Mất việc làm vì công ty thay đổi cơ cấu nhân sự được bồi thường thế nào?
Mất việc làm vì công ty thay đổi cơ cấu nhân sự, người lao động luôn đặt ra câu hỏi tại sao mình bị mất việc làm? việc chấm dứt hợp đồng lao động của công ty có đúng quy định pháp luật? và khi họ bị mất việc có được trợ cấp gì không? v..v là những điều thực tế người lao động mất việc làm băn khoăn và cần lời giải đáp trong thời điểm mà tìm kiếm một công việc là điều vất vả và khó khăn.
Trường hợp 1: Công ty thay đổi cơ cấu nhân sự khiến cho người lao động bị mất việc làm là đúng với quy định của pháp luật
Công ty thay đổi cơ cấu nhân sự khiến cho người lao động bị mất việc làm là đúng với quy định của pháp luật trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định pháp luật cụ thể như sau:
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt như: hết thời hạn hợp đồng; đã hoàn thành công việc hợp đồng, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao độngv..v và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định Bộ luật Lao động như: người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; người lao động bị ốm đau, do thiên tai hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc v..v
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
+ Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm;
+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế .
+ Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.
Như vậy, trong trường hợp công ty thay đổi cơ cấu tổ chức nhân sự, công ty phải có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các phương án sử dụng lao động với nhân viên, đồng thời phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, nếu công ty không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho nhân viên thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc cho người lao động trong thời hạn 7 ngày làm việc hoặc có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Trường hợp 2: Công ty thay đổi cơ cấu nhân sự khiến cho người lao động bị mất việc làm là sai với quy định của pháp luật
Nếu việc công ty thay đổi cơ cấu tổ chức nhân sự trên thực tế là sai quy định pháp luật thì việc công ty cho nhân viên nghỉ với lý do đó là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật của công ty và công ty nhận nhân viên về lại làm việc và trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian nhân viên không đi làm công với 2 tháng tiền lương hợp đồng lao động. Trường hợp, nhân viên không muốn quay lại công ty làm việc thì công ty trả hết khoản như trên đồng thời trả thêm trợ cấp thôi việc cho nhân viên. Ngoài ra, trong trường hợp khác nếu thỏa thuận được thì công ty trả cho nhân viên bằng khoản tiền thỏa thuận giữa hai bên nhưng khoản đó vẫn bao gồm khoản như trên và mức tiền không được thấp hơn hai tháng tiền lương được ghi trong hợp đồng lao động. Nếu công ty sai phạm trong thời hạn báo trước theo quy định pháp luật cũng phải trả thêm tiền những ngày mà nhân viên không được báo trước.
Căn cứ pháp lý: Khoản 1, khoản 3 Điều 44. Bộ luật lao động việt nam 2012 Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
"Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
....
3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh."
Khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động. ... Điều 13. Thay đổi cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế
"1. Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;
c) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động."
Điều 46 Bộ luật lao động việt nam 2012 Phương án sử dụng lao động
"1. Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;
b) Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;
c) Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
d) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
2. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở."
Điều 48 Bộ luật lao động việt nam 2012 về trợ cấp thôi việc và Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
"1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc."
Điều 49 Bộ luật lao động việt nam2012 về trợ cấp mất việc làm và Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
"1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?