THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN VỀ XỬ LÝ TIỀN GIẢ, TIỀN NGHI GIẢ TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG
Căn cứ Luật Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP
ngày 12/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 87/2023/NĐ-CP
ngày 08/12/2023 của Chính phủ quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền
Việt Nam;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát hành và Kho
quỹ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Thông tư hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc thu giữ tiền giả; tạm
thu giữ tiền nghi giả; giám định tiền giả, tiền nghi giả; đóng dấu, bấm lỗ tiền
giả; đóng gói, giao nhận, bảo quản và vận chuyển tiền giả trong ngành ngân
hàng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân
hàng Nhà nước), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức, cá nhân có tiền giả, tiền nghi giả trong
giao dịch tiền mặt với các cơ quan, tổ chức được quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được
Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản.
2. Đặc điểm bảo an là đặc điểm được tích hợp có chủ
đích trên đồng tiền, sử dụng để kiểm tra, phân biệt tiền thật, tiền giả.
3. Khách hàng là tổ chức, cá nhân giao dịch tiền mặt
với Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Trách nhiệm thu giữ tiền
giả, tạm thu giữ tiền nghi giả
1. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là
Sở Giao dịch), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài khi phát hiện tiền giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng
phải thu giữ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; khi phát
hiện tiền nghi giả phải tạm thu giữ theo quy định tại Điều 6
Thông tư này; không trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng.
2. Người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ
tiền nghi giả phải được bồi dưỡng kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả theo
chương trình của Ngân hàng Nhà nước hoặc được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định
tiền.
Người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả
của Ngân hàng Nhà nước phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.
Điều 5. Thu giữ tiền giả
1. Trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi
phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao
dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo
an trên tiền thật (hoặc tiền mẫu) cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách
nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố, đối chiếu với thông
báo về đặc điểm nhận biết tiền giả của Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an và xử
lý như sau:
a) Trường hợp khẳng định là loại tiền giả đã được
Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản, phải thực hiện thu
giữ, lập biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ
lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP
ngày 08/12/2023 của Chính phủ quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền
Việt Nam, đóng dấu và bấm lỗ tiền giả. Việc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả thực hiện
theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
b) Trường hợp xác định là tiền giả loại mới, phải
thực hiện thu giữ và lập biên bản theo Mẫu
số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP nhưng không đóng dấu, không bấm
lỗ tiền giả.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ
tiền giả loại mới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải thông báo bằng
văn bản cho Cục Phát hành và Kho quỹ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài phải thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch hoặc Ngân hàng Nhà nước chi
nhánh trên địa bàn nơi tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh trên địa bàn). Nội dung thông báo bao gồm các thông tin về loại
tiền, số lượng, seri và mô tả đặc điểm của tiền giả.
2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo kịp thời cho cơ
quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi phát hiện một trong các trường
hợp sau:
a) Có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu
hành tiền giả.
b) Tiền giả loại mới.
c) Có 5 tờ tiền giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả)
hoặc nhiều hơn trong một giao dịch.
d) Khách hàng không chấp hành việc lập biên bản,
thu giữ tiền giả.
3. Trong quá trình kiểm đếm, phân loại, tuyển chọn
tiền, sau khi giao nhận tiền mặt theo bó, túi nguyên niêm phong trong ngành
ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi phát hiện tiền giả, các đơn
vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử
lý như đối với tiền giả phát hiện trong giao dịch tiền mặt quy định tại khoản 1
và điểm b, điểm c khoản 2 Điều này.
Điều 6. Tạm thu giữ tiền nghi
giả
1. Trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi
phát hiện tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tạm thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo
Nghị định số 87/2023/NĐ-CP.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tạm
thu giữ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chuyển hồ sơ
giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này đến
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở giao dịch để giám định.
Điều 7. Đóng dấu, bấm lỗ tiền
giả
1. Dấu tiền giả:
Dấu tiền giả hình chữ nhật; kích thước: 60mm x 20mm;
phần tên đơn vị: 60mm x 7mm, phần chữ “TIỀN GIẢ”: 60mm x 13mm. Dấu tiền giả sử
dụng mực màu đỏ, khó phai.
2. Cách thức đóng dấu, bấm lỗ tiền giả:
Đóng dấu “TIỀN GIẢ” lên 2 mặt của tờ tiền giả, mỗi
mặt đóng một lần và bấm 4 lỗ trên tờ tiền giả (mỗi cạnh chiều dài tờ tiền giả bấm
2 lỗ tròn cân đối bằng dụng cụ bấm lỗ tài liệu dùng cho văn phòng).
Điều 8. Đóng gói, bảo quản tiền
giả
1. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có
trách nhiệm đóng gói, niêm phong tiền giả. Niêm phong tiền giả được thực hiện
theo quy định về niêm phong tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước nhưng phải được
đóng dấu “TIỀN GIẢ” trên niêm phong để phân biệt với tiền thật.
2. Đóng gói, niêm phong tiền giả
a) Tiền cotton giả, tiền polymer giả: 100 tờ tiền
cùng mệnh giá, cùng chất liệu đóng thành 1 thếp; 10 thếp đóng thành 1 bó (1.000
tờ) và niêm phong.
b) Tiền kim loại giả: 100 miếng cùng mệnh giá được
đóng thành 1 túi nhỏ và niêm phong; 10 túi nhỏ đóng thành một túi lớn (1.000 miếng)
và niêm phong.
c) Trường hợp không đủ số lượng để đóng bó (hoặc
túi), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch cũng thực hiện đóng gói, niêm
phong, ghi rõ số lượng tờ (hoặc miếng) để thuận tiện trong giao nhận.
3. Tiền giả được bảo quản riêng trong kho tiền của
hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 9. Giao nhận, vận chuyển
tiền giả
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
phải giao nộp toàn bộ số tiền giả đã thu giữ về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
trên địa bàn hoặc Sở Giao dịch theo định kỳ hàng tháng, trừ số tiền giả loại mới
giao nộp theo quy định tại khoản 4 Điều này. Việc giao nhận tiền giả thực hiện
theo tờ (hoặc miếng) và phải được lập biên bản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo
Nghị định số 87/2023/NĐ-CP.
Phương thức vận chuyển tiền giả do Chủ tịch Hội đồng
thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định, đảm bảo an toàn trong quá
trình vận chuyển.
2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có
trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của từng tờ tiền giả do tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao nộp.
Trường hợp phát hiện tiền thật trong số tiền giả giao
nộp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch lập biên bản theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và có văn bản
yêu cầu đơn vị giao nộp phải hoàn trả ngang giá trị cho khách hàng và báo cáo kết
quả trong thời gian 30 ngày.
Tờ tiền thật đã đóng dấu “TIỀN GIẢ” và bấm lỗ được
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch cắt góc 1/8 diện tích tờ tiền, thu đổi
ngang giá trị (ghi Có) cho đơn vị giao nộp (không thu phí đổi tiền không đủ
tiêu chuẩn lưu thông) và đóng gói, giao nhận như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn
lưu thông theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
3. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải
giao nộp tiền giả ít nhất 6 tháng một lần (nếu có) Về Kho tiền Trung ương. Việc
giao nộp có thể kết hợp với việc điều chuyển tiền đi, đến của Ngân hàng Nhà nước.
Việc giao nhận thực hiện theo bó, bì, túi nguyên
niêm phong và được lập biên bản theo Mẫu
số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP.
4. Đối với tiền giả loại mới, trên cơ sở thông báo
tiền giả loại mới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư
này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giao nộp về Ngân
hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở Giao dịch trong thời hạn 05 ngày
làm việc kể từ ngày thu giữ. Phương thức vận chuyển thực hiện theo quy định tại
khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
tiền giả loại mới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch thông báo về Cục
Phát hành và Kho quỹ.
5. Trên cơ sở thông báo tiền giả loại mới của Ngân
hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch tại điểm b khoản 1 Điều 5
và khoản 4 Điều 9 Thông tư này, Cục Phát hành và Kho quỹ xem xét, quyết định
yêu cầu giao nộp tiền giả loại mới. Trường hợp có yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh, Sở Giao dịch thực hiện giao nộp tiền giả loại mới theo yêu cầu của Cục
Phát hành và Kho quỹ; Phương thức vận chuyển tiền giả loại mới do Giám đốc Sở
Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quyết định, đảm bảo an toàn, kịp thời.
Trường hợp không có yêu cầu, tiền giả được đóng dấu, bấm lỗ và giao nộp theo
quy định tại khoản 3 Điều này.
Điều 10. Giám định tiền giả,
tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định
tiền giả, tiền nghi giả phải lập 01 bộ hồ sơ đề nghị giám định theo quy định tại
khoản 2 Điều 5 Nghị định số 87/2023/NĐ-CP và nộp trực tiếp đến
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh hoặc Sở Giao dịch hoặc Cục Phát hành và Kho quỹ (tại
thành phố Hà Nội), Chi cục Phát hành và Kho quỹ (tại thành phố Hồ Chí Minh).
2. Khi nhận được hồ sơ đề nghị giám định theo quy định
tại khoản 1 Điều này hoặc từ ngày tạm thu giữ tiền nghi giả theo quy định tại khoản 1 Điều 6, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, Cục
Phát hành và Kho quỹ, Chi cục Phát hành và Kho quỹ (sau đây gọi là cơ quan giám
định) phải tổ chức giám định. Thời gian thực hiện giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 87/2023/NĐ-CP.
Trong thời gian tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày
hoàn thành giám định, cơ quan giám định thông báo kết quả giám định bằng văn bản
cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị giám định.
Việc giám định được thực hiện miễn phí.
3. Trường hợp không kết luận được tiền thật hay tiền
giả, chậm nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được tiền giả, tiền nghi
giả cần giám định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có văn bản đề nghị
và chuyển số tiền giả, tiền nghi giả này về Cục Phát hành và Kho quỹ hoặc Chi cục
Phát hành và Kho quỹ để giám định; đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá
nhân nêu tại khoản 1 Điều này hoặc khoản 1 Điều 6 Thông tư này
hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu tại khoản
2 Điều 6 Thông tư này để biết.
Phương thức vận chuyển tiền giả, tiền nghi giả cần
giám định do Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch quyết định, đảm
bảo an toàn, thuận tiện.
Trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày
nhận được kết quả giám định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải
thông báo kết quả giám định bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu
giám định biết.
Điều 11. Xử lý kết quả giám định
1. Tại Cục Phát hành và Kho quỹ và Chi cục Phát
hành và Kho quỹ:
a) Kết quả giám định là tiền thật, số tiền thật được
trả lại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị giám định hoặc được nộp vào Sở
Giao dịch khi giám định tại Cục Phát hành và Kho quỹ hoặc Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh khi giám định tại Chi cục Phát hành và Kho
quỹ để báo Có cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài đề nghị giám định.
b) Kết quả giám định là tiền giả đã có thông báo của
Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an, thực hiện thu giữ, đóng dấu, bấm lỗ tiền giả
và nộp vào Kho tiền Trung ương tại thành phố Hà Nội (Kho tiền I) hoặc tại thành
phố Hồ Chí Minh (Kho tiền II).
c) Kết quả giám định là tiền giả loại mới, Cục Phát
hành và Kho quỹ thông báo kịp thời cho Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an và thực
hiện thu giữ. Đối với Chi cục Phát hành và Kho quỹ, báo cáo bằng văn bản về Cục
Phát hành và Kho quỹ và thông báo kịp thời cho Công an thành phố Hồ Chí Minh
(Phòng An ninh kinh tế); chuyển tiền giả loại mới về Cục Phát hành và Kho quỹ
(nếu có yêu cầu); phương thức vận chuyển do Chi cục Phát hành và Kho quỹ quyết
định, đảm bảo an toàn, kịp thời. Trường hợp không có yêu cầu chuyển về Cục Phát
hành và Kho quỹ, tiền giả được đóng dấu, bấm lỗ và bảo quản tại Kho tiền II.
Số tiền giả loại mới được lưu giữ tại Cục Phát hành
và Kho quỹ để phục vụ công tác phòng, chống tiền giả của Ngân hàng Nhà nước
theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
2. Tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch:
a) Kết quả giám định là tiền thật, số tiền thật được
thu đổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị giám định theo quy định của Ngân
hàng Nhà nước về thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
b) Kết quả giám định là loại tiền giả đã có thông
báo của Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an, thực hiện thu giữ, đóng dấu, bấm lỗ
tiền giả.
c) Kết quả giám định là tiền giả loại mới, thực hiện
thu giữ; thông báo ngay cho Công an địa phương (Phòng An ninh Kinh tế) và thông
báo bằng văn bản về tiền giả loại mới cho Cục Phát hành và Kho quỹ. Việc giao nộp
tiền giả loại mới thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 9
Thông tư này.
3. Tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài:
a) Kết quả giám định là tiền thật, số tiền thật được
thu đổi cho khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về thu đổi tiền
không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
b) Kết quả giám định là tiền giả, thông báo kết quả
giám định và việc xử lý tiền giả của cơ quan giám định cho khách hàng biết
trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định.
4. Đối với tiền giả, tiền nghi giả giám định theo
yêu cầu của cơ quan Công an, Cơ quan có thẩm quyền của quân đội, Hải quan, Viện
kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân, sau khi giám định được trả lại đơn vị đề
nghị giám định, không đóng dấu, bấm lỗ. Việc giao nhận tiền giả, tiền nghi giả
được lập biên bản theo Mẫu số 04 tại
Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP.
Điều 12. Lưu giữ tiền giả làm
tư liệu nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống tiền giả của Ngân hàng Nhà nước
Sau khi phân tích, giám định tiền giả loại mới, Cục
Phát hành và Kho quỹ được lưu giữ, bảo quản tối đa 15 tờ (hoặc miếng)/loại để
phục vụ công tác nghiên cứu, phòng, chống tiền giả và tập huấn nghiệp vụ (trừ
tiền giả, tiền nghi giả giám định theo khoản 4 Điều 11 Thông tư
này). Cục Phát hành và Kho quỹ theo dõi, lưu giữ, bảo quản theo mệnh giá, vần
seri và số lượng từng loại tiền giả. Trường hợp cần lưu giữ, bảo quản nhiều hơn
15 tờ (hoặc miếng)/loại, Cục Phát hành và Kho quỹ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước quyết định.
Trường hợp không cần lưu giữ, bảo quản sau thời
gian nghiên cứu, phòng, chống tiền giả và tập huấn nghiệp vụ, Cục Phát hành và
Kho quỹ thực hiện đóng dấu, bấm lỗ tiền giả và nộp vào Kho tiền Trung ương tại
thành phố Hà Nội (Kho tiền I).
Điều 13. Thông tin về tiền giả
1. Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) thực
hiện phân tích giám định và thông báo về đặc điểm nhận biết tiền giả loại mới bằng
văn bản cho Cục An ninh kinh tế, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Cục Phòng
chống ma túy và Tội phạm - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng), Ngân
hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, Kho bạc Nhà nước để phục vụ công tác
phòng, chống tiền giả.
2. Khi nhận được thông báo bằng văn bản về tiền giả
loại mới của Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phải thông
báo về đặc điểm nhận biết tiền giả loại mới bằng văn bản cho Hội sở chính tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn.
3. Khi nhận được thông báo bằng văn bản về tiền giả
loại mới của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước
ngoài phải thông báo bằng văn bản cho các đơn vị trong hệ thống để phòng ngừa
tiền giả.
4. Trường hợp cần thiết, Cục Phát hành và Kho quỹ
thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang thông
tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước về đặc điểm nhận biết của tiền giả xuất hiện
trong lưu thông để các tổ chức, cá nhân cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
Điều 14. Báo cáo thống kê về
tiền giả
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo số liệu tiền giả thu giữ theo
chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm hướng dẫn
và kiểm tra thực hiện
1. Cục Phát hành và Kho quỹ có trách nhiệm hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Cục Phát hành và Kho quv phối hợp với các
đơn vị liên quan xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền và
chương trình bồi dưỡng kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả trình Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước quyết định.
2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh kiểm tra việc thực
hiện các quy định tại Thông tư này đối với các đối tượng kiểm tra thuộc thẩm
quyền trên địa bàn.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong hệ thống.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14 tháng 02 năm
2025 và thay thế Thông tư số 28/2013/TT-NHNN
ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về xử lý tiền
giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng.
Điều 17. Tổ chức thực hiện
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện
Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 17;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử NHNN;
- Lưu: VP, PC, PHKQ (5 bản).
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Đào Minh Tú
|
PHỤ
LỤC
(Kèm theo Thông tư
số 58/2024/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam)
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
BIÊN BẢN
V/v phát hiện tiền thật trong số tiền giả giao nhận
Hôm nay, vào hồi ...giờ ... phút, ngày ... tháng
... năm ..., tại ………………….., chúng tôi gồm:
1. Bên nhận: (Ngân hàng Nhà nước chi nhánh/Sở Giao
dịch...) ................................
- Ông (bà):
......................................................... Chức vụ:
....................................
- Ông (bà):
......................................................... Chức vụ:
....................................
2. Bên giao: (TCTD/Chi nhánh ngân hàng nước ngoài)
- Ông (bà):
......................................................... Chức vụ:
....................................
- Ông (bà):
......................................................... Chức vụ:
....................................
Giấy ủy nhiệm (nếu có) số .../UN-... ngày ... tháng
... năm ... của .......
Trong quá trình giao nhận tiền giả, (Ngân hàng Nhà
nước chi nhánh/Sở Giao dịch...) đã phát hiện tiền thật như sau:
Số TT
|
Loại tiền
|
Số lượng (tờ)
|
Giá trị
|
Seri (*)
|
Ghi chú
|
1
|
500.000đ
|
|
|
|
|
2
|
200.000đ
|
|
|
|
|
….
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng
|
|
|
|
|
Biên bản được lập thành 03 bản, bên giao giữ 01 bản,
bên nhận giữ 02 bản./.
ĐẠI DIỆN BÊN GIAO
|
ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN
|
Ghi chú:
- Bên nhận lập biên bản.
- Tùy trường hợp, có thể bổ sung các thành phần
liên quan của bên giao và bên nhận.
- (*): Ghi đầy đủ seri của từng tờ tiền thật, ví
dụ: AB12345678.