BỘ TƯ PHÁP - BỘ
NGOẠI GIAO - BỘ CÔNG AN - BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH - VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 02 năm 2016
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG
DẪN VIỆC THEO DÕI TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM VIỆT NAM ĐƯỢC CHO LÀM CON
NUÔI NƯỚC NGOÀI VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRONG TRƯỜNG HỢP CẦN THIẾT
Căn cứ Luật nuôi
con nuôi ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP
ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật nuôi con nuôi;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP
ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 58/2013/NĐ-CP
ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng
11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ
trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông
tư liên tịch hướng dẫn việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam
được cho làm con nuôi nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc theo dõi tình
hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài và bảo vệ
trẻ em trong trường hợp cần thiết; quy định
trách nhiệm của các tổ chức và cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với:
1. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài.
2. Trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài, cha mẹ
nuôi, cha mẹ đẻ và người giám hộ của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài,
cơ sở nuôi dưỡng nơi trẻ em cư trú trước khi được giải quyết cho làm con nuôi
nước ngoài, tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
3. Những cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc
1. Giữ bí mật thông tin riêng tư của trẻ em.
2. Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
3. Phù hợp với
pháp luật Việt Nam, pháp luật nước nơi trẻ em cư trú và điều ước quốc tế mà Việt
Nam và nước nơi trẻ em cư trú là thành viên.
Chương II
THEO DÕI TÌNH HÌNH PHÁT
TRIỂN CỦA TRẺ EM VIỆT NAM ĐƯỢC CHO LÀM CON NUÔI NƯỚC NGOÀI
Điều 4. Thông báo tình hình
phát triển của trẻ em
1. Cha mẹ nuôi thông báo tình hình phát triển của
con nuôi cho Bộ Tư pháp và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định
của Luật nuôi con nuôi. Việc thông báo có
thể được thực hiện qua đường bưu điện, fax hoặc scan gửi theo đường thư điện tử.
Thông báo được lập theo Biểu mẫu
TP/CN-2014/CNNNg.07 được ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Bộ
Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ
Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu
nuôi con nuôi.
2. Cha mẹ nuôi có thể trực tiếp hoặc thông qua sự hỗ
trợ của tổ chức con nuôi nước ngoài thông báo tình hình phát triển của trẻ em
theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp cần có thông tin đột xuất về tình
hình phát triển của trẻ em cụ thể được cho làm con nuôi nước ngoài, tổ chức con
nuôi nước ngoài cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
Điều 5. Đôn đốc việc thông báo
tình hình phát triển của trẻ em
Căn cứ Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước
ngoài và Biên bản giao nhận con nuôi, nếu thấy cha mẹ nuôi không thông báo tình
hình phát triển của trẻ em theo định kỳ, Bộ Tư pháp yêu cầu các tổ chức con
nuôi nước ngoài hoặc Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của nước nhận
đôn đốc cha mẹ nuôi thông báo tình hình phát triển của trẻ em.
Điều 6. Tập hợp và lưu trữ báo
cáo về tình hình phát triển của trẻ em
1. Bộ Tư pháp tập hợp, theo dõi, tổng hợp và lưu trữ
báo cáo nhằm phục vụ cho công tác theo dõi tình hình phát triển của trẻ em.
2. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lưu trữ
báo cáo tình hình phát triển của trẻ em để bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần
thiết.
Điều 7. Lập báo cáo đánh giá
tình hình phát triển của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài
1. Hàng năm, căn cứ thông tin về tình hình phát triển
của trẻ em do cha mẹ nuôi cung cấp và báo cáo tổng hợp tình hình phát triển của
trẻ em do tổ chức con nuôi nước ngoài nộp, Bộ Tư pháp lập báo cáo đánh giá tình
hình phát triển của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài, gửi cho Bộ Ngoại
giao, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp và Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội nơi đã giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
2. Nội dung báo cáo gồm số liệu trẻ em được cho làm
con nuôi nước ngoài trong năm, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa
nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng và đề xuất các biện pháp
tăng cường công tác theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho
làm con nuôi nước ngoài.
Điều 8. Cung cấp thông tin về
tình hình phát triển của trẻ em
1. Căn cứ nội dung báo cáo đánh giá tình hình phát
triển của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài do Bộ Tư pháp gửi theo quy định
tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch này, Sở Tư pháp và Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đã giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước
ngoài cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập
của trẻ em khi có yêu cầu của cha mẹ đẻ, người giám hộ và cơ sở nuôi dưỡng nơi
trẻ em cư trú trước khi được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài.
2. Việc cung cấp thông tin và sử dụng thông tin được
cung cấp đảm bảo tuân thủ nguyên tắc quy định tại khoản 1 và khoản
2 Điều 3 Thông tư liên tịch này.
Điều 9. Hỗ trợ con nuôi tìm hiểu
thông tin về nguồn gốc
1. Cha mẹ nuôi, con nuôi có nguyện vọng tìm hiểu
thông tin về nguồn gốc của con nuôi có thể trực tiếp đến Bộ Tư pháp hoặc gửi đề
nghị qua đường bưu điện, fax hoặc thư điện tử đến Bộ Tư pháp hoặc thông qua tổ
chức con nuôi nước ngoài, hoặc Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của
nước nơi con nuôi thường trú.
2. Trường hợp có đủ thông tin về nguồn gốc của con
nuôi, Bộ Tư pháp cung cấp thông tin theo đề nghị trong thời hạn 15 ngày.
3. Trường hợp cần có thêm thông tin thì Bộ Tư pháp
yêu cầu Sở Tư pháp nơi đã giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài xác minh, bổ
sung thông tin trong thời hạn 15 ngày. Sau 15 ngày kể từ ngày nhận được kết quả
xác minh của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Chương III
BẢO VỆ TRẺ EM VIỆT NAM
ĐƯỢC CHO LÀM CON NUÔI NƯỚC NGOÀI TRONG TRƯỜNG HỢP CẦN THIẾT
Điều 10. Thông báo Quyết định
cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài
Sau khi tiếp nhận Quyết định cho trẻ em Việt Nam
làm con nuôi nước ngoài, Bộ Tư pháp gửi bản fax hoặc bản scan Quyết định theo
đường thư điện tử cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để theo dõi và thực
hiện công tác bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết, đồng thời thông báo cho
Bộ Ngoại giao để phối hợp.
Điều 11. Trường hợp cần bảo vệ
trẻ em
Trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài cần
được bảo vệ trong trường hợp trẻ em bị xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm
dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Điều 12. Tiếp nhận và xác minh
thông tin, phản ánh tình trạng trẻ em cần được bảo vệ
1. Bộ Tư pháp và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, phản ánh và thông báo cho nhau về việc
trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài cần được bảo vệ trong trường hợp
cần thiết được quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này.
2. Ngay sau khi nhận được thông tin, phản ánh, Bộ
Tư pháp liên hệ với Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của nước nhận,
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của nước
sở tại đề nghị cung cấp thông tin xác thực về tình trạng cụ thể của trẻ em.
3. Trường hợp đặc biệt, Bộ Tư pháp và cơ quan có thẩm
quyền xác minh tại chỗ thông tin, phản ánh về tình trạng cụ thể của trẻ em Việt
Nam được cho làm con nuôi nước ngoài cần thiết phải bảo vệ.
Điều 13. Thực hiện công tác bảo
vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết
1. Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp hoặc
khi có thông tin xác thực về trường hợp trẻ em cần được bảo vệ, Cơ quan đại diện
Việt Nam ở nước ngoài tiến hành các biện pháp liên lạc, tiếp xúc, thăm hỏi và đề
nghị cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại thực hiện các biện pháp cần thiết để
bảo vệ quyền lợi của trẻ em, phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước nhận
và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước nhận là thành viên. Cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài kịp thời thông báo tình hình cho Bộ Tư pháp.
2. Trên cơ sở thông tin có được theo khoản 1 Điều
này, Bộ Tư pháp liên hệ với Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của nước
nhận để có biện pháp xử lý phù hợp, kể cả thu xếp biện pháp chăm sóc thay thế
cho trẻ em, phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước nhận và điều ước quốc
tế mà Việt Nam và nước nhận là thành viên.
Điều 14. Giải quyết trường hợp
trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam
1. Trường hợp mọi biện pháp chăm sóc thay thế cho
trẻ em tại nước nhận đều không đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em, việc đưa trẻ
em trở lại Việt Nam là biện pháp cuối cùng đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất của
trẻ em, Bộ Tư pháp trao đổi và thống nhất với Cơ quan trung ương về nuôi con
nuôi quốc tế của nước nhận về việc đưa trẻ em quay trở lại Việt Nam.
2. Khi thực hiện biện pháp đưa trẻ em quay trở lại
Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan
trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của nước nhận giải quyết các vấn đề pháp lý
đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em phù hợp với các quy định của
pháp luật Việt Nam, pháp luật nước nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước
nhận là thành viên.
3. Bộ Công an tạo mọi điều kiện cần thiết cho trẻ
em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam được đăng ký thường
trú theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận lại trẻ em và tạo điều kiện để trẻ
em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở lại Việt Nam được tiếp
cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Điều 15. Tiếp nhận lại, bố trí
việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở
lại Việt Nam
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi trẻ em cư
trú trước khi được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài tiếp nhận lại, bố trí
việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở nuôi dưỡng ở địa phương.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Tư
pháp
1. Giao Cục Con nuôi chủ trì thực hiện việc theo
dõi, kiểm tra tình hình phát triển của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài và
thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được quy định trong Thông tư liên tịch
này.
2. Hàng năm chủ trì tổng kết, đánh giá công tác
theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài và bảo
vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết nhằm đưa ra các biện pháp tăng cường thực
hiện công tác này.
3. Phối hợp với Bộ Ngoại giao trong các trường hợp
cần phải bảo vệ trẻ em theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch
này.
4. Phối hợp với
Bộ Công an trong việc hỗ trợ đăng ký thường trú cho trẻ em làm con nuôi nước
ngoài phải quay trở lại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều
14 Thông tư liên tịch này.
5. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
trong việc thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông
tư liên tịch này.
6. Chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện những nhiệm vụ được
giao trong Thông tư liên tịch này.
7. Yêu cầu các tổ chức con nuôi nước ngoài thực hiện
nhiệm vụ được giao trong Thông tư liên tịch này.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ
Ngoại giao
1. Phối hợp với Bộ Tư pháp, chỉ đạo Cơ quan đại diện
Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em được
cho làm con nuôi nước ngoài.
2. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm
vụ quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư liên tịch này nhằm
đưa ra các biện pháp tăng cường công tác bảo vệ trẻ em Việt Nam được cho làm
con nuôi nước ngoài.
Điều 18. Trách nhiệm của Bộ
Công an
1. Chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành mình ở
Trung ương và địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ của ngành công an đối với trẻ em được cho làm con nuôi nước
ngoài phải quay trở lại Việt Nam và bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết.
2. Thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản
3 Điều 14 của Thông tư liên tịch này.
3. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện
các nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư liên tịch những nội dung thuộc chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành công an.
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ
được quy định trong Thông tư liên tịch này.
2. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc tiếp nhận lại, bố trí việc chăm
sóc, nuôi dưỡng trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài phải quay trở
lại Việt Nam theo quy định tại Điều 15 Thông tư liên tịch này.
Điều 20. Trách nhiệm của Sở Tư
pháp
1. Tổ chức xác minh thông tin về nguồn gốc của con
nuôi theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch này.
2. Phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội
bố trí việc tiếp nhận lại, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được cho làm con nuôi nước
ngoài phải quay trở lại Việt Nam theo quy định tại Điều 15 Thông
tư liên tịch này.
Điều 21. Trách nhiệm của Cơ
quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
1. Thực hiện nhiệm vụ quy định trong Thông tư liên
tịch này.
2. Kịp thời phản ánh thông tin, thông báo về các
trường hợp trẻ em cần được bảo vệ và chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ cần
thiết.
Điều 22. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 06 tháng 04 năm 2016.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng
mắc, các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức và cá nhân phản ánh về Bộ Tư pháp để phối
hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét,
giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
NGOẠI GIAO
THỨ TRƯỞNG
Vũ Hồng Nam
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Khánh Ngọc
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Bùi Văn Nam
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng
(để báo cáo);
- Bộ trưởng BTP, BNG, BCA, BLĐTBXH (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài;
- Cục KTVBQPPL thuộc Bộ Tư pháp;
- Các Tổ chức CNNNg tại Việt Nam;
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử BTP, BNG, BCA, BLĐTBXH;
- Lưu: VT BTP, BNG, BCA, BLĐTBXH.