Không được thăm nom con sau khi ly hôn phải làm thế nào?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật CHÂU VIỆT VƯƠNG - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:
Căn cứ theo Điều 83, luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định vềnghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Như vậy, khi có quyết định, bản án ly hôn của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì Quyết định này chỉ có ý nghĩa chấm dứt quan hệ pháp lý giữa vợ chồng, còn quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với con cái vẫn phải được đảm bảo thực hiện. Việc thăm nom, chăm sóc con là quyền và nghĩa vụ lợi ích hợp pháp của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn mà người trực tiếp nuôi con không được cản trở. Quyền này đã được ghi nhận trong bản án sơ thẩm của Tòa án.
Ngoài ra, việc cản trở thăm nom, chăm sóc con cái của người có quyền nuôi con còn là hành vi trái với quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực thi hành năm 2007 như sau: ”Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Căn cứ theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình có quy định:
“Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”.
Như vậy, trường hợp vợ của bạn không cho bạn thăm nom, chăm sóc con bạn thì bạn có thể báo với chính quyền, cơ quan công an cấp xã nơi vợ bạn cư trú về hành vi ngăn cản việc trông nom con cái của bạn để họ có thể can thiệp giải quyết và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cản quyền giữa cha và con.
Sau khi nhờ Chính quyền địa phương giúp đỡ, nếu vợ bạn vẫn không có thái độ hợp tác, bạn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề đã thỏa thuận về việc thăm nom, chăm sóc con chung theo Quyết định, bản án của Tòa án.
Trường hợp sau khi áp dụng tất cả các biện pháp trên, nếu vợ bạn vẫn không có thiện chí hợp tác thi hành, bạn có thể thu thập tất cả những chứng cứ về việc ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc con của vợ bạn và bạn có thể xem xét việc làm đơn thay đổi người nuôi con gửi đến Tòa án để được thay đổi quyền nuôi con căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: ”Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có căn cứ sau đây: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con”.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
HUY LÂM
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Bằng lái xe nếu đã hết hạn quá 3 tháng sẽ phải thi lại không?
- Từ ngày 01/07/2025, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là bao nhiêu?
- Khi điều khiển xe đạp tham gia giao thông gặp biển nào không được phép đi vào?
- Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất phải được tiến hành như thế nào?