Tranh chấp đất không giấy tờ, cơ quan nào giải quyết?
Theo Điều 136 Luật đất đai năm 2003, tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại UBND xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này được giải quyết như sau:
a) Trường hợp Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng;
b) Trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.
Như vậy, Luật đất đai 2003 quy định người tranh chấp (không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật) thì chỉ được quyền khiếu nại đến UBND cấp có thẩm quyền chứ không khởi kiện ra tòa án được.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013:
“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Như vậy, trường hợp đương sự không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ theo quy định thì giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2003 có sự khác biệt lớn về việc giải quyết tranh chấp đất đai. Cụ thể là Luật Đất đai 2013 cho phép đương sự được khởi kiện ngay tại TAND có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp đất đai (bằng một vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự).
Trong khi đó, theo luật cũ thì đương sự chỉ được quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND có thẩm quyền. Trường hợp chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết nếu không đồng ý và không khiếu nại đến chủ tịch UBND cấp tỉnh (hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết mà vẫn không đồng ý nhưng không khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ TN&MT) thì đương sự được quyền khởi kiện quyết định giải quyết của chủ tịch UBND đó (bằng một vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính).
Về thủ tục hòa giải tại UBND xã trước khi nộp đơn kiện ra tòa: Trước đây, các tranh chấp đất đai đều bắt buộc đương sự phải gửi đơn đến UBND xã, phường để yêu cầu hòa giải và chỉ khi nào UBND xã, phường hòa giải không thành hoặc không hòa giải được thì đương sự mới có quyền khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 05 ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn như sau:
- Các tranh chấp quyền sử dụng đất (tức là bên nào cũng cho rằng quyền sử dụng đất là của mình) bắt buộc phải được hòa giải tại UBND cấp xã.
- Các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất… thì không phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp (nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hòa giải theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự khi tòa án tiến hành giải quyết vụ án).
Theo hướng dẫn trên, tranh chấp của gia đình hàng xóm với bố mẹ bạn là tranh chấp “liên quan đến quyền sử dụng đất”, không phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tháng 11 âm lịch 2024 có bao nhiêu ngày? Tháng 11 âm lịch 2024 bắt đầu ngày mấy dương?
- Hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý gồm những gì?
- Thời gian, kết cấu bài kiểm tra và kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật đạt yêu cầu để được phục hồi điểm giấy phép lái xe từ 01/01/2025?
- Bảng lương của Kiểm soát viên đê điều hiện nay là bao nhiêu?
- “ADMM+” là cơ chế hợp tác nào? Cơ quan tham gia hợp tác ASEAN có chế độ báo cáo như thế nào?