Quyền sở hữu với công ty mẹ- con

Công ty em hoạt động theo mô hình Công ty mẹ con, công ty mẹ có 30% vốn điều lệ tại Công ty con. Hiện tại, công ty em là Công ty mẹ  đang thực hiện đăng ký sản phẩm hàng hóa bổ sung vào trong giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, tuy nhiên Công ty mẹ giao Công ty con thực hiện thiết kế - chế tạo sản phẩm đó và sản phẩm do Công ty con đi thực hiện thẩm định theo quy định với các cơ quan quản lý. Em muốn hỏi là sản phẩm đó có thể đăng ký vào trong giấy chứng nhận DNKHCN của Công ty mẹ và do Công ty mẹ sở hữu không? Muốn hợp thức hóa việc này bên em phải làm các thủ tục nào và việc này quy định tại đâu? 

 1. Công ty mẹ - con

Theo Điều 189, Luật Doanh nghiệp thì một công ty được coi là công ty mẹ nếu sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty con; hoặc có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty con hoặc có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty con.

Khoản 2 Điều 190 Luật Doanh nghiệp quy định hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.

2. Việc giao quyền “thiết kế - chế tạo”

Như thông tin bạn trao đổi được hiểu công ty mẹ giao cho công ty con quyền thiết kế, chế tạo một sản phẩm mới; Điều 86, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Tổ chức, cá nhân được quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định.

Do vậy, nếu hai bên không có thỏa thuận nào cụ thể thì công ty mẹ có quyền đăng ký với kiểu dáng, thiết kế đối với sản phẩm theo thủ tục được chúng tôi tư vấn như sau:

3. Thủ tục đăng ký bảo hộ đối với sản phẩm

Điều 3 Luật SHTT quy định có nhiều đối tượng được đăng ký bảo hộ như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Mỗi đối tượng có những yêu cầu và điều kiện bảo hộ khác nhau và cùng được giải quyết bởi Cục sở hữu trí tuệ.

Vì bạn không nói rõ công ty muốn đăng ký bảo hộ đối với lĩnh vực nào nên rất khó để tư vấn về thủ tục cho bạn. Giả thiết bạn đăng ký bảo hộ đối với kiểu dáng sản phẩm thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm có:

+ Tờ khai đăng ký;

+ Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ

+ Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

+ Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

+ Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Thời hạn giải quyết Khoản 15 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 thì: Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nộp đơn.

Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây:

a) Đối với sáng chế không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn;

b) Đối với nhãn hiệu không quá chín tháng, kể từ ngày công bố đơn;

c) Đối với kiểu dáng công nghiệp không quá bảy tháng, kể từ ngày công bố đơn;

d) Đối với chỉ dẫn địa lý không quá sáu tháng, kể từ ngày công bố đơn.

4. Về việc đăng ký bổ sung sản phẩm trong giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ 

 Như thư bạn trao đổi, doanh nghiệp của bạn đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo quy định của Luật Khoa học công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Chương trình máy tính được coi là kết quả khoa học và công nghệ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV  được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 17/2012/TTLT-BKHCN-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể đăng ký bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN tại Sở khoa học công nghệ (tham khảo điểm 5 Mục IV Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV hướng dẫn Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ và mục 6 Điều 1 Thông tư 17/2012/TTLT-BKHCN-BTC-BNV), cụ thể:

- Hồ sơ cần có:

+ Văn bản đề nghị cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

+ Bản chính Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN;

+ Dự án sản xuất kinh doanh

+ Văn bản xác nhận quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả khoa học và công nghệ đăng ký bổ sung (sao y bản chính).

- Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ  hợp lệ.

-  Chi phí: 1.500.000 đồng (tham khảo Thông tư số 187/2009/TT-BTC ngày 29/9/2009 của Bộ Tài chính).
 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
195 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào