ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Pháp lệnh số: 05/2024/UBTVQH15
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 12 năm 2024
|
PHÁP LỆNH
CHI
PHÍ TỐ TỤNG
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13
đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 02/2021/QH15, Luật số
34/2024/QH15 và Luật số 59/2024/QH15;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 đã
được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2019/QH14, Luật số
59/2020/QH14, Luật số 13/2022/QH15, Luật số 19/2023/QH15 và Luật số
34/2024/QH15;
Căn cứ Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13
đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 55/2019/QH14 và Luật số
34/2024/QH15;
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số
34/2024/QH15;
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Chi
phí tố tụng.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Pháp lệnh này quy định về một số chi phí tố tụng;
tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng;
kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ
luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Việc xác định chi phí, tạm ứng chi phí, trách nhiệm
chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí, kinh phí chi trả chi phí trong quá trình Tòa án
nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18
tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp
xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này.
2. Án phí, lệ phí Tòa án không thuộc phạm vi điều
chỉnh của Pháp lệnh này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Chi phí tố tụng là khoản tiền cần thiết
và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện hoạt động tố tụng do cơ quan có thẩm
quyền xác định căn cứ vào quy định của Pháp lệnh này và quy định khác của pháp
luật có liên quan.
2. Chi phí thù lao là khoản tiền chi trả cho
người tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ, bào chữa viên nhân dân, người
làm chứng, người chứng kiến, người định giá tài sản, đại diện tổ chức thực hiện
giám định, cá nhân thực hiện giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, người
khác tham gia phiên tòa quy định tại Điều 314 của Bộ luật Tố tụng
hình sự khi tham gia hoạt động tố tụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng.
3. Chi phí đi lại, chi phí thuê phòng nghỉ, phụ
cấp lưu trú là khoản tiền chi trả cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng,
người tham gia tố tụng, người được mời tham gia tố tụng theo quy định của pháp
luật về nội dung chi và mức chi về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối
với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Chi phí khác là chi phí liên quan và phục
vụ trực tiếp cho hoạt động tố tụng, phù hợp với tính chất, nội dung của vụ việc,
vụ án, được xác định theo thực tế phát sinh trên cơ sở hợp đồng (nếu có), hóa
đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
5. Tiền tạm ứng là số tiền do cơ quan, tổ chức,
cá nhân quy định tại Pháp lệnh này tạm tính để tiến hành hoạt động tố tụng theo
yêu cầu, trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 3. Chi phí tố tụng
Chi phí tố tụng trong Pháp lệnh này bao gồm:
1. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí xem
xét tại chỗ;
2. Chi phí định giá tài sản;
3. Chi phí giám định;
4. Chi phí cho Hội thẩm;
5. Chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào
chữa viên nhân dân;
6. Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến;
7. Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật;
8. Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài;
9. Chi phí tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết
vụ việc, vụ án.
Điều 4. Định mức chi phí tố tụng
1. Mức chi phí thù lao cho người tham gia hoạt động
tố tụng và phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm được quy định tại Danh mục một số
chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
2. Mức chi cho các chi phí ngoài quy định tại khoản
1 Điều này được xác định như sau:
a) Đối với chi phí đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức
chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì mức chi căn cứ theo chế độ,
tiêu chuẩn, định mức đó;
b) Đối với chi phí sử dụng dịch vụ, chi phí thu thập,
phân tích thông tin, chi phí vật tư tiêu hao và chi phí khác thì mức chi căn cứ
theo thực tế phát sinh trên cơ sở hợp đồng (nếu có), hóa đơn và chứng từ theo
quy định của pháp luật.
Điều 5. Nguyên tắc thu, nộp chi
phí tố tụng
Chi phí tố tụng phải được thu, nộp theo quy định của
Pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 6. Nguyên tắc miễn, giảm
tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định;
miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng
dân sự, tố tụng hành chính
1. Việc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm
định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm
định tại chỗ, chi phí giám định áp dụng đối với người quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Pháp lệnh này có yêu cầu xem xét, thẩm định
tại chỗ, yêu cầu giám định được Tòa án chấp nhận và chỉ miễn, giảm đối với việc
xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định do cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ
chức giám định tư pháp công lập thực hiện.
2. Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu
toàn bộ hoặc một phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định phải
nộp mà bên chịu toàn bộ hoặc một phần chi phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn,
giảm nộp thì Tòa án chỉ xem xét miễn, giảm đối với phần mà người thuộc trường hợp
được miễn, giảm phải chịu theo quy định của Pháp lệnh này. Phần chi phí mà người
đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn, giảm nộp.
3. Trường hợp được miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí
xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn, giảm chi phí
xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định thì cơ quan tiến hành xem xét, thẩm
định tại chỗ, cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm thanh toán số tiền đã
miễn, giảm.
Điều 7. Người được miễn tiền tạm
ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn
chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố
tụng hành chính
1. Trẻ em.
2. Cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
3. Người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã
hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
4. Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ
xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
5. Người có công với cách mạng.
6. Người dân tộc thiểu số cư trú ở các thôn, xã có
điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
7. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi của
liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ.
8. Người nhiễm chất độc da cam.
Điều 8. Người được giảm tiền tạm
ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; giảm
chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố
tụng hành chính
1. Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có
đủ tài sản để nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng
chi phí giám định; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định có xác
nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn
vị hành chính cấp xã nơi người đó cư trú thì được giảm tiền tạm ứng chi phí xem
xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; chi phí xem xét, thẩm định
tại chỗ, chi phí giám định.
2. Người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều
này vẫn phải chịu toàn bộ chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định
khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có căn cứ chứng minh họ không phải là người gặp
sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có tài sản để nộp;
b) Theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của
Tòa án thì họ có tài sản để nộp toàn bộ tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ,
chi phí giám định mà họ phải chịu.
Điều 9. Thủ tục đề nghị miễn,
giảm tiền tạm ứng, miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám
định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng
chi phí giám định, người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng là người được miễn, giảm
quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Pháp lệnh này phải có đơn
đề nghị miễn, giảm tiền tạm ứng, miễn, giảm chi phí gửi Tòa án kèm theo các tài
liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.
2. Đơn đề nghị miễn, giảm tiền tạm ứng, miễn, giảm
chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định phải có các nội dung
chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
c) Đối tượng xem xét, thẩm định tại chỗ; đối tượng
trưng cầu giám định;
d) Lý do, căn cứ đề nghị miễn, giảm.
Điều 10. Thẩm quyền quyết định
miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi
phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
1. Đối với vụ án dân sự, vụ án hành chính, thẩm quyền
quyết định việc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền
tạm ứng chi phí giám định được thực hiện như sau:
a) Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công
giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị và quyết định việc miễn, giảm tiền
tạm ứng chi phí trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề
nghị. Trường hợp chấp nhận đề nghị miễn, giảm của đương sự thì Tòa án ra thông
báo bằng văn bản nêu rõ số tiền được miễn, giảm. Trường hợp không chấp nhận thì
trong thông báo phải nêu rõ lý do. Thông báo này phải được gửi cho người đề nghị,
cơ quan, tổ chức thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định trong thời
hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra thông báo;
b) Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xét
đơn đề nghị và quyết định việc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí. Trường hợp chấp
nhận đề nghị miễn, giảm của đương sự thì Tòa án ra thông báo bằng văn bản nêu
rõ số tiền được miễn, giảm. Trường hợp không chấp nhận thì trong thông báo phải
nêu rõ lý do. Thông báo của Hội đồng xét xử được công bố tại phiên tòa và được
gửi cho người đề nghị, cơ quan, tổ chức thực hiện việc xem xét, thẩm định tại
chỗ, giám định trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra thông báo.
2. Đối với việc dân sự, Thẩm phán được phân công giải
quyết có thẩm quyền xét đơn đề nghị và quyết định việc miễn, giảm tiền tạm ứng
chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định trong thời hạn
05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị. Trường hợp chấp nhận đề nghị
miễn, giảm của đương sự thì Tòa án ra thông báo bằng văn bản nêu rõ số tiền được
miễn, giảm. Trường hợp không chấp nhận thì trong thông báo phải nêu rõ lý do.
Thông báo này phải được gửi cho người đề nghị, cơ quan, tổ chức thực hiện việc
xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ
ngày ra thông báo.
Điều 11. Thẩm quyền quyết định
miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng
dân sự, tố tụng hành chính
1. Đối với vụ án dân sự, vụ án hành chính, thẩm quyền
quyết định miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định được
thực hiện như sau:
a) Trường hợp vụ án được giải quyết mà không phải mở
phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền quyết định
việc miễn, giảm chi phí;
b) Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền quyết
định việc miễn, giảm chi phí.
2. Đối với việc dân sự, Thẩm phán được phân công giải
quyết việc dân sự có thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm
định tại chỗ, chi phí giám định.
3. Việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại
chỗ, chi phí giám định phải được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
4. Trích lục bản án, quyết định của Tòa án có nội
dung miễn, giảm hoặc không miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi
phí giám định phải được gửi cho người đề nghị, cơ quan, tổ chức thực hiện việc
xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ
ngày ra bản án, quyết định.
Điều 12. Mức giảm tiền tạm ứng
chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; mức giảm
chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố
tụng hành chính
Mức tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ,
tiền tạm ứng chi phí giám định; mức chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, mức chi
phí giám định được giảm cho người quy định tại khoản 1 Điều 8 của
Pháp lệnh này không vượt quá 50% tiền tạm ứng, chi phí mà người đó phải nộp.
Điều 13. Giải quyết khiếu nại,
tố cáo về chi phí tố tụng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến
Chánh án Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được thông báo của Tòa án có thẩm quyền về nộp tiền tạm ứng chi
phí tố tụng và việc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí, miễn, giảm chi phí xem
xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định.
Chánh án Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc phải xem
xét giải quyết khiếu nại trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
đơn khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc là quyết
định cuối cùng.
2. Khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại về nghĩa
vụ nộp chi phí tố tụng trong bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện theo
quy định của pháp luật về tố tụng.
3. Tố cáo và việc giải quyết tố cáo về chi phí tố tụng
được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Chương II
CHI PHÍ XEM XÉT, THẨM ĐỊNH
TẠI CHỖ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH; CHI PHÍ XEM XÉT TẠI CHỖ TRONG
TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Mục 1. CHI PHÍ XEM XÉT, THẨM ĐỊNH
TẠI CHỖ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Điều 14. Xác định chi phí xem
xét, thẩm định tại chỗ
Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ bao gồm một hoặc
một số chi phí sau đây:
1. Chi phí cho người được mời tham gia xem xét, thẩm
định tại chỗ bao gồm:
a) Chi phí thù lao được quy định tại Danh mục một số
chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này;
b) Chi phí đi lại;
c) Chi phí thuê phòng nghỉ;
d) Phụ cấp lưu trú;
2. Chi phí sử dụng dịch vụ;
3. Chi phí khác.
Điều 15. Chi phí sử dụng dịch
vụ
Chi phí sử dụng dịch vụ được áp dụng trong trường hợp
cần thiết phải sử dụng đơn vị, tổ chức có chức năng chuyên môn thực hiện việc
đo đạc, lồng ghép bản đồ và chi phí sử dụng dịch vụ thuê ngoài khác nhằm phục vụ
trực tiếp cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ.
Điều 16. Nghĩa vụ nộp tiền tạm
ứng, nghĩa vụ chịu chi phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định
tại chỗ
1. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi phí,
việc xử lý tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong quá trình giải
quyết vụ việc dân sự được thực hiện theo quy định tại các điều
156, 157 và 158 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi
phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong quá trình
giải quyết vụ án hành chính được thực hiện theo quy định tại các điều
357, 358 và 359 của Luật Tố tụng hành chính.
Điều 17. Thủ tục nộp tiền tạm ứng
chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc xét thấy cần thiết phải xem xét,
thẩm định tại chỗ, Tòa án xác định số tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại
chỗ và thông báo cho người có nghĩa vụ để nộp cho Tòa án tiền tạm ứng; thông
báo phải nêu rõ số tiền, thời hạn và phương thức nộp tiền.
2. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được
thông báo của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc trong thời hạn 05
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo chấp nhận hoặc không chấp nhận đề
nghị miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, người có nghĩa
vụ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, trừ trường hợp các
bên đương sự có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Hết thời hạn
này, người có nghĩa vụ không nộp tiền tạm ứng chi phí thì Tòa án giải quyết vụ
việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Mục 2. CHI PHÍ XEM XÉT TẠI CHỖ
TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 18. Xác định chi phí xem
xét tại chỗ
Chi phí xem xét tại chỗ bao gồm một hoặc một số chi
phí sau đây:
1. Chi phí xem xét tại chỗ cho người khác tham gia
phiên tòa quy định tại Điều 314 của Bộ luật Tố tụng hình sự
bao gồm:
a) Chi phí thù lao được quy định tại Danh mục một số
chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này;
b) Chi phí đi lại;
c) Chi phí thuê phòng nghỉ;
d) Phụ cấp lưu trú;
2. Chi phí xem xét tại chỗ cho người tiến hành xem
xét tại chỗ bao gồm:
a) Chi phí đi lại;
b) Chi phí thuê phòng nghỉ;
c) Phụ cấp lưu trú;
3. Chi phí sử dụng dịch vụ;
4. Chi phí khác.
Điều 19. Chi phí sử dụng dịch
vụ
Chi phí sử dụng dịch vụ được áp dụng trong trường hợp
cần thiết phải sử dụng đơn vị, tổ chức có chức năng chuyên môn thực hiện và chi
phí sử dụng dịch vụ thuê ngoài khác nhằm phục vụ trực tiếp cho việc xem xét tại
chỗ.
Điều 20. Trách nhiệm chi trả
chi phí xem xét tại chỗ
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành
việc xem xét tại chỗ có trách nhiệm chi trả chi phí xem xét tại chỗ.
Chương III
CHI PHÍ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Mục 1. CHI PHÍ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Điều 21. Xác định chi phí định
giá tài sản trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
Chi phí định giá tài sản bao gồm một hoặc một số
chi phí sau đây:
1. Chi phí cho thành viên Hội đồng định giá bao gồm:
a) Chi phí thù lao được quy định tại Danh mục một số
chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này;
b) Chi phí đi lại;
c) Chi phí thuê phòng nghỉ;
d) Phụ cấp lưu trú;
2. Chi phí thu thập, phân tích thông tin về đối tượng
cần định giá;
3. Chi phí vật tư tiêu hao;
4. Chi phí sử dụng dịch vụ;
5. Chi phí khác.
Điều 22. Chi phí thu thập,
phân tích thông tin về đối tượng định giá
Chi phí thu thập, phân tích thông tin về đối tượng
định giá bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
1. Chi phí xác định tổng quát về tài sản định giá;
2. Chi phí lập kế hoạch định giá tài sản;
3. Chi phí khảo sát thực tế, thu thập thông tin
liên quan đến tài sản định giá;
4. Chi phí phân tích thông tin liên quan đến tài sản
định giá.
Điều 23. Chi phí vật tư tiêu
hao
Hội đồng định giá trong quá trình thực hiện định
giá nếu có sử dụng vật tư thì được xác định chi phí vật tư tiêu hao. Chi phí vật
tư tiêu hao được xác định căn cứ vào khối lượng công việc định giá, quy định đối
với từng đối tượng định giá, định mức phù hợp với lĩnh vực định giá.
Trường hợp chưa có quy định của pháp luật về định mức
vật tư tiêu hao, Hội đồng định giá căn cứ vào các quy định có liên quan và điều
kiện sử dụng vật tư phục vụ định giá để xác định chi phí. Hội đồng định giá phải
chịu trách nhiệm về sự phù hợp của chi phí vật tư tiêu hao đã xác định và thông
báo cho cơ quan tiến hành tố tụng đã yêu cầu định giá tài sản khi thực hiện thủ
tục quy định tại khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh này.
Điều 24. Chi phí sử dụng dịch
vụ
Chi phí sử dụng dịch vụ được áp dụng trong trường hợp
cần thiết phải sử dụng ý kiến chuyên môn của chuyên gia, dịch vụ tư vấn của
doanh nghiệp thẩm định giá hoặc đơn vị tư vấn khác làm cơ sở tham khảo cho hoạt
động định giá tài sản và chi phí sử dụng dịch vụ thuê ngoài khác nhằm phục vụ
trực tiếp cho việc định giá tài sản.
Điều 25. Nghĩa vụ nộp tiền tạm
ứng, nghĩa vụ chịu chi phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản
1. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi
phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản trong giải quyết vụ việc
dân sự được thực hiện theo quy định tại các điều 164, 165 và 166
của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi
phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản trong giải quyết vụ án
hành chính được thực hiện theo quy định tại các điều 365, 366 và
367 của Luật Tố tụng hành chính.
Điều 26. Thủ tục nộp tiền tạm ứng
chi phí định giá tài sản
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được
thành lập, Hội đồng định giá phải thông báo cho Tòa án về số tiền, thời hạn và
phương thức nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được thông báo của Hội đồng định giá, Tòa án có trách nhiệm thông báo cho người
có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.
3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được
thông báo của Tòa án, người có nghĩa vụ phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá
tài sản, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có
quy định khác.
4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu
tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, Tòa án phải chuyển số tiền đó cho Hội đồng
định giá. Hội đồng định giá phải cấp biên nhận tiền tạm ứng chi phí định giá
tài sản cho Tòa án.
Điều 27. Chi phí định giá lại
Việc xác định chi phí, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng,
nghĩa vụ chịu chi phí, việc xử lý tiền tạm ứng, thủ tục nộp tiền tạm ứng chi
phí định giá lại được thực hiện theo quy định tại Mục này.
Mục 2. CHI PHÍ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 28. Xác định chi phí định
giá tài sản trong tố tụng hình sự
Chi phí định giá tài sản được xác định theo quy định
tại các điều 21, 22, 23 và 24 của Pháp lệnh này.
Điều 29. Trách nhiệm nộp tiền
tạm ứng chi phí định giá tài sản
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu
định giá tài sản có trách nhiệm nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.
Điều 30. Thủ tục nộp tiền tạm ứng
chi phí định giá tài sản
1. Hội đồng định giá xác định và thông báo cho cơ
quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu định giá tài sản về số tiền, thời
hạn và phương thức nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu
định giá tài sản có trách nhiệm nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản theo
thông báo của Hội đồng định giá.
Điều 31. Trách nhiệm chi trả
chi phí định giá tài sản
Trách nhiệm chi trả chi phí định giá tài sản cho Hội
đồng định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và
pháp luật về định giá tài sản.
Điều 32. Chi phí định giá lại
Việc xác định chi phí, trách nhiệm nộp tiền tạm ứng,
thủ tục nộp tiền tạm ứng, trách nhiệm chi trả chi phí định giá lại được thực hiện
theo quy định tại Mục này.
Chương IV
CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH
Mục 1. CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH TRONG
TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Điều 33. Xác định chi phí giám
định
Chi phí giám định bao gồm một hoặc một số chi phí
sau đây:
1. Chi phí cho tổ chức, người thực hiện giám định
bao gồm:
a) Chi phí tiền lương, thù lao;
b) Chi phí đi lại;
c) Chi phí thuê phòng nghỉ;
d) Phụ cấp lưu trú;
2. Chi phí hao mòn, khấu hao máy móc, phương tiện,
thiết bị;
3. Chi phí vật tư tiêu hao;
4. Chi phí sử dụng dịch vụ;
5. Chi phí khác.
Điều 34. Chi phí tiền lương,
thù lao cho tổ chức, người thực hiện giám định
1. Tổ chức thực hiện giám định, căn cứ vào nội dung
yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định
và các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương áp dụng đối với cơ quan, tổ
chức mình, xác định chi phí tiền lương làm cơ sở thông báo cho cơ quan tiến
hành tố tụng.
2. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp
theo vụ việc không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, căn cứ vào nội dung yêu cầu
giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và tiền
lương, thu nhập thực tế của mình xác định mức thù lao hợp lý và thông báo cho
cơ quan tiến hành tố tụng.
3. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp
theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, căn cứ quy định của pháp luật về
chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, xác định thù lao giám định tư pháp và thông
báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Điều 35. Chi phí hao mòn, khấu
hao máy móc, phương tiện, thiết bị và chi phí vật tư tiêu hao
1. Tổ chức, người thực hiện giám định khi thực hiện
giám định nếu phải sử dụng máy móc, phương tiện, thiết bị, vật tư thì được xác
định chi phí hao mòn, khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị và chi phí vật tư
tiêu hao.
2. Chi phí hao mòn, khấu hao máy móc, phương tiện,
thiết bị và chi phí vật tư tiêu hao được xác định căn cứ vào khối lượng công việc,
quy trình thực hiện giám định, tiêu chuẩn, định mức phù hợp với lĩnh vực giám định.
Trường hợp chưa có quy định của pháp luật về định mức
hao mòn, khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị, vật tư tiêu hao, tổ chức, người
thực hiện giám định căn cứ vào các quy định có liên quan và điều kiện sử dụng
máy móc, phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ giám định để xác định chi phí. Tổ
chức, người thực hiện giám định phải chịu trách nhiệm về sự phù hợp của chi phí
hao mòn, khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị, chi phí vật tư tiêu hao đã
xác định và thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định trưng cầu
giám định khi thực hiện thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 38 của
Pháp lệnh này.
Điều 36. Chi phí sử dụng dịch
vụ
Chi phí sử dụng dịch vụ được áp dụng trong trường hợp
cần thiết phải sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận
chuyên môn, dịch vụ bảo quản do cá nhân, tổ chức khác thực hiện và chi phí sử dụng
dịch vụ thuê ngoài khác nhằm phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện giám định.
Điều 37. Nghĩa vụ nộp tiền tạm
ứng, nghĩa vụ chịu chi phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định
1. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi
phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định trong giải quyết vụ việc dân sự
được thực hiện theo quy định tại các điều 160, 161 và 162 của Bộ
luật Tố tụng dân sự.
2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi
phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định trong giải quyết vụ án hành
chính được thực hiện theo quy định tại các điều 361, 362 và 363
của Luật Tố tụng hành chính.
Điều 38. Thủ tục nộp tiền tạm ứng
chi phí giám định
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được quyết định trưng cầu giám định của Tòa án, tổ chức, người thực hiện giám định
phải thông báo cho Tòa án về số tiền, thời hạn và phương thức nộp tiền tạm ứng
chi phí giám định.
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được thông báo của tổ chức, người thực hiện giám định, Tòa án có trách nhiệm
thông báo cho người có nghĩa vụ để nộp cho Tòa án tiền tạm ứng chi phí giám định.
3. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được
thông báo của Tòa án hoặc trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
quyết định không chấp nhận đề nghị miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí giám định hoặc
quyết định giảm tiền tạm ứng chi phí giám định, người có nghĩa vụ phải nộp cho
Tòa án tiền tạm ứng chi phí giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác.
4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thu
tiền tạm ứng chi phí giám định, Tòa án phải chuyển số tiền đó cho tổ chức, người
thực hiện giám định. Tổ chức, người thực hiện giám định phải cấp hóa đơn hoặc
biên nhận tiền tạm ứng chi phí giám định cho Tòa án.
Điều 39. Chi phí giám định bổ
sung, giám định lại
Việc xác định chi phí, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng,
nghĩa vụ chịu chi phí, việc xử lý tiền tạm ứng, thủ tục nộp tiền tạm ứng chi
phí giám định bổ sung, giám định lại được thực hiện theo quy định tại Mục này.
Điều 40. Trách nhiệm quy định
cách tính và nguyên tắc tính chi phí giám định
Các Bộ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền
quản lý tổ chức giám định tư pháp công lập quy định cách tính, nguyên tắc tính
chi phí giám định, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) trong
lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý.
Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ chỉ đạo các Bộ,
cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quản lý chuyên môn lĩnh vực giám định quy định
cách tính, nguyên tắc tính chi phí giám định, định mức kinh tế - kỹ thuật, định
mức chi phí (nếu có) trong lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý.
Mục 2. CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH TRONG
TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 41. Xác định chi phí giám
định
Việc xác định chi phí giám định được thực hiện theo
quy định tại các điều 33, 34, 35, 36 và 40 của Pháp lệnh này.
Điều 42. Trách nhiệm nộp tiền
tạm ứng chi phí giám định
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định
trưng cầu giám định có trách nhiệm nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
Điều 43. Trách nhiệm chi trả
chi phí giám định
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết
định trưng cầu giám định có trách nhiệm chi trả chi phí giám định, trừ trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của
người bị hại, nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ
theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự
thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không phải chịu chi phí giám định;
người bị hại yêu cầu khởi tố phải hoàn trả cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành
tố tụng chi phí giám định đã nộp.
3. Trường hợp nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người
có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự yêu cầu giám định thì
người đã yêu cầu phải chịu chi phí giám định.
Điều 44. Thủ tục nộp tiền tạm ứng
chi phí giám định
1. Tổ chức, người thực hiện giám định xác định và
thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã ra quyết định trưng cầu
giám định về số tiền, thời hạn và phương thức nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã ra
quyết định trưng cầu giám định có trách nhiệm nộp tiền tạm ứng chi phí giám định
theo thông báo của tổ chức, người thực hiện giám định.
Điều 45. Chi phí giám định bổ
sung, giám định lại
Việc xác định chi phí, trách nhiệm nộp tiền tạm ứng,
thủ tục nộp tiền tạm ứng, trách nhiệm chi trả chi phí giám định bổ sung, giám định
lại được thực hiện theo quy định tại Mục này.
Chương V
CHI PHÍ CHO HỘI THẨM
Điều 46. Xác định chi phí cho
Hội thẩm
Chi phí cho Hội thẩm bao gồm một hoặc một số chi
phí sau đây:
1. Phụ cấp xét xử;
2. Chi phí đi lại;
3. Chi phí thuê phòng nghỉ;
4. Phụ cấp lưu trú;
5. Chi phí khác.
Điều 47. Phụ cấp xét xử
1. Phụ cấp xét xử là khoản tiền được chi trả cho Hội
thẩm khi thực hiện nhiệm vụ xét xử.
2. Phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm tính theo ngày
thực tế tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ, được Tòa án ra quyết định đưa vụ
án ra xét xử xác nhận.
3. Mức phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm được quy định
tại Danh mục một số chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
Điều 48. Trách nhiệm chi trả
chi phí cho Hội thẩm
Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử có trách
nhiệm chi trả chi phí cho Hội thẩm.
Chương VI
CHI PHÍ CHO LUẬT SƯ, TRỢ
GIÚP VIÊN PHÁP LÝ, BÀO CHỮA VIÊN NHÂN DÂN TRONG TRƯỜNG HỢP CHỈ ĐỊNH NGƯỜI BÀO
CHỮA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 49. Xác định chi phí cho
luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân trong trường hợp chỉ định
người bào chữa
1. Chi phí cho người bào chữa là luật sư do tổ chức
hành nghề luật sư cử được xác định theo quy định của pháp luật về luật sư; chi
phí cho người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý, luật sư do Trung tâm trợ giúp
pháp lý nhà nước cử được xác định theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp
lý.
2. Chi phí cho bào chữa viên nhân dân bao gồm một
hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí thù lao được quy định tại Danh mục một số
chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này;
b) Chi phí đi lại;
c) Chi phí thuê phòng nghỉ;
d) Phụ cấp lưu trú;
đ) Chi phí khác.
Điều 50. Trách nhiệm chi trả
chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân trong trường
hợp chỉ định người bào chữa
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định
người bào chữa có trách nhiệm chi trả chi phí cho người bào chữa là luật sư do
tổ chức hành nghề luật sư cử, bào chữa viên nhân dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử.
2. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm
chi trả chi phí cho người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa
trong trường hợp Trung tâm này cử người bào chữa.
Chương VII
CHI PHÍ CHO NGƯỜI LÀM CHỨNG,
NGƯỜI CHỨNG KIẾN
Mục 1. CHI PHÍ CHO NGƯỜI LÀM
CHỨNG TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Điều 51. Xác định chi phí cho
người làm chứng
Chi phí cho người làm chứng do Tòa án triệu tập bao
gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
1. Chi phí thù lao được quy định tại Danh mục một số
chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này;
2. Chi phí đi lại;
3. Chi phí thuê phòng nghỉ;
4. Phụ cấp lưu trú;
5. Chi phí khác.
Điều 52. Nghĩa vụ nộp tiền tạm
ứng chi phí cho người làm chứng
1. Người đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng
có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí cho người làm chứng.
2. Mức tiền tạm ứng chi phí cho người làm chứng được
tính bằng mức chi phí cho người làm chứng quy định tại Điều 51 của
Pháp lệnh này.
Điều 53. Thủ tục nộp tiền tạm ứng
chi phí cho người làm chứng
1. Người đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng
có nghĩa vụ cung cấp thông tin về số lượng người làm chứng, nơi làm việc, nơi
cư trú của họ và các thông tin cần thiết khác làm cơ sở để Tòa án xác định mức
tiền tạm ứng chi phí cho người làm chứng.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được đề nghị triệu tập người làm chứng, Tòa án xác định số tiền tạm ứng chi phí
cho người làm chứng và thông báo cho người đề nghị để nộp cho Tòa án tiền tạm ứng
chi phí, thông báo phải nêu rõ số tiền, thời hạn và phương thức nộp tiền.
3. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được
thông báo của Tòa án, người đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng phải nộp
tiền tạm ứng chi phí cho người làm chứng.
Điều 54. Nghĩa vụ chịu chi phí
cho người làm chứng
1. Nghĩa vụ chịu chi phí cho người làm chứng trong
giải quyết vụ việc dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều
167 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Nghĩa vụ chịu chi phí cho người làm chứng trong
giải quyết vụ án hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều
368 của Luật Tố tụng hành chính.
Điều 55. Xử lý tiền tạm ứng
chi phí cho người làm chứng
Trường hợp số tiền tạm ứng chi phí đã nộp chưa đủ để
chi trả chi phí cho người làm chứng thì người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi
phí phải nộp thêm phần tiền còn thiếu; nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi
phí chi trả cho người làm chứng thì phần tiền chênh lệch được trả lại cho người
đã nộp tiền tạm ứng. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí cho người làm
chứng không có nghĩa vụ phải chịu chi phí theo quy định tại Điều
54 của Pháp lệnh này thì được hoàn trả số tiền đã nộp.
Mục 2. CHI PHÍ CHO NGƯỜI LÀM
CHỨNG, NGƯỜI CHỨNG KIẾN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 56. Xác định chi phí cho
người làm chứng, người chứng kiến
Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến do cơ
quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập bao gồm một hoặc một số chi phí
sau đây:
1. Chi phí thù lao được quy định tại Danh mục một số
chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này;
2. Chi phí đi lại;
3. Chi phí thuê phòng nghỉ;
4. Phụ cấp lưu trú;
5. Chi phí khác.
Điều 57. Trách nhiệm chi trả
chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập
người làm chứng, người chứng kiến có trách nhiệm chi trả chi phí cho người làm
chứng, người chứng kiến.
Chương VIII
CHI PHÍ CHO NGƯỜI PHIÊN
DỊCH, NGƯỜI DỊCH THUẬT
Mục 1. CHI PHÍ CHO NGƯỜI PHIÊN
DỊCH TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Điều 58. Xác định chi phí cho
người phiên dịch
Chi phí cho người phiên dịch bao gồm một hoặc một số
chi phí sau đây:
1. Chi phí tiền công;
2. Chi phí đi lại;
3. Chi phí thuê phòng nghỉ;
4. Phụ cấp lưu trú;
5. Chi phí khác.
Điều 59. Chi phí tiền công cho
người phiên dịch
1. Mức chi phí tiền công cho người phiên dịch dịch
nói và dịch tài liệu bằng tiếng nước ngoài được thực hiện như mức chi dịch thuật
theo quy định của pháp luật về chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt
Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp
khách trong nước.
2. Mức chi phí tiền công cho người phiên dịch dịch
nói và dịch tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số thực hiện như mức chi phiên dịch
tiếng dân tộc theo quy định của pháp luật về mức chi phiên dịch tiếng dân tộc
thiểu số, mức chi biên dịch tiếng dân tộc tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật
bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Mức chi phí tiền công đối với người phiên dịch
cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật nghe, nói được thực hiện như mức
chi đối với người phiên dịch quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 60. Nghĩa vụ chịu chi phí
cho người phiên dịch
1. Nghĩa vụ chịu chi phí cho người phiên dịch trong
giải quyết vụ việc dân sự được thực hiện theo quy định tại các khoản
1, 3 và 4 Điều 168 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Nghĩa vụ chịu chi phí cho người phiên dịch trong
giải quyết vụ án hành chính được thực hiện theo quy định tại các khoản
1, 3 và 4 Điều 369 của Luật Tố tụng hành chính.
Mục 2. CHI PHÍ CHO NGƯỜI PHIÊN
DỊCH, NGƯỜI DỊCH THUẬT TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 61. Xác định chi phí cho
người phiên dịch, người dịch thuật
Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật được
thực hiện theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 của Pháp lệnh
này.
Điều 62. Trách nhiệm chi trả
chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu người
phiên dịch, người dịch thuật có trách nhiệm chi trả chi phí cho người phiên dịch,
người dịch thuật.
Chương IX
CHI PHÍ ỦY THÁC TƯ PHÁP
RA NƯỚC NGOÀI
Mục 1. CHI PHÍ ỦY THÁC TƯ PHÁP
RA NƯỚC NGOÀI TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH THEO PHÁP LUẬT VỀ TƯƠNG
TRỢ TƯ PHÁP
Điều 63. Xác định chi phí ủy
thác tư pháp ra nước ngoài
1. Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài bao gồm một
hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí dịch thuật, công chứng, chứng thực hồ sơ
ủy thác tư pháp, thông báo kết quả thực hiện của nước được ủy thác tư pháp;
b) Chi phí tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp ở nước
ngoài;
c) Chi phí thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước
ngoài;
d) Chi phí theo quy định của pháp luật Việt Nam và
pháp luật của quốc gia liên quan (nếu có) ngoài chi phí quy định tại các điểm
a, b và c khoản này.
2. Việc xác định chi phí quy định tại khoản 1 Điều
này được thực hiện theo pháp luật về tương trợ tư pháp.
Điều 64. Nghĩa vụ nộp tiền tạm
ứng, nghĩa vụ chịu chi phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra
nước ngoài
1. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi
phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài trong tố tụng
dân sự được thực hiện theo quy định tại các điều 152, 153 và
154 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi
phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài trong tố tụng
hành chính được thực hiện theo quy định tại các điều 353, 354
và 355 của Luật Tố tụng hành chính.
Mục 2. CHI PHÍ ỦY THÁC TƯ PHÁP
RA NƯỚC NGOÀI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ THEO PHÁP LUẬT VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
Điều 65. Xác định chi phí ủy
thác tư pháp ra nước ngoài
1. Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài bao gồm một
hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí xử lý hồ sơ ủy thác tư pháp;
b) Chi phí dịch thuật;
c) Chi phí triệu tập người làm chứng, người giám định;
d) Chi phí tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp ở nước
ngoài;
đ) Chi phí chuyển phát tài liệu, hồ sơ tương trợ tư
pháp ra nước ngoài;
e) Chi phí thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước
ngoài;
g) Chi phí ủy thác tư pháp khác (nếu có) theo quy định
của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia liên quan.
2. Việc xác định chi phí quy định tại khoản 1 Điều
này được thực hiện theo pháp luật về tương trợ tư pháp.
Điều 66. Trách nhiệm chi trả
chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài
1. Trách nhiệm chi trả chi phí ủy thác tư pháp ra
nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
2. Trường hợp Việt Nam và nước ngoài cùng là thành
viên của điều ước quốc tế thì chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài được thực
hiện theo điều ước quốc tế đó.
3. Trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa cùng là
thành viên của điều ước quốc tế thì việc chi trả chi phí ủy thác tư pháp ra nước
ngoài được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Mục 3. CHI PHÍ TỐNG ĐẠT, THÔNG
BÁO VĂN BẢN TỐ TỤNG RA NƯỚC NGOÀI TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
THÔNG QUA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 67. Xác định chi phí tống
đạt, thông báo văn bản tố tụng
Chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thông
qua Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài bao gồm
một hoặc một số chi phí sau đây:
1. Chi phí sao chụp văn bản tố tụng;
2. Chi phí cước dịch vụ bưu chính ở trong nước;
3. Chi phí cước dịch vụ bưu chính ở nước ngoài;
4. Chi phí dịch thuật;
5. Chi phí chứng thực;
6. Chi phí khác.
Điều 68. Nghĩa vụ nộp tiền tạm
ứng, nghĩa vụ chịu chi phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo
văn bản tố tụng
1. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi
phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng ra nước
ngoài trong tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định tại các điều
152, 153 và 154 của Bộ luật Tố tụng dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản
3 Điều này.
2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu chi
phí, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng ra nước
ngoài trong tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định tại các điều 353, 354 và 355 của Luật Tố tụng hành chính.
3. Nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt, thông báo văn bản
tố tụng ra nước ngoài đối với yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công
nhận tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, công nhận và
cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài được thực hiện theo quy định tại
khoản 2 Điều 430 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
4. Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các yêu cầu tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
của Tòa án được sử dụng kinh phí chi thường xuyên để tạm ứng chi phí cước dịch
vụ bưu chính ở nước ngoài.
5. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ
Ngoại giao quy định chi tiết thủ tục thu, nộp tiền tạm ứng, chi phí tống đạt,
thông báo văn bản tố tụng thông qua Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Chương X
CHI PHÍ THAM GIA PHIÊN
TÒA, PHIÊN HỌP GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC, VỤ ÁN
Điều 69. Xác định chi phí tham
gia phiên tòa, phiên họp
1. Chi phí tham gia phiên tòa, phiên họp cho người
định giá tài sản, đại diện tổ chức thực hiện giám định, cá nhân thực hiện giám
định, người phiên dịch, người dịch thuật, người khác tham gia phiên tòa quy định
tại Điều 314 của Bộ luật Tố tụng hình sự bao gồm một hoặc một
số chi phí sau đây:
a) Chi phí thù lao được quy định tại Danh mục một số
chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này;
b) Chi phí đi lại;
c) Chi phí thuê phòng nghỉ;
d) Phụ cấp lưu trú;
đ) Chi phí khác.
2. Người phiên dịch dịch nói trong tố tụng dân sự và
tố tụng hành chính đã được hưởng tiền công phiên dịch theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 của Pháp lệnh này thì không được hưởng chi
phí thù lao tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 70. Trách nhiệm chi trả
chi phí tham gia phiên tòa, phiên họp
Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc mở
phiên họp giải quyết việc dân sự có trách nhiệm chi trả chi phí tham gia phiên
tòa, phiên họp.
Chương XI
KINH PHÍ CHI TRẢ CHI
PHÍ TỐ TỤNG
Điều 71. Nguồn kinh phí chi trả
1. Kinh phí chi trả chi phí tố tụng mà cơ quan có
thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm chi trả
theo quy định của Pháp lệnh này được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo quy định
của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên
quan.
2. Kinh phí chi trả chi phí cho Hội thẩm được bố
trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Tòa án theo quy định của pháp
luật về ngân sách nhà nước.
Điều 72. Dự toán, thanh toán
kinh phí chi trả chi phí tố tụng
1. Hằng năm, căn cứ chi phí tố tụng thực tế đã chi
của năm trước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên
quan có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi trả chi phí tố tụng để tổng hợp
vào dự toán ngân sách cấp mình, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định
theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục lập
dự toán, thanh toán kinh phí chi trả chi phí tố tụng.
Chương XII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 73. Hiệu lực thi hành
1. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2025.
2. Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí
cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng số 02/2012/UBTVQH13 hết hiệu
lực kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành./.
Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2024.
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG
VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Trần Thanh Mẫn
|
DANH MỤC
MỘT SỐ CHI PHÍ TỐ TỤNG
(Ban hành kèm theo Pháp lệnh số 05/2024/UBTVQH15 ngày 11 tháng 12 năm 2024)
STT
|
Tên chi phí tố
tụng
|
Mức chi
|
1
|
Chi phí thù lao cho người được mời tham gia xem
xét, thẩm định tại chỗ, xem xét tại chỗ
|
200.000 đồng/người/ngày
|
2
|
Phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm
|
900.000 đồng/người/ngày
|
3
|
Chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân
|
700.000 đồng/người/ngày
|
4
|
Chi phí thù lao cho người làm chứng, người chứng
kiến
|
200.000 đồng/người/ngày
|
5
|
Chi phí thù lao tham gia phiên tòa, phiên họp giải
quyết vụ việc, vụ án
|
200.000 đồng/người/ngày
|