Động vật thả rông gây tai nạn, người chủ có phải chịu trách nhiệm?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Trong thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội của con người, súc vật đã trở thành sản phẩm chăn nuôi hoặc thú nuôi phổ biến trong nhà của con người, như trâu, bò, lợn… bản chất súc vật là động vật hoang dã, mang bản tính thú dữ đã được con người thuần hóa, kiểm soát được hoạt động và tuân thủ theo sự quản lý của con người. Tuy nhiên, trên thực tế xuất phát từ bản tính tự nhiên hoặc do lỗi quản lý của con người, mà khi hoạt động súc vật có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản.
Theo Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
Nếu chủ sở hữu thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật đi trên đường không thực hiện đúng quy định nêu trên mà không may gây tai nạn cho người tham gia giao thông dẫn đến chết người thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người được quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người tham gia giao thông không tuân thủ đúng các quy định về giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả chết người thì trách nhiệm hình sự của người chăn thả gia súc chỉ được đặt ra khi họ cũng có lỗi đối với hậu quả đã xảy ra.
Trong trường hợp thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật ở trên đường gây tại nạn giao thông không gây hậu quả chết người nhưng gây thiệt hại về sức khỏe hoặc về tài sản thì chủ sở hữu gia súc, người dẫn dắt gia súc phải bồi thường.
Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2005 qui định:
“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Như vậy, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng của chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người thứ ba khi họ có lỗi để súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho cá nhân hoặc các tổ chức khác. Đặc điểm pháp lý của loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại này là phát sinh theo qui định của pháp luật và là hậu quả pháp lý nằm ngoài mong muốn của chủ thể (Chủ sở hữu súc vật, người chiếm hữu, sử dụng súc vật, người thứ ba và bên bị thiệt hại) mà không có sự thỏa thuận trước giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại, đồng thời bên gây thiệt hại có lỗi.
Khác với các trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khác, chủ sở hữu súc vật, người chiếm hữu, sử dụng súc vật, người thứ ba gây thiệt hại không trực tiếp bằng hành vi của mình mà lại thông qua hoạt động của súc vật và họ bị suy đoán là có lỗi trong quản lý hoạt động của chúng. Việc gây thiệt hại của súc vật trong quá trình hoạt động xuất phát từ nhiều từ nhiều yếu tố khác nhau, như:
- Con người dù đã thuần hóa, kiểm soát được hoạt động của súc vật, nhưng súc vật vẫn mang những bản tính tự nhiên của động vật hoang dã, nếu con người thiếu ý thức trong quản lý chúng, chúng có thể gây thiệt hại. Ví dụ: trâu, bò đến thời kỳ động dục thường hay có động thái nhảy cuồng, khi đói chúng thường ăn rau cỏ mà chúng gặp, chó nuôi khi sinh con thường hay dữ tính để bảo vệ con…;
- Sự quản lý của con người đối với súc vật có thể thông qua các phương thức quản lý và các công cụ quản lý khác nhau. Ở Việt Nam, hình thức chăn nuôi mang tính chất quảng canh (chăn nuôi trong phạm vi gia đình, thả rông…) còn phổ biến. Do vậy, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu súc vật nhiều khi có sự lơi lỏng hoặc rất khó quản lý hoạt động của súc vật dẫn tới súc vật gây thiệt hại cho chủ thể khác.
- Dưới tác động của môi trường, điều kiện sống, bệnh dịch mà động vật có những động thái gây thiệt hại trái với bản tính tự nhiên của nó như trâu bò mắc bệnh điên, chó dại…
Xuất phát từ việc gây thiệt hại của gia súc do tác động bới các yếu tố khác nhau và đa dạng mà việc xác định lỗi trong trường hợp này là rất khó và có thể không bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Do vậy, việc suy đoán lỗi đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật khi súc vật gây thiệt hại là cần thiết, qua đó nâng cao trách nhiệm quản lý của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật. Về nguyên tắc, khi súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho các chủ thể dân sự thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật bị suy đoán có lỗi trong quản lý và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc suy đoán lỗi sẽ không áp dụng trong trường hợp, gia súc gây thiệt hại do lỗi hoàn toàn thuộc về người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật, người thứ ba hoặc của chính người bị thiệt hại.
Phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp súc vật
Chủ sở hữu súc vật là các cá nhân, tổ chức xác lập quyền sở hữu đối với súc vật theo các căn cứ xác lập quyền sở hữu được qui định tại các điều 234, 235, 239, 241, 242, 245, 246, 247 BLDS năm 2005, còn người chiếm hữu hợp pháp súc vật là các cá nhân, tổ chức có quyền chiếm hữu súc vật theo các qui định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 183, các điều 185, 186, 187, 188 BLDS năm 2005.
Việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp chiếm hữu, quản lý và sử dụng súc vật thuộc quyền là hợp pháp. Tuy nhiên, trong quá trình chiếm hữu, quản lý và sử dụng súc vật mà gây thiệt hại cho chủ thể khác thì họ phải có trách nhiệm bồi thường. Lỗi của họ có thể xuất phát từ nhiều hành vi, động cơ khác nhau như:
+ Chăn thả súc vật ở những nơi cấm chăn thả gia súc: đường phố, công viên, khu công nghiệp, khu dân cư, trường học…. và việc chăn thả đã đó đã gây thiệt hại;
+ Không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng không tốt, không đúng kỹ thuật các biện pháp quản lý, cầm giữ súc vật dẫn tới súc vật gây thiệt hại, ví dụ: không cột giữ trâu bò khi chăn thả ngoài cánh đồng làm trâu bò tự do đi lại dẫn nát ruộng vườn của chủ thể khác…;
+ Chuyển giao quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng cho các chủ thể khác không phù hợp với qui định của pháp luật, ví dụ: nhờ một người mới có 6 tuổi đi chăn thả trâu và trâu đã gây thiệt hại trong thời gian người đó chăn thả…
+ Cố ý sử dụng súc vật để gây thiệt hại cho chủ thể khác, ví dụ: do có mâu thuẫn, xô xát với B, A đã thúc cho chó của mình cắn đuổi theo B và làm B bị thiệt hại.
Trên thực tế, nhiều trường hợp, súc vật gây thiệt hại không có tác động bởi hành vi cụ thể nào của con người mà xuất phát từ đặc tính tự nhiên hoặc do yếu tố môi trường, dịch bệnh, như vụ trâu điên quật chết người ngày 6/12/2008 tại xã Thanh Vinh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa thiên – Huế(1) hay vụ cho dại cắn gần 60 người ở xã Tân phú, huyện Hàm tân, tỉnh Bình Thuận hồi đầu tháng 1/2009(2), thì trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp có đặt ra không? Hiện tại có hai cách hiểu khác nhau, nhất là khi chủ sở hữu không biết, không thể biết:
- Thứ nhất, chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp không phải chịu trách nhiệm dân sự trường hợp này, do hoàn toàn bất khả kháng và không có lỗi trong quản lý;
– Thứ hai, chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp phải chịu trách nhiệm dân sự trường hợp này do họ bị suy đoán có lỗi trong quản lý súc vật.
Thực tế, tại Điều 625 BLDS năm 2005 xác định trách nhiệm của chủ sở hữu súc vật phát sinh khi súc vật gây thiệt hại. Ngoại trừ các trường hợp: người bị thiệt hại, người chiếm hữu trái pháp luật hoặc người thứ ba có lỗi hoàn toàn trong việc súc vật gây thiệt hại. Như vậy, chủ sở hữu vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này vì bị suy đoán là có lỗi trong quản lý súc vật.
Theo quan điểm của chúng tôi, do tác động của môi trường, dịch bệnh mà sự an toàn đối với súc vật hiện nay không cao và khả năng gây thiệt hại của chúng cho con người ngày càng lớn và phức tạp thì pháp luật cần có qui định cụ thể hơn về trách nhiệm dân sự của các chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đối với súc vật của họ khi gây thiệt hại. Ví dụ: dịch lở mồm, long móng ở trâu bò, dịch lợn tai xanh ở lợn đang phát triển, nếu trâu nhà A mắc bệnh, khi chăn thả với trâu nhà B đã làm cho trâu nhà B đổ bệnh và chết. A có phải chịu trách nhiệm dân sự không? Sẽ dễ xác định nếu A biết nhưng vẫn cố tình chăn thả cùng với trâu nhà B, nhưng nếu A không biết thì căn cứ nào để xác định A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong khi Đ 625 lại không loại trừ trường hợp này. Mặt khác, việc A biết trâu mình mắc bệnh nhưng vẫn chăn thả với trâu nhà B sẽ áp dụng trách nhiệm trong trường hợp nào, súc vật gây thiệt hại theo Đ 625 hay gây ô nhiễm môi trường theo Đ 624?
Trong trường hợp, súc vật bị mắc bệnh bản tính trở nên hung dữ, con người khó kiểm soát được hoạt động của chúng (trâu, bò điên, chó dại…) và chúng đã gây thiệt hại thì cần xác định chúng là nguồn nguy hiểm cao độ hay súc vật gây thiệt hại? hiện cũng có hai cách hiểu khác nhau: tính chất hung dữ, không kiểm soát đã khiến súc vật mang đặc tính của nguồn nguy hiểm cao độ là thú dữ, cần xác định trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật theo Điều 623 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Và theo Điều 625, sự kiện trâu, bò điên, cho dại… gây thiệt hại (trừ trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp biết hoặc buộc phải biết mà không có biện pháp ngăn chặn, khống chế, cầm giữ gia súc) là sự kiện bất khả kháng nên trách nhiệm dân sự bị loại trừ trong trường hợp này. Ngược lại với cách hiểu trên, dù bản tính hung dữ, không kiểm soát được nhưng chúng vẫn là súc vật và trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật vẫn được xác định theo Điều 625, theo đó trách nhiệm của của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không bị loại trừ.
* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật và người thứ ba có lỗi làm súc vật gây thiệt hại cho người khác
Người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật là cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành chiếm hữu, sử dụng súc vật ngoài ý chí của chủ sở hữu như thông qua hành vi trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, cướp súc vật hoặc thuộc các trường hợp qui định tại các điều 239, 241, 242 đã xác định được chủ sở hữu nhưng vẫn không thực hiện hành vi hoàn trả cho chủ sở hữu theo qui định của pháp luật.
Người thứ ba là cá nhân, tổ chức không phải là chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người chiếm hữu, sử dụng gia súc trái pháp luật, nhưng họ đã thực hiện một hoặc nhiều hành vi trên thực tế làm cho gia súc gây thiệt hại cho người khác. Ví dụ: trêu chọc chó thuộc quyền hợp pháp của người khác, cắt dây buộc trâu và đánh trâu chạy đi… và các súc vật này đã gây thiệt hại cho người khác.
Người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật, người thứ ba có lỗi để súc vật gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp súc vật gây thiệt hại. Việc xác định lỗi cũng mang tính chất suy đoán như trong xác định trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật. Ngoài ra, người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật còn phải chịu trách nhiệm hoàn trả súc vật (nếu còn) hoặc phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật nếu có. Người thứ ba có lỗi để súc vật gây thiệt hại cho người khác mà gây thiệt hại cho súc vật của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật thì phải bồi thường thiệt hại.
Một vấn đề đặt ra là, người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật chưa thực hiện các hành vi trên thực tế để súc vật gây thiệt hại (A trộm trâu của B và cột trâu vào gốc xoài bên đường) và người thứ ba đã có các hành vi thực hiện trên thực tế để súc vật đang bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác (C thấy trâu đang cột ở gốc xoài đã dùng dao cắt dây thừng và đuổi trâu đi, trong quá trình trâu chạy đã gây thiệt hại cho D), thì trách nhiệm dân sự thuộc về ai? Khoản 2 và 3 Điều 625 lại không qui định cụ thể trường hợp này. Theo chúng tôi, hành vi của A là xâm phạm quyền sở hữu của B, nhưng chưa phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thiệt hại của D. Do vậy, C phải chị trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
* Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được nhiều người cùng thực hiện
Theo Điều 616 BLDS năm 2005, trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Căn cứ vào qui định trên và theo qui định tại Điều 625 BLDS năm 2005, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được nhiều người cùng thực hiện được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có lỗi trong quản lý súc vật để người thứ ba thực hiện các hành vi làm cho súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật và người thứ ba phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Ví dụ: trong khu công trường đã có biển cấm chăn thả gia súc, nhưng A vẫn chăn thả, B là nhân viên bảo vệ của công trường đã dùng gạch đá xua đuổi trâu của A làm trâu của A hoảng sợ, chạy lồng ra ngoài và đâm chết một đứa trẻ bên đường;
- Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật có lỗi trong quản lý súc vật để người thứ ba dùng các hành vi tác động đến súc vật làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác, thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật và người thứ ba có lỗi cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cũng có thể hiểu theo nghĩa khác ở trường hợp này, theo khoản 3 Điều 625 thì không có qui định loại trừ trách nhiệm cho người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật để súc vật gây thiệt hại cho người khác. Do đó, không phát sinh trách nhiệm liên đới giữa người chiếm hữu. sử dụng trái pháp luật với người thứ ba có lỗi để súc vật gây thiệt hại mà là trách nhiệm cá nhân của người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật. Theo quan điểm của chúng tôi, không nên căn cứ vào hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật mà gắn cho họ trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ trong việc súc vật gây thiệt hại cho người khác nếu hoàn toàn không thuộc về lỗi của họ. căn cứ vào Điều 616, thì hành vi của người thứ ba và người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật trong trường hợp này cùng dẫn tới việc gây thiệt hại cho người khác thì họ phải cùng chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.
Ngoài những trường hợp nêu trên, nếu người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc để súc vật gây thiệt hại cho mình thì phát sinh trách nhiệm do hỗn hợp lỗi giữa chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật với người bị thiệt hại. Các bên phải chịu thiệt hại theo phần lỗi của mình. Trong trường hợp không xác định được phạm vi lỗi của các bên thì chia đều trách nhiệm về thiệt hại. Nếu lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại thì trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp được loại trừ.
Cũng liên quan đến trách nhiệm của người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật để súc vật gây thiệt hại cho người khác và người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc súc vật gây thiệt hại cho mình, thì xác định trách nhiệm dân sự như thế nào? ví dụ: X trộm chó của Y và cột chó vào một miếu hoang ngoài cánh đồng, M đi làm đồng ngang qua đã có hành vi trêu chọc chó và bị chó cắn gây thiệt hại về sức khỏe. Trường hợp này, X chịu trách nhiệm toàn bộ, A và M cùng chia xẻ thiệt hại hay M chịu thiệt hại toàn bộ? nếu căn cứ vào khoản 3 Điều 625 thì trách nhiệm của X không bị loại trừ, nhưng căn cứ vào Điều 617 “Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”, thì đây cũng là trường hợp hỗn hợp lỗi, X và M phải cùng chia xẻ trách nhiệm về thiệt hại xảy ra đối với M.
* Bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông theo tập quán gây thiệt hại
Theo khoản 4 Điều 625 BLDS năm 2005, trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại theo tập quán, nếu tập quán đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Việc áp dụng tập quán để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là phù hợp, nhưng theo chúng tôi vẫn chưa bao quát hết các trường hợp có thể áp dụng tập quán để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo tập quán. Ví dụ: trường hợp người bị thiệt hại có lỗi hoặc người thứ ba có lỗi để súc vật gây thiệt hại hoàn toàn có thể vận dụng tập quán đề giải quyết.
Phong tục, tập quán là một khái niệm phức tạp, tuy nhiên có thể được hiểu là: “những thói quen đã được mọi người tuân thủ tại một địa phương trong một hoàn cảnh bắt buộc phải chấp nhận lề thói ấy như một phần luật pháp của địa phương”(3). Như vậy, phong tục, tập quán thực chất là những qui tắc xử sự mang tính cộng đồng, phản ánh nguyện vọng qua nhiều thế hệ của toàn thể dân cư trong một cộng đồng tự quản (làng, xã, khu vực). Các qui tắc này được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội nói chung, quan hệ dân sự nói riêng mang tính tộc người hoặc mang tính khu vực. Do vậy, tập quán rất đa dạng và phong phú, để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật và trong giải quyết bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Một là, phong tục, tập quán được áp dụng có nội dung không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự;
- Hai là, chỉ áp dụng những phong tục, tập quán đã trở thành thông dụng, được đông đảo mọi người sinh sống trên cùng địa bàn, cùng dân tộc, cùng tôn giáo thừa nhận.
- Ba là, phong tục, tập quán chỉ được áp dụng trên địa bàn có thói quen xử sự theo tập quán đó
- Bốn là, tôn trọng sự thoả thuận của đương sự trong việc áp dụng phong tục, tập quán về dân sự.
- Năm là, phát huy vai trò của những người đứng đầu cộng đồng (già làng, trưởng bản) hoặc các chức sắc tôn giáo trong việc áp dụng phong tục, tập quán giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung và bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Mẫu thông báo phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia theo Nghị định 135?
- Tên gọi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua các thời kỳ?
- Thời hạn công ty phải khai trình việc sử dụng lao động là bao lâu kể từ ngày bắt đầu hoạt động?
- Gây thương tích bao nhiêu phần trăm thì đi tù?