BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
158/2014/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2014
|
THÔNG TƯ
BAN HÀNH TIÊU CHUẨN THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM SỐ
01, 02, 03 VÀ 04
Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm
2012;
Căn cứ Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Giá về thẩm định giá;
Căn cứ Nghị định số
215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Quản lý giá,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01, 02, 03 và 04.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông
tư này 04 (bốn) Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam có số hiệu và tên gọi như
sau:
- Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt
Nam số 01 – Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá;
- Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt
Nam số 02 – Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá;
- Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt
Nam số 03 – Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá;
- Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt
Nam số 04 – Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
2. Các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt
Nam bao gồm: Tiêu chuẩn số 01 – Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá
tài sản, Tiêu chuẩn số 03 – Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tài sản
ban hành kèm theo Quyết định số 24/2005/QĐ-BTC
ngày 18/4/2005 về việc ban hành 03 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Tiêu chuẩn
số 02 – Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá tài sản, Tiêu chuẩn
số 06 – Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá tài sản ban
hành kèm theo Quyết định số 77/2005/QĐ-BTC
ngày 01/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành 03 tiêu chuẩn thẩm
định giá Việt Nam (đợt 2) hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi
hành.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp
với các cơ quan có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các
quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư này và các văn
bản pháp luật có liên quan.
2. Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để hướng dẫn giải quyết
và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó
Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- HĐND, UBND, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Hội Thẩm định giá Việt Nam;
- Các doanh nghiệp thẩm định giá;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT; QLG (VT,CSG).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu
|
HỆ
THỐNG TIÊU CHUẨN THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM
Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01
Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá
(Ký hiệu: TĐGVN
01)
(Ban hành kèm
theo Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm
2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh: Tiêu
chuẩn này quy định về những quy tắc đạo đức chi phối thẩm định viên về giá hành
nghề, doanh nghiệp thẩm định giá trong quá trình hành nghề thẩm định giá.
2. Đối tượng áp dụng: Tiêu chuẩn này áp dụng đối
với thẩm định viên về giá hành nghề (sau đây gọi chung là thẩm định viên),
doanh nghiệp thẩm định giá, các tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động thẩm
định giá theo quy định của Luật Giá và các
quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba sử dụng
kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết phải có những hiểu
biết cần thiết về những quy tắc quy định trong tiêu chuẩn này.
II. NỘI DUNG TIÊU CHUẨN
1. Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá phải
tôn trọng và chấp hành đúng quy định của Luật
Giá, các văn bản hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật có liên quan
trong quá trình hành nghề thẩm định giá.
Thẩm định viên phải là người có phẩm chất đạo đức
tốt, liêm khiết, trung thực, khách quan khi tiến hành thẩm định giá, đáp ứng
các tiêu chuẩn của thẩm định viên về giá quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
2. Thẩm định viên ký báo cáo kết quả thẩm định
giá, chứng thư thẩm định giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người
đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá
về kết quả thẩm định giá.
Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc hoặc
Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm cuối cùng về tính đúng đắn,
trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá trước pháp luật, khách hàng và
bên thứ ba có liên quan do khách hàng thẩm định giá xác định và được doanh nghiệp
thẩm định giá thống nhất ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
3. Các tiêu chuẩn đạo đức và trình độ chuyên môn
nghề nghiệp thẩm định giá gồm:
a) Độc lập;
b) Chính trực;
c) Khách quan;
d) Bảo mật;
đ) Công khai, minh bạch;
e) Năng lực chuyên môn và tính thận trọng;
g) Tư cách nghề nghiệp;
h) Tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn.
4. Độc lập
- Độc lập là nguyên tắc hành nghề cơ bản của
doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên.
- Trong quá trình thẩm định giá, thẩm định viên,
doanh nghiệp thẩm định giá phải bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ,
thực sự không bị chi phối hoặc bị tác động bởi bất kỳ lợi ích vật chất hoặc
tinh thần nào làm ảnh hưởng đến sự trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định
giá và kết quả thẩm định giá.
- Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá
không được nhận thẩm định giá đối với các trường hợp không được thực hiện thẩm
định giá theo quy định tại Luật Giá và các
văn bản hướng dẫn. Trong quá trình thẩm định giá, nếu có sự hạn chế về tính độc
lập thì thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá phải tìm cách khắc phục hạn
chế này. Trường hợp không khắc phục được thì thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm
định giá phải nêu rõ hạn chế này trong Báo cáo kết quả thẩm định giá hoặc từ chối thực hiện thẩm định giá.
- Khi xem xét báo cáo kết quả thẩm định giá của
một thẩm định viên khác, thẩm định viên phải nhận xét một cách độc lập, khách
quan và kết luận thống nhất hay không thống nhất với một phần hay toàn bộ nội
dung của báo cáo đó.
5. Chính trực
- Thẩm định viên phải thẳng thắn, trung thực và
có chính kiến rõ ràng khi thực hiện thẩm định giá.
- Thẩm định viên phải trung thực về trình độ,
kinh nghiệm và năng lực chuyên môn của mình; phải bảo đảm bản thân và các trợ
lý, nhân viên dưới quyền của mình tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật
về thẩm định giá và hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam khi thực hiện thẩm
định giá.
- Thẩm định viên phải từ chối thực hiện thẩm định
giá nếu xét thấy không có đủ điều kiện thực hiện thẩm định giá hoặc nếu bị chi
phối bởi những ràng buộc có thể làm sai lệch kết quả thẩm định giá.
6. Khách quan
- Thẩm định viên phải công bằng, tôn trọng sự thật
và không được thành kiến, thiên vị trong việc thu thập tài liệu và sử dụng tài
liệu để phân tích các yếu tố tác động khi thẩm định giá.
- Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá
không được tiến hành công việc thẩm định giá khi những ý kiến, kết luận thẩm định
và kết quả thẩm định giá đã được đề ra có chủ ý từ trước.
- Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá phải
thẩm tra những thông tin, dữ liệu do khách hàng cung cấp để khẳng định tính phù
hợp hay không phù hợp của thông tin, dữ liệu đó. Trường hợp việc thẩm tra những
thông tin, dữ liệu bị hạn chế thì thẩm định viên phải nêu rõ sự hạn chế đó
trong báo cáo thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá.
- Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá
không được tiến hành thẩm định dựa trên những điều kiện có tính giả thiết mà
không có biện luận chặt chẽ, khả thi, xác đáng.
7. Bảo mật
- Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá
không được tiết lộ thông tin về hồ sơ, khách hàng thẩm định giá và tài sản được
thẩm định giá khi không được sự đồng ý của khách hàng thẩm định giá hoặc không
được pháp luật cho phép. Thông tin về hồ sơ, khách hàng thẩm định giá và tài sản
được thẩm định giá là các thông tin chưa được công bố rộng rãi liên quan đến
khách hàng và tài sản thẩm định giá của khách hàng do khách hàng cung cấp, do
doanh nghiệp thẩm định giá thu thập được trong quá trình thẩm định giá.
- Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm yêu cầu những cá nhân khác tham gia vào quá trình thẩm
định giá và lưu trữ hồ sơ thẩm định giá cũng tôn trọng nguyên tắc bảo mật.
8. Công khai, minh bạch
- Mọi tài liệu thể hiện tính pháp lý và đặc điểm
kỹ thuật của tài sản và thể hiện kết quả thẩm định giá phải được trình bày đầy
đủ, rõ ràng trong báo cáo kết quả thẩm định giá.
- Báo cáo kết quả thẩm định giá phải nêu rõ các
điều kiện ràng buộc về công việc, phạm vi công việc, điều kiện hạn chế, giả thiết
đặt ra của thẩm định viên.
- Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá phải
công khai những điều kiện hạn chế và những điều kiện khắc phục theo thỏa thuận
với khách hàng trong báo cáo kết quả thẩm định giá.
- Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa
thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá trên cơ sở
các căn cứ do Luật Giá và các văn bản hướng
dẫn quy định và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; trường hợp đấu thầu dịch
vụ thẩm định giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với
gói thầu dịch vụ tư vấn. Doanh nghiệp thẩm định giá ban hành và thực hiện niêm
yết biểu giá dịch vụ thẩm định giá.
9. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng
- Thẩm định viên phải thực hiện công việc thẩm định
giá với đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết, tinh thần làm việc chuyên cần, thận
trọng, cân nhắc đầy đủ các dữ liệu thu thập được trước khi đề xuất ý kiến chính
thức với Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá.
- Thẩm định viên phải không ngừng nâng cao kiến
thức và nghiệp vụ chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn,
trong môi trường pháp lý. Hàng năm, thẩm định viên có nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng
kiến thức chuyên môn về thẩm định giá do cơ quan, tổ chức được phép tổ chức.
- Doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm khuyến
khích, bố trí, tạo điều kiện cho thẩm định viên tham gia bồi dưỡng kiến thức và
nghiệp vụ chuyên môn theo quy định, đồng thời ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để
thẩm định viên đáp ứng yêu cầu công việc thẩm định giá, đảm bảo cung cấp dịch vụ
thẩm định giá tốt nhất cho khách hàng.
- Doanh nghiệp thẩm định giá cần thực hiện các
biện pháp để bảo đảm những người làm công tác chuyên môn tại doanh nghiệp phải
được đào tạo, bồi dưỡng và giám sát thích hợp.
- Doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm mua
bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập
quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp thẩm định giá.
10. Tư cách nghề nghiệp
- Doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên
phải trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được có những hành vi làm giảm
uy tín nghề nghiệp thẩm định giá, tranh giành khách hàng dưới hình thức ngăn cản,
đe dọa, lôi kéo, mua chuộc và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.
- Doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên
có quyền tham gia tổ chức nghề nghiệp trong nước và nước ngoài về thẩm định giá
theo quy định của pháp luật.
11. Tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn
- Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá phải
thực hiện công việc thẩm định giá theo những kỹ thuật và tiêu chuẩn chuyên môn
đã quy định trong hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và các quy định
khác của pháp luật có liên quan hiện hành.
- Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá có
quyền thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ các điều kiện theo
quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện tư vấn và đưa ra các kết
luận chuyên môn phục vụ cho hoạt động thẩm định giá.
12. Các nội dung về những quy tắc đạo đức hành
nghề thẩm định giá tài sản quy định tại Tiêu chuẩn này phải được cụ thể hóa và
thể hiện trong quá trình xây dựng quy trình và thực hiện kiểm soát chất lượng
hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá./.
HỆ
THỐNG TIÊU CHUẨN THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM
Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02
Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá
(Ký hiệu: TĐGVN
02)
(Ban hành kèm
theo Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh: Tiêu chuẩn này quy định về
giá trị thị trường của tài sản và việc vận dụng giá trị thị trường khi tiến
hành thẩm định giá tài sản.
2. Đối tượng áp dụng: Thẩm định viên về giá hành
nghề (sau đây gọi chung là thẩm định viên), doanh nghiệp thẩm định giá, các tổ
chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật Giá và các quy định khác của pháp luật có
liên quan.
II. NỘI DUNG
TIÊU CHUẨN
1. Cơ sở giá trị tài sản có thể là
cơ sở giá trị thị trường hoặc cơ sở giá trị phi thị trường. Giá trị tài sản được
ước tính trên cơ sở giá trị thị trường là giá trị thị trường và được xác định bằng
các cách tiếp cận theo quy định của hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
2. Giá trị thị trường là mức giá ước
tính của tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, giữa một bên là người
mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch
khách quan, độc lập, có đủ thông tin, các bên tham gia hành động một cách có hiểu
biết, thận trọng và không bị ép buộc. Trong đó:
a) Thời điểm, địa điểm thẩm định
giá là thời gian, không gian cụ thể tương ứng với thời gian, không gian mà giá
trị của tài sản thẩm định giá được thẩm định viên xác định gắn với những yếu tố
về cung, cầu, thị hiếu và sức mua trên thị trường.
b) Người mua sẵn sàng mua là người
có khả năng thanh toán và có nhu cầu mua tài sản với mức giá tốt nhất có thể được
trên thị trường.
c) Người bán sẵn sàng bán là người
có tài sản hợp pháp và có nhu cầu muốn bán tài sản với mức giá tốt nhất có thể
được trên thị trường.
d) Giao dịch khách quan, độc lập,
có đủ thông tin là giao dịch giữa các bên không có mối quan hệ đặc biệt gây ảnh
hưởng đến giá giao dịch của tài sản và các bên tham gia có đủ thời gian cần thiết
để khảo sát, tiếp cận đầy đủ thông tin về tài sản và thị trường tài sản sau quá
trình tiếp thị thích hợp.
Các mối quan hệ đặc biệt ảnh hưởng
đến giá giao dịch của tài sản bao gồm:
- Quan hệ gia đình ruột thịt: Bố,
mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột;
- Quan hệ gia đình trực tiếp: Vợ,
chồng và những người trong mối quan hệ bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột và những
người khác chịu sự phụ thuộc về kinh tế;
- Quan hệ mạng lưới công ty: Các tổ
chức chịu sự kiểm soát, quyền sở hữu hoặc quản lý chung của một công ty hoặc bất
cứ tổ chức nào mà bên thứ ba dễ dàng kết luận được đó là một phần của công ty
trong phạm vi quốc gia hoặc quốc tế, như công ty mẹ, công ty, chi nhánh, văn
phòng đại diện;
- Các mối quan hệ đặc biệt khác
theo quy định của pháp luật có liên quan.
đ) Hành động một cách có hiểu biết,
thận trọng và không bị ép buộc là khi tham gia giao dịch các bên đều có năng lực
hành vi dân sự, cân nhắc đầy đủ các cơ hội và lựa chọn tốt nhất cho mình từ các
thông tin trên thị trường trước khi đưa ra quyết định mua hoặc quyết định bán một
cách hoàn toàn tự nguyện, không nhiệt tình mua hoặc nhiệt tình bán quá mức,
không bị bất cứ sức ép nào buộc phải bán hoặc mua để có được mức giá phù hợp nhất
cho cả hai bên.
3. Giá trị thị trường thể hiện mức
giá hình thành trên thị trường công khai và cạnh tranh. Thị trường này có thể
là thị trường trong nước hoặc thị trường quốc tế, có thể bao gồm nhiều người
mua, người bán hoặc bao gồm một số lượng hạn chế người mua, người bán.
4. Trường hợp có sự hạn chế đối với
việc xác định giá trị thị trường của tài sản (thông tin, dữ liệu trên thị trường,
điều kiện thẩm định giá hoặc các hạn chế khác), thẩm định viên nêu rõ nguyên
nhân, biện pháp khắc phục (nếu có) và thể hiện mức độ ảnh hưởng đến kết quả thẩm
định giá do sự hạn chế này trong báo cáo kết quả thẩm định giá./.
HỆ THỐNG TIÊU CHUẨN THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM
Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 03
Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho
thẩm định giá
(Ký
hiệu: TĐGVN 03)
(Ban
hành kèm theo Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính)
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh: Tiêu chuẩn
này quy định về giá trị phi thị trường của tài sản và việc vận dụng giá trị phi
thị trường khi tiến hành thẩm định giá.
2. Đối tượng áp dụng: Thẩm định
viên về giá hành nghề (sau đây gọi chung là thẩm định viên), doanh nghiệp thẩm
định giá, các tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động thẩm định giá theo
quy định của Luật Giá và các quy định khác
của pháp luật có liên quan.
II. NỘI DUNG
TIÊU CHUẨN
1. Cơ sở giá trị tài sản có thể là
cơ sở giá trị thị trường hoặc cơ sở giá trị phi thị trường. Giá trị tài sản được
ước tính trên cơ sở giá trị phi thị trường là giá trị phi thị trường và được
xác định bằng các cách tiếp cận theo quy định của hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định
giá Việt Nam.
2. Giá trị phi thị trường là
mức giá ước tính của một tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, không
phản ánh giá trị thị trường mà căn cứ vào đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, chức
năng, công dụng của tài sản, những lợi ích mà tài sản mang lại trong quá trình
sử dụng, giá trị đối với một số người mua đặc biệt, giá trị khi giao dịch trong
điều kiện hạn chế, giá trị đối với một số mục đích thẩm định giá đặc biệt và
các giá trị không phản ánh giá trị thị trường khác. Giá trị phi thị trường bao
gồm: giá trị tài sản bắt buộc phải bán, giá trị đặc biệt, giá trị đầu tư, giá
trị để tính thuế hoặc các giá trị khác, cụ thể:
a) Giá trị tài sản bắt buộc phải
bán là tổng số tiền thu về từ bán tài sản trong điều kiện thời gian giao dịch để
bán tài sản quá ngắn so với thời gian bình thường cần có để thực hiện giao dịch
mua bán theo giá trị thị trường, người bán chưa sẵn sàng bán hoặc bán không tự
nguyện. Giá cả trong những cuộc mua bán tài sản như vậy gọi là giá trị tài sản
bắt buộc phải bán, không phản ánh giá trị thị trường.
b) Giá trị đặc biệt là giá trị của
tài sản có những đặc tính đặc biệt chỉ thu hút sự quan tâm của những người mua
đặc biệt hoặc người sử dụng đặc biệt. Giá trị đặc biệt có thể được hình thành do
vị trí, tính chất, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, yếu tố pháp lý và các yếu tố đặc
biệt khác của tài sản. Giá trị đặc biệt bao gồm: Giá trị tài sản đang trong quá
trình sử dụng, giá trị tài sản có thị trường hạn chế, giá trị tài sản chuyên
dùng và giá trị đặc biệt khác.
Giá trị tài sản đang trong quá
trình sử dụng là giá trị phi thị trường được xem xét từ giác độ một người
sử dụng riêng biệt tài sản vào một mục đích riêng biệt, do đó không liên quan đến
thị trường. Khi tiến hành thẩm định giá loại tài sản này, thẩm định viên tập
trung chủ yếu vào khía cạnh tham gia, đóng góp của tài sản vào hoạt động của một
dây chuyền sản xuất, một doanh nghiệp, hoặc một tài sản khác không xét đến khía
cạnh giá trị sử dụng tốt nhất, tối ưu của tài sản hoặc số tiền có thể có từ việc
bán tài sản đó trên thị trường.
Giá trị tài sản có thị trường hạn
chế là giá trị của tài sản do tính đơn chiếc, hoặc do những điều kiện của
thị trường, hoặc do những nhân tố khác tác động làm cho tài sản này ít có khách
hàng tìm mua, tại một thời điểm nào đó. Đặc điểm quan trọng cần phân biệt của
tài sản này không phải là không có khả năng bán được trên thị trường công khai
mà để bán được đòi hỏi một quá trình tiếp thị lâu dài hơn, tốn nhiều chi phí và
thời gian hơn so với những tài sản khác.
c) Giá trị đầu tư là giá trị
của một tài sản đối với nhà đầu tư theo những mục tiêu đầu tư đã xác định.
Giá trị đầu tư là khái niệm có
tính chủ quan liên quan đến những tài sản cụ thể đối với một nhà đầu tư riêng
biệt với những mục tiêu và/hoặc tiêu chí đầu tư xác định. Sự khác biệt giữa giá
trị đầu tư và giá trị thị trường của một tài sản là động lực để nhà đầu tư tham
gia vào thị trường.
d) Giá trị để tính thuế là giá trị
dựa trên các quy định của luật pháp liên quan đến việc đánh giá giá trị tài sản
để tính khoản thuế phải nộp.
3. Khi áp dụng cơ sở giá trị phi
thị trường, thẩm định viên cần nêu tên của loại giá trị phi thị trường cụ thể
được áp dụng và đưa ra các căn cứ, lập luận cụ thể, bao gồm:
- Đặc điểm đặc biệt của tài sản thẩm
định giá;
- Người mua, nhà đầu tư đặc biệt;
- Giao dịch trong thị trường hạn
chế, bắt buộc phải bán;
- Giá trị theo những mục đích đặc
biệt như mục đích tính thuế./.
HỆ THỐNG TIÊU CHUẨN THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM
Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 04
Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt
động thẩm định giá
(Ký
hiệu: TĐGVN 04)
(Ban
hành kèm theo Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính)
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh: Tiêu chuẩn
này quy định những nguyên tắc xác định giá trị của tài sản và hướng dẫn nguyên
tắc khi tiến hành thẩm định giá.
2. Đối tượng áp dụng: Thẩm định
viên về giá hành nghề (sau đây gọi chung là thẩm định viên), doanh nghiệp thẩm
định giá, các tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động thẩm định giá theo
quy định của Luật Giá và các quy định khác
của pháp luật có liên quan.
II. NỘI DUNG
TIÊU CHUẨN
Giá trị của tài sản được hình
thành bởi sự tác động của nhiều yếu tố như giá trị sử dụng, sự khan hiếm, nhu cầu
có khả năng thanh toán. Khi tiến hành thẩm định giá, thẩm định viên cần nghiên
cứu, vận dụng các nguyên tắc cơ bản dưới đây để phân tích, đánh giá các yếu tố
tác động đến quá trình hình thành giá trị của tài sản, từ đó đưa ra kết luận về
giá trị của tài sản.
1. Nguyên tắc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất
Sử dụng
tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản là đạt được mức hữu dụng tối đa có thể
cho phép về mặt pháp lý, về kỹ thuật, về tài chính trong những hoàn cảnh kinh tế
- xã hội thực tế phù hợp và đem lại giá trị cao nhất cho tài sản.
Một
tài sản đang sử dụng thực tế không nhất thiết đã thể hiện khả năng sử dụng tốt
nhất và có hiệu quả nhất của tài sản đó.
2. Nguyên tắc cung - cầu
Giá
trị của một tài sản được
xác định bởi mối quan hệ cung và cầu về tài sản đó trên thị trường. Đồng thời, giá trị của tài sản đó cũng tác động đến cung và cầu về tài sản. Giá trị của tài sản thay đổi tỷ lệ thuận với cầu
và tỷ lệ nghịch với cung về tài sản. Các yếu tố về đặc điểm vật lý và đặc điểm
kinh tế - xã hội khác biệt với những thuộc tính của các tài sản khác cũng được
phản ánh trong cung - cầu và giá trị tài sản.
3. Nguyên tắc thay đổi
Giá
trị của tài sản thay đổi theo sự thay đổi của những yếu tố hình thành và tác động
đến giá trị của nó.
Giá
trị của tài sản cũng được
hình thành trong quá trình thay đổi liên tục phản ánh hàng loạt các mối quan hệ
nhân quả giữa các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị. Bản thân các yếu tố ảnh hưởng đến
giá trị luôn luôn thay đổi. Do đó, trong thẩm định giá tài sản, thẩm định viên phải nắm được mối quan hệ
nhân quả giữa các nhân tố ở trạng thái động, phải phân tích quá trình thay đổi
nhằm xác định mức sử dụng tài sản tốt
nhất và có hiệu quả nhất.
4. Nguyên tắc thay thế
Trong
trường hợp hai hay nhiều tài sản có thể thay thế lẫn nhau trong quá trình sử dụng,
thì giá trị của những tài sản đó được xác định bởi sự tác động lẫn nhau của tài
sản này đến tài sản khác.
Khi
hai tài sản có tính hữu ích như nhau, tài sản nào chào bán ở mức giá thấp nhất
thì tài sản đó sẽ bán được trước. Giới hạn trên của giá trị tài sản có xu hướng
được thiết lập bởi chi phí mua một tài sản thay thế cần thiết tương đương, với
điều kiện không có sự chậm trễ quá mức làm ảnh hưởng đến sự thay thế. Một người
mua thận trọng sẽ không trả giá cao hơn chi phí mua một tài sản thay thế trong
cùng một thị trường và một thời điểm.
5.
Nguyên tắc cân bằng
Khi
các yếu tố cấu thành của tài sản đạt được sự cân bằng thì tài sản đạt được khả
năng sinh lời tối đa hay mức hữu dụng cao nhất. Do đó, để ước tính mức sử dụng
tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản, cần phải phân tích về sự cân bằng của
các yếu tố cấu thành của tài sản cần thẩm định giá.
6.
Nguyên tắc thu nhập tăng hoặc giảm
Tổng
thu nhập trên khoản đầu tư tăng lên sẽ tăng liên tục tới một điểm nhất định,
sau đó mặc dù đầu tư tiếp tục tăng nhưng mức thu nhập tăng thêm đó sẽ giảm dần.
7. Nguyên tắc phân phối thu nhập
Tổng
thu nhập sinh ra từ sự kết hợp các yếu tố của quá trình sản xuất (đất đai, vốn,
lao động, quản lý) và có thể được phân phối cho từng yếu tố này. Nếu việc phân
phối được thực hiện theo nguyên tắc tương ứng thì phần tổng thu nhập còn lại
sau khi đã phân phối cho vốn, lao động và quản lý sẽ thể hiện giá trị của đất
đai.
8. Nguyên tắc đóng góp
Mức
độ mà mỗi bộ phận của tài sản đóng góp vào tổng thu nhập từ toàn bộ tài sản có
tác động đến tổng giá trị của tài sản đó.
Giá
trị của một tác nhân sản xuất hay một bộ phận cấu thành tài sản phụ thuộc vào sự
vắng mặt của tác nhân đó làm giảm đi bao nhiêu giá trị của toàn bộ tài sản, có
nghĩa là lượng giá trị mà nó đóng góp vào giá trị toàn bộ là bao nhiêu. Khi xem
xét giá trị của tài sản bộ phận, thẩm định viên cần phải xem xét nó trong mối
quan hệ với tài sản tổng thể.
Nguyên
tắc này là nguyên tắc cơ bản trong việc xem xét tính khả thi của việc đầu tư bổ
sung vào tài sản khi thẩm định viên xác định mức sử dụng tài sản tốt nhất và có
hiệu quả nhất.
9.
Nguyên tắc phù hợp
Tài
sản cần phải phù hợp với môi trường của nó nhằm đạt được mức sinh lời tối đa hoặc
mức hữu dụng cao nhất. Do đó, thẩm định viên phải phân tích xem liệu tài sản đó
có phù hợp với môi trường hay không khi thẩm định viên xác định mức sử dụng tài
sản tốt nhất và có hiệu quả nhất.
10.
Nguyên tắc cạnh tranh
Lợi
nhuận cao vượt trội sẽ thúc đẩy cạnh tranh, đồng thời, cạnh tranh quá mức có thể
làm giảm lợi nhuận và cuối cùng có thể không còn lợi nhuận. Đối với tài sản, mối
quan hệ cạnh tranh cũng được quan sát giữa các tài sản với nhau và giữa tài sản
này với tài sản khác. Khi tiến hành thẩm định giá, thẩm định viên cần xem xét,
đánh giá tác động của yếu tố cạnh tranh đến thu nhập của tài sản, đặc biệt khi
sử dụng cách tiếp cận từ thu nhập để xác định giá trị của tài sản.
11.
Nguyên tắc dự tính lợi ích tương lai
Giá
trị của tài sản có thể được xác định bằng việc dự tính khả năng sinh lợi trong
tương lai.
Giá
trị của tài sản cũng chịu ảnh hưởng bởi việc dự kiến thị phần của những người
tham gia thị trường và những thay đổi có thể dự tính trước trong yếu tố này
cũng ảnh hưởng đến giá trị.
Việc
ước tính giá trị của tài sản luôn luôn dựa trên các triển vọng tương lai, lợi
ích dự kiến nhận được từ quyền sử dụng tài sản của người mua./.