Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ

Số hiệu: 60/2024/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Lê Minh Khái
Ngày ban hành: 05/06/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định mới về phân loại chợ từ ngày 01/8/2024

Ngày 05/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, trong đó có quy định mới về phân loại chợ.

Quy định mới về phân loại chợ

Chợ được điều chỉnh tại Nghị định 60/2024/NĐ-CP là chợ được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, kế hoạch phát triển có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo đó, chợ được phân loại theo phương thức kinh doanh, theo quy mô và theo nguồn vốn.

(Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 114/2009/NĐ-CP ) thì chợ được phân loại theo quy mô gồm: loại 1, loại 2, loại 3)

Đơn cử theo phương thức kinh doanh thì chợ được phân loại như sau:

- Chợ đầu mối:

Là chợ tập trung hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh để phân phối tới các chợ và kênh phân phối, lưu thông khác và đáp ứng các tiêu chí sau đây:

+ Quy mô (diện tích): Diện tích mặt bằng đất nền chợ tối thiểu là 10.000 m2 không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.

+ Vị trí: Kết nối với các loại hình giao thông, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

+ Hạng mục công trình bao gồm:

++ Các công trình thiết yếu: Bãi giữ xe, hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải, địa điểm tập kết phế thải, phế liệu, khu vệ sinh và kho, bãi xe tập kết hàng hóa;

++ Các hạng mục yêu cầu kỹ thuật: Phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật;

++ Các hạng mục khu vực chính: khu kinh doanh hàng hóa theo từng phân khu ngành hàng (gồm khu vực bán buôn và khu vực bán lẻ); khu trụ sở văn phòng; khu kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch (hàng hóa có nguồn gốc động vật, thực vật được xuất khẩu, nhập khẩu), truy xuất và quản lý chất lượng; khu vực phân loại và sơ chế, gia công, bao bì, đóng gói hàng hóa; kho bãi tập kết giao, nhận hàng hóa; khu dịch vụ hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu và khu vực bốc, xếp hàng hóa dành cho xe tải và container.

+ Đối với những chợ đầu mối đã được đầu tư, xây dựng và đang hoạt động trước khi Nghị định 60/2024/NĐ-CP có hiệu lực được tiếp tục hoạt động theo dự án đầu tư.

- Chợ dân sinh:

Là chợ mua bán, trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng và kinh doanh hàng hóa thông dụng, thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân.

Xem thêm chi tiết tại Nghị định 60/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 và thay thế Nghị định 02/2003/NĐ-CP , Nghị định 114/2009/NĐ-CP .

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

VỀ PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ CHỢ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 11 tháng 01 năm 2022;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 23 tháng 6 năm 2023;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển và quản lý chợ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chính sách, cơ chế phát triển và quản lý chợ, bao gồm: đầu tư xây dựng chợ (gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng); tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh tại chợ; quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động về phát triển và quản lý chợ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chợ được điều chỉnh trong Nghị định này là chợ được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, kế hoạch phát triển có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

2. Phạm vi chợ là khu vực được xác định dành cho hoạt động chợ, bao gồm: diện tích để bố trí các điểm kinh doanh; nhà điều hành; giao thông nội bộ; khu vực dịch vụ (như: bãi để xe, khu vệ sinh, kho hàng, khu thu gom xử lý rác thải, khu ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác).

3. Chợ đầu mối là chợ tập trung hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh để phân phối tới các chợ và các kênh phân phối, lưu thông khác.

4. Chợ dân sinh là chợ mua bán, trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng và kinh doanh hàng hóa thông dụng, thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân.

5. Điểm kinh doanh tại chợ bao gồm quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt và cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ. Điểm kinh doanh tại chợ có diện tích tối thiểu là 3 m2/điểm.

6. Chợ được xây dựng kiên cố là chợ được xây dựng bảo đảm có thời gian sử dụng trên 10 năm.

7. Chợ được xây dựng bán kiên cố là chợ được xây dựng bảo đảm có thời gian sử dụng từ 5 đến 10 năm.

8. Chợ tạm là chợ đã được xây dựng trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; khu vực được chính quyền địa phương bố trí kinh doanh tạm thời.

9. Điểm kinh doanh tự phát là điểm, khu vực kinh doanh tự phát không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển chợ của địa phương.

10. Chợ nông thôn là chợ ở các khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố.

11. Chợ đêm là chợ được tổ chức tại khu vực, địa điểm được dành cho phát triển kinh tế đêm của địa phương, hoạt động trong khoảng thời gian từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau.

12. Chợ cộng đồng là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh hàng hóa thông dụng thiết yếu được cấp có thẩm quyền cho phép, phục vụ cộng đồng dân cư sở tại.

13. Doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

14. Hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ là hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

15. Cơ quan chuyên môn được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi là cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ).

16. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ (bao gồm đất và tài sản gắn liền với đất) do Nhà nước đầu tư, quản lý bao gồm:

Nhà lồng chợ và các công trình có mái che, nhà điều hành của tổ chức quản lý chợ trong phạm vi chợ, khu vệ sinh, kho chứa hàng, bãi để xe, khu thu gom rác, xử lý rác, phòng bảo vệ, không gian tín ngưỡng (nếu có) và kho lạnh (nếu có);

Hệ thống kỹ thuật bao gồm: hệ thống công trình giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, hệ thống thông tin, hệ thống camera quan sát, hệ thống thông gió và điều hòa không khí, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thu gom rác thải;

Các công trình khác trong phạm vi chợ.

Điều 4. Phân loại chợ

1. Phân loại chợ theo phương thức kinh doanh:

a) Chợ đầu mối là chợ có công năng sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này và đáp ứng các tiêu chí sau đây:

Quy mô (diện tích): diện tích mặt bằng đất nền chợ tối thiểu là 10.000 m2 không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.

Vị trí: kết nối với các loại hình giao thông, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

Hạng mục công trình bao gồm:

Các công trình thiết yếu: bãi giữ xe, hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải, địa điểm tập kết phế thải, phế liệu, khu vệ sinh và kho, bãi xe tập kết hàng hóa;

Các hạng mục yêu cầu kỹ thuật: phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật;

Các hạng mục khu vực chính: khu kinh doanh hàng hóa theo từng phân khu ngành hàng (gồm khu vực bán buôn và khu vực bán lẻ); khu trụ sở văn phòng; khu kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch (hàng hóa có nguồn gốc động vật, thực vật được xuất khẩu, nhập khẩu), truy xuất và quản lý chất lượng; khu vực phân loại và sơ chế, gia công, bao bì, đóng gói hàng hóa; kho bãi tập kết giao, nhận hàng hóa; khu dịch vụ hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu và khu vực bốc, xếp hàng hóa dành cho xe tải và Container.

Đối với những chợ đầu mối đã được đầu tư, xây dựng và đang hoạt động trước khi Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động theo dự án đầu tư.

b) Chợ dân sinh là chợ có mục đích, công năng phục vụ quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

2. Phân loại chợ theo quy mô:

a) Chợ hạng 1:

Là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố theo quy hoạch;

Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như trông giữ xe, vệ sinh công cộng và các hoạt động khác.

b) Chợ hạng 2:

Là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch;

Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như trông giữ xe, vệ sinh công cộng và các hoạt động khác.

c) Chợ hạng 3:

Là chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố;

Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như vệ sinh công cộng.

3. Phân loại chợ theo nguồn vốn:

a) Chợ được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước:

Việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện theo quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan;

Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định này.

b) Chợ được đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước (gồm các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật):

Việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện theo quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chương II

ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CHỢ

Điều 5. Kế hoạch phát triển chợ

1. Căn cứ vào quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, các quy hoạch khác có liên quan và nhu cầu phát triển, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển chợ nhằm: đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn.

2. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển chợ bao gồm:

a) Căn cứ pháp lý, sự cần thiết xây dựng;

b) Mục tiêu;

c) Nhiệm vụ, giải pháp;

d) Phương án phát triển chợ (đầu tư xây dựng, phát triển, mở rộng, cải tạo chợ và các nội dung khác có liên quan);

đ) Tổ chức thực hiện.

Điều 6. Đầu tư xây dựng chợ

1. Chợ được đầu tư xây dựng phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan.

2. Nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật).

3. Vốn ngân sách nhà nước được sử dụng để hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án chợ dân sinh, chợ đầu mối theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước. Việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ ngân sách nhà nước đối với chợ đầu mối theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

4. Địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn căn cứ vào tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

5. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân và các thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ.

6. Dự án đầu tư chợ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, chính sách xã hội hóa đầu tư theo các quy định của pháp luật.

7. Tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư, điều kiện sử dụng đất, dự án đầu tư xây dựng chợ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành tương ứng.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ

1. Quyền của chủ đầu tư xây dựng chợ:

a) Chủ đầu tư xây dựng chợ được hưởng ưu đãi đầu tư, vay vốn từ các Quỹ đầu tư phát triển theo quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

b) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ:

a) Triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng chợ theo các quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan;

b) Thực hiện việc bảo trì trong chu kỳ dự án đầu tư xây dựng chợ;

c) Chủ đầu tư xây dựng, xây dựng lại, di dời chợ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền công khai thông tin niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các địa điểm khác có liên quan, lấy ý kiến của các bên liên quan theo quy định của pháp luật. Thời hạn công khai thông tin tối thiểu là 30 ngày (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết);

d) Chủ đầu tư xây dựng, xây dựng lại, di dời chợ thực hiện việc: xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển; bảo đảm duy trì hoạt động của chợ tạm; xây dựng phương án khai thác, bố trí, sắp xếp điểm kinh doanh của chợ, lấy ý kiến của các thương nhân kinh doanh tại chợ;

đ) Chủ đầu tư xây dựng chợ mới đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bố trí các công trình trong phạm vi chợ; đối với các chợ cải tạo, nâng cấp chú trọng các quy định về phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, vệ sinh công cộng, chiếu sáng, thông gió, khu để xe theo quy định;

e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHỢ VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TẠI CHỢ

Điều 8. Tổ chức quản lý chợ

Tổ chức quản lý chợ bao gồm: chủ đầu tư xây dựng chợ; doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ; tổ chức được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định này; tổ chức thực hiện việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định này.

Điều 9. Quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ

1. Tổ chức, triển khai việc quản lý chợ và các dịch vụ phục vụ hoạt động của chợ theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện cải tạo, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng chợ theo quy định; đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và đo lường trong phạm vi chợ, các khu vực kinh doanh.

3. Xây dựng Nội quy chợ theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, tổ chức điều hành chợ hoạt động theo Nội quy chợ và xử lý các hành vi vi phạm Nội quy chợ theo thẩm quyền.

4. Ký và thực hiện hợp đồng với các thương nhân về việc thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. Phổ biến, thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan cho thương nhân kinh doanh tại chợ.

6. Phối hợp với cơ quan có chức năng trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

7. Tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của chợ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

8. Duy trì hoạt động chợ nhằm bảo đảm hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trong điều kiện bình thường cũng như theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

9. Ngoài các nghĩa vụ nêu trên, tổ chức quản lý chợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15, Điều 24, Điều 25 Nghị định này có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Nội quy chợ

1. Nội quy chợ phải có những nội dung chính sau đây:

a) Thời gian mở cửa;

b) Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ;

c) Quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ;

d) Quy định về người đến giao dịch, mua bán, tham quan, thi hành công vụ tại chợ;

đ) Quy định đối với cán bộ, nhân viên quản lý chợ;

e) An toàn phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai;

g) An ninh, trật tự tại chợ;

h) Vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm;

i) Chợ văn minh thương mại, quy tắc ứng xử;

k) Yêu cầu về tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại chợ;

l) Quy định về xử lý các hành vi vi phạm tại chợ;

m) Các quy định khác.

2. Nội quy chợ phải được niêm yết công khai, rõ ràng, ở nơi dễ nhìn, dễ quan sát trong chợ và phải được phổ biến đến thương nhân kinh doanh tại chợ.

3. Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong chợ và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành quy định của pháp luật và Nội quy chợ.

4. Các hành vi vi phạm Nội quy chợ do tổ chức quản lý chợ xử lý theo thẩm quyền.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Nội quy mẫu để thống nhất việc xây dựng nội quy chợ và áp dụng cho tất cả các chợ trên địa bàn.

Điều 11. Quản lý điểm kinh doanh tại chợ

1. Tổ chức quản lý chợ có trách nhiệm:

a) Lập phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;

b) Ký hợp đồng với thương nhân thuê địa điểm kinh doanh theo phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện bố trí, sắp xếp thương nhân sử dụng điểm kinh doanh theo phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ.

2. Thời hạn thuê điểm kinh doanh tại chợ do các bên tự thỏa thuận trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thời hạn thuê điểm kinh doanh tại chợ phải được thể hiện trong hợp đồng ký giữa tổ chức quản lý chợ và thương nhân kinh doanh tại chợ.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, quy định về việc quản lý điểm kinh doanh tại chợ theo quy định tại Điều này bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ

1. Quyền của thương nhân kinh doanh tại chợ:

a) Thương nhân có hợp đồng sử dụng hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ được quyền hoạt động kinh doanh theo hợp đồng đã ký;

b) Thương nhân được sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh đang còn trong thời hạn hợp đồng khi được tổ chức quản lý chợ chấp thuận bằng văn bản;

c) Những người kinh doanh không thường xuyên được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng và phải chấp hành Nội quy chợ.

2. Nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ:

a) Thương nhân kinh doanh tại chợ phải thực hiện theo phương án bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh của tổ chức quản lý chợ;

b) Thương nhân kinh doanh tại chợ ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật, phải thực hiện Nội quy chợ và chịu sự quản lý của tổ chức quản lý chợ;

c) Hàng hóa, dịch vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ không thuộc trường hợp pháp luật cấm kinh doanh và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;

d) Ngành nghề kinh doanh của thương nhân kinh doanh tại chợ không thuộc ngành, nghề pháp luật cấm đầu tư kinh doanh và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Chương IV

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ, QUẢN LÝ

Mục 1. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

Điều 13. Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý

1. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giao cho đối tượng quản lý, sử dụng phù hợp với điều kiện cụ thể về quy mô chợ, đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương và quy định của pháp luật.

Việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền thuê đất, miễn, giảm tiền thuê đất và quản lý, sử dụng đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ trên địa bàn đảm bảo thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, phù hợp với quy mô chợ, quy định pháp luật và đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương.

3. Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm huy động và đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

4. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị; được thực hiện trích khấu hao, tính hao mòn tài sản; bảo trì tài sản theo quy định của pháp luật. Các đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định này và tổ chức có liên quan thực hiện kế toán theo quy định hiện hành.

5. Việc quản lý, sử dụng, xử lý và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ phải: bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội; có phương án di dời, đền bù thỏa đáng; bảo đảm an ninh, trật tự; không gây thất thoát tài sản nhà nước; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; phù hợp với quy hoạch; bảo tồn các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

6. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ quản lý, sử dụng và khai thác không hiệu quả, không phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phù hợp với mục đích sử dụng ban đầu của tài sản thì việc thu hồi đất gắn với tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Điều 14. Nguyên tắc xử lý tài sản khi chuyển đổi mô hình hoạt động của đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Việc xử lý tài sản khi chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần có vốn nhà nước thực hiện theo quy định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

2. Việc xử lý tài sản khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần có vốn nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Mục 2. GIAO TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Điều 15. Đối tượng và hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp tỉnh quản lý:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là doanh nghiệp nhà nước);

c) Cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp tỉnh.

2. Đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp huyện.

3. Hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo hình thức ghi tăng tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này (sau đây gọi là đơn vị), Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại điểm b khoản 2 Điều này (sau đây gọi là cơ quan);

b) Giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để thực hiện việc kinh doanh chợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;

c) Giao cho cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ để lập phương án khai thác trong trường hợp tài sản đã giao cho đơn vị sự nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng thực tế việc quản lý, sử dụng và khai thác không hiệu quả.

Điều 16. Thẩm quyền quyết định; trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp tỉnh quản lý

1. Thẩm quyền quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ thuộc địa phương quản lý cho doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Trình tự, thủ tục quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ được đầu tư xây dựng mới và tài sản kết cấu hạ tầng chợ được xác lập quyền sở hữu toàn dân:

a) Chủ đầu tư dự án (đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ được đầu tư xây dựng mới), đơn vị chủ trì quản lý tài sản (đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) có văn bản kèm theo hồ sơ về tài sản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp tỉnh. Hồ sơ gồm:

Tờ trình của chủ đầu tư dự án/đơn vị chủ trì quản lý tài sản về việc giao tài sản cho đối tượng quản lý: 01 bản chính;

Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng: 01 bản chính;

Văn bản đề nghị được giao tài sản của đối tượng (trong trường hợp dự kiến giao tài sản cho doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập): 01 bản chính;

Danh mục tài sản đề nghị giao (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, đánh giá tình trạng tài sản - nếu có): 01 bản chính;

Biên bản nghiệm thu đưa tài sản vào sử dụng (đối với tài sản được đầu tư xây dựng mới): 01 bản chính;

Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân (đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công): 01 bản chính;

Hồ sơ hoàn công (đối với công trình đầu tư xây dựng mới): 01 bản sao;

Giấy tờ khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao.

b) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao tài sản. Nội dung chủ yếu của Quyết định giao tài sản gồm:

Tên đối tượng được giao tài sản;

Hình thức giao tài sản;

Danh mục tài sản (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, đánh giá tình trạng tài sản - nếu có);

Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận tài sản. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành biên bản theo Mẫu số 05 Phụ lục I Nghị định này.

4. Sau khi tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng chợ, việc quản lý, sử dụng tài sản được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo hình thức đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:

Việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng chợ phải bảo đảm quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ giao cho doanh nghiệp quản lý;

Không được sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng chợ để thế chấp, cầm cố hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác;

Không được chuyển đổi công năng gắn với chuyển mục đích sử dụng đất;

Đối với công trình chợ không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích chợ mà doanh nghiệp tự nguyện trả lại đất gắn liền với công trình đó cho địa phương thì việc bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại Nghị định này;

Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai, thực hiện quản lý, sử dụng đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

b) Đối với tài sản được giao cho cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc đơn vị sự nghiệp công lập quản lý thì việc quản lý sử dụng và khai thác thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Cơ quan, đơn vị được giao tài sản có trách nhiệm thực hiện quản lý, sử dụng đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Điều 17. Thẩm quyền quyết định; trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ thuộc phạm vi quản lý.

2. Trình tự, thủ tục quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Chủ đầu tư dự án (đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ được đầu tư xây dựng mới), đơn vị chủ trì quản lý tài sản (đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) có văn bản kèm theo hồ sơ về tài sản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp huyện. Hồ sơ gồm:

Tờ trình của chủ đầu tư dự án/đơn vị chủ trì quản lý tài sản về việc giao tài sản cho đối tượng quản lý: 01 bản chính;

Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng: 01 bản chính;

Văn bản đề nghị được giao tài sản: 01 bản chính;

Danh mục tài sản đề nghị giao (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, đánh giá tình trạng tài sản - nếu có): 01 bản chính;

Biên bản nghiệm thu đưa tài sản vào sử dụng (đối với tài sản được đầu tư xây dựng mới): 01 bản chính;

Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân (đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công): 01 bản chính;

Hồ sơ hoàn công (đối với công trình đầu tư xây dựng mới): 01 bản sao;

Giấy tờ khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao.

b) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định giao tài sản. Nội dung chủ yếu của Quyết định giao tài sản gồm:

Tên đối tượng được giao tài sản;

Hình thức giao tài sản;

Danh mục tài sản đề nghị giao (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, đánh giá tình trạng tài sản - nếu có);

Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ của Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận tài sản. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản phải được lập thành biên bản theo Mẫu số 05 Phụ lục I Nghị định này.

4. Sau khi tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng chợ, việc quản lý sử dụng và khai thác tài sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Cơ quan, đơn vị được giao tài sản có trách nhiệm thực hiện quản lý, sử dụng đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Mục 3. HỒ SƠ QUẢN LÝ, KẾ TOÁN VÀ BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Điều 18. Hồ sơ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Hồ sơ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm:

a) Hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động tài sản:

Quyết định giao, điều chuyển tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền; biên bản giao nhận tài sản;

Hồ sơ pháp lý về đất (Quyết định giao đất, cho thuê đất; Hợp đồng thuê đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất);

Các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan.

b) Báo cáo kê khai lần đầu, báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Điều 34 Nghị định này (theo các Mẫu số 01A, 01B, 01C01D Phụ lục I Nghị định này).

c) Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Mục 4 và Mục 5 Chương IV Nghị định này (theo các Mẫu số 02A, 02B, 02C, 02D, 03A, 03B, 03C, 03D03Đ Phụ lục I Nghị định này).

d) Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại Điều 35 Nghị định này.

2. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ chịu trách nhiệm lập hồ sơ, quản lý, lưu trữ hồ sơ về tài sản theo quy định của pháp luật; thực hiện báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

Điều 19. Kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm:

a) Mở sổ và thực hiện kế toán tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán và quy định tại Nghị định này;

b) Thực hiện báo cáo tình hình tăng, giảm, trích khấu hao, tính hao mòn tài sản theo quy định của pháp luật.

2. Nguyên tắc ghi sổ kế toán trong một số trường hợp:

a) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà đã có thông tin giá trị trên sổ kế toán thì sử dụng thông tin giá trị đã có để ghi sổ kế toán.

b) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được theo dõi, ghi sổ kế toán thì sử dụng giá trị theo đánh giá lại thực tế hoặc giá trị đầu tư của công trình có cấp, hạng, quy mô công suất tương đương, sau khi đã trừ đi giá trị của thời gian đã sử dụng để ghi sổ kế toán.

c) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ được mua sắm, đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì giá trị ghi sổ kế toán là giá trị mua sắm, quyết toán theo quy định.

Trường hợp tài sản được đầu tư xây dựng mới, hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán thì sử dụng nguyên giá tạm tính để ghi sổ kế toán, trong đó, nguyên giá tạm tính xác định theo thứ tự ưu tiên sau: giá trị đề nghị quyết toán; giá trị xác định theo Biên bản nghiệm thu A-B, giá trị dự toán của dự án đã được phê duyệt. Khi có quyết toán được phê duyệt, kế toán thực hiện điều chỉnh giá trị đã ghi sổ theo quy định của pháp luật về kế toán.

d) Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng chợ trong quá trình quản lý, sử dụng được sửa chữa nâng cấp, mở rộng theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thì khi quyết toán dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, kế toán thực hiện ghi tăng giá trị tài sản theo giá trị quyết toán được phê duyệt.

Điều 20. Bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ phải được bảo trì theo trình tự, quy trình, kế hoạch và tiêu chuẩn, định mức nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng, khai thác.

2. Việc xác định chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chi phí bảo trì công trình xây dựng.

3. Chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ được tính vào chi phí kinh doanh chợ trong kỳ kế toán của đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định của pháp luật kế toán và pháp luật có liên quan.

4. Trường hợp cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản mà trong hợp đồng quy định trách nhiệm của bên thuê quyền khai thác tài sản, bên nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản thực hiện bảo trì tài sản thì bên thuê quyền khai thác tài sản, bên nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản có trách nhiệm thực hiện bảo trì theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký bằng nguồn kinh phí của mình.

5. Đối với tài sản giao cho doanh nghiệp nhà nước quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định này thì việc bảo trì tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

6. Đối với tài sản giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Nghị định này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể để xem xét, quyết định bố trí kinh phí bảo trì tài sản từ nguồn thu từ khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc ngân sách nhà nước (trong trường hợp thu không đủ bù chi). Nguồn kinh phí bảo trì sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 21. Tổ chức thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước:

a) Căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá bảo trì và khối lượng công việc cần thực hiện, cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì tài sản (trừ trường hợp bảo trì tài sản tại khoản 4, khoản 5 Điều 20 Nghị định này), báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Trên cơ sở quyết định phân bổ ngân sách nhà nước của cơ quan, người có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ cho cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản;

c) Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước về công tác bảo trì tài sản theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì tài sản trung hạn 03 năm và 05 năm thực hiện theo quy định của pháp luật về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm và kế hoạch tài chính 05 năm.

3. Việc lựa chọn đơn vị thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan; trừ trường hợp Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc giao việc bảo trì cho nhà thầu thi công theo quy định của pháp luật.

4. Việc thanh toán, quyết toán kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Mục 4. KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Điều 22. Phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Trực tiếp tổ chức thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

2. Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

3. Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

4. Phương thức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Trực tiếp tổ chức thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ trực tiếp tổ chức thực hiện khai thác tài sản theo phương án khai thác, bố trí sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ theo quy định tại Nghị định này.

2. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện các công việc bảo đảm quá trình vận hành chợ.

Điều 24. Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ hiện có (không gắn với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng theo dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ áp dụng đối với tài sản giao cho cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ, đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, không áp dụng đối với tài sản giao cho doanh nghiệp quản lý.

Thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được xác định cụ thể trong Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

2. Thẩm quyền phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp tỉnh quản lý.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý.

c) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương trước khi phê duyệt Đề án theo thẩm quyền.

3. Việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thực hiện thông qua hình thức đấu giá. Ngoài các điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, tổ chức tham gia đấu giá thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, người có thẩm quyền đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoặc có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã đối với doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại khoản 13, khoản 14 Điều 3 Nghị định này.

b) Có khả năng tài chính, có năng lực, kinh nghiệm quản lý, vận hành và khai thác chợ.

4. Trình tự, thủ tục cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Đối tượng được giao quản lý tài sản lập Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản theo Mẫu số 04A Phụ lục I Nghị định này và có văn bản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ (trong trường hợp đối tượng được giao quản lý tài sản không phải là cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ). Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ được giao cho cơ quan, đơn vị cấp huyện quản lý thì cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản lập Đề án, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp tỉnh;

b) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm theo Đề án quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định Đề án, trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, phê duyệt. Nội dung chủ yếu của Quyết định phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm:

Đối tượng có tài sản cho thuê quyền khai thác;

Danh mục tài sản cho thuê (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, đánh giá tình trạng tài sản - nếu có);

Thời hạn cho thuê quyền khai thác;

Phương thức thực hiện cho thuê quyền khai thác;

Quản lý số tiền thu được từ việc cho thuê quyền khai thác;

Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

5. Căn cứ Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đối tượng được giao quản lý tài sản có trách nhiệm:

a) Tổ chức xác định giá khởi điểm cho thuê quyền khai thác tài sản theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;

b) Tổ chức đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản;

c) Ký Hợp đồng cho thuê quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật.

6. Hợp đồng cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Thông tin của bên cho thuê;

b) Thông tin của bên thuê;

c) Danh mục tài sản cho thuê quyền khai thác (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, đánh giá tình trạng tài sản - nếu có): 01 bản chính;

d) Thời hạn cho thuê; giá cho thuê; phương thức và thời hạn thanh toán tiền thuê, tiền chậm nộp (nếu có); trách nhiệm bảo trì tài sản;

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

7. Quyền của bên thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Trực tiếp tổ chức vận hành, khai thác tài sản theo đúng quy định của pháp luật và Hợp đồng đã ký kết;

b) Quyết định việc vận hành, khai thác tài sản đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan;

c) Được thu các khoản thu từ hoạt động chợ theo quy định của pháp luật và Hợp đồng ký kết;

d) Thực hiện các quyền khác của bên thuê quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật.

8. Nghĩa vụ của bên thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Bảo vệ tài sản thuê; không để bị lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép tài sản;

b) Sử dụng, khai thác tài sản thuê đúng mục đích; không được chuyển đổi công năng sử dụng, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác;

c) Thực hiện bảo trì tài sản theo Hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật;

d) Thanh toán tiền thuê quyền khai thác tài sản đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Hợp đồng;

đ) Định kỳ hoặc theo yêu cầu của bên cho thuê, bên thuê có trách nhiệm thông báo với bên cho thuê về tình trạng của tài sản, đảm bảo hoạt động của chợ.

Trường hợp xảy ra sự cố công trình, bên thuê có trách nhiệm thông báo kịp thời cho bên cho thuê để thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật;

e) Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên cho thuê; cùng bên cho thuê giải quyết phát sinh, vướng mắc;

g) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Hợp đồng.

9. Cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

10. Số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Điều 25. Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ hiện có gắn với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng theo dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ chỉ áp dụng đối với tài sản giao cho cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, không áp dụng đối với tài sản giao cho doanh nghiệp quản lý.

Thời hạn chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản được xác định cụ thể trong Đề án chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ và Hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ nhưng tối đa không quá 50 năm.

2. Thẩm quyền phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ;

b) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương trước khi phê duyệt Đề án theo thẩm quyền.

3. Việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thực hiện thông qua hình thức đấu giá. Ngoài các điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, tổ chức tham gia đấu giá nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ phải đáp ứng tối thiểu các điều kiện sau:

a) Có Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, người có thẩm quyền đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoặc có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã đối với doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại khoản 13, khoản 14 Điều 3 Nghị định này.

b) Có khả năng tài chính, có năng lực, kinh nghiệm quản lý, vận hành và khai thác chợ.

4. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Đối tượng được giao quản lý tài sản lập Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo Mẫu số 04B Phụ lục I ban hành Nghị định này và có văn bản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp tỉnh (trong trường hợp đối tượng được giao quản lý tài sản không phải là cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ). Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng chợ được giao cho cơ quan, đơn vị cấp huyện quản lý thì cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản lập Đề án, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp tỉnh;

b) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm theo Đề án quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định Đề án, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Nội dung chủ yếu của Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm:

Đối tượng có tài sản chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác;

Danh mục tài sản chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, đánh giá tình trạng tài sản - nếu có);

Thời hạn chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác;

Phương thức thực hiện chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác;

Quản lý số tiền thu được từ việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác;

Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

5. Căn cứ Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đối tượng được giao quản lý tài sản có trách nhiệm:

a) Tổ chức xác định giá khởi điểm chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;

b) Tổ chức đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản;

c) Ký Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật.

6. Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Thông tin của bên chuyển nhượng;

b) Thông tin của bên nhận chuyển nhượng;

c) Danh mục tài sản chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, đánh giá tình trạng tài sản - nếu có);

d) Thời hạn chuyển nhượng; giá chuyển nhượng; phương thức và thời hạn thanh toán tiền chuyển nhượng, tiền chậm nộp (nếu có); trách nhiệm bảo trì tài sản;

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

7. Quyền của bên nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Trực tiếp tổ chức vận hành, khai thác tài sản theo đúng quy định của pháp luật và Hợp đồng đã ký kết;

b) Quyết định việc vận hành, khai thác tài sản đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan;

c) Được thu các khoản thu từ hoạt động chợ theo quy định của pháp luật và Hợp đồng ký kết;

d) Được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan;

đ) Thực hiện các quyền khác của bên nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật.

8. Nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Bảo vệ tài sản nhận chuyển nhượng quyền khai thác; không để bị lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép tài sản;

b) Sử dụng, khai thác tài sản nhận chuyển nhượng quyền khai thác đúng mục đích; không được chuyển đổi công năng sử dụng, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác;

c) Thực hiện bảo trì tài sản theo Hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật;

d) Thanh toán tiền nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Hợp đồng;

đ) Định kỳ hoặc theo yêu cầu của bên chuyển nhượng quyền khai thác, bên nhận chuyển nhượng quyền khai thác có trách nhiệm thông báo với bên chuyển nhượng về tình trạng của tài sản, đảm bảo hoạt động của chợ.

Trường hợp xảy ra sự cố công trình, bên nhận chuyển nhượng quyền khai thác có trách nhiệm thông báo kịp thời cho bên chuyển nhượng để thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật;

e) Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên chuyển nhượng quyền khai thác; cùng bên chuyển nhượng quyền khai thác giải quyết phát sinh, vướng mắc;

g) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Hợp đồng.

9. Cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

10. Số tiền thu được từ chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

11. Khi kết thúc thời hạn chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác hoặc chấm dứt Hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác trước thời hạn theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thì việc xử lý tài sản thực hiện như sau:

a) Chậm nhất 06 tháng trước ngày chấm dứt Hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác, bên nhận chuyển nhượng gửi hồ sơ đề nghị chuyển giao lại tài sản đến cơ quan ký kết hợp đồng;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị chuyển giao lại tài sản, cơ quan ký kết hợp đồng chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan (nếu cần) thực hiện:

Tổ chức giám định chất lượng, giá trị, tình trạng tài sản theo nguyên tắc, điều kiện thỏa thuận tại hợp đồng;

Lập danh mục tài sản chuyển giao;

Lập biên bản xác định các hư hại của tài sản (nếu có) để yêu cầu bên nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản thực hiện việc sửa chữa, bảo trì tài sản;

Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng chợ đáp ứng các yêu cầu, cơ quan ký kết hợp đồng thực hiện ký biên bản nhận chuyển giao tài sản;

Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc giao tài sản cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này để tiếp tục quản lý, vận hành theo quy định của pháp luật.

c) Chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày chấm dứt Hợp đồng, bên nhận chuyển nhượng tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm bàn giao lại tài sản cho bên chuyển nhượng. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản phải được lập thành biên bản theo Mẫu số 05 Phụ lục I Nghị định này.

Điều 26. Giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ, giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ là khoản tiền tổ chức thuê quyền khai thác, nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản phải trả cho Nhà nước theo giá trúng đấu giá để được sử dụng, khai thác tài sản theo Hợp đồng ký kết.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ quy định tại khoản 2 Điều 24, khoản 2 Điều 25 Nghị định này là cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

3. Đối tượng được giao tài sản lựa chọn thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc thành lập Hội đồng xác định giá làm cơ sở để xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ. Thành phần Hội đồng xác định giá gồm: Thủ trưởng đơn vị được giao tài sản hoặc người được ủy quyền làm Chủ tịch; các thành viên khác gồm: đại diện các bộ phận chuyên môn liên quan của đối tượng được giao tài sản; đại diện Sở Tài chính nơi có tài sản; đại diện các cơ quan khác có liên quan (nếu có).

4. Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ là giá ban đầu thấp nhất khi đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

Việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ phải căn cứ ít nhất vào một trong các căn cứ sau:

a) Giá cho thuê quyền khai thác tài sản trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, công năng sử dụng tại thời điểm xác định (nếu có);

b) Doanh thu ước tính, chi phí ước tính từ việc khai thác tài sản trong thời gian cho thuê quyền khai thác tài sản;

c) Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc kết quả xác định giá của Hội đồng xác định giá quy định tại khoản 3 Điều này. Việc sử dụng Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

5. Giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ là giá ban đầu thấp nhất khi đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

Căn cứ để xác định giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm:

a) Giá trị đầu tư bổ sung theo dự án nâng cấp, mở rộng tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, giá trị đầu tư bổ sung là phần giá trị do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản có trách nhiệm thực hiện theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;

b) Doanh thu ước tính, chi phí ước tính từ việc khai thác tài sản của bên nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản trong thời gian chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản;

c) Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc kết quả xác định giá của Hội đồng xác định giá quy định tại khoản 3 Điều này. Việc sử dụng Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

6. Đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác/chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ và trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này phê duyệt giá khởi điểm.

Mục 5. XỬ LÝ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Điều 27. Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ bao gồm:

1. Thu hồi.

2. Điều chuyển.

3. Thanh lý.

4. Xử lý trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

5. Hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Đất gắn liền với tài sản kết cấu hạ tầng chợ thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Khi có sự thay đổi về quy hoạch làm thay đổi nhiệm vụ của tài sản;

c) Khi có sự thay đổi về phân cấp quản lý;

d) Tài sản được giao không đúng đối tượng theo quy định tại Nghị định này;

đ) Tài sản đã được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc có sai phạm nghiêm trọng trong quản lý theo quy định của pháp luật;

e) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền quyết định thu hồi:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thu hồi đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp tỉnh quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc thu hồi đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý;

c) Riêng đối với tài sản thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì thẩm quyền thu hồi, việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi và việc quản lý, xử lý đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. Trước khi quyết định thu hồi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan tài nguyên và môi trường cấp tỉnh lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn về chợ cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có tài sản và các cơ quan khác có liên quan về các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan này.

3. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ thu hồi được xử lý như sau:

a) Thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Giao hoặc điều chuyển tài sản cho đối tượng khác quản lý theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp xử lý theo quy định tại điểm a khoản này.

4. Trình tự, thủ tục thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng chợ quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này:

a) Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản lập hồ sơ đề nghị thu hồi tài sản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cùng cấp. Hồ sơ gồm:

Văn bản đề nghị thu hồi tài sản (trong đó xác định cụ thể tài sản thu hồi thuộc trường hợp nào theo quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này): 01 bản chính.

Danh mục tài sản đề nghị thu hồi (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản): 01 bản chính.

Hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.

b) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định thu hồi. Hồ sơ báo cáo gồm:

Tờ trình của cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc của liên ngành về việc thu hồi tài sản: 01 bản chính.

Danh mục tài sản đề nghị thu hồi (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản): 01 bản chính.

Biên bản họp liên ngành hoặc ý kiến bằng văn bản của cơ quan, đơn vị có liên quan: 01 bản sao.

Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này: 01 bản sao.

c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, ban hành Quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thu hồi tài sản không phù hợp. Nội dung của Quyết định thu hồi tài sản thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này.

d) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định thu hồi tài sản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản thu hồi theo các hình thức quy định tại khoản 3 Điều này, trình cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 29 Nghị định nay xem xét, quyết định. Việc tổ chức thực hiện Quyết định xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 29 Nghị định này.

Trong thời gian chờ xử lý tài sản thu hồi, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản bị thu hồi có trách nhiệm bảo quản, bảo vệ tài sản và đảm bảo việc vận hành theo quy định của pháp luật.

5. Trình tự, thủ tục thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng chợ qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử phạt vi phạm hành chính hoặc đề nghị của cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Căn cứ kết luận, quyết định, đề nghị của cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc các cơ quan quản lý nhà nước khác; Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định thu hồi tài sản.

6. Nội dung chủ yếu của Quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm:

a) Tên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản bị thu hồi;

b) Danh mục tài sản thu hồi (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản);

c) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Điều 29. Điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện điều chuyển trong các trường hợp sau:

a) Khi có sự thay đổi về cơ quan quản lý, phân cấp quản lý;

b) Tài sản đã được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc khai thác không hiệu quả;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng chợ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

3. Trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Cơ quan, đơn vị có tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này lập hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cùng cấp. Hồ sơ gồm:

Văn bản đề nghị điều chuyển tài sản (trong đó xác định cụ thể tài sản điều chuyển thuộc trường hợp nào theo quy định tại khoản 1 Điều này): 01 bản chính.

Văn bản đề nghị tiếp nhận tài sản: 01 bản chính.

Danh mục tài sản đề nghị điều chuyển (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản): 01 bản chính.

Hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý mà thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân cấp quy định tại khoản 2 Điều này thì cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, có văn bản đề nghị kèm theo bản sao hồ sơ quy định (nêu trên) gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cấp tỉnh.

b) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định điều chuyển tài sản. Hồ sơ báo cáo gồm:

Tờ trình của cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc của liên ngành về việc điều chuyển tài sản: 01 bản chính.

Danh mục tài sản đề nghị điều chuyển (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản): 01 bản chính.

Biên bản họp liên ngành hoặc ý kiến bằng văn bản của cơ quan, đơn vị liên quan: 01 bản sao.

Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này: 01 bản sao.

c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, ban hành Quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị điều chuyển tài sản không phù hợp. Nội dung chủ yếu của Quyết định điều chuyển tài sản gồm:

Cơ quan, đơn vị có tài sản điều chuyển;

Cơ quan, đơn vị nhận tài sản điều chuyển;

Danh mục tài sản điều chuyển (tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản);

Lý do điều chuyển (trong đó xác định cụ thể tài sản điều chuyển thuộc trường hợp nào theo quy định tại khoản 1 Điều này);

Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chuyển tài sản của cấp có thẩm quyền, cơ quan, đơn vị có tài sản điều chuyển và cơ quan, đơn vị nhận tài sản có trách nhiệm tổ chức bàn giao, tiếp nhận tài sản; việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành biên bản; thực hiện kế toán giảm, tăng tài sản theo chế độ kế toán hiện hành; thực hiện báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định tại Điều 34 Nghị định này.

5. Chi phí hợp lý có liên quan trực tiếp đến việc bàn giao, tiếp nhận tài sản do cơ quan, đơn vị tiếp nhận tài sản chi trả theo quy định.

Điều 30. Thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thanh lý trong các trường hợp sau:

a) Tài sản bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả (không thể phục hồi theo công năng của tài sản);

b) Phá dỡ tài sản cũ để đầu tư xây dựng tài sản mới theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch làm cho một phần hoặc toàn bộ tài sản không sử dụng được theo công năng của tài sản. Trường hợp thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Nghị định này thì không áp dụng hình thức thanh lý theo quy định tại Điều này;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền quyết định thanh lý

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thanh lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp tỉnh quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc thanh lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý.

3. Việc thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thực hiện theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ

a) Vật tư, vật liệu thu hồi nếu có thể tiếp tục sử dụng thì đối tượng được giao quản lý tài sản được tiếp tục sử dụng hoặc được sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tài sản kết cấu hạ tầng chợ mới theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Trường hợp đối tượng được giao quản lý tài sản không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được xử lý theo hình thức: điều chuyển, bán.

Đối với vật liệu, vật tư thu hồi được xử lý theo hình thức điều chuyển thì thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.

Đối với vật liệu, vật tư thu hồi được xử lý theo hình thức bán thì việc thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

4. Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ

a) Cơ quan, đơn vị có tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này lập hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cùng cấp. Hồ sơ gồm:

Văn bản đề nghị thanh lý tài sản (trong đó xác định cụ thể tài sản điều chuyển thuộc trường hợp nào theo quy định tại khoản 1 Điều này): 01 bản chính.

Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (tên tài sản, giá trị tài sản): 01 bản chính.

Hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.

b) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định thanh lý tài sản. Hồ sơ báo cáo gồm:

Tờ trình của cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc của liên ngành về việc thanh lý tài sản: 01 bản chính.

Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (tên tài sản, giá trị tài sản): 01 bản chính.

Biên bản họp liên ngành hoặc ý kiến bằng văn bản của cơ quan, đơn vị có liên quan: 01 bản sao.

Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này: 01 bản sao.

c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thanh lý tài sản không phù hợp.

Nội dung chủ yếu của Quyết định thanh lý tài sản gồm:

Tên cơ quan, đơn vị có tài sản thanh lý;

Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (tên tài sản, giá trị tài sản);

Hình thức xử lý vật liệu, vật tư thu hồi (nếu còn sử dụng được); tên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận vật liệu, vật tư thu hồi (trường hợp đã xác định được đối tượng tiếp nhận);

Lý do thanh lý (trong đó xác định cụ thể tài sản thanh lý thuộc trường hợp nào theo quy định tại khoản 1 Điều này);

Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý;

Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

d) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thanh lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan, đơn vị có tài sản thanh lý tổ chức thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có chức năng thực hiện phá dỡ, hủy bỏ tài sản; kiểm đếm, phân loại vật liệu, vật tư thu hồi. Việc xử lý vật tư, vật liệu thu hồi trong quá trình thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Cơ quan, đơn vị được giao tài sản có trách nhiệm thực hiện kế toán giảm tài sản theo chế độ kế toán hiện hành; thực hiện báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định tại Điều 34 Nghị định này.

5. Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 31. Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại

1. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ được xử lý trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các nguyên nhân khác mà công trình đó không còn hoặc bị hư hỏng mà không có khả năng phục hồi theo công năng sử dụng của tài sản.

2. Thẩm quyền quyết định xử lý

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xử lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp tỉnh quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xử lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý.

3. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ

a) Cơ quan, đơn vị có tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này lập hồ sơ đề nghị xử lý tài sản gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ cùng cấp. Hồ sơ gồm:

Văn bản đề nghị xử lý tài sản (trong đó xác định cụ thể tài sản xử lý thuộc trường hợp nào theo quy định tại khoản 1 Điều này): 01 bản chính.

Danh mục tài sản đề nghị xử lý (tên tài sản, số lượng, giá trị tài sản): 01 bản chính.

Hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.

b) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định xử lý tài sản. Hồ sơ báo cáo gồm:

Tờ trình của cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ hoặc của liên ngành về việc xử lý tài sản: 01 bản chính.

Danh mục tài sản đề nghị xử lý (tên tài sản, số lượng, giá trị tài sản): 01 bản chính.

Biên bản họp liên ngành hoặc ý kiến bằng văn bản của cơ quan, đơn vị có liên quan: 01 bản sao.

Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này: 01 bản sao.

c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định xử lý tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị xử lý tài sản không phù hợp. Nội dung chủ yếu của Quyết định xử lý tài sản gồm:

Tên cơ quan, đơn vị có tài sản bị mất, bị hủy hoại;

Danh mục tài sản bị mất, bị hủy hoại (tên tài sản, số lượng, giá trị tài sản); lý do (nguyên nhân) tài sản bị mất, bị hủy hoại;

Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan, đơn vị được giao tài sản thực hiện kế toán giảm tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; báo cáo theo quy định tại Nghị định này (báo cáo theo Mẫu 01B, Mẫu 01C Phụ lục I Nghị định này).

5. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho việc khắc phục hậu quả, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng chợ để đảm bảo khôi phục hoạt động.

Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng chợ bị mất, bị hủy hoại được doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan bồi thường thiệt hại thì việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc bồi thường thiệt hại tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Nghị định này. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công, dự toán chi ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Mục 6. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ VIỆC KHAI THÁC, XỬ LÝ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Điều 32. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cơ quan, đơn vị được giao tài sản trực tiếp tổ chức thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại Điều 23 Nghị định này thì việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác thực hiện theo cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản.

2. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện phương án khai thác quy định tại các Điều 24, 25 Nghị định này, số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công sau đây làm chủ tài khoản:

a) Sở Tài chính đối với số tiền thu được từ khai thác tài sản do cơ quan, đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý;

b) Phòng Tài chính Kế hoạch đối với số tiền thu được từ khai thác tài sản do cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện quản lý.

3. Tài khoản tạm giữ được theo dõi chi tiết đối với từng cơ quan có tài sản khai thác.

4. Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm lập, phê duyệt dự toán đối với các khoản chi phí liên quan đến việc khai thác tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.

5. Nội dung chi phí liên quan đến khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm: Chi phí kiểm kê; chi phí xác định giá khởi điểm; chi phí tổ chức đấu giá và chi phí khác có liên quan.

6. Mức chi:

a) Đối với các nội dung chi đã có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định;

b) Đối với các nội dung thuê dịch vụ liên quan đến khai thác tài sản được thực hiện theo Hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến khai thác tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật;

c) Đối với các nội dung chi ngoài phạm vi quy định tại điểm a, điểm b khoản này, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác tài sản quyết định mức chi, bảo đảm phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

7. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, bên cho thuê, bên chuyển nhượng tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán gửi chủ tài khoản tạm giữ để chi trả chi phí khai thác tài sản. Người đứng đầu bên cho thuê, bên chuyển nhượng tài sản kết cấu hạ tầng chợ chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của khoản chi đề nghị thanh toán.

Hồ sơ đề nghị thanh toán gồm:

a) Văn bản đề nghị thanh toán của bên cho thuê, bên chuyển nhượng tài sản kết cấu hạ tầng chợ (trong đó nêu rõ số tiền thu được từ việc khai thác tài sản, tổng chi phí khai thác tài sản, thông tin về tài khoản tiếp nhận thanh toán) kèm theo bảng kê chi tiết các khoản chi: 01 bản chính;

b) Quyết định khai thác tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền: 01 bản sao;

c) Các hồ sơ, giấy tờ chứng minh cho các khoản chi như: Dự toán chi được duyệt; Hợp đồng thuê dịch vụ thẩm định giá, đấu giá, phá dỡ; hóa đơn, phiếu thu tiền (nếu có): 01 bản sao.

8. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm cấp tiền cho bên cho thuê, bên chuyển nhượng để thực hiện chi trả các khoản chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

9. Định kỳ hằng quý, chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền còn lại đối với các khoản thu từ khai thác tài sản đã hoàn thành việc thanh toán chi phí, vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

10. Trường hợp số tiền thu được từ khai thác tài sản theo hình thức cơ quan, đơn vị được giao tài sản trực tiếp khai thác quy định tại Điều 23 Nghị định này mà không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được chi từ dự toán ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị được giao tài sản.

Điều 33. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ (bao gồm cả tiền do doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân khác bồi thường) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công sau đây làm chủ tài khoản:

a) Sở Tài chính đối với số tiền thu được từ xử lý tài sản do cơ quan, đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý;

b) Phòng Tài chính Kế hoạch đối với số tiền thu được từ xử lý tài sản do cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện quản lý.

2. Tài khoản tạm giữ được theo dõi chi tiết đối với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản xử lý.

3. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản có trách nhiệm lập, phê duyệt dự toán đối với các khoản chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.

4. Nội dung chi phí liên quan đến xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm:

a) Chi phí kiểm kê tài sản;

b) Chi phí đo, vẽ nhà, đất;

c) Chi phí định giá và thẩm định giá tài sản;

d) Chi phí di dời, phá dỡ, hủy bỏ, tiêu hủy tài sản;

đ) Giá dịch vụ đấu giá trả cho tổ chức đấu giá trong trường hợp đấu giá thành; chi phí đấu giá tài sản trả cho tổ chức đấu giá trong trường hợp đấu giá không thành; chi phí đấu giá trong trường hợp việc tổ chức đấu giá do Hội đồng thực hiện;

e) Chi phí hợp lý khác có liên quan đến khai thác tài sản công.

5. Mức chi:

a) Đối với các nội dung chi đã có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định;

b) Đối với các nội dung thuê dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo Hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật;

c) Đối với các nội dung chi ngoài phạm vi quy định tại điểm a, điểm b khoản này, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý tài sản quyết định mức chi, bảo đảm phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

6. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán gửi chủ tài khoản tạm giữ để chi trả chi phí khai thác tài sản. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của khoản chi đề nghị thanh toán.

Hồ sơ đề nghị thanh toán gồm:

a) Văn bản đề nghị thanh toán của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ (trong đó nêu rõ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản, tổng chi phí xử lý tài sản, thông tin về tài khoản tiếp nhận thanh toán) kèm theo bảng kê chi tiết các khoản chi: 01 bản chính;

b) Quyết định xử lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền: 01 bản sao;

c) Các hồ sơ, giấy tờ chứng minh cho các khoản chi như: Dự toán chi được duyệt; Hợp đồng thuê dịch vụ thẩm định giá, đấu giá, phá dỡ; hóa đơn, phiếu thu tiền (nếu có): 01 bản sao.

7. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm cấp tiền cho cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý để thực hiện chi trả các khoản chi phí có liên quan đến việc xử lý kết cấu hạ tầng chợ.

8. Định kỳ hằng quý, chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền còn lại đối với các khoản thu từ khai thác tài sản đã hoàn thành việc thanh toán chi phí vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

9. Trường hợp không phát sinh nguồn thu từ việc xử lý tài sản hoặc số tiền thu được từ xử lý tài sản không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được chi từ dự toán ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí hợp pháp của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản.

10. Trường hợp phá dỡ công trình cũ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình mới mà chi phí phá dỡ công trình cũ đã được bố trí trong tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình mới do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thì việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không thực hiện theo quy định từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này.

Mục 7. CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ BÁO CÁO TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Điều 34. Báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Tài sản kết cấu hạ tầng chợ phải được báo cáo kê khai và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ để quản lý thống nhất.

2. Hình thức báo cáo kê khai tài sản kết cấu hạ tầng chợ:

a) Báo cáo kê khai lần đầu theo Mẫu số 01A Phụ lục I Nghị định này tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành;

b) Báo cáo kê khai bổ sung theo Mẫu số 01B Phụ lục I Nghị định này trong trường hợp có thay đổi thông tin về cơ quan, đơn vị được giao quản lý hoặc thông tin về tài sản.

3. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ lập báo cáo kê khai tài sản theo Mẫu số 01A, 01B, 01C01D Phụ lục I Nghị định này, gửi cơ quan quản lý cấp trên ký xác nhận để thực hiện nhập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

Thời hạn gửi báo cáo kê khai là 30 ngày, kể từ ngày tiếp nhận tài sản theo quyết định giao quản lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền hoặc có thay đổi thông tin về cơ quan được giao quản lý tài sản, tài sản đã kê khai.

4. Hằng năm, cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản (bao gồm số tiền thu được từ xử lý, từ khai thác tài sản); cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ báo cáo số tiền thu được từ thực hiện phương án khai thác tài sản của năm trước và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời điểm chốt số liệu báo cáo là thời điểm kết thúc năm tài chính.

5. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ gồm:

a) Báo cáo tình hình khai thác tài sản theo từng phương thức và kết quả khai thác tài sản theo các Mẫu số 02A, 02B, 02C, 02D quy định tại Phụ lục I Nghị định này.

b) Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo Mẫu số 03A quy định tại Phụ lục I Nghị định này.

6. Thời hạn gửi báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ hằng năm thực hiện như sau:

a) Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản lập báo cáo gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có), gửi cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền trước ngày 28 tháng 02 hằng năm;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng chợ gửi Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 3 hằng năm;

c) Bộ Tài chính tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng chợ trong phạm vi cả nước báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội theo yêu cầu và thực hiện công khai về tài sản của cả nước.

7. Doanh nghiệp nhà nước được giao tài sản theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 16 Nghị định này thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều này.

8. Báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử.

Điều 35. Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ

1. Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ là một bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, được xây dựng và quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước; thông tin trong Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ có giá trị pháp lý như hồ sơ dạng giấy.

2. Việc xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin và định mức kinh tế - kỹ thuật;

b) Bảo đảm tính tương thích, khả năng tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; chia sẻ thông tin và khả năng mở rộng các trường dữ liệu trong thiết kế hệ thống và phần mềm ứng dụng.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản, cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện báo cáo kê khai, cập nhật dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu về tài sản công theo quy định.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 36. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các chợ xây dựng trước khi Nghị định này có hiệu lực, không có điều kiện cải tạo, nâng cấp để đáp ứng các tiêu chí phân loại, phân hạng theo quy định tại Điều 4 Nghị định này được cơ quan có thẩm quyền phân hạng theo số lượng điểm kinh doanh hiện có với diện tích được xác định theo quy định tại thời điểm chợ được xây dựng và đáp ứng các yêu cầu cơ bản về phòng chống cháy nổ, vệ sinh, an toàn thực phẩm.

2. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý đã được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý theo đúng quy định của pháp luật trước ngày ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì được tiếp tục thực hiện theo Quyết định đã ký và pháp luật tại thời điểm có quyết định xử lý.

Điều 37. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.

Nghị định này thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2023 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

Điều 38. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, chương trình, nhiệm vụ về phát triển và quản lý chợ;

b) Chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về phát triển và quản lý chợ;

c) Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách phát triển và quản lý chợ theo thẩm quyền.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng chợ theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Tài chính:

a) Quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng chợ;

b) Hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ;

c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;

d) Hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý tại Chương IV Nghị định này.

4. Bộ Xây dựng:

Hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, định mức xây dựng, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất chợ theo quy định.

6. Bộ Công an:

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi chợ và khu vực xung quanh chợ; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy hoạch có liên quan đến chợ và quy định liên quan về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự thực hiện tại chợ.

7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy, gắn kết các hoạt động du lịch, quảng bá đối với các chợ có giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc và chợ đêm; thực hiện công tác quản lý, bảo tồn đối với các chợ đã được xếp hạng di tích, lịch sử, văn hóa theo quy định về di sản văn hóa.

8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Phân cấp quản lý chợ trên địa bàn tỉnh cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định hiện hành; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện rà soát, công bố việc phân hạng, phân loại chợ;

b) Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, biện pháp và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ;

c) Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xóa bỏ điểm kinh doanh tự phát;

d) Rà soát, nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển chợ đêm, chợ cộng đồng, chợ có giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc trên địa bàn theo quy định;

đ) Ban hành quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ với các nội dung chính theo Phụ lục II Nghị định này;

e) Chỉ đạo rà soát tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý;

g) Chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ.

9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

PHỤ LỤC I

(Kèm theo định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ)

Mẫu số 01A

Báo cáo kê khai tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 01B

Báo cáo kê khai bổ sung thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 01C

Báo cáo kê khai giảm tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 01D

Báo cáo kê khai việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 02A

Báo cáo tình hình khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ (Phương thức: Tự khai thác)

Mẫu số 02B

Báo cáo tình hình khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ (Phương thức: Cho thuê quyền khai thác)

Mẫu số 02C

Báo cáo tình hình khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ (Phương thức: Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác)

Mẫu số 02D

Báo cáo kết quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 03A

Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 03B

Báo cáo tổng hợp tình hình xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 03C

Báo cáo tình hình tăng, giảm tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 03D

Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng số tiền thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 03Đ

Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng số tiền thu từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Mẫu số 04A

Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ (Phương thức: Cho thuê quyền khai thác tài sản)

Mẫu số 04B

Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ (Phương thức: Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản)

Mẫu số 05

Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản công

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 01A

BÁO CÁO KÊ KHAI TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Kỳ báo cáo: kê khai lần đầu/kê khai bổ sung do tăng mới (mua sắm, tiếp nhận, nhận điều chuyển, khác)

I. Thông tin về đối tượng báo cáo

Tên đối tượng:……………………………. Mã đơn vị: …………………………..

Địa chỉ: Thôn/Xóm……………. Xã/Phường…………. Quận/Huyện….. Tỉnh/Thành phố …………

Loại hình: Cơ quan nhà nước (Ủy ban nhân dân xã/Sở..)/Đơn vị sự nghiệp công lập (nhóm 1,2, 3,4)/Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

II. Thông tin về người lập báo cáo:

Họ và tên:

Điện thoại liên hệ:

Email:

III. Thông tin về tài sản

STT

Tài sản

Địa chỉ

Loại hình công trình

Năm đưa vào sử dụng

Diện tích (m2)

Công suất sử dụng (trung bình số điểm kinh doanh /năm)

Số hộ kinh doanh (hộ)

Giá trị (đồng)

Chế độ hao mòn/ khấu hao

Tình trạng tài sản

Ghi chú

Đất

Sàn sử dụng

Thiết kế

Thực tế

Nguyên giá

Hao mòn/ Khấu hao

Giá trị còn lại

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm….
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 01B

BÁO CÁO KÊ KHAI BỔ SUNG THÔNG TIN VỀ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

I. Thông tin về đối tượng báo cáo

Tên đối tượng:……………………………………………. Mã đơn vị:…………………………

Địa chỉ:………………….Xã/Phường………… Quận/Huyện……… Tỉnh/Thành phố………

II. Thông tin thay đổi

STT

Chỉ tiêu

Thông tin đã kê khai

Thông tin thay đổi

Ngày tháng thay đổi thông tin

Lý do thay đổi thông tin

Ghi chú

1

2

3

4

5

6

7

I. Về đối tượng được giao quản lý

1

Tên

2

Địa chỉ

3

Cơ quan quản lý cấp trên

4

Thông tin khác

II. Về tài sản

1

Diện tích đất

2

Diện tích sàn sử dụng

3

Năm đưa vào sử dụng

4

Loại hình công trình

5

Nguyên giá

6

Giá trị còn lại

7

Tình trạng tài sản

8

Thông tin khác

III. Về công suất thực tế và việc khai thác tài sản

1

Công suất thực tế của tài sản

2

Số điểm kinh doanh

3

Phương thức khai thác

4

Thông tin khác

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm…
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 01C

BÁO CÁO KÊ KHAI GIẢM TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

I. Thông tin về đối tượng báo cáo

Tên đối tượng :………………………………………………… Mã đơn vị:……………………

II. Thông tin về tài sản

ĐVT: đồng

STT

Danh mục tài sản

Hình thức, phương thức xử lý

Quyết định xử lý (hoặc bán đấu giá) (Số, ngày)

Đối tượng tiếp nhận tài sản

Tổng số tiền thu được

Số tiền nộp tài khoản tạm giữ

Chi phí xử lý

Số tiền nộp ngân sách nhà nước

Ghi chú

1

2

3

4

5

6

7

8

9= (6-8)

10

Công trình A

Tổng cộng

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm….
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 01D

BÁO CÁO KÊ KHAI VIỆC KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

I. Thông tin về đối tượng báo cáo

Tên đơn vị:………………………………………………… Mã đơn vị:…………………………………

II. Thông tin về tài sản

STT

Danh mục tài sản

Phương thức khai thác

Hợp đồng khai thác tài sản

Công suất (trung bình số điểm kinh doanh/năm)

Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng tài sản được phê duyệt

Ghi chú

Số, ngày

Giá trị Hợp đồng (đồng)

Thời hạn khai thác (năm, tháng)

Tổ chức nhận khai thác

Thiết kế

Thực tế

Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (Số/ngày)

Tổng số vốn đầu tư (đồng)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

1

Công trình A

2

Công trình B

3

Công trình C

TỔNG CỘNG

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 02A

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ
(Phương thức: Tự khai thác)
Kỳ báo cáo: Năm …………..

STT

Danh mục tài sản

Công suất sử dụng (trung bình số điểm kinh doanh/năm)

Giá trị tài sản (đồng)

Quản lý số tiền thu được (đồng)

Ghi chú

Thiết kế

Thực tế

Nguyên giá

Giá trị còn lại

Tổng số tiền đã thu

Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước (nếu có)

Số tiền đã được ngân sách nhà nước cấp bù (nếu có)

Chi phí bảo trì lũy kế

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

TỔNG CỘNG

1

Công trình A

2

Công trình B

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 02B

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ
(Phương thức: Cho thuê quyền khai thác)

STT

Danh mục tài sản

Công suất sử dụng (trung bình số điểm kinh doanh/năm)

Giá trị tài sản (nghìn đồng)

Tên tổ chức thuê quyền khai thác tài sản

Thời hạn thuê (năm, tháng)

Số, ngày Hợp đồng thuê

Tổng số tiền phải thu theo hợp đồng

Chi phí có liên quan

Số tiền nộp tài khoản tạm giữ

Số tiền nộp ngân sách nhà nước

Ghi chú

Thiết kế

Thực tế

Nguyên giá

Giá trị còn lại

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

TỔNG CỘNG

1

Công trình A

2

Công trình B

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐƠN VỊ BÁO CÁO

Mẫu số 02C

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ
(Phương thức: Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác)
Kỳ báo cáo: Năm ……..

STT

Danh mục tài sản

Công suất sử dụng (trung bình số điểm kinh doanh/năm)

Giá trị tài sản (đồng)

Tên tổ chức nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản

Thời hạn chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản (tháng)

Số, ngày Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản

Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng tài sản được phê duyệt

Tổng số tiền phải thu theo hợp đồng

Chi phí có liên quan

Số tiền nộp tài khoản tạm giữ

Số tiền nộp ngân sách nhà nước

Ghi chú

Thiết kế

Thực tế

Nguyên giá

Giá trị còn lại

Số, ngày Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm

Tổng số vốn đầu tư

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

TỔNG CỘNG

1

Công trình A

2

Công trình B

...

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN

Mẫu số 02D

BÁO CÁO KẾT QUẢ KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

I. Thông tin về đối tượng báo cáo

Tên đơn vị:……………………………………………….. Mã đơn vị:……………………………

II. Thông tin về tài sản

STT

Danh mục tài sản

Phương thức khai thác

Hợp đồng khai thác tài sản

Công suất sử dụng của năm trước liền kề (trung bình số điểm kinh doanh/năm)

Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng tài sản được phê duyệt

Quản lý số tiền thu được (đồng)

Ghi chú

Số, ngày

Giá trị Hợp đồng (đồng)

Thời hạn khai thác (tháng)

Tổ chức nhận khai thác

Thiết kế

Thực tế

Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (Số/ngày)

Tổng số vốn đầu tư (đồng)

Tổng số tiền đã thu

Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước (nếu có)

Số tiền đã được ngân sách nhà nước cấp bù (nếu có)

Chi phí bảo trì lũy kế

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

1

Công trình A

2

Công trình B

3

Công trình C

TỔNG CỘNG

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 03A

BÁO CÁO TỔNG HỢP TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Kỳ báo cáo …………………..

STT

Đối tượng được giao quản lý, sử dụng/ Danh mục tài sản

Năm đưa vào sử dụng

Diện tích (m2)

Công suất sử dụng của năm trước liền kề (trung bình số điểm kinh doanh/năm)

Giá trị tài sản (đồng)

Tình trạng tài sản

Phương thức khai thác

Ghi chú

Đất

Sàn sử dụng

Thiết kế

Thực tế

Nguyên giá

Giá trị còn lại

Hoạt động

Không hoạt động

Tự khai thác

Cho thuê quyền khai thác

Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác

Phương thức khác

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

1

Đơn vị sự nghiệp công lập A

Công trình X

Công trình Y

2

UBND xã B

Công trình N

3

Doanh nghiệp C

Công trình E

4

Cơ quan chuyên môn về chợ

Công trình M

Tổng cộng

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 03B

BÁO CÁO TỔNG HỢP TÌNH HÌNH XỬ LÝ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Kỳ báo cáo ……………………..

STT

Đối tượng được giao quản lý, sử dụng/ Danh mục tài sản

Năm đưa vào sử dụng

Diện tích (m2)

Công suất (trung bình số điểm kinh doanh/năm)

Tình trạng tài sản

Hình thức xử lý

Ghi chú

Đất

Sàn sử dụng

Thiết kế

Thực tế

Hoạt động

Không hoạt động

Thu hồi

Điều chuyển

Thanh lý

Khác

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

1

Đơn vị sự nghiệp công lập A

Công trình X

Công trình Y

2

UBND xã B

Công trình N

3

Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ C

Công trình E

4

Cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Công trình M

Tổng cộng

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 03C

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TĂNG, GIẢM TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Kỳ báo cáo ……………………

STT

Đơn vị được giao quản lý, sử dụng

Số đầu kỳ

Tăng trong kỳ

Giảm trong kỳ

Số cuối kỳ

Ghi chú (theo Quyết định số ... ngày... của ...)

Số lượng

Trong đó

Số lượng

Trong đó

Số lượng

Trong đó

Số lượng

Trong đó

Nguyên giá (triệu đồng)

Giá trị còn lại (triệu đồng)

Nguyên giá (triệu đồng)

Giá trị còn lại (triệu đồng)

Nguyên giá (triệu đồng)

Giá trị còn lại (triệu đồng)

Nguyên giá (triệu đồng)

Giá trị còn lại (triệu đồng)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

1

UBND xã A

2

Đơn vị sự nghiệp công lập X

3

Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ Y

4

Cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Tổng cộng

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 03D

BÁO CÁO TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG SỐ TIỀN THU TỪ KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Kỳ báo cáo: từ tháng …đến tháng …….

STT

Đơn vị được giao quản lý, sử dụng

Tài sản công trình được giao quản lý, sử dụng và khai thác

Tự khai thác

Cho thuê quyền khai thác

Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác

Ghi chú

Số lượng

Số tiền thu được

Chi phí bảo trì

Số lượng

Số tiền phải thu

Số tiền đã thu được

Chi phí có liên quan

Số tiền nộp ngân sách nhà nước

Số lượng

Số tiền thu được

Chi phí có liên quan

Số tiền nộp ngân sách nhà nước

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11
(8-10)

12

13

14

15
(13-14)

16

1

UBND xã A

2

Đơn vị sự nghiệp công lập X

3

Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ Y

4

Cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Tổng cộng

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên nếu có)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Mẫu số 03Đ

BÁO CÁO TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG SỐ TIỀN THU TỪ XỬ LÝ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ

Kỳ báo cáo………………

Đơn vị tính: đồng

STT

Đơn vị được giao quản lý, sử dụng

Tổng số công trình được giao quản lý

Số lượng công trình xử lý

Số tiền thu được

Chi phí có liên quan

Số tiền nộp ngân sách nhà nước

Ghi chú

Tổng số

Thanh lý

Khác

1

2

3

4

5

6

7

8

9 (7-8)

10

1

UBND xã A

2

Đơn vị sự nghiệp công lập X

3

Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ Y

4

Cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Tổng cộng

….. , ngày..... tháng..... năm ……..
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN (NẾU CÓ)
(Ký, ghi rõ họ tên nếu có)

…… , ngày..... tháng..... năm…..
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Mẫu số 04A

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH, THÀNH PHỐ....
CƠ QUAN/ĐƠN VỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /…….-PA

….., ngày ... tháng.... năm….

ĐỀ ÁN KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ
(Phương thức: Cho thuê quyền khai thác tài sản)

I. Sự cần thiết thực hiện phương án

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017;

- Nghị định số ……/2024/NĐ-CP ngày.... tháng.... năm 2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

2. Cơ sở thực tiễn

2.1. Thông tin về cơ quan/đơn vị lập phương án khai thác tài sản

a) Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan/đơn vị lập phương án khai thác tài sản theo quy định của pháp luật;

b) Phương thức khai thác tài sản đang áp dụng:....

2.2. Hồ sơ pháp lý về tài sản dự kiến thực hiện phương thức cho thuê

a) Quyết định giao tài sản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền (đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện lập phương án khai thác tài sản);

b) Văn bản đề nghị giao lại tài sản của cơ quan, đơn vị (đối với trường hợp cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công về chợ lập phương án khai thác tài sản).

2.3. Đánh giá thực trạng về hiệu quả quản lý, khai thác tài sản đang thực hiện đối với từng công trình thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, đối với tài sản đề xuất dự kiến cho thuê quyền khai thác, cần nêu cụ thể các thông tin:

- Kết quả thực hiện việc khai thác tài sản của 2 năm liền trước năm xây dựng phương án (doanh thu, chi phí, nộp ngân sách nhà nước, chênh lệch thu chi....) của cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản (nếu có);

- Kế hoạch phát triển trong các năm tiếp theo.

II. Nội dung chủ yếu của phương án

1. Thông tin chủ yếu về tài sản, gồm: Tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, tình trạng tài sản.

2. Thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản:...

3. Phương thức tổ chức thực hiện việc cho thuê quyền khai thác tài sản;

4. Cơ sở và phương pháp xác định giá khởi điểm để cho thuê quyền khai thác tài sản.

5. Phương thức thanh toán.

6. Dự kiến nguồn thu từ khai thác tài sản: Doanh thu, chi phí có liên quan đến việc cho thuê quyền khai thác tài sản; số tiền nộp ngân sách nhà nước.

7. Nguyên tắc xử lý khi kết thúc thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản:...

III. Đề xuất, kiến nghị để thực hiện phương án

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN VỀ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
LẬP PHƯƠNG ÁN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 04B

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH, THÀNH PHỐ...
CƠ QUAN/ĐƠN VỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /……..-PA

……., ngày ... tháng.... năm ……

ĐỀ ÁN KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ
(Phương thức: Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản)

I. Sự cần thiết thực hiện phương án

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017;

- Nghị định số ……/2024/NĐ-CP ngày .... tháng .... năm 2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

2. Cơ sở thực tiễn

2.1. Thông tin về cơ quan/đơn vị lập phương án khai thác tài sản

a) Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan/đơn vị lập phương án khai thác tài sản theo quy định của pháp luật;

b) Phương thức khai thác tài sản đang áp dụng:....

2.2. Hồ sơ pháp lý về tài sản dự kiến thực hiện phương thức chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác;

a) Quyết định giao tài sản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền (đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện lập phương án khai thác tài sản);

b) Văn bản đề nghị giao lại tài sản của cơ quan, đơn vị (đối với trường hợp cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công về chợ lập phương án khai thác tài sản);

c) Quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt Dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng tài sản.

2.3. Đánh giá thực trạng về hiệu quả quản lý, khai thác tài sản đang thực hiện đối với từng công trình thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, đối với tài sản đề xuất dự kiến thực hiện phương thức chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác, cần nêu cụ thể các thông tin:

- Kết quả thực hiện việc khai thác tài sản của 2 năm liền trước năm xây dựng phương án (doanh thu, chi phí, nộp ngân sách nhà nước, chênh lệch thu chi....) của cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản (nếu có);

- Kế hoạch phát triển trong các năm tiếp theo.

- Dự kiến sơ bộ về nhu cầu sử dụng trên địa bàn trong thời gian tới.

II. Nội dung chủ yếu của phương án

1. Thông tin chủ yếu về tài sản, gồm: Tên tài sản, địa chỉ, loại hình công trình, năm xây dựng, năm đưa vào sử dụng, diện tích, số điểm kinh doanh tại chợ, giá trị tài sản, tình trạng tài sản.

2. Nội dung dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thời hạn chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác.

4. Phương thức tổ chức thực hiện; cơ sở và phương pháp xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.

5. Phương thức thanh toán.

6. Dự kiến nguồn thu từ khai thác tài sản: Doanh thu, chi phí có liên quan đến việc cho thuê quyền khai thác tài sản; số tiền nộp ngân sách nhà nước; dự kiến số tiền được ưu tiên bố trí vốn từ số tiền đã nộp ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công, dự toán chi ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

7. Nguyên tắc xử lý khi kết thúc thời hạn chuyển nhượng có thời hạn quyền: khai thác tài sản:...

III. Đề xuất, kiến nghị để thực hiện phương án

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN VỀ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG CHỢ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 05

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH, THÀNH PHỐ…
CƠ QUAN/ĐƠN VỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /…….-BB

….., ngày ... tháng.... năm …..

BIÊN BẢN BÀN GIAO, TIẾP NHẬN TÀI SẢN CÔNG

Căn cứ Nghị định số …../2024/NĐ-CP ngày .... tháng .... năm 2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Quyết định số….. ngày ... tháng ... năm ... của .... về việc…………… 1

Hôm nay, ngày ... tháng ... năm…… , tại….. , việc bàn giao, tiếp nhận tài sản công được thực hiện như sau:

A. THÀNH PHẦN THAM GIA BÀN GIAO, TIẾP NHẬN

1. Đại diện bên giao (Tên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bàn giao):

Ông (Bà):……………………………………………………… Chức vụ: ……………………….

Ông (Bà):…………………………………………………...... Chức vụ: ………………………..

2. Đại diện bên nhận (Tên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận):

Ông (Bà):……………………………………………………... Chức vụ: ………………………..

Ông (Bà):……………………………………………………... Chức vụ: ………………………..

3. Đại diện cơ quan chứng kiến (nếu có) (Tên cơ quan chứng kiến):

Ông (Bà):……………………………………………………… Chức vụ: ……………………….

Ông (Bà):……………………………………………………… Chức vụ: ……………………….

B. NỘI DUNG BÀN GIAO, TIẾP NHẬN

1. Danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận2:

STT

Danh mục tài sản (chi tiết theo từng loại tài sản)

Đơn vị tính

Số lượng

Nguyên giá (đồng)

Giá trị còn lại (đống)

Giá trị đánh giá lại (đồng)

Ghi chú

1

2

3

4

5

6

7

8

A

Nhà lồng chợ và các công trình có mái che (khu nhà điều hành của tổ chức quản lý chợ trong phạm vi chợ); khu vệ sinh; kho chứa hàng; bãi để xe; khu thu gom rác, xử lý rác; phòng trực bảo vệ; không gian tín ngưỡng (nếu có); kho lạnh (nếu có).

B

Các hệ thống kỹ thuật (hệ thống công trình giao thông; cấp thoát nước; hệ thống điện chiếu sáng và điện động lực; hệ thống thông tin, camera quan sát và biển hiệu quảng cáo; hệ thống thông gió và điều hòa không khí, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thu gom rác thải).

C

Các công trình khác trong phạm vi chợ.

Tổng cộng:

2. Các hồ sơ liên quan đến quyền quản lý, sử dụng tài sản bàn giao, tiếp nhận: …………

……………………………………………………………………………………………………….

3. Trách nhiệm của các bên giao nhận:

a) Trách nhiệm của Bên giao:

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

b) Trách nhiệm của Bên nhận:

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

4. Ý kiến của các bên tham gia bàn giao, tiếp nhận:

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

ĐẠI DIỆN BÊN GIAO
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

ĐẠI DIỆN CƠ QUAN CHỨNG KIẾN (nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên)

____________________

1 Ghi rõ số, ngày tháng, trích yếu của Quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

2 Căn cứ vào danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận cụ thể, bên giao, bên nhận bổ sung, chỉnh lý nội dung của các cột chỉ tiêu cho phù hợp. Ví dụ: khi bàn giao, tiếp nhận trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp bổ sung cột diện tích đất, diện tích sàn; khi bàn giao, tiếp nhận tài sản có quyết định xử lý gắn với việc chuyển đổi công năng sử dụng thì bổ sung cột mục đích sử dụng hiện tại, mục đích sử dụng sau khi chuyển đổi;...

PHỤ LỤC II

QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ, KINH DOANH, KHAI THÁC CHỢ
(Kèm theo Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ)

I. Thành lập Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ

1. Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ được thành lập ở cấp tỉnh hoặc huyện tùy vào nhu cầu, điều kiện, tình hình cụ thể của từng địa phương.

Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ ở cấp tỉnh gồm lãnh đạo các Sở Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan.

2. Trách nhiệm của Ban chuyển đổi chợ

- Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

- Chỉ đạo việc xây dựng Phương án chuyển đổi mô hình quản lý các chợ trên địa bàn, tham mưu hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án chuyển đổi mô hình quản lý theo phân cấp quản lý.

- Triển khai thực hiện Phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo phương án được phê duyệt.

- Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Kế hoạch và Phương án chuyển đổi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổng hợp kết quả thực hiện và các khó khăn, vướng mắc, đề xuất biện pháp giải quyết.

II. Nội dung Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ

1. Nội dung của Kế hoạch chuyển đổi mô hình chợ:

- Hiện trạng các chợ.

- Thời gian chuyển đổi.

- Mô hình hoạt động sau chuyển đổi.

- Phương thức chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh chợ.

- Phân công trách nhiệm, thời hạn triển khai, tổ chức thực hiện của các đơn vị có liên quan.

2. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công bố công khai Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

III. Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ

Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ bảo đảm một số nguyên tắc: công khai, minh bạch, có sự tham gia đồng thuận của các bên liên quan đặc biệt là các thương nhân kinh doanh tại chợ, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự, không làm thất thoát tài sản nhà nước.

1. Căn cứ Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã được phê duyệt, Ban chuyển đổi chợ xây dựng Phương án chuyển đổi mô hình quản lý từng chợ.

2. Nội dung của Phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ

- Đánh giá hiện trạng chợ.

- Mô hình chuyển đổi, hình thức, phương thức chuyển đổi.

- Phương án đầu tư chợ.

- Phương án bố trí, sắp xếp chợ tạm (trong trường hợp xây dựng lại hoặc cải tạo, nâng cấp chợ) để duy trì hoạt động của chợ.

- Phương án quản lý, kinh doanh.

- Phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh.

- Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi các bên liên quan khi thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

IV. Lấy ý kiến về phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Dự thảo phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ phải được công khai, lấy ý kiến đồng thuận của các hộ kinh doanh cố định tại chợ trong vòng 15 ngày làm việc. Ý kiến của các hộ kinh doanh được Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ tổng hợp (nêu rõ tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến của hộ kinh doanh).

V. Công khai Phương án chuyển đổi mô hình chợ

Niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có chợ chuyển đổi, trên trang thông tin điện tử theo quy định và trụ sở ban quản lý chợ để tổ chức, cá nhân liên quan được biết.

VI. Tổ chức lựa chọn doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ: Theo quy định tại Chương IV Nghị định này.

VII. Công nhận doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, kinh doanh

Theo quy định tại Chương IV Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 60/2024/ND-CP

Hanoi, June 5, 2024

 

DECREE

DEVELOPMENT AND MANAGEMENT OF MARKETS

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on Local Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on Amendments to the Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Commercial dated June 14, 2005;

Pursuant to the Civil Code dated November 24, 2015;

Pursuant to the Law on Cultural Heritage dated June 29, 2001; the Law on amendments to the Law on Cultural Heritage dated June 18, 2009;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

Pursuant to the Law on Promulgation of Legislative Documents dated June 22, 2015; the Law on amendments to the Law on Promulgation of Legislative Documents dated June 18, 2020;

Pursuant to the Law on Management and Use of Public Property dated June 21, 2017;

Pursuant to the Law on Planning dated November 24, 2017;

Pursuant to the Law on Public Investment dated June 13, 2019; the Law on amendments to the Law on Public-Private Partnership Investment, the Law on Investment, the Law on Housing, the Law on Procurement, the Law on Electricity, the Law on Enterprises, the Law on Special Excise Duties, and the Law on Enforcement of Civil Judgments dated January 11, 2022;

Pursuant to the Law on Investment dated June 17, 2020;

Pursuant to the Law on Enterprises dated June 17, 2020;

Pursuant to the Law on Bidding dated June 23, 2023;

At the request of the Minister of Industry and Trade of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Decree provides for policies and regulations on the development and management of markets, including investment in the construction of markets (including construction, repair, and renovation of construction works); market management and trading activity management at markets; management, use, and utilization of market infrastructure assets invested in and managed by the State.

Article 2. Regulated entities

Agencies, organizations, and individuals involved in the development and management of markets.

Article 3. Interpretation of terms

For the purpose of this Decree, the following terms shall be construed as follows:

1. “Market”, as revised in this Decree, refers to a market organized at a location under relevant development planning or plans to meet the demands for goods trading and exchange and the people’s demands for consumption.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. “Wholesale markets” are markets with goods from manufacturing and trading sources for distribution to other markets and other distribution and circulation channels.

4. “Traditional market” refers to a market for trading and exchanging goods manufactured and cultivated by the people and trading common and essential goods serving people’s lives.

5. “Trading points at a market” include stalls, stands, kiosks, and shops at fixed locations in the market scope according to the market construction design. A trading point shall have an area of at least 3 m2 per point.

6. “Solid markets” refer to markets constructed to assure at least 10 years of use.

7. “Semi-solid markets” refer to markets constructed to assure at least 5 to 10 years of use.

8. “Temporary markets” refer to markets constructed in the planning but are not solidly or semi-solidly constructed; areas arranged by local authorities for temporary trading.

9. “Spontaneous trading points” refer to spontaneous trading points and areas not included in any local planning or plan for market development.

10. “Rural markets” refer to markets in administrative boundary areas, excluding wards of district-level towns, districts, and cities.

11. “Night markets” refer to markets organized at local areas and locations for night economy development, operating from 6 p.m. the previous night to 6 a.m. the next morning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



13. “Enterprises investing, trading, utilizing, and managing markets” refer to enterprises established and operated under the law investing, constructing, trading, utilizing, and managing markets.

14. “Cooperatives investing, trading, utilizing, and managing markets” refer to cooperatives established and operated under the law investing, constructing, trading, utilizing, and managing markets.

15. “Specialized agencies assigned to manage market infrastructure assets” refer to agencies of provincial People’s Committees, People’s Committees of communes assisting provincial People’s Committees, People’s Committees of communes implementing the state management of market infrastructure assets invested in and managed by the State in provinces (hereinafter referred to as “specialized market infrastructure asset agencies”).

16. “Market infrastructure assets” (including land and assets affixed to land) invested in and managed by the State include:

Market halls and works with canopies, administration houses of market management organizations within the market scope, toilet areas, warehouses, parking lots, waste collection and treatment areas, guard rooms, religious space (if any), and cold storages (if any);

Technical systems, including traffic work systems, water supply and drainage systems, electricity systems, information systems, surveillance camera systems, ventilation and air conditioning systems, fire prevention and firefighting systems, and waste collection systems;

Other works in the market scope.

Article 4. Market classification

1. Classification by trading methods:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Scale (area): the market land area shall be at least 10.000 m2, regardless of the area for the premises, roads, parking lots, and other auxiliary works.

Location: connection to types of traffic and convenience for goods circulation.

Work items:

Essential works: parking lots, water supply and drainage system, wastewater treatment systems, waste and scrap collection locations, toilet areas, warehouses, and goods parking lots;

Items with technical requirements: fire prevention and firefighting, food safety and environmental protection, and responses to climate change as prescribed by the law;

Items in the main area: goods trading areas by each subdivision for specific goods or industry (including wholesale areas and retail areas); areas of offices; areas for inspection, control, and quarantine (for imported and exported goods with animal and plant origins), traceability, and quality management; areas for classification and preliminary processing, processing, and packaging of goods; warehouses for goods delivery; service areas supporting essential services and areas for unloading and arranging goods for trucks and semi-trailer trucks.

Wholesale markets that have been invested in and constructed and are currently operating before the effective date of this Decree shall continue to operate following investment projects.

b) A traditional market is a market with purposes and functions prescribed in Clause 4 Article 3 of this Decree.

2. Market classification by scale:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A market with more than 400 trading points, invested in and solidly constructed under planning;

The market scope conforms with the operational scale of the market and is suitable for organizing mandatory activities such as vehicle parking and surveillance, public hygiene, and other activities.

a) Class-2 market:

A market with 200 trading points to 400 trading points, invested in and solidly or semi-solidly constructed under planning;

The market scope conforms with the operational scale of the market and is suitable for organizing mandatory activities such as vehicle parking and surveillance, public hygiene, and other activities.

a) Class-3 market:

A market with under 200 trading points that have yet to be invested in and solidly or semi-solidly constructed;

The market scope conforms with the operational scale of the market and is suitable for organizing mandatory activities such as public hygiene.

3. Market classification by origin:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The construction investment and management and trading at markets shall comply with Chapters II and III of this Decree and relevant laws;

The management, use, and utilization of market infrastructure assets invested in and managed by the State shall comply with Chapter IV of this Decree.

b) Markets invested in by non-state budget sources (including other legal sources as prescribed by the law):

The construction investment and management and trading at markets shall comply with Chapters II and III of this Decree and relevant laws.

Chapter II

MARKET CONSTRUCTION INVESTMENT

Article 5. Market development plans

1. Provincial People’s Committees shall, based on provincial planning, provincial socio-economic development plans, and other relevant planning and development demands, promulgate market development plans to construct, renovate, and upgrade markets and attract investment in the development of market systems in their areas.

2. Main contents of a market development plan:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Objectives;

c) Tasks and solutions;

d) Market development schemes (construction investment, development, expansion, and renovation of the market and other relevant contents);

dd) Implementation.

Article 6. Market construction investment

1. Markets subject to construction investment shall conform with the provincial planning, provincial socio-economic development plans, and other relevant planning and plans.

2. Sources for investment in market construction include the state budget and non-state budget sources (including other legal sources according to the law).

3. The state budget shall be used to support construction investment of projects on traditional markets and wholesale markets according to public investment and state budget laws. Support for site clearance with funding from the state budget for wholesale markets shall comply with public investment laws and relevant laws.

4. Provinces shall proactively balance the state budget capital for investment or support the investment in the development of markets in their areas based on the actual situation, urgency, and conformity with public investment and state budget laws and other relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Market investment projects shall be eligible for policies on investment incentives, policies on investment credit of the State, and policies on private investment according to the law.

7. Depending on the investment and land use conditions, market construction investment projects shall comply with respective current laws.

Article 7. Rights and obligations of market construction investors

1. Rights of market construction investors:

a) Market construction investors may enjoy investment incentives and take out loans from development investment funds according to regulations of the Government of Vietnam on the organization and operation of local development investment funds;

b) Other rights according to the law.

2. Obligations of market construction investors:

a) Market construction investors shall implement the investment in the market construction following current regulations on investment and construction and relevant laws;

b) Market construction investors shall implement the maintenance during the market construction investment project period;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Investors engaging in the construction, reconstruction, or relocation of markets shall develop schemes and policies for supporting the transfer; ensure the maintenance of the activities of temporary markets; develop schemes to utilize, set up, and arrange trading points of markets and collect feedback from traders engaging in trading at markets;

dd) Investors engaging in the construction of new markets shall ensure compliance with the law on the arrangement of works in the market scope; regarding markets subject to renovation or upgrade, comply with regulations on fire prevention and firefighting, water supply and drainage, public hygiene, lighting, ventilation, and parking lots;

e) Other obligations as prescribed by the law.

Chapter III

MARKET MANAGEMENT ORGANIZATIONS AND TRADING ACTIVITIES AT MARKETS

Article 8. Market management organizations

Market management organizations include market construction investors; enterprises and cooperatives engaging in the investment, trading, utilization, and management of markets; organizations assigned to manage market infrastructure assets according to Clauses 1 and 2 Article 15 of this Decree; organizations engaging in the utilization of market infrastructure assets according to Articles 24 and 25 of this Decree.

Article 9. Entitlements and responsibilities of market management organizations

1. Organize and implement market management and other services serving the activities of markets according to this Decree and relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Develop internal market regulations according to Article 10 of this Decree, administrate activities of markets following internal market regulations, and handle violations against internal market regulations within their jurisdiction.

4. Sign and carry out contracts with traders on leasing and using trading points at markets and other services as prescribed by the law.

5. Disseminate and provide information on relevant policies and laws for traders at markets.

6. Cooperate with competent authorities in implementing regulations on infectious disease prevention and control.

7. Summarize and submit reports on the activities of markets upon requests from competent authorities.

8. Maintain the activities of markets to ensure goods trading and exchange activities are in normal conditions and upon requests from competent authorities in necessary cases.

9. Aside from the obligations mentioned above, market management organizations shall, according to Clauses 1 and 2 Article 15, Article 24, and Article 25 of this Decree, manage and use public property in compliance with the law.

Article 10. Market internal regulations

1. A market internal regulation shall have the following main contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Rights and obligations of traders at the market;

c) Regulations on goods and trading services at the market;

d) Regulations on persons coming to transact, buy, sell, visit, and perform official work at the market;

dd) Regulations applicable to market management officials and employees;

e) Fire safety and natural disaster preparation and management;

a) Market security and order;

h) Environmental hygiene and food safety;

i) Civilized and commercial market and code of conduct;

k) Requirements for the organization and participation in social and cultural activities at the market;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



m) Other regulations.

2. Market internal regulations shall be publicly and clearly listed at visible and easy-to-observe places in markets and disseminated to traders at markets.

3. Organizations and individuals trading and exchanging goods and services in markets and relevant organizations and individuals shall comply with the law and market internal regulations.

4. Acts of violations against market internal regulations shall be handled by market management organizations within their jurisdiction.

5. Provincial People’s Committees shall promulgate sample internal regulations for consistent market internal regulation development and application to all markets in their areas.

Article 11. Management of trading points at markets

1. Market management organizations shall:

a) Formulate schemes to utilize, set up, and arrange trading areas and use trading points at markets and provide notices for competent People’s Committees;

b) Sign contracts with traders leasing trading points according to schemes to utilize, set up, and arrange trading areas and use trading points at markets as prescribed by the law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The rental terms of trading points at markets shall be agreed on by concerned parties unless otherwise prescribed by the law. Rental terms of trading points at markets shall be shown in contracts concluded between market management organizations and traders at markets.

3. Provincial People’s Committees shall instruct and stipulate the management of trading points at markets according to this Article, ensuring social security, food safety and hygiene, and order and security.

Article 12. Rights and obligations of traders at markets

1. Rights of traders at markets:

a) Traders with contracts for using or leasing trading points at markets may engage in trading activities under the concluded contracts;

b) Traders may transfer or lease out trading points that are still under contracts to other traders when receiving written approvals from market management organizations;

c) Non-regular traders shall be arranged to separate areas in markets and comply with market internal regulations.

2. Obligations of traders at markets:

a) Traders shall implement the schemes to set up and arrange trading areas of market management organizations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Goods and services of traders shall not be subject to cases banned from trading and meet the conditions prescribed by the law applicable to goods and services subject to trading restrictions or conditions;

d) Trading professions of traders shall not be those that are banned from trading and investment by the law and meet the conditions prescribed by the law applicable to conditional investment business lines.

Chapter IV

MANAGEMENT, USE, AND UTILIZATION OF MARKET INFRASTRUCTURE ASSETS INVESTED IN AND MANAGED BY THE STATE

Section 1. IMPLEMENTATION PRINCIPLES

Article 13. Principles of managing, using, and utilizing market infrastructure assets invested in and managed by the State

1. Competent state authorities shall assign market infrastructure assets to relevant entities for management and use in conformity with specific conditions concerning market scales and socio-economic characteristics of each province and the law.

Assignment of land, lease of land, collection, exemption, reduction of land rents, and management and use of market infrastructure assets affixed to land shall comply with land laws and relevant laws.

2. Provincial People’s Committees shall decide to assign specific agencies to carry out the state management of market infrastructure assets in their areas, ensuring consistency, specific authority decentralization, and responsibilities of each agency and the responsibility for cooperation between agencies in conformity with market scales, laws, and local socio-economic characteristics.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Market infrastructure assets shall be subject to adequate statistics and accounting concerning items and values, be depreciated and have their depreciation calculated, and be subject to asset maintenance according to the law. Entities assigned to manage market infrastructure assets as prescribed in Clauses 1 and 2 Article 15 of this Decree and relevant organizations shall carry out accounting under current regulations.

5. The management, use, handling, and utilization of market infrastructure assets shall ensure publicity and transparency; ensure social security objectives; have schemes for relocation and reasonable compensation; ensure security and order; prevent loss of state assets; be supervised, inspected, and audited; conform with relevant planning; preserve works with historical, cultural, and architectural values. Any violation against management, use, and utilization laws shall be promptly and strictly handled under the law.

6. Regarding the management, use, and utilization of market infrastructure assets that are inefficient or unconformable with planning approved by competent authorities or initial use purposes of the assets, the expropriation of land with assets shall comply with land laws and relevant laws.

Article 14. Principles of handling assets after conversion of operational models of entities with assigned market infrastructure assets

1. The asset handling during the conversion of operational models of public service providers into joint-stock companies with state capital shall comply with regulations on the conversion of public service providers into joint-stock companies.

2. The asset handling during the conversion of operational models from state-owned enterprises to joint-stock companies with state capital shall comply with state-owned enterprise equitisation laws.

Section 2. MARKET INFRASTRUCTURE ASSET ASSIGNMENT

Section 15. Entities and forms of market infrastructure asset assignment

1. Entities subject to market infrastructure asset assignment managed by provincial authorities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Enterprises whose charter capital is 100% owned by the State (hereinafter referred to as “state-owned enterprises”);

c) Provincial specialized market infrastructure asset agencies.

2. Entities subject to market infrastructure asset assignment managed by district-level authorities:

a) Public service providers;

b) People’s Committees of communes;

c) District-level specialized market infrastructure asset agencies.

3. Forms of market infrastructure asset assignment:

a) Assignment of market infrastructure assets in the form of recording of increases in assets to public service providers prescribed in Point a Clause 1 and Point a Clause 2 of this Article (hereinafter referred to as “units”) and People’s Committees of communes prescribed in Point b Clause 2 of this Article (hereinafter referred to as “agencies”);

b) Assignment to state-owned enterprises for management in the form of state investment in enterprises for the implementation of market trading according to the law on management and use of state capital invested in manufacturing and trading at enterprises, the law on enterprises, and relevant laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 16. Authority to decide; procedures for market infrastructure asset assignment managed by provincial authorities

1. Authority to decide on market infrastructure asset assignment

Provincial People’s Committees shall consider deciding on the assignment of market infrastructure assets under the local management to state-owned enterprises, units, and specialized market infrastructure asset agencies under their management.

2. Procedures for deciding on infrastructure assets of markets subject to investment in construction and infrastructure assets of markets under established all-people ownership:

a) The project investor (regarding infrastructure assets of a market subject to investment in construction) or the unit presiding over the asset management (regarding infrastructure assets of a market under established all-people ownership according to Article 101 of the Law on Management and Use of Public Property) shall submit a written document enclosed with an application concerning assets to the provincial specialized market infrastructure asset agency. The application includes:

Statement of the project investor/unit presiding over the asset management on the assignment of assets to an entity for management: 1 original copy;

Decision on approval for the construction investment project: 1 original copy;

Written request for the asset assignment of the relevant entity (in case of expected asset assignment to a state-owned enterprise or unit): 1 original copy;

List of assets requested for assignment (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, asset values, and assessment of the status of assets – if any): 1 original copy;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Decision on all-people ownership establishment (regarding assets under established all-people ownership according to Article 106 of the Law on Management and Use of Public Property): 1 original copy;

As-built document (regarding works subject to investment in construction): 1 copy;

Other relevant documents (if any): 1 copy.

b) Within 60 days from the date of receipt of the adequate application prescribed in Point a of this Clause, the provincial specialized market infrastructure asset agency shall take charge and cooperate with relevant local agencies and units in requesting the provincial People’s Committee consider issuing a decision on asset assignment. Contents of the decision on asset assignment:

Name of the entity subject to asset assignment;

Asset assignment form;

List of assets (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, asset values, and assessment of the status of assets – if any);

Implementation responsibilities.

3. Within 30 days from the date of receipt of the decision on market infrastructure asset assignment of the provincial People’s Committee, relevant agencies, units, and enterprises shall implement the delivery and receipt of assets. The delivery and receipt of assets shall be made in writing following Form No. 05 in Appendix I of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) In the case of assigning market infrastructure assets in the form of state investment in enterprises, the management, use, and utilization of such assets shall comply with the law on the management and use of public capital invested in manufacturing and trading at enterprises, relevant laws, and the following regulations:

The implementation of rights and obligations of enterprises relevant to market infrastructure assets shall ensure the ownership of the State over market infrastructure assets assigned to enterprises for management;

It is forbidden to use market infrastructure assets for mortgage or implementation of measures to ensure the fulfillment of other civil obligations;

It is forbidden to convert the functions associated with land repurposing;

Regarding market works that are no longer required to be used for market purposes that enterprises voluntarily return, including the land associated with such works, to local authorities, the compensation and implementation support shall comply with land laws;

It is mandatory to adequately implement regulations on reports on the management and use of market infrastructure assets according to this Decree;

The completion of legal documents on land and management and use of land associated with market infrastructure assets shall comply with land laws and relevant laws.

b) Regarding assets assigned to specialized market infrastructure asset agencies or units for management, the management, use, and utilization shall comply with this Decree. Agencies and units with assigned assets shall manage and use land associated with market infrastructure assets according to land laws and relevant laws.

Article 17. Authority to decide; procedures for market infrastructure asset assignment managed by district-level authorities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Procedures for deciding on market infrastructure asset assignment:

a) The project investor (regarding infrastructure assets of a market subject to investment in construction) or the unit presiding over the asset management (regarding infrastructure assets of a market under established all-people ownership according to Article 101 of the Law on Management and Use of Public Property) shall submit a written document enclosed with an application concerning assets to the district-level specialized market infrastructure asset agency. The application includes:

Statement of the project investor/unit presiding over the asset management on the assignment of assets to an entity for management: 1 original copy;

Decision on approval for the construction investment project: 1 original copy;

Written request for the asset assignment: 1 original copy;

List of assets requested for assignment (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, asset values, and assessment of the status of assets – if any): 1 original copy;

Testing record for putting assets into use (regarding assets subject to investment in construction): 1 original copy;

Decision on all-people ownership establishment (regarding assets under established all-people ownership according to Article 106 of the Law on Management and Use of Public Property): 1 original copy;

As-built document (regarding works subject to investment in construction): 1 copy;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Within 60 days from the date of receipt of the adequate application prescribed in Point a of this Clause, the district-level specialized market infrastructure asset agency shall take charge and cooperate with relevant local agencies and units in requesting the district-level People’s Committee to consider issuing a decision on asset assignment. Contents of the decision on asset assignment:

Name of the entity subject to asset assignment;

Asset assignment form;

List of assets requested for assignment (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, asset values, and assessment of the status of assets – if any);

Implementation responsibilities.

3. Within 30 days from the date of receipt of the decision on market infrastructure asset assignment of the district-level People’s Committee, relevant agencies and units shall implement the delivery and receipt of assets. The delivery and receipt of assets shall be made in writing following Form No. 05 in Appendix I of this Decree.

4. After receiving market infrastructure assets, the management and use of such assets shall comply with this Decree. Agencies and units with assigned assets shall manage and use land associated with market infrastructure assets according to land laws and relevant laws.

Section 3. DOCUMENTS ON MARKET INFRASTRUCTURE ASSET MAINTENANCE, ACCOUNTING, AND MANAGEMENT

Article 18. Market infrastructure asset management documents

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Documents relevant to the generation and fluctuation of assets:

Decision on asset transfer of the competent authority or person; asset delivery record;

Legal documents on land (decision on land assignment or land lease; land lease contract; certificate of rights to use land and assets affixed to land);

Other relevant documents.

b) First-time declaration report and/or additional declaration report according to Article 34 of this Decree (following Forms No. 01A, 01B, 01C, and 01D in Appendix I of this Decree).

c) Report on the management, use, and utilization of assets according to Section 4 and Section 5 Chapter IV of this Decree (following Forms No. 02A, 02B, 02C, 02D, 03A, 03B, 03C, 03D, and 03DD in Appendix I of this Decree).

d) Information in the database on market infrastructure assets according to Article 35 of this Decree.

2. Agencies, units, enterprises, and specialized market infrastructure asset agencies assigned to manage market infrastructure assets shall prepare, manage, and archive documents on assets under the law and submit reports according to this Decree.

Article 19. Market infrastructure asset accounting

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Open accounting books and implement asset accounting according to accounting laws and this Decree;

b) Submit reports on the increase, decrease, depreciation, and depreciation calculation according to the law.

2. Principles of accounting book recording in certain cases:

a) Regarding market infrastructure assets in use before the effective date of this Decree with information on their values in accounting books, use such information for accounting book recording.

b) Regarding market infrastructure assets in use before the effective date of this Decree but are not monitored or recorded in accounting books, use the values according to reassessment or values of the investment in works with equivalent levels, grades, and capacity scales after deducting the values of the use time for accounting book recording.

c) Regarding market infrastructure assets procured, constructed, and completed for use from the effective date of this Decree, use the procurement and settlement values for accounting book recording as per regulation.

Where assets are constructed and completed for use, but the settlement is not approved by competent authorities or persons, use the provisional unit prices for accounting book recording. The provisional unit prices shall be determined according to the following order of priority: settlement request prices; values determined under testing records A-B, and estimated values of the approved projects. When the settlement is approved, accountants shall revise the values recorded in accounting books according to accounting laws.

d) Where market infrastructure assets currently under management and in use are repaired, upgraded, or expanded under projects approved by competent authorities or persons, accountants shall record increases in the values of assets following the approved settlement values during the settlement of such projects.

Article 20. Market infrastructure asset maintenance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The determination of the costs of market infrastructure asset maintenance shall comply with the law on the costs of maintenance of construction works.

3. The costs of the maintenance of market infrastructure assets shall be included in the costs of market trading during the accounting periods of units assigned to manage market infrastructure assets according to accounting laws and relevant laws.

4. In case of leasing rights to utilize assets or transfer rights to utilize assets for specific terms and the contracts stipulate that the lessees or the receiving entities are responsible for maintaining the assets, the lessees and receiving entities shall carry out the maintenance according to the law and the concluded contracts using their funding sources.

5. Regarding assets assigned to state-owned enterprises as prescribed in Point b Clause 1 Article 15 of this Decree, the asset maintenance shall comply with construction laws, enterprise laws, and relevant laws.

6. Regarding assets assigned to units, agencies, or specialized market infrastructure assets agencies prescribed in Points a and c Clause 1 and Clause 2 Article 15 of this Decree, provincial People’s Committees shall, based on specific conditions, consider deciding on the allocation of funding for asset maintenance from revenues from the utilization and handling of market infrastructure assets or the state budget (in cases where revenues are inefficient to cover expenses). Funding for maintenance covered by the state budget shall comply with state budget laws.

Article 21. Market infrastructure asset maintenance implementation

1. Procedures for formulating and approving plans and funding estimates for market infrastructure asset maintenance shall comply with state budget laws:

a) Agencies and units assigned to manage assets shall, based on the technical standards, norms, maintenance unit prices, and work volume requiring implementation, formulate plans and funding estimates for asset maintenance (excluding cases of asset maintenance prescribed in Clause 4 and 5 Article 20 of this Decree) and submit reports to superior management authorities (if any) for presentation to provincial People’s Committees for assessment and inclusion in annual state budget estimates according to state budget laws;

b) Provincial People’s Committees shall, based on decisions on stage budget allocation of competent authorities or persons, allocate state budget estimates for market infrastructure asset maintenance to agencies and units assigned to manage assets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Procedures for formulating and approving plans and funding estimates for 3-year medium-term asset maintenance and 5-year implementation shall comply with the law on 3-year financial plans – state budget and 5-year financial plans.

3. The selection of units for market infrastructure asset maintenance shall comply with bidding laws and relevant laws, excluding cases where the State places orders or assigns tasks under the regulations of the Government of Vietnam on the manufacturing and provision of public products and services or assigns the maintenance to building contractors under the law.

4. The payment and settlement of funding for market infrastructure asset maintenance shall comply with state budget laws and relevant laws.

Section 4. MARKET INFRASTRUCTURE ASSET UTILIZATION

Article 22. Methods of utilizing market infrastructure assets

1. Directly implementing the utilization of market infrastructure assets.

2. Leasing rights to utilize market infrastructure assets.

3. Transferring rights to utilize market infrastructure assets for specific terms.

4. Other methods as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Agencies, units, and enterprises with assigned market infrastructure assets shall directly implement the utilization of assets following schemes to utilize, set up, and arrange trading professions and use trading points at markets according to this Decree.

2. Agencies, units, and enterprises with assigned market infrastructure assets shall carry out specific work to ensure the operation of markets.

Article 24. Lease of rights to utilize market infrastructure assets

1. The lease of rights to utilize market infrastructure assets shall apply to existing market infrastructure assets (not associated with the investment in the upgrade or expansion according to projects approved by competent authorities). The lease of rights to utilize market infrastructure assets shall apply to assets assigned to specialized market infrastructure asset agencies, units, and agencies for management and not apply to assets assigned to enterprises for management.

The lease terms of rights to utilize market infrastructure assets shall be determined in schemes to lease rights to utilize market infrastructure assets.

2. Authority to approve schemes to lease rights to utilize market infrastructure assets:

a) Provincial People’s Committees shall approve schemes to lease rights to utilize market infrastructure assets for market infrastructure assets under the management of provincial authorities.

b) District-level People’s Committees shall approve schemes to lease rights to utilize market infrastructure assets for market infrastructure assets under the management of district-level authorities.

c) Regarding market infrastructure assets relevant to national defense and security, provincial People’s Committees shall, based on feedback collected from the Ministry of Public Security of Vietnam and the Ministry of National Defense of Vietnam and relevant ministries and central authorities, submit reports to the Prime Minister of Vietnam for approval for guidelines before approving schemes under their jurisdiction.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Having decisions on functions, tasks, entitlements, and organizational structure of competent authorities or persons regarding units or certificates of enterprise registration or certificates of cooperative registration regarding enterprises or cooperatives according to Clauses 13 and 14 Article 3 of this Decree.

b) Having financial capability and capacity and experience in managing, operating, and utilizing markets.

4. Procedures for leasing rights to utilize market infrastructure assets:

a) Entities assigned to manage assets shall formulate schemes to lease rights to utilize assets following Form No. 04A in Appendix I of this Decree and send written requests to specialized market infrastructure asset agencies (in cases where entities assigned to manage assets are not specialized market infrastructure asset agencies). Regarding market infrastructure assets assigned to district-level agencies or units for management, agencies and units assigned to manage assets shall formulate schemes, submit reports to district-level People’s Committees, and send written requests to provincial specialized market infrastructure asset agencies;

b) Within 45 days from the date of receipt of written requests enclosed with schemes prescribed in Point a of this Clause, provincial specialized market infrastructure asset agencies shall take charge and cooperate with relevant agencies and units in appraising schemes and presenting them to competent People’s Committees prescribed in Clause 2 of this Article for assessment and approval. Main contents of decisions on approval for schemes to lease rights to utilize market infrastructure assets:

Entities with assets carrying out the lease of utilization rights;

List of leased assets (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, asset values, and assessment of the status of assets – if any);

Lease terms of utilization rights;

Methods of leasing utilization rights;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Implementation responsibilities.

5. Entities assigned to manage assets shall, based on schemes to lease rights to utilize market infrastructure assets approved by competent authorities or persons, have the following responsibilities:

a) Determine the opening bid for leasing rights to utilize assets according to Article 26 of this Decree;

b) Auction the lease of rights to utilize assets according to property auction laws;

c) Sign contracts for leasing rights to utilize assets according to the law.

6. Contracts for leasing rights to utilize market infrastructure assets include:

a) Information of lessors;

b) Information of lessees;

c) List of assets subject to lease of utilization rights (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, asset values, and assessment of the status of assets – if any): 1 original copy;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Rights and obligations of concerned parties;

e) Implementation responsibilities.

7. Rights of lessees of rights to utilize market infrastructure assets:

a) Directly operate and utilize assets according to the law and concluded contracts;

b) Decide on the operation and utilization of assets in conformity with relevant laws;

c) Collect revenues from market operations according to the law and concluded contracts;

d) Perform other rights of lessees of rights to utilize assets according to the law.

8. Obligations of lessees of rights to utilize market infrastructure assets:

a) Protect leased assets; prevent encroachment or illegal use of assets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Maintain assets according to concluded contracts and the law;

d) Pay asset utilization right rental adequately and punctually according to contracts;

dd) Periodically or upon requests from lessors, provide notices for lessors regarding the status of assets and assurance of the activities of markets.

In case of work problems, lessees shall promptly provide notices for lessors for the implementation of handling measures according to the law;

e) Be under the inspection and supervision of lessors; cooperate with lessors in solving difficulties;

g) Perform other obligations as prescribed by law and contracts.

9. Specialized market infrastructure asset agencies shall regularly inspect and supervise the implementation of schemes to lease rights to utilize market infrastructure assets approved by competent authorities and persons.

10. Revenues from leasing rights to utilize market infrastructure assets shall be managed and used according to Article 32 of this Decree.

Article 25. Term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Terms of the transfer of rights to utilize assets shall be determined in schemes to transfer rights to utilize market infrastructure assets and contracts for the transfer of rights to utilize market infrastructure assets. A term shall be up to 50 years.

2. Authority to approve schemes for term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets:

a) Provincial People’s Committees shall approve schemes for term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets;

b) Regarding market infrastructure assets relevant to national defense and security, provincial People’s Committees shall, based on feedback collected from the Ministry of Public Security of Vietnam and the Ministry of National Defense of Vietnam and relevant ministries and central authorities, submit reports to the Prime Minister of Vietnam for approval for guidelines before approving schemes under their jurisdiction.

3. The term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets shall be implemented through auction. Aside from the conditions prescribed by auction laws, bidders for transfers of rights to utilize market infrastructure assets shall satisfy the following mandatory conditions:

a) Having decisions on functions, tasks, entitlements, and organizational structure of competent authorities or persons regarding units or certificates of enterprise registration or certificates of cooperative registration regarding enterprises or cooperatives according to Clauses 13 and 14 Article 3 of this Decree.

b) Having financial capability and capacity and experience in managing, operating, and utilizing markets.

4. Procedures for formulating and approving schemes for term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets:

a) Entities assigned to manage assets shall formulate schemes for term-based transfer of rights to utilize assets following Form No. 04B in Appendix I of this Decree and send written requests to provincial specialized market infrastructure asset agencies (in cases where entities assigned to manage assets are not specialized market infrastructure asset agencies). Regarding market infrastructure assets assigned to district-level agencies or units for management, agencies and units assigned to manage assets shall formulate schemes, submit reports to district-level People’s Committees, and send written requests to provincial specialized market infrastructure asset agencies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Entities with assets carrying out the term-based transfer of utilization rights;

List of assets subject to term-based transfer (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, asset values, and assessment of the status of assets – if any);

Terms of transfer of utilization rights;

Methods of implementing the term-based transfer of utilization rights;

Management of revenues from the term-based transfer of utilization rights;

Implementation responsibilities.

5. Entities assigned to manage assets shall, based on schemes for term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets approved by competent authorities or persons, have the following responsibilities:

a) Determine the opening bid for the term-based transfer of rights to utilize assets according to Article 26 of this Decree;

b) Auction the term-based transfer of rights to utilize assets according to property auction laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Contracts for term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets include:

a) Information of transferring parties;

b) Information of receiving parties;

c) List of assets subject to term-based transfer (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, asset values, and assessment of the status of assets – if any);

d) Transfer terms; transfer fees; methods and deadlines for payment of transfer fees or late payment interests (if any); asset maintenance responsibility;

dd) Rights and obligations of concerned parties;

e) Implementation responsibilities.

7. Rights of receiving parties:

a) Directly operate and utilize assets according to the law and concluded contracts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Collect revenues from market operations according to the law and concluded contracts;

d) Invest in the upgrade and expansion according to projects approved by competent authorities according to investment laws and relevant laws;

dd) Perform other rights of receiving parties according to the law.

8. Obligations of receiving parties:

a) Protect transferred assets; prevent encroachment or illegal use of assets;

b) Use and utilize transferred assets for proper purposes; prevent repurposing, transfer, sale, donation, contribution, mortgage, or implementation of measures to fulfill other civil obligations;

c) Maintain assets according to concluded contracts and the law;

d) Pay transfer fees adequately and punctually according to contracts;

dd) Periodically or upon requests from transferring parties, provide notices for transferring parties regarding the status of assets and assurance of the activities of markets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Be under the inspection and supervision of transferring parties; cooperate with transferring parties in solving difficulties;

g) Perform other obligations as prescribed by law and contracts.

9. Specialized market infrastructure asset agencies shall regularly inspect and supervise the implementation of schemes for term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets approved by competent authorities and persons.

10. Revenues from the term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets shall be managed and used according to Article 32 of this Decree.

11. After the end of a term for the transfer of rights to utilize market infrastructure assets according to the contract for the transfer of utilization rights or in case of premature termination of the contract for the transfer of utilization rights under a decision of the competent authority or person, the handling of assets shall be carried out as follows:

a) Within 6 months before the date of the termination of the contract for the transfer of utilization rights, the receiving party shall send a written request for the re-transfer of assets to the authority concluding the contract;

b) Within 30 days from the date of receipt of the written request for the re-transfer of assets, the authority concluding the contract shall take charge and cooperate with relevant agencies and units (if necessary) in:

Appraising the quality, value, and status of assets according to the principles and conditions agreed on in the contract;

Formulating a list of transferred assets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Signing the record of asset transfer in case market infrastructure assets meet relevant requirements;

Submitting reports to the provincial People’s Committee on the assignment of assets to an agency, unit, or enterprise according to this Decree for continuation of the management and operation under the law.

c) Within 5 days from the termination of the contract, the receiving party shall hand over the assets to the transferring party. The delivery and receipt of assets shall be made in writing following Form No. 05 in Appendix I of this Decree.

Article 26. Prices of lease and term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets

1. Prices of lease or term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets are amounts that lessees or receiving parties of rights to utilize market infrastructure assets shall pay to the State following the bid-winning prices for use and utilization of assets under concluded contracts.

2. Competent authorities and persons approving schemes for lease or term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets according to Clause 2 Article 24 and Clause 2 Article 25 of this Decree are competent authorities and persons approving the starting prices for the auction of lease or term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets.

3. Entities with assigned assets shall choose to hire valuation enterprises to determine the value of assets following the Vietnam Valuation Standard or establish pricing councils to determine the starting prices for the auction of lease or term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets. The composition of a pricing council includes: the head of the unit with assigned assets or a person authorized as the president; other members: representatives of relevant specialized departments of the entity with assigned assets; representatives of the Department of Finance where the assets are located; representatives of other relevant agencies (if any).

4. The starting price for auctioning the lease of rights to utilize market infrastructure assets is the lowest initial price when auctioning the lease of rights to utilize market infrastructure assets.

The determination of the starting price for auctioning the lease of rights to utilize market infrastructure assets shall be based on at least one of the following grounds:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Estimated revenues and costs from the asset utilization during the lease time of asset utilization rights;

c) Valuation certificates and valuation reports of valuation enterprises according to price laws or results of the pricing results of the pricing councils prescribed in Clause 3 of this Article. The use of valuation certificates and valuation reports of valuation enterprises shall comply with price laws.

5. The starting price for auctioning the term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets is the lowest initial price when auctioning the term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets.

Grounds to determine the starting prices for auctioning the term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets:

a) Additional investment values according to projects on upgrade and extension of assets approved by competent authorities or persons.

Specifically, additional investment values are the values within the responsibilities of receiving parties according to projects approved by competent authorities or persons;

b) Estimated revenues and costs from the asset utilization by receiving parties during the time of term-based transfer of asset utilization rights;

c) Valuation certificates and valuation reports of valuation enterprises according to price laws or results of the pricing results of the pricing councils prescribed in Clause 3 of this Article. The use of valuation certificates and valuation reports of valuation enterprises shall comply with price laws.

6. Entities with assigned market infrastructure assets shall determine starting prices for auctioning the lease or term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets and present them to competent authorities or persons prescribed in Clause 2 of this Article for approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 27. Forms of market infrastructure asset handling

Forms of market infrastructure asset handling include:

1. Withdrawal.

2. Transfer.

3. Liquidation.

4. Handling in case of loss or damage.

5. Other handling forms as prescribed by the law.

Article 28. Market infrastructure asset withdrawal

1. Market infrastructure assets shall be withdrawn in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Upon changes to planning, causing changes to tasks of assets;

c) Upon changes to management decentralization;

d) Assets are assigned to incorrect entities according to this Decree;

dd) Assigned assets are no longer required for use or upon severe violations during management according to the law;

e) Other cases as prescribed by law.

2. Authority to decide on the withdrawal:

a) Provincial People’s Committees shall decide on the withdrawal of market infrastructure assets managed by provincial authorities;

b) District-level People’s Committees shall decide on the withdrawal of market infrastructure assets managed by district-level authorities;

c) Regarding assets subject to the case prescribed in Point a Clause 1 of this Article, the authority to withdraw, compensate, and support upon withdrawal and the management and handling of land and assets affixed to land shall comply with land laws and relevant laws. Before deciding on the withdrawal, provincial People’s Committees shall assign provincial agencies of natural resources and environment to collect written feedback from agencies with assigned tasks of managing provincial public assets, provincial specialized market infrastructure asset agencies, district-level People’s Committees where assets are located, and other relevant agencies regarding contents within the scope of assigned functions and tasks of such agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Comply with land laws for the case prescribed in Point a Clause 1 of this Article;

b) Assign or transfer assets to other entities for management according to this Decree, excluding cases of handling according to Point a of this Clause.

4. Procedures for withdrawing market infrastructure assets prescribed in Points b, c, d, dd, and e Clause 1 of this Article:

a) Agencies, units, and enterprises with assets shall formulate applications for asset withdrawal and send them to specialized market infrastructure asset agencies of the same level. An application includes:

Written request for asset withdrawal (specifying which cases the withdrawn assets fall under according to Points b, c, d, dd, and e Clause 1 of this Article): 1 original copy.

List of assets requested for withdrawal (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, and asset values): 1 original copy.

Other relevant documents (if any): 1 copy.

b) Within 45 days from the date of receipt of the adequate application prescribed in Point a of this Clause, the specialized market infrastructure asset agency shall take charge and cooperate with relevant agencies and units in submitting a report to the competent People’s Committee prescribed in Clause 2 of this Article for consideration for issuing a withdrawal decision. The report includes:

Statement of the specialized market infrastructure asset agency or inter-sectoral agency on the asset withdrawal: 1 original copy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Inter-sectoral meeting minutes or written feedback of relevant agencies or units: 1 copy.

Application prescribed in Point a of this Clause: 1 copy.

c) Within 30 days from the date of receipt of the adequate application as prescribed in Point b of this Clause, the competent People’s Committee prescribed in Clause 2 of this Article shall consider issuing a decision to withdraw market infrastructure assets or a written reply in case the request for asset withdrawal is unconformable. Contents of the decision on asset withdrawal shall comply with Clause 6 of this Article.

d) Within 30 days from the issuance date of the decision on asset withdrawal of the competent People’s Committee prescribed in Clause 2 of this Article, the specialized market infrastructure asset shall formulate a scheme to handle withdrawn assets following the forms prescribed in Clause 3 of this Article and present it to the competent authority or person according to Articles 16, 17, and 29 of this Decree for consideration and decision. The implementation of the decision on asset handling shall comply with Articles 16, 17, and 29 of this Decree.

While waiting for the handling of withdrawn assets, the agency, unit, or enterprise with assets subject to withdrawal shall preserve and protect such assets and ensure the operation according to the law.

5. Procedures for withdrawing market infrastructure assets shall be through inspection, audit, imposition of fines, or requests of specialized market infrastructure asset agencies and other state management agencies.

Competent People’s Committees prescribed in Clause 2 of this Article shall, based on the conclusion, decision, or request of agencies with functions of inspection, audit, or imposition of fines, specialized market infrastructure asset agencies, or other state management agencies, consider issuing asset withdrawal decisions.

6. Main contents of a decision to withdraw market infrastructure assets:

a) Name of the agency, unit, or enterprise with assets subject to the withdrawal;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Implementation responsibilities.

Article 29. Market infrastructure asset transfer

1. Market infrastructure assets shall be transferred in the following cases:

a) Upon changes to management agencies or management decentralization;

b) Assigned assets are no longer required for use or the utilization is ineffective;

c) Other cases as prescribed by the law.

2. Provincial People’s Committees shall decide or decentralize relevant authorities to decide to transfer market infrastructure assets among agencies and units under their management.

3. Procedures for transferring market infrastructure assets:

a) Agencies, units, and enterprises with assets subject to cases prescribed in Clause 1 of this Article shall formulate applications for asset transfer and send them to specialized market infrastructure asset agencies of the same level. An application includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Written request for the asset receipt: 1 original copy.

List of assets requested for transfer (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, and asset values): 1 original copy.

Other relevant documents (if any): 1 copy.

Regarding market infrastructure assets managed by district-level authorities and the authority to decide on the asset transfer belongs to the provincial People’s Committee according to the decentralization prescribed in Clause 2 of this Article, the district-level specialized market infrastructure asset agency shall take charge and cooperate with relevant agencies and units in providing a presentation to the district-level People’s Committee for consideration and sending a written request enclosed with a copy of the application mentioned above to the provincial specialized market infrastructure asset agency.

b) Within 45 days from the date of receipt of the adequate application prescribed in Point a of this Clause, the specialized market infrastructure asset agency shall take charge and cooperate with relevant agencies and units in submitting a report to the competent People’s Committee prescribed in Clause 2 of this Article for consideration for issuing an asset transfer decision. The report includes:

Statement of the specialized market infrastructure asset agency or inter-sectoral agency on the asset transfer: 1 original copy.

List of assets requested for transfer (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, and asset values): 1 original copy.

Inter-sectoral meeting minutes or written feedback of relevant agencies or units: 1 copy.

Application prescribed in Point a of this Clause: 1 copy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Agency or unit with assets subject to transfer;

Agency or unit receiving assets subject to transfer;

List of assets transferred transfer (names of assets, address, types of works, construction year, operation year, area, number of trading points at the market, and asset values);

Reasons for the transfer (specifying which cases the transferred assets fall under according to Clause 1 of this Article);

Implementation responsibilities.

4. Within 30 days from the issuance date of the decision on asset transfer of the competent authority, the agency or unit with assets subject to the transfer and the agency or unit receiving the assets shall organize the delivery and receipt of assets; the delivery and assets shall be made in writing; the accounting of the increase or decrease in assets shall comply with current accounting regulations; declaration reports on asset fluctuation shall comply with Article 34 of this Decree.

5. The reasonable costs concerning the delivery and receipt of assets shall be paid by the agency or unit receiving the assets as per regulation.

Article 30. Market infrastructure asset liquidation

1. Market infrastructure assets shall be liquidated in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Old assets are demolished for investment in the construction of new assets according to projects approved by competent authorities and persons;

c) Competent state authorities adjust planning, making part or all of the assets unusable according to their functions. In case of withdrawal according to Point a Clause 1 Article 28 of this Decree, this Article shall not be applicable;

d) Other cases as prescribed by the law.

2. Authority to decide on the liquidation

a) Provincial People’s Committees shall decide on the liquidation of market infrastructure assets managed by provincial authorities;

b) District-level People’s Committees shall decide on the liquidation of market infrastructure assets managed by district-level authorities.

3. The liquidation of market infrastructures shall be carried out in the forms of demolition or destruction

a) Where recovered materials and supplies may continue to be used, entities assigned to manage assets shall continue to use or use such materials and supplies for the implementation of projects on investment in the construction of new market infrastructure assets according to projects approved by competent authorities;

b) Where entities assigned to manage assets no longer wish to continue their use, they may transfer or sell the mentioned materials and supplies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The sale of recovered materials and supplies shall comply with Article 31 of Decree No. 151/2017/ND-CP dated December 26, 2017 of the Government of Vietnam and its amendment or replacement documents (if any).

4. Procedures for liquidating market infrastructure assets:

a) Agencies, units, and enterprises with assets subject to cases prescribed in Clause 1 of this Article shall formulate applications for asset liquidation and send them to specialized market infrastructure asset agencies of the same level. An application includes:

Written request for asset liquidation (specifying which cases the transferred assets fall under according to Clause 1 of this Article): 1 original copy.

List of assets requested for liquidation (names of assets and asset values): 1 original copy.

Other relevant documents (if any): 1 copy.

b) Within 45 days from the date of receipt of the adequate application prescribed in Point a of this Clause, the specialized market infrastructure asset agency shall take charge and cooperate with relevant agencies and units in submitting a report to the competent People’s Committee prescribed in Clause 2 of this Article for consideration for issuing an asset liquidation decision. The report includes:

Statement of the specialized market infrastructure asset agency or inter-sectoral agency on the asset liquidation: 1 original copy.

List of assets requested for liquidation (names of assets and asset values): 1 original copy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Application prescribed in Point a of this Clause: 1 copy.

c) Within 30 days from the date of receipt of the adequate application as prescribed in Point b of this Clause, the competent People’s Committee prescribed in Clause 2 of this Article shall consider issuing a decision to liquidate market infrastructure assets or a written reply in case the request for asset liquidation is unconformable.

Contents of a decision on asset liquidation:

Name of the agency or unit with assets subject to liquidation;

List of assets requested for liquidation (names of assets and asset values);

Forms of the handling of recovered materials and supplies (if usable); the name of the agency, unit, or state-owned enterprise receiving the recovered materials and supplies (in case the receiving entity is determined);

Reasons for the liquidation (specifying which cases the liquidated assets fall under according to Clause 1 of this Article);

Management and use of revenues from the liquidation;

Implementation responsibilities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The agency or unit with assigned assets shall carry out the accounting of the decrease in assets following current accounting regulations and formulate a declaration report on asset fluctuation according to Article 34 of this Decree.

5. The management and use of revenues from liquidating market infrastructure assets shall comply with Article 33 of this Decree.

Article 31. Handling of market infrastructure assets in case of loss or damage

1. Market infrastructure assets shall be handled in case of loss or damage due to natural disasters, fires, or other reasons causing such works to cease from existence or suffer damage beyond restoration according to the functions of assets.

2. Authority to decide on the handling

a) Provincial People’s Committees shall decide on the handling of market infrastructure assets managed by provincial authorities;

b) District-level People’s Committees shall decide on the handling of market infrastructure assets managed by district-level authorities.

3. Procedures for handling market infrastructure assets:

a) Agencies, units, and enterprises with assets subject to cases prescribed in Clause 1 of this Article shall formulate applications for asset handling and send them to specialized market infrastructure asset agencies of the same level. An application includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



List of assets requested for handling (names of assets, number, and asset values): 1 original copy.

Other relevant documents (if any): 1 copy.

b) Within 45 days from the date of receipt of the adequate application prescribed in Point a of this Clause, the specialized market infrastructure asset agency shall take charge and cooperate with relevant agencies and units in submitting a report to the competent People’s Committee prescribed in Clause 2 of this Article for consideration for issuing an asset handling decision. The report includes:

Statement of the specialized market infrastructure asset agency or inter-sectoral agency on the asset handling: 1 original copy.

List of assets requested for handling (names of assets, number, and asset values): 1 original copy.

Inter-sectoral meeting minutes or written feedback of relevant agencies or units: 1 copy.

Application prescribed in Point a of this Clause: 1 copy.

c) Within 30 days from the date of receipt of the adequate application as prescribed in Point b of this Clause, the competent People’s Committee prescribed in Clause 2 of this Article shall consider issuing a decision to handle market infrastructure assets or a written reply in case the request for asset handling is unconformable. Contents of a decision on asset handling:

Name of the agency or unit with lost or damaged assets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Implementation responsibilities.

4. Within 30 days from the issuance date of the decision on asset handling of the agency or person prescribed in Clause 2 of this Article, the agency or unit with assigned assets shall carry out the accounting of the decrease in assets under accounting laws; and submit a report according to this Decree (following Forms No. 01B and 01C in Appendix I of this Decree).

5. The state budget shall provide funding for remedying consequences and repairing market infrastructure assets to restore operations.

Where lost or damaged market infrastructure assets are compensated by insurers or relevant organizations and individuals, the management and use of revenues from the asset compensation shall comply with Article 33 of this Decree. Amounts submitted to the state budget shall be prioritized for allocation to public investment plans and state budget expenditure estimates for investment in the construction, upgrade, renovation, and development of market infrastructure assets according to state budget laws, public investment laws, and relevant laws.

Section 6. MANAGEMENT AND USE OF REVENUES FROM UTILIZATION AND HANDLING OF MARKET INFRASTRUCTURE ASSETS

Article 32. Management and use of revenues from utilization of market infrastructure assets

1. Regarding market infrastructure assets utilized by agencies and units with assigned assets according to Article 23 of this Decree, the management and use of revenues from the utilization shall comply with financial regulations applicable to agencies and units assigned to manage assets.

2. Regarding market infrastructure assets subject to utilization schemes prescribed in Articles 24 and 25 of this Decree, the revenues from the lease and term-based transfer of rights to utilize market infrastructure assets shall be submitted to escrow accounts of State Treasuries owned by the following agencies assigned to carry out tasks of public asset management:

a) Departments of Finance regarding revenues from the utilization of assets by agencies and units managed by provincial authorities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Escrow accounts shall be monitored in detail regarding each agency with utilized assets.

4. Heads of agencies assigned to utilize market infrastructure assets shall formulate and approve estimates for costs concerning the utilization of assets, excluding the case prescribed in Clause 10 of this Article.

5. Costs related to utilizing market infrastructure assets include inventory costs, starting price determination costs, auction organization costs, and other relevant costs.

6. Expenditures:

a) Regarding expenditures with standards, norms, and regulations stipulated by competent authorities and persons, comply with such standards, norms, and regulations;

b) Regarding contents concerning hiring services relevant to the utilization of assets, comply with concluded contracts according to the law. The selection of service providers concerning asset utilization shall comply with the law;

c) Regarding expenditures not prescribed in Points a and b of this Clause, heads of agencies and units assigned to utilize assets shall decide on the expenditures, ensuring conformity with current financial management regulations of the State and take responsibility for their decisions.

7. Within 30 days from the date of submission of specific amounts to the escrow account, the lessor or transferring party shall formulate an application for payment and send it to the owner of the escrow account to pay the costs of asset utilization. The head of the lessor or transferring party shall take legal responsibility for the accuracy of the amount requested for payment.

The application for payment includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Decision on asset utilization of the competent authority or person: 1 copy;

c) Documents proving the expenditures, such as approved estimates; contract for hiring services of valuation, auction, and demolition; invoices and receipts (if any): 1 copy.

8. Within 30 days from the date of receipt of the valid application, the owner of the escrow account shall provide funding for the lessor or the transferring party to pay costs relevant to the utilization of market infrastructure assets.

9. Every quarter, the owner of the escrow account shall submit the remaining revenues from asset utilization after the cost payment to the state budget according to state budget laws.

10. Where revenues from asset utilization by agencies or units with assigned assets according to Article 23 of this Decree are insufficient to offset the costs, the remaining shall be covered by state budget estimates assigned to the agency or unit with assigned assets.

Article 33. Management and use of revenues from handling of market infrastructure assets

1. All of the revenues from the handling of market infrastructure assets (including compensation indemnification from insurers and other organizations and individuals) shall be submitted to escrow accounts at State Treasuries owned by the following agencies assigned to carry out tasks of public asset management:

a) Departments of Finance regarding revenues from the handling of assets by agencies and units managed by provincial authorities;

a) Divisions of Finance and Planning regarding revenues from the handling of assets by agencies and units managed by district-level authorities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Heads of agencies and units assigned to handle market infrastructure assets shall formulate and approve estimates for costs concerning the asset handling, excluding the case prescribed in Clause 10 of this Article.

4. Costs related to market infrastructure asset handling:

a) Costs of asset inventory;

b) Costs of measuring and drawing houses and land;

c) Costs of asset pricing and valuation;

d) Costs of asset relocation, demolition, and destruction;

dd) Costs of auction services paid to auction organizations in cases of successful auctions; costs of the auction of assets paid to auction organizations in cases of unsuccessful auctions; costs of the auction in cases where auctions are organized by councils;

e) Other reasonable costs related to public asset utilization.

5. Expenditures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Regarding contents concerning hiring services relevant to the asset handling, comply with concluded contracts according to the law. The selection of service providers concerning asset handling shall comply with the law;

c) Regarding expenditures not prescribed in Points a and b of this Clause, heads of agencies and units assigned to handle assets shall decide on the expenditures, ensuring conformity with current financial management regulations of the State and take responsibility for their decisions.

6. Within 30 days from the date of submission of specific amounts to the escrow account, the agency or unit assigned to handle market infrastructure assets shall formulate an application for payment and send it to the owner of the escrow account to pay the costs of asset utilization. The head of the agency or unit assigned to handle market infrastructure assets shall take legal responsibility for the accuracy of the amount requested for payment.

The application for payment includes:

a) Written request for the payment of the agency or unit assigned to handle market infrastructure assets (specifying the revenues from asset handling, total cost of asset handling, and information on the payment account) enclosed with a detailed list of expenditures: 1 original copy;

b) Decision on asset handling of the competent authority or person: 1 copy;

c) Documents proving the expenditures, such as approved estimates; contract for hiring services of valuation, auction, and demolition; invoices and receipts (if any): 1 copy.

7. Within 30 days from the date of receipt of the valid application, the owner of the escrow account shall provide funding for the agency or unit assigned to handle assets to pay costs relevant to the handling of market infrastructure assets.

8. Every quarter, the owner of the escrow account shall submit the remaining revenues from asset utilization after the cost payment to the state budget according to state budget laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. Where the demolition of old works is carried out for the implementation of projects on investment in the construction of new works, and the funding for the demolition is allocated in the total investment of projects on investment in the construction of new works approved by the authority or person competent to decide on investment, the management and use of revenues from the demolition shall comply with relevant laws and not Clause 1 through Clause 9 of this Article.

Section 7. DATABASE AND REPORTS ON MARKET INFRASTRUCTURE ASSET ASSIGNMENT

Article 34. Market infrastructure asset reports

1. Declaration reports on market infrastructure assets shall be formulated, and such assets shall be updated to the database on market infrastructure assets for consistent management.

2. Forms of declaration reports on market infrastructure assets:

a) First-time declaration reports following Form No. 01A in Appendix I of this Decree when this Decree comes into force;

b) Additional declaration reports following Form No. 01B in Appendix I of this Decree where there are changes to the information on agencies or units assigned to carry out the management or information on assets.

3. Agencies and units assigned to manage market infrastructure assets shall formulate declaration reports on assets following Forms No. 01A, 01B, 01C, and 01D in Appendix I of this Decree and submit them to their superior management authorities for signatures of confirmation for inputting data to the database on market infrastructure assets.

Declaration reports shall be submitted within 30 days from the date of receipt of assets according to decisions on asset assignment of competent authorities or persons or upon changes to the information on agencies assigned to manage assets or declared assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Reports on the management, use, and utilization of market infrastructure assets include:

a) Reports on the utilization of assets by each specific method and results of the utilization of assets following Forms No. 02A, 02B, 02C, and 02D in Appendix I of this Decree.

b) Summary reports on the management, use, and utilization of assets following Form No. 03A in Appendix I of this Decree.

6. Time limits for submitting annual reports on the management, use, and utilization of market infrastructure assets:

a) Agencies and units assigned to manage assets shall formulate reports and submit them to their superior management authorities (if any) and specialized market infrastructure agencies for reports to the competent People’s Committee before February 28 every year.

b) Provincial People’s Committees shall summarize the management and use of market infrastructure assets and submit them to the Ministry of Finance of Vietnam before March 15 every year;

c) The Ministry of Finance of Vietnam shall summarize the management and use of market infrastructure assets nationwide and submit reports to the Government of Vietnam for reports to the National Assembly of Vietnam as requested and for disclosure of Vietnam's assets.

7. State-owned enterprises with assets assigned under state investment in enterprises as prescribed in Article 16 of this Decree shall formulate reports on the management and use of assets following Clauses 2, 3, 4, and 5 of this Article.

8. Reports on market infrastructure assets shall be made in the form of paper documents or electronic documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The database on market infrastructure assets is a part of the National Database on Public Assets, developed and consistently managed nationwide; information in the database on market infrastructure assets shall have legal values similar to paper documents.

2. The development and management of the database on market infrastructure assets shall:

a) Conform with the architectural framework of the E-Government of Vietnam and meet technical standards concerning national databases and technical standards and regulations concerning information technology, information safety and security, and technical-economic norms;

b) Ensure the compatibility and capacity for integration into the National Database on Public Assets; information sharing and capacity for expanding data fields in the system design and application software.

3. Provincial People’s Committees shall direct agencies and units assigned to manage assets and specialized market infrastructure asset agencies to formulate declaration reports and update data on market infrastructure assets to the system of the database on public assets as per regulation.

Chapter V

IMPLEMENTATION

Article 36. Transitional provision

1. Markets constructed before the effective date of this Decree that cannot be renovated or upgraded to meet the criteria for classification and ranking according to Article 4 of this Decree shall be ranked by competent authorities according to their number of existing trading points with areas determined under regulations applicable when such markets were constructed and meet basic requirements for fire and explosion safety and food safety and hygiene.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 37. Entry into force

This Decree comes into force as of August 1, 2024.

This Decree replaces Decree No. 02/2003/ND-CP dated January 14, 2003 of the Government of Vietnam and Decree No. 114/2009/ND-CP dated December 23, 2009 of the Government of Vietnam.

Article 38. Implementation responsibilities

1. Ministry of Industry and Trade of Vietnam shall:

a) Take charge and cooperate with relevant ministries, central authorities, and local authorities in researching and requesting competent authorities to promulgate and amend regulations, policies, programs, and tasks concerning market development and management;

b) Direct and organize advanced training in market development and management;

c) Take charge and cooperate with relevant ministries and central authorities in inspecting compliance with the law regarding policies on market development and management under their jurisdiction.

2. Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Ministry of Finance of Vietnam shall:

a) Stipulate regulations on management, depreciation, and depreciation calculation of market infrastructure assets;

b) Provide guidelines on market infrastructure asset accounting;

c) Take charge and cooperate with provincial People’s Committees in developing the database on market infrastructure assets invested in and managed by the State nationwide and integrating it into the National Database on Public Assets;

d) Provide guidelines on implementing regulations on the management, use, and utilization of market infrastructure assets invested in and managed by the State in Chapter IV of this Decree.

4. Ministry of Construction of Vietnam shall:

Provide guidelines on implementing contents concerning standards, construction norms, and procedures for maintaining market infrastructure assets within its scope of assigned functions and tasks.

5. Ministry of Natural Resources and Environment of Vietnam shall:

Provide guidelines and directives for provincial People’s Committees regarding the inspection and supervision of the use of market land as per regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Take charge and cooperate with ministries and central authorities in implementing the state management of fire prevention, firefighting, and assurance of social safety, order, and security within markets and their surrounding areas; cooperate with relevant ministries and central authorities in developing and amending contents of planning concerning markets and regulations relevant to conditional investment business lines regarding market security and order.

7. Ministry of Culture, Sport, and Tourism of Vietnam shall:

Take charge and cooperate with ministries and central and local authorities in promoting and associating activities of tourism and advertising to markets with historical, cultural, and architectural values and landscapes and night markets; manage and preserve markets classified as relics, historical relics, or cultural relics under cultural heritage regulations.

8. Provincial People’s Committees shall:

a) Decentralize the market management in their areas to People’s Committees of districts or communes in conformity with the local situations and current regulations; direct People’s Committees at various levels to review and disclose the market classification and ranking;

b) Promulgate or request competent authorities to promulgate policies, solutions, and measures to mobilize and utilize specific resources to develop the market network;

c) Stipulate the responsibilities of People’s Committees at various levels regarding the removal of spontaneous trading points;

d) Review, research, and develop policies on the development of night markets, community markets, and markets with historical, cultural, and architectural values and landscapes in their areas as per regulation;

dd) Promulgate procedures for converting models of market management, trading, and utilization following Appendix II of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Direct the implementation, inspection, and supervision of the implementation of the law and policies on market development and management.

9. Ministers, Directors of ministerial agencies, Directors of governmental agencies, Presidents of People’s Committees of provinces, centrally affiliated cities, and relevant organizations and individuals shall implement this Decree./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Le Minh Khai

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 60/2024/NĐ-CP ngày 05/06/2024 về phát triển và quản lý chợ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


65.369

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.62.99
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!