Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 21/2018/NĐ-CP công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước

Số hiệu: 21/2018/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 23/02/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Danh mục hàng đặc biệt được cảnh sát bảo vệ vận chuyển

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 21/2018/NĐ-CP về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ trong quá trình vận chuyển đối với những hàng đặc biệt sau:

- Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước;

- Tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước;

- Tiền mặt (VND), giấy tờ có giá (bao gồm trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà Nước.

Ngoài ra, Nghị định  này cũng quy định phải có ít nhất 02 cán bộ, chiến sĩ thường xuyên làm nhiệm vụ trên các phương tiện vận tải vận chuyển hàng đặc biệt.

Nghị định 21/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2018.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ VẬN CHUYỂN HÀNG ĐẶC BIỆT CỦA NHÀ NƯỚC DO LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN CÓ TRÁCH NHIỆM VŨ TRANG BẢO VỆ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động ngày 23 tháng 12 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước (sau đây gọi tắt là hàng đặc biệt) trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ.

2. Việc bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt do các lực lượng trong Quân đội nhân dân đảm nhiệm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Lực lượng Cảnh sát nhân dân.

2. Cơ quan quản lý hàng đặc biệt.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

Điều 3. Hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển

1. Tiền mặt (tiền đồng Việt Nam), giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước.

2. Tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước.

3. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.

Điều 4. Chủ thể bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt

1. Lực lượng vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm:

a) Đơn vị Cảnh sát nhân dân trực thuộc Bộ Công an có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan quản lý hàng đặc biệt ở trung ương yêu cầu;

b) Đơn vị Cảnh sát nhân dân trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan quản lý hàng đặc biệt ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt khi có yêu cầu, bao gồm:

a) Các lực lượng nghiệp vụ khác thuộc Công an nhân dân;

b) Dân quân tự vệ tại các địa bàn trên tuyến vận chuyển;

c) Cơ quan trực tiếp quản lý, bảo quản hàng đặc biệt;

d) Người điều khiển phương tiện và cán bộ, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt khi có yêu cầu, bao gồm:

a) Các lực lượng thi hành pháp luật trên tuyến vận chuyển hàng đặc biệt, bao gồm Thanh tra giao thông, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Thuế, Cảnh sát biển, Quân chủng phòng không - không quân và các lực lượng khác có chức năng, nhiệm vụ thi hành pháp luật tại các trạm kiểm soát, các đơn vị tuần tra cơ động trên tuyến vận chuyển;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ tại bến cảng, bến tàu, phà, nhà ga hoặc tại các điểm dừng, đỗ nơi phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt đi qua hoặc dừng lại.

Điều 5. Nguyên tắc bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo vệ tuyệt đối an toàn hàng đặc biệt; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Bảo đảm tuyệt đối bí mật kế hoạch, quá trình vận chuyển và các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

3. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm hàng đặc biệt hoặc cản trở quá trình vận chuyển.

4. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với cơ quan quản lý hàng đặc biệt và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

5. Gắn công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên các tuyến vận chuyển.

Chương II

CÔNG TÁC TỔ CHỨC BẢO VỆ VẬN CHUYỂN HÀNG ĐẶC BIỆT

Điều 6. Yêu cầu bảo vệ và hồ sơ vận chuyển hàng đặc biệt

1. Việc yêu cầu bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt được thực hiện như sau:

a) Đối với những chuyến vận chuyển hàng đặc biệt mà cơ quan quản lý hàng đặc biệt xác định cần phải yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo tổ chức lực lượng phối hợp bảo vệ thì bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý hàng đặc biệt gửi văn bản yêu cầu bảo vệ vận chuyển đến Bộ Công an trước khi vận chuyển ít nhất 10 ngày làm việc;

b) Đối với những chuyến vận chuyển hàng đặc biệt không thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì đơn vị chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hàng đặc biệt gửi văn bản yêu cầu bảo vệ vận chuyển đến đơn vị Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt trực thuộc Bộ Công an; đơn vị chức năng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hàng đặc biệt gửi văn bản yêu cầu bảo vệ vận chuyển đến Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi vận chuyển ít nhất 05 ngày làm việc.

Đối với những chuyến vận chuyển hàng đặc biệt thường xuyên, liên tục thì cơ quan quản lý hàng đặc biệt gửi văn bản yêu cầu bảo vệ vận chuyển đến đơn vị Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt trực thuộc Bộ Công an hoặc Công an tỉnh, thành phố trung ương trước khi vận chuyển ít nhất 02 ngày làm việc;

c) Văn bản yêu cầu bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt phải thể hiện rõ tên, loại, khối lượng hàng cần vận chuyển, phương tiện vận chuyển, tuyến vận chuyển, hành trình vận chuyển (nơi đi, nơi đến, thời gian xuất phát, thời gian kết thúc, thời gian dừng, đỗ tại các địa điểm hoặc ga dừng, đỗ trên tuyến vận chuyển) và dự kiến thời gian tiến hành vận chuyển.

2. Khi nhận được văn bản yêu cầu bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Công an, đơn vị Cảnh sát nhân dân trực thuộc Bộ Công an hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản trả lời cơ quan có yêu cầu trước khi vận chuyển ít nhất 02 ngày làm việc để phối hợp tổ chức thực hiện bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

Đối với những chuyến vận chuyển hàng đặc biệt thường xuyên, liên tục thì đơn vị Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt trực thuộc Bộ Công an hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản trả lời cơ quan có yêu cầu ngay khi nhận được văn bản yêu cầu bảo vệ vận chuyển.

3. Cơ quan trực tiếp quản lý hàng đặc biệt lập hồ sơ vận chuyển hàng đặc biệt và mang theo trong quá trình vận chuyển. Hồ sơ vận chuyển hàng đặc biệt gồm:

a) Quyết định vận chuyển hoặc lệnh điều chuyển hàng đặc biệt của thủ trưởng cơ quan quản lý hàng đặc biệt;

b) Văn bản yêu cầu bảo vệ vận chuyển theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Văn bản trả lời của đơn vị Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận về việc thuê phương tiện vận chuyển (nếu có);

đ) Danh sách cán bộ, nhân viên của cơ quan trực tiếp quản lý hàng đặc biệt làm nhiệm vụ vận chuyển hàng đặc biệt;

e) Các văn bản, tài liệu khác theo quy định của pháp luật đối với từng loại hàng đặc biệt bảo đảm đủ điều kiện vận chuyển (nếu có).

Điều 7. Giao, nhận, xếp, dỡ hàng đặc biệt

1. Hàng đặc biệt khi vận chuyển phải được đóng gói, niêm phong, đặt trong các container hoặc thùng chứa hàng, khóa, kẹp chì và bảo quản an toàn.

2. Việc giao, nhận, bốc xếp hàng đặc biệt lên phương tiện vận chuyển nơi chuyển đi và giao, nhận, xếp, dỡ hàng đặc biệt nơi chuyển đến phải được cơ quan trực tiếp quản lý hàng đặc biệt lập thành văn bản. Đại diện đơn vị Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt chứng kiến và ký biên bản về việc khóa, kẹp chì các container, thùng chứa hàng đặc biệt nơi chuyển đi và việc mở khóa, tháo dỡ kẹp chì đó nơi chuyển đến.

3. Khi giao, nhận, xếp, dỡ hàng đặc biệt nơi chuyển đến, phát hiện nghi vấn, sai lệch niêm phong, kẹp chì thì phải tạm dừng việc giao, nhận, xếp, dỡ và tiến hành lập biên bản, xác định nguyên nhân, báo cáo thủ trưởng cơ quan bên giao, bên nhận và thủ trưởng đơn vị Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển để phối hợp chỉ đạo giải quyết.

Việc tiếp tục giao, nhận hàng đặc biệt do thủ trưởng cơ quan bên nhận hàng đặc biệt nơi chuyển đến quyết định.

Điều 8. Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt

1. Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt bằng xe chuyên dùng trên đường bộ hoặc phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ được thực hiện như sau:

a) Cơ quan quản lý hàng đặc biệt bố trí xe chuyên dùng và xe hộ tống vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ. Xe chuyên dùng vận chuyển hàng đặc biệt phải bảo đảm các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng phục vụ công tác bảo vệ.

b) Đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ phải có 02 xe hộ tống bảo vệ, trong đó 01 xe dẫn đầu và 01 xe đi cuối xe hoặc đoàn xe vận chuyển hàng đặc biệt, trừ các trường hợp theo quy định tại điểm c khoản này.

c) Trường hợp vận chuyển hàng đặc biệt trên 01 xe chuyên dùng đi trong thành phố, thị xã hoặc thực hiện đồng thời nhiều đoàn vận chuyển hàng đặc biệt trong cùng một thời gian mà cơ quan trực tiếp quản lý hàng đặc biệt có yêu cầu thì thủ trưởng đơn vị Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển căn cứ tình hình thực tế, trao đổi, thống nhất với thủ trưởng cơ quan có yêu cầu về việc bố trí số lượng xe hộ tống đối với mỗi đoàn vận chuyển hàng đặc biệt.

3. Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt trên đường sắt phải bố trí các dụng cụ, vật liệu cần thiết để gia cố, bảo vệ các container chứa hàng đặc biệt được ổn định, vững chắc và an toàn trên đường vận chuyển. Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt trên đường sắt được ưu tiên vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt.

Điều 9. Bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt

1. Căn cứ tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phương tiện, khối lượng hàng đặc biệt và thời gian, hành trình vận chuyển, đơn vị Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển trao đổi, thống nhất với cơ quan trực tiếp quản lý hàng đặc biệt để bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát làm nhiệm vụ vũ trang bảo vệ vận chuyển.

2. Việc bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ hàng đặc biệt phải bảo đảm ít nhất 02 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát thường xuyên làm nhiệm vụ trên mỗi xe chở hàng, xe hộ tống, toa xe đường sắt hoặc trên mỗi phương tiện vận tải đường thủy nội địa, đường hàng không.

Đối với các chuyến vận chuyển nhiều ngày trên phương tiện đường sắt thì việc bố trí cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thực hiện theo các ca làm nhiệm vụ và phải bảo đảm thời gian làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Trong quá trình vận chuyển, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ hàng đặc biệt được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để bảo vệ hàng đặc biệt. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

Điều 10. Trưởng đoàn vận chuyển, Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát nhân dân bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt

1. Trưởng đoàn vận chuyển là cán bộ thuộc cơ quan trực tiếp quản lý hàng đặc biệt được thủ trưởng cơ quan quản lý hàng đặc biệt phân công làm Trưởng đoàn vận chuyển hàng đặc biệt.

Trưởng đoàn vận chuyển có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc giao, nhận, vận chuyển, xếp, dỡ và quản lý, bảo quản hàng đặc biệt, phối hợp với lực lượng Cảnh sát nhân dân trong quá trình bảo vệ vận chuyển và các công việc khác do thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý hàng đặc biệt giao.

2. Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát nhân dân bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt do thủ trưởng cơ quan Cảnh sát nhân dân bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt phân công, có trách nhiệm chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển để triển khai phương án xử lý các tình huống, sự cố xảy ra, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về người, phương tiện, hàng đặc biệt.

3. Các lực lượng làm nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển phải chấp hành mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng trong quá trình bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

Điều 11. Quá trình vận chuyển

1. Tổ chức bảo vệ an toàn hàng đặc biệt trong quá trình vận chuyển từ khi giao, nhận, bốc xếp hàng đặc biệt lên phương tiện vận chuyển; trên đường vận chuyển; đến địa điểm và hoàn thành việc giao, nhận nơi chuyển đến.

2. Thực hiện đúng hành trình vận chuyển hàng đặc biệt, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 7 Điều này; tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không.

3. Không chở người không có nhiệm vụ và bất cứ thứ gì khác không phải là hàng đặc biệt trên phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt, trừ trường hợp gửi vận chuyển hàng đặc biệt trên phương tiện đường thủy nội địa, đường hàng không.

4. Các phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt được ưu tiên khi đi qua các ga, cầu, phà, hầm, đèo, các trạm thu phí và được đi trong giờ cao điểm.

5. Vận chuyển hàng đặc biệt vào ban ngày, trừ các trường hợp sau thì căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí thời điểm vận chuyển hàng đặc biệt cho phù hợp:

a) Vận chuyển bằng phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy nội địa;

b) Trường hợp cấp bách nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu về an ninh tiền tệ, hoặc để khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và những trường hợp khác cần thiết phải vận chuyển hàng đặc biệt vào ban đêm bằng phương tiện giao thông đường bộ hoặc đường hàng không.

6. Đối với các chuyến vận chuyển nhiều ngày bằng phương tiện giao thông đường bộ thì ban đêm xe chở hàng đặc biệt phải được đưa vào trụ sở cơ quan quản lý hàng đặc biệt tại địa phương hoặc cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất và bố trí lực lượng bảo vệ an toàn.

7. Trường hợp cần thiết phải thay đổi thời gian, địa điểm dừng, đỗ trên đường vận chuyển do phát sinh từ việc xử lý các tình huống, sự cố hoặc theo đề nghị của Trưởng đoàn vận chuyển thì Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát nhân dân bảo vệ trên phương tiện vận chuyển căn cứ tình hình thực tế để quyết định và thông báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trên tuyến vận chuyển để phối hợp bảo vệ an toàn hàng đặc biệt.

8. Các trạm kiểm soát, các đơn vị tuần tra cơ động thi hành pháp luật trên tuyến vận chuyển không khám xét hàng đặc biệt, xe và các phương tiện đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng đặc biệt trên đường và tại bên cảng, bên tàu, nhà ga.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc xảy ra vi phạm pháp luật thi đưa về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất, báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra vi phạm hoặc thủ trưởng cơ quan Cảnh sát nhân dân trực thuộc Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt để có ý kiến chỉ đạo xử lý.

Điều 12. Điều kiện bảo đảm cho công tác vận chuyển hàng đặc biệt

Cơ quan quản lý hàng đặc biệt bố trí, sắp xếp nơi ăn, nghỉ cho các thành viên đoàn vận chuyển tại các địa phương trên tuyến vận chuyển hoặc nơi vận chuyển đến và chi trả phụ cấp trách nhiệm, bồi dưỡng và các khoản chi khác cho các thành viên đoàn công tác theo quy định của pháp luật.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG VÀ CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ VẬN CHUYỂN HÀNG ĐẶC BIỆT

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức khác có liên quan để tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt.

3. Ban hành quy trình thực hiện công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

4. Chỉ đạo, tổ chức lực lượng Cảnh sát nhân dân xây dựng kế hoạch, phương án, vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, bố trí cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt là sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân trong biên chế hiện có của công an các đơn vị, địa phương.

5. Chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ khác thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ bảo vệ an ninh, an toàn các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt.

6. Trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

7. Đào tạo, huấn luyện lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

8. Thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

9. Sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

Điều 14. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền trực tiếp quản lý, bảo quản hàng đặc biệt thực hiện công tác tổ chức vận chuyển hàng đặc biệt và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ an toàn các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt.

2. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm hàng đặc biệt hoặc cản trở trong quá trình vận chuyển.

Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Phối hợp với cơ quan quản lý hàng đặc biệt và cơ quan, tổ chức có liên quan để tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định tại Nghị định này, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý hàng đặc biệt trong việc thuê, mượn, sử dụng phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt trên đường sắt, gửi hàng đặc biệt trên các phương tiện vận tải bằng đường thủy nội địa, đường hàng không; ưu tiên các phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt thực hiện đúng hành trình nhằm bảo đảm sự phối kết hợp trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn hàng đặc biệt.

Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý có liên quan phối hợp, hỗ trợ bảo vệ và xử lý khi xảy ra các tình huống, sự cố đối với các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt trên tuyến, địa bàn vận chuyển.

2. Phối hợp cung cấp thông tin, tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm về an ninh quốc gia liên quan đến công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ theo yêu cầu của Bộ Công an.

Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý tại địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Bộ Công an về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

2. Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ an toàn các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước ở trung ương đi qua hoặc dừng lại tại địa phương.

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền xử lý kịp thời những sự cố xảy ra trên địa bàn đối với các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt, cụ thể:

a) Cứu người, phương tiện, hàng đặc biệt;

b) Đưa nạn nhân (nếu có) ra khỏi khu vực xảy ra sự cố và tổ chức cấp cứu nạn nhân;

c) Tổ chức lực lượng bảo vệ hàng đặc biệt và phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt;

d) Bảo vệ hiện trường và phục vụ công tác điều tra, giải quyết hậu quả; khoanh vùng, sơ tán dân cư ra khỏi khu vực ảnh hưởng nguy hiểm.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên tuyến vận chuyển

1. Hỗ trợ lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm hàng đặc biệt hoặc cản trở trong quá trình vận chuyển.

2. Cung cấp kịp thời thông tin, tình hình có liên quan đến công tác bảo vệ an ninh, an toàn hàng đặc biệt.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2018.

2. Căn cứ vào các quy định tại Nghị định này, Bộ Công an xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn đối với bảo vật quốc gia trong quá trình vận chuyển ra nước ngoài, lưu giữ tạm thời tại nước ngoài và đưa trở lại Việt Nam.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2b).KN

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 21/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.215

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.198.148
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!