1. Trong thực tiễn xét xử hình sự tại Việt Nam đối với tội hiếp dâm, nữ giới mới chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trong trường hợp có đồng phạm, nghĩa là có hành vi cố ý cùng thực hiện tội hiếp dâm với người thực hành (là nam giới). Nữ giới trong trường hợp này đóng vai trò là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức. Ví dụ: Vụ án My “sói” (tức Đào Thu Hương) và đồng bọn gây ra liên tiếp vụ các hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản vào tháng 7/2010. Thủ lĩnh My “sói” (nữ) không phải là người trực tiếp thực hiện hành vi giao cấu, nhưng đã bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em với vai trò là người tổ chức, người giúp sức.
Tuy nhiên, giả sử tại Việt Nam phụ nữ có hành vi cưỡng bức nam giới bằng thủ đoạn tiêm thuốc kích thích cho nạn nhân rồi giao cấu (như sự kiện tại Zimbabwe mà báo chí đưa tin), thì người này sẽ bị coi là phạm tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 111 Bộ Luật hình sự.
2. Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS) quy định về hành vi hiếp dâm: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ”. Căn cứ quy định này, nếu nữ giới đã dùng thủ đoạn tiêm chất kích thích khiến nạn nhân (nam) bị mất khả năng nhận thức và giao cấu với họ sẽ phạm tội hiếp dâm, khi xác định đủ các yếu tố cấu thành tội phạm:
- Khách thể: hành vi đã xâm phạm nhân phẩm con người - đó là quyền bất khả xâm phạm quyền tự do về tình dục của người khác;
- Mặt khách quan: người phạm tội hiếp dâm khi có một trong hai nhóm hành vi: Một là, “dùng vũ lực” hoặc “đe dọa dùng vũ lực” hoặc “lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân” hoặc “thủ đoạn khác” (như cho uống thuốc hoặc tiêm thuốc kích dục) để làm tê liệt ý chí hoặc khả năng chống cự của nạn nhân; Hai là, hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân hoặc nạn nhân hoàn toàn không thể biểu lộ được ý chí (khi bị tiêm hoặc uống thuốc kích dục);
- Chủ thể: Có thể là nữ giới, khi phần giả định của điều luật mô tả “người nào” nghĩa là không phân biệt giới tính;
- Mặt chủ quan: Là lỗi cố ý trực tiếp, khi nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.