CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 240/NQ-CP
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 12 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN
HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 11 NĂM 2024
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP
ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ
và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật,
tổ chức ngày 04 tháng 12 năm 2024 về: Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di
tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đề nghị xây dựng Luật
Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm
giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Thi hành án hình sự; Đề nghị
xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính
quyền địa phương (sửa đổi).
QUYẾT NGHỊ:
1. Về Dự án Pháp lệnh Quản lý,
bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ động,
tích cực trong việc chuẩn bị, xây dựng dự án Pháp lệnh và trình Chính phủ bảo đảm
thời gian, tiến độ và quy định của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật; đã nghiêm túc tiếp thu và giải trình đầy đủ ý
kiến của Thành viên Chính phủ. Dự án Pháp lệnh được chuẩn bị kỹ, có chất lượng,
bảo đảm bám sát 04 nội dung chính sách được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết
số 05/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024.
Chính phủ thống nhất thông qua hồ sơ dự án Pháp lệnh
do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp,
Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh
theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật (trong đó lưu ý, rà soát kỹ, bảo đảm chỉ quy định những nội dung
đúng thẩm quyền của Quốc hội).
Giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Thủ tướng
Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh
này.
2. Về Đề nghị xây dựng Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì,
phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy
định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thể chế hóa các chủ trương của Đảng
về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện có hiệu quả các mục
tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam
kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc
lần thứ 26 (COP 26).
Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của
Thành viên Chính phủ, ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề nghị
xây dựng Luật với yêu cầu sau:
- Thể chế hóa đầy đủ, chính xác chủ trương, đường lối
của Đảng về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;
- Tiếp tục tổng kết pháp luật và các quy định có
liên quan về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; kế thừa những quy định
đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý
những bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành và các phát sinh trên thực tiễn
với mục tiêu lớn nhất là đáp ứng yêu cầu về năng lượng;
- Việc xây dựng luật phải theo tinh thần chỉ quy định
các vấn đề khung, ngắn gọn, đi thẳng vào các chính sách. Đối với trách nhiệm của
các Bộ, ngành, cần giao Chính phủ phân công. Thực hiện cắt giảm thủ tục hành
chính và phân cấp tối đa để các địa phương, doanh nghiệp chủ động thực hiện.
Trong quá trình hoàn thiện các chính sách, cần tham
khảo thêm ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các tập đoàn, tổng công ty về
năng lượng, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
- Nghiên cứu bổ sung nội dung chính sách về chuyển
đổi xanh, giảm phát thải để việc tiết kiệm năng lượng đi đôi với khuyến khích,
phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn;
- Xây dựng các công cụ tăng cường kiểm soát phát thải
các-bon đối với các doanh nghiệp phát thải lớn. Đảm bảo việc giám sát không chỉ
có Bộ Công Thương mà có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân;
- Bổ sung nội dung chính sách khuyến khích chuyển đổi
số, quản lý bằng chuyển đổi số để tăng hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nghiên cứu, rà soát một số nội dung
chưa có trong Luật Điện lực (sửa đổi) để xem xét bổ sung vào Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm bảo đảm
việc sử dụng năng lượng thật sự tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với tình hình mới;
- Việc xây dựng các chính sách cần nghiên cứu kỹ,
trên tinh thần huy động nguồn lực của nhân dân, của xã hội và các nguồn lực từ
bên ngoài, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó bao gồm việc
hình thành Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp,
Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
gửi Bộ Tư pháp tổng hợp.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng
Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ
sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc
hội (Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV).
Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ
đạo xây dựng dự án Luật này.
3. Về Đề nghị xây dựng Luật
Năng lượng nguyên tử (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã
nghiêm túc, tích cực triển khai, nghiên cứu, lập Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng
nguyên tử (sửa đổi); thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Năng lượng nguyên
tử để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm
thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, xây dựng nhà máy điện hạt
nhân, bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đảm
bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến các Thành
viên Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu, bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ
Chính trị đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối chỉ đạo trong
lĩnh vực năng lượng nguyên tử để tiếp tục hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật.
Về các chính sách của đề nghị xây dựng Luật: Chính
phủ cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ Khoa học và
Công nghệ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm
quốc tế và tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung, hoàn thiện các
chính sách, trong đó lưu ý một số nội dung cụ thể như sau:
- Tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục
hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và
trách nhiệm của cá nhân, tập thể để tháo gỡ về thủ tục hành chính; nâng cao
năng lực thực thi, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng với
việc không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giao
quyền chủ động và chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp trong triển khai, thực
hiện các dự án năng lượng;
- Đối với chính sách 1 về xã hội hóa hoạt động ứng
dụng năng lượng nguyên tử: Tập trung nghiên cứu bổ sung đầy đủ nội dung của
chính sách này bảo đảm sự phát triển đa dạng, ứng dụng đa ngành, có đánh giá, bổ
sung quy định về phát triển điện hạt nhân phù hợp điều kiện, yêu cầu trong nước
và quốc tế. Nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách xã hội hóa cụ thể đối với
hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử. Quy định nhằm huy động được nguồn lực
trong và ngoài nước, đa dạng hóa các nguồn lực từ xã hội, nhân dân, các nhà đầu
tư để phát triển hạ tầng cho năng lượng hạt nhân;
- Đối với chính sách thứ 2 về bảo đảm an toàn bức xạ,
an toàn, an ninh hạt nhân: Đây là chính sách quan trọng, cần quy định chặt chẽ
nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố bức
xạ, hạt nhân kịp thời, hiệu quả. Cần đánh giá, rà soát để quy định bao quát đối
với các lĩnh vực có tiềm năng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (nông
nghiệp, năng lượng, giao, thông, địa chất, xây dựng, logistic...) cũng như các
rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn để có chính sách chủ động, phù hợp với mục
tiêu đẩy mạnh phát triển và mở rộng ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ yêu cầu
phát triển kinh tế, xã hội;
- Đối với chính sách 3 và 4 về không phổ biến vũ
khí hạt nhân, thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và
nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; trách nhiệm
dân sự đối với thiệt hại hạt nhân: Xác định rõ nội hàm quy định về nghĩa vụ quốc
gia tại các điều ước quốc tế để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định
pháp luật liên quan. Có quy định rõ về trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy
ra sự cố bức xạ, tai nạn hạt nhân; lưu ý vấn đề xử lý chất thải từ nguồn phóng
xạ, các tác động ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, người dân...
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ
Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị
xây dựng Luật; gửi Bộ Tư pháp tổng hợp.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng
Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ
sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc
hội (Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội
khóa XV).
Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ
đạo xây dựng dự án Luật này.
4. Về Đề nghị xây dựng Luật Thi
hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú:
Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã tích cực, chủ
động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật và trình
Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật. Thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật này nhằm tiếp tục
thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của
công dân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành; bảo đảm
áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin; đổi mới phương thức quản lý,
giám sát và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, góp phần đâm an ninh, trật tự, an toàn
xã hội.
Bộ Công an nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến Thành
viên Chính phủ, các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật với
các yêu cầu sau:
- Tiếp tục tổng kết pháp luật và các quy định có
liên quan, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu
quả; sửa đổi, bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh
trên thực tiễn. Rà soát, bảo đảm phù hợp với Hiến
pháp và đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự, Bộ
luật Tố tụng hình sự, Luật Khám bệnh, chữa bệnh...
Thực hiện đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được
đưa ra là hợp lý, khả thi, hiệu quả. Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa
học, đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm quốc tế quản lý người bị tạm giữ, tạm
giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều
kiện, văn hóa của Việt Nam. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao
trách nhiệm người đứng đầu;
- Đối với Chính sách 1: Cơ bản thống nhất với mục
tiêu, nội dung của chính sách là mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định cả về thi
hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và nhất trí việc đổi tên Luật thành Luật Thi
hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, nhằm khắc phục những khó
khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng trên thực tế. Về hình thức
giám sát điện tử đối với người đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư
trú, trường hợp cần thiết, nghiên cứu quy định những nguyên tắc chung, thẩm quyền
và điều kiện áp dụng trong Luật và giao Chính phủ quy định chặt chẽ, cụ thể về
điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng,
thực tiễn và đúng thẩm quyền;
- Đối với Chính sách 2: Cơ bản thống nhất với mục
tiêu, nội dung của chính sách này nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả
công tác quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam, đáp ứng yêu cầu
quản lý giam giữ theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, Chính sách có nhiều quy định
được đề xuất bổ sung, vì vậy cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động cụ thể với
các đề xuất và các nội dung dự kiến sẽ quy định cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả,
khả thi;
- Đối với Chính sách 3: Cơ bản thống nhất với mục
tiêu, nội dung của chính sách, nhằm quy định chế độ, chính sách tốt hơn cho người
bị tạm giữ, người bị tạm giam; là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
người bị kết án tử hình đang bị tạm giam. Tuy nhiên, chính sách này có liên
quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ
luật Tố tụng hình sự, Luật Khám, chữa bệnh,
Luật Trẻ em, Luật
Căn cước, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình
sự... Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo thống nhất, đồng bộ
trong hệ thống pháp luật.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn
phòng Chính phủ rà soát kỹ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; gửi Bộ Tư
pháp tổng hợp.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng
Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ
sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc
hội (Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội
khóa XV).
5. Về Đề nghị xây dựng Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự:
Đánh giá cao Bộ Công an đã tích cực, chủ động phối
hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật và trình Chính phủ
theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật. Thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm tiếp tục
thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thi hành án hình sự; khắc phục
những hạn chế, vướng mắc; tạo cơ sở pháp lý phù hợp, đầy đủ phục vụ công tác
thi hành án hình sự, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với
người chấp hành án, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.
Bộ Công an nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến Thành
viên Chính phủ, các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật với
các yêu cầu sau:
- Tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật liên
quan, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh có hiệu quả; bổ sung
quy định xử lý đồng bộ những hạn chế, vướng mắc. Rà soát, bảo đảm ngắn gọn,
đúng thẩm quyền, không luật hóa các quy định của văn bản dưới luật, đồng bộ, thống
nhất với hệ thống pháp luật, nhất là Hiến pháp
và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là
thành viên. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng
đầu; cải cách triệt để thủ tục hành chính; bỏ cơ chế xin cho; chống tiêu cực và
số hóa; bảo đảm quyền con người. Đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách đưa ra hợp
lý, khả thi, hiệu quả, tạo đồng thuận cao. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc
tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện Việt Nam và tham vấn các chuyên gia, nhà
khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận;
- Đối với Chính sách 1: Việc hoàn thiện quy định về
nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong công tác thi hành án hình sự là cần
thiết, nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành
án hình sự. Đề nghị: (1) Nghiên cứu kỹ lưỡng các biện pháp giám sát đối với người
chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, người
được tha tù trước thời hạn có điều kiện bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả, chặt
chẽ về thẩm quyền, điều kiện áp dụng và giao Chính phủ quy định chi tiết về thủ
tục, lộ trình thực hiện; (2) Cân nhắc việc quy định giao Chính phủ quy định tổ
chức bộ máy trại giam theo thẩm quyền; (3) Nghiên cứu quy định công tác phối hợp
giữa lực lượng công an và y tế trong bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở chữa bệnh
bắt buộc phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đúng thẩm quyền;
- Đối với Chính sách 2: Cơ bản thống nhất với mục
tiêu, nhiệm vụ của Chính sách này nhằm hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ
và chế độ của người chấp hành án. Đánh giá kỹ lưỡng việc triển khai Nghị quyết
số 54/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của
Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho người
đang chấp hành án phạt tù ngoài trại giam; trường hợp cần thiết, nghiên cứu quy
định nguyên tắc chung nội dung này trong Luật và giao Chính phủ quy định cụ thể
đối tượng, phạm vi tổ chức, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, bảo
đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, yêu cầu thực tiễn và đúng thẩm quyền.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn
phòng Chính phủ rà soát kỹ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; gửi Bộ Tư
pháp tổng hợp.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng
Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ
sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc
hội (Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội
khóa XV).
6. Về Đề nghị xây dựng Luật Tổ
chức Chính phủ (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp
với các Bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật và trình Chính phủ theo
quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật. Thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý
cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy hành chính nhà nước “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”,
đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các
Thành viên Chính phủ, ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị
xây dựng Luật, trong đó lưu ý:
- Rà soát, bám sát chủ trương của Đảng, quy định của
Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với
các quy định pháp luật có liên quan. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề
cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Tích cực
tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo
sự đồng thuận. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan
trong quá trình xây dựng dự án Luật;
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, sớm
báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan
theo thẩm quyền rà soát, sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... làm rõ chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống chính
trị trên cơ sở Hiến pháp năm 2013;
- Đối với Chính sách 1: Cơ bản thống nhất với mục
tiêu, nội dung của chính sách. Đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, các cơ quan phối
hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì xây dựng các Luật về tổ chức bộ máy như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... để rà soát bảo
đảm đồng bộ, thống nhất, phân định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ giữa các cơ quan thực
hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp;
- Đối với Chính sách 2: Cơ bản thống nhất với mục
tiêu, nội dung của chính sách. Đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ thêm các vấn đề liên
quan đến việc phân công trong nội bộ từng cơ quan và mối quan hệ, cũng như cơ
chế vận hành, quyền hạn và trách nhiệm của tập thể cơ quan với cá nhân người đứng
đầu để thể hiện rõ tinh thần phân cấp trong chính các cơ quan của Chính phủ,
qua đó, giúp bộ máy của Chính phủ vận hành hiệu quả;
- Đối với Chính sách 3: Cơ bản thống nhất với mục
tiêu của chính sách. Đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung nội dung liên quan đến ủy quyền
trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tại chính sách này. Đồng thời,
làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ với chính quyền địa phương;
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn
phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gửi
Bộ Tư pháp tổng hợp.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng
Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ
sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc
hội để Quốc hội thảo luận thông qua tại 01 kỳ họp.
7. Về Đề nghị xây dựng Luật Tổ
chức chính quyền địa phương (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp
với các Bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật và trình Chính phủ theo
quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm
pháp luật. Thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa
các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng chính
quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Thành
viên Chính phủ, ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây
dựng Luật, trong đó lưu ý:
- Rà soát, bám sát chủ trương của Đảng, quy định của
Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với
các quy định pháp luật có liên quan. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề
cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, ứng dụng
khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chú trọng truyền thông chính sách để tạo sự
đồng thuận. Tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến đối tượng chịu
sự tác động của dự án Luật. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, cơ
quan, địa phương trong quá trình xây dựng dự án Luật;
- Đối với Chính sách 1: Phân định thẩm quyền, phân
quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương và giữa các
cấp chính quyền địa phương:
Cơ bản thống nhất với mục tiêu của chính sách. Tuy
nhiên, chính quyền địa phương không có thẩm quyền quyết định việc phân quyền,
do đó Bộ Nội vụ cần tiếp tục rà soát, xác định nội dung chính sách phù hợp; đồng
thời xác định phạm vi phân cấp, phân quyền tại Luật này bảo đảm thống nhất với
việc quy định về phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
- Đối với Chính sách 2: Xác định nhiệm vụ, quyền hạn
của chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp:
Cơ bản thống nhất mục tiêu, nội dung của chính
sách. Việc xây dựng nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, tránh chồng chéo trùng lắp nhằm triển khai kịp
thời các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa
phương, phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và khả năng quản lý, điều
hành của từng cấp chính quyền địa phương.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý vướng
mắc, bất cập liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật
liên quan theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu
trách nhiệm”, bảo đảm khả thi, phù hợp với thẩm quyền các cơ quan, sự đồng bộ,
thống nhất của hệ thống pháp luật.
- Đối với Chính sách 3: Xây dựng mô hình tổ chức
chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị
hành chính - kinh tế đặc biệt:
Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính
sách, việc chọn chính sách này là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về xây dựng mô hình chính quyền phù
hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu các mô
hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó đánh giá thực tiễn triển khai thí
điểm trong thời gian qua, đề xuất các mô hình bảo đảm khả thi, hoạt động hiệu
quả.
- Về Chính sách 4: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp:
Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính
sách. Bộ Nội vụ nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của phương
án không tổ chức cấp chính quyền địa phương ở xã (không tổ chức Hội đồng nhân
dân xã), nhất là quyền đại diện của Nhân dân và hiệu quả của bộ máy chính quyền
cơ sở.
- Về Chính sách 5: Tổ chức đơn vị hành chính, thành
lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính: Cơ bản thống
nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Việc hoàn thiện quy định về địa giới
hành chính trong dự án Luật là phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn
phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gửi
Bộ Tư pháp tổng hợp.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng
Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ
sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc
hội để Quốc hội thảo luận thông qua tại 01 kỳ họp.
8. Giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương:
- Tập trung chỉ đạo, soạn thảo kịp thời, trình ban
hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi
hành các Luật, Pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp
thứ 8, tránh tình trạng nợ đọng văn bản. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ theo
dõi, đôn đốc, đề xuất phân công cụ thể các Phó Thủ tướng, các Bộ, cơ quan ngang
bộ, các địa phương triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội
thông qua và chuẩn bị tốt các dự án cho Kỳ họp tới;
- Tiếp tục rà soát các luật, văn bản quy phạm pháp luật,
kịp thời phát hiện những vướng mắc, lạc hậu so với thực tiễn hoặc những vấn đề
phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để đề xuất
hoàn thiện hệ thống pháp luật;
- Trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy
phạm pháp luật của ngành mình, địa phương mình; tập trung đầu tư các nguồn lực,
cơ sở vật chất, con người, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả;
chủ động phát hiện các điểm nghẽn, vướng mắc trong thực thi pháp luật và chủ động
phương án tháo gỡ. Quán triệt các yêu cầu đổi mới trong quy trình, siết chặt kỷ
luật kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm
pháp luật; khắc phục tình trạng hoãn, rút, chậm hay không bảo đảm chất lượng
trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Bộ Tư pháp tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo
cơ sở pháp lý cho việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật
khác; rà soát bảo đảm quy định của Luật đơn giản, sát thực tiễn; nghiên cứu quy
định Nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật./
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg, các PTTg; các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, TGĐ Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT,PL (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thành Long
|