Tội xâm phạm chỗ ở của công dân
Tội xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS). Hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân được hiểu là việc người phạm tội khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân:
- Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác là hành vi của người không có thẩm quyền (hoặc người tuy có thẩm quyền do luật định nhưng không chấp hành theo đúng các trình tự, thủ tục do luật định về căn cứ, thẩm quyền ra lệnh, thủ tục khám xét), vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân nên đã tùy tiện vào chỗ ở của người khác để lục soát khám xét.
- Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ là hành vi đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực hoặc thủ đoạn bất kỳ nào nhằm buộc người khác miễn cưỡng phải rời khỏi chỗ ở trái với ý muốn của họ.
- Hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân có thể hiểu là bất kỳ hành vi nào khác ngoài hai hành vi nêu trên xâm phạm đến chỗ ở của công dân như lấn chiếm chỗ ở của công dân, tùy tiện vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của họ.
Người phạm tội đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân quy định tại Điều 72 Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung năm 2001: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”. Chỗ ở của công dân trong trường hợp này được hiểu là bất kỳ nơi nào đang có người cư trú hợp pháp và được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương thừa nhận. Đây có thể là nơi thường trú, chỗ ở lâu dài (không phân biệt đó là thuộc sở hữu nào như nhà riêng, tập thể, nhà thuê, mượn, hay nơi di động như thuyền của ngư dân…), nhưng có thể là nơi tạm trú (như phòng ở trong khách sạn). Ngoài ra, tội phạm này còn xâm phạm đến các quy định của pháp luật về việc khám xét chỗ ở, địa điểm và xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội.
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Chủ thể của tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định, họ có thể là người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng có thể không có chức vụ, quyền hạn.
Người phạm tội có thể phải chịu các hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với thắc mắc của anh (chị): người phạm tội thực hiện hành vi gian dối để chủ sở hữu nhà (tư nhân) tưởng là thật và làm giấy sang tên quyền sở hữu nhà của mình, theo chúng tôi không cấu thành tội phạm này mà cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 BLHS.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu phiếu phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự Thông tư 105?
- Mẫu Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường mới nhất là mẫu nào? Tải về mẫu báo cáo?
- Hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu từ 01/07/2025?
- Phân cấp của đầu phát hiện khói công nghệ hút của hệ thống báo cháy theo TCVN 7568-20:2016 (ISO 7240-20:2010)?
- Thí sinh tự do năm 2025 thi tốt nghiệp THPT chương trình cũ hay mới?