Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 số 74/2014/QH13 áp dụng 2024

Số hiệu: 74/2014/QH13 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 27/11/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Các trường hợp được tuyển thẳng vào cao đẳng nghề

Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT được tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ cao đẳng nghề trong các trường hợp sau:

- Có bằng tốt nghiệp trung cấp loại giỏi trở lên và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;

- Có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá và có ít nhất 02 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;

- Đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia thì được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

Nội dung nêu trên được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và có hiệu lực từ 01/07/2015.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Luật số: 74/2014/QH13

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2014

LUẬT

GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật giáo dục nghề nghiệp.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng; doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.

2. Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp.

3. Mô-đun là đơn vị học tập được tích hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp một cách hoàn chỉnh nhằm giúp cho người học có năng lực thực hiện trọn vẹn một hoặc một số công việc của một nghề.

4. Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức, kỹ năng và kết quả học tập đã tích lũy được trong một khoảng thời gian nhất định.

5. Đào tạo chính quy là hình thức đào tạo theo các khóa học tập trung toàn bộ thời gian do cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp) thực hiện để đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

6. Đào tạo thường xuyên là hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, được thực hiện linh hoạt về chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm đào tạo, phù hợp với yêu cầu của người học.

7. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.

8. Doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác có tư cách pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 4. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp

1. Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

2. Mục tiêu cụ thể đối với từng trình độ của giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

a) Đào tạo trình độ sơ cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề;

b) Đào tạo trình độ trung cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm;

c) Đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Điều 5. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

a) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

b) Trường trung cấp;

c) Trường cao đẳng.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình sau đây:

a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

c) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp

1. Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp và liên thông với các trình độ đào tạo khác.

2. Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực. Ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo; được phân bổ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời.

3. Đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch; tập trung đầu tư hình thành một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, nhu cầu học tập của người lao động và từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.

4. Nhà nước có chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

5. Ưu tiên đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng ven biển; đầu tư đào tạo các nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hóa.

6. Nhà nước thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng đào tạo đối với những ngành, nghề đặc thù; những ngành, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn; những ngành, nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hóa. Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp không phân biệt loại hình đều được tham gia cơ chế đấu thầu, đặt hàng quy định tại khoản này.

7. Hỗ trợ các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, ngư dân đánh bắt xa bờ, lao động nông thôn là người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và các đối tượng chính sách xã hội khác nhằm tạo cơ hội cho họ được học tập để tìm việc làm, tự tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp.

8. Nhà nước tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Điều 7. Xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp

1. Đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hình thức đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức khác, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp.

2. Tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của Chính phủ. Ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý, cho thuê cơ sở vật chất, thiết bị để khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.

3. Khuyến khích nghệ nhân và người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ đào tạo các nghề truyền thống và ngành, nghề ở nông thôn.

4. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm tham gia xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo nghề nghiệp; tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Điều 8. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước, ngành, địa phương, khả năng đầu tư của Nhà nước, khả năng huy động nguồn lực của xã hội;

b) Bảo đảm cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và cơ cấu vùng, miền; tính đa dạng, đồng bộ của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2. Nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

a) Cơ cấu mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và quy mô đào tạo theo ngành, nghề, trình độ đào tạo, loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

b) Phân bố các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo từng vùng, từng địa phương;

c) Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp;

d) Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.

3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch;

b) Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam xây dựng và phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của bộ, ngành, địa phương mình và chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện.

Điều 9. Liên thông trong đào tạo

1. Liên thông trong đào tạo được thực hiện căn cứ vào chương trình đào tạo; người học khi chuyển từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ đào tạo cao hơn cùng ngành, nghề hoặc khi chuyển sang học ngành, nghề khác thì không phải học lại những nội dung đã học.

2. Hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng căn cứ vào chương trình đào tạo quyết định mô-đun, tín chỉ, môn học hoặc nội dung mà người học không phải học lại.

3. Liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Chương II

CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Mục 1: TỔ CHỨC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 10. Cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ cấu tổ chức của trường trung cấp, trường cao đẳng công lập, tư thục bao gồm:

a) Hội đồng trường đối với trường trung cấp, trường cao đẳng công lập; hội đồng quản trị đối với trường trung cấp, trường cao đẳng tư thục;

b) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng;

c) Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Các khoa, bộ môn;

đ) Các hội đồng tư vấn;

e) Phân hiệu; tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ; tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).

2. Cơ cấu tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục bao gồm:

a) Giám đốc, phó giám đốc;

b) Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Các tổ bộ môn;

d) Các hội đồng tư vấn;

đ) Các đơn vị phục vụ đào tạo; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tự chủ về cơ cấu tổ chức.

Điều 11. Hội đồng trường

1. Hội đồng trường được thành lập ở trường trung cấp, trường cao đẳng công lập.

2. Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Quyết nghị phương hướng, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường;

b) Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế;

c) Quyết nghị chủ trương sử dụng tài chính, tài sản và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường theo quy định của pháp luật;

d) Quyết nghị cơ cấu tổ chức trường; về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của nhà trường; về việc đề nghị miễn nhiệm hiệu trưởng;

đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường.

3. Thành phần tham gia hội đồng trường bao gồm:

a) Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, bí thư tổ chức Đảng cơ sở, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện nhà giáo và một số đơn vị phòng, khoa, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nhà trường (nếu có);

b) Đại diện cơ quan chủ quản hoặc đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan.

4. Chủ tịch hội đồng trường do thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật này.

5. Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm và theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng. Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.

6. Thẩm quyền, thủ tục thành lập, số lượng, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của hội đồng trường; nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch, thư ký hội đồng trường; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chủ tịch và các thành viên hội đồng trường được quy định trong Điều lệ trường trung cấp, Điều lệ trường cao đẳng và quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều 12. Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị được thành lập ở trường trung cấp, trường cao đẳng tư thục.

2. Hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho chủ sở hữu của nhà trường, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông;

b) Quyết nghị phương hướng, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế, tổ chức hoạt động của nhà trường;

c) Quyết nghị cơ cấu tổ chức trường; về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của nhà trường; về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc không công nhận hiệu trưởng;

d) Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế;

đ) Quyết nghị những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường;

e) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông, việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường.

3. Thành phần tham gia hội đồng quản trị bao gồm:

a) Đại diện các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định;

b) Hiệu trưởng, đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trụ sở hoặc đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan;

c) Đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện nhà giáo.

4. Chủ tịch hội đồng quản trị do hội đồng quản trị bầu theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín.

Chủ tịch hội đồng quản trị là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính và tài sản của nhà trường. Chủ tịch hội đồng quản trị có thể ủy quyền cho hiệu trưởng trường là đại diện chủ tài khoản, thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ như chủ tài khoản trong phạm vi được ủy quyền.

5. Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị là 05 năm. Hội đồng quản trị làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.

6. Thủ tục thành lập, số lượng, cơ cấu thành viên, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản trị; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch, thư ký hội đồng quản trị được quy định trong Điều lệ trường trung cấp, Điều lệ trường cao đẳng và quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều 13. Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp

1. Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp là người đứng đầu trung tâm, đại diện cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Nhiệm kỳ của giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 05 năm.

2. Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có phẩm chất, đạo đức tốt;

b) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;

c) Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp;

d) Có đủ sức khỏe.

3. Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành các quy chế, quy định trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

b) Quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp; bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức các chức danh trưởng, phó các tổ chức của trung tâm;

c) Xây dựng quy hoạch và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; quyết định cơ cấu, số lượng người làm việc và quyết định trả lương theo hiệu quả, chất lượng công việc; tuyển dụng viên chức, người lao động theo nhu cầu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp; ký kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng viên chức, người lao động và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phối hợp với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề nghiệp; tổ chức hướng nghiệp cho học sinh phổ thông;

đ) Quản lý cơ sở vật chất, tài sản, tài chính và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động được để phục vụ cho hoạt động đào tạo của trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật;

g) Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

h) Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn với cơ quan quản lý trực tiếp;

i) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

4. Thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận, miễn nhiệm, cách chức giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

a) Người có thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận, không công nhận giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn theo đề nghị của những người góp vốn thành lập trung tâm hoặc tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục.

5. Thủ tục bổ nhiệm, công nhận, miễn nhiệm, cách chức giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp được quy định trong Điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Điều 14. Hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng

1. Hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng là người đứng đầu trường trung cấp, trường cao đẳng, đại diện cho nhà trường trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhà trường. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 05 năm. Hiệu trưởng được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ và không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng công lập là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính và tài sản của nhà trường.

2. Hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có phẩm chất, đạo đức tốt, đã có ít nhất là 05 năm làm công tác giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với hiệu trưởng trường trung cấp; có bằng thạc sỹ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng;

c) Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp;

d) Có đủ sức khỏe; bảo đảm độ tuổi để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ hiệu trưởng đối với việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng công lập.

3. Hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành các quy chế, quy định trong trường trung cấp, trường cao đẳng theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị;

b) Tổ chức thực hiện nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị;

c) Quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của nhà trường theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức các chức danh trưởng, phó các tổ chức của nhà trường;

d) Xây dựng quy hoạch và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; quyết định cơ cấu, số lượng người làm việc và quyết định trả lương theo hiệu quả, chất lượng công việc; tuyển dụng viên chức, người lao động theo nhu cầu của nhà trường; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phối hợp với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo;

e) Quản lý cơ sở vật chất, tài sản, tài chính và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động được để phục vụ cho hoạt động đào tạo của trường theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật;

h) Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong nhà trường;

i) Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng và ban giám hiệu trước hội đồng trường, hội đồng quản trị;

k) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

4. Thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận, miễn nhiệm, cách chức hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hiệu trưởng trường trung cấp, hiệu trưởng trường cao đẳng công lập trực thuộc;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận, không công nhận hiệu trưởng trường trung cấp tư thục trên địa bàn theo đề nghị của hội đồng quản trị;

c) Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương công nhận, không công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng tư thục theo đề nghị của hội đồng quản trị.

5. Thủ tục bổ nhiệm, công nhận, miễn nhiệm, cách chức hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng được quy định trong Điều lệ trường trung cấp, Điều lệ trường cao đẳng.

Điều 15. Hội đồng tư vấn

1. Hội đồng tư vấn trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập để tư vấn cho người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi, thẩm quyền của mình.

2. Tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng tư vấn do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định.

Điều 16. Phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng

1. Phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng thuộc cơ cấu tổ chức và chịu sự quản lý, điều hành của hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng. Phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng không có tư cách pháp nhân độc lập, đặt ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi đặt trụ sở chính của trường trung cấp, trường cao đẳng, chịu sự quản lý nhà nước theo lãnh thổ nơi đặt phân hiệu theo quy định của pháp luật.

2. Phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng thực hiện các nhiệm vụ theo sự điều hành của hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng, báo cáo với người đứng đầu trường trung cấp, trường cao đẳng về các hoạt động của phân hiệu, báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi đặt phân hiệu về các hoạt động liên quan đến thẩm quyền quản lý của địa phương.

3. Điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập; thẩm quyền, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng được thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này.

Điều 17. Tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo điều lệ của tổ chức mình và theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức Đảng, đoàn thể và tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 18. Thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đề án thành lập đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương và phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phê duyệt.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật phải bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các điều kiện sau đây:

a) Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, giáo trình, phương pháp và thời gian đào tạo phù hợp với người khuyết tật. Các công trình xây dựng phục vụ cho người khuyết tật học tập phải bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng;

b) Có đội ngũ nhà giáo có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy cho người khuyết tật.

4. Việc sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

b) Bảo đảm quyền lợi của nhà giáo, viên chức, người lao động và người học; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.

5. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định cụ thể điều kiện, yêu cầu đối với việc thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

6. Thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp tư thục và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc cơ quan, tổ chức mình;

c) Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quyết định thành lập trường cao đẳng công lập; cho phép thành lập trường cao đẳng tư thục, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài;

d) Người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập thì có quyền sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

7. Thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng công lập, tư thục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định.

Thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 19. Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập;

b) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo theo cam kết;

c) Có đủ chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định;

d) Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;

đ) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

e) Có điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động.

2. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

3. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi thay đổi các nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì phải đăng ký bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Điều 20. Đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong những trường hợp sau đây:

a) Có hành vi gian lận để được thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này;

c) Tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

d) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhà giáo, viên chức, người lao động và người học. Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì có quyền đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định thủ tục đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

4. Sau thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì người có thẩm quyền quyết định đình chỉ ra quyết định cho phép tiếp tục hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Điều 21. Giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm các quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;

c) Không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sau thời hạn 36 tháng đối với trường cao đẳng, trường trung cấp hoặc 24 tháng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực;

d) Không triển khai hoạt động đào tạo sau thời hạn 24 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép giải thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp đó.

3. Quyết định giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải xác định rõ lý do giải thể, các biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhà giáo, viên chức, người học và người lao động. Quyết định giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

4. Người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập thì có quyền giải thể hoặc cho phép giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định thủ tục giải thể hoặc cho phép giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều 22. Điều lệ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Điều lệ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương ban hành bao gồm Điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Điều lệ trường trung cấp, Điều lệ trường cao đẳng.

2. Điều lệ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Mục tiêu và sứ mạng;

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

c) Tổ chức các hoạt động đào tạo;

d) Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo, cán bộ quản lý;

đ) Nhiệm vụ và quyền của người học;

e) Tổ chức và quản lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

g) Tài chính và tài sản;

h) Quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, gia đình và xã hội.

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào Điều lệ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của mình và công bố công khai tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục

1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

2. Tổ chức đào tạo đối với các trình độ đào tạo nghề nghiệp theo quy định sau đây:

a) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề nghiệp phổ thông và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông;

b) Trường trung cấp tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp;

c) Trường cao đẳng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và trình độ sơ cấp.

3. Tổ chức đào tạo thường xuyên theo quy định tại Mục 2 Chương III của Luật này.

4. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh và quản lý người học.

5. Công bố công khai mục tiêu, chương trình đào tạo; điều kiện để bảo đảm chất lượng dạy và học; mức học phí và miễn, giảm học phí; kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; hệ thống văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp và các biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo.

6. Tổ chức giảng dạy, học tập theo mục tiêu, chương trình đào tạo; cấp bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp cho người học; tổ chức cho người học học tập, thực hành và thực tập tại doanh nghiệp thông qua hợp đồng với doanh nghiệp.

7. Được sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài đã được tổ chức giáo dục, đào tạo nước ngoài hoặc quốc tế có uy tín công nhận về chất lượng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo quy định của pháp luật.

8. Liên kết hoạt động đào tạo trong nước; liên kết hoạt động đào tạo với nước ngoài theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

9. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.

10. Xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa.

11. Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; tổ chức cho nhà giáo thực tập sản xuất tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng nghề; tổ chức cho nhà giáo, viên chức, người lao động và người học tham gia các hoạt động xã hội.

12. Thực hiện kiểm định và bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định.

13. Tư vấn đào tạo, tư vấn việc làm miễn phí cho người học.

14. Được thành lập doanh nghiệp, được tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

15. Đưa nội dung giảng dạy về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước mà người lao động đến làm việc và pháp luật có liên quan của Việt Nam vào chương trình đào tạo khi tổ chức đào tạo cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

16. Nghiên cứu khoa học để phục vụ và nâng cao chất lượng đào tạo; ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

17. Thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

18. Có cơ chế để người học, nhà giáo và xã hội tham gia đánh giá chất lượng đào tạo nghề nghiệp.

19. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

20. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

1. Được bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, người học và những người lao động khác kể cả khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị đình chỉ hoạt động, giải thể hoặc buộc phải đình chỉ hoạt động, giải thể trước thời hạn.

3. Tôn trọng pháp luật, phong tục, tập quán của Việt Nam.

4. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác quy định tại Điều 23 của Luật này.

Điều 25. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong các hoạt động thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học và xã hội về tổ chức, quản lý hoạt động và chất lượng đào tạo của mình.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của Chính phủ.

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đủ năng lực tự chịu trách nhiệm hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ thì tùy mức độ mà bị hạn chế quyền tự chủ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Mục 2: CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 26. Chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách sau đây:

a) Được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; được ưu đãi về tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất hoặc nâng cao chất lượng đào tạo; ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật về thuế; miễn thuế đối với phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để lại để đầu tư phát triển; miễn, giảm thuế theo quy định đối với lợi nhuận thu được từ sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ hoạt động đào tạo; ưu đãi về thuế đối với việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với hoạt động đào tạo, xuất bản giáo trình, tài liệu dạy học, sản xuất và cung ứng thiết bị đào tạo, nhập khẩu sách, báo, tài liệu, thiết bị đào tạo;

b) Tham gia đấu thầu, nhận đặt hàng đào tạo của Nhà nước theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

c) Vay vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án trong nước và nước ngoài;

d) Tham gia chương trình bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong nước và nước ngoài bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước;

đ) Hỗ trợ đầu tư bảo đảm các điều kiện để tiếp nhận học sinh phổ thông dân tộc nội trú khi ra trường vào học nghề;

e) Hỗ trợ phát triển đào tạo các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu học tập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

g) Các chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện các hoạt động đào tạo, phổ biến tiến bộ khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

Điều 27. Chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật

1. Nhà nước khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển người khuyết tật vào học hòa nhập; khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật được hưởng các chính sách quy định tại Điều 26 của Luật này và được Nhà nước hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; được giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình sự nghiệp ở nơi thuận lợi cho việc học của người khuyết tật.

Mục 3: TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 28. Nguồn tài chính của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Ngân sách nhà nước (nếu có).

2. Đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

3. Học phí, lệ phí tuyển sinh.

4. Thu từ các hoạt động hợp tác đào tạo, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

5. Tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng, cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

6. Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Học phí, lệ phí tuyển sinh

1. Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp để bù đắp chi phí đào tạo và chi phí tuyển sinh.

2. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, nguyên nhiên vật liệu thực hành, thực tập; khấu hao cơ sở vật chất, thiết bị và các chi phí cần thiết khác cho việc đào tạo.

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện được chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh theo quy định đối với cơ sở giáo dục công lập tự chủ toàn diện.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khác xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh theo từng chuyên ngành hoặc từng nghề căn cứ vào nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, lệ phí tuyển sinh và khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định.

4. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh.

5. Mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh phải được công bố công khai cùng thời điểm với thông báo tuyển sinh.

6. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

Điều 30. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm thiết bị đào tạo theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và cơ sở vật chất theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương.

Điều 31. Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được quyền quyết định việc huy động vốn, sử dụng vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao để mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương.

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

4. Tài sản và đất đai được Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục quản lý và tài sản mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục được tài trợ, viện trợ, biếu, tặng, cho phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất kỳ hình thức nào.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng đúng mục đích nguồn tài chính tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quản lý và sử dụng tài sản nhà nước của cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Chương III

HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Mục 1: ĐÀO TẠO CHÍNH QUY

Điều 32. Tuyển sinh đào tạo

1. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được quyền xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.

2. Việc tổ chức tuyển sinh được thực hiện như sau:

a) Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh một hoặc nhiều lần trong năm theo chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định;

b) Tuyển sinh trình độ sơ cấp được thực hiện theo hình thức xét tuyển;

c) Tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Căn cứ vào yêu cầu cụ thể của chuyên ngành hoặc nghề đào tạo, hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng có thể quyết định việc sơ tuyển trước khi tiến hành xét tuyển hoặc thi tuyển.

3. Các trường hợp được tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ cao đẳng bao gồm:

a) Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại giỏi trở lên và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;

b) Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá, đã có ít nhất 02 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;

c) Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật này.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo.

Điều 33. Thời gian đào tạo

1. Thời gian đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học nhưng phải bảo đảm thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ học đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.

2. Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo.

Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo.

Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông.

3. Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế được thực hiện từ 02 đến 03 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

Điều 34. Chương trình đào tạo

1. Chương trình đào tạo nghề nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Thể hiện được mục tiêu đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với từng mô-đun, tín chỉ, môn học, từng chuyên ngành hoặc từng nghề và từng trình độ;

b) Bảo đảm tính khoa học, hiện đại, hệ thống, thực tiễn, linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động; phân bố hợp lý thời gian giữa các khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; bảo đảm việc liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân;

c) Được định kỳ rà soát cập nhật, bổ sung cho phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

2. Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn và phê duyệt chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với từng trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Điều 35. Giáo trình đào tạo

1. Giáo trình đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng mô-đun, tín chỉ, môn học trong chương trình đào tạo, tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định thành lập hội đồng thẩm định giáo trình; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình; duyệt giáo trình để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định việc tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục nghề nghiệp.

Điều 36. Yêu cầu về phương pháp đào tạo

1. Phương pháp đào tạo trình độ sơ cấp phải chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề và phát huy tính tích cực, tự giác của người học.

2. Phương pháp đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải kết hợp rèn luyện năng lực thực hành với trang bị kiến thức chuyên môn; phát huy tính tích cực, tự giác, năng động, khả năng làm việc độc lập, tổ chức làm việc theo nhóm; sử dụng phần mềm dạy học và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong dạy và học.

Điều 37. Tổ chức và quản lý đào tạo

1. Chương trình đào tạo được thực hiện theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở nhưng phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng theo quy định đối với từng chương trình đào tạo.

2. Người học tích lũy đủ số mô-đun hoặc tín chỉ quy định trong chương trình đào tạo thì được công nhận hoàn thành chương trình; những mô-đun, tín chỉ đã tích lũy được công nhận và không phải học lại khi học các chương trình đào tạo khác.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ và việc liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

Điều 38. Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp

1. Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Việc cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

a) Người học học hết chương trình đào tạo trình độ sơ cấp có đủ điều kiện thì được kiểm tra hoặc thi kết thúc khóa học, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp được phép hoạt động đào tạo nghề nghiệp cấp chứng chỉ sơ cấp;

b) Học sinh học hết chương trình đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc học sinh học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nếu tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định thì được hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp;

c) Sinh viên học hết chương trình đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc sinh viên học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nếu tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định thì được hiệu trưởng trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành.

2. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp in phôi và cấp bằng, chứng chỉ đào tạo cho người học; công bố công khai các thông tin liên quan về bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định về quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; quy định mẫu bằng, chứng chỉ đào tạo, việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng, chứng chỉ đào tạo; quy định trách nhiệm của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc cấp bằng, chứng chỉ đào tạo tại Việt Nam; quy định việc công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài; quy định trình tự, thủ tục công nhận bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp.

Mục 2: ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

Điều 39. Hợp đồng đào tạo

1. Hợp đồng đào tạo là sự giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lớp đào tạo nghề, tổ chức, cá nhân với người học tham gia các chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này và trong trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp.

2. Hợp đồng đào tạo phải có các nội dung sau đây:

a) Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;

b) Địa điểm đào tạo;

c) Thời gian hoàn thành khóa học;

d) Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;

đ) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;

e) Thanh lý hợp đồng;

g) Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

3. Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì hợp đồng đào tạo ngoài những nội dung quy định tại khoản 2 Điều này còn có các nội dung sau đây:

a) Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;

b) Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;

c) Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.

4. Hợp đồng đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề tại doanh nghiệp ngoài các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, phải có thỏa thuận thời gian bắt đầu được trả công và mức tiền công trả cho người học theo từng thời gian.

Điều 40. Chương trình đào tạo thường xuyên

1. Đào tạo thường xuyên được thực hiện với các chương trình sau đây:

a) Chương trình đào tạo thường xuyên theo yêu cầu của người học; chương trình bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp;

b) Chương trình đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề;

c) Chương trình chuyển giao công nghệ;

d) Chương trình đào tạo khác có thời gian đào tạo dưới 03 tháng;

đ) Chương trình đào tạo để lấy bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp và chứng chỉ sơ cấp theo hình thức đào tạo thường xuyên.

2. Chương trình đào tạo thường xuyên phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Chương trình đào tạo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này phải bảo đảm tính thiết thực, giúp người học có năng lực thực hiện được các công việc của nghề đã học, nâng cao khả năng lao động, tăng năng suất lao động hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, lớp đào tạo nghề thực hiện các chương trình đào tạo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng hoặc tổ chức lựa chọn chương trình đào tạo cho mình;

b) Chương trình đào tạo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 34 của Luật này.

Điều 41. Thời gian và phương pháp đào tạo thường xuyên

1. Thời gian đào tạo đối với các chương trình quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này được thực hiện theo yêu cầu của từng chương trình, bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng người học.

2. Thời gian đào tạo thực hiện theo niên chế đối với các chương trình quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 40 của Luật này có thể dài hơn thời gian quy định tại Điều 33 của Luật này.

3. Phương pháp đào tạo thường xuyên phải phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học, kinh nghiệm của người học; sử dụng phương tiện hiện đại và công nghệ thông tin, truyền thông để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học.

Điều 42. Người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên

1. Người dạy các chương trình đào tạo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này là nhà giáo, nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi.

2. Người dạy các chương trình đào tạo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 40 của Luật này là nhà giáo đáp ứng các tiêu chuẩn, trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại Điều 53 và Điều 54 của Luật này.

Điều 43. Tổ chức và quản lý đào tạo thường xuyên

1. Việc tổ chức và quản lý đào tạo thường xuyên được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật này.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, lớp đào tạo nghề được tổ chức đào tạo đối với các chương trình quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này.

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng được tổ chức đào tạo đối với chương trình quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 40 của Luật này khi đã bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đào tạo chính quy và được cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo có thẩm quyền cho phép.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định cụ thể về đào tạo thường xuyên.

Điều 44. Văn bằng, chứng chỉ trong đào tạo thường xuyên

1. Các chương trình đào tạo nghề thường xuyên quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này áp dụng hình thức kiểm tra hoặc thi khi kết thúc mô-đun, môn học, chương trình tùy thuộc vào từng chương trình, do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, người đứng đầu tổ chức, cá nhân mở lớp đào tạo nghề quyết định.

2. Việc kiểm tra, thi và cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đối với chương trình đào tạo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 40 của Luật này được thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật này.

3. Người học học hết chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này được người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, lớp đào tạo nghề cấp chứng chỉ đào tạo. Chứng chỉ đào tạo phải ghi rõ nội dung đào tạo, thời gian khóa học.

Điều 45. Lớp đào tạo nghề

1. Lớp đào tạo nghề do tổ chức, cá nhân thành lập để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Trường hợp mở lớp đào tạo nghề theo đặt hàng của Nhà nước thì tổ chức, cá nhân mở lớp đào tạo nghề phải có đủ điều kiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương.

2. Tổ chức, cá nhân mở lớp đào tạo nghề có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều này thì được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây:

a) Các khoản chi cho hoạt động của lớp đào tạo nghề được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Được tham gia các chương trình, đề án về đào tạo nghề của Nhà nước nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Được cấp chứng chỉ đào tạo cho người học;

d) Được cử người dạy nghề tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, lớp bồi dưỡng nâng cao, cập nhật kiến thức công nghệ thuộc lĩnh vực chuyên môn;

đ) Người học được hỗ trợ đào tạo nếu lớp đào tạo nghề thuộc các chương trình, đề án về đào tạo nghề của Nhà nước.

3. Lớp đào tạo nghề đáp ứng các điều kiện sau đây thì được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước:

a) Có cơ sở vật chất, thiết bị, giáo viên, chương trình đào tạo phù hợp với nghề đào tạo;

b) Có báo cáo bằng văn bản về hoạt động đào tạo nghề với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mở lớp đào tạo nghề.

Mục 3: HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 46. Mục tiêu hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp

1. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

2. Tạo điều kiện để cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Điều 47. Các hình thức hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp

1. Liên kết đào tạo.

2. Thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

3. Hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học.

4. Bồi dưỡng, trao đổi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và người học.

5. Trao đổi thông tin phục vụ hoạt động đào tạo; cung ứng chương trình đào tạo; trao đổi các ấn phẩm, tài liệu và kết quả hoạt động đào tạo.

6. Tham gia các tổ chức giáo dục, hội nghề nghiệp khu vực và quốc tế.

7. Mở văn phòng đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam ở nước ngoài.

8. Các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật.

Điều 48. Liên kết đào tạo với nước ngoài

1. Liên kết đào tạo với nước ngoài là việc xây dựng và thực hiện chương trình hợp tác đào tạo giữa cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam với cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài nhưng không hình thành pháp nhân mới nhằm thực hiện chương trình đào tạo để cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo nghề nghiệp.

2. Chương trình đào tạo sử dụng trong liên kết đào tạo với nước ngoài là chương trình đào tạo của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng. Chương trình đào tạo được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam hoặc một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài. Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phê duyệt chương trình đào tạo sử dụng trong liên kết đào tạo với nước ngoài.

3. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp liên kết đào tạo với nước ngoài phải có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo và phải bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, chương trình, nội dung đào tạo.

Cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài thực hiện liên kết với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong nước phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do cơ quan kiểm định chất lượng nước ngoài cấp hoặc được công nhận theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương.

Điều kiện cụ thể, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

4. Trường hợp chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bị đình chỉ tuyển sinh hoặc bị chấm dứt hoạt động do không duy trì điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này thì cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho người học, thanh toán các khoản thù lao giảng dạy, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người học, của nhà giáo, viên chức, người lao động theo hợp đồng lao động đã ký kết hoặc thỏa ước lao động tập thể; thanh toán các khoản nợ thuế và các khoản nợ khác (nếu có).

Điều 49. Văn phòng đại diện

1. Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài có chức năng đại diện cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài.

2. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thúc đẩy hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam thông qua việc xúc tiến xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;

b) Tổ chức các hoạt động giao lưu, tư vấn, trao đổi thông tin, hội thảo, triển lãm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm giới thiệu về tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài;

c) Đôn đốc, giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giáo dục nghề nghiệp đã ký kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam;

d) Không được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam và không được phép thành lập chi nhánh trực thuộc văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tư cách pháp nhân;

b) Có tôn chỉ, mục đích hoạt động;

c) Đã có thời gian hoạt động giáo dục nghề nghiệp ít nhất là 05 năm ở nước sở tại;

d) Có quy chế tổ chức, hoạt động của văn phòng đại diện dự kiến thành lập tại Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

5. Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài được chấm dứt hoạt động theo đề nghị của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài hoặc bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn ghi trong giấy phép;

b) Bị thu hồi giấy phép do văn phòng đại diện không hoạt động sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép lần đầu hoặc 03 tháng, kể từ ngày được gia hạn giấy phép;

c) Có sự giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện;

d) Thực hiện những hoạt động ngoài nội dung ghi trong giấy phép;

đ) Vi phạm các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 50. Chính sách phát triển hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp

1. Nhà nước mở rộng, phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền quốc gia và các bên cùng có lợi.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tham gia giảng dạy, nghiên cứu, đầu tư, tài trợ, hợp tác, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ về giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam; được bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Chương IV

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 51. Quyền của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp

1. Được thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong doanh nghiệp và cho xã hội.

2. Được đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp và lao động khác; được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo cho người khuyết tật vào học tập và làm việc cho doanh nghiệp.

3. Được phối hợp với các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác để tổ chức đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo thường xuyên.

4. Được tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

5. Các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Điều 52. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp

1. Cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

2. Tổ chức đào tạo hoặc đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp.

3. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã thỏa thuận trong hợp đồng liên kết đào tạo với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

4. Tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tiếp nhận người học, nhà giáo đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề thông qua hợp đồng với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

5. Trả tiền lương, tiền công cho người học, nhà giáo trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách trong thời gian đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp theo mức do các bên thỏa thuận.

6. Phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động của doanh nghiệp.

7. Tạo điều kiện cho người lao động của doanh nghiệp vừa làm vừa học để nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động.

8. Chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

9. Chính phủ quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Chương V

NHÀ GIÁO VÀ NGƯỜI HỌC

Mục 1: NHÀ GIÁO

Điều 53. Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp

1. Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm nhà giáo dạy lý thuyết, nhà giáo dạy thực hành hoặc nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành.

2. Nhà giáo trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp được gọi là giáo viên; nhà giáo trong trường cao đẳng được gọi là giảng viên.

3. Chức danh của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp; giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp.

4. Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có phẩm chất, đạo đức tốt;

b) Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ;

c) Có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp;

d) Có lý lịch rõ ràng.

Điều 54. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

1. Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp.

2. Nhà giáo dạy lý thuyết chuyên môn trình độ trung cấp phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; nhà giáo dạy thực hành trình độ trung cấp phải có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ trung cấp.

3. Nhà giáo dạy lý thuyết chuyên môn trình độ cao đẳng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; nhà giáo dạy thực hành trình độ cao đẳng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng.

4. Nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải đạt chuẩn của nhà giáo dạy lý thuyết và chuẩn của nhà giáo dạy thực hành theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Nhà giáo không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

6. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành ở các trình độ; quy định nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Điều 55. Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà giáo

1. Giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo và thực hiện đầy đủ, có chất lượng chương trình đào tạo.

2. Định kỳ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.

3. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

4. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

5. Tham gia quản lý và giám sát cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các công tác xã hội khác.

6. Được sử dụng các tài liệu, phương tiện, đồ dùng dạy học, thiết bị và cơ sở vật chất của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp để thực hiện nhiệm vụ được giao.

7. Được ký hợp đồng thỉnh giảng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

8. Được tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương, kế hoạch của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp về chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của nhà giáo.

9. Nhà giáo phải dành thời gian và được cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bố trí thời gian thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành, tiếp cận công nghệ mới theo quy định.

10. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 56. Tuyển dụng, đánh giá và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo

1. Việc tuyển dụng nhà giáo phải bảo đảm các tiêu chuẩn, trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại khoản 4 Điều 53 và Điều 54 của Luật này và được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức, ưu tiên tuyển dụng làm nhà giáo đối với người có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.

2. Nhà giáo phải được đánh giá, phân loại hằng năm theo quy định của pháp luật.

3. Việc bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ; thực tập tại doanh nghiệp đối với nhà giáo được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương.

Điều 57. Thỉnh giảng

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mời người có đủ tiêu chuẩn và trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại khoản 4 Điều 53 và Điều 54 của Luật này đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng.

2. Người được mời thỉnh giảng phải thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 55 của Luật này.

3. Người được mời thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức khác phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác.

Điều 58. Chính sách đối với nhà giáo

1. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng các chính sách sau đây:

a) Được hưởng chế độ tiền lương theo chức danh quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật này; phụ cấp ưu đãi theo ngành, nghề, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, phụ cấp đặc thù cho nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành, nhà giáo dạy thực hành các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhà giáo cho người khuyết tật theo quy định của Chính phủ;

b) Chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách khác đối với nhà giáo theo quy định của Chính phủ.

2. Được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Chính phủ.

3. Nhà nước có chính sách khuyến khích nhà giáo đến công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo được biệt phái đến làm việc tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

4. Nhà giáo, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

5. Nhà giáo là tiến sĩ, nghệ nhân hoặc có trình độ kỹ năng nghề cao công tác trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu, có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn để làm việc về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về lao động.

6. Nhà nước có chính sách đầu tư đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp sư phạm đối với nhà giáo đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật.

Mục 2: NGƯỜI HỌC

Điều 59. Người học

Người học là người đang học các chương trình giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm sinh viên của chương trình đào tạo cao đẳng; học sinh của chương trình đào tạo trung cấp và chương trình đào tạo sơ cấp; học viên của chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 60. Nhiệm vụ và quyền của người học

1. Học tập, rèn luyện theo quy định của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

2. Tôn trọng nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và rèn luyện.

3. Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

4. Được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện.

5. Được tạo điều kiện trong học tập, tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.

6. Được hưởng chính sách đối với người học thuộc đối tượng ưu tiên và chính sách xã hội.

7. Các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 61. Nghĩa vụ làm việc có thời hạn của người học

1. Người tốt nghiệp các khóa đào tạo theo chế độ cử tuyển, theo các chương trình do Nhà nước đặt hàng, cấp học bổng, chi phí đào tạo hoặc do nước ngoài tài trợ theo hiệp định ký kết với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

2. Người tốt nghiệp các khóa đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

Điều 62. Chính sách đối với người học

1. Người học được hưởng chính sách học bổng, trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên quy định tại các Điều 89, 90, 91 và 92 của Luật giáo dục.

2. Người học được Nhà nước miễn học phí trong các trường hợp sau đây:

a) Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;

b) Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp;

c) Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

3. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Học sinh tốt nghiệp trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào học trường trung cấp, cao đẳng công lập.

5. Người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người học là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật mà có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được hưởng chính sách nội trú theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Trong quá trình học tập nếu người học đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khỏe hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học tập hoặc đi làm thì được bảo lưu kết quả học tập và được trở lại tiếp tục học tập để hoàn thành khóa học. Thời gian được bảo lưu kết quả học tập không quá 05 năm.

7. Những kiến thức, kỹ năng mà người học tích lũy được trong quá trình làm việc và kết quả các mô-đun, tín chỉ, môn học người học đã tích lũy được trong quá trình học tập ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp được công nhận và không phải học lại khi tham gia học các chương trình đào tạo khác.

8. Người học sau khi tốt nghiệp được hưởng các chính sách sau đây:

a) Được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang theo quy định; ưu tiên đối với những người có bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên;

b) Được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực, hiệu quả làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu hoặc mức lương khởi điểm đối với công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Chính sách đối với người học để đi làm việc ở nước ngoài

1. Nhà nước có chính sách tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho người lao động để đưa đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.

2. Trường hợp người đang học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài thì được bảo lưu kết quả học tập. Thời gian được bảo lưu kết quả học tập không quá 05 năm.

Điều 64. Chính sách đối với người đạt giải trong các kỳ thi tay nghề

1. Nhà nước khuyến khích người học tham gia các kỳ thi tay nghề. Người đạt giải trong các kỳ thi tay nghề quốc gia, thi tay nghề khu vực ASEAN hoặc thi tay nghề quốc tế được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia có bằng tốt nghiệp trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

3. Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường đại học để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

Chương VI

KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 65. Mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

1. Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

a) Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

b) Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trong từng giai đoạn nhất định của cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.

2. Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

b) Chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

3. Việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;

b) Trung thực, công khai, minh bạch;

c) Bình đẳng, định kỳ;

d) Bắt buộc đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành hoặc nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo các ngành, nghề phục vụ yêu cầu công tác quản lý nhà nước.

Điều 66. Tổ chức, quản lý kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

1. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

2. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

a) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Nhà nước thành lập;

b) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do tổ chức, cá nhân thành lập.

3. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được thành lập khi có đề án bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

b) Có đội ngũ cán bộ quản lý và kiểm định viên đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

4. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; được thu phí kiểm định theo quy định của pháp luật.

5. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; điều kiện và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; công nhận kết quả kiểm định của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; cấp và thu hồi giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên; quản lý và cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Điều 67. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

2. Tổ chức tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chuẩn, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

3. Cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

4. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Nộp phí kiểm định chất lượng cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

6. Được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục nghề nghiệp.

7. Được khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Điều 68. Công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng nếu đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn 05 năm.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo không duy trì được chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì bị thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Điều 69. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

1. Duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

2. Hằng năm, báo cáo kết quả tự đánh giá với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

3. Được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và được tham gia đấu thầu thực hiện chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp theo đơn đặt hàng của Nhà nước.

Điều 70. Sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được sử dụng làm căn cứ để:

1. Đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

2. Người học lựa chọn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp;

3. Người sử dụng lao động tuyển dụng lao động;

4. Nhà nước thực hiện đầu tư, đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chương VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 71. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp;

b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;

c) Quy định mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo; danh mục nghề đào tạo ở các trình độ; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; ban hành quy chế tuyển sinh, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp;

d) Quy định việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

đ) Quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

e) Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động đào tạo nghề nghiệp;

g) Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục nghề nghiệp;

h) Quản lý và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên;

i) Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp;

k) Quản lý, tổ chức công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về đào tạo nghề nghiệp;

l) Quản lý, tổ chức công tác hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp;

m) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo thẩm quyền và trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp của bộ, ngành mình (nếu có) theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo phân cấp của Chính phủ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có tham gia giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo thẩm quyền; thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.

5. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền và nội dung quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Điều 72. Thanh tra giáo dục nghề nghiệp

1. Cơ quan được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp.

2. Thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về giáo dục nghề nghiệp;

b) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;

c) Xác minh, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về giáo dục nghề nghiệp;

d) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 73. Xử lý vi phạm

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

a) Thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp trái quy định của pháp luật;

b) Vi phạm các quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

c) Xuất bản, in, phát hành tài liệu trái quy định của pháp luật;

d) Làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ;

đ) Xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; ngược đãi, hành hạ người học;

e) Vi phạm quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

g) Gây rối, làm mất an ninh, trật tự trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

h) Làm thất thoát kinh phí, lợi dụng hoạt động giáo dục nghề nghiệp để thu tiền sai quy định hoặc vì mục đích vụ lợi;

i) Gây thiệt hại về cơ sở vật chất của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

k) Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Điều 74. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 75. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

2. Luật dạy nghề số 76/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 76. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Luật giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12 như sau:

1. Điểm c và điểm d khoản 2 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

d) Giáo dục đại học và sau đại học (sau đây gọi chung là giáo dục đại học) đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.”;

2. Điểm d khoản 1 Điều 51 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với trường dự bị đại học; Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quyết định đối với trường cao đẳng;”;

3. Khoản 3 Điều 70 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học gọi là giảng viên.”;

4. Thay thế các cụm từ trong một số điều như sau:

a) Thay cụm từ “trung tâm dạy nghề” bằng cụm từ “trung tâm giáo dục nghề nghiệp” tại điểm b khoản 1 Điều 83;

b) Thay cụm từ “lớp dạy nghề” bằng cụm từ “lớp đào tạo nghề” tại điểm a khoản 1 Điều 69 và điểm b khoản 1 Điều 83;

c) Thay cụm từ “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề” bằng cụm từ “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương” tại các Điều 45, 50, 51, 52, 54, 77, 105 và 113;

d) Thay cụm từ “cơ sở dạy nghề” bằng cụm từ “cơ sở giáo dục nghề nghiệp” tại khoản 3 Điều 54;

đ) Thay cụm từ “trường dạy nghề” bằng cụm từ “cơ sở giáo dục nghề nghiệp” tại khoản 1 Điều 89;

5. Bỏ các cụm từ trong một số điều như sau:

a) Bỏ cụm từ “trình độ cao đẳng,” tại khoản 2 Điều 40 và khoản 1 Điều 41;

b) Bỏ cụm từ “trường cao đẳng,” tại Điều 41, điểm d khoản 1 Điều 51 và Điều 79;

c) Bỏ cụm từ “các trường cao đẳng và” tại đoạn 3 khoản 2 Điều 41;

d) Bỏ cụm từ “và lớp trung cấp chuyên nghiệp” tại điểm a và cụm từ “Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trung tâm dạy nghề” tại điểm b khoản 1 Điều 69;

6. Bãi bỏ Mục 3 Chương II - Giáo dục nghề nghiệp gồm các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37; bãi bỏ khoản 5 Điều 30, khoản 1 Điều 38, khoản 2 Điều 39, đoạn 2 khoản 1 Điều 40, điểm a khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 77.

Điều 77. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Luật giáo dục đại học số 08/2012/QH13 như sau:

1. Thay thế cụm từ “trường trung cấp chuyên nghiệp” bằng cụm từ “trường trung cấp” tại khoản 3 Điều 37;

2. Bỏ các cụm từ trong một số điều như sau:

a) Bỏ cụm từ “cao đẳng,” tại khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5, Điều 33, điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 36 và khoản 4 Điều 45;

b) Bỏ cụm từ “trình độ cao đẳng,” tại khoản 1 Điều 6;

c) Bỏ cụm từ “trường cao đẳng,” tại Điều 2, khoản 8 Điều 4, khoản 1 Điều 11, Điều 14, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 19, khoản 1 Điều 20, khoản 4 Điều 27 và Điều 28;

d) Bỏ cụm từ “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng” tại khoản 5 Điều 9;

đ) Bỏ cụm từ “có trình độ thạc sĩ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng” tại điểm b khoản 2 Điều 20;

e) Bỏ cụm từ “bằng tốt nghiệp cao đẳng” tại khoản 1 Điều 38;

g) Bỏ cụm từ “chương trình đào tạo cao đẳng” tại Điều 59;

3. Bãi bỏ điểm a khoản 2 Điều 5, điểm a khoản 1 Điều 7, đoạn 2 khoản 1 Điều 27, đoạn 2 khoản 2 Điều 27 và điểm a khoản 1 Điều 38.

Điều 78. Điều khoản chuyển tiếp

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục tổ chức đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định của Luật giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật dạy nghề số 76/2006/QH11 và Luật giáo dục đại học số 08/2012/QH13 cho đến khi kết thúc khóa học.

Điều 79. Quy định chi tiết

Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2014.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

THE NATIONAL ASSEMBLY
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

Law No. 74/2014/QH13

Hanoi, November 27, 2014

 

LAW

ON VOCATIONAL EDUCATION

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly issues a Law on vocational education.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law promulgates the system of vocational education; organization and operation of the vocational education institutions; rights and obligations of organizations and individuals involved in the vocational education.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Law shall apply to vocational training centers, vocational secondary schools, colleges; enterprises and agencies, organizations, and individuals involved in the vocational education in Vietnam.

Article 3. Interpretation of terms

For the purposes of this Law, these terms below shall be construed as follow:

1. Vocational education means a level of national education system which provides workers with elementary-level, intermediate-level, college-level vocational training and other vocational training programs in order to meet the needs of direct human resources in production, businesses and services, including: formal training and continuing training.

2. Vocational training means teaching and learning activities in order to equip trainers with necessary vocational knowledge, skills and attitudes so that they can find jobs or self-employ after completing their training courses or improve their vocational training levels.

3. Module means study units integrated comprehensively between vocational knowledge, practicing skills and attitudes in that they need to perform a task or some tasks of a particular job.

4. Credit means a unit that gives weight to the knowledge, skill, and result requirements taken in a certain time.

5. Formal training means a form of training which vocational education institutions and higher education institutions, or enterprises registering vocational education operation (hereinafter referred to as vocational education institutions) provide full-time courses in elementary-level, intermediate-level, and college-level vocational training.

6. Continuing training means a form of in-service training, correspondence training, or guided self study training regarding vocational training programs at elementary level, intermediate level, or college-level or vocational training programs and other vocational training programs, which is in a flexible manner in terms of programs, duration, methods, location to meet students’ needs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Enterprise means an enterprise established and operating under Law on enterprises, or a cooperative established and operating under the Law on Cooperatives or another economic organization having legal status according to the Civil Code.

Article 4. Objectives of vocational education

1. General objectives of vocational education are: provide training for personnel directly involved in production, businesses or services, who acquire proficiency equivalent to their training standards, possess professional ethics and good health, gain creative ability, adapt to the environment in the context of international integration; improve their productivity and quality; and enable students to find jobs, self employ or enter higher education.

2. Specific objectives pertaining to every level of vocational education:

a) Elementary level: equip students for abilities to perform simple tasks of a particular job;

b) Intermediate level: equip students for abilities to perform elementary-level tasks and some complicated and special tasks; apply technology to their jobs, work independently or work in groups;

c) College level: equip students for abilities to perform intermediate-level tasks and some complicated and special tasks; acquire abilities to create and apply modern technology to their jobs, instruct and observe other members in their groups in performing the tasks.

Article 5. Vocational education institutions

1. Vocational education institutions include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Vocational training schools;

c) Colleges.

2. Vocational education institutions shall be organized under following types:

a) Public vocational education institution is a State-owned vocational education institution, whose facilities invested and constructed by the State;

b) Private vocational education institution is a vocational education institution under ownership of a social organization, a socio-professional organization, a private economic organization or individual, or a vocational education institution invested and constructed by a social organization, a socio-professional organization, a private economic organization, or an individual;

c) Foreign-invested vocational education institution includes wholly foreign-invested vocational education institution; joint-venture vocational education institution between domestic investors and foreign investors.

Article 6. Policies of the State on vocational education development

1. Development of open, flexible, diversified system of vocational education which in the way of standardization, modernization, democratization, socialization and international integration, connectivity between levels of vocational education and between other training levels.

2. Investment in vocational education shall be given priority in the policies on socio-economic development and human resource development. The budget for vocational education shall be given priority in the total government budget expenditures on education and training and it shall be allocated according to public, transparent, and promptly rules.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The State adopts policies on classifying lower secondary school and upper secondary school graduates into vocational education institutions in conformity with every period of socio-economic development.

5. Synchronously invest in training human resource in national major disciplines, or disciplines accessing to the advanced levels of the region and the world; attach special importance to vocational education in severely disadvantaged areas, ethnic minority areas, border, island, and coastal areas; invest in training in vocations required by the labor market but that they are difficult to invest in private sector involvement.

6. The State shall invite tenders or place orders for the training pertaining to specific disciplines; disciplines of key industries; disciplines required by the labor market but they are difficult to invest in private sector involvement. The vocational education institutions are invited tenders or placed orders for training regardless of types of institutions as prescribed in this Clause.

7. Support entities with meritorious services to the Resolution, demobilized soldiers, ethnics, poverty or near poverty families, the disabled, supportless orphans, fisherman catching fishes offshore, rural-area workers directly working in agricultural production households whose farmland is withdrawn and other beneficiaries of incentive policies on education in order for they to find jobs, self-employ, or set themselves up in business; and establish gender equality in vocational education.

8. The State enables vocational education institutions to study and apply science and technology; combine training with scientific research and production, businesses, or services in order to improve training quality.

Article 7. Private sector involvement in vocational education

1. Diversify types of vocational education institutions, forms of vocational training; encourage and enable enterprises, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, other organizations, Vietnamese citizens, and foreign entities, overseas Vietnamese to establish vocational education institutions and participate in the vocational training operation.

2. Give incentive policies on socializing to any organization or individual contributing or investing in establishment of vocational education institutions as prescribed in regulations of the Government. Give incentive policies on land, taxation, credit, training of educators and administrative officials, renting of facilities to vocational education institutions and non-profit foreign-invested vocational education institutions.

3. Encourage craftsmen and skilled workers in vocational training; encourage and support in training in traditional vocations and vocations in rural areas.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Vietnam Chamber of Commerce and Industry, enterprise associations, socio-professional organizations must formulate and assess the vocational training programs; propagate and enable enterprises to exercise their rights and fulfill their responsibility in vocational education.

Article 8. Planning for networks of vocational education institutions

1. The planning for networks of vocational education institutions shall be made according to following rules:

a) Conform to the strategies, planning for socio-economic development, and/or planning for human resource development of the country, fields, or local government, as well as investment capacity of the State, resource mobilization capacity of the social.

b) Ensure the structure of disciplines, training standards and structure of regions; the diversity and the synchronization of the vocational education system, combination of training and production, businesses and services; improvement of training quality, and meet the requirements pertaining to national industrialization, modernization and international integration.

2. Planning for networks of vocational education institutions:

a) Structure of networks of vocational education institutions and training scope according to disciplines, training standards, and types of vocational education institutions;

b) Dispose vocational education institutions in every area or local government.

c) Develop teaching staff and administrative officials of vocational education;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The planning for networks of vocational education institutions shall be made according to the following rules:

a) Vocational education authorities in the central government shall take charge and cooperate with relevant Ministries or agencies, the People’s Committee of central-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as provinces) in formulation of the planning for networks of Vietnamese vocational education institutions which is approved by the Prime Minister, and inspection of the implementation of the planning;

b) The Ministries, agencies, People’s Committee of the provinces shall formulate and approve the planning for networks of vocational education institution of their Ministries, departments, or provinces and take responsibility for the implementation according to the planning for networks of Vietnamese vocational education institutions.

Article 9. Bridge programs

1. Bridge programs shall be run according to training programs; the learners are not required to learn the completed subjects again when they reach the higher level in the same or different disciplines.

2. The Principals of the vocational training schools or colleges shall decide the modules, credits, or subjects that the students are not required learning again according to the training programs.

3. Bridge programs between levels of the vocational education shall comply with regulations of the Heads of vocational education authorities of central government; Bridge programs between levels of the vocational education and levels of higher education shall comply with regulations of the Prime Minister.

Chapter II

VOCATIONAL EDUCATION INSTITUTIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 10. Organizational structure of vocational education institutions

1. Organizational structure of a public or private vocational training school or college includes:

a) School councils of public vocational training schools, or colleges; Board of Directors of private vocational training schools or colleges;

b) Principals, Vice Principals;

c) Administrative departments;

d) Faculties, or subjects;

dd) Advisory boards;

e) School branch; organizations for scientific and technology research; organizations for training services, scientific research and application development; internal business facilities (if any).

2. Organizational structure of a public or private vocational training center includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Administrative departments;

c) Subjects;

d) Advisory boards;

dd) Organizations for training services; internal business facilities (if any).

3. The foreign-invested vocational education institutions shall be given autonomy in organizational structure.

Article 11. School councils

1. The School council shall be established in a public vocational training school or college.

2. The School council is an administrative organization representing the ownership of the school, which has following tasks and entitlement:

a) Decide guidelines, objectives, strategies, planning, development plans and Regulation on the organization and operation of the school;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Decide policies on use of finance, assets and guidelines on development investment as prescribed;

d) Decide the organizational structure of the school; the establishment, acquisition, division, dissolution of the organizations of the school; and requests for dismissing the Principal from his position;

dd) Observe the implementation of Resolutions of the School council, the implementation of democratic regulations in the school.

3. Members of the School council:

a) The Principal, Vice Principals, Secretaries of party committees, President of Trade Union, Secretaries of Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, representatives of educators and departments, faculties, or internal business facilities of the school (if any);

b) Representatives of the senior authority or representatives of the relevant internal business facilities.

4. The President of the School council is appointed or dismissed by the Head of the competent agency. Requirements applied to the President of the School council are similar to the requirements applied to the Principal as prescribed in Clause 2 Article 14 of this Law.

5. Tenure of the School council is 05 years and according to the tenure of the Principal. The School council operates on the principle of collectives, under the majority rule.

6. Competence, procedures for establishment, number, organizational structure, specific tasks and power of the School council; tasks and entitlement of the President, or Secretary of the School council; the appointment, discharge, or dismissal of the President or members of the School council shall comply with the Regulations of the vocational training schools, Regulations of the colleges and Regulation on the organization and operation of vocational education institutions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Board of Directors shall be set up in the private vocational training schools or colleges.

2. The Board of Directors which is the only representative of owners of the school shall have the following tasks and entitlement:

a) Implement Resolutions of the General meeting of shareholders;

b) Decide guidelines, objectives, strategies, planning, or plans for development and regulations on organization and operation of the school;

c) Decide the organizational structure of the school; the establishment, acquisition, division, or dissolution of the organizations of the school; the appointment, discharge, or dismissal of the Principal and request for recognition or non-recognition of the Principal from the competent authorities;

d) Decide the guidelines on training activities and international cooperation;

dd) Decide the organization, personnel, finance, assets and guidelines on investment and development of the school;

e) Observe the implementation of the Resolutions of the Board of Directors, the General meeting of shareholders, and the implementation of the democratic regulations of the school.

3. Members of the Board of Directors shall consist of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The Principal, representatives of vocational education authorities of local government where the vocational education institution is located or representatives of the relevant internal business facilities;

c) Representatives of the Communist Parties, Unions; representatives of educators.

4. The President of the Board of Directors elected by the Board of Directors under the majority rule and ballot.

The President of the Board of Directors is the owner of school’s account and takes legal responsibility for the management of finance and assets of the school. The President of the Board of Directors may authorize the Principal to be the representative of the account, and exercise rights and fulfill obligations similarly to the account owner within his authorized scope.

5. The tenure of the Board of Directors is 5 years. The Board of Directors shall operate on the principle of collectives and under the majority rule.

6. The procedures for establishment, members, tasks and entitlement of the Board of Directors; requirements, tasks and entitlement of the President and Secretary of the Board of Directors as regulated in the Regulations of the vocational training schools, colleges and Regulations on organization and operation of vocational education institutions.

Article 13. Directors of vocational education centers

1. The Director of a vocational education center is the leader of the center, the representative of the center who takes legal responsibility and manages operation of the vocational education center.

Tenure of the Director of the vocational education center is 05 years.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Have moral virtue;

b) Have at least a college degree;

c) Have completed refresher courses in vocational education management;

d) Attain fitness.

3. The Director of the vocational education center shall have following tasks and entitlement:

a) Issue regulations of the vocational education centers;

b) Decide the establishment, acquisition, division, or dissolution of the organizations of the vocational education centers; the appointment, discharge and dismissal of people occupying leader or vice leader positions in the organizations of the center;

c) Formulate the planning and develop teaching staff and administrative officials; decide the structure, number of employees and efficiency wages; employ officials and workers according to the needs of the vocational education center; conclude employment contract, labor contract, manage and use officials, workers and terminate the contract as prescribed;

d) Provide training activities, international cooperation, assess vocational education quality and cooperate with enterprises in the vocational training institution; offer career counseling to high school students;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Follow the information and report regime and inspection or observation as prescribed;

g) Formulate and implement the democratic regulations in the institution; subject to the observation of the individual, organization, or unions in the vocational education centers;

h) Send a report on result of tasks and entitlement to the senior agency every year;

i) Other tasks and entitlement as prescribed.

4. Competence in appointment, recognition, discharge or dismissal of the Director of the vocational education center:

a) The competent persons deciding the establishment of the public vocational education center may appoint, discharge, or dismiss the Directors of the public vocational education centers affiliated to that center;

b) The President of the People’s Committee of the province may recognize or not recognize the Directors of the private vocational education centers in the administrative divisions at the request of the capital contributing members of the centers or the organizations or individuals which are the owner of private vocational education centers.

5. Procedures for the appointment, recognition, discharge or dismissal of the Director of vocational education center shall comply with the Regulations of vocational education centers.

Article 14. Principals of vocational training schools or colleges

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Principal of a public vocational training school or college shall be the owner of the school’s account, take legal responsibility for the management of finance and assets of the school.

2. The Principal of the vocational training school or college must:

a) Have moral virtue, have at least 5-year experience of teaching or management of vocational education;

b) Have at least a Bachelor’s degree regarding the Principal of the vocational training school; have at least a Master’s degree regarding the Principal of the college;

c) Have completed refresher courses in vocational education management;

d) Attain fitness; ensure the age to participate in at least one tenure of the Principal regarding the appointment of the Principal of the public vocational training schools or colleges.

3. The Principal of the vocational training school or college must:

a) Issue the regulations of the vocational training schools or colleges according to the Resolutions of the School council or the Board of Directors;

b) Implement Resolutions of the School council or the Board of Directors;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Formulate the planning and develop teaching staff, administrative officials; decide the structure, number of employees and efficiency wages; employ officials and workers according to the demand of the vocational education center; conclude employment contract, labor contract, manage and use officials, workers and terminate the contract as prescribed;

dd) Provide training activities, international cooperation, assess vocational education quality and cooperate with enterprises in the organization of vocational training;

e) Manage the facilities, assets, and finance and use mobilized resource effectively to serve the operation of the vocational education centers as prescribed;

g) Report and subject to the inspection or observation as prescribed;

h) Formulate and implement the democratic in the institution; subject to the observation of the individuals, organizations or unions in the school;

i) Send a report on result of performance of the Principal and the School managing board to the School council or the Board of Directors every year;

k) Other tasks and entitlement as prescribed.

4. Competence in appointment, recognition, discharge or dismissal of the Director of the vocational education schools or colleges:

a) Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of People’s Committees of provinces, leaders of socio-political organizations may appoint, discharge or dismiss the Principal of the public affiliated vocational training schools or colleges;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The Heads of vocational education authorities in the central government may recognize or not recognize the Principals of private colleges at the request of the Board of Directors.

5. Procedures for appointment, recognition, discharge or dismissal of the Principals of vocational training schools or colleges shall comply with the Regulations of the vocational training schools or Regulations of the colleges.

Article 15. Advisory board

1. The Advisory board in the vocational education institution shall be set up by the Head of the vocational education institution in order to offer advice to the Head of the vocational education institution on the implementation of his tasks and entitlement.

2. The organization, operation, tasks and entitlement of the Advisory board shall be regulated by the Head of the vocational education institution.

Article 16. Branches of the vocational training schools or colleges

1. A branch of a vocational training school or a vocational college shall be in the organizational structure and subject to the management of the Principal of the vocational training school or the vocational college. The branch of a vocational training school or a vocational college does not have independent legal status, is located in the central-affiliated city or province other than the province where the head office of the vocational training school or the vocational college is located, and subject to the State management as prescribed.

2. The branch of the vocational training school or the vocational college shall perform the tasks according to the management of the Principal of the vocational training school or the vocational college, send a report on operation of the branch to the Head of the vocational training school or the vocational college, or to the competent authority where the branch is located.

3. Requirements pertaining to the establishment or permission for the establishment; competence and procedures for the establishment or permission for the establishment, registration of vocational education operation relating to the branch of the vocational training school or the vocational college shall comply with Article 18 and Article 19 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Organizations of the Communist Party of Vietnam, unions, and social organizations in the vocational education institutions established and operated under the Regulations of their organizations and Constitution and law.

2. The vocational education institution must enable the organizations of the Communist Party, unions and social organizations to be established and operated under regulations of Clause 1 of this Article.

Article 18. Establishment, acquisition, division or permission for establishment, acquisition, division of vocational education institutions

1. The vocational education institution is established or permitted for establishment if there is a project satisfying requirements as prescribed in regulations of the Prime Minister on vocational education authorities in the central government and it comply with the approved planning for networks of vocational education institutions.

2. The foreign-invested vocational education institution must satisfy requirements as prescribed in Clause 1 of this Article and other requirements as prescribed in law on investment.

3. The vocational education institution for the disabled must satisfy the requirements as prescribed in Clause 1, Clause 2 of this Article and the following requirements:

a) There are training facilities, equipment, learning materials, method and duration of training compliant with the disabled. The buildings serving the study of the disabled must satisfy technical regulations and standards as prescribed in law on construction;

b) There are teaching staff having qualification and teaching skills for the disabled.

4. The acquisition, division or separation of vocational education institutions must:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Ensure the interests of the educators, civil servants, workers and students; and improve the quality and effect of vocational education.

5. The Heads of vocational education authorities in the central government shall impose specific regulations on requirements pertaining to the establishment, acquisition, division or permission for the establishment, acquisition, or division of the vocational education institutions.

6. Competence in establishment, acquisition, or division or permission for establishment, acquisition, or division of vocational education institutions:

a) The President of People’s Committee of province shall decide the establishment of vocational education centers, public vocational training schools of central-affiliated cities and provinces; permit the establishment of private vocational education centers or vocational training schools and foreign-invested vocational education centers or vocational training schools in the administrative divisions;

b) Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of socio-political organizations in the central governments shall decide the establishment of vocational education centers, or public vocational training schools affiliated to their authorities or organizations.

c) The Heads of vocational education authorities in the central government shall decide the establishment of public colleges; permit the establishment of private colleges or foreign-invested colleges;

d) The competent persons establishing or permitting the establishment of vocational education institutions may make acquisition or division or permit the acquisition or division of the institutions.

7. Procedures for the establishment, acquisition, or division, or permission for establishment, acquisition, or division of public or private vocational education centers, vocational training schools, or colleges shall comply with regulation of the Heads of vocational education authorities.

Article 19. Registration of vocational education

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) There is a decision on establishment or a permission for establishment;

b) There is land, facilities, or equipment meeting requirements pertaining to training activities according to the commitment;

c) There are sufficient training programs, teaching and learning materials as prescribed;

d) There are teaching staff and administrative officials of vocational education who have equalizations and sufficient quantity, uniform structure;

dd) There is necessary finance resource as prescribed to ensure the maintenance and development of the vocational education;

e) There are regulations on organization and operation.

2. The vocational education institution may only enroll students or provide training when it is granted the Certificate in vocational education registration.

3. The vocational education institution wishing change the information in the Certificate in vocational education registration shall apply for additional registration to the competent authority.

4. The Heads of vocational education authorities in the central government shall provide regulations on requirements, competence and procedures for issuance, revocation of the Certificate of vocational education registration or the Certificate of additional registration of vocational education.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A vocational education institution shall be suspended its vocational education operation in the following cases:

a) Commit fraud acts in order to be established or permitted for establishment or receive the Certificate in vocational education registration;

b) Do not satisfy one of requirements as prescribed in Clause 1 Article 19 of this Law;

c) Organize vocational education activities when it is not granted the Certificate in vocational education registration;

d) Commit violations against law on vocational education and face administrative penalty on suspension of activities;

dd) Other cases as prescribed.

2. The Decision on suspension of vocational education activities must contain reasons for the suspension, deadline for suspension, measures ensuring lawful interests of the educators, civil servants, workers and students. The decision on suspension of vocational education shall be announced on the means of mass media.

3. The competent persons granting the Certificate in vocational education registration may suspend the vocational education activities. The Heads of vocational education authorities in the central government shall regulate the procedures for suspension of vocational education activities.

4. After the deadline for suspension of vocational education activities expires, if the problems for suspension are solved, the competent person in charge of suspension decision may make another decision on resuming the vocational education activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A vocational education institutions shall be dissolved in the following cases:

a) Commit violations against law causing serious consequences;

b) The deadline for suspension of training activities expires but the problems for the suspension have not solved;

c) The vocational college is not granted the Certificate in vocational education registration after 36 months and the vocational training school is not granted the Certificate in vocational education registration after 24 months, from the date on which the decision on establishment or the permission for establishment takes effect;

d) The vocational education institution has not operated after 24 months, from the date on which it is granted the Certificate of vocational education registration.

2. The vocational education institution shall be permitted for dissolution at the request of the organizations or individuals establishing that vocational education institution.

3. The Decision on suspension of vocational education activities must contain reasons for the dissolution, measures ensuring lawful interests of the educators, civil servants, workers and students. The decision on dissolution of vocational education institutions must be announced on the means of mass media.

4. The competent persons establishing or permitting the establishment of vocational education institutions may dissolve or permit the dissolution of vocational education institutions. The Heads of vocational education authorities in the central government shall regulate the procedures for dissolution or permission for dissolution of vocational education institutions.

Article 22. Regulations of vocational education institutions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Regulation of a vocational education institution shall contain:

a) Objectives and mission;

b) Tasks and entitlement of the vocational education institution;

c) Training activities;

d) Tasks and entitlement of educators or administrative officials;

dd) Tasks and entitlement of learners;

e) Organization and management of the vocational education institution;

g) Finance and assets;

h) Relationship between the vocational education institution, enterprises, families and social.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 23. Tasks and entitlement of public or private vocational education institutions;

1. Formulate strategies and planning for vocational education institution development.

2. Provision of vocational training:

a) The vocational education center shall provide elementary-level vocational training, general vocational training and career counseling for students according to compulsory education programs;

b) The vocational training schools shall provide intermediate-level and elementary-level vocational training;

c) The vocational college shall provide college-level, intermediate-level and elementary-level vocational training.

3. Provide continuous training as prescribed in the Section 2 Chapter III of this Law.

4. Enjoy autonomy and take responsibility for enrollment and management of students.

5. Announce the objectives, training programs; requirements for teaching and learning quality assurance; tuition fees and exemption and reduction in tuition fees; results of training quality assessment; system of degrees and certificates in the vocational education institutions; jobs after graduation and measures for inspection and observation of the training quality.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Use foreign training programs which are recognized the quality by the foreign or international education and training organization to perform training objectives as prescribed.

8. Associate domestic training activities; associate training activities with foreign organizations as prescribed in this Law and relevant regulations of law.

9. Mobilize, manage, and use resources as prescribed.

10. Construct and invest in training facilities, equipment as required by standardization and modernization.

11. Employ and manage educators, administrative officials, civil servants, workers; enable for the educators to participate in production practice at the enterprises to update and improve the vocational skills; enable for the educators, civil servants, workers and students to participate in social activities.

12. Assess and guarantee the training quality as prescribed.

13. Give advice on training and jobs to the students without charges.

14. Qualify for enterprise establishment, or for scientific activities, production, business, or services as prescribed.

15. Introduce the subjects about language, custom, and relevant regulations of law of the country where the workers work and relevant regulations of Vietnamese law into the curriculum when sending domestic workers overseas.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

17. Conform to the democratic regulations in the vocational education institution.

18. Provide a mechanism in order for the students, educators and social to evaluate the vocational training quality.

19. Report and subject to the observation and inspection as prescribed.

20. Other tasks and entitlement as prescribed.

Article 24. Tasks and entitlement of foreign-invested vocational education institutions

1. Qualify for protection of lawful rights and interests as prescribed in Vietnamese law and the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. Ensure the lawful rights and interests of the educators, students and other workers even if the vocational education institution is suspended, dissolved or subject to suspend or dissolve ahead of schedule.

3. Respect Vietnamese law and custom.

4. Other tasks and entitlement as prescribed in Article 23 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The vocational education institution has autonomy in its organization and personnel, finance and assets, training and technology, international cooperation, training quality assurance as prescribed; ensures accountability to the competent authorities, students and the social for the organization and management of its training activities and quality.

2. The public vocational education institution which ensures its total regular investment expenditures shall have autonomy and take responsibility as prescribed in regulations of the Government.

3. The vocational education institution which is incapable of self-responsibility or violates against the law in the process of enjoying the autonomy, it shall be restricted autonomy and subject to regulations of law.

Section 2: POLICIES ON VOCATIONAL EDUCATION INSTITUTIONS

Article 26: Policies on vocational education institutions

1. The vocational education institution shall benefit from the following policies:

a) Acquire land through land allocation or lease by the State; receive incentives for credit to invest in facilities and improve the training quality; tax incentives in accordance with regulations of law on taxation; tax exemption from the undivided income in the vocational education to invest in development; tax exemption and reduction as prescribed in regulations on profits earned from products or services of the training activities; tax incentives applied to the production, business or services conformable with the training activities, publishing of teaching materials, production and provision of training equipment, import of books, newspaper, materials and training equipment;

b) Participate in tender, receive the training order of the State as prescribed in law on tender, orders for public services using government budget.

c) Apply for capital incentives from domestic and foreign programs or projects;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Support the investment to ensure the requirements in order to accept upper-secondary ethnic boarding school graduates to apprentice;

e) Support development in training of disciplines meeting study demands of the workers working abroad;

g) Incentive policies on private sector involvement as prescribed.

2. People’s Committees at all levels shall enable vocational education institutions in the administrative divisions to undertake training activities, propagate the progress of science, technology and technology transfers.

Article 27: Policies on vocational education institutions reserved for the disabled

1. The State encourages vocational education institutions in enrollment of the disabled; encourages organizations or individuals in establishment of vocational education institutions reserved for the disabled.

2. The vocational education institutions reserved for the disabled shall benefit from the policies as prescribed in Article 26 of this Law and receive finance support to invest in training facilities and equipment; acquire land through land allocation or lease to construct buildings which is located in the place convenient to the disabled.

Section 3: FINANCE AND ASSETS OF VOCATIONAL EDUCATION INSTITUTIONS

Article 28: Finance resources of vocational education institutions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Investment of domestic and foreign organizations and individuals.

3. Tuition fees and enrollment charges.

4. Receipts from cooperation in training, science and technology, production, businesses and services.

5. Sponsorship, aid, gift from domestic and foreign organizations and individuals as prescribed.

6. Other receipts as prescribed.

Article 29. Tuition fees and enrollment charges.

1. The tuition fee or enrollment charge is an amount of money which is paid to the vocational education institution by the student for cost of training and enrollment.

2. The training cost includes expenditures on payment to instructors, learning materials, practicing or probation materials; depreciation of training facilities, equipment and other necessary costs.

3. The public vocational education institution having autonomy and subject to total responsibility may intentionally decide the tuition fees or enrollment charges as prescribed in regulations on total autonomous public educational institutions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The private vocational education institutions or foreign vocational education institutions may intentionally decide the tuition fees or enrollment charges.

5. The tuition fees or enrollment charges must be announced in the same time with the enrollment notification.

6. The vocational education institution providing high quality training programs may collect tuition fees equivalent to the training quality.

The Heads of vocational education authorities in the central government shall regulate the criteria for determination of high quality training programs; take responsibility for management and observation of collection of tuition fees equivalent to the training quality.

Article 30. Training facilities and equipment

The vocational education institution must ensure the training equipment is provided according to the List of minimum training equipment and facilities as prescribed in regulations of the Head of the vocational education authority in the central government.

Article 31. Management and use of finance and assets of vocational education institutions

1. The vocational education institution shall follow finance, accounting, auditing, taxation regime and financial disclosure as prescribed.

2. The vocational education institution using government budget must manage and use the government budget resources as prescribed in law on government budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The vocational education institution manages and uses the assets from government budget as prescribed in law on management and use of state-owned property; enjoy autonomy and take responsibility for management and use of the assets from the government budget.

4. The assets and land allocated to the private vocational education institution by the State under form of sponsorship, aid, or gift must be used for proper purposes and they are not changed into private ownership regardless of forms.

5. The vocational education authorities in the central government, Ministries, ministerial-level agencies, and the People’s Committee of the province shall inspect the management and use of the finance resources at the vocational education institutions; management and use of state-owned property of the vocational education institutions as prescribed in regulations of the Government.

Chapter III

TRAINING ACTIVITIES AND INTERNATIONAL COOPERATION IN VOCATIONAL EDUCATION

Section 1: FORMAL TRAINING

Article 32. Enrollment

1. A vocational education institution may determine its enrollment quotas according to requirements pertaining to quantity and quality of the teaching staff, training facilities and equipment which is conformable to the requirements related to socio-economic development and planning for human resource development.

2. The enrollment shall be carried out as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The elementary-level enrollment shall be carried in the form of admission;

c) The intermediate-level, or college-level enrollment shall be carried out in the form of admission or examination or the combination between admission and examination. The Principal of the vocational training school or vocational college may decide the shorlisting before performing the admission or examination according to the specific requirements of the major or vocation.

3. Cases of enrollment without examination at the college level include:

a) Students obtaining upper-secondary degrees or students who learned and passed the exams which satisfy the requirements pertaining to upper-secondary knowledge, or students obtaining at least very good elementary-level vocational degrees and they have registered the same major or profession

b) Students obtaining upper-secondary degrees or students who learned and passed the exams which satisfy the requirements pertaining to upper-secondary knowledge, or students obtaining at least good elementary-level vocational degrees, having at least two working experience and they have registered the same major or vocation;

c) Other cases as prescribed in Clause 2 Article 4 of this Law.

4. The Heads of vocational education authorities in the central government shall regulate the determination of enrollment quotas of the vocational education institutions and issuance of the enrollment regulations.

Article 33. Duration of training

1. The duration of training of elementary-level shall last from 03 months to under 01 year, provided that the minimum-learning hours are 300 hours with regard to students having education conformable with their vocations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The duration of training of intermediate-level according to the accumulated duration of modules or credits is the time in which the number of modules or credits accumulated with regard to every training program.

If a student obtaining lower-secondary degree wishes to reach college education, he/she must learn and pass the exams which satisfy the requirements pertaining to upper-secondary knowledge.

3. The duration of training of the college-level applied to year-based program shall last from 02 to 03 years with regard to the upper-secondary graduates according to their majors or vocations; from 01 to 02 years with regard to the intermediate-level graduates according to their disciplines and the upper-secondary graduates or they have learned and passed the exams which satisfy the requirements pertaining to upper-secondary knowledge.

The duration of training of college-level according to the method of accumulation of modules or credits is the time in which the number of modules or credits are accumulated with regard to every training programs with regard to the upper-secondary graduates or the students who have learned and passes the exams which satisfy the requirements pertaining to upper-secondary knowledge.

4. The Minister of Education and Training shall regulate the upper-secondary knowledge which is required from the students wishing to study at the college-level.

Article 34. Training programs

1. A vocational training program must meet all requirements below:

a) Clarify the training objectives for elementary-level, intermediate-level, or college-level; introduce regulations on knowledge and skills of the graduates; scope and structure of curriculum, methods and types of training; methods of assessment of learning outcomes applied to every module, course credit, subject, major, or vocation and level;

b) Ensure the a scientific, modern, systematic, practical, and flexible program to adapt to the variation in the labor market; arrange reasonably the duration of body of knowledge and professional skills; ensure the connectivity in the national education system;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Head of the vocational education institution shall have autonomy and take responsibility for compile or selection and approval for training programs of vocational education levels.

3. The foreign-invested vocational education institutions shall have autonomy and take responsibility for formulation and performance of training programs as prescribed in regulations of the Heads of vocational training authorities in central government.

4. The Heads of vocational education authorities in the central government shall regulate the minimum body of knowledge, requirements pertaining to qualifications of graduates of every vocational education level; process of formulation, assessment and issuance of training programs of elementary-level, intermediate-level and college-level.

Article 35. Training materials

1. Training materials of elementary-level, intermediate-level, or college-level shall concretize requirements pertaining to body of knowledge and skills of every module, credit, or subject in the training program, and facilitate the positive teaching methods. The Head of the vocational education institution shall decide to establish the assessment council of training materials; compile or select the training materials; approve the training materials used as official teaching and learning materials.

2. The Heads of vocational education authorities in the central government shall regulate the compilation, selection, assessment, approval and use of the vocational education materials.

Article 36. Requirements pertaining to training methods

1. The training methods applied to elementary-level must attach special importance to vocational practice skills and promotion of the positiveness and self-awareness of students.

2. The training methods applied to intermediate-level or college-level must combine the vocational practice skills and vocational knowledge; promote the positiveness, self-awareness, dynamic, independent working and working in groups; use teaching software and apply information technology and communication to teaching and learning.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The training program shall be a year-based program or a credit-based or module-based program. The vocational education institution shall have autonomy or take responsibility for implementation of year-based, credit-based, or module-based training program subject to the condition of the institution, provided that it must ensure the quality applied to every training program.

2. Any student accumulating enough modules or credits as defined in the training program shall be recognized as completion of the program; the accumulated modules or credits shall be recognized and he/she is not required to learn them again in other training programs.

3. The Heads of vocational training authorities in central government shall regulate the implementation of year-based, module-based, or credit-based training programs and association of implementation of training programs.

Article 38. Degrees and certificates in vocational education

1. |Degrees and certificates in vocational education shall be granted to vocational training graduates (at all levels). The degrees and certificates in vocational education shall be granted as follows:

a) A student finishing the training program at elementary-level may take an end of course test, if he/she passes the test, he/she shall be granted the Certificate in elementary-level vocational training by the Head of vocational education institution or an enterprise providing vocational training;

b) A student finishing the year-based training program at intermediate-level passes an graduation exam or a student finishing the module-based or credit-based training program as prescribed, the Principal of the vocational training school or vocational college shall be recognition of graduation and granted a Degree of vocational secondary schools;

c) A student finishing the year-based training program at college-level passes an graduation exam or protection of graduation thesis or a student finishing the module-based or credit-based training program as prescribed, the Principal of the vocational training school or vocational college, or higher education institution providing college-level shall be recognized as graduation and granted a Degree of college-level and recognition of practice bachelor or practicing engineers.

2. The vocational education institution shall print blank degrees/certificates and grant them to students; and announce information about the degrees/certificates on its website.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 2: CONTINUING TRAINING

Article 39. Contract of training

1. A contract of training is an agreement concluded verbally or in writing on rights and obligations between the head of a vocational education institution, organization(s), individual(s) and students involving in the continuing training program as prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 of Article 40 of this Law and when the enterprise employ and train workers in order for they to work for it.

2. A contract of training must contain:

a) Name(s) of vocation or vocational skills;

b) Location of training;

c) Duration of the course;

d) Tuition fees and method of payment of tuition fees;

dd) Responsibility for compensation in case of breaches of the contract committed by each party;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Other agreements which are not unlawful and immoral.

3. If the enterprise trains employed people to work for it, except for regulations in Clause 2 of this Article, the contract of training shall contain:

a) Commitment of trainees to the duration of working at the enterprise;

b) Commitment of the enterprise to employ the trainees after completion of training;

c) Agreement on working time and wage paid to the trainees who directly or indirectly make products for the enterprise over the duration of training.

4. The contract of training in the form of apprenticeship, except regulations in Clause 2 of this Article, there shall be agreement on the date on which the trainees are paid wage and the wages paid to learners in certain periods.

Article 40. Continuing training programs

1. Continuing training programs include:

a) Continuing training programs at the request of students; refresher courses in update and improvement of vocational knowledge and skills;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Technology transfer programs;

d) Other training programs lasting under 03 months;

dd) Continuing training programs which grant degrees of college-level or vocational secondary schools and certificates in elementary-level vocational training.

2. A continuing training program must meet all requirements below:

a) The training programs prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 of this Article must ensure the practicality and enable students to perform tasks of the profession which they have learned, improve the working productivity or conversion of vocations. The Heads of vocational education institutions, enterprises, or vocational training classes which provide training programs prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 of this Article shall have autonomy and take responsibility for formulation and selection of their training programs.

b) The training program prescribed in Point dd Clause 1 of this Article must meet the requirements prescribed in Article 34 of this Law.

Article 41. Duration and methods of continuing training

1. The duration of programs prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 of Article 40 of this Law depends on every program provided that it is flexible and appropriate to every student.

2. The duration of year-based programs prescribed in Point dd Clause 1 Article 40 of this Law may be longer than the duration prescribed in Article 33 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 42. Instructors of continuing training programs

1. The instructors of training programs prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 Article 40 of this Law are educators, scientists, engineers, technical officials, craftsmen, skilled workers, or productive farmers.

2. The instructors of training programs prescribed in Point dd Clause 1 Article 40 of this Law are educators who satisfy the qualifications prescribed in Article 53 and Article 54 of this Law.

Article 43. Organization and management of continuing training

1. The organization and management of continuing training shall be carried out as prescribed in Article 37 of this Law.

2. The vocational education institutions, enterprises, or vocational training classes may provide training programs prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 Article 40 of this Law.

3. The vocational education institutions or higher education institutions providing colleges may provide training programs prescribed in Point dd Clause 1 Article 40 of this Law if they have provided formal training and they are permitted by the training authority.

4. The Heads of vocational education authorities in the central government shall provide guidance on continuing training.

Article 44. Degrees or certificates in continuing training

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The tests, exam or issuance of degrees or certificates in vocational education pertaining to the training program prescribed in Point dd Clause 1 Article 40 of this Law shall be carried out as prescribed in Article 39 of this Law.

3. The students finishing the continuing training programs prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 Article 40 of this Law shall be issued the certificates in vocational training by the Heads of vocational education institutions, enterprises, or vocational training classes. The certificate in vocational training must contain content of vocational training and duration of courses.

Article 45. Vocational training classes

1. The vocational training classes shall be established by organizations or individuals to provide training programs prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 Article 40 of this Law.

If the vocational training class is established according to the order of the State, the organization or individual establishing the vocational training class must meet the requirements prescribed in regulations of the Heads of vocational education authority in the central government.

2. If the organizations or individuals establishing vocational training classes meeting all requirements prescribed in Clause 2 of this Article, they shall benefit from incentive policies below:

a) Expenditures on operation of the vocational training classes shall be subtracted from taxable income in accordance with regulations of law on taxation.

b) They are eligible to participate in vocational programs or projects of the State if they meet all requirements as prescribed;

c) They are eligible to issue certificates in vocational training to students;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) The students shall be provided training support if the vocational training classes belong to vocational training programs or projects of the State.

3. A vocational training class satisfying the following requirements shall benefit from incentive policies of the State:

a) It has facilities, equipment, instructors, and training programs in conformity with the training vocations;

b) It has sent a report on vocational training operation to the People’s Committee of the commune, ward or town where the vocational training class is located.

Section 3: INTERNATIONAL COOPERATION IN VOCATIONAL EDUCATION

Article 46: International cooperation objectives in vocational education

1. Improve vocational training quality oriented to modernity, access advanced vocational education level of the regions and the world.

2. Enable vocational education institution to develop stably, provide qualified and skilled human resources to serve the industrialization and modernization of the country.

Article 47: Types of international cooperation in vocational education

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Establishment of representative offices of the foreign vocational education institutions in Vietnam.

3. Cooperation in scientific research, technology transfers and organization of scientific meetings or seminars.

4. Provide fresher courses for or exchange educators, administrative officials of vocational education and students.

5. Exchange of information about training operation; provision of training programs; exchange of publications, materials and outcomes of training operation.

6. Participation in regional and international educational organizations or non-trading partnership.

7. Establishment of representative offices of the Vietnamese vocational education institutions overseas.

8. Other type of cooperation as prescribed in regulations of law.

Article 48. Training association with foreign institutions

1. Training association with foreign institutions means the formulation and provision of the training association programs between Vietnamese vocational education institutions and foreign vocational education institutions without establishment of new legal entity in order to provide training programs and issue degrees or certificates in vocational education.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The vocational education institution associated with foreign vocational education institutions must obtain a certificate in registration of training association and satisfy requirements pertaining to teaching staff, facilities, training equipment, programs and content of training.

The foreign vocational education institution associated with the Vietnamese vocational education institution must obtain a quality evaluation certificate in vocational education issued by a foreign quality assessment agency or recognized as prescribed in regulations of the Head of vocational education authority in the central government.

Specific requirements, competence, or procedures for issuance of certificate in registration of training association with foreign institutions shall comply with regulations of the Government.

4. In case the training association programs with foreign institutions are suspended from enrollment or terminated because the institutions fail to satisfy requirements prescribed in Clause 3 of this Article, they must make a refund of fees to students, pay teaching salaries, ensure other lawful rights and interests of students, teaching staff, civil servants, and workers according to their labor contracts or collective bargaining agreement; and pay tax liabilities and other liabilities (if any).

Article 49. Representative offices

1. The representative office of a foreign vocational education institution shall represent that institution.

2. The representative office has following tasks and entitlement:

a) Enhance the corporation with Vietnamese vocational education institutions through corporation programs and projects in the vocational education sector;

b) Organize activities of exchanges, consultancy, and exchange of information, seminar, or exhibition in the vocational education sector in order to introduce the foreign vocational education institution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Do not conduct vocational education operation which directly profit in Vietnam and do not establish any branch which is affiliated to the representative office of the foreign vocational education institution in Vietnam.

3. The foreign vocational education institution shall be granted license for establishment of a representative office in Vietnam if it:

a) Has legal status;

b) Has principles and operation purposes;

c) Has operated vocational education for at least 05 years in its home country;

d) Has Regulation on the organization and operation of the prospective representative office in Vietnam in accordance with regulations of Vietnamese law.

The Heads of vocational education authorities in the central government shall regulate the procedures for dissolution or permission for dissolution of vocational education institutions.

5. The representative office of foreign vocational education institution shall terminate its operation at the request of the foreign vocational education institution or be terminated in the following cases:

a) The deadline stated in the license expires,

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The application for representative office establishment license is falsified;

d) Conduct operation other than operation stated in the license;

dd) Commit violations against other regulations of Vietnamese law.

Article 50: Policies on development of international cooperation in vocational education

1. The State shall expand and develop international cooperation in vocational education according to the rules of respect for national sovereignty and mutual benefits.

2. The State shall enable foreign organizations or individuals, international organizations, overseas Vietnamese to teach, study, invest, finance, cooperate, apply science or technology transfers in vocational education in Vietnam; they are protected their lawful rights and interests as prescribed in Vietnamese law and the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

3. The Government shall provide guidance on international cooperation in vocational education.

Chapter IV

RIGHTS AND OBLIGATIONS OF ENTERPRISES IN VOCATIONAL EDUCATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Establish a vocational education institution to provide direct human resources for the business of the enterprise and the social.

2. Register vocational education operation to provide elementary-level vocational training and continuing training programs as prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 Article 40 of this Law for workers in the enterprise and other workers; receive training funding for the disabled studying and working in the enterprise.

3. Cooperate with other vocational education institutions to provide elementary-level, intermediate-level, or colleges and continuing training programs.

4. Participate in the formulation of training curriculum and materials; teach, give probation, or assess learning outcomes of students in vocational education institutions.

5. Expenditures on vocational training operation of the enterprise shall be subtracted from taxable income in accordance with regulations of law on taxation.

Article 52. Obligations of enterprises in vocational education

1. Provide information about demand for training and use of workers in the enterprise according to disciplines and demand for employment annually for the vocational education authority.

2. Provide training or place an order with vocational education institution in order to train the employed people to work for the enterprise.

3. Fulfill all obligations as agreed in the contract of training association with the vocational education institution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Pay salaries or wages to students or who directly or indirectly make the products meeting specification over the duration of training, practice, or probation at the enterprise as agreed.

6. Cooperate with the vocational education institution in the training, provision of refresher courses for workers of the enterprise.

7. Enable the workers of the enterprise to attend in-service training courses to improve their vocational skills as prescribed in law on labor.

8. Only use skilled workers or workers obtaining the certificate in national vocational skills with regard to jobs in the List provided by the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs.

9. The Government shall provide guidance on rights and obligations of the enterprise in the vocational education.

Chapter V

EDUCATORS AND STUDENTS

Section 1: EDUCATORS

Article 53. Educators in vocational education institutions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Educators in the vocational education centers or vocational training schools shall be called as educators; educators in colleges shall be called as lecturers.

3. Titles of educators in the vocational education institution include: teachers, principal teachers, senior teachers; lecturers, principal lecturers, and senior lecturers.

4. An educator in vocational education institutions must meet requirements below:

a) Has virtuous characters;

b) Achieves the qualifications in professional competence and proficiency;

c) Has good health as required by his/her job;

d) Has a clear criminal record.

Article 54. Qualifications of educators

1. An educator at elementary-level must obtain at least a degree of vocational secondary schools or a certificate in vocational skills used for teaching elementary-level.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. An educator teaching theory at college-level must obtain at least a bachelor’s degree; an educator teaching practice at college-level must obtain a certificate in vocational skills used for teaching practice at college-level.

4. An educator teaching both theory and practice at intermediate-level or college-level must achieve acquire qualifications equivalent to qualifications of the educator teaching theory and educator teaching practice as prescribed in Clause 2 and Clause 3 of this Article.

5. Any educator obtaining no college degree in pedagogy, college degree in technical pedagogy or bachelor’s degree in pedagogy, or bachelor’s degree in technical pedagogy is required to obtain a certificate in pedagogy.

6. The Head of vocational education authority in central government shall regulate the content of training programs, improve vocational skills and certificate in vocational skills used for teaching practice at all levels; content of pedagogical proficiency course provided for educators in the vocational education institution.

Article 55. Tasks and entitlement of educators

1. Teach according to objectives and training programs and ensure to carry out the sufficient and quality training programs.

2. Learn and improve their professional competence, proficiency and teaching methods.

3. Exemplarily fulfill civil obligations, law and regulations of organization and operation of vocational education institution.

4. Reserve the virtue, prestigious, or honor of educators; respect personality of learners, fairly treat learners, protect legitimate rights and interests of learners.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Use teaching materials, equipment or aids, equipment and facilities of the vocational education institution.

7. Conclude a visiting lecturer contract with other vocational education institution as prescribed.

8. Give opinion about policies or plans of the vocational education institution on programs, materials, methods of teaching and other issues related to their rights.

9. The educator must reserve time to take a probation at the enterprise to update and improve practice skills and access new technology as prescribed.

10. Other tasks and entitlement as prescribed in regulations of law.

Article 56. Employment, assessment and refresher course in professional competence and proficiency for educators

1. The employment of educator must satisfy requirements or qualifications prescribed in Clause 4 Article 53 and Article 54 of this Law and comply with regulations of law on labor and law on civil servants. Any educator gaining experience in the business in conformity with the disciplines shall be priorly employed.

2. The educators shall be assessed or classified annually as prescribed.

3. The refresher courses in improvement in professional competence in pedagogy, vocational skills, information technology, or foreign languages; probation in the enterprise shall comply with regulations of the Head of vocational education authority in the central government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The vocational education institution may invite people satisfy requirements and qualifications as prescribed in Clause 4 Article 53 and Article 54 of this Law for the teaching in the form of visiting lecturers.

2. The visiting lecturers must fulfill obligations and exercise their rights as prescribed in Article 55 of this Law.

3. The visiting lecturers who are officials, officials and civil servants at other agencies or organizations must fulfill their obligations at the institutions they are working for.

Article 58. Policies applied to educators

1. Educators in public vocational education institutions shall benefit from the following policies:

a) Receive salaries according to their titles prescribed in Clause 3 Article 53 of this Law; receive incentive allowances according to their disciplines, receive seniority pay regarding educators, particular allowances regarding educators teaching both theory and practice, craftsmen, skilled educators teaching practice, educators teaching disciplines which are heavy and dangerous, and educators teaching the disabled as prescribed in regulations of the Government;

b) Incentive policies applied to educators teaching in special schools, schools in severely disadvantaged areas and other incentive policies applied to educators as prescribed in regulations of the Government.

2. Attend refresher courses in professional competence or proficiency as prescribed in regulations of the Government.

3. The State shall encourage educators to teach in vocational education institutions in severely disadvantaged areas; enable educators to teach in the vocational education institutions in disadvantaged or severely disadvantaged areas.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. If the educators who are doctors, craftsmen or skilled people teaching in public vocational education institutions and having good health voluntarily extend their working time at the vocational education institution with the consent of the vocational education institutions, they may take later retirement as prescribed in law on labor.

6. The State adopts policies on investment in training and refresher courses in professional competence, skills, and pedagogical methods applied to educators teaching the disabled.

Section 2: LEARNERS

Article 59. Learners

Learners are learners who are learning vocational education programs in the vocational education institutions, including students learning college-level training programs; students learning intermediate-level and elementary-level training programs; students learning continuing training programs as prescribed in Point a, b, c and d Clause 1 Article 40 of this Law.

Article 60. Rights and obligations of learners

1. Learn and practice as defined in regulations of the vocational education institution.

2. Respect educators, administrative officials, civil servants and workers in the vocational education institution; unite and help each other in learning and practicing.

3. Participate in labor and social work, actions on environmental protection, protection for security, order, prevention and control of crime, social evil.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Be facilitated in study, production, businesses, services, activities in culture, sports.

6. Benefit from policies applied to learners who are beneficiaries of social incentive policies.

7. Other rights and obligations as prescribed in regulations of law.

Article 61. Rights and obligations of learners

1. The learners graduated from training courses for appointed students, in the form of scholarship, training fees or orders from the State, or given by foreign countries under Agreements concluded with the Socialist Republic of Vietnam must execute the manoeuvre related to place of working given by the competent agency for a certain period; if not, they shall make a refund of scholarship or training fees.

2. The learners graduated from training courses as scholarship or training fees given by the employers must work for the employer according to the period as agreed in the training contract; in case they fail to fulfill their commitment, they must make a refund of scholarship or training fees.

Article 62. Policies applied to learners

1. The learners shall benefit from policies on scholarship, social allowances, appointed students, educational credit, exemption or reduction in public service charges as prescribed in Article 89, 90, 91 and 92 of the Law on Education.

2. The learners shall be exempt from tuition fees by the State in the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The lower-secondary graduates continuing to learn intermediate-level;

c) The learners studying in disciplines facing difficulty in enrollment at intermediate-level or college-level but they are required by the social according to the List provided by the Head of vocational education authority; learners studying in special disciplines meeting the requirements pertaining to socio-economic development and national defense and security as prescribed in regulations of the Government.

3. The learners who are women, rural area workers and following training programs at elementary-level and training programs lasting for under 03 months shall be provided training fees as prescribed in regulations of the Prime Minister.

4. Boarding ethnic lower-secondary school graduates, boarding ethnic upper-secondary school graduates, including those enrolled by public vocational training schools or colleges without entrance examinations.

5. The learners who are ethnics in poverty or near poverty households, the disabled; the learners who are Kinh ethnics in poverty or near poverty households or the disabled whose normal residence in the severely disadvantaged areas, ethnic minority areas, border or island areas; the students of boarding ethnic upper-secondary schools following training programs at the intermediate-level or college-level shall benefit from policies on boarding schools as prescribed in regulations of the Prime Minister.

6. During the learning, if the learners do military services or fail to keep learning or working due to their sickness, accidents, unhealthy maternity or their families in difficulties, they may reserve study results and resume the study then. The time limit for the reserve of study results does not exceed 05 years.

7. The knowledge and skills that learners accumulate during the work and results of modules, credits, subjects which they had accumulated in the learning process at the levels of vocational education shall be recognized and be not required to learn them again in other training programs.

8. The graduates shall benefit from the following policies:

a) They are employed by authorities, socio-political organizations, public service agencies, the armed forces as prescribed; the learners obtaining at least very good graduation degrees;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 63. Policies applied to learners sent to work abroad

1. The State shall carry out policies on vocational training programs provided for workers sent to work abroad.

2. If a learner studying at the vocational education institutions is sent to work abroad under a contract, he/she shall be reserved his/her study results. The time limit for the reserve of study results does not exceed 05 years.

Article 64. Policies applied to learners wining in workmanship contests

1. The State encourages learners to take part in workmanship contests. The winners in national workmanship contests, ASEAN workmanship contests shall be awarded as prescribed in law on emulation and commendation.

2. If the first-prize, second-prize and third-prize winners in the national workmanship contests obtain associate degrees and upper-secondary degrees or they are learned and passed the examinations satisfying the body of knowledge of upper-secondary level as prescribed, they shall be admitted into the colleges without examinations with the majors in conformity with the professions which they win the prizes.

3. If the first-prize, second-prize and third-prize winners in the ASEAN workmanship contests obtain associate degrees and upper-secondary degrees or they are learned and passed the examinations satisfying the body of knowledge of upper-secondary level as prescribed, they shall be admitted into the colleges without examinations with the majors in conformity with the professions which they win the prizes.

Chapter VI

VOCATIONAL EDUCATION QUALITY ASSESSMENT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Objectives of vocational education quality assessment:

a) Ensure and improve the vocational education quality;

b) Certify the satisfaction of objectives of vocational education in every certain period of the vocational education institution or the vocational education programs.

2. Entities of vocational education quality assessment:

a) Vocational education institutions;

b) Training programs of vocational education at all levels.

3. The vocational education quality assessment must follow the rules below:

a) Independent, objective and lawful;

b) Honest, public and transparent;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Compulsory with vocational education institutions and training programs providing major disciplines of the nation, region or the world; vocational education institutions and training programs providing disciplines serving the state management.

Article 66. Organization and management of vocational education quality assessment

1. The organization for education quality assessment shall assess and recognize the vocational education institutions and vocational education programs satisfying the requirements pertaining to vocational education quality.

2. Organizations for vocational education quality assessment include:

a) Organizations for vocational education quality assessment established by the State;

b) Organizations for vocational education quality assessment established by organizations or individuals.

3. A0An organization for vocational education quality assessment established according to projects must:

a) Have facilities, equipment and finance meeting the requirements pertaining to the organization for vocational education quality assessment;

b) Have administrative official and assessor staff meeting the requirements pertaining to the organization for vocational education quality assessment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The Head of vocational education authority shall provide guidance on requirements, procedures and periods of vocational education quality assessment; conditions and competence in establishment, permission for establishment, dissolution of the organizations for vocational education quality assessment; rights and obligations of organizations for vocational education quality assessment; recognition of assessment results of the organizations for vocational education quality assessment; issuance and revocation of certificate of vocational education quality assessment; criteria, rights and obligations of assessors; management and issuance of vocational education quality assessor’s cards.

Article 67. Tasks and entitlement of the vocational education institutions in vocational education quality assessment

1. Formulate and carry out the long-term or annual plans for improvement of vocational education quality.

2. Assess vocational education quality themselves according to the requirements and procedures for vocational education assessment.

3. Provide information or materials relating to vocational education quality assessment.

4. Carry out vocational education quality assessment at the request of competent agencies.

5. Pay quality assessment fees to organizations for vocational education quality assessment.

6. Select organizations for vocational education business organizations to carry out the assessment and vocational education programs.

7. Send complaints or denunciation of decisions, conclusions, and violations of organizations of individuals conducting vocational education quality assessment against law to the competent agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. If any vocational education institution or training program satisfies requirements pertaining to quality assessment, it shall be granted a Certification of vocational education quality standards. The Certification shall be valid for 05 years.

2. If any vocational education institution or training program fail to satisfy requirements pertaining to quality assessment, it shall be revoked the Certification of vocational education quality standards.

Article 69. Tasks and entitlement of a vocational education institutions obtaining Certification of vocational education quality standards

1. Maintain and keep improving vocational education quality.

2. Send a report to vocational education authority every year.

3. Benefit from policies on investment support to improve the vocational education quality and lodge tender to fulfill the vocational education quotas according to the order of the State.

Article 70. Use of results of vocational education quality assessment

The results of vocational education quality assessment shall be used in the following cases:

1. Evaluate the reality of training quality of vocational education institutions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The employers employ workers;

4. The State invest, lodge tender, place orders and assign training tasks to vocational education institutions.

Chapter VII

STATE MANAGEMENT OF VOCATIONAL EDUCATION

Article 71. Responsibility of state management of vocational education

1. The Government shall be in charge of state management of vocational education

2. The vocational education authorities in central government shall take responsibility to the Government for state management of vocational education and have tasks and entitlement below:

a) Formulate, request competent agencies to issue or issue within their competence and implement strategies, planning, plans, or policies on vocational education development;

b) Formulate, request competent agencies to issue or issue within their competence and implement legislative documents on vocational education;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Regulate the application and issuance of Certification of registration of vocational education;

dd) Management and organization of vocational education quality assessment;

e) Release statistics or information about organization and operation of vocational training;

g) Organization of organizational structure of vocational education;

h) Management and organization of training and refresher courses provided for vocational education administrative officials, educators of continuing training programs;

i) Mobilize, manage and use resources to develop vocational education;

k) Manage and organize activities of study, application of science and technology; production, businesses and services in vocational training;

l) Manage and organize international cooperation in vocational education;

m) Inspect the observance of the law on vocational education; deal with complaints or denunciation and actions on violations against law on vocational education.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The People’s Committee of the province shall be responsible for state management of vocational education according to the classification of the Government; formulate and implement plans for vocational education in conformity with human resources of local governments; inspect the implementation of law on vocational education conducted by vocational education institutions, organizations and individuals involved in vocational education in the administrative divisions within their competence; make investment in private sector involvement in vocational education; improve quality and effectiveness of vocational education in the local governments.

5. The Government provides guidance on competence and content of state management of vocational education.

Article 72. Inspection of vocational education

1. The vocational education authority shall be vocational education inspector.

2. Vocational education inspector shall have tasks and entitlement below:

a) Inspect the implementation of law and policies on vocational education;

b) Detect, prevent and handle within their competence or request competent agencies to take actions to violations against law on vocational education;

c) Verify or request competent agencies to deal with complaints or denunciation of vocational education;

d) Other tasks and entitlement as prescribed in regulations of law on inspection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 73. Actions to violations

1. Any person commit violation(s) below shall be disciplined, face penalties for administrative violations or criminal prosecution according to his/her nature and severity of the violations; if he/she cause damages, he/she must pay compensation as prescribed;

a) Establish vocational education institutions or perform vocational education operation contrary to regulations of law;

b) Commit violations against regulations on organization and operation of vocational education institutions;

c) Publish, print, or release materials contrary to regulations of law;

d) Making fake documents, violate regulations on enrollment, examination, tests, recognition of graduation and issuance of degrees and certificates;

dd) Infringe human dignity and bodies of vocational educators, administrative officials; maltreat or persecute learners;

e) Violate regulations on vocational education quality assessment;

g) Disturb public security and order in the vocational education institutions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) Cause damage to facilities of vocational education institutions;

k) Other violations against law on vocational education.

2. The Government shall provide guidance on penalties for administrative violations against law on vocational education.

Article 74. Complaints or denunciation and resolution of complaints or denunciation

The complaints or denunciation and resolution of complaints or denunciation in vocational education shall comply with regulations of law.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION

Article 75. Implementation

1. This Law shall take effect from July 1, 2015.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 76. Amendments to Law on education

A number of articles of the Law on Education No.38/2005/QH11 amended by the Law No.44/2009/QH12 shall be amended and annulled as follows:

1. Point c and Point d Clause 2 Article 4 shall be amended as follows:

“c) Vocational education training at elementary-level, intermediate-level, or college-level and other vocational training programs;

d) Higher education including university education, master education, and doctoral education.”;

2. Point d Clause 1 Article 51 shall be amended as follows:

“d) The Minister of Education and Training shall make decisions for preparatory universities; the Heads of vocational education authorities in central government shall make decisions for colleges;”;

3. Clause 3 Article 70 shall be amended as follows:

“3. Educators teaching in preschool education, compulsory education, or vocational education at elementary-level or intermediate-level shall be called teachers. Educators teaching in colleges, or higher education institutions shall be called lecturers.”;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) “Trung tâm dạy nghề” prescribed in Point b Clause 1 of Article 83 shall be replaced with “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”;

b) “Lớp dạy nghề” prescribed in Point a Clause 1 of Article 69 and Point b Clause 1 of Article 83 shall be replaced with “lớp đào tạo nghề”;

c) “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề” prescribed in Article 45, 50, 51, 52, 54, 77, 105 and 113 shall be replaced with “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương”;

d) “Cơ sở dạy nghề” prescribed in Clause 3 of Article 54 shall be replaced with “cơ sở giáo dục nghề nghiệp”;

dd) “Trường dạy nghề” prescribed in Clause 1 of Article 89 shall be replaced with “cơ sở giáo dục nghề nghiệp”;

5. The phrases below shall be annulled as follows:

a) “Trình độ cao đẳng” prescribed in Clause 2 of Article 40 and Clause 1 of Article 41 shall be annulled;

b) “Trường cao đẳng” prescribed in Clause 41, Point d Clause 1 Clause 51 of Article 79 shall be annulled;

c) “Các trường cao đẳng” prescribed in paragraph 3 Clause 2 Article 41 shall be annulled;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The Section 3 Chapter II – Vocational education including Article 32, 33, 34, 35, 36 and 37 shall be annulled; Clause 5 of Article 30, Clause 1 of Article 38, Clause 2 of Article 39, paragraph 2 Clause 1 of Article 40, Point a Clause 1 of Article 42, Clause 1 of Article 43, Point d and Point dd Clause 1 of Article 77 shall be annulled.

Article 77. Amendments to Law on higher education

A number of articles of the Law on Higher Education No.08/2012/QH13. shall be amended and annulled as follows:

1. The phrase “trường trung cấp chuyên nghiệp” prescribed in Clause 3 of Article 37 shall be replaced with “trường trung cấp”;

2. The phrases below shall be annulled as follows:

a) “Trường cao đẳng” prescribed in Clause 2 of Article 4, Clause 2 of Article 5, Article 33, Point a Clause 1, Clause 3 of Article 36 and Clause 4 of Article 45 shall be annulled;

b) “Trình độ cao đẳng” prescribed in Clause 1 of Article 6 shall be annulled;

c) “Trường cao đẳng” prescribed in Article 2, Clause 8 of Article 4, Clause 1 of Article 11, Article 14, Clause 1 of Article 16, Clause 1 of Article 17, Clause 1 of Article 19, Clause 1 of Article 20, Clause 4 of Article 27 and Article 28 shall be annulled;

d) “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng” prescribed in Clause 5 of Article 9 shall be annulled;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) “Bằng tốt nghiệp cao đẳng” prescribed in Clause 1 of Article 38 shall be annulled;

g) “Chương trình đào tạo cao đẳng” prescribed in Article 59 shall be annulled;

3. Point a Clause 2 of Article 5, Point a Clause 1 of Article 7, paragraph 2 Clause 1 of Article 27, paragraph 2 Clause 2 of Article 27 and Point a Clause 1 of Article 38 shall be annulled.

Article 78. Transitional provisions

Vocational education institutions or higher education institutions taking place enrollment before the effective date of this Law may provide training, grant degrees or certificates to learners as prescribed in the Law on Education No.38/2005/QH11 amended by the Law No.44/2009/QH12, the Law on Vocational training No.76/2006/QH11 and the Law on higher education No.08/2012/QH13 until the end of the courses.

Article 79. Specific provisions

The Government and competent agencies shall provide guidance on Articles and Clauses in the Law.

This Law was passed by the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam, XIII Legislature, and 8th Session, dated November 27, 2014.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Sinh Hung

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


310.190

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.233.198
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!