Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật trẻ em 2016 số 102/2016/QH13 áp dụng 2024

Số hiệu: 102/2016/QH13 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 05/04/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Luật trẻ em 2016 quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

 

I. Quyền và bổn phận của trẻ em

- Luật trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em;

- Được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em;

- Được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.

II. Chăm sóc và giáo dục trẻ em

Về bảo đảm chăm sóc sức khỏe trẻ em, Luật trẻ em 2016 có quy định Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp:

- Theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi;

- Chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng cho trẻ em;

- Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em;

- Tư vấn và hỗ trợ trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi theo quy định pháp luật.

III. Bảo vệ trẻ em

Luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em quy định: Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được thành lập, đăng ký hoạt động khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;

- Có nội dung hoạt động nhằm thực hiện một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em tại các điều 48, 49 và 50 Luật về trẻ em năm 2016;

- Có người đại diện là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, am hiểu về trẻ em và bảo vệ trẻ em, không bị truy cứu TNHS, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;

- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính, nguồn nhân lực đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, phạm vi hoạt động theo quy định.

IV. Trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em

Theo Luật số 102/2016/QH13, các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em:

- Xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, VBQPPL, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH;

- Xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Quyết định, hoạt động của nhà trường, cơ sở giáo dục khác, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em;

- Áp dụng biện pháp, cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em của gia đình.

 

Luật trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 01/06/2017. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 102/2016/QH13

Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2016

LUẬT

TRẺ EM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật trẻ em.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trẻ em

Trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ sở giáo dục, gia đình, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân).

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em.

3. Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

4. Người chăm sóc trẻ em là người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, bao gồm người giám hộ của trẻ em; người nhận chăm sóc thay thế hoặc người được giao trách nhiệm cùng với cha, mẹ của trẻ em cấp dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

5. Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

6. Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

7. Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

8. Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

9. Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

10. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ Điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

11. Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em là việc xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 5. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em

1. Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình.

2. Không phân biệt đối xử với trẻ em.

3. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em.

4. Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

5. Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.

2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

7. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

8. Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc Điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.

9. Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

10. Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

11. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

12. Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

13. Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

14. Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.

15. Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.

Điều 7. Nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

1. Nhà nước bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

2. Nguồn tài chính thực hiện quyền trẻ em bao gồm ngân sách nhà nước; ủng hộ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; viện trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác.

3. Nhà nước có giải pháp về nhân lực và bảo đảm Điều kiện cho việc thực hiện quyền trẻ em; phát triển mạng lưới người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, ưu tiên bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm.

Điều 8. Nội dung quản lý nhà nước về trẻ em

1. Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em.

3. Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.

4. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em.

5. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền của trẻ em.

6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em; giải quyết, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em, người giám hộ và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

7. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em và việc thực hiện pháp luật về trẻ em cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

8. Hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em.

Điều 9. Trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em.

2. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; hỗ trợ, tạo Điều kiện để trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình theo quy định của pháp luật; phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện.

3. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến trẻ em.

Điều 10. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

1. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm các nhóm sau đây:

a) Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ;

b) Trẻ em bị bỏ rơi;

c) Trẻ em không nơi nương tựa;

d) Trẻ em khuyết tật;

đ) Trẻ em nhiễm HIV/AIDS;

e) Trẻ em vi phạm pháp luật;

g) Trẻ em nghiện ma túy;

h) Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

i) Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực;

k) Trẻ em bị bóc lột;

l) Trẻ em bị xâm hại tình dục;

m) Trẻ em bị mua bán;

n) Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo;

o) Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

2. Chính phủ quy định chi tiết các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 11. Tháng hành động vì trẻ em

1. Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.

Chương II

QUYỀN VÀ BỔN PHẬN CỦA TRẺ EM

Mục 1. QUYỀN CỦA TRẺ EM

Điều 12. Quyền sống

Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

Điều 13. Quyền được khai sinh và có quốc tịch

Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Quyền được chăm sóc sức khỏe

Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 15. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện.

Điều 16. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu

1. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

2. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Điều 17. Quyền vui chơi, giải trí

Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

Điều 18. Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc

1. Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc Điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình.

2. Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Điều 19. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 20. Quyền về tài sản

Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Quyền bí mật đời sống riêng tư

1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Điều 22. Quyền được sống chung với cha, mẹ

Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 23. Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ

Trẻ em có quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ, trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em; được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc với cả cha và mẹ khi trẻ em, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh để đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

Điều 24. Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi

1. Trẻ em được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ; không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

Điều 25. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.

Điều 26. Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Điều 27. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Điều 28. Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

Điều 29. Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy

Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Điều 30. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính

Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lýcác hình thức xâm hại khác.

Điều 31. Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang

Trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

Điều 32. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội

Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với Điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

Điều 33. Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội

Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.

Điều 34. Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp

Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.

Điều 35. Quyền của trẻ em khuyết tật

Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.

Điều 36. Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn

Trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Mục 2. BỔN PHẬN CỦA TRẺ EM

Điều 37. Bổn phận của trẻ em đối với gia đình

1. Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình, dòng họ.

2. Học tập, rèn luyện, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em.

Điều 38. Bổn phận của trẻ em đối với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác

1. Tôn trọng giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác.

2. Thương yêu, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè.

3. Rèn luyện đạo đức, ý thức tự học, thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục khác.

4. Giữ gìn, bảo vệ tài sản và chấp hành đầy đủ nội quy, quy định của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác.

Điều 39. Bổn phận của trẻ em đối với cộng đồng, xã hội

1. Tôn trọng, lễ phép với người lớn tuổi; quan tâm, giúp đỡ người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người gặp hoàn cảnh khó khăn phù hợp với khả năng, sức khỏe, độ tuổi của mình.

2. Tôn trọng quyền, danh dự, nhân phẩm của người khác; chấp hành quy định về an toàn giao thông và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ, giữ gìn, sử dụng tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường phù hợp với khả năng và độ tuổi của trẻ em.

3. Phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 40. Bổn phận của trẻ em đối với quê hương, đất nước

1. Yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng truyền thống lịch sử dân tộc; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước.

2. Tuân thủ và chấp hành pháp luật; đoàn kết, hợp tác, giao lưu với bạn bè, trẻ em quốc tế phù hợp với độ tuổi và từng giai đoạn phát triển của trẻ em.

Điều 41. Bổn phận của trẻ em với bản thân

1. Có trách nhiệm với bản thân; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân.

2. Sống trung thực, khiêm tốn; giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể.

3. Chăm chỉ học tập, không tự ý bỏ học, không rời bỏ gia đình sống lang thang.

4. Không đánh bạc; không mua, bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác.

5. Không sử dụng, trao đổi sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

Chương III

CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

Điều 42. Bảo đảm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

1. Nhà nước có chính sách trợ cấp, trợ giúp, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo độ tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 43. Bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em

1. Nhà nước có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầutiêm chủng cho trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tư vấn và hỗ trợ trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi theo quy định của pháp luật.

3. Ưu tiên tư vấn, bảo vệ, chăm sóc về sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 36 tháng tuổi và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em bị xâm hại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

4. Nhà nước có chính sách, biện pháp tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, đặc biệt là tử vong trẻ sơ sinh; xóa bỏ phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.

5. Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

6. Nhà nước có chính sách, biện pháp để trẻ em được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh và điều kiện vệ sinh cơ bản, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

7. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 44. Bảo đảm về giáo dục cho trẻ em

1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; có chính sách miễn, giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

3. Chương trình, nội dung giáo dục phải phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và yêu cầu hội nhập; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển nhân cách, kỹ năng sống, tài năng, năng khiếu của trẻ em; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em.

4. Nhà nước quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

5. Nhà nước có chính sách phù hợp để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và chính sách hỗ trợ để trẻ em trong độ tuổi được giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ; khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư khác để phát triển giáo dục, đào tạo.

Điều 45. Bảo đảm Điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch cho trẻ em

1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em; có chính sách ưu tiên trẻ em khi sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch và tham quan di tích, thắng cảnh.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng Điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em; bảo đảm điều kiện, thời gian, thời Điểm thích hợp để trẻ em được tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

3. Nhà nước tạo điều kiện để trẻ em giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa tốt đẹp và được sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình.

4. Nhà nước khuyến khích tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia ủng hộ, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ trẻ em vui chơi, giải trí; khuyến khích sáng tạo, sản xuất đồ chơi, trò chơi cho trẻ em bảo đảm an toàn, lành mạnh, mang bản sắc văn hóa dân tộc.

Điều 46. Bảo đảm thông tin, truyền thông cho trẻ em

1. Nhà nước bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức qua các kênh thông tin, truyền thông phù hợp.

2. Các cơ quan thông tin, xuất bản phải dành tỷ lệ nội dung, thời Điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm phù hợp cho trẻ em. Thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng.

3. Nhà nước khuyến khích phát triển thông tin, truyền thông phù hợp với sự phát triển toàn diện của trẻ em; sản xuất, đăng tải nội dung, thông tin với thời lượng thích hợp cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Chương IV

BẢO VỆ TRẺ EM

Mục 1. CẤP ĐỘ BẢO VỆ TRẺ EM VÀ TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 47. Các yêu cầu bảo vệ trẻ em

1. Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ sau đây:

a) Phòng ngừa;

b) Hỗ trợ;

c) Can thiệp.

2. Bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

3. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

4. Trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Việc đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội là biện pháp tạm thời khi các hình thức chăm sóc tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế không thực hiện được hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

5. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em.

6. Coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 48. Cấp độ phòng ngừa

1. Cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

2. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa bao gồm:

a) Tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

b) Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em;

c) Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn;

d) Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em;

đ) Xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em.

Điều 49. Cấp độ hỗ trợ

1. Cấp độ hỗ trợ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

2. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ bao gồm:

a) Cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập lại môi trường sống an toàn cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại;

b) Tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

c) Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật này;

d) Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

Điều 50. Cấp độ can thiệp

1. Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp bao gồm:

a) Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

b) Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

c) Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này;

d) Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

đ) Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

e) Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

g) Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 43, Khoản 1 Điều 44Điểm d Khoản 2 Điều 49 của Luật này;

h) Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Điều 51. Trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em

1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.

2. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.

3. Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Điều 52. Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp

1. Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp được xây dựng để tổ chức thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ở cấp độ hỗ trợ, cấp độ can thiệp quy định tại Điều 49 và Điều 50 của Luật này áp dụng với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em để tổ chức xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; bố trí nguồn lực, phân công cá nhân, tổ chức thực hiện, phối hợp thực hiện và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.

3. Đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Điều 53. Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã

1. Đánh giá nguy cơ và xác định các nhu cầu của trẻ em cần được bảo vệ.

2. Tham gia quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.

3. Tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, pháp lý và các nguồn trợ giúp khác.

4. Tư vấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình, cộng đồng.

5. Kiến nghị biện pháp chăm sóc thay thế và theo dõi quá trình thực hiện.

6. Hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, người làm chứng trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng theo quy định tại Điều 72 của Luật này.

Điều 54. Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

1. Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Mục 2. CƠ SỞ CUNG CẤP DỊCH VỤ BẢO VỆ TRẺ EM

Điều 55. Các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em là cơ sở do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật; có chức năng, nhiệm vụ thực hiện hoặc phối hợp, hỗ trợ thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ trẻ em theo cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp được quy định tại các Điều 48, 49 và 50 của Luật này.

2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tổ chức theo loại hình cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập.

3. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bao gồm:

a) Cơ sở có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em;

b) Cơ sở có một phần chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Điều 56. Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được thành lập, đăng ký hoạt động khi đáp ứng các Điều kiện sau đây:

1. Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;

2. Có nội dung hoạt động nhằm thực hiện một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em quy định tại các Điều 48, 49 và 50 của Luật này;

3. Có người đại diện là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, am hiểu về trẻ em và bảo vệ trẻ em, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;

4. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính, nguồn nhân lực đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, phạm vi hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 57. Thẩm quyền thành lập, cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập thuộc thẩm quyền quản lý và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; xây dựng quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc lĩnh vực quản lý và kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác có phạm vi hoạt động trong địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch chung các loại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác có phạm vi hoạt động trong địa bàn huyện.

Điều 58. Hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động theo nội dung đã đăng ký và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Các yêu cầu quy định tại Điều 47 của Luật này;

b) Tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

c) Thực hiện việc tiếp nhận, cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và chuyển giao trẻ em, kết quả cung cấp dịch vụ cho trẻ em giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em;

d) Chịu sự hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Giữ bí mật thông tin liên quan đến trẻ em bị xâm hại, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tiếp nhận hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em.

Điều 59. Đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em vi phạm một trong các nội dung sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động hoặc đình chỉ, chấm dứt một phần hoạt động:

a) Không bảo đảm Điều kiện theo quy định tại Điều 56 của Luật này hoặc quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực mà cơ sở hoạt động;

b) Vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em;

c) Sử dụng kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất sai mục đích.

2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em sẽ bị chấm dứt hoạt động hoặc chấm dứt một phần hoạt động khi hết thời hạn đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân và hậu quả dẫn đến việc bị đình chỉ.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cấp đăng ký hoạt động cho cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em có quyền đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đó.

Mục 3. CHĂM SÓC THAY THẾ

Điều 60. Các yêu cầu đối với việc thực hiện chăm sóc thay thế

1. Phải dựa trên nhu cầu, hoàn cảnh, giới tính, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ của trẻ em và bảo đảm quyền của trẻ em.

2. Bảo đảm an toàn cho trẻ em, bảo đảm ổn định, liên tục và gắn kết giữa trẻ em với người chăm sóc trẻ em.

3. Phải xem xét ý kiến, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của trẻ em tùy theo độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em; trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên phải lấy ý kiến của trẻ em.

4. Ưu tiên trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân thích. Trường hợp trẻ em có anh, chị, em ruột thì được ưu tiên sống cùng nhau.

5. Bảo đảm duy trì liên hệ, đoàn tụ giữa trẻ em với cha, mẹ, các thành viên khác trong gia đình khi đủ Điều kiện, trừ trường hợp việc liên hệ, đoàn tụ không bảo đảm an toàn, không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 61. Các hình thức chăm sóc thay thế

1. Chăm sóc thay thế bởi người thân thích.

2. Chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích.

3. Chăm sóc thay thế bằng hình thức nhận con nuôi.

Việc nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

4. Chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Điều 62. Các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế

1. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa.

2. Trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.

3. Trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang cần được ưu tiên bảo vệ.

4. Trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ.

Điều 63. Điều kiện chăm sóc thay thế

1. Việc quyết định giao chăm sóc thay thế phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 60 của Luật này và đáp ứng các Điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 62 của Luật này;

b) Việc cho, nhận chăm sóc thay thế đối với trẻ em còn cả cha và mẹ hoặc chỉ còn cha hoặc mẹ nhưng không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha và mẹ, cha hoặc mẹ, trừ trường hợp trẻ em được áp dụng biện pháp can thiệp bảo vệ trẻ em theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 50, Khoản 3 Điều 52 của Luật này hoặc khi cha, mẹ bị hạn chế quyền của cha, mẹ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

2. Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế phải bảo đảm các Điều kiện sau đây:

a) Cá nhân, người đại diện gia đình là người cư trú tại Việt Nam; có sức khỏe và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em; không bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em;

b) Có chỗ ở và Điều kiện kinh tế phù hợp, bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em;

c) Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ em; có sự đồng thuận giữa các thành viên trong gia đình về việc nhận chăm sóc trẻ em; các thành viên trong gia đình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;

d) Người thân thích nhận trẻ em chăm sóc thay thế phải là người thành niên; các trường hợp khác phải hơn trẻ em từ 20 tuổi trở lên.

3. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân hỗ trợ về tinh thần và vật chất để trợ giúp chăm sóc thay thế cho trẻ em.

Điều 64. Trách nhiệm và quyền của người nhận chăm sóc thay thế

1. Người nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm Điều kiện để trẻ em được sống an toàn, thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em phù hợp với Điều kiện của người nhận chăm sóc thay thế;

b) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về tình hình sức khỏe thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em sau 06 tháng kể từ ngày nhận chăm sóc thay thế và hằng năm; trường hợp có vấn đề đột xuất, phát sinh thì phải thông báo kịp thời.

2. Người nhận chăm sóc thay thế có quyền sau đây:

a) Được ưu tiên vay vốn, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm để ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe khi gặp khó khăn;

b) Được hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và được nhận hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để thực hiện việc chăm sóc thay thế.

Điều 65. Đăng ký nhận chăm sóc thay thế

1. Cá nhân, gia đình có nguyện vọng và đủ Điều kiện nhận trẻ em về chăm sóc thay thế theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Luật này đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế có đủ Điều kiện và gửi đến cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện.

3. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý danh sách, Điều phối việc lựa chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trên địa bàn khi có trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế.

4. Người thân thích của trẻ em khi nhận chăm sóc thay thế không phải đăng ký theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng phải thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để ra quyết định giao chăm sóc thay thế.

5. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đăng ký, lập danh sách, Điều phối việc lựa chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế.

Điều 66. Thẩm quyền quyết định chăm sóc thay thế

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trên cơ sở xem xét các Điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 63 của Luật này.

Trường hợp trẻ em được nhận chăm sóc thay thế không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật và người nhận chăm sóc thay thế đồng ý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cử người nhận chăm sóc thay thế đồng thời là người giám hộ cho trẻ em.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao trẻ em cho cơ sở trợ giúp xã hội thuộc cấp huyện quản lý thực hiện chăm sóc thay thế.

3. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định giao trẻ em cho cơ sở trợ giúp xã hội thuộc cấp tỉnh quản lý thực hiện chăm sóc thay thế.

4. Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định việc chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em được quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em được pháp luật quy định.

Điều 67. Đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra hành vi xâm hại trẻ em lập hồ sơ đề nghị đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội trong trường hợp sau đây:

a) Trong thời gian làm thủ tục để trẻ em được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế;

b) Không lựa chọn được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế;

c) Áp dụng biện pháp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 50 của Luật này.

2. Cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm thường xuyên xem xét các trường hợp trẻ em đang được chăm sóc thay thế tại cơ sở để đề nghị chuyển hình thức chăm sóc thay thế.

3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục tiếp nhận, chuyển hình thức chăm sóc thay thế.

Điều 68. Theo dõi, đánh giá trẻ em được nhận chăm sóc thay thế

1. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức tư vấn, hướng dẫn triển khai chính sách, biện pháp hỗ trợ người nhận chăm sóc thay thế và trẻ em được chăm sóc thay thế;

b) Rà soát danh sách trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội định kỳ 06 tháng; tiếp nhận kiến nghị của cơ sở trợ giúp xã hội để xem xét, quyết định hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển trẻ em sang hình thức chăm sóc thay thế phù hợp;

c) Thanh tra, kiểm tra việc chăm sóc thay thế tại gia đình và cơ sở trợ giúp xã hội; xử lý theo thẩm quyền trường hợp xâm hại trẻ em hoặc vi phạm tiêu chuẩn chăm sóc trẻ em.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã định kỳ 06 tháng đánh giá mức độ phù hợp của từng trường hợp trẻ em được chăm sóc thay thế tại gia đình thuộc địa bàn quản lý, báo cáo cơ quan lao động – thương binh và xã hội cấp huyện để có biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp.

Điều 69. Chấm dứt việc chăm sóc thay thế

1. Việc chăm sóc thay thế chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế không còn đủ Điều kiện chăm sóc trẻ em theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Luật này;

b) Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này gây tổn hại cho trẻ em được nhận chăm sóc thay thế;

c) Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế đề nghị chấm dứt việc chăm sóc trẻ em;

d) Trẻ em đang được chăm sóc thay thế có hành vi cố ý xâm phạm nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cá nhân, thành viên gia đình nhận chăm sóc thay thế;

đ) Trẻ em trở về đoàn tụ gia đình khi gia đình bảo đảm an toàn, có đủ Điều kiện thực hiện quyền của trẻ em.

2. Trường hợp cá nhân hoặc thành viên trong gia đình nhận chăm sóc thay thế xâm hại trẻ em thì phải chuyển ngay trẻ em ra khỏi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế và áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định tại Điều 50 của Luật này.

3. Trường hợp trẻ em muốn chấm dứt việc chăm sóc thay thế, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và người nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm xem xét để quyết định chấm dứt chăm sóc thay thế vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

4. Người ra quyết định chăm sóc thay thế có thẩm quyền quyết định chấm dứt việc chăm sóc thay thế.

Mục 4. CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ TRẺ EM TRONG QUÁ TRÌNH TỐ TỤNG, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH, PHỤC HỒI VÀ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG

Điều 70. Các yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng

1. Bảo đảm trẻ em được đối xử công bằng, bình đẳng, tôn trọng, phù hợp với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em.

2. Ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc liên quan đến trẻ em để giảm thiểu tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em.

3. Bảo đảm sự hỗ trợ của cha mẹ, người giám hộ, người đại diện hợp pháp khác đối với trẻ em trong suốt quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

4. Người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, luật sư, trợ giúp viên pháp lý phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với trẻ em; sử dụng ngôn ngữ thân thiện, dễ hiểu với trẻ em.

5. Bảo đảm quyền được bào chữa, trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

6. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và tái phạm của trẻ em thông qua việc kịp thời hỗ trợ, can thiệp để giải quyết các nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật, giúp trẻ em phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.

7. Bảo đảm kịp thời cung cấp các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp an toàn, liên tục, đầy đủ, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh, độ tuổi, đặc Điểm tâm lý, sinh lý của từng trẻ em trên cơ sở xem xét và tôn trọng ý kiến, nguyện vọng, tình cảm và thái độ của trẻ em.

8. Bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, gia đình, cơ sở giáo dục với các cơ quan tiến hành tố tụng, xử lý vi phạm hành chính.

9. Ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em vi phạm pháp luật; biện pháp cưỡng chế và hạn chế tự do chỉ được áp dụng sau khi các biện pháp ngăn chặn, giáo dục khác không phù hợp.

10. Bảo đảm bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế trẻ em phải xuất hiện trước công chúng trong quá trình tố tụng.

Điều 71. Các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng

1. Trẻ em vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi được miễn trách nhiệm hình sự; hình phạt cải tạo không giam giữ; án treo theo quy định của Bộ luật hình sự; trẻ em đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hoặc tù có thời hạn được áp dụng các biện pháp bảo vệ sau đây nhằm khắc phục các nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, phục hồi, tránh tái phạm:

a) Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 2 Điều 49 của Luật này;

b) Các biện pháp bảo vệ cấp độ can thiệp quy định tại Điểm a và Điểm e Khoản 2 Điều 50 của Luật này;

c) Tìm kiếm đoàn tụ gia đình nếu thuộc trường hợp không có nơi cư trú ổn định;

d) Áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định của Luật này trong trường hợp trẻ em không còn hoặc không xác định được cha mẹ; không thể sống cùng cha, mẹ; không xác định được nơi cư trú trong thời gian thực hiện quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Hỗ trợ gia đình giám sát, quản lý, giáo dục trẻ em;

e) Các biện pháp bảo vệ khác quy định tại các điều 48, 49 và 50 của Luật này khi xét thấy thích hợp.

2. Trẻ em là người bị hại và trẻ em là người làm chứng mà bị tổn hại về thể chất, tinh thần được áp dụng các biện pháp bảo vệ cấp độ hỗ trợ quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 2 Điều 49 và các biện pháp bảo vệ cấp độ can thiệp quy định tại Điều 50 của Luật này.

3. Trẻ em là người làm chứng được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư; hạn chế tối đa việc dẫn giải, gây áp lực về tâm lý.

Điều 72. Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em

1. Tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý, xã hội, y tế, giáo dục và các nguồn trợ giúp khác.

2. Tìm hiểu, cung cấp thông tin về hoàn cảnh cá nhân và gia đình của trẻ em cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính để áp dụng các biện pháp xử lý, giáo dục và ra quyết định khác phù hợp.

3. Tham gia vào quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; tham gia cuộc họp của Hội đồng tư vấn áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quá trình xem xét tại Tòa án để áp dụng biện pháp đưa trẻ em vào trường giáo dưỡng.

4. Theo dõi, hỗ trợ việc thi hành các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em vi phạm pháp luật; kiến nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phù hợp đối với trẻ em vi phạm pháp luật theo quy định tại Khoản 1 Điều 71 của Luật này.

5. Tham gia xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trẻ em và theo dõi việc thực hiện; kết nối dịch vụ và hỗ trợ việc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em.

Điều 73. Phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật

1. Cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú thực hiện các biện pháp sau đây nhằm chuẩn bị và thúc đẩy việc tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật:

a) Duy trì mối liên hệ giữa trẻ em với gia đình;

b) Tổ chức học văn hóa, học nghề, kỹ năng sống cho trẻ em;

c) Xem xét, đánh giá quá trình chấp hành việc học tập, rèn luyện của trẻ em tại cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù hoặc chấm dứt biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng theo quy định của pháp luật.

2. Chậm nhất là 02 tháng trước khi trẻ em chấp hành xong hình phạt tù, 01 tháng trước khi trẻ em chấp hành xong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ hoặc trường giáo dưỡng nơi trẻ em đang chấp hành hình phạt tù hoặc biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có trách nhiệm thông báo và cung cấp thông tin có liên quan cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em về cư trú để chuẩn bị việc tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch can thiệp, hỗ trợ và áp dụng biện pháp bảo vệ đối với trẻ em vi phạm pháp luật thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 71 của Luật này.

4. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, tư pháp, công an, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp và áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp khác đối với trẻ em.

Chương V

TRẺ EM THAM GIA VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM

Điều 74. Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em

1. Các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em:

a) Xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

b) Xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

c) Quyết định, hoạt động của nhà trường, cơ sở giáo dục khác, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em;

d) Áp dụng biện pháp, cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em của gia đình.

2. Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em thông qua các hình thức sau đây:

a) Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện;

b) Thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động vì trẻ em;

c) Hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em được thành lập theo quy định của pháp luật;

d) Tham vấn, thăm dò, lấy ý kiến trẻ em;

đ) Bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trực tiếp hoặc qua kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và các hình thức thông tin khác.

Điều 75. Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình

Cha mẹ và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm sau đây:

1. Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của trẻ em và Điều kiện, hoàn cảnh của gia đình.

2. Tạo Điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

3. Tạo Điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối với những quyết định, vấn đề của gia đình liên quan đến trẻ em.

4. Không cản trở trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 76. Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác

Nhà trường, cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm sau đây:

1. Tổ chức và tạo Điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội;

2. Cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; công khai thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các Khoản đóng góp theo quy định;

3. Tạo Điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học; quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ em quan tâm;

4. Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.

Điều 77. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em

1. Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

2. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em có nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em; tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

b) Thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em;

c) Chuyển ý kiến, kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết;

d) Theo dõi việc giải quyết và phản hồi cho trẻ em về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em;

e) Hằng năm, báo cáo Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xem xét, giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em.

Điều 78. Bảo đảm để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em

1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em quy định tại Điều 74 của Luật này và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng để trẻ em tham gia;

b) Cung cấp đầy đủ thông tin các vấn đề về trẻ em và các vấn đề trẻ em quan tâm với nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp;

c) Khuyến khích sự tham gia của trẻ em; không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng;

d) Bảo đảm để trẻ em tham gia tự nguyện, chủ động, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em;

đ) Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và ý kiến của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em phải được lắng nghe, tiếp nhận, xem xét, giải quyết và phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực.

2. Hằng năm, Hội đồng nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề trẻ em quan tâm.

3. Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CƠ SỞ GIÁO DỤC, GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN VÀ BỔN PHẬN CỦA TRẺ EM

Mục 1. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 79. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp

1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định Mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo thẩm quyền để thực hiện quyền trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật; phân bổ ngân sách hằng năm để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

2. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội để xem xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến trẻ em trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em khi thẩm tra quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em.

3. Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm ban hành nghị quyết để thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

4. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em; tiếp nhận, chuyển và theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cơ quan, tổ chức liên quan đến trẻ em.

Điều 80. Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về trẻ em; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về trẻ em; bảo đảm

cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương trong việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em.

2. Bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của quốc gia, ngành, địa phương theo quy định.

3. Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em theo thẩm quyền.

4. Bảo đảm Điều kiện để tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 77 của Luật này và chỉ đạo, phân công các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với tổ chức này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

5. Hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện quyền trẻ em và việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương liên quan đến trẻ em.

Điều 81. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân

1. Tòa án nhân dân các cấp áp dụng nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, yêu cầu và biện pháp tư pháp cho trẻ em để tiến hành xét xử hành vi vi phạm quyền trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, ra quyết định tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.

2. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp thực hiện việc xét xử, ra quyết định tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

3. Viện kiểm sát nhân dân các cấp áp dụng nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, yêu cầu và biện pháp tư pháp cho trẻ em để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.

4. Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.

5. Đào tạo, bồi dưỡng cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Kiểm sát viên tiến hành tố tụng các vụ án có liên quan đến trẻ em về quyền của trẻ em, về tâm lý học, khoa học giáo dục liên quan đến trẻ em.

Điều 82. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em; Điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được Chính phủ giao hoặc ủy quyền.

2. Tham gia ý kiến bằng văn bản về những vấn đề liên quan đến trẻ em gửi ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đề xuất việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành, địa phương.

3. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em để giúp Chính phủ chuẩn bị báo cáo Quốc hội hằng năm hoặc đột xuất về kết quả thực hiện quyền trẻ em và việc thực hiện nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương liên quan đến trẻ em.

4. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương chuẩn bị báo cáo quốc gia việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

5. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 83. Bộ Tư pháp

1. Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan bảo đảm việc bảo vệ trẻ em trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.

2. Chủ trì, hướng dẫn việc đăng ký khai sinh, giải quyết các vấn đề về quốc tịch của trẻ em, xác định cha, mẹ cho trẻ em.

3. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

4. Quản lý, hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 84. Bộ Y tế

1. Bảo đảm trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và công bằng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi; chăm sóc và tư vấn sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em; tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi.

3. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan hướng dẫn thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật, trẻ em bị tai nạn thương tích và các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác.

4. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh và phòng bệnh cho phụ nữ mang thai và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi.

Điều 85. Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Bảo đảm việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác; xây dựng chương trình, nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi trẻ em và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của trẻ em; bảo đảm trẻ em được hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập và tạo Điều kiện học ở trình độ cao hơn.

2. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan quy định tiêu chuẩn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường và trình Chính phủ quy định chi tiết Khoản 4 Điều 44 của Luật này.

3. Tổ chức phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền và bổn phận của trẻ em cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

4. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và áp dụng biện pháp trợ giúp giáo dục phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật.

5. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác, giáo dục và phát triển toàn diện trẻ em trong hệ thống giáo dục; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.

6. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan xây dựng chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng cho trẻ em; vận động gia đình, xã hội phát hiện, hỗ trợ, bồi dưỡng trẻ em có năng khiếu, tài năng.

7. Hướng dẫn thực hiện sự tham gia của trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác quy định tại Điều 76 của Luật này.

8. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan giáo dục, hướng dẫn trẻ em bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thông tin, hướng dẫn cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong nhà trẻ.

9. Quản lý và hướng dẫn sử dụng thiết bị, đồ chơi sử dụng trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 86. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Bảo đảm trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch.

2. Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn việc phát triển thiết chế văn hóa, thể thao dành riêng cho trẻ em hoặc trẻ em tham gia sử dụng, hưởng thụ.

3. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quản lý, hướng dẫn xây dựng chương trình, tiết mục, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, việc sáng tác văn học, nghệ thuật; phối hợp tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch dành cho trẻ em và về trẻ em.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn gia đình thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; giáo dục trẻ em gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống của gia đình; tạo Điều kiện cho trẻ em được sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình theo quy định tại Điều 75 của Luật này.

Điều 87. Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin trên các kênh thông tin, truyền thông; được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân.

2. Quản lý, hướng dẫn việc hỗ trợ trẻ em tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trên các kênh thông tin, truyền thông theo quy định của pháp luật, phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.

3. Quản lý, hướng dẫn quy chuẩn báo chí, xuất bản, viễn thông, Internet, phát thanh, truyền hình và các hình thức cung cấp, quảng bá thông tin khác dành riêng cho trẻ em, có trẻ em tham gia, liên quan đến trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử và các phương tiện thông tin khác.

4. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam phát triển báo chí, thông tin, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em và trẻ em được tham gia; thực hiện biện pháp thông tin, truyền thông cho gia đình, xã hội về kiến thức, kỹ năng bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; quy định tỷ lệ nội dung, thời Điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm cho trẻ em theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 của Luật này.

Điều 88. Bộ Công an

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và cơ quan bảo vệ pháp luật hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em và tội phạm liên quan đến trẻ em.

2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, yêu cầu và biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại và người làm chứng; đào tạo, bồi dưỡng về quyền trẻ em, về tâm lý học, khoa học giáo dục cho công an viên, cán bộ trường giáo dưỡng và Điều tra viên tiến hành tố tụng các vụ án có liên quan đến trẻ em.

3. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật.

Điều 89. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật.

2. Hằng năm hoặc đột xuất gửi báo cáo việc thực hiện quyền trẻ em thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Điều 90. Ủy ban nhân dân các cấp

1. Thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với đặc Điểm, Điều kiện của địa phương.

2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em và bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật này; tổ chức, quản lý hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo thẩm quyền; bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương; thực hiện trách nhiệm được quy định tại Khoản 2 Điều 45 của Luật này.

3. Hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em của địa phương.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền của trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý.

Điều 91. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

1. Giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, phân bổ nguồn lực đáp ứng quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.

2. Tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức và toàn xã hội hỗ trợ, tham gia thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em.

3. Thực hiện chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền trẻ em theo sự ủy quyền, hỗ trợ của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

4. Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ngoài việc thực hiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em quy định tại Khoản 2 Điều 77 của Luật này;

b) Đề xuất với Chính phủ các Điều kiện bảo đảm thực hiện trách nhiệm đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em;

c) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn bảo đảm sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

5. Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngoài việc thực hiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em thực hiện giám sát việc bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em.

Điều 92. Các tổ chức xã hội

1. Vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em.

2. Thực hiện chính sách, pháp luật, đáp ứng quyền của trẻ em theo tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức được pháp luật quy định; tiếp nhận, thu thập thông tin từ thành viên và xã hội để phản ánh, kiến nghị, tư vấn cho cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân về việc thực hiện chính sách, pháp luật.

3. Tổ chức việc cung cấp dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em theo sự ủy quyền, hỗ trợ của Chính phủ, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ngoài việc thực hiện quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em.

Điều 93. Tổ chức kinh tế

1. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phải thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn để bảo đảm cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, thân thiện với trẻ em, không gây tổn hại cho trẻ em và không vi phạm quyền của trẻ em theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

2. Người sử dụng lao động tạo Điều kiện để người lao động thực hiện trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Người sử dụng lao động tạo Điều kiện cho trẻ em được học nghề, được bố trí việc làm phù hợp với khả năng, độ tuổi của trẻ em, Điều kiện của tổ chức và theo quy định của pháp luật.

4. Đóng góp và vận động nguồn lực cho việc thực hiện quyền của trẻ em phù hợp với khả năng, Điều kiện, mức độ phát triển của tổ chức.

Điều 94. Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em

1. Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, Điều hòa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền của trẻ em.

2. Căn cứ yêu cầu thực tế và Điều kiện của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phối hợp, đôn đốc, Điều hòa việc giải quyết các vấn đề trẻ em, thực hiện quyền của trẻ em ở địa phương.

Điều 95. Quỹ Bảo trợ trẻ em

1. Quỹ Bảo trợ trẻ em được thành lập nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết để thực hiện các mục tiêu về trẻ em được Nhà nước ưu tiên.

2. Việc vận động, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em phải đúng mục đích, theo quy định của pháp luật.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC

Điều 96. Bảo đảm cho trẻ em được sống với cha, mẹ

1. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình bảo đảm Điều kiện để trẻ em được sống với cha, mẹ.

2. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình phải chấp hành quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về việc hạn chế quyền của cha, mẹ; tách trẻ em khỏi cha, mẹ để bảo đảm an toàn và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 97. Khai sinh cho trẻ em

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Điều 98. Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em

1. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em; dành Điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi; thường xuyên liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để được hướng dẫn, trợ giúp trong quá trình thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

2. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng độ tuổi.

3. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh cho trẻ em.

4. Phụ nữ mang thai có trách nhiệm tiếp cận dịch vụ y tế để được tư vấn sàng lọc, phòng ngừa các bệnh tật bẩm sinh cho trẻ em.

5. Cha, mẹ, người giám hộ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; trau dồi kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Điều 99. Bảo đảm quyền học tập, phát triển năng khiếu, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của trẻ em

1. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm gương mẫu về mọi mặt cho trẻ em noi theo; tự học để có kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập theo quy định của pháp luật, tạo Điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.

3. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển tài năng, năng khiếu của trẻ em.

4. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em tạo Điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

Điều 100. Bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em

1. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm sau đây:

a) Trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại;

b) Chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em;

c) Bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư của mình, trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác, thông báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại trong và ngoài gia đình.

3. Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em có trách nhiệm lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho trẻ em trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật.

Điều 101. Bảo đảm quyền dân sự của trẻ em

1. Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trong trường hợp để trẻ em thực hiện giao dịch dân sự trái pháp luật.

2. Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp trẻ em gây thiệt hại cho người khác thì cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em đó gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 102. Quản lý trẻ em và giáo dục để trẻ em thực hiện được quyền và bổn phận của trẻ em

1. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ để trẻ em hiểu và thực hiện được quyền và bổn phận của trẻ em theo quy định tại Chương II của Luật này.

2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ để trẻ em hiểu, nhận thức đầy đủ và thực hiện được quyền và bổn phận của trẻ em theo quy định tại Chương II của Luật này.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 103. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017.

2. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 104. Điều khoản chuyển tiếp

Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cấp đăng ký hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải làm thủ tục thành lập hoặc đăng ký lại.

Điều 105. Xử lý vi phạm

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 106. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05 tháng 4 năm 2016.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
-----------------------

Law No.: 102/2016/QH13

Hanoi, April 05, 2016

 

CHILDREN LAW

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Children Law.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Children

A child is a human being below the age of 16.

Article 2. Scope

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. Regulated entities

State agencies, political organizations, socio-political organizations, political-social-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations, economic organizations, non-business units, people's armed force units, educational establishments, families and Vietnamese citizens; international organizations and bodies, and foreign organizations that operate in the territory of Vietnam, and foreigners residing in Vietnam (hereinafter referred to as agencies, organizations, educational establishments, families and individuals).

Article 4. Interpretation of terms

In this Law, these terms are construed as follows:

1. Child protection refers to the implementation of appropriate measures for ensuring safe and healthy life for children, the prevention and response to child abuse and the support for disadvantaged children.

2. Children's comprehensive development refers to the development in all terms of physical, intellectual, mental and ethical aspects and social relations of children.

3. Surrogate care refers to the fact that an organization, family or individual undertakes to take care of an orphan, a child who is not permitted to or cannot live with natural parents or a child who is affected by natural disasters and calamities or aimed conflict for the purpose of ensuring the safety and best interests of such child.

4. Child caregiver is the one who undertakes to take care of a child. Such caregiver can be the child's guardian or the one who performs the surrogate care or is assigned to support, take care of or protect the child together with such child’s parent.

5. Child abuse refers to any act that results in harm to the body, emotion, psychology, honor or human dignity of such child through violence against the child, child exploitation, sexual abuse, neglect and abandonment, and other forms of causing harm to the child.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Child exploitation refers to the act of forcing the child to work against the law on labor, perform or produce pornographic products; organizing or supporting for tourist activities for the purpose of child sexual abuse; offering, adopting or supplying the child for prostitution and other acts of using the child for profiteering purpose.

8. Child sexual abuse refers to the act of using violence, threatening to use violence, forcing, persuading or seducing a child to engage in sexual acts. The child sexual abuse includes rape, aggravated rape, sexual intercourse or molestation with children and use of children for prostitution or pornography in any form.

9. Child neglect and abandonment refers to the child parent’s or the child caregiver’s failure to perform or inadequate performance of their duties to take care of the child.

10. Disadvantaged children refer to those who are unable to exercise their rights to life, protection, nurture and education, and need a special assistance and intervention of the Government, families and society so that they can live safely and fall in line with their families and the community.

11. Supervision of the exercise of the children's rights upon the children's proposal and expectation refers to the evaluation of activities carried out by relevant agencies, organizations and individuals for ensuring the children’s rights and response to children’s proposals for the purpose of protecting children’s best interests.

Article 5. Rules for ensuring the exercise of children’s rights and responsibilities

1. Facilitate children in exercising their rights and responsibilities in adequate manner.

2. Do not discriminate against children.

3. Ensuring children’s best interests while making decisions relating children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Consider ideas of children and those of relevant agencies and organizations while establishing policies and laws affecting children; combine goals or objectives regarding children in national, sector and local socio-economic development plans.

Article 6. Prohibited acts

1. Deprive children of right to life.

2. Neglect, abandon or engage in children trafficking, kidnap, swap and appropriate children.

3. Involve in child sexual abuse, use violence against children, abuse or exploit children.

4. Organize, support, incite or force the child to engage in child marriage.

5. Use, persuade, incite, excite, entice or force children to commit violations against the law, or offend honor or dignity of other person.

6. Prevent children from exercising their rights and responsibilities.

7. Fails to provide or conceal or preclude the provision of information concerning children who are abused or threatened to be exploited or suffered violence to their families, educational establishments or competent agencies and officials.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Sell or facilitate children in drinking alcohol or beer, smoking and using addictive substances or other stimulants, and unsafe foods which may cause harm to children.

10. Provide internet service and other services; produce, reproduce, release, operate, disseminate, possess, transport, store and trade in publications, toys, games and other products whose contents cause adverse influence on children’s healthy development.

11. Announce or disclose information about the privacy or secret of the child without the consent of the child who is enough 07 years old or older, or the consent of the child’s parent or guardian.

12. Make corrupt use of the child surrogate care to harm such child; take advantage of state policies and aid granted by organizations or individuals to seek private profit.

13. Build service facilities, production establishments or warehouses storing goods that cause environmental pollution, toxic chemicals or inflammables near facilities providing children protection services, educational establishments, health establishments, cultural establishments, children’s entertainment and amusement centers or vice versa.

14. Encroach or use facilities that serve children’s study, entertainment and other children protection services for purposes other than those regulated or illegal purposes.

15. Refuse, fail to perform or perform in insufficient untimely manner the support, intervention or treatment for children who are threatened to be or in peril, and whose body, honor or dignity are harmed.

Article 7. Resources for ensuring the exercise of children’s rights and protecting children

1. The Government shall guarantee the resources for fulfilling goals and objectives concerning children in national, sector and local socio-economic development plans; prioritize the arrangement of resources for protecting children and ensuring the exercise of children’s rights.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Government shall provide human resource solutions and facilitate the exercise of children’s rights; develop networks of individuals who are charged with protecting children's rights at all levels, prioritize the arrangement of individuals in charge of child protection affairs at communal level and mobilize resources for developing networks of freelancers in charge of protecting children at hamlets, villages, highland villages, mountainous villages, residential groups and quarters.

Article 8. Contents of state management of children affairs

1. Request competent state agencies to promulgate or promulgate, within their competence, legislative documents concerning children and direct or organize the implementation of those legislative documents.

2. Establish and organize the implementation of national strategies, policies and goals concerning children.

3. Provide guidance on measures, procedures and standards of protecting children’s rights to agencies, organizations, education facilities, families and individuals as regulated by laws.

4. Propagate and disseminate legislations on children; employ the mass media to disseminate knowledge and skills, and mobilize the society to exercise children's rights.

5. Construct, train and improve knowledge and skills of officials, public employees and individuals in charge of protecting children, caregivers and networks of freelancers engaging in children protection for exercising children's rights.

6. Inspect the implementation of the children law; respond to complaints and denunciations, and handle actions in violation of the children law; respond to or expedite the response to proposals submitted by children, guardians and Organization representing the voice of children.

7. Carry out the statistics and reports on children's status and the implementation of the children law for competent state agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 9. Cooperation in exercising children’s rights and responsibilities

1. Ministries, ministerial-level agencies and the government-affiliated agencies shall coordinate with agencies in charge of state management of children affairs and relevant agencies and organizations to carry out the inspection and response to complaints and denunciations, and handle acts in violation of the children law.

2. Agencies, organizations, educational establishments, families and individuals shall ensure the exercise of children's rights and responsibilities; support and facilitate children in exercising their rights and discharging their responsibilities as regulated by law; coordinate and exchange information together during their implementation.

3. Socio-political organizations and social organizations shall coordinate with agencies in charge of state management of children affairs during their performance of duties relating to children.

Article 10. Disadvantaged children

1. Disadvantaged children include the following groups:

a) Double orphans;

b) Abandoned children;

c) Homeless children;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Children affected by HIV/AIDS;

e) Children committed illegal acts;

g) Children who are drug addicts;

h) Children who must give up their studies to earn their living and fail to complete the universalization of secondary education;

i) Children who suffered seriously physical and mental harm due to violence;

k) Exploited children;

l) Sexually abused children;

m) Trafficked children;

n) Children who have fatal disease or disease requiring long-term treatment and are children of poor or near poor households;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Government shall promulgate regulations detailing groups of disadvantaged children and appropriate support policies for each group.

Article 11. Month of action for children

1. The Month of Action for Children is annually organized in June to promote the “All people take care of, educate and protect children” movement; propagate, disseminate and mobilize agencies, organizations, educational establishments, families and individuals to implement policies, programs, plans and projects on children affairs, build works for children and mobilize resources for engaging in children affairs.

2. Ministry of Labour - Invalids and Social Affairs shall take the prime responsibility and coordinate with relevant agencies and organizations to direct and guide the implementation of the Month of Action for Children.

Chapter II

CHILDREN’S RIGHTS AND RESPONSIBILITIES

Section 1. CHILDREN’S RIGHTS

Article 12. Right to life

Children have the right to protection of their life and are entitled to enjoy best conditions for living and development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Children have the right to be registered for birth or death, have the right to a legally registered full name and a nationality. Children also have the right to have their parents, ethnic groups and sex defined as regulated by laws.

Article 14. Right to healthcare

Children have the right to best healthcare services, are prioritized to access and use medical prevention, examination and treatment services.

Article 15. Right to be cared for and nurtured

Children have the right to be cared for and nurtured to develop comprehensively.

Article 16. Right to education, study and development of talent

1. Children have the right to education and study so that they can have a comprehensive development and promote their ability in the best way.

2. Children are granted with equal opportunities for study and education, and developing their talent, creation and invention.

Article 17. Right to engage in play and recreational activities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 18. Right to preserve and promote characters

1. Children are entitled to have their personal characteristics and value respected in conformity with their age and the national culture. They are also entitled to have their family relationship acknowledged.

2. Children have the right to use the national language and script, preserve the national characters and promote the national cultural traditions, manners and customs.

Article 19. Right to freedom of belief or religion

Children have the right to freedom of belief or religion. They may follow or reject to follow a given religion and their safety and interests thereof must be ensured and protected in the best way.

Article 20. Right to assets

Children have the right to asset ownership, inheritance and other rights to assets as regulated by the law.

Article 21. Right to privacy

1. Children have the imprescriptible right to privacy and keep personal and family secrets, all are for the best interests of children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 22. Right to live with their parent(s)

Children have the right to live with their parent(s) and are provided with the protection, caring for and education of both parents, unless they must be separated from their parent as regulated by the law or for protecting their best interests.

In case of separation from parent(s), children must be assisted to stay in contact with their parent(s) and family, unless this might cause adverse influence on their best interests.

Article 23. Right to be reunited and stay in contact with parent(s)

Children have the right to know their natural parents, unless this might cause adverse influence on their best interests. They are entitled to stay in touch or contact with both parents when they or their parent(s) resides (reside) in different countries or are detained or expelled. They also have their immigration facilitated to be united with their parent(s). In addition, children are protected from illegal transport to the outside of the territory of Vietnam and provided with information when their parent(s) is (are) missing.

Article 24. Right to receive surrogate care and to be adopted

1. Children can receive the surrogate care when their parents are dead or they cannot live with their natural parent or they are affected by natural disasters and calamities or aimed conflict in order that their safety and interests are ensured and protected in the best manner.

2. Children are adopted as regulated by laws on adoption.

Article 25. Right to be protected from sexual abuse

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 26. Right to be protected from labor exploitation

Children have the right to be protected, in any form, from the labor exploitation. They must not work when they are under the working age and they must not work overtime or do arduous, harmful or dangerous works as regulated by the law. They are protected from forcing to do jobs or arranging in working places where cause adverse influence on their personality and comprehensive development.

Article 27. Right to be protected against violence, neglect or abandonment

Children have the right to be protected, in any form, from violence, neglect or abandonment which harms their comprehensive development.

Article 28. Right to be protected from trafficking, kidnapping, swap and appropriation

Children have the right to be protected, in any form, from trafficking, kidnapping, swap and appropriation.

Article 29. Right to protection from narcotic substances

Children have the right to be protected from any form of illegal use, manufacturing, transport, sale, purchase and storage of narcotic substances.

Article 30. Right to be protected in the course of proceedings and taking of actions against administrative violations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 31. Right to be protected while suffering from natural disasters and calamities, environmental pollution or armed conflict

Children have the right to all forms of special assistance and protection from impacts of natural disasters and calamities, environmental pollution and armed conflict.

Article 32. Right to social security

Children who are Vietnamese citizens shall have their social security benefits ensured as regulated by the law and in conformity with socio-economic conditions of regions where they are living and capacity of their parent(s) or caregivers.

Article 33. Right to access to information and social activities

Children are entitled to access to information in a sufficient, timely and appropriate manner. They have the right to retrieve and obtain information in all forms as regulated by the law and engage in social activities in conformity with their age level, maturity level, demands and capacity.

Article 34. Right to state opinions and attend meeting

Children have the right to state their opinions and expectations about children issues. They are entitled to attend meetings as regulated by the law in conformity with their age level, maturity level and development. They also have their opinions and legitimate expectations received, considered and responded by agencies, organizations, educational establishments, families and individuals.

Article 35. Rights of children with disabilities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 36. Rights of stateless children and refugee children

Stateless children residing in the territory of Vietnam and refugee children are protected and entitled to receive humanitarian assistance and search for their parents and families as regulated by the law of Vietnam and the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Section 2. CHILDREN’S RESPONSIBILITIES

Article 37. Children’s responsibilities towards their families

1. Respect, be polite and dutiful to grandparents and parents; love, show interest in and share their feeling and desires with their parents and kindred.

2. Study, train and keep family order and disciplines; assist their parents and members of family members in works conformable to their age level, sex and development.

Article 38. Children’s responsibilities towards their schools, social support establishments and other educational establishments

1. Respect teachers, officials and employees of their schools, social support establishments and other educational establishments.

2. Love, show solidarity, share difficulties, respect and help classmates and friends.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Preserve and protect assets and fully comply with internal regulations and rules of schools, social support establishments and other educational establishments.

Article 39. Children’s responsibilities towards community and society

1. Respect and be polite with the elderly; care for and help the elderly, the disabled, pregnant women, younger kids and people with difficulties in conformity with their capacity, health and age level.

2. Respect rights, honor and dignity of other people; comply with regulations on traffic safety, social order and security; protect, preserve and use property, natural resources and protect environment in conformity with the children's capacity and age level.

3. Discover, notify, provide and denounce acts in violation of the laws.

Article 40. Children’s responsibilities towards hometown and nation

1. Love hometown and nation, love fellow-citizens, show a good sense of building and protecting the Fatherland; preserve the national character and promote national and local customs, practices, traditions and culture.

2. Comply with and abide by the laws; unite, cooperate and exchange with international friends and children in conformity with the children's age level and each period of development.

Article 41. Children’s responsibilities towards themselves

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Live honestly and modestly; keep personal hygiene and take physical exercise.

3. Study hard and do not leave school or families to live as the homeless.

4. Do not engage in gambling; do not buy, sell and use alcohol, beer, tobaccos, additive substances and other stimulants.

5. Do not use or exchange products whose contents incite violence or which have depraved contents; do not use toys or games harming their own healthy development.

Chapter III

EDUCATION AND CARE OF CHILDREN

Article 42. Guarantee of the care of children

1. The Government shall implement support and assistance policies, and promulgates standards and regulations on the care of children according to the age level and those for disadvantaged children.

2. The Government encourages agencies, organizations, families and individuals to support and take care of children and disadvantaged children. Organizations and individuals that provide care services to children shall be enjoyed support policies on land, taxes and credits.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Government shall implement policies in conformity with socio-economic conditions at each period to support and ensure that all children are provided with healthcare services, especially disadvantaged children, children of poor and near-poor households, ethnic minority children and children who are living at border regions, mountainous regions, islands and regions with extremely difficult socio-economic conditions.

2. The Government shall ensure the implementation of measures for carrying periodical examination for pregnant women and children according to age level; providing children with nutrition-related care, initial health care and vaccination; childproofing and preventing child accidents and injuries; providing children advice and assistance in reproductive sexual health care in conformity with their age as regulated by the laws.

3. The provision of consultancy, protection and taking care of health and nutrition of pregnant women, mothers who have to bring up babies below 36 months of age and children, especially children under 36 months of age and abused children shall be prioritized in conformity with socio-economic development conditions at each period.

4. The Government shall implement policies and methods of consultancy, screening, diagnosis and treatment before birth and after birth; reducing child mortality rate, especially infant mortality rate; abolishing customs and practices that cause harm or adverse influence on children’s health.

5. The Government shall pay or assist children to pay health insurance premium as regulated by the law on health insurance in conformity with age level, groups of children and socio-economic development conditions at each period.

6. The Government shall implement policies and measures for ensuring that children may use hygienic source of water and basic sanitary conditions, and ensuring foods safety as regulated by the laws.

7. The Government encourages agencies, organizations, families and individuals to support and invest in resources for protecting children and taking care of children’s health, especially disadvantaged children.

Article 44. Guarantee of child education

1. The Government shall formulate assistance policies for ensuring that all children can go to school and minimizing the number of children giving up their studies; policies for supporting disadvantaged children, children of poor and near-poor households, ethnic minority children and children who are living at border regions, mountainous regions, islands and regions with extremely difficult socio-economic conditions to access to the educational universalization and inclusive education, attend vocational training classes and receive job recommendation in conformity with age level and the law on labor.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Educational programs and contents must be in conformity with age level and each group of children for ensuring educational quality and meeting comprehensive development and integration requirements; the education about Vietnam's history and cultural traditions, development of children’s dignity, living skills, talent, sex education and reproductive health education shall be given with the special importance.

4. The Government promulgates regulations on safe, healthy and friendly educational environment, and school violence prevention and intervention.

5. The Government shall establish proper policies on the universalization of preschool education for children at 05 years old and policies for supporting preschool-aged children in conformity with socio-economic development conditions at each period; encourage and attract other sources of investment for developing education and training.

Article 45. Guarantee of play and recreational activities, cultural, arts, sports and tourist activities for children

1. The Government shall establish policies for supporting the creation of cultural and arts works; developing a system of cultural and sports facilities for children; establish priority policies for children while they use play, recreation, sports and tourism services and visit monuments and relics.

2. People’s committees at all levels shall make plans on land use, allocation of land funds and investment in play and recreation areas, cultural, arts and sports activities for children; ensure appropriate conditions, period and time for children to participate in activities at cultural and sports facilities.

3. The Government shall facilitate children in preserving and promoting the national character and culture, and using their ethnic languages.

4. The Government encourages organizations, families and individuals to participate in aid, investment and construction of facilities serving children’s play and recreational activities; encourages the creation and manufacturing of children’s safe and healthy toys and games which promote the national character and culture.

Article 46. Guarantee of children’s information and communications activities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Information agencies and publishing houses must arrange an appropriate proportion of contents, period and broadcasting volume of radio and television programs, and publications for children. Information, toys, games, radio and television programs, arts works and movies whose contents are not suitable for children must contain warning or specify the age of children who are not allowed to use.

3. The Government encourages the development of information and communications affairs in conformity with the comprehensive development of children; the manufacturing and publishing of contents and information with an amount of time conformable to ethnic minority children.

Chapter IV

CHILD PROTECTION

Section 1. LEVELS OF CHILD PROTECTION AND RESPONSIBILITY FOR IMPLEMENTATION

Article 47. Requirements on child protection

1. The child protection is implemented in according to the following three levels:

a) Prevention;

b) Support;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The implementation of the child protection must ensure the systematization, continuity, close and effective cooperation between competent authorities and sector managing agencies in the construction and implementation of policies and laws and the provision of child protective services.

3. Agencies, organizations, educational establishments, families and individuals assume child protection duties. The child protection must comply with the laws, processes and standards promulgated by competent state authorities.

4. The child protection at children’s families and families that perform the surrogate care is prioritized. The sending of children to social support establishments is only a temporary method when the care of children at their families or families performing the surrogate care is unsuccessful or for the best interests of children.

5. Parents, caregivers and children must provide information and state their opinions with competent authorities and individuals in making decisions on child protection intervention or support.

6. It should attach a special importance to the prevention of the risk of harm to children; make timely intervention for minimizing bad consequences; actively assist disadvantaged children with functional rehabilitation and social inclusion.

Article 48. Prevention level

1. The prevention level includes many child protective measures which are applicable to community, families and children for the purpose of raising awareness and improving knowledge of child protection, creating a safe and healthy living environment for children and minimizing the risk of cases where children who may be abused or face disadvantaged conditions.

2. Child protective measures at prevention level consist of:

a) Propagate and disseminate the danger and consequences of factors and acts harming and abusing children; responsibility for discovering and reporting cases where children are abused or in danger of violence, exploitation or abandonment to community, families and children;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Equip with knowledge and parenting skills for ensuring children’s safety;

d) Educate and give advice on knowledge and self-protection skills to children;

dd) Establish a safe and suitable living environment for children.

Article 49. Support level

1. The support level includes child protective measures which are applicable to children in danger of violence, exploitation or abandonment or disadvantaged children for the purpose of discovering, reducing or abolishing risks of harm to children in a timely manner.

2. Child protective measures at the support level consist of:

a) Warn about risk factors for child abuse; give advice on intervention measures, knowledge and skills for abolishing or reducing the risk of child abuse to parents, teachers, caregivers, people working in child protective service providers and children for the purpose of re-establishing a safe living environment for children in danger of child abuse;

b) Receive information, evaluate the level of harm and apply necessary measures for supporting children in danger of violence, exploitation or abandonment for the purpose of eliminating or minimizing such dangers;

c) Give assistance to disadvantaged children as regulated in this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 50. Intervention level

1. The intervention level includes child protective measures that are applicable to abused children and their families for preventing acts that result in harm to children and assisting disadvantaged children with functional rehabilitation and social inclusion.

2. Child protective measures at the intervention level consist of:

a) Give health care, psychological treatment, physical and mental health rehabilitation to abused children and disadvantaged children who require the intervention;

b) Arrange a safe temporary residence for children and separate them from the environment or individuals that make threats or have acts of violence or child exploitation.

c) Arrange temporary or long-term surrogate care for children of groups defined in Clause 2 Article 62 of this Law;

d) Assist children suffered violence, exploited and abandoned children in family reunion, school integration and social integration.

dd) Give advice and provide parents, caregivers and family members of disadvantaged children with knowledge of duties and skills of protecting, taking care of and practicing inclusive education to this group of children.

e) Give advice and provide knowledge of legislation and legal assistance to parents, caregivers and disadvantaged children;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Monitor and evaluate the safety of abused children or those in danger of child abuse.

Article 51. Responsibilities for provision and response to information, report or denunciation of child abuse

1. Agencies, organizations, educational establishments, families and individuals shall assume responsibility for providing information, reporting and denouncing acts of harming children in cases where children are abused or in danger of violence, exploitation or abandonment to competent authorities.

2. Agencies of labour - invalids and social affairs, police agencies at all levels and communal people’s committees are responsible for receiving and responding to information, reports and denunciations; cooperating to verify, appraise and investigate acts of harming children, conditions leading to the unsafety or harm to children and the level of risk of harm to children.

3. The Government establishes an active national telephone exchange system for receiving and responding to information, reports and denunciations of risks and acts of child abuse; promulgates procedures for receipt and response thereof.

Article 52. Support and intervention plans

1. The support and intervention plan is established for implementing one or certain child protective measures at the support or intervention level as regulated in Article 49 and Article 50 of this Law and applicable to each case of abused children or children threatened with violence, exploitation or abandonment and disadvantaged children.

2. People’s committees of communes where children resides shall take the prime responsibility and coordinate with agencies, organizations and individuals in charge of child protection to establish, approve and implement support and intervention plans; arrange resources and individuals and/or organizations to implement or cooperate to implement and inspect the implementation of such support and intervention plans.

3. With regard to children who are abused or might suffer violence, might be exploited or abandoned by their parents or caregivers and abused children whose parents or caregivers refuse to implement support and intervention plans, chairpersons of communal people’s committees, district agencies of labour - invalids and social affairs shall request competent courts to make decisions on limiting rights of children’s parents or caregivers or temporarily separate such children from their parents or caregivers and apply surrogate care method.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 53. Responsibilities of individuals in charge of child protection affairs at communal level

1. Assess risks and determine demands of children who need the protection.

2. Participate in the establishment and implementation of support and intervention plans for disadvantaged children, abused children or children in danger of violence, exploitation or abandonment.

3. Give advice and provide information and guidance to children and their parents and caregivers on the access to child protection, social support, health, education and legal assistance services and other supporting sources.

4. Give advice on child protection knowledge and skills to children, their parents, caregivers and family members and community.

5. Propose surrogate care method and follow the implementation thereof.

6. Assist children who committed illegal acts, are crime victims or testifiers in the course of proceeding, taking of actions against administrative violations, rehabilitation/ recovery and social inclusion as regulated in Article 72 of this Law.

Article 54. Responsibilities for child protection on the network environment

1. Relevant agencies and organizations shall propagate, educate and protect children while they participate into the network environment in all forms. Parents, teachers and caregivers of children shall provide education about knowledge and guidance on skills to children in order that they can know how to protect themselves on the network environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. This Article is detailed by the Government.

Section 2. CHILD PROTECTIVE SERVICE PROVIDERS

Article 55. Types of child protective service providers

1. Child protective service providers are established by agencies, organizations and individuals as regulated by the laws. Their functions and tasks are to implement or cooperate and support for the implementation of one or certain child protective measures at prevention, support and intervention levels as prescribed in Article 48, Article 49 and Article 50 of this Law.

2. Types of child protective service providers include public and private child protective service providers.

3. Child protective service providers consist of:

a) Child protective service providers whose functions and tasks specialize in the provision of child protective services;

b) Child protective service providers which only have a part of their functions and tasks specializing in the provision of child protective services.

Article 56. Requirements on the establishment and operation registration of child protective service providers

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Their operational principles and objectives are for the best interests of children;

2. Their operating contents aim to implement one or several child protective measures regulated in Article 48, Article 49 and Article 50 of this Law;

3. Representatives of child protective service providers must be Vietnamese citizens who are capable of civil acts, have good virtuous character and knowledge of children and child protection affairs, and do not face criminal prosecution or administrative penalties for acts of child abuse;

4. Their facilities, equipment, financial sources and human resources must satisfy their objectives, requirements and scope of operation as regulated by competent state agencies.

Article 57. Authority to establish and grant operation registration certificates to child protective service providers

1. Ministries, ministerial-level agencies and the government-affiliated agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, establish public child protective service providers under their authority and grant operation registration certificates to other child protective service providers whose operations are carried out in many provinces; take the prime responsibility and coordinate with the Ministry of Labour - Invalids and Social Affairs to promulgate or propose competent authorities to promulgate development plans for child protective service providers and guide the implementation thereof; establish procedures and standards of child protective service provision under their authority, inspect and take actions against violations as regulated by the laws.

2. The provincial people’s committee shall establish public child protective service providers and grant operation registration certificates to other child protective service providers whose operations are carried in such province; take the prime responsibility and coordinate with relevant agencies to establish and direct the implementation of the general planning for types of child protective service providers in such province in conformity with actual demands.

3. The district people’s committee shall establish public child protective service providers and grant operation registration certificates to other child protective service providers whose operations are carried in such district.

Article 58. Activities of child protective service providers

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Requirements regulated in Article 47 of this Law;

b) Comply with procedures and standards of child protection service provision promulgated by competent state authorities;

c) Conduct the receipt and provision of child protective services, and transfer of children and results of child service provision between child protective service providers for the safety and best interests of children;

d) Follow the guidance and bear the inspection of specialized operations by competent state authorities;

dd) Keep secret of information concerning abused children, except for the cases where the provision of information is requested by competent agencies or officials.

2. Child protective service providers can receive financial support or support in kinds granted by domestic and foreign agencies, organizations and individuals as regulated by the laws for implementing child protective measures.

Article 59. Suspension or termination of activities of child protective service providers

1. If child protective service providers commit any of the following contents, their activities or a part of their activities shall be suspended or terminated depending on the nature and degree of the violations:

a) Fail to satisfy requirements stated in Article 56 of this Law or fail to comply with laws relating to their operating sectors;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Use their operating expenditure and facilities not for regulated purposes.

2. Ending the period of suspension, if child protective service providers fail to rectify issues that lead to such suspension, their activities or a part of their activities shall be terminated.

3. Competent state agencies have the right to suspend or terminate activities of child protective service providers that they established or granted operation registration certificates.

Section 3. SURROGATE CARE

Article 60. Requirements on the implementation of surrogate care

1. Base on demands, background, sex, race, religion and language of children, and ensure children's rights.

2. Ensure the children’s safety as well as the stability, continuity and attachment between children and their caregivers.

3. Consider opinions, expectations, feeling and attitude of children according to their age and maturity level. With regard to children from enough 07 years of age and older, their opinions must be considered carefully.

4. The surrogate care taken by children’s kindred is prioritized. If children have siblings, they might live together with their siblings.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 61. Types of surrogate care

1. The surrogate care taken by children’s kindred.

2. The surrogate care taken by individual or family that is not children’s kindred.

3. The surrogate care is carried out in the form of adoption.

The child adoption must comply with laws on adoption.

4. The surrogate care is made at social support establishments.

Article 62. Cases where children need the surrogate care

1. Double-orphans, abandoned children, and homeless children.

2. Children who cannot live with their natural parents for protecting children’s safety; children whose parents are unable to protect or nurture them or are child abusers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Refugee children whose parents are not yet identified.

Article 63. Conditions of the surrogate care

1. The making of decisions on the surrogate care must satisfy requirements stated in Article 60 of this law and the following conditions:

a) The surrogate care must be consented in writing by the children's guardians in cases regulated in Clause 1 Article 62 of this Law;

b) The approval or performance of the surrogate care for children whose parent(s) is (are) alive but they are unable to protect and take care of them must be carried out with the written content of their parent(s), except for the cases where intervention measures are taken to protect children as regulated in Point b and Point c Clause 2 Article 50 and Clause 3 Article 52 of this Law or the cases where parental rights are limited as regulated by the Law on marriage and family.

2. Individuals and families that perform the surrogate care must ensure the following conditions:

a) Individuals or family representatives must reside in the territory of Vietnam. They must be healthy, capable of civil acts and have good virtuous character. They do not have their rights to juvenile children limited. They also do not face criminal prosecution or administrative penalties for acts of child abuse. In addition, they must not be convicted of deliberate infliction of harm to human life, health, or dignity of the others, or maltreatment or abuse of one's grandparent, parent, spouse, child, grandchild, or caregiver, or persuading, forcing a minor to commit an offence, or harboring a minor committed a offence, or trafficking, or swapping, or appropriation of children;

b) They must have suitable residence and economic conditions to ensure the nurture and education of children;

c) They must voluntarily perform the surrogate care. All family members must agree with the receipt of surrogate care, and no one of family members must face the criminal prosecution or administrative penalties for acts of child abuse;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Government encourages agencies, organizations, families and individuals to give support, in both mental and physical terms, for the surrogate care.

Article 64. Rights and responsibilities of surrogate caregivers

1. Surrogate caregivers shall assume the following responsibilities:

a) Ensure safe living conditions for children so that they can exercise their rights and responsibilities in conformity with conditions of surrogate caregivers;

b) Submit reports, after 06 months from the date on which they started their performance of the surrogate care or on annual basis, to people’s committees of communes where they reside on physical and mental health, and the integration of children. In cases where unexpected matters occur, unscheduled reports must be submitted on a timely manner.

2. Surrogate caregivers shall have the following rights:

a) Surrogate caregivers are entitled to priority loans, vocational training and employment support and healthcare while they get into difficulties;

b) They are supported with expenditure for nurturing children as regulated by the law and are entitled to receive support from agencies, organizations, families and individuals to perform the surrogate care.

Article 65. Surrogate care registration

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Communal people’s committees shall prepare and submit the list of individuals and families that have registered and are qualified for performing the surrogate care to district agencies of labour - invalids and social affairs.

3. District agencies of labour - invalids and social affairs shall coordinate with commune people’s committees to manage the list and appoint qualified individual or family to perform the surrogate care within their authority in cases where children needs the surrogate care.

4. When kindred of children perform the surrogate care, they must not carry out registration procedures as regulated in Clause 1 of this Article but they must report to communal people’s committees to make decisions on approval for the surrogate care.

5. The Government shall promulgate regulations detailing registration procedures, preparing the list and selecting individuals and families to perform the surrogate care.

Article 66. Authority to make decision on the surrogate care

1. Chairpersons of communal people’s committees shall make decisions on sending children to individuals or families that register for the performance of surrogate care on the basis of requirements stated in Clause 1 and Clause 2 Article 63 of this Law.

If children who receive the surrogate care have no natural guardian as regulated by the laws, chairpersons of communal people’s committees might, with the consent of surrogate caregivers, appoint surrogate caregivers to act as children’s guardians.

2. Chairpersons of district people’s committees shall decide to appoint social support establishments within their authority to perform the surrogate care.

3. Directors of departments of labour - invalids and social affairs shall decide to appoint social support establishments under provincial management to perform the surrogate care.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 67. Placement of children into social support establishments

1. Chairpersons of people’s committees of communes where children reside or acts of child abuse occur shall carry out procedures for taking children into social support establishments in the following cases:

a) While procedures for the surrogate care are carried out;

b) There is unable to select an individual or family qualified for performing the surrogate care;

c) Where measures stated in Point b Clause 2 Article 50 of this Law apply.

2. Social support establishments shall, on a regular basis, consider cases of surrogate care at their establishments and request for change of type of surrogate care.

3. The Government shall promulgate regulations on procedures for handling surrogate care documents and changing type of surrogate care.

Article 68. Supervision and assessment of status of children who receive the surrogate care

1. Provincial and district agencies of labour - invalids and social affairs shall discharge the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Verify the list of children at social support establishments for a periodical basis of every 06 months; receive, consider and respond to proposals of social support establishments or request competent agencies or organizations to change types of surrogate care;

c) Inspect the surrogate care performed at families and social support establishments; take actions, within their competence, against child abuse or acts in violation of care of children standards.

2. Communal people’s committees shall, on a periodical basis of 06 months, evaluate cases of children receiving surrogate care at families under their management and report to district agencies of labour - invalids and social affairs to impose suitable support and intervention measures.

Article 69. Termination of the surrogate care

1. The surrogate care shall be terminated in the following cases:

a) Individuals or families who perform the surrogate care are unable to ensure conditions for taking care of children as regulated in Clause 2 Article 63 of this Law;

b) Individuals or families who perform the surrogate care commit any of prohibited acts regulated in Article 6 of this Law and cause harm to children receiving the surrogate care;

c) The surrogate care is terminated as requested by individuals or families who perform the surrogate care;

d) Children under the surrogate care deliberately inflict serious harm to human life, health, dignity, or honor of individuals or members of families that perform the surrogate care;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. If the individual or a member of the family that performs the surrogate care causes harm to the child, such child must be immediately separated from the individual or family performs the surrogate care and child protective measures may apply as regulated in Article 50 of this Law.

3. In case children wish to terminate the surrogate care, competent agencies or individuals and surrogate caregivers shall consider and decide the termination of surrogate care for the best interests of children.

4. Makers of decisions on surrogate care may decide the termination of surrogate care.

Section 4. MEASURES FOR PROTECTING CHILDREN IN THE COURSE OF PROCEEDING, TAKING OF ACTIONS AGAINST ADMINISTRATIVE VIOLATIONS, REHABILITATION/ RECOVERY AND SOCIAL INCLUSION

Article 70. Requirements on protection of children in the course of proceeding, taking of actions against administrative violations, rehabilitation/ recovery and social inclusion

1. Children must be respected and treated in a fair and equal manner in conformity with their age and maturity level.

2. Cases relating to children affairs shall be promptly handled for minimizing mental and physical harm to children.

3. Ensure the assistance of parents, guardians and other legal representatives for children in the course of proceeding and taking of actions against administrative violations for protecting children’s lawful rights and interests.

4. Presiding officers, competent individuals for taking actions against administrative violations, lawyer and legal assistants must have necessary knowledge of child psychology and educational science. Their language must be friendly and understandable to children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Actively prevent children’s illegal acts and recidivism by means of giving timely support and intervention to correct justifications and factors for their illegal acts, and assisting children with rehabilitation/recovery and social inclusion.

7. Provide safe, continuous, sufficient and flexible prevention, support and intervention measures in a timely manner and in conformity with demands, background, age level and psychological and physiological features of each child on the basis of careful consideration and respect for opinions, expectations, feeling and attitude of that child.

8. Ensure the close and timely connection between agencies, organizations, child protective service providers, families, educational establishments and presiding authorities and competent authorities for taking actions against administrative violations.

9. Prioritize the imposition of prevention, support and intervention measures, or edification at the commune, ward or town, or measures substituting administrative penalties on children violating the laws. Coercive actions and limitations on freedom are only taken when other prevention and education measures are not appropriate.

10. Ensure children’s privacy and apply necessary measures for limiting the children’s appearance in the public during the proceeding.

Article 71. Measures for protecting children, who committed illegal acts, are crime victims or testifiers

1. Children committed illegal acts must undergo the edification at the commune, ward or town, or receive measures substituting administrative penalties as regulated by the Law on handling of administrative violations. Children who committed illegal acts and are exempt from criminal liabilities shall receive the reprimand, community conciliation or edification at the commune, ward or town. They must face the non-custodial sentence or suspended sentence as regulated by the Criminal Code. The following protective measures shall be imposed on children who have served the compulsory education in a reform school or the imprisonment for correcting justifications and factors for illegal acts, recovering and avoiding recidivism:

a) Child protective measures at the support level regulated in Point c Clause 2 Article 49 of this Law;

b) Child protective measures at the intervention level regulated in Point a and Point e Clause 2 Article 50 of this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The surrogate care regulated in this Law shall be imposed on double-orphans, or children whose parents are not identifiable; children who are unable to live with their parents; children whose residence could not be identified during their implementation of decisions on the edification at the commune, ward or town, or measures substituting administrative penalties granted by competent authorities;

dd) Assist families to supervise, manage and educate children;

e) Other protective measures as regulated in Article 48, Article 49 and Article 50 of this Law, if possible.

2. Child protective measures at the support level regulated in Point c and Point d Clause 2 Article 49 and child protective measures at the intervention level regulated in Article 50 of this Law shall be imposed on children who are crime victims or testifiers and suffered mental or physical harm.

3. Human life, health, dignity, honor and privacy of children who are testifiers shall be protected. The forced escort or placing children who are testifiers under the psychological pressure should be minimized.

Article 72. Responsibilities of individuals in charge of child protection affairs at communal level in the course of proceeding, taking of actions against administrative violations, rehabilitation/ recovery and social inclusion

1. Give advice and provide information and guidance to children, their parents and caregivers on the access to child protection, legal assistance, social support, health, education support services and other supporting sources.

2. Find and provide information about children’s background and family to authorized procedural persons and competent individuals for taking actions against administrative violations in order that they can impose legitimate measures for handling illegal acts, the edification measure and make other suitable decisions.

3. Participate in the proceeding and the handling of administrative violations in connection with children as regulated by the laws or as requested by authorized procedural persons or competent individuals for taking actions against administrative violations; attend the meeting of the advisory board for the application of the edification at the commune, ward or town for handling administrative violations, and the consideration made at the Court for sending children to reform schools for education.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Participate in the establishment of support and intervention plans and follow the implementation thereof; contact and assist children with rehabilitation/recovery and social inclusion services.

Article 73. Support for rehabilitation/recovery and social inclusion of children who committed illegal acts

1. Detention facilities and reform schools must coordinate with people’s committees of communes where children reside to implement the following measures for the purpose of preparing and enhancing the social inclusion of children violating the law:

a) Maintain the contact between children and their family;

b) Organize educational classes, vocational training classes and skill training classes for children;

c) Consider and evaluate the compliance with the children’s compulsory study and training at detention facilities and reform schools, and request competent authorities to reduce the period of serving the sentence or terminate the compulsory education at reform schools as regulated by the law.

2. The detention facility or the reform school where the child is serving his sentence or the compulsory education must, within 02 months before the child completes his sentence or 01 month before the child finishes the compulsory education at the reform school, inform and provide relevant information to the people’s committee of commune where the child will return to live to prepare the receipt and support for the social inclusion of that child.

3. Chairpersons of people’s committees of communes where children reside shall direct the establishment and implementation of support and intervention plans and the application of measures for protecting children who committed illegal acts as regulated in Clause 1 Article 71 of this Law.

4. Agencies of labour - invalids and social affairs, judicial agencies, police agencies, organizations of the Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, and agencies of Vietnam Women’s Youth Union at district level shall coordinate with relevant agencies and organizations to guide and assist communal people’s committees with the implementation of support and intervention plans, and the imposition of other suitable protective measures on children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

CHILDREN’S PARTICIPATION IN ISSUES INVOLVING CHILREN

Article 74. Scope and types of children’s participation in issues involving children

1. The participation by children or Organization representing the voice of children, depending on the age level of children, is required in the following issues involving children directly or indirectly:

a) The establishment and implementation of programs, policies and legislative documents and socio-economic development plans;

b) The establishment and implementation of decisions, programs and activities of socio-political organizations, social organizations and social-professional organizations;

c) Decisions and activities of schools, other educational establishments and child protective service providers;

d) The application of measures for nurturing, educating and protecting children by their families.

2. Children may participate in issues involving children via one of the following forms:

a) Forums, meetings, seminars, talks, contests or events;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Activities of children’s clubs, teams and groups which are established under the laws;

d) Consultation, survey and taking of children’s opinions;

dd) Expression of children’s opinions and expectations in direct manner or via channels of the mass media, social media and other means of communications.

Article 75. Guarantee of children's participation in family issues

Parents and family members shall discharge the following duties:

1. Respect, listen, consider and respond to children’s opinions and expectations in a manner in conformity with children's age level and development, and their family’s conditions and background.

2. Facilitate and provide guidance to children on the access to sources of information in a safe manner conformable to children’s age level and comprehensive development.

3. Facilitate children in stating their opinions and expectations about family’s decisions and issues relating to children.

4. Do not obstruct the children's participation in suitable social activities, except for the cases where the obstruction is made for the children’s best interests.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Schools and educational establishments shall discharge the following duties:

1. Organize and facilitate children in participating in activities of Ho Chi Minh Young Pioneer Organization, the Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, children’s clubs, teams and groups in schools and other educational establishments; extra-curricular activities and social activities;

2. Provide information about policies, laws and regulations on education in connection with pupils; announce the information about educational and training plans, policies on the nurture and contributions as regulated;

3. Facilitate children in proposing and stating their opinions and expectations about teaching and learning quality; legitimate rights and interests of children in education and issues of their concern;

4. Receive opinions, proposals and expectations of children, and respond to those within their competence or submit them to competent agencies or organizations for consideration and inform children of results thereof.

Article 77. Organization representing the voice of children

1. The Communist Youth Union of Ho Chi Minh City’s Central Committee is the organization representing the voice of children and functioned to supervise the exercise of children’s rights on the basis of children’s opinions and expectations.

2. The organization representing the voice of children shall discharge the following duties:

a) Get opinions and expectations of children; facilitate children in contacting deputies of the National Assembly and People's Councils;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Send children’s opinions and expectations to competent authorities for handling;

d) Follow the handling of children’s opinions and expectations and inform children of results thereof;

dd) Take the prime responsibility and coordinate with relevant agencies and organizations to supervise the exercises of children's rights on the basis of children's opinions and expectations;

e) Submit annual reports to the National Assembly’s Committee for Culture, Education, Youth, Adolescents and Children and the Ministry of Labour - Invalids and Social Affairs on the performance of responsibilities for handling of children’s opinions and proposals by agencies and organizations.

Article 78. Guarantee of children’s participation in issues involving children

1. Agencies, organizations, educational establishments, families and individuals shall ensure the children's participation in issues involving children regulated in Article 74 of this Law and guarantee the following requirements:

a) Create a safe, friendly and fair environment for children;

b) Provide sufficient information with suitable contents about issues involving children and issues of children’s concern in appropriate forms and methods;

c) Encourage the children's participation; do not victimize or discriminate against children while they state their opinions and expectations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Receive and respond to children’s opinions and expectations, and those stated by the organization representing the voice of children in a sufficient, timely, objective and honest manner.

2. People’s committees at all levels shall take the prime responsibility and coordinate with relevant agencies and organizations to organize annual talks for getting children's opinions and expectations about issues of their concern.

3. The Government shall promulgate regulations on responsibilities of agencies, organizations, educational establishments, families and individuals for the guarantee of children’s participation in issues involving children.

Chapter VI

DUTIES OF AGENCIES, ORGANIZATIONS, EDUCATION ESTABLISHMENTS, FAMILIES AND INDIVIDUALS TO THE EXERCISE OF CHILDREN’S RIGHTS AND RESPONSIBILITIES

Section 1. DUTIES OF AGENCIES AND ORGANIZATIONS

Article 79. Duties of the National Assembly and people’s councils at all levels

1. The National Assembly and people’s councils of provinces and districts shall, within their authority, make decisions on socio-economic development plans, objectives, targets, policies and programs for exercising the children’s rights; supervise the exercise of the children's rights as regulated by the law; allocate annual state budget for ensuring the exercises of the children’s rights.

2. The Ethnic Council, the Committees of the National Assembly shall coordinate with the National Assembly’s Committee for Culture, Education, Youth, Adolescents and Children to consider and evaluate issues involving children in bills, draft ordinances and resolutions of the National Assembly and the Standing Committee of the National Assembly, and the combination of objectives and targets of the exercise of the children’s rights and the national socio-economic development plans; supervise the implementation of policies and laws relating to children and the exercise of the children’s rights.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Deputies of the National Assembly and people’s councils at all levels shall, on a regular and periodical basis, contact children or their representatives; receive, deliver and supervise the handling of proposals relating to children submitted by agencies or organizations.

Article 80. The Government

1. Carry out the consistent state management of children; promulgate, within its authority, and organize the implementation of policies, laws and programs involving children; ensure policies and measures for cooperation between ministries, ministerial-level agencies, the government-affiliated agencies and local government in the exercise of children’s rights and the handling of issues involving children.

2. Ensure the establishment and implementation of objectives and targets involving children in the national, sector and local long-term, medium-term and annual socio-economic development plans as regulated.

3. Direct ministries, ministerial-level agencies and the government-affiliated agencies to take the prime responsibility and cooperate, within their authority, in the inspection, handling of proposals, complaints and denunciations, and taking of actions against acts in violation of the children law.

4. Facilitate the organization representing the voice of children in its performance of duties regulated in Clause 2 Article 77 of this Law, and direct and appoint ministries, ministerial-level agencies, the government-affiliated agencies and provincial people’s committees to coordinate with this organization during the performance of its duties.

5. Submit annual or unscheduled reports to the National Assembly on the results of the exercise of the children's rights and the performance of duties to children by ministries, ministerial-level agencies, the government-affiliated agencies and local government.

Article 81. People’s Courts and People’s Procuracies

1. People’s courts at all levels shall always ensure the exercise of the children’s rights and responsibilities, the consideration of children’s requests and the application of judicial measures for handling acts in violation of the children’s rights, taking actions against children violating the law and pronouncing ruling for children or other judicial decisions involving children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. People's procuracies at all levels shall always ensure the exercise of the children’s rights and responsibilities, the consideration of children’s requests and the application of judicial measures for exercising the right to prosecution and supervising judicial activities for children or those involving children.

4. The Supreme People’s Procurary shall provide guidance to the people’s procuracies on the exercise of the right to prosecution and supervision of judicial activities for children or those involving children which must ensure the best interests of children.

5. Provide training courses in children’s rights, psychology and educational science relating to children to judges, people’s jurors and procurators who institutes legal proceedings on cases involving children.

Article 82. Ministry of Labor - Invalids and Social Affairs

1. Assume responsibility before the Government for the execution of the state management of children affairs; organize the exercise of children's rights; ensure the exercise of children's rights as assigned or authorized by the Government.

2. Submit written opinions about issues involving children to the drafting board for bills, draft ordinances and resolutions of the National Assembly and the Standing Committee of the National Assembly and other legislative documents; propose the combination of objectives and targets involving children in the national, sector and local socio-economic development plans.

3. Take the prime responsibility and coordinate with ministries, ministerial-level agencies, the government-affiliated agencies, local government and the organization representing the voice of children to prepare and submit annual or unscheduled reports to the National Assembly on the exercise of children's rights and the performance of duties involving children by ministries, ministerial-level agencies, the government-affiliated agencies and local government.

4. Take the prime responsibility and coordinate with ministries, ministerial-level agencies, the government-affiliated agencies and local government to prepare the national report on the implementation of the United Nations Convention on the Rights of the Child (or UNCRC).

5. Take the prime responsibility and coordinate with ministries, ministerial-level agencies, the government-affiliated agencies and local government to establish, guide and organize the implementation of policies and laws on child protection and the children’s participation in issues involving children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 83. Ministry of Justice

1. Take the prime responsibility and coordinate with the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, and relevant ministries, ministerial-level agencies and the government-affiliated agencies to protect children during the handling of administrative violations.

2. Take the prime responsibility and provide guidance on the birth registration, and respond to issues involving children’s nationality and determination of children’s parents.

3. Take the prime responsibility and coordinate with relevant ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies to execute the state management of adoption.

4. Manage and guide the performance of legal assistance for children, and their parents and caregivers as regulated by the laws.

Article 84. Ministry of Health

1. Ensure the children’s access to high-quality healthcare services in medical facilities in a fair manner as regulated by the laws.

2. Provide guidance on the preparation of age-based regular check-up records; take care of and give advice on health and nutrition to pregnant women and children; carry out the consultancy, screening, diagnosis and treatment before birth and after birth; give advice and assistance to children to take care of their reproductive health in conformity with their age.

3. Take the prime responsibility and coordinate with relevant ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies to provide healthcare services to children with disabilities or injuries due to accidents and other disadvantaged children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Take the prime responsibility and coordinate with Ministry of Labour - Invalids and Social Affairs to provide guidance to children’s parents and caregivers on knowledge and skills in healthcare, nutrition, hygiene and prevention of diseases for pregnant women and children, especially children under 36 months of age.

Article 85. Ministry of Education and Training

1. Ensure the exercise of children’s rights and responsibilities in schools and other educational establishments; formulate educational programs in conformity with each age level of children, and ensure that such educational programs must meet requirements on the comprehensive development of children; ensure that children must complete the universalized education program and facilitate children in attending training courses at higher levels.

2. Take the prime responsibility and coordinate with relevant ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies to formulate school’s standards for establishing a safe, health and friendly educational environment and regulations on school violence prevention and intervention, and submit them to the Government for promulgating detailed regulations as stated in Clause 4 Article 44 of this Law.

3. Educate and disseminate knowledge about children’s rights and responsibilities to pupils, teachers and educational managers, and provide skills training for pupils.

4. Organize the implementation of policies and laws, and apply suitable educational support measures to disadvantaged children, ethnic minority children; practice inclusive education for children with disabilities.

5. Take the prime responsibility and coordinate with relevant ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies to guide and organize the performance of school healthcare for ensuring the child healthcare in schools and other educational establishments, the education and comprehensive development of children in the educational system; impose measures for preventing children from accidents and injuries in schools and other educational establishments.

6. Take the prime responsibility and coordinate with relevant ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies to establish policies on training and improvement in talent for children; mobilize families and the society to discover and assist children to develop their talent.

7. Provide guidance on the children's participation in schools and other educational establishments as regulated in Article 76 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Manage and instruct the use of equipment and toys in schools and other educational establishments within their authority.

Article 86. Ministry of Culture, Sports and Tourism

1. Ensure play and recreational activities, cultural, arts, sports and tourist activities for children.

2. Take the prime responsibility and coordinate with the Communist Youth Union of Ho Chi Minh City’s Central Committee to guide the development of sports and cultural facilities reserved exclusively or made available for children.

3. Take the prime responsibility and coordinate with relevant ministries, ministerial-level agencies, government-affiliated agencies and the Communist Youth Union of Ho Chi Minh City’s Central Committee to manage and guide the establishment of cultural and arts programs, acts and products, and the composition of literary and arts works; organize cultural, arts, sports and tourist events for children and those involving children.

4. Take the prime responsibility and coordinate with Ministry of Education and Training, Ministry of Information and Communications, and Ministry of Labour - Invalids and Social Affairs to provide guidance to children’s families on the exercise of children’s rights and responsibilities; provide education to children in the preservation and promotion of the national character and culture, and familial traditional values; facilitate children in using their ethnic languages.

5. Take the prime responsibility and coordinate with Ministry of Labour - Invalids and Social Affairs to guide the guarantee of children’s participation in familial issues as regulated in Article 75 of this Law.

Article 87. Ministry of Information and Communications

1. Ensure that children may access to information via information and communications channels; children’s images and information about their privacy and personal secrecy on mails, communications channels and other personal information exchange and storage forms shall be protected.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Manage and give guidance on regulations on press, publishing, telecommunications, Internet, radio and television broadcasting and other forms of information provision and dissemination exclusive for children, those with the children’s participation, and those involving children; protect children on the Internet environment, computer network, telecommunications network, electronic devices and other means of communications.

4. Take the prime responsibility and cooperate with relevant ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies, the Communist Youth Union of Ho Chi Minh City’s Central Committee and Vietnam Journalists Association to develop press activities, information and publications exclusive for children and those with children’s participation; carry out measures for providing and disseminating information about knowledge and skills in ensuring the exercise of children’s rights and responsibilities to children’s families; provide for proportion of contents, time, amount of time of radio and television broadcasting, and publications for children as regulated in Clause 2 Article 46 of this Law.

Article 88. Ministry of Public Security

1. Take the prime responsibility and cooperate with Ministry of Labour - Invalids and Social Affairs, the Communist Youth Union of Ho Chi Minh City’s Central Committee, Vietnam Women’s Youth Union’s Central Committee and law enforcement agencies to guide and organize the implementation of measures for preventing violence against children, child exploitation, sexual abuse and trafficking, and crime relating to children.

2. Guide and organize the application of the principle of ensuring the exercise of children’s rights, children’s requests and child protective measures in the course of proceedings and handling of administrative violations to children who committed illegal acts, are crime victims and testifiers; provide training courses in children's rights, psychology and educational science to police officers, officials of reform schools and investigators who institute legal proceedings on cases involving children.

3. Take the prime responsibility and coordinate with relevant ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies to prevent, manage and educate children violating the law.

Article 89. Ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies

1. Perform their powers and duties relating to children as regulated by prevailing laws.

2. Submit annual or unscheduled reports on the exercise of children’s rights, within the ambit of their powers and duties, to Ministry of Labour - Invalids and Social Affairs for summarizing and reporting to the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Carry out the state management of children within their authority; organize the implementation of policies, laws, plans and programs involving children; promulgate, within their authority, policies and laws on the guarantee of the exercise of children's rights in conformity with local characteristics and conditions.

2. Direct and organize the exercise of children’s rights; arrange and mobilize resources for ensuring the exercise of children’s rights and protecting children as regulated in this Law; organize and manage activities of child protective service providers within their authority; appoint individuals in charge of child protection in their authority areas; fulfill their duties as regulated in Clause 2 Article 45 of this Law.

3. Submit annual reports to people’s councils at same level on the exercise of children’s rights and handling of issues involving children in their authority areas.

4. Communal people’s committees assign specific duties to the exercise of children's rights, and appoint communal officials or non-specialized individuals to be in charge of child protection affairs.

Article 91. The Vietnamese Fatherland Front and its affiliated agencies

1. Supervise, criticize, and give advice and proposals to state authorities to establish and implement policies and laws relating to children, and allocate resources for ensuring the children’s rights as regulated by the laws.

2. Propagate and mobilize members and trade-unionists in their agencies and the whole community to support and participate in the implementation of policies, programs, plans and services for exercising children’s rights, and prevent acts infringing the children’s rights.

3. Implement policies, programs, plans and services for exercising children’s rights upon the authorization and support granted by the Government, ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies; bear the inspection as regulated by the laws.

4. Apart from duties stated in Clause 1, 2 and 3 of this Article, the Communist Youth Union of Ho Chi Minh City’s Central Committee also discharge the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Submit proposals to the Government about conditions for fulfilling duties of the organization representing the voice of children and supervising the exercise of children's rights according to children's opinions and expectations;

c) Coordinate with Ministry of Labour - Invalids and Social Affairs, relevant agencies and organizations, and provincial people’s committees to guide the children’s participation in issues involving children.

5. Apart from duties stated in Clause 1, 2 and 3 of this Article, the Vietnam Women’s Youth Union’s Central Committee must coordinate with the organization representing the voice of children to supervise the guarantee of children’s rights and interests.

Article 92. Social organizations

1. Mobilize their members and the community to assist and participate in the establishment and implementation of policies, laws, programs, plans and services for exercising children’s rights, and prevent acts infringing the children’s rights.

2. Implement policies and laws, and exercise the children’s rights in conformity with their principle, objectives, duties and powers as regulated by the laws; receive and collect information from their members and the community to respond, in a timely manner, or suggest, or give advice to agencies, organizations, educational establishments and individuals on the implementation of policies and laws.

3. Organize the provision of services for exercising children’s rights upon the authorization and support granted by the Government, local governments and regulatory bodies; bear the inspection of their operation as regulated by the laws.

4. Apart from the implementation of regulations in this Article, Vietnam Association for Protection of Children's Rights shall also contact and collect information and proposals from social organizations and those of children for giving advice on the establishment and implementation of policies and laws on children’s rights; participate in the supervision of the exercise of children’s rights; give its opinions and proposals to relevant agencies on issues involving children and the violation of children law.

Article 93. Economic organizations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Employers must facilitate their employees in fulfilling duties of children’s parents and caregivers as regulated by the law.

3. Employers must facilitate children in practicing as apprentices, and arrange works for children in conformity with their capacity and age, the employer’s conditions and regulations of the laws.

4. Make contribution to and mobilize resources for exercising the children’s rights in conformity with the capacity, conditions and development of economic organizations.

Article 94. Intersectoral collaboration on children

1. Prime Minister shall establish an organization conducting the intersectoral collaboration on children in order to assist the Government and Prime Minister with study, direction, cooperation, speeding up and regulation between ministries, ministerial-level agencies and government-affiliated agencies; the coordination between the Government and agencies of the National Assembly, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, Vietnamese Fatherland Front and its affiliated agencies, social organizations, socio-professional organizations; the coordination between local governments during the handling of issues involving children and the exercise of children’s rights.

2. Chairpersons of people’s committees at all levels shall, depending on actual demands and conditions in their authority areas, establish organizations conducting intersectoral collaboration on children in order to assist people’s committees and chairpersons of people’s committees at same level in cooperating, expediting and regulating the handling of issues involving children, and exercising children’s rights in their authority areas.

Article 95. Children’s support funds

1. Children’s support funds are established to mobilize the voluntary contributions of domestic and foreign agencies, organizations and individuals, international aids and funding from state budget for performing children-related objectives which are prioritized by the Government.

2. Children’s support funds must mobilize, manage and use mobilized amount for legitimate purposes as regulated by the laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 96. Guarantee of children’s right to live with their parent(s)

1. Parents, caregivers and family members must facilitate children in living with their parent(s).

2. Parents, caregivers and family members must comply with the laws and decisions made by competent agencies and individuals on limitations on parental rights; separation of children from their parent(s) for protecting children’s safety and achieving best interests for children.

Article 97. Birth registration

Parents and caregivers must carry out birth registration procedures for children on schedule as regulated by the laws.

Article 98. Education and care of children

1. Parents, caregivers and family members must take care of, nurture, manage and educate children; create optimum conditions, depending on their capacity, for the continuous and comprehensive development of children, especially children under 36 years of age; contact and ask for guidance or support from relevant agencies, organization and individuals during the performance of their duties to the education and care of children.

2. Parents and caregivers must ensure the best nutrition in conformity with children’s mental and physical development at each age level.

3. Parents and caregivers must carry out initial health care and prevention of diseases for children.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Parents, guardians, caregivers and family members must build comfortable, equal, progressive and happy family; improve knowledge and skills in nurturing, caring and educating children, and create a health environment for the comprehensive development of children.

Article 99. Guarantee of children’s rights to study, talent development, play and recreational activities, cultural, arts, sports and tourist activities

1. Parents, teachers, caregivers and family members must be examples for children; improve knowledge and skills in educating children on morals, dignity, children’s rights and responsibilities; create a healthy environment for the comprehensive development of children.

2. Parents, teachers and caregivers must guarantee the children’s rights to study, and facilitate children in completing universalized education programs as regulated by the laws and attending training course at higher level.

3. Parents, teachers and caregivers discover, encourage, improve and develop children's talent.

4. Parents, teachers and caregivers must facilitate children in participating in play and recreational activities, cultural, arts, sports and tourist activities suitable for children’s age.

Article 100. Protection of human life, body, dignity, honor and privacy of children

1. Parents, teachers, caregivers and family members shall discharge the following duties:

a) Improve knowledge and skills in educating children on morals, dignity, children’s rights and responsibilities, create a safe environment for children and prevent children from accidents and injuries; prevent children from falling into disadvantaged circumstances, being abuse or prone to child abuse;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Ensure the children’s exercise of children's right to keep privacy and personal secrecy, except for the cases where actions are made for protecting children and for the best interests of children.

2. Parents, teachers, caregivers and individuals practicing medical examination and treatment shall be responsible for discovering, denouncing and reporting to competent agencies and individuals of acts harming children, cases where children are abused or threatened to be abused inside and outside children’s families.

3. Parents and guardians of children must themselves or hire defense counsels to defense for children during the proceeding as regulated by the laws.

Article 101. Guarantee of children's civil rights

1. Parents, guardians and family members are responsible for protecting lawful rights and interests of children; acting as children’s representatives in civil transactions as regulated by the laws; and shall be liable for illegal civil transactions carried out by children.

2. Parents and guardians must preserve and manage property of children, and hand over such property to children as regulated by the laws.

3. Child’s parent(s) or guardian must compensate for damage caused by acts of such child to other persons as regulated by the laws.

Article 102. Management and education of children on the exercise of children’s rights and responsibilities

1. Parents, teachers, caregivers and family members must manage, educate and assist children to understand and exercise children's rights and responsibilities regulated in Chapter II of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 103. Effect

1. This Law comes into force from June 01, 2017.

2. The Law on child protection, care and education No. 25/2004/QH11 shall be null and voids from the effective date of this Law.

Article 104. Transitional provision

Child protective service providers which have been established or whose operation registration certificates have been issued by competent state authorities before the effective date of this Law must not carry out establishment or re-registration procedures.

Article 105. Taking action against violations

Agencies, organizations and individuals violating the regulations of this Law shall, subject to the nature and level of their violations, be disciplined, face administrative penalties or criminal prosecution as regulated by the laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Government shall elaborate assigned articles and clauses in this Law.

This Law is ratified by the 13th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam during the 11th session dated April 05, 2016.

 

 

PRESIDENT OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Thi Kim Ngan

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật trẻ em 2016

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


672.489

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.76.159
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!