BỘ TÀI
NGUYÊN VÀ
MÔI
TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/2020/TT-BTNMT
|
Hà Nội,
ngày 31 tháng 8 năm 2020
|
THÔNG TƯ
BAN
HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ CHUẨN THÔNG TIN ĐỊA LÝ CƠ SỞ
Căn cứ Luật
Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật
Đo đạc và bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn
kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 67/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2009 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ
thuật; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16
tháng 05 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn
kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên
và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc,
Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ
trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa
lý cơ sở.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
chuẩn thông tin địa lý cơ sở, mã số QCVN 42: 2020/BTNMT.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 01 tháng 3 năm 2021.
2. Thông tư số 02/2012/TT-BTNMT ngày 19 tháng 3 năm 2012 Quy định
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở hết hiệu lực kể từ
ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
1. Các đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật
được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực được thực hiện theo các quy
định của Thông tư số 02/2012/TT- BTNMT ngày
19 tháng 3 năm 2012 quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa
lý cơ sở. Trường hợp nội dung kỹ thuật của đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật đó
không phù hợp với quy định của Thông tư này thì phải điều chỉnh nội dung kỹ thuật
theo quy định của Thông tư này trước khi nghiệm thu.
2. Các đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật
chưa được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được thực hiện theo
quy định của Thông tư này.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và
Thông tin địa lý Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện
Thông tư này.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài
nguyên và Môi trường để xem xét, quyết định. /.
Nơi nhận:
-
Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Công báo; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, PC, KHCN, ĐĐBĐVN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Phương Hoa
|
QCVN 42: 2020/BTNMT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ CHUẨN THÔNG TIN ĐỊA LÝ CƠ SỞ
National technical regulation on basic geographic information
(Ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BTNMT ngày 31 tháng
8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Lời
nói đầu
QCVN 42: 2020/BTNMT
do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học và Công
nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường
ban hành theo Thông tư số 06/2020/TT-BTNMT ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường.
QCVN 42: 2020/BTNMT
thay thế QCVN 42: 2012/BTNMT được ban hành kèm theo Thông tư số
02/2012/TT-BTNMT ngày 19 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ CHUẨN
THÔNG TIN ĐỊA LÝ CƠ SỞ
National technical regulation on basic
geographic information
I.
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định về áp dụng các chuẩn thông tin địa lý cơ sở
sau đây:
1.1.
Chuẩn mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý.
1.2.
Chuẩn mô hình khái niệm dữ liệu không gian.
1.3.
Chuẩn mô hình khái niệm dữ liệu thời gian.
1.4.
Chuẩn phương pháp lập danh mục đối tượng địa lý.
1.5.
Chuẩn hệ quy chiếu tọa độ.
1.6.
Chuẩn siêu dữ liệu địa lý.
1.7.
Chuẩn chất lượng dữ liệu địa lý.
1.8.
Chuẩn trình bày dữ liệu địa lý.
1.9.
Chuẩn mã hóa trong trao đổi dữ liệu địa lý.
2. Đối tượng áp dụng
Quy
chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có
liên quan đến việc xây dựng và áp dụng dữ liệu địa lý.
3. Giải thích từ ngữ
Trong
quy chuẩn kỹ thuật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
3.1.
XML (eXtensible Markup Language - Ngôn ngữ đánh dấu mở rộng)
là tập hợp các quy tắc để mã hóa tài liệu, dữ liệu dưới dạng mà con người và
máy tính đều có thể đọc được. XML thường được sử dụng cho mục đích trao đổi dữ
liệu.
3.2.
GML (Geopraphy Markup Language - Ngôn ngữ đánh dấu địa lý mở
rộng) là một dạng của ngôn ngữ XML dùng để mô tả, lưu trữ và trao đổi dữ liệu địa
lý.
3.3.
UML (Unified Modeling Language ) - Ngôn ngữ mô hình hoá thống
nhất là một ngôn ngữ mô hình sử dụng các ký hiệu đồ họa và các phương pháp hướng
đối tượng để mô tả một phần hay toàn bộ phần mềm với các mô hình nghiệp vụ từ
những góc nhìn ở từng mức trừu tượng khác nhau.
3.4.
Lược đồ XML: mô tả cấu trúc của tài liệu XML gồm các phần tử
và thuộc tính trong tài liệu XML, thứ tự và số lượng các phần tử con, các kiểu
dữ liệu của phần tử và thuộc tính.
3.5.
Lược đồ GML cơ sở: là lược đồ XML bao gồm một tập hữu hạn các
thành phần từ GML.
3.6.
Lược đồ ứng dụng GML: là lược đồ khái niệm cho dữ liệu địa lý
theo yêu cầu của một hoặc một số ứng dụng cụ thể.
3.7.
Siêu dữ liệu địa lý: là dữ liệu mô tả các đặc tính của dữ liệu
có trong cơ sở dữ liệu địa lý. Siêu dữ liệu địa lý còn được gọi là dữ liệu đặc
tả dữ liệu địa lý.
3.8.
Mô hình khái niệm: là mô hình được sử dụng để định nghĩa các
khái niệm trong thế giới, bao gồm cả thế giới thực và thế giới trừu tượng.
3.9.
Lược đồ khái niệm: là mô tả mô hình khái niệm bằng một ngôn
ngữ cụ thể.
3.10.
Đối tượng địa lý: là sự vật, hiện tượng trong thế giới thực
hoặc sự mô tả đối tượng, hiện tượng không tồn tại trong thế giới thực tại vị
trí địa lý xác định ở mặt đất, lòng đất, mặt nước, lòng nước, đáy nước, khoảng
không.
3.11.
Lớp đối tượng địa lý trừu tượng: là lớp đối tượng địa lý
không được thể hiện bằng đối tượng cụ thể trong tập dữ liệu mà được thể hiện
thông qua các lớp kế thừa.
3.12.
Kiểu đối tượng địa lý: là tập hợp các đối tượng địa lý cùng
loại, có chung các thuộc tính và các quan hệ.
3.13.
Quan hệ đối tượng địa lý: là quan hệ mô tả mối liên kết giữa
các đối tượng địa lý cùng loại hoặc khác loại.
3.14.
Thuộc tính của đối tượng địa lý: là các thông tin mô tả đặc
tính cụ thể của đối tượng địa lý.
3.15.
Danh mục đối tượng địa lý: là tập hợp nhóm các đối tượng địa
lý được xây dựng theo mô hình khái niệm danh mục đối tượng địa lý và phù hợp với
lược đồ ứng dụng.
3.16.
Mô hình đối tượng địa lý tổng quát: là mô hình mô tả các khái
niệm dùng để định nghĩa các đối tượng địa lý.
3.17.
Danh mục đối tượng địa lý cơ sở quốc gia: là danh mục đối tượng
địa lý gồm các thông tin cơ sở (tên, mã, mô tả, thuộc tính) để áp dụng và mở rộng
khi xây dựng các loại danh mục đối tượng địa lý cụ thể.
3.18.
Siêu mô hình: là mô hình định nghĩa ngôn ngữ dùng để mô tả
các mô hình khác.
3.19.
Hệ thống tham số gốc: là một tập hợp các tham số cơ bản được
sử dụng làm cơ sở để tính toán các tham số khác.
3.20.
Hệ quy chiếu tọa độ: là hệ toạ độ có quan hệ với một đối tượng
(thường là Trái đất) thông qua bộ tham số định nghĩa vị trí điểm gốc, tỷ lệ và
hướng của hệ toạ độ (bộ tham số này được gọi là datum).
3.21.
Hệ quy chiếu thời gian: là hệ quy chiếu mà dựa vào đó thời gian
được đo lường.
3.22.
Lược đồ trình bày dữ liệu địa lý: là lược đồ mô tả cách thức
thể hiện dữ liệu địa lý dưới dạng đồ họa.
3.23.
Quy tắc trình bày đối tượng địa lý: là các quy tắc được áp dụng
cho một kiểu đối tượng địa lý trong lược đồ ứng dụng để chỉ ra các cách thức thể
hiện kiểu đối tượng địa lý đó dưới dạng đồ họa.
3.24.
Danh mục trình bày đối tượng địa lý: là một tập hợp các quy tắc
trình bày đối tượng địa lý.
3.25.
Chỉ thị trình bày: là một tập hợp các thao tác trình bày cần
thiết phù hợp với mỗi quy tắc trình bày cụ thể.
3.26.
Thao tác trình bày: là cách thức được áp dụng để xử lý việc
trình bày dữ liệu địa lý cho một trường hợp cụ thể.
3.27.
Dịch vụ trình bày: là các thao tác trình bày cụ thể đối với dữ
liệu địa lý.
3.28.
Mã hoá: là biểu diễn của thông tin (dữ liệu, đối tượng…)
trong một hệ thống mã xác định.
3.29.
Đối tượng hình học nguyên thuỷ: là các đối tượng hình học đơn
lẻ và đồng nhất, không thể phân chia được nữa (ví dụ: điểm, đường, vùng).
4. Ký hiệu và thuật ngữ sử dụng trong các lược đồ khái niệm
Ký
hiệu và thuật ngữ sử dụng trong các lược đồ khái niệm được quy định và giải
thích tại Phụ lục A ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
II.
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
1. Chuẩn mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý
1.1.
Ngôn ngữ biểu diễn mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý.
1.1.1.
Sử dụng ngôn ngữ UML để biểu diễn các lược đồ khái niệm và lược
đồ ứng dụng trong định nghĩa thông tin địa lý cơ sở và các loại thông tin địa
lý khác.
1.1.2.
Giới hạn áp dụng UML trong định nghĩa mô hình cấu trúc dữ liệu
địa lý được quy định cụ thể tại mục 1 Phụ lục B ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia này.
1.2.
Các kiểu dữ liệu nguyên thủy sau được áp dụng khi định nghĩa
mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý:
a) Kiểu
dữ liệu số (Number);
b) Kiểu
dữ liệu số nguyên (Integer);
c) Kiểu
dữ liệu số thực (Real);
d) Kiểu
dữ liệu xâu kí tự (CharacterString); đ) Kiểu dữ liệu ngày-tháng-năm (Date);
e) Kiểu
dữ liệu giờ:phút:giây (Time);
g) Kiểu
dữ liệu ngày - giờ (DateTime);
h) Kiểu
dữ liệu logic (Boolean).
1.3.
Mô hình đối tượng địa lý tổng quát.
1.3.1.
Mô hình đối tượng địa lý tổng quát dùng để mô hình hóa các đặc
tính cơ bản của kiểu đối tượng địa lý nhằm mục đích: Phân loại và định nghĩa kiểu
đối tượng địa lý trong danh mục đối tượng địa lý hoặc trong lược đồ ứng dụng;
Quy định cấu trúc và nội dung danh mục đối tượng địa lý; Quy định lược đồ trình
bày dữ liệu địa lý.
1.3.2.
Các đặc tính cơ bản của kiểu đối tượng địa lý bao gồm: Tên gọi
của kiểu đối tượng địa lý; Định nghĩa hoặc mô tả về kiểu đối tượng địa lý; Các
thuộc tính của kiểu đối tượng địa lý; Các quan hệ liên kết; Các quan hệ tổng
quát hóa và chi tiết hóa.
1.3.3.
Mô hình đối tượng địa lý tổng quát được quy định cụ thể tại mục
2 Phụ lục B ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
1.4.
Các quy tắc xây dựng lược đồ ứng dụng.
1.4.1.
Các quy tắc xây dựng lược đồ ứng dụng được áp dụng để: Mô tả
các kiểu đối tượng địa lý được định nghĩa theo mô hình đối tượng địa lý tổng
quát; Định nghĩa cấu trúc dữ liệu trong một lược đồ ứng dụng; Xây dựng lược đồ ứng
dụng cho các loại dữ liệu địa lý.
1.4.2.
Quy tắc đặt tên lược đồ ứng dụng (bao gồm tên và phiên bản)
quy định tại mục 3.1 Phụ lục B ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
1.4.3.
Quy định về lập tài liệu mô tả lược đồ ứng dụng quy định tại mục
3.2 Phụ lục B ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
1.4.4.
Quy tắc mô tả mối quan hệ giữa lược đồ ứng dụng với các lược
đồ khái niệm khác quy định tại mục 3.3 Phụ lục B ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia này.
1.4.5.
Quy tắc định nghĩa thuộc tính không gian, thuộc tính thời
gian và các thuộc tính khác (gọi chung là thuộc tính chủ đề) của kiểu đối tượng
địa lý trong lược đồ ứng dụng quy định tại mục 3.4 Phụ lục B ban hành kèm theo
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
1.4.6.
Quy tắc mô tả kiểu đối tượng địa lý được định nghĩa theo mô
hình đối tượng địa lý tổng quát bằng UML trong lược đồ ứng dụng quy định tại mục
3.5 Phụ lục B ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
1.4.7.
Quy tắc sử dụng danh mục đối tượng địa lý khi xây dựng lược đồ
ứng dụng quy định tại mục 3.6 Phụ lục B ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia này.
2. Chuẩn mô hình khái niệm dữ liệu không gian
2.1.
Chuẩn mô hình khái niệm dữ liệu không gian được áp dụng cho
các mục đích sau:
a) Thống
nhất các mô hình không gian được áp dụng để mô tả các thuộc tính không gian của
đối tượng địa lý;
b) Định
nghĩa thuộc tính không gian cho các kiểu dữ liệu địa lý trong lược đồ ứng dụng.
2.2.
Mô hình khái niệm dữ liệu không gian được cấu thành bởi hai
mô hình khái niệm thành phần sau đây:
a) Mô
hình khái niệm không gian hình học là mô hình thông tin không gian của đối tượng
địa lý được mô tả bằng các kiểu đối tượng hình học và được quy định chi tiết tại
mục 1 Phụ lục C ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này;
b) Mô
hình khái niệm không gian Topo là mô hình thông tin không gian của đối tượng địa
lý được mô tả bằng các kiểu đối tượng Topo và được quy định chi tiết tại mục 2
Phụ lục C ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
3. Chuẩn mô hình khái niệm dữ liệu thời gian
3.1.
Chuẩn mô hình khái niệm dữ liệu thời gian được áp dụng cho mục
đích chuẩn hoá các mô hình dữ liệu thời gian để mô tả các thuộc tính thời gian
của đối tượng địa lý; Định nghĩa thuộc tính thời gian cho các kiểu dữ liệu địa
lý trong lược đồ ứng dụng.
3.2.
Mô hình khái niệm dữ liệu thời gian được cấu thành bởi hai
gói UML trong đó một gói dùng để mô tả các kiểu đối tượng thời gian và một gói
mô tả hệ quy chiếu thời gian.
3.3.
Mô hình khái niệm dữ liệu thời gian được quy định cụ thể tại mục
1 Phụ lục D ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
3.4.
Đối tượng hình học thời gian được quy định cụ thể tại mục 2
Phụ lục D ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
3.5.
Đối tượng Tôpô thời gian được quy định cụ thể tại mục 3 Phụ lục
D ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
4. Chuẩn phương pháp lập danh mục đối tượng địa lý
4.1.
Chuẩn phương pháp lập danh mục đối tượng địa lý được áp dụng
để xây dựng danh mục đối tượng địa lý cho các loại dữ liệu địa lý; Để xây dựng
cơ sở dữ liệu danh mục đối tượng địa lý cho các loại dữ liệu địa lý nhằm cung cấp
các dịch vụ về thông tin danh mục đối tượng địa lý.
4.2.
Các kiểu đối tượng địa lý trong tập dữ liệu địa lý phải có đầy
đủ các định nghĩa và mô tả.
4.3.
Đặt tên tất cả các kiểu đối tượng địa lý, tên các thuộc tính
của đối tượng địa lý, tên quan hệ liên kết các đối tượng địa lý trong danh mục
đối tượng địa lý theo nguyên tắc tên phải là duy nhất.
4.4.
Quy định về định nghĩa trong danh mục đối tượng địa lý.
4.4.1.
Sử dụng Tiếng Việt làm ngôn ngữ chính thức để định nghĩa kiểu
đối tượng địa lý, thuộc tính đối tượng địa lý, quan hệ liên kết các đối tượng địa
lý và các mô tả liên quan khác.
4.4.2.
Phải có định nghĩa cụ thể cho: Kiểu đối tượng địa lý, thuộc
tính đối tượng địa lý, miền giá trị của mỗi thuộc tính đối tượng địa lý, quan hệ
liên kết các đối tượng địa lý.
4.4.3.
Trường hợp đã có định nghĩa ở một tài liệu khác thì có thể sử
dụng nguyên định nghĩa đó và chỉ ra tài liệu tham chiếu.
4.5.
Quy định đối với kiểu đối tượng địa lý trong danh mục đối tượng
địa lý.
4.5.1.
Mỗi kiểu đối tượng địa lý được phải được định nghĩa theo quy
định tại Điểm 4.4 Điều này.
4.5.2.
Mỗi kiểu đối tượng địa lý phải có tên gọi và được gán mã duy
nhất (mã có thể bao gồm cả ký tự và số).
4.5.3.
Trường hợp kiểu đối tượng địa lý tham gia vào quan hệ liên kết
các đối tượng địa lý thì phải chỉ ra vai trò của kiểu đối tượng địa lý trong
quan hệ liên kết đó.
4.6.
Thuộc tính của đối tượng địa lý (nếu có) phải được định
nghĩa, có tên gọi và có miền giá trị được xác định.
4.7.
Quan hệ liên kết các đối tượng địa lý (nếu có) phải được định
nghĩa và có tên gọi.
4.8.
Quy định chi tiết về các thông tin cần có trong một danh mục
đối tượng địa lý.
4.8.1.
Các thông tin phải có trong một danh mục đối tượng địa lý được
quy định trong mô hình khái niệm danh mục đối tượng địa lý và quy định cụ thể tại
mục 1 Phụ lục E ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
4.8.2.
Áp dụng mô hình khái niệm danh mục đối tượng địa lý để lập
danh mục đối tượng địa lý cơ sở quốc gia quy định tại mục 2 Phụ lục E ban hành
kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
4.9.
Quy định về nguyên tắc lập danh mục đối tượng địa lý khi
thành lập các loại cơ sở dữ liệu địa lý.
4.9.1.
Danh mục đối tượng địa lý của cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc
gia các loại phải được xây dựng dựa trên Danh mục đối tượng địa lý cơ sở quốc
gia quy định tại Phụ lục G ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
Danh mục đối tượng địa lý cơ sở quốc gia gồm các đối tượng địa lý và thuộc tính
đối tượng ở mức độ chi tiết cơ bản. Tùy theo mức độ chi tiết của cơ sở dữ liệu
nền địa lý quốc gia từng loại tỷ lệ để lựa chọn hoặc bổ sung các đối tượng địa
lý và các thuộc tính trong Danh mục đối tượng địa lý cơ sở quốc gia cho phù hợp.
4.9.2.
Khi lập danh mục đối tượng địa lý chuyên ngành phục vụ xây dựng
các loại cơ sở dữ liệu địa lý chuyên ngành phải tuân thủ theo các nguyên tắc
quy định tại các Điểm từ 4.1 đến 4.8 của Điều này.
5.
Chuẩn hệ quy chiếu tọa độ
5.1.
Chuẩn hệ quy chiếu toạ độ được áp dụng để mô tả chi tiết hệ
quy chiếu toạ độ sử dụng khi xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý.
5.2.
Mô hình hệ quy chiếu toạ độ được mô tả thông qua một mô hình
khái niệm, quy định chi tiết tại mục 1 Phụ lục H ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia này.
5.3.
Thông tin mô tả hệ quy chiếu tọa độ quy định tại mục 2 Phụ lục
H ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
5.4.
Các loại cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được xây dựng theo
Hệ quy chiếu và Hệ toạ độ quốc gia VN-2000, hệ quy chiếu độ cao là Hệ độ cao quốc
gia.
5.5.
Quy định về mã hệ quy chiếu tọa độ của Hệ quy chiếu và Hệ toạ
độ quốc gia VN-2000 quy định tại mục 3 Phụ lục H ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia này.
6.
Chuẩn siêu dữ liệu địa lý
6.1.
Chuẩn siêu dữ liệu địa lý được áp dụng để xây dựng siêu dữ liệu
cho các loại dữ liệu địa lý, để trao đổi, cung cấp siêu dữ liệu địa lý dưới các
hình thức khác nhau.
6.2.
Siêu dữ liệu địa lý bao gồm các nhóm thông tin sau đây:
a) Nhóm
thông tin mô tả siêu dữ liệu địa lý;
b) Nhóm
thông tin mô tả hệ quy chiếu toạ độ;
c) Nhóm
thông tin mô tả dữ liệu địa lý;
d) Nhóm
thông tin mô tả chất lượng dữ liệu địa lý;
đ)
Nhóm thông tin mô tả phương pháp và quy trình phân phối dữ liệu địa lý.
6.3.
Nhóm thông tin mô tả siêu dữ liệu địa lý bao gồm các thông
tin mô tả khái quát siêu dữ liệu địa lý đó, cụ thể gồm các thông tin sau đây:
a) Thông
tin về bảng mã kí tự Tiếng Việt được sử dụng trong siêu dữ liệu địa lý;
b) Phạm
vi dữ liệu địa lý mà siêu dữ liệu địa lý mô tả;
c) Tên
chuẩn siêu dữ liệu địa lý, số phiên bản chuẩn siêu dữ liệu địa lý, thời gian
xây dựng siêu dữ liệu địa lý;
d) Thông
tin về đơn vị xây dựng siêu dữ liệu địa lý.
6.4.
Nhóm thông tin hệ quy chiếu toạ độ bao gồm các thông tin chỉ
ra hệ quy chiếu toạ độ được áp dụng để xây dựng tập dữ liệu địa lý (nhóm thông
tin này không bao gồm các thông tin định nghĩa hệ quy chiếu toạ độ).
6.5.
Nhóm thông tin mô tả dữ liệu địa lý bao gồm các thông tin sau
đây:
a) Thông
tin mô tả về mục đích sử dụng và hiện trạng của dữ liệu địa lý;
b) Thông
tin bảng mã kí tự Tiếng Việt được sử dụng trong dữ liệu địa lý;
c) Thông
tin mô tả mô hình dữ liệu không gian, thời gian được sử dụng để biểu diễn dữ liệu
địa lý;
d) Thông
tin về các loại từ khoá (do đơn vị xây dựng siêu dữ liệu địa lý lựa chọn phục vụ
cho mục đích khai thác thông tin sau này), chủ đề mà dữ liệu địa lý đề cập đến;
đ)
Thông tin về mức độ chi tiết, mức độ đầy đủ của dữ liệu địa lý;
e) Thông
tin về các đơn vị, tổ chức liên quan đến quá trình xây dựng, kiểm tra, nghiệm
thu, sử dụng,… dữ liệu địa lý;
g) Thông
tin về phạm vi không gian và thời gian của dữ liệu địa lý;
h) Thông
tin về các ràng buộc liên quan đến dữ liệu địa lý như: các ràng buộc về quyền
truy cập và bảo mật dữ liệu.
6.6.
Nhóm thông tin chất lượng dữ liệu bao gồm các thông tin mô tả
quy trình đánh giá chất lượng, kết quả đánh giá chung về chất lượng dữ liệu địa
lý và kết quả đánh giá theo từng tiêu chí chất lượng cụ thể. Nhóm thông tin này
bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:
a) Thông
tin về phạm vi dữ liệu được đánh giá chất lượng;
b) Thông
tin về nguồn tư liệu được sử dụng để xây dựng dữ liệu;
c) Thông
tin mô tả các phương pháp được sử dụng để đánh giá chất lượng dữ liệu;
d) Thông
tin mô tả kết quả đánh giá chất lượng chung và kết quả đánh giá cho từng tiêu
chí chất lượng cụ thể.
6.7.
Nhóm thông tin phân phối dữ liệu được áp dụng để chỉ ra cách
thức phân phối dữ liệu địa lý đối với đối tượng sử dụng. Nhóm thông tin này bao
gồm các loại thông tin cơ bản sau đây:
a) Thông
tin mô tả cách thức mà dữ liệu địa lý được phân phối theo hình thức trực tuyến
(thông qua các dịch vụ cung cấp thông tin địa lý) hoặc trung gian (thông qua
các loại phương tiện lưu trữ dữ liệu);
b) Thông
tin mô tả định dạng (mã hoá) dữ liệu địa lý trong quá trình phân phối.
6.8.
Siêu dữ liệu địa lý phải được mã hoá bằng XML.
6.9.
Siêu dữ liệu địa lý được lập theo hai cấp độ và phải được lập
tối thiểu ở cấp độ 1.
6.9.1.
Cấp độ 1: cấp độ tối thiểu nhất, bao gồm một tập các phần tử
siêu dữ liệu địa lý cần thiết nhất phục vụ cho các mục đích tìm kiếm dữ liệu địa
lý.
6.9.2.
Cấp độ 2: cấp độ mở rộng, bao gồm các phần tử siêu dữ liệu ở
cấp độ 1 và các phần tử siêu dữ liệu địa lý tuỳ chọn khác.
6.10.
Cấu trúc và nội dung siêu dữ liệu địa lý cơ sở được quy định
tại Phụ lục I ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
7.
Chuẩn chất lượng dữ liệu địa lý
7.1.
Chuẩn chất lượng dữ liệu địa lý được áp dụng để xây dựng các
quy định về chất lượng cho các loại dữ liệu địa lý và xây dựng các quy trình
đánh giá chất lượng cho các loại dữ liệu địa lý.
7.2.
Để đánh giá chất lượng dữ liệu địa lý, áp dụng hai (2) nhóm
tiêu chí đánh giá chất lượng sau đây:
7.2.1.
Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng theo định lượng, được quy định
cụ thể tại điểm 2.3 mục 2 Phụ lục K ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia này.
7.2.2.
Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng theo định tính được quy định
cụ thể tại điểm 2.4 mục 2 Phụ lục K ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia này.
7.3.
Để đánh giá chất lượng dữ liệu địa lý được phép lựa chọn một
trong hai phương pháp sau: Phương pháp đánh giá chất lượng dữ liệu trực tiếp;
Phương pháp đánh giá chất lượng dữ liệu gián tiếp.
7.4.
Các phương pháp đánh giá chất lượng dữ liệu địa lý được quy định
cụ thể tại mục 1 Phụ lục K ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
7.5.
Quy trình đánh giá chất lượng dữ liệu địa lý được quy định cụ
thể tại mục 2 Phụ lục K ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
7.6.
Việc lập báo cáo kết quả đánh giá chất lượng dữ liệu được quy
định cụ thể tại mục 3 Phụ lục K ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
8.
Chuẩn trình bày dữ liệu địa lý
8.1.
Chuẩn trình bày dữ liệu địa lý được áp dụng để xây dựng danh mục
trình bày đối tượng địa lý đối với các loại cơ sở dữ liệu địa lý.
8.2.
Khi trình bày dữ liệu địa lý phải áp dụng các nguyên tắc
chung sau đây:
a) Thông
tin trình bày dữ liệu địa lý phải được lưu trữ độc lập với tập dữ liệu địa lý;
b) Một
tập dữ liệu địa lý có thể được trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng không
được làm thay đổi nội dung dữ liệu;
c) Các
quy tắc trình bày được áp dụng cho mỗi kiểu đối tượng địa lý trong lược đồ ứng
dụng được tổ chức và lưu trữ trong danh mục trình bày đối tượng địa lý;
d) Các
chỉ thị trình bày được tổ chức và lưu trữ độc lập với danh mục trình bày đối tượng
địa lý.
8.3.
Lược đồ trình bày dữ liệu địa lý được quy định cụ thể tại mục
1 Phụ lục L ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
8.4.
Danh mục trình bày dữ liệu địa lý được quy định cụ thể tại mục
2 Phụ lục L ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
8.5.
Chỉ thị trình bày dữ liệu địa lý được quy định cụ thể tại mục
3 Phụ lục L ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
8.6.
Danh mục trình bày dữ liệu địa lý được mã hoá theo các quy định
cụ thể sau đây:
8.6.1.
Việc mã hóa danh mục trình bày dữ liệu địa lý được thực hiện
theo lược đồ XML quy định cụ thể tại mục 4 Phụ lục L ban hành kèm theo quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia này.
8.6.2.
Được phép áp dụng thêm đặc tả kỹ thuật trình bày của Hiệp hội
OpenGIS để xây dựng, mã hóa danh mục trình bày dữ liệu địa lý.
9.
Chuẩn mã hóa trong trao đổi dữ liệu địa lý
9.1.
Chuẩn mã hoá trong trao đổi dữ liệu địa lý được áp dụng để:
Xây dựng các lược đồ mã hoá (như lược đồ XML, GML hoặc các lược đồ khác) cho dữ
liệu địa lý; Xây dựng các quy định chuẩn hoá các hình thức trao đổi dữ liệu địa
lý; Xây dựng các hệ thống phần mềm phục vụ mã hoá trong trao đổi dữ liệu địa lý.
9.2.
Quy tắc mã hoá chung mô tả các quy tắc nhằm ánh xạ dữ liệu từ
một cấu trúc dữ liệu đầu vào đến một cấu trúc dữ liệu đầu ra. Một quy tắc mã
hoá phải chỉ ra các yêu cầu sau đây:
a) Các
yêu cầu mã hoá bao gồm: Lược đồ ứng dụng, Bảng mã kí tự, Siêu dữ liệu về cấu
trúc dữ liệu cần mã hoá, Bộ nhận dạng và các Cơ chế cập nhật;
b) Cấu
trúc dữ liệu đầu vào bao gồm: Cấu trúc dữ liệu được sử dụng để lưu trữ dữ liệu
theo một lược đồ ứng dụng và quan hệ giữa lược đồ ứng dụng với cấu trúc dữ liệu
được sử dụng để lưu trữ dữ liệu;
c) Cấu
trúc dữ liệu đầu ra được xác định theo chuẩn mã hoá trong trao đổi dữ liệu địa
lý;
d) Các
quy tắc chuyển đổi bao gồm các quy định về cách thức chuyển đổi từ dữ liệu
trong cấu trúc dữ liệu đầu vào sang dữ liệu trong cấu trúc dữ liệu đầu ra;
đ)
Nêu các ví dụ minh hoạ điển hình về quy tắc mã hoá.
9.3.
Các quy tắc mã hoá theo XML.
9.3.1.
Quy tắc chuyển đổi từ một gói UML mô tả một lược đồ ứng dụng
sang một lược đồ XML.
9.3.2.
Quy tắc chuyển đổi từ các lớp UML cho từng mẫu phân loại khác
nhau sang lược đồ XML.
9.3.3.
Quy tắc chuyển đổi từ quan hệ liên kết giữa các lớp UML trong
lược đồ ứng dụng sang lược đồ XML.
9.3.4.
Quy tắc chuyển đổi từ quan hệ kế thừa giữa các lớp UML trong
lược đồ ứng dụng sang lược đồ XML.
9.3.5.
Quy tắc chuyển đổi từ quan hệ phụ thuộc giữa các gói UML
trong lược đồ ứng dụng sang lược đồ XML.
9.4.
Lược đồ ứng dụng GML và các quy tắc mã hoá theo ngôn ngữ GML.
9.4.1.
Lược đồ ứng dụng GML của các loại dữ liệu địa lý được xây dựng
theo lược đồ GML cơ sở được quy định cụ thể tại Phụ lục M ban hành kèm theo quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
9.4.2.
Lược đồ ứng dụng GML phải xây dựng theo các quy tắc được quy
định cụ thể tại Phụ lục N ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
9.4.3.
Các lược đồ ứng dụng UML phải chuyển sang lược đồ ứng dụng
GML được quy định cụ thể tại Phụ lục O ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia này.
III.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
1. Phương thức đánh giá sự ph hợp
Sử dụng
Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình để đánh giá sự phù hợp. Nội dung và
trình tự thực hiện các hoạt động chính trong Phương thức 1 thực hiện theo mục I Phụ lục II Nội dung, trình tự và nguyên tắc sử dụng các
phương thức đánh giá sự phù hợp (ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN
ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ).
2. Quy định về công bố hợp quy
Sản
phẩm cần được công bố hợp quy là các cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, cơ sở dữ
liệu địa lý chuyên ngành. Việc công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự
phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Kết quả đo kiểm/thử nghiệm phục vụ
công bố hợp quy phải thực hiện tại phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc công nhận
theo quy định hiện hành.
3. Trách nhiệm công bố hợp quy
3.1.
Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp có trách nhiệm
công bố hợp quy đối với sản phẩm cơ sở dữ liệu do mình tự đầu tư.
3.2.
Các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, cơ sở
dữ liệu địa lý chuyên ngành có trách nhiệm công bố hợp quy đối với các sản phẩm
do mình quản lý xây dựng.
3.3.
Việc công bố hợp quy thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ
Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 02/2017/TT-
BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN
ngày 12/12/2012.
4. Phương pháp thử
4.1.
Sử dụng các phương pháp, công cụ để trích xuất gói tin XML,
GML của các cơ sở dữ liệu địa lý do tổ chức, cá nhân thực hiện.
4.2.
Kiểm tra các tài liệu thiết kế lược độ UML, mô hình cấu trúc
cơ sở dữ liệu, siêu dữ liệu, danh mục đối tượng địa lý, danh mục trình bày dữ
liệu, chất lượng dữ liệu, định dạng trao đổi dữ liệu XML, GML theo các chỉ tiêu
kỹ thuật như quy định tại Phần II.
4.3.
Nếu kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật tại Phần II không đáp ứng,
kết luận không phù hợp với quy chuẩn.
5. Điều kiện chuyển tiếp
5.1.
Các đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật được phê duyệt trước ngày
Quy chuẩn này có hiệu lực được thực hiện theo các quy định của QCVN 42:2012;
Trường hợp nội dung kỹ thuật của đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật đó không phù hợp
với quy định của Thông tư này thì phải điều chỉnh nội dung kỹ thuật theo quy định
của Quy chuẩn kỹ thuật này trước khi nghiệm thu.
5.2.
Các đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật chưa được phê duyệt trước
ngày Quy chuẩn này có hiệu lực thì được thực hiện theo quy định của Quy chuẩn kỹ
thuật này.
IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài
nguyên và Môi trường) có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
Quy chuẩn kỹ thuật này.
2.
Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia này, nếu có vướng mắc, mọi ý kiến gửi về Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa
lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét,
quyết định.