BỘ CÔNG
THƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
38/2013/TT-BCT
|
Hà Nội, ngày
30 tháng 12 năm 2013
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ VÀ YÊU CẦU KỸ THUẬT TRONG HOẠT
ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUA SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công
Thương;
Căn cứ Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của
Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về
hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính
phủ về Thương mại điện tử;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy
định về giải pháp công nghệ và yêu cầu kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng
hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa như sau.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về giải pháp công nghệ
và yêu cầu kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
2. Đối tượng áp dụng bao gồm các Sở Giao dịch
hàng hóa tại Việt Nam, thành viên, Trung tâm thanh toán, Trung tâm giao nhận hàng
hóa và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở
Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ mua bán
hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa bao gồm trang thiết bị cho cơ sở hạ tầng
công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng, bảng thông tin giao dịch điện tử, trang
thông tin phục vụ hoạt động giao dịch.
2. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm máy
chủ, máy tính cá nhân, máy in, thiết bị mạng, thiết bị lưu trữ, thiết bị hiển
thị thông tin, hệ thống đường truyền, hệ thống chống sét, hệ thống lưu - phát
điện và các trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động giao dịch.
3. Trang thông tin điện tử về giao dịch hàng hóa
qua Sở Giao dịch hàng hóa là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ
cho việc cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động của Sở Giao dịch hàng
hóa.
4. Phần mềm ứng dụng là phần mềm được phát triển
và cài đặt trên môi trường phù hợp để thực hiện giao dịch và các nghiệp vụ liên
quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
5. Bảng thông tin giao dịch điện tử là bảng
thông tin của Sở Giao dịch hàng hóa gồm những nội dung: khối lượng chào mua, khối
lượng chào bán, giá chào mua, giá chào bán, khối lượng khớp, giá khớp, giá đóng
cửa phiên ngày hôm trước, giá mở cửa phiên, mức thay đổi giá trong ngày so giá
khớp với giá mở cửa phiên; được thể hiện trên màn hình, trang thông tin điện tử
hoặc các thiết bị hiển thị khác của Sở Giao dịch hàng hóa.
Điều 3. Yêu cầu chung về Hệ
thống công nghệ thông tin
1. Sở Giao dịch hàng hóa, các thành viên Sở Giao
dịch hàng hóa, Trung tâm thanh toán, Trung tâm giao nhận hàng hóa phải trang bị
Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch
hàng hóa đáp ứng các quy định tại Thông tư này.
2. Hệ thống công nghệ thông tin phải được bảo
trì và nâng cấp thường xuyên, kịp thời chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật, đảm bảo cho
hệ thống sẵn sàng phục vụ giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa và cung cấp
thông tin cho khách hàng.
3. Hệ thống công nghệ thông tin phải được thiết
kế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
4. Hệ thống công nghệ thông tin phải được thiết
kế đảm bảo khả năng phân tách, phát hiện, xử lý sự cố kịp thời.
5. Sở Giao dịch hàng hóa phải đảm bảo khả năng kết
nối, trao đổi dữ liệu về Bộ Công Thương khi có yêu cầu.
6. Sở Giao dịch hàng hóa, thành viên của Sở Giao
dịch hàng hóa phải thực hiện các quy định sau đây khi xảy ra sự cố về Hệ thống
công nghệ thông tin và không khắc phục được sau 24 (hai mươi bốn) giờ:
a) Thông báo ngay cho các thành viên, khách hàng
về tình trạng sự cố của Hệ thống công nghệ thông tin;
b) Lưu trữ, đảm bảo tính toàn vẹn của toàn bộ cơ
sở dữ liệu tại thời điểm ngừng giao dịch;
c) Giao dịch sẽ tiếp tục thực hiện ngay sau khi
sự cố Hệ thống công nghệ thông tin được khắc phục;
e) Lưu lại toàn bộ báo cáo dưới dạng giấy và điện
tử của quá trình tìm hiểu, xử lý sự cố;
g) Báo cáo Bộ Công Thương sự cố Hệ thống công
nghệ thông tin và biện pháp cải tiến, khắc phục lỗi kỹ thuật.
7. Trong trường hợp sự cố Hệ thống công nghệ
thông tin ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, Sở Giao dịch hàng hóa chịu
trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Yêu cầu về Hệ thống
công nghệ thông tin đối với Sở Giao dịch hàng hóa
1. Hệ thống công nghệ thông tin phải được thiết
kế đảm bảo tập trung thông tin, dữ liệu liên quan đến chi tiết giao dịch, thông
tin thanh toán, thông tin giao nhận hàng hóa, khách hàng, thành viên hoạt động
trên Sở Giao dịch hàng hóa;
2. Sở Giao dịch hàng hóa phải có đội ngũ cán bộ
kỹ thuật đủ trình độ để quản lý, vận hành và giám sát Hệ thống công nghệ thông
tin bao gồm quản trị hệ thống mạng, quản trị các hệ điều hành, bảo mật Hệ thống
công nghệ thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu.
3. Sở Giao dịch hàng hóa phải xây dựng một trang
thông tin điện tử với địa chỉ xác định trên mạng Internet để công bố thông tin
theo quy định hiện hành và tuân thủ các quy định tại Mục 3 Chương II của Thông
tư này.
4. Sở Giao dịch hàng hóa phải xây dựng bộ tài liệu
kỹ thuật và vận hành Hệ thống công nghệ thông tin tại Sở Giao dịch hàng hóa, gồm
các loại:
a) Hồ sơ khảo sát thiết kế và thuyết minh kỹ thuật
của hệ thống;
b) Tài liệu tự kiểm tra, đánh giá của đơn vị hoặc
do cơ quan chuyên môn có chức năng kiểm định xác nhận thiết kế của hệ thống đủ
tiêu chuẩn an toàn cho vận hành;
c) Quy định quy trình quản lý sử dụng hệ thống mạng,
sao lưu dự phòng, vận hành hệ thống và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Chương II
YÊU CẦU VỀ HỆ THỐNG CÔNG
NGHỆ THÔNG TIN
Mục 1. YÊU CẦU KỸ THUẬT VỀ CƠ
SỞ HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Điều 5. Yêu cầu chung về hệ thống
máy chủ và hạ tầng mạng
1. Sở Giao dịch hàng hóa, thành viên kinh doanh
của Sở Giao dịch hàng hóa, Trung tâm thanh toán, Trung tâm giao nhận hàng hóa
phải trang bị hệ thống máy chủ cho Hệ thống công nghệ thông tin:
a) Máy chủ phải có cấu hình phù hợp với yêu cầu
của phần mềm cài đặt trên máy chủ và các dịch vụ mà máy chủ đó cung cấp;
b) Các phần mềm ứng dụng phải được duy trì hoạt
động trên các máy chủ;
c) Hệ thống máy chủ phải được đặt tại địa chỉ
xác định trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Hệ thống máy chủ phải đảm bảo hoạt động ổn định
và có tối thiểu một máy chủ dự phòng luôn ở trạng thái sẵn sàng trong trường hợp
hệ thống chính xảy ra sự cố.
3. Hệ thống máy chủ phải có giải pháp sao lưu dự
phòng cho dữ liệu của các ứng dụng nghiệp vụ, dữ liệu giao dịch, khách hàng
trên Sở Giao dịch hàng hóa. Các thiết bị sao lưu dự phòng phải chuyên dụng.
4. Hệ thống mạng phải có tối thiểu hai đường
truyền của hai nhà mạng khác nhau, một đường truyền chính và một đường truyền dự
phòng trong trường hợp đường truyền chính gặp sự cố thì đường truyền dự phòng
phải được sử dụng kịp thời, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt.
5. Hệ thống máy chủ và hạ tầng mạng phải có khả
năng nâng cấp và mở rộng hệ thống.
Điều 6. Yêu cầu chung về đảm
bảo an toàn, an ninh thông tin với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin
1. Sở Giao dịch hàng hóa, thành viên kinh doanh
của Sở Giao dịch hàng hóa, Trung tâm thanh toán, Trung tâm giao nhận hàng hóa
phải có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho Hệ thống công nghệ thông tin; đảm
bảo tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin giao dịch; đảm
bảo bí mật thông tin của tổ chức, khách hàng, giao dịch trên Sở Giao dịch hàng
hóa.
2. Việc truy cập hệ thống phải được phân quyền đến
từng bộ phận, cá nhân sử dụng để bảo vệ các lớp thông tin khác nhau. Các máy chủ
phải được cài đặt, cấu hình để hệ thống có thể lưu vết mọi xâm nhập.
3. Hệ thống công nghệ thông tin phải có biện
pháp bảo mật để quản lý truy cập của người sử dụng. Hệ thống phải có khả năng tổ
chức, tra cứu tìm kiếm dữ liệu.
4. Thông tin sao lưu dữ liệu trên băng từ, đĩa
quang, ổ cứng và các thiết bị lưu trữ khác phải được bảo vệ vật lý trong điều kiện
bảo mật và an toàn. Căn cứ vào đặc tính kỹ thuật của từng loại thiết bị lưu trữ
để có chế độ tái lưu thích hợp.
Điều 7. Yêu cầu kỹ thuật về
cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đối với Sở Giao dịch hàng hóa
1. Sử dụng thiết bị tường lửa để ngăn chặn các tấn
công trực tiếp vào các thông tin quan trọng của hệ thống, kiểm soát các thông
tin ra vào hệ thống của Sở Giao dịch hàng hóa.
2. Phải trang bị thiết bị phát hiện và ngăn chặn
xâm nhập để ngăn chặn các kết nối trái phép vào các tài nguyên quan trọng trong
trường hợp xâm nhập vượt qua được tường lửa.
3. Sử dụng phần mềm chống virus và phần mềm chống
phần mềm gián điệp trên tất cả các máy chủ, máy trạm và tại cổng kết nối với
các mạng mở.
4. Thực hiện chia tách hệ thống mạng thành các
vùng mạng khác nhau theo mục đích sử dụng, đối tượng sử dụng và có chính sách bảo
mật cho từng vùng.
5. Phải có biện pháp sao lưu dự phòng hệ thống
cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin định kỳ, đảm bảo khôi phục thông tin dữ liệu
trong vòng 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi phát sinh sự cố. Việc sao lưu dự
phòng phải được thực hiện hàng ngày.
6. Phải trang bị, tổ chức và sử dụng các thiết bị
lưu trữ an toàn cho cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng, đảm bảo an toàn và vận
hành theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Mục 2. YÊU CẦU VỀ PHẦN MỀM ỨNG
DỤNG
Điều 8. Yêu cầu chung về phần
mềm ứng dụng
1. Phần mềm ứng dụng tại Sở Giao dịch hàng hóa,
thành viên Sở Giao dịch hàng hóa, Trung tâm thanh toán, Trung tâm giao nhận
hàng hóa phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về thị trường mua bán
hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa và phù hợp với điều kiện hoạt động, yêu cầu
quản lý nghiệp vụ trên Sở Giao dịch hàng hóa.
2. Giải pháp công nghệ được lựa chọn để xây dựng
phần mềm ứng dụng phải đáp ứng khả năng mở rộng giao dịch của thị trường Sở
Giao dịch hàng hóa.
3. Phần mềm ứng dụng phải được kiểm thử chặt chẽ
trước khi được đưa vào vận hành cả bản chính thức và các bản cập nhật, Sở Giao
dịch hàng hóa phải lập biên bản cho mỗi lần kiểm thử.
4. Sở Giao dịch hàng hóa, thành viên Sở Giao dịch
hàng hóa sử dụng phần mềm ứng dụng phải thực hiện các yêu cầu về bản quyền phần
mềm theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Yêu cầu chung về tính
năng kỹ thuật của phần mềm ứng dụng
1. Phải có chức năng nhật ký thao tác để lưu vết
mọi giao dịch hàng hóa, thanh toán, giao nhận trong quy trình nghiệp vụ tối thiểu
trong thời gian 1 (một) năm.
2. Các phần mềm giao dịch hàng hóa phải có khả
năng kiểm soát các truy cập về thao tác nghiệp vụ trong giao dịch, đảm bảo thực
hiện đúng quy trình, chống sai sót.
3. Phần mềm ứng dụng phải có các chức năng nhật
ký thao tác phục vụ cho việc kiểm tra giao dịch của người sử dụng, kiểm tra những
dữ liệu người sử dụng đã truy cập, đã chỉnh sửa, thời gian truy nhập, truy xuất.
4. Dữ liệu lưu trữ để giám sát người sử dụng bao
gồm tài khoản người dùng và thời gian truy cập thông tin vào hệ thống; tài khoản
và thời gian tạo ra dữ liệu, thời gian sửa dữ liệu cuối cùng và thời gian kiểm
soát dữ liệu.
5. Cơ sở dữ liệu của phần mềm ứng dụng phải được
tổ chức để hệ thống phần mềm dễ dàng cập nhật thông tin, tổng hợp, lựa chọn, xử
lý, truyền dẫn nhanh chóng và chính xác.
Điều 10. Yêu cầu chung về đảm
bảo an toàn, an ninh thông tin của phần mềm ứng dụng
1. Phần mềm ứng dụng phải đảm bảo có khả năng
phân quyền theo chức năng đến từng người sử dụng. Mỗi người sử dụng được được
phân định rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn. Người không được phân quyền không
thể truy cập vào công việc của người khác.
2. Đối với các phần mềm ứng dụng có chức năng
giao dịch qua mạng Internet phải có cơ chế kiểm soát truy nhập, xác thực người
sử dụng, bảo mật dữ liệu trên đường truyền, đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu và chống
chối bỏ.
3. Mật khẩu người sử dụng khi lưu trữ phải được
mã hóa. Nghiêm cấm trao đổi mật khẩu người sử dụng dưới dạng văn bản không mã
hóa (clear text) trong mọi trường hợp, ngoại trừ mật khẩu sử dụng một lần. Việc
in, gửi mật khẩu cho người dùng trong hệ thống phải được bảo mật.
4. Phần mềm ứng dụng phải có chức năng sao lưu dự
phòng, phục hồi các dữ liệu, thông tin giao dịch hàng hóa và các thông tin khác
trong vòng 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi phát sinh sự cố kỹ thuật.
5. Trước khi đưa phần mềm ứng dụng vào vận hành
phải đảm bảo phần mềm đã được kiểm tra để phát hiện, khắc phục các lỗ hổng bảo
mật và các lỗi phát sinh.
Điều 11. Yêu cầu về phần mềm
ứng dụng đối với Sở Giao dịch hàng hóa
1. Phần mềm ứng dụng trên hệ thống của Sở Giao dịch
hàng hóa phải được phát triển và hoạt động độc lập, không sử dụng chung phần mềm
với các Sở Giao dịch, thành viên, tổ chức, đơn vị khác.
2. Phần mềm ứng dụng của Sở Giao dịch hàng hóa
phải đảm bảo các tính năng phục vụ quản trị giao dịch, thanh toán, giám sát hợp
đồng, giao nhận; lưu trữ thông tin thành viên, khách hàng; kết nối, trao đổi
giao dịch với thành viên Sở Giao dịch hàng hóa và các quy trình nghiệp vụ khác
mà Sở Giao dịch hàng hóa được phép triển khai theo quy định của pháp luật.
3. Hệ thống khớp lệnh điện tử phải có cơ chế xác
thực giao dịch, trả về kết quả giao dịch cho người dùng:
a) Kết quả giao dịch phải bao gồm thông tin về
thời gian giao dịch, khối lượng giao dịch, giá giao dịch, chiều giao dịch, mặt
hàng giao dịch, mã khách hàng giao dịch;
b) Thông tin trao đổi phải đảm bảo tính xác thực
của người gửi, bảo mật dữ liệu trên đường truyền, toàn vẹn dữ liệu và chống chối
bỏ.
4. Phần mềm ứng dụng phải có chức năng liên kết,
hiển thị thông tin trên bảng thông tin giao dịch điện tử.
5. Phần mềm ứng dụng trước khi đưa vào sử dụng
phải có thuyết minh rõ xuất xứ, tính năng kỹ thuật và có tài liệu hướng dẫn cụ
thể kèm theo bao gồm phân tích thiết kế hệ thống, tài liệu yêu cầu người sử dụng,
hướng dẫn sử dụng, biên bản kiểm thử phần mềm.
6. Việc xây dựng và đưa ra các giải pháp phần mềm
ứng dụng phải đồng thời với việc xử lý dữ liệu, tích hợp đồng bộ với các thiết
bị phần cứng, giải pháp về mạng truyền thông, an ninh mạng của Sở Giao dịch
hàng hóa.
Điều 12. Yêu cầu về phần mềm
ứng dụng đối với thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch hàng hóa
1. Phần mềm ứng dụng của thành viên kinh doanh
trên Sở Giao dịch hàng hóa phải đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ theo quy định
của Sở Giao dịch hàng hóa, trong đó bao gồm:
a) Quản trị chi tiết giao dịch hàng hóa, kiểm
soát tài khoản tiền gửi, tài khoản hàng hóa, giao dịch thanh toán, thông tin,
danh sách khách hàng;
b) Quản trị các giao dịch, nghiệp vụ mà thành
viên được phép hoạt động trên Sở Giao dịch hàng hóa.
2. Phần mềm ứng dụng của thành viên kinh doanh
trên Sở Giao dịch hàng hóa phải đảm bảo khả năng giao dịch, kết nối thông suốt
với Sở Giao dịch hàng hóa.
3. Đối với phần mềm Thành viên tự phát triển cho
khách hàng sử dụng, phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin đối
với khách hàng và tuân thủ các quy định do Sở Giao dịch hàng hóa yêu cầu.
Mục 3. YÊU CẦU VỀ TRANG THÔNG
TIN ĐIỆN TỬ
Điều 13. Yêu cầu chung về
trang thông tin điện tử
1. Sở Giao dịch hàng hóa và thành viên Sở Giao dịch
hàng hóa phải triển khai trang thông tin điện tử sử dụng tên miền quốc gia Việt
Nam “.vn”.
2. Trang thông tin điện tử được xây dựng trên nền
tảng công nghệ của các sản phẩm thương mại phải có bản quyền phần mềm của sản
phẩm đó.
3. Trên trang thông tin điện tử phải đăng tải
các thông tin để liên hệ với Sở Giao dịch hàng hóa, thành viên Sở Giao dịch
hàng hóa.
4. Trang thông tin điện tử phải được lưu trữ
trên máy chủ tại công ty hoặc tại tổ chức cung cấp dịch vụ lưu trữ website của
Việt Nam.
5. Trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch hàng
hóa phải cung cấp gồm nhưng không giới hạn các thông tin sau đây:
a) Chỉ số giá giao dịch trên tổng lượng hàng hóa
giao dịch trong từng ngày, bao gồm giá mở cửa, giá đóng cửa, mức giá cao nhất,
mức giá thấp nhất và các mức giá được khớp đối với từng loại hàng hóa được giao
dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa;
b) Kết quả giao dịch theo phương thức khớp lệnh,
nội dung khớp lệnh bao gồm loại hàng hoá, số lượng hàng hóa khớp lệnh bán với lệnh
mua và các nội dung khác theo quy định của Điều lệ hoạt động;
c) Các thông tin khác được quy định trong Điều lệ
hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.
Điều 14. Yêu cầu về an toàn
và bảo mật với trang thông tin điện tử
1. Trang thông tin điện tử phải có khả năng giám
sát và theo dõi các thay đổi nội dung, quyền điều khiển của hệ thống.
2. Hệ thống trang thông tin điện tử phải thường
xuyên cập nhật các bản vá lỗi cho các phần mềm nền xây dựng trang thông tin điện
tử bao gồm hệ điều hành, hệ cơ sở dữ liệu, tường lửa.
3. Trang thông tin điện tử phải được kiểm tra, bảo
trì và tìm kiếm lỗ hổng bảo mật theo định kỳ.
4. Đối với những trang thông tin điện tử có thực
hiện giao dịch hàng hóa qua mạng thì phần nội dung giao dịch trực tuyến phải được
tách riêng và đặt trên máy chủ riêng biệt tại Sở Giao dịch hàng hóa. Các thông
tin giao dịch, tài khoản và mật khẩu phải mã hoá, đảm bảo bí mật cho khách hàng.
Điều 15. Yêu cầu về sao lưu
và phục hồi
1. Trang thông tin điện tử phải được sao lưu định
kỳ toàn bộ, hàng ngày, bao gồm cả phần mềm và cơ sở dữ liệu lưu nội dung thông
tin.
2. Trong trường hợp gặp sự cố, trang thông tin
điện tử phải được phục hồi trong thời gian không quá 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ
khi xảy ra sự cố.
Mục 4. HỆ THỐNG QUẢN LÝ, GIÁM
SÁT GIAO DỊCH
Điều 16. Hệ thống quản lý,
giám sát giao dịch Sở Giao dịch hàng hóa
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm và chủ động xây
dựng hệ thống quản lý, giám sát giao dịch Sở Giao dịch hàng hóa. Hệ thống cơ sở
dữ liệu tối thiểu phải gồm các nội dung sau:
a) Dữ liệu về kết quả giao dịch, thanh toán,
giao nhận hàng hóa trên Sở Giao dịch hàng hóa;
b) Dữ liệu về các đối tượng thuộc phạm vi quản
lý theo quy định của pháp luật về Sở Giao dịch hàng hóa và yêu cầu của Bộ Công
Thương;
c) Dữ liệu về tài khoản giao dịch tại Sở Giao dịch
hàng hóa của khách hàng;
d) Dữ liệu về hàng hóa đăng ký giao dịch trên Sở
Giao dịch hàng hóa.
2. Dữ liệu lưu trữ trên hệ thống của Bộ Công
Thương phải được cập nhật, tổng hợp và lưu trữ khoa học, chuẩn xác, an toàn, là
cơ sở để các Sở Giao dịch hàng hóa, doanh nghiệp, tổ chức, các đơn vị có thẩm
quyền tham chiếu.
3. Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra theo định
kỳ hoặc đột xuất Hệ thống công nghệ thông tin của Sở Giao dịch hàng hóa để đánh
giá mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp.
Điều 17. Hệ thống trao đổi
dữ liệu, báo cáo của Sở Giao dịch hàng hóa
1. Hệ thống công nghệ thông tin của các Sở Giao
dịch hàng hóa, thành viên Sở Giao dịch hàng hóa phải được thiết kế để đáp ứng
hoạt động trao đổi thông tin, báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
2. Hệ thống công nghệ thông tin của các Sở Giao
dịch hàng hóa phải được thiết kế để trao đổi thông tin với thành viên Sở giao dịch
hàng hóa, khách hàng, giao dịch khớp lệnh, hàng hóa đăng ký trên Sở và các
thông tin khác theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Điều khoản thi
hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
20 tháng 02 năm 2014.
2. Các Sở Giao dịch hàng hóa, thành viên Sở Giao
dịch hàng hóa và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã được cấp phép và đang hoạt
động có trách nhiệm hoàn thiện Hệ thống công nghệ thông tin theo các hướng dẫn
tại Thông tư này trong thời hạn không quá 180 (một trăm tám mươi)ngày kể từ thời
điểm văn bản có hiệu lực.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu
có phát sinh vướng mắc, các Sở Giao dịch hàng hóa hoặc các tổ chức, cá nhân có
liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, xử lý./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TrungươngĐảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương;
- Các Sở Công Thương;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, TMĐT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hồ Thị Kim Thoa
|