọ não và dập phần đầu, gãy cánh tay bên phải và xương sườn bên phải bị dập mềm khoảng 20 phút chạy đi cấp cứu nhưng trên đường đi chưa đến cổng bệnh viện thì bố tôi không còn thở. Theo tôi được biết thì bố tôi đã đi qua phần đường bên kia và đi ngược chiều với xe khách 15 chỗ. Tại địa điểm này không có che khuất tầm nhìn vì hai bên đường là cánh đồng lúa rộng mênh mong đường rộng tới 12 m. Đường thẳng trời sẫm tối không mưa có thể nói đủ điều kiện để lái xe quan sát và xử lý. Khi tôi về đến nhà thì bố tôi được đưa về gia đình. Theo biên bản hiện trường thì tôi không được trực tiếp xem nhưng qua nhân chứng và hiện trường còn lại mà trực tiếp đứa em con ông chú tôi ký biên bản hiện trường kể lại thì xe ô tô đi từ Nam ra Bắc còn bố tôi đi từ Bắc vào Nam (ngược chiều nhau). Mặt đường Quốc lộ 1A rộng 12 m, vệt phanh lốp bên phải dài 17m, vệt phanh lốp bên trái dài khoảng 5 m, đầu vệt phanh lốp bên phải cách mép đường là 3,1m, lốp sau bên phải khi xe ô tô dừng lại là 0,9m, lốp trước bên phải khi xe ôtô dừng lại là 0,7m, nạn nhân không còn tại hiện trường mà chỉ có vũng máu từ đầu nạn nhân chảy ra cánh đầu xe ô tô là 11m, cách mép đường khoảng 3,5m, ô tô thì phía trước kính chắn gió bị vỡ và có dính một ít tóc và da đầu của bố tôi để lại ở phía trái kính chắn gió ( Bên lái) Khi xảy ra tai nạn, lái xe đã trốn khỏi hiện trường. Ngày hôm sau lúc 10 giờ thì gia đình nhà xe (không có lái xe) đến gia đình tôi và đưa 5 triệu đồng để hỗ trợ mai táng, tôi cũng bảo với nhà xe gia đình trong lúc tang gia bối rối nên không nói gì nhiều xong việc rồi nói chuyện sau Vào ngày 2/9 chủ xe đến nhà thắp hương cho bố tôi và nhã ý nhờ gia đình làm đơn xin bãi nại để xin xe ra làm ăn, tôi hỏi lái xe đâu rồi mà không thấy đến từ khi bố tôi mất đến giờ không thấy lái xe đâu cả, nhà xe trả lời nó người khác làng xã sáng nay gọi nó bảo đi nhưng nhà bận việc không đi được. Gia đình tôi rất bức xúc với thái độ và đạo đức của người lái xe đối với người đã mất nhưng cố nén chịu để tìm ra cách giải quyết đẹp nhất. Tôi nghĩ gia đình này không có thiện chí và thiếu trách nhiệm. Gia đình tôi đã mất một người thân không bao giờ lấy lại được nhưng cũng không gây khó khăn gì với gia đình nhà xe và lái xe. Chúng tôi trả lời với nhà xe cái này chúng tôi phải đợi công an gặp mặt để biết được nguyên tắc thủ tục rồi gia đình mới làm cho đúng thủ tục. Ngày 5/9 công an huyện gọi gia đinh đến lúc đó mới thấy lái xe lần đầu tiên sau 16 ngày bố tôi mất, qua gợi ý của cơ quan công an tốt nhất là 2 bên thương lượng với nhau để khỏi rắc rối. Ngày 6/9 gia đình nhà xe đến xin thương lượng hỗ trợ 15 triệu đồng cho gia đình và xin bãi nại, gia đình tôi không đồng ý vì chưa thấy có lái xe đến gia đình tôi lần nào. Ngày 7/9 bố lái xe và lái xe lần đầu tiên đến thắp hương cho bố tôi, gia đình bày tỏ trách móc lái xe thì bố lái xe có nói là việc cháu làm gia đình tôi không biết đến, chúng tôi thiết nghĩ tại sao những việc quan trọng như thế mà gia đình lái xe không hề biết, lái xe tỉnh bơ như không có việc gì xảy ra. Ngày 8/9 gia đình nhà xe đến đặt vấn đề thương lượng hỗ trợ cho gia đình 30 triệu đồng nếu gia đình đồng ý thì làm thủ tục xong luôn, nếu không thì thôi chờ ngày cơ quan pháp luật xét xử. Gia đình tôi rất đau xót cho bố tôi và nghĩ đây có phải là hàng hóa gì mà trả giá thương tâm đến như vậy. Theo tôi hiểu thì chắc nhà xe cũng đã biết Bảo hiểm của xe ô tô mình mua thì cơ quan bảo hiểm sẽ hỗ trợ cho 1 vụ chết người là bao nhiêu chứ sao lai mặc cả như vậy thật là thiếu đạo đức và thiếu trách nhiệm và thiếu lương tâm. Vì gia đình họ làm chết người mà không có trách nhiệm gì nên tôi rất bức xúc. Từ đó đến nay họ không hề đến nhà tôi nữa Giờ đây gia đình tôi cứ quẩn trí không biết xữ lý như thế nào cho đúng luật, cho phải đạo. Cũng không biết giải quyết thế nào cho hợp tình hợp lý để khỏi phiền hà cho 2 bên và thuận lợi cho cơ quan pháp luật, theo tôi nghĩ đường nào người đã mất thì không thể nào lấy lại được. Nếu không ra tòa thì gia đình nhà xe bồi thường cho gia đình tôi một khoản bao nhiêu? Nếu cả hai gia đình ra Tòa án thì tòa sẽ xử thế nào? Và để ra tòa thì gia đình tôi phải làm thủ tục gì? Gia đình em có phải viết đơn kiện không? Nếu viết đơn thì gửi cơ quan nào?

 Thứ nhất: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm phát sinh kể từ thời điểm bố của anh chị bị xe ô tô chở khách gây tai nạn, dẫn đến hậu quả chết người.
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự, phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ; Khoản 3 điều 623 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: 
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; 
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”  
Trong trường hợp của gia đình anh chị, thiệt hại chết người xảy ra không phải hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại cũng như không phải trường hợp bất khả kháng hay tình thế cấp thiết thì chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng chiếc ô tô gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng người khác dù có lỗi hay không.
 Thứ hai: Các thiệt hại phải bồi thường do xâm phạm tính mạng người khác 
Theo quy định tại điều 610 Bộ luật Dân sự, người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường các thiệt hại:
1. Thiệt hại về vật chất bao gồm: 
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; 
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
 c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bồi thường tiền cấp dưỡng được quy định tài điều 612- Bộ luật Dân sự như sau:
 - Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;
 - Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
 2. Thiệt hại về tinh thần: Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
 Thứ ba: Người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
 Theo quy định tại điều 623- Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại mục 2 phần III- Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thể thỏa thuận với nhau về việc ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
 Trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và người chiếm hữu, sử dụng không thỏa thuận được về người có trách nhiệm bồi thường hoặc thỏa thuận này trái pháp luật hoặc nhằm mục đích trốn tránh việc bồi thường thì đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được xác định như sau:
 1. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (ở đây là chủ sở hữu của xe ô tô gây tai nạn) có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp:
 - Nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cho người khác trong khi Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. (Ví dụ: Chủ sở hữu xe ô tô trực tiếp điều khiển ô tô và gây tai nạn làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản… của người khác thì chủ sở hữu xe ô tô phải bồi thường thiệt hại)
 - Nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại trong khi chủ sở hữu không trực tiếpchiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nhưng đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật (Ví dụ: Chủ sở hữu biết người đó không được phép lái xe ô tô (không có bằng lái xe, đang sử dụng rượu bia, chất kích thích…) nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.)
 - Nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại trong khi người đang quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hợp pháp (Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn nhưng B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó. A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A là chủ sở hữu xe phải bồi thường thiệt hại.) 
2. Người không phải chủ sở hữu nhưng đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp:
  - Việc chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là hợp pháp: Người này được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. (Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp. B lái xe ô tô tham gia giao thông gây tai nạn thì B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó; do đó, C phải bồi thường.)
 - Việc chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ: Người chiếm hữu, sử dụng trái phép nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật) 
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp và người đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật).
 Thứ tư. Thủ tục khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp về bồi thường thiệt hại.
 Gia đình anh chị có thể thỏa thuận với người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về các vấn đề liên quan đến mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được thì gia đình anh chị có quyền gửi đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. 
Một số lưu ý về thủ tục khởi kiện: 
1. Thời hiệu khởi kiện: Căn cứ theo điểm a khoản 3 điều 159 - Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án tranh chấp dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 
2. Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết: căn cứ theo Điều 25, Điều 33 và Điều 35- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã nơi bị đơn cư trú, làm việc.
 3. Bị đơn trong vụ án này là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tùy theo từng trường hợp như đã phân tích ở trên./.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
289 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào