Thủ tục hồi hương Việt Nam

Tôi đi theo diện đoàn tụ gia đình từ năm 1988 đang dùng pass xanh theo diện nhân đạo năm 1951 và đã li dị 1995, hiện vẫn ở độc thân. Nay tôi muốn về sinh sống với con cháu ở Việt Nam nhưng cơ quan nhà nước Đức (Caritas) nói tôi phải được sự chấp thuận bên Việt Nam về định cư thì ở Đức mới cấp giấy cho tôi trở về. Cái khó là giấy khai sinh của tôi đã bị thất lạc sau khi li dị chồng cũ của tôi không còn giữ và nơi để lục lại khai sinh bên Việt Nam đã thay đổi nhiều quá không thể nào lục lại được (Phnopenh, chánh quán làng Tân Tây, tỉnh Gò Công, Nam Việt từ năm 1935), ngoài ra tôi không còn giấy tờ gì có thể chứng minh quốc tịch Việt Nam như thẻ căn cước, giấy khai sanh. Tôi chỉ còn giấy khai giá thú (không có ghi rõ quốc tịch), hộ khẩu gốc ở Việt Nam (copy) trước khi xuất cảnh năm 1988. Nay tôi xin hỏi : 1. Làm thế nào tôi có thể xin hồi hương, hoặc; 2. Làm thế nào có đổi pass xanh năm 1951 sang pass Việt Nam (Caritas nói nếu có cũng được).
 
Theo như nguyện vọng của bà thì bà đang muốn làm thủ tục hồi hương để đoàn tụ với con cháu ở Việt Nam. Nhưng theo những thông tin mà Bà đã cung cấp thì chúng tôi cũng chưa thể trả lời ngay câu hỏi này được. Để trả lời câu hỏi này chúng tôi cần bà cung cấp thêm một số thông tin như: Bà đã có quốc tịch của bên Đức cấp chưa? Nếu đã có quốc tịch của Đức mà bà không làm thủ tục xin giữ quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên Bà bị mất quốc tịch Việt Nam. Nếu Bà đã mất quốc tịch Việt Nam thì theo quy định của Luật Quốc tịch và các nghị định, thông tư hướng dẫn thì Bà phải làm thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam thì mới có thể hồi hương về Việt Nam để đoàn tụ với con cháu. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì:

Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 (Không đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam) của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Xin hồi hương về Việt Nam; 

b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; 

c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; 

d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 

đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;

e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài. 

Để xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì bà phải chuẩn bị Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Bộ hồ sơ bao gồm (Quy định tại Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008):

1. Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam gồm có các giấy tờ sau đây:

a) Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

b) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

c) Bản khai lý lịch;

d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ; 

đ) Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam;

e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này. 

Bà có thể tham khảo quy trình xin trở lại Quốc tịch Việt Nam sau đây:

1. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nếu cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú, nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại Điều 24 của Luật này hoặc không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo ngay để người xin trở lại quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam. 

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.  

4. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người đó để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

5. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định. 

Sau khi được thực hiện xong thủ tục trở lại quốc tịch thì Bà hoàn toàn có thể về đoàn tụ cùng con cháu tại Việt Nam.

 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
278 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào