Theo quyết định của TAND quận 5, tôi phải trả cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) gần 2,5 tỉ đồng.
Tôi đồng ý phát mãi thửa đất số 507 tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi để VPBank thu hồi vốn vay và lãi. Tháng 7-2014, chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Củ Chi ra quyết định chưa được xuất cảnh đối với tôi với thời hạn ba năm để đảm bảo việc THA. Tôi khiếu nại với lý do tài sản đảm bảo THA đã được kê biên để bán đấu giá. Sau đó, phía cơ quan THA hướng dẫn tôi ra tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện việc ủy quyền cho người khác thay mặt tôi thực hiện các thủ tục liên quan đến các hoạt động THA. Sau khi tôi thực hiện theo hướng dẫn, ngày 25-8-2014, tôi được giải tỏa quyết định chưa được xuất cảnh. Gần đây tôi lại bị ra quyết định cấm xuất cảnh, tại sao?
Bà Trần Thị Thanh Xuân (TP.HCM)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật THADS) thì một trong các trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh là: “Có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ và đã ủy quyền cho người khác thay mặt họ giải quyết việc THA liên quan đến tài sản đó; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang”.
Hiện nay, cả tiền gốc và tiền lãi mà bà Xuân có nghĩa vụ thanh toán lên hơn 4 tỉ đồng trong khi đã nhiều lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được phát mãi đều không thành. Đợt giảm giá lần mới đây nhất (ngày 24-11), giá trị quyền sử dụng đất đối với thửa đất phát mãi chỉ còn gần 2,3 tỉ đồng. Như vậy, tài sản bán đấu giá được xác định là không đủ để thực hiện nghĩa vụ.
Mặt khác, giấy ủy quyền của bà Xuân cho người thân không có nội dung: “Không được hủy ngang” theo quy định. Do vậy, tháng 8-2015, phía Ngân hàng VPBank đã có đơn đề nghị ngăn chặn bà Xuân xuất cảnh và cơ quan THADS huyện Củ Chi đã ra quyết định chưa cho xuất cảnh đối với bà Xuân là đúng quy định của pháp luật.