Nâng lương vượt bậc cho lao động làm việc trong cơ quan sự nghiệp
Thứ nhất, trong thư anh đã nêu, chị Hương Lê được tuyển dụng vào làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ). Nghị định số 44/2003/NĐ-CP, ngày 09/05/2003, của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động (BLLĐ) về HĐLĐ: Các cơ quan hành chính, sự nghiệp có sử dụng lao động không phải là công chức, viên chức nhà nước khi sử dụng lao động phải thực hiện giao kết HĐLĐ (điểm c khoản 1 Điều 2). Do đó chúng tôi lưu ý, chị Hương Lê không phải là công chức, viên chức và không bị điều chỉnh bởi quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, tiền lương và việc nâng bậc lương của người lao động (NLĐ) không phải cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp không phải theo thang, bảng lương của Nhà nước áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, mà căn cứ vào HĐLĐ đã ký kết, quy chế thang, bảng lương của đơn vị sự nghiệp và không được trái với các quy định của pháp luật lao động về tiền lương cho NLĐ.
Thứ hai, chúng tôi xin trích dẫn các quy định sau của pháp luật lao động, đối với vấn đề nâng vượt bậc lương của NLĐ:
- Nghị định 114/2002/NĐ-CP, ngày 31/12/2002, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về tiền lương: “Thang lương, bảng lương của doanh nghiệp, cơ quan áp dụng làm cơ sở để: 1. Thoả thuận tiền lương trong ký kết HĐLĐ; 2. Xác định đơn giá tiền lương, thực hiện chế độ nâng bậc lương theo thoả thuận trong HĐLĐ và thoả ước lao động tập thể” (khoản 1, khoản 2 Điều 6).
- Mục 2 Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH (ngày 5/12/2007, của Bộ LĐ-TB&XH về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 14/2003/TT-BLĐTBXH, ngày 30/5/2003, của Bô LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ-CP), như sau:
“a. Doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với BCH CĐ cơ sở hoặc BCH CĐ lâm thời xây dựng quy chế nâng bậc lương hàng năm trong doanh nghiệp. Quy chế nâng bậc lương phải bảo đảm công bằng, khuyến khích NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tay nghề giỏi có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp và công bố công khai trong doanh nghiệp. Quy chế nâng bậc lương phải có các nội dung sau: Đối tượng được nâng bậc lương (i); Điều kiện và tiêu chuẩn nâng bậc lương và nâng bậc lương sớm đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc (ii); Thời hạn nâng bậc lương đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc (iii); Thời điểm xét nâng lương hàng năm đối với NLĐ (iv).
b. Căn cứ vào quy chế nâng bậc lương, hàng năm doanh nghiệp lập kế hoạch và tổ chức nâng lương đối với NLĐ và công bố công khai trong doanh nghiệp.
c. Chế độ nâng bậc lương đối với NLĐ phải được thể hiện trong HĐLĐ và Thỏa ước lao động tập thể”.
Như vậy, cần phải đối chiếu việc nâng lương hoặc/và nâng lương vượt bậc cho NLĐ có đáp ứng đủ các quy định về: đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, thời hạn và thời điểm nâng bậc lương quy định trong quy chế nâng bậc lương của cơ quan, mới có thể có đưa ra đáp án cụ thể rằng, việc này có phù hợp với luật lao động và quy chế nâng bậc lương hay không.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?