Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của vợ chồng

Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của vợ chồng giữa công dân Việt Nam với công dân các nước ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam sẽ giải quyết như thế nào?

Theo các hiệp định này, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng được giải quyết theo các quy phạm xung đột thống nhất. Nguyên tắc chủ yếu được ghi nhận trong các hiệp định tương trợ tư pháp để giải quyết xung đột pháp luật phát sinh trong lĩnh vực này là nguyên tắc luật quốc tịch (lex patrae) của đương sự và nguyên tắc của luật nơi cư trú (lex domicilii) hoặc thường trú của đương sự. Tuy nhiên, việc sử dụng các nguyên tắc này trong hiệp định có sự khác nhau, ngoài việc sử dụng nguyên tắc chính, các Hiệp định còn sử dụng một số nguyên tắc bổ sung. Chẳng hạn, đối với Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Tiệp Khắc (cũ); Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Cu Ba; Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Hungari; Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Bungari; Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Ba Lan, nguyên tắc chủ đạo để điều chỉnh quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng là nguyên tắc luật quốc tịch của đương sự, đồng thời có bổ sung thêm nguyên tắc nơi cư trú. Các hiệp định này đều quy định.
 
- Nếu vợ, chồng là công dân của nước ký kết này và cùng cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia, thì quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ, chồng được điều chỉnh theo pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân.
 
- Nếu vợ, chồng cùng là công dân một nước mà chồng cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết này, vợ cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết này, vợ cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia thì quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ, chồng được điều chỉnh theo pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân.
 
- Nếu vợ, chồng mà người là công dân của nước ký kết này, người là công dân của nước ký kết kia thì quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ, chồng được điều chỉnh theo pháp luật của nước ký kết nơi họ đã hoặc đang cùng thường trú (hoặc nơi cư trú cuối cùng) (Điều 19 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Tiệp khắc; Điều 23 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Cu Ba; Điều 32 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam Hungari; Điều 21 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Bungari; Điều 24 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Ba Lan).
 
Như vậy, theo các hiệp định trên, pháp luật điều chỉnh quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng, trong trường hợp vợ chồng cùng quốc tịch sẽ là luật quốc tịch của vợ, chồng. Nếu vợ, chồng không cùng quốc tịch thì điều chỉnh theo luật nơi thường trú chung cuối cùng.
 
Trong các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Công hòa liên bang Nga, Ucraina, Lào, Mông Cổ, quan hệ nhân thân, tài sản giữa vợ chồng, điều chỉnh chủ yếu theo nguyên tắc luật nơi cư trú (hoặc thường trú) của đương sự.
 
Bên cạnh đó, bổ sung nguyên tắc luật quốc tịch. Nếu vợ, chồng người thường trú trên lãnh thổ nước ký kết này, người thường trú trên lãnh thổ ký kết kia thì quan hệ nhân thân, tài sản giữa vợ chồng theo pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân. Nếu vợ, chồng người là công dân của nước ký kết này, người là công dân của nước ký kết kia thì quan hệ nhân thân và tài sản của họ điều chỉnh theo pháp luật pháp luật của nước ký kết có tòa án đang giải quyết vụ việc hoặc pháp luật của nước ký kết nơi cư trú (thường trú) chung cuối cùng của vợ chồng (Điều 25 hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Nga; Điều 25 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Ucraina, Điều 26 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Lào, Điều 25 hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Mông Cổ).
 
Ngoài ra, đa số hiệp định tương trợ tư pháp còn quy định trong trường hợp vợ, chồng không có nơi cư trú (thường trú) chung, thì quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa họ điều chỉnh theo pháp luật cau nước nơi có tòa án nhân đơn hoặc tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
 
 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào