Lỡ nhận là cha, nay muốn từ chối phải làm thế nào?

Thời còn sinh viên, tôi và Th có cảm tình với nhau, nhưng rồi chúng tôi ai cũng đều lo việc học hành, sau khi ra trường, tuy công tác cùng thành phố nhưng bạn gái tôi có nhiều bạn bè, nên chúng tôi trở nên ít gặp nhau. Bẵng đi một thời gian, khi gặp lại thì Th đã mang thai gần ngày sinh, tôi chưa kịp trách bạn vì việc lập gia đình mà không cho tôi được biết thì Th đã thổ lộ là vẫn chưa có chồng, hơn nữa lại muốn nhờ tôi nhận giúp là cha của cháu bé sắp ra đời. Chia sẻ với hoàn cảnh của bạn, tôi đã nhận lời. Đến nay con của Th đã gần 3 tuổi, tôi muốn thay đổi cái quyết định sai trái của mình trước đây. Xin được tư vấn giúp tôi phải làm thế nào?

Pháp luật về dân sự có các quy định về quyền nhân thân, đó là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân không thể chuyển giao cho người khác, chỉ trừ những trường hợp có quy định khác của pháp luật. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự, theo đó, khi quyền dân sự nói chung, quyền nhân thân nói riêng của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự bảo vệ bằng việc tự mình cải chính hoặc yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Về quyền nhận cha, mẹ, con, tại Điều 43 Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định:

1. Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó.

2. Người được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình không phải là cha, mẹ hoặc là con của người đó.

Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình; người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

Đồng thời, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 tại Điều 27 đã quy định Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.

Từ những quy định đó của pháp luật, để giải quyết điều vướng mắc của anh hiện nay, anh có thể làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của chị Th và cháu bé để yêu cầu Tòa án giải quyết. Anh cần cung cấp cho Tòa án các tài liệu cần thiết, có thể cả yêu cầu giám định để chứng minh cháu bé không phải là con của mình.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
145 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào