Cho dì vay tài sản nhưng không trả, phải làm như thế nào?

Dì tôi vay tôi 10 triệu đồng bằng cách mượn 1 đàn organ đi cầm cố, trong vòng 10 ngày nếu không lấy tôi sẽ mất đàn. Nhưng đến nay đã mấy tháng mà dì tôi vẫn không trả được tiền hoặc đàn cho tôi mặc dù đã hẹn trả. Đến nay, dì tôi vẫn tiếp tục đi vay tiền để tiêu xài, không có phương án giải quyết nợ nần với tôi. Vậy tôi có thể kiện dì tôi về tội chiếm đoạt tài sản không?

Thực chất giữa bạn và dì bạn đã giao kết hợp đồng vay tài sản, theo đó bạn giao tài sản cho dì bạn; khi đến hạn trả, dì phải hoàn trả cho bạn tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Tài sản vay là cây đàn organ nên khi đến hạn, dì bạn phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; trong trường hợp dì bạn không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bạn đồng ý (theo Điều 474 Bộ luật Dân sự).

Vì hợp đồng vay tài sản giữa bạn và dì là hợp đồng vay không kỳ hạn (khi cho vay, hai bên không thỏa thuận cụ thể về thời hạn vay) nên bạn có quyền đòi nợ dì bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thỏa thuận khác. Thực tế thì dì bạn đã hẹn sẽ trả nợ cho bạn nhưng lại không thực hiện, do đó đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ và phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bạn. Nếu dì bạn cố tình không trả nợ, cũng như không có sự thỏa thuận với bạn thì bạn có quyền khởi kiện tại tòa án để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, nếu có căn cứ thì bạn có thể tố cáo tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự: Người nào có một trong những hành vi sau đây: chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Đối chiếu với những thông tin bạn cung cấp: Giữa dì bạn và bạn đã giao kết hợp đồng vay tiền; số tiền mà bạn có thể bị chiếm đoạt là 10 triệu đồng; dì bạn có hành vi lẩn tránh, hứa hẹn giả tạo nhằm mục đích không trả nợ cho bạn…

Vậy bạn có thể căn cứ vào quy định của pháp luật cũng như tình hình thực tế để giải quyết vấn đề của mình.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
159 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào