Cách tính lương hưu với trường hợp được cộng nối thời gian công tác

BHXH tỉnh Thái Nguyên trả lời ông Hứa Văn Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên về việc cộng nối thời công tác để tính hưởng BHXH và cách tính lương hưu đối với trường hợp được cộng nối thời gian công tác.

Được cộng nối thời gian công tác để tính hưởng BHXH

Về cộng nối thời gian công tác trong quân đội của các cựu chiến binh đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15/12/1993 với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ, BHXH tỉnh Thái Nguyên trả lời như sau:

Tại điểm a, khoản 6, Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT–BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định: “Trường hợp có thời gian công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày15/12/1993 và không hưởng trợ cấp nghỉ việc một lần theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng BHXH”.

Căn cứ vào quy định nêu trên, để có cơ sở điều chỉnh cộng nối thời gian công tác trong quân đội trên sổ BHXH, BHXH tỉnh Thái nguyên có hướng dẫn số 193/BHXH-CST ngày 15/12/2010 đề nghị người lao động cung cấp cho đơn vị nơi đang công tác hồ sơ gốc gồm: Quyết định phục viên hoặc xuất ngũ, lý lịch quân nhân, các quyết định bổ nhiệm thăng quân hàm trong quân đội (nếu có), hồ sơ nêu trên là bản chính.

Cách tính lương hưu

BHXH tỉnh Thái Nguyên trả lời về cách tính lương hưu đối với cán bộ, công chức xã, phường hiện đang công tác được cộng nối thời gian tham gia quân đội để tính hưởng BHXH theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ khi đủ điều kiện về hưu như sau:

Mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.

Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người lao động tham gia đóng BHXH mà có toàn bộ thời gian tham gia BHXH thuộc chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính như sau:

- Người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân tiền lương tháng của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Người lao động tham gia BHXH từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân tiền lương tháng của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Người lao động tham gia BHXH từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân tiền lương tháng của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH có hiệu lực (ngày 1/1/2007) thì tính bình quân tiền lương tháng của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
338 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào