Buộc công khai xin lỗi

Trong nội tộc của gia đình tôi vừa xẩy ra chuyện đánh nhau, đập phá tài sản. Các cơ quan công an đã giải quyết sự việc. Kết quả anh B bị Toà án xử án tù nhưng được hưởng án treo và buộc phải bồi thường tài sản cho dòng họ và buộc phải công khai xin lỗi dòng họ. Sau khi xét xử, anh B không thấy được sai lầm của mình mà còn có ý thách thức các cụ cao niên, gây sự bất bình trong dòng họ. Xin luật sự nói rõ việc Toà án buộc anh B như vậy có đúng không và anh B không công khai xin lỗi dòng họ thì dòng họ phải làm những biện pháp gì để buộc anh B thực hiện?

Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Toà án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại”. Đây là biện pháp tư pháp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị hại trong vụ án hình sự, cũng như quyền sở về tài sản, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của công dân. Đây cũng thể hiện rõ thái độ của Nhà nước trong việc bảo vệ tài sản thuộc các hình thức sở hữu khác nhau, không cho phép xâm phạm đến tài sản của bất kỳ ai, dù đó là sở hữu toàn dân hay sơ hữu tập thể... sở hữu tư nhân, sở hữu chung. Theo quy định tại điều luật này thì người phạm tội ngoài việc bị xử phạt mức án nhất định thì Toà án còn buộc người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Trường hợp xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của người khác thì người phạm tội cũng bị bồi thường các thiệt hại về vật chất do hành vi phạm tội gây ra cho người bị hại như phí tổn thuốc men, chi phí điều trị, mai táng phí (nếu xẩy ra chết người)... Trong trường hợp gây thiệt hại về tinh thần thì Toà án sẽ áp dụng các biện pháp tư pháp buộc người phạm tội bồi thường cả về vật chất (Theo quy định của Bộ luật Dân sự) và buộc phải công khai xin lỗi người bị hại. Biện pháp này được áp dụng trên cơ sở tự nguyện của người phạm tội và sự đồng ý của người bị hại. Từ những phân tích như đã nêu trên thì tại phiên toà anh B đã nhận thức được trách nhiệm của mình, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại tài sản cho dòng họ và người bị hại (bị anh B đánh bị thương) và xin lỗi dòng họ về hành vi vi phạm đạo đức của mình. Chính diễn biến tại phiên toà như vậy Toà án mới áp dụng pháp luật và cho anh B được hưởng án treo (giao cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục). Nhưng sau này anh B không thực hiện các quyết định của Bản án là vi phạm về việc chấp hành bản án, nên sau này khi xem xét quá trình thi hành bản án treo của anh B chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm yêu cầu anh B thực hiện những điều mà bản án đã tuyên. Đại diện người bị hại có thể viết đơn đề nghị chính quyền địa phương xem xét buộc anh B phải thực hiện đúng bản án. 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
224 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào