Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 số 41/2024/QH15

Số hiệu: 41/2024/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 29/06/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Người từ đủ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 01/7/2025

Ngày 29/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm hội.

Luật Bảo hiểm hội quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện; quỹ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Người từ đủ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội  từ 01/7/2025

Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Từ đủ 75 tuổi trở lên;

- Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;

- Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Đối với công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Theo đó, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.

Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trường hợp đối tượng nêu trên đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.

Xem thêm nội dung tại Luật Bảo hiểm hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 41/2024/QH15

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2024

LUẬT

BẢO HIỂM XÃ HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện; quỹ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Điều 2. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

e) Dân quân thường trực;

g) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;

h) Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;

i) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương;

k) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

l) Đối tượng quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;

m) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;

n) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây:

a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

c) Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

3. Người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và tổ chức cơ yếu; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

4. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:

a) Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng;

b) Đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.

5. Người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác nhau quy định tại khoản 1 Điều này thì việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định như sau:

a) Đối tượng quy định tại điểm a và điểm l khoản 1 Điều này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

Trường hợp hợp đồng lao động đang sử dụng làm căn cứ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng mà hai bên không có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian tạm hoãn thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thứ tự về thời gian có hiệu lực của hợp đồng được ký kết;

b) Đối tượng quy định tại điểm b và điểm i khoản 1 Điều này đồng thời cũng thuộc đối tượng quy định tại điểm a hoặc điểm l khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng tương ứng quy định tại điểm b hoặc điểm i khoản 1 Điều này;

c) Đối tượng quy định tại điểm i và điểm n khoản 1 Điều này làm việc tại nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã đầu tiên tham gia quản lý, điều hành;

d) Đối tượng quy định tại điểm g và điểm k khoản 1 Điều này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại một trong các điểm a, i và l khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng tương ứng quy định tại điểm a, i hoặc l khoản 1 Điều này theo thứ tự đến trước;

đ) Đối tượng quy định tại điểm k khoản 1 Điều này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm m hoặc điểm n khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm k khoản 1 Điều này;

e) Đối tượng quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều này đồng thời thuộc nhiều đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thì việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ;

g) Đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm k hoặc điểm m khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng khác ngoài đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

7. Trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng.

Chính phủ quy định đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

b) Lao động là người giúp việc gia đình;

c) Đối tượng quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều này đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa 06 tháng quy định tại khoản 7 Điều 33 của Luật này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi nghỉ hưu hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hoặc do ngân sách nhà nước bảo đảm.

2. Trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định của Luật này.

3. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tham gia.

4. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà công dân Việt Nam tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

5. Bảo hiểm hưu trí bổ sung là loại hình bảo hiểm mang tính chất tự nguyện theo nguyên tắc thị trường nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ đóng góp của người sử dụng lao động hoặc của người sử dụng lao động và người lao động.

6. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

7. Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

8. Người thụ hưởng là đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

9. Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội là việc người sử dụng lao động, người lao động nộp hồ sơ kê khai thông tin về người lao động, người sử dụng lao động, tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, phương thức đóng và các nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật để tham gia bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

10. Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử bao gồm đăng ký tham gia, cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm xã hội; giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội và các hoạt động khác trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

11. Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là cơ sở dữ liệu dùng chung tập hợp thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

12. Bản sao các giấy tờ dùng để thực hiện bảo hiểm xã hội quy định tại Luật này là giấy tờ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp từ sổ gốc;

b) Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực từ bản chính;

c) Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Điều 4. Loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội

1. Trợ cấp hưu trí xã hội có các chế độ sau đây:

a) Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng;

b) Hỗ trợ chi phí mai táng;

c) Hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.

2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:

a) Ốm đau;

b) Thai sản;

c) Hưu trí;

d) Tử tuất;

đ) Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

a) Trợ cấp thai sản;

b) Hưu trí;

c) Tử tuất;

d) Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

4. Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.

5. Bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội

1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội; có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do người tham gia lựa chọn.

3. Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

6. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu và trợ cấp tuất hằng tháng tính theo năm, một năm phải tính đủ 12 tháng. Trường hợp tính mức hưởng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

7. Việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội được xác định theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội

1. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

2. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị mất việc làm.

3. Ngân sách nhà nước bảo đảm các chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật này.

4. Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.

5. Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

6. Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

7. Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm xã hội; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử và yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội.

8. Khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Điều 7. Mức tham chiếu

1. Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật này.

2. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 8. Hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội

1. Hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo nguyên tắc các bên cùng có lợi, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.

2. Khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc tăng cường năng lực quản lý và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

3. Thúc đẩy đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

4. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam được tính theo thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

5. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp trái pháp luật.

6. Truy cập, khai thác, cung cấp cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trái pháp luật.

7. Đăng ký, báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

8. Thông đồng, móc nối, bao che, giúp sức cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

9. Cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức.

10. Hành vi khác theo quy định của luật.

Chương II

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Mục 1. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 10. Quyền của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội có các quyền sau đây:

a) Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;

b) Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;

c) Được cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội thông qua phương tiện điện tử; được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thông tin về đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu;

d) Yêu cầu người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình theo quy định của pháp luật;

đ) Được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;

e) Chủ động đi khám giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và được thanh toán phí giám định y khoa khi kết quả giám định y khoa đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;

g) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

2. Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có các quyền sau đây:

a) Nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện;

b) Hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng; trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng; trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; đang hưởng chế độ quy định tại Điều 23 của Luật này;

c) Được thanh toán phí giám định y khoa đối với trường hợp không do người sử dụng lao động giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định y khoa đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;

d) Ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện bảo hiểm xã hội. Trường hợp ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và chế độ khác theo quy định của Luật này thì văn bản ủy quyền có hiệu lực tối đa là 12 tháng kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực;

đ) Đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên nếu có nhu cầu thì được cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại nơi cư trú trên lãnh thổ Việt Nam;

e) Được cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thông qua phương tiện điện tử; được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thông tin về hưởng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu;

g) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

h) Từ chối hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Điều 11. Trách nhiệm của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội có trách nhiệm sau đây:

a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;

b) Theo dõi việc thực hiện trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình;

c) Thực hiện việc kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ thông tin theo đúng quy định về đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục, quy định khác về hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Hoàn trả tiền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định việc hưởng không đúng quy định;

c) Định kỳ hằng năm, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền để thực hiện việc xác minh thông tin đủ điều kiện thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Điều 12. Quyền của người sử dụng lao động

1. Từ chối thực hiện yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 37 của Luật này.

3. Được cơ quan bảo hiểm xã hội hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội.

4. Được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

5. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo quy định của Luật này; phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc trả sổ bảo hiểm xã hội bản giấy cho người lao động.

2. Lập hồ sơ để người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

3. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

4. Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo quy định tại Điều 34 của Luật này và hằng tháng trích khoản tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 33 của Luật này từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

5. Xem xét giới thiệu người lao động thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 65 của Luật này đi khám giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

6. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp chi trả thông qua người sử dụng lao động.

7. Xuất trình, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

8. Bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật này mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

9. Phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thu hồi số tiền bảo hiểm xã hội hưởng không đúng quy định của người lao động khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và theo quy định của pháp luật có liên quan, công đoàn có quyền và trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

b) Yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động;

c) Tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động;

d) Thực hiện hoạt động giám sát và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;

đ) Tham gia thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội;

e) Khởi kiện người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động;

g) Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và theo quy định của pháp luật có liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền và trách nhiệm sau đây:

a) Tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, chủ động tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội phù hợp với bản thân và gia đình;

b) Tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên; chia sẻ thông tin, dữ liệu về người lao động, thành viên, hội viên của mình với cơ quan bảo hiểm xã hội;

c) Thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 15. Quyền và trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động

1. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động.

4. Vận động người sử dụng lao động là thành viên của mình chấp hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

5. Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

6. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Mục 2. TỔ CHỨC THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 16. Cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.

2. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Điều 17. Quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, thang lương, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

2. Được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin hoặc cung cấp bản sao giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để rà soát, kiểm tra việc thực hiện đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với doanh nghiệp, tổ chức thành lập mới.

3. Được cơ quan thuế cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của người sử dụng lao động và các thông tin khác có liên quan đến việc tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

4. Từ chối chi trả chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế khi yêu cầu chi trả không đúng quy định của pháp luật; trường hợp từ chối chi trả phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, việc thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; việc đóng, chi trả bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

6. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.

7. Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, tư vấn chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; xây dựng chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội, chiến lược đầu tư dài hạn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng phương án đầu tư hằng năm trình Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội quyết định; tổ chức đánh giá và công bố mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

2. Ban hành mẫu sổ bảo hiểm xã hội, mẫu hồ sơ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Tổ chức thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

4. Tiếp nhận hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động.

5. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng và giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; tổ chức trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn.

6. Xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

7. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện cho người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; lưu trữ hồ sơ của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

8. Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế theo quyết định của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

10. Thực hiện công tác thống kê, kế toán tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

11. Tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

12. Thực hiện chế độ báo cáo như sau:

a) Định kỳ 03 tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

b) Định kỳ 06 tháng, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp; báo cáo Bộ Y tế về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm y tế;

c) Định kỳ 06 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong phạm vi địa phương quản lý;

d) Hằng năm, báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.

13. Định kỳ 05 năm, đánh giá và dự báo khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất.

14. Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

16. Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

17. Xác định và theo dõi người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 30 của Luật này.

18. Chủ trì xây dựng, quản lý, cập nhật, duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

1. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được tổ chức ở cấp quốc gia có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội và tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

2. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội gồm đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

3. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội là 05 năm.

4. Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và bộ máy giúp việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

Thành viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm cá nhân, bảo lưu về quyết định, ý kiến của mình khi được lấy ý kiến bằng văn bản hoặc biểu quyết thông qua đối với các quy định tại Điều 20 của Luật này.

Chủ tịch Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề chưa thống nhất ý kiến giữa các thành viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

1. Thông qua chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội, kế hoạch dài hạn, 05 năm về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chiến lược đầu tư dài hạn trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thông qua kế hoạch hằng năm về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan bảo hiểm xã hội về các chiến lược, kế hoạch, đề án sau khi được phê duyệt.

2. Thông qua các báo cáo hằng năm về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tình hình quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế trước khi cơ quan bảo hiểm xã hội trình cơ quan có thẩm quyền.

3. Quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư cụ thể của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo hiểm xã hội.

4. Thông qua các nội dung sau đây:

a) Đề án, phương án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế;

b) Dự toán hằng năm về thu, chi các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế; mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; báo cáo quyết toán về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội; chiến lược đầu tư dài hạn trước khi cơ quan bảo hiểm xã hội trình cơ quan có thẩm quyền;

c) Phương án đầu tư hằng năm.

5. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chiến lược phát triển bảo hiểm xã hội, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ chế quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.

6. Hằng năm, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động, tình hình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.

7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Chương III

TRỢ CẤP HƯU TRÍ XÃ HỘI

Điều 21. Đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

1. Công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Từ đủ 75 tuổi trở lên;

b) Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;

c) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

2. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 22. Các chế độ, trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội

1. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.

Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

2. Trường hợp đối tượng quy định tại Điều 21 của Luật này đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.

3. Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội.

Điều 23. Chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

1. Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định tại Điều 21 của Luật này, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

3. Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này.

Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội tại thời điểm giải quyết hưởng cho khoảng thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì người lao động được tính để hưởng trợ cấp hằng tháng với mức cao hơn.

Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội không đủ để người lao động hưởng trợ cấp hằng tháng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu người lao động có nguyện vọng thì được đóng một lần cho phần còn thiếu để hưởng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

4. Mức trợ cấp hằng tháng quy định tại khoản 3 Điều này được áp dụng việc điều chỉnh theo quy định tại Điều 67 của Luật này.

5. Trường hợp người đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và được hưởng một lần trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 85 hoặc điểm a khoản 1 Điều 109 của Luật này.

6. Người đang trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 24. Trình tự, thủ tục thực hiện chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này gửi hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội. Hồ sơ bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chương IV

ĐĂNG KÝ THAM GIA VÀ QUẢN LÝ THU, ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

Mục 1. ĐĂNG KÝ THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

Điều 25. Sổ bảo hiểm xã hội

1. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động, trong đó chứa đựng thông tin cơ bản về nhân thân, ghi nhận việc đóng, hưởng, giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội và các thông tin cần thiết khác có liên quan.

2. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp bằng bản điện tử, bản giấy và có giá trị pháp lý như nhau.

Chậm nhất là ngày 01 tháng 01 năm 2026, thực hiện cấp sổ bảo hiểm xã hội bằng bản điện tử; sổ bảo hiểm xã hội bằng bản giấy được cấp khi người tham gia bảo hiểm xã hội yêu cầu.

3. Dữ liệu về sổ bảo hiểm xã hội được cập nhật chính xác, kịp thời, đối chiếu thông tin và quản lý theo quy định.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 26. Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội thì thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Hồ sơ, chứng từ sử dụng trong giao dịch điện tử thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị pháp lý tương đương với giao dịch bằng bản giấy.

3. Chậm nhất là ngày 01 tháng 01 năm 2027, cơ quan bảo hiểm xã hội phải bảo đảm điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và việc điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội từ giao dịch bằng bản giấy theo quy định của Luật này sang giao dịch điện tử để bảo đảm thuận tiện cho người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Điều 27. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trừ đối tượng quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật này bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

b) Tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

2. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của đối tượng quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật này nếu nộp qua người sử dụng lao động thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu tự nộp thì hồ sơ là tờ khai quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Điều 28. Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm kê khai và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối tượng quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật này nếu tự nộp thì nộp hồ sơ là tờ khai quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

3. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nộp hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội; trường hợp không cấp sổ bảo hiểm xã hội thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 29. Điều chỉnh thông tin đăng ký kê khai tham gia bảo hiểm xã hội

1. Khi thông tin đăng ký kê khai tham gia bảo hiểm xã hội thay đổi thì người đăng ký kê khai theo quy định tại Điều 28 của Luật này nộp tờ khai điều chỉnh thông tin kèm theo bản sao giấy tờ có liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ tờ khai và giấy tờ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người tham gia; trường hợp không thực hiện điều chỉnh thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 2. QUẢN LÝ THU, ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

Điều 30. Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Cơ quan bảo hiểm xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác định và theo dõi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 2 của Luật này; đôn đốc và hướng dẫn việc lập hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để tổ chức việc xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Cơ quan bảo hiểm xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vận động để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

3. Các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành về lao động, dân cư, thuế, đăng ký doanh nghiệp có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến người tham gia và người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định của Chính phủ.

Điều 31. Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

1. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:

a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

b) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc;

c) Đối tượng quy định tại các điểm đ, e và k khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do Chính phủ quy định;

d) Đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 của Luật này được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội;

đ) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

2. Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

3. Chính phủ quy định chi tiết điểm b khoản 1 Điều này; quy định việc truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Điều 32. Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội

1. Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) 3% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau và thai sản;

b) 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.

2. Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Điều 33. Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động

1. Mức đóng và phương thức đóng của đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k và l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này được quy định như sau:

a) Mức đóng hằng tháng bằng 8% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;

b) Đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương thức đóng hằng tháng.

Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Luật này hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì đóng theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

2. Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng của đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 của Luật này được quy định như sau:

a) Mức đóng hằng tháng bằng 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;

b) Đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương thức đóng 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần cho khoảng thời gian của hợp đồng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.

Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại điểm này cho thời gian được gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới hoặc truy đóng sau khi về nước.

3. Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng của đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 2 của Luật này được quy định như sau:

a) Mức đóng hằng tháng bằng 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;

b) Đóng qua cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi người này được cử làm thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần; thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.

4. Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng của đối tượng quy định điểm m và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật này được quy định như sau:

a) Mức đóng hằng tháng bằng 3% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;

b) Đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đóng qua hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia quản lý theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần; thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.

5. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và i khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này mà không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận về việc có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tháng đó với căn cứ đóng bằng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tháng gần nhất.

Đối tượng quy định tại các điểm đ, e và k khoản 1 Điều 2 của Luật này mà không làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

6. Trường hợp trong tháng đầu làm việc hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

7. Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng thì người lao động hoặc thân nhân của người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi người lao động nghỉ việc hoặc chết vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng tiếp không được tính là thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trường hợp người lao động chấm dứt đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có quyền đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện.

8. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết khoản 7 Điều này.

Điều 34. Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tính trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k và l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này như sau:

a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

b) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

2. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất cho đối tượng quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này.

3. Người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng theo quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật này, trừ trường hợp người sử dụng lao động có thỏa thuận với người lao động về việc có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tháng đó với căn cứ đóng bằng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tháng gần nhất.

4. Phương thức, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau:

a) Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng;

b) Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần hoặc 06 tháng một lần.

Điều 35. Đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm phát hiện và đôn đốc bằng văn bản.

Khi phát hiện người sử dụng lao động chậm đóng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 của Luật này hoặc trốn đóng, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm kịp thời đôn đốc bằng văn bản.

2. Cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Cơ quan bảo hiểm xã hội gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan thanh tra có liên quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 36. Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

2. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

a) Hằng tháng;

b) 03 tháng một lần;

c) 06 tháng một lần;

d) 12 tháng một lần;

đ) Một lần cho nhiều năm về sau với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức quy định tại khoản 1 Điều này;

e) Một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thời hạn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động được quy định như sau:

a) Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng;

b) Trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần;

c) Trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần;

d) Trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần;

đ) Tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;

e) Tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều này nhưng sớm nhất là tháng trước liền kề tháng người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

4. Chính phủ quy định chi tiết điểm đ và điểm e khoản 2 Điều này.

Điều 37. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau:

a) Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng;

b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng.

Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.

2. Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; trường hợp người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động đóng bù cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định các trường hợp khác tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Điều 38. Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký kể từ sau ngày đóng bảo hiểm xã hội chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này hoặc kể từ sau ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 39 của Luật này;

2. Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này;

3. Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

4. Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này.

Điều 39. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:

a) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

b) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

c) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này;

d) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

đ) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

e) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

g) Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định các trường hợp thuộc khoản 1 Điều này nhưng có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 40. Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

2. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Điều 41. Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

2. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Chương V

BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Mục 1. CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU

Điều 42. Đối tượng, điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:

a) Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;

b) Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động;

c) Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn quy định tại điểm c khoản này;

đ) Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;

e) Chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau.

2. Người lao động không được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau đây:

a) Tự gây thương tích hoặc tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Trong thời gian lần đầu phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Trong thời gian nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 43. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn tiếp tục điều trị thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức theo quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này. Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thời gian mà người lao động phải nghỉ việc theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 44. Thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau

1. Thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau trong một năm (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) cho mỗi con tối đa là 20 ngày nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

2. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau của mỗi người theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 45. Trợ cấp ốm đau

1. Mức hưởng trợ cấp ốm đau được tính theo tháng và tính trên căn cứ sau đây:

a) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng gần nhất trước tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau;

b) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng đầu tiên tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tháng tham gia trở lại nếu phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên tham gia hoặc tháng tham gia trở lại.

2. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 và Điều 44 của Luật này bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật này được tính như sau:

a) Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên;

b) Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

c) Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm.

4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người lao động quy định tại khoản 3 Điều 43 của Luật này bằng 100% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày.

Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được tính là một ngày.

6. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về ngày làm việc; quy định việc tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp để giải quyết chế độ ốm đau.

Điều 46. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau

1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong một năm, trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa 10 ngày trong một năm (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12).

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe liên tục bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Người lao động đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; trường hợp hai bên có ý kiến khác nhau thì người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ trên cơ sở đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

b) 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;

c) 05 ngày đối với trường hợp khác.

3. Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau bằng 30% mức tham chiếu.

4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau.

Điều 47. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau

1. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú là bản chính hoặc bản sao của một trong các giấy tờ sau đây:

a) Giấy ra viện;

b) Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án;

c) Giấy tờ khác chứng minh quá trình điều trị nội trú.

2. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú là một trong các giấy tờ sau đây:

a) Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;

b) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú;

c) Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú.

3. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài là các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh thể hiện tên bệnh, thời gian điều trị bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có bản dịch tiếng Việt được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;

b) Được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy tờ trong hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp và quy định giấy tờ thay thế trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Điều 48. Giải quyết hưởng trợ cấp ốm đau

1. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 47 của Luật này cho người sử dụng lao động. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau kèm theo hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 49. Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận danh sách do người sử dụng lao động lập, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 2. CHẾ ĐỘ THAI SẢN

Điều 50. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ;

d) Lao động nữ nhờ mang thai hộ;

đ) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

e) Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

g) Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con.

2. Đối tượng quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.

3. Đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con.

4. Đối tượng đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 53, 54, 55 và 56 và các khoản 1, 2 và 3 Điều 58 của Luật này. Thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

5. Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

Điều 51. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai

1. Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 52. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung

1. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định nhưng tối đa theo quy định sau đây:

a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

b) 20 ngày nếu thai từ đủ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi;

d) 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên.

2. Trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 của Luật này mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con.

3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 53. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con

1. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 139 của Bộ luật Lao động.

Trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định tại khoản 4 Điều 139 của Bộ luật Lao động thì được hưởng tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả và tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo mức quy định tại Điều 59 của Luật này; người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian người lao động trở lại làm việc.

2. Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi;

d) Trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi.

3. Ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều này phải trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày vợ sinh con, trường hợp người lao động nghỉ nhiều lần thì ngày bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số thai bao gồm cả con sống, con chết và thai chết.

5. Trường hợp chỉ có mẹ hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc con đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 của Luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

6. Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng không nghỉ việc theo quy định tại khoản 5 Điều này thì ngoài tiền lương còn được hưởng trợ cấp thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ kể từ ngày liền kề sau ngày người mẹ chết theo quy định tại khoản 1 Điều này.

7. Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

8. Đối với trường hợp lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ khi sinh con, lao động nữ nhờ mang thai hộ thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với các trường hợp khác mà có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì thời gian này được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

9. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 54. Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ

1. Lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai theo quy định tại Điều 51 của Luật này.

2. Lao động nữ mang thai hộ khi sảy thai, phá thai hoặc có thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 52 của Luật này.

3. Lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 50 của Luật này được:

a) Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này.

Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

Trường hợp trước thời điểm giao nếu đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày hết thời hạn hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều này và điểm a khoản này mà sức khỏe chưa phục hồi thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 60 của Luật này, trừ trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.

4. Khi lao động nữ mang thai hộ sinh con thì người chồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 53 của Luật này.

Điều 55. Chế độ thai sản của lao động nữ nhờ mang thai hộ

Lao động nữ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được hưởng chế độ thai sản như sau:

1. Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì được nghỉ thêm 01 tháng cho mỗi con tính từ con thứ hai trở đi.

Trường hợp lao động nữ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định;

2. Trường hợp lao động nữ nhờ mang thai hộ chết hoặc được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con khi con chưa đủ 06 tháng tuổi thì người chồng của lao động nữ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc con đối với thời gian còn lại của lao động nữ nhờ mang thai hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp người chồng của lao động nữ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng trợ cấp thai sản đối với thời gian còn lại của lao động nữ nhờ mang thai hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 56. Chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi

1. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kể từ ngày giao nhận con nuôi cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

2. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi không nghỉ việc thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 58 của Luật này.

Điều 57. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

1. Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định nhưng không quá 07 ngày đối với lao động nữ đặt dụng cụ tránh thai trong tử cung và không quá 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 58. Trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi

1. Lao động nữ sinh con có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 của Luật này thì được trợ cấp một lần khi sinh con.

Lao động nữ sinh con nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 của Luật này mà người chồng có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này thì người chồng được trợ cấp một lần.

2. Lao động nữ mang thai hộ có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 50 của Luật này thì được trợ cấp một lần khi sinh con.

Trường hợp người mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện thì người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con được trợ cấp một lần.

Trường hợp người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con được trợ cấp một lần.

Trường hợp người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện thì người chồng của người mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm người mang thai hộ sinh con được trợ cấp một lần.

3. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này thì được trợ cấp một lần.

4. Mức trợ cấp một lần cho mỗi con quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này bằng 02 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi.

Điều 59. Trợ cấp thai sản

1. Trợ cấp thai sản một tháng của người lao động quy định tại các điều 51, 52, 53, 54, 55, 56 và 57 của Luật này bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 06 tháng thì trợ cấp thai sản của người lao động quy định tại Điều 51, Điều 52, các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 53, các khoản 1, 2 và 4 Điều 54, khoản 2 Điều 55 và Điều 57 của Luật này là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các tháng đã đóng.

2. Trợ cấp thai sản một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 51 và khoản 2 Điều 53 của Luật này được tính bằng trợ cấp thai sản một tháng chia cho 24 ngày.

3. Trợ cấp thai sản khi sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được tính theo mức trợ cấp thai sản quy định tại khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 52 và Điều 57 của Luật này thì mức trợ cấp mỗi ngày được tính bằng mức trợ cấp thai sản một tháng chia cho 30 ngày.

4. Trợ cấp thai sản của lao động nữ mang thai hộ, lao động nữ nhờ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều này trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ, lao động nữ nhờ mang thai hộ.

5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp hưởng chế độ thai sản.

Điều 60. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản

1. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 52, khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 53, điểm a khoản 3 Điều 54 của Luật này, lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe liên tục bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; trường hợp hai bên có ý kiến khác nhau thì người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ trên cơ sở đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

b) 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) 05 ngày đối với trường hợp khác.

3. Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu.

4. Không áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này trong trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này.

5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản.

Điều 61. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản

1. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con hoặc lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc lao động nữ nhờ mang thai hộ là bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con và giấy tờ khác trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy tờ chứng minh quá trình điều trị vô sinh của lao động nữ trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 50 của Luật này;

b) Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của lao động nữ sinh con, lao động nữ nhờ mang thai hộ trong trường hợp chết sau khi sinh con;

c) Bản chính hoặc bản sao văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con hoặc lao động nữ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

d) Bản chính hoặc bản sao giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 50 của Luật này;

đ) Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và gia đình và bản sao văn bản xác nhận thời điểm giao nhận con giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc lao động nữ nhờ mang thai hộ nhận con.

2. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con và lao động nữ mang thai hộ sinh con trong trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh, lao động nữ mang thai từ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này là một trong các giấy tờ sau đây:

a) Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có thể hiện thông tin con chết, thai chết;

b) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của lao động nữ sinh con hoặc của lao động nữ mang thai hộ sinh con có thể hiện thông tin con chết, thai chết;

c) Bản sao giấy báo tử của con;

d) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp con chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh.

3. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ khi khám thai theo quy định tại Điều 51 của Luật này; lao động nữ sảy thai, phá thai hoặc có thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung theo quy định tại Điều 52 của Luật này; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định tại Điều 57 của Luật này là một trong các giấy tờ sau đây:

a) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện hoặc bản tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy tờ chứng minh quá trình điều trị nội trú của người lao động trong trường hợp điều trị nội trú;

b) Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp điều trị ngoại trú;

c) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện có thể hiện thông tin chỉ định về thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú.

4. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi bao gồm bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi và biên bản giao nhận con.

5. Hồ sơ đề nghị nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc hưởng trợ cấp một lần đối với lao động nam khi vợ sinh con là bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; trường hợp giấy chứng sinh không thể hiện thông tin về việc sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thì cần thêm bản chính hoặc bản sao văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện thông tin về việc sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ có thể hiện thông tin về con chết.

6. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản đối với người chồng của lao động nữ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi nhận con phải có bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của người mang thai hộ có thể hiện thông tin về con chết hoặc văn bản khác của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể hiện thông tin về con chết sau khi sinh.

7. Hồ sơ đề nghị nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc hưởng trợ cấp một lần đối với người chồng của lao động nữ mang thai hộ khi vợ sinh con bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Bản sao giấy chứng sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp giấy chứng sinh không thể hiện thông tin về việc sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thì cần thêm bản chính hoặc bản sao văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện thông tin về việc sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;

b) Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và gia đình.

8. Trường hợp các giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này hoặc các giấy tờ có nội dung tương tự do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì phải đáp ứng được các yêu cầu sau đây:

a) Có bản dịch tiếng Việt được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;

b) Được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

9. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp các giấy tờ trong hồ sơ quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp và quy định giấy tờ thay thế trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Điều 62. Giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 61 của Luật này cho người sử dụng lao động. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kèm theo hồ sơ quy định tại Điều 61 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động nộp hồ sơ quy định tại Điều 61 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong trường hợp thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hoặc không còn người sử dụng lao động.

3. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động, 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 63. Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận danh sách theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 3. CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

Điều 64. Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu

1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

b) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;

c) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định của Chính phủ;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Đối tượng quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quy định khác;

b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;

c) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Chính phủ quy định việc hưởng lương hưu đối với trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh hoặc mất hồ sơ và các trường hợp đặc biệt khác.

Điều 65. Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 64 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 của Luật này và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;

b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 của Luật này và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2. Đối tượng quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 64 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 của Luật này;

b) Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Điều 66. Mức lương hưu hằng tháng

1. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 64 của Luật này được tính như sau:

a) Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;

b) Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

2. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng là người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang nhân dân do Chính phủ quy định. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.

3. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 65 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

4. Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này.

5. Chính phủ quy định chi tiết về mức hưởng và điều kiện hưởng lương hưu.

Điều 67. Điều chỉnh lương hưu

1. Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

3. Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Điều này.

Điều 68. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

1. Lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn quy định tại khoản 1 Điều này bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Luật này mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp bằng 02 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định tại khoản 1 Điều này kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.

Điều 69. Thời điểm hưởng lương hưu

1. Thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, i, k và l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và được ghi trong văn bản của người sử dụng lao động xác định việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xác định việc chấm dứt làm việc.

2. Thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 của Luật này và người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và được ghi trong văn bản đề nghị của người lao động.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này; quy định thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 33 của Luật này; quy định về việc tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp để giải quyết chế độ hưu trí.

Điều 70. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần

1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội mà có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;

d) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;

đ) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm;

e) Trường hợp quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

2. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật này đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội mà có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội;

b) Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;

c) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;

d) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam;

đ) Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng không bao gồm số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) Bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với năm đóng trước năm 2014.

Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi để tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

b) Bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng nhưng không quá 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

4. Trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bao gồm số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; việc tính mức hưởng mỗi năm thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này.

5. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm cơ quan bảo hiểm xã hội ban hành quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

6. Trường hợp người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 và các điểm b, c và đ khoản 2 Điều này vừa đủ điều kiện hưởng lương hưu vừa đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động được lựa chọn hưởng lương hưu hằng tháng hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 71. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 64, Điều 65 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 70 của Luật này hoặc chưa hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 23 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 72. Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

a) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

c) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

d) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

đ) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

e) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

g) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt.

Điều 73. Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 72 của Luật này của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh như sau:

a) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, được điều chỉnh theo mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí;

b) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, được điều chỉnh như quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 72 của Luật này của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Điều 74. Thực hiện bảo hiểm xã hội khi áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành

Trường hợp Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và những nội dung cần thiết khác.

Điều 75. Tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng

1. Tạm dừng việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người đang hưởng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Xuất cảnh trái phép;

b) Bị Tòa án tuyên bố mất tích;

c) Khi không xác minh được thông tin người thụ hưởng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 của Luật này.

2. Chấm dứt việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người đang hưởng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết;

b) Từ chối hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng văn bản;

c) Kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.

3. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này được tiếp tục chi trả bao gồm cả tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của thời gian chưa nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người xuất cảnh trái phép trở về;

b) Có quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích hoặc quyết định tuyên bố là đã chết;

c) Đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này đã xác minh được thông tin theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 của Luật này.

4. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này được tiếp tục chi trả kể từ thời điểm cơ quan bảo hiểm xã hội nhận văn bản đề nghị được hưởng lại lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và không bao gồm tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của thời gian chưa nhận do từ chối nhận.

5. Người hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng có thời gian chưa nhận lương hưu, trợ cấp trước khi chết thì thân nhân của người đó được nhận lương hưu, trợ cấp của những tháng chưa nhận.

6. Người bị tạm dừng hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích, sau đó có quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân của người đó không được nhận lương hưu, trợ cấp trong thời gian tạm dừng hưởng.

7. Các trường hợp tạm dừng, chấm dứt, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 76. Trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài để định cư

1. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài để định cư nếu có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trong đó mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi được tính bằng 02 tháng lương hưu đang hưởng; sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

3. Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng 03 tháng trợ cấp đang hưởng.

4. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần bao gồm văn bản đề nghị hưởng trợ cấp một lần kèm theo bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 78 của Luật này.

5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 77. Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Bản chính hoặc bản sao văn bản xác định việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc văn bản chấm dứt làm việc hoặc văn bản đề nghị của đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 của Luật này.

2. Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Văn bản đề nghị của người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

3. Trường hợp quy định tại Điều 65 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy xác nhận mức độ khuyết tật nặng, đặc biệt nặng có thể hiện kết luận của Hội đồng giám định y khoa ghi rõ tỷ lệ phần trăm suy giảm khả năng lao động.

4. Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 64 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Điều 78. Hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần

1. Hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Văn bản đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.

2. Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 70 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh để định cư ở nước ngoài;

c) Thẻ thường trú dài hạn ở nước ngoài của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp;

d) Giấy tờ hợp pháp khác thể hiện việc định cư ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

3. Trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 70 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm bản tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc bản chính hoặc bản sao giấy ra viện.

4. Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 70 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy xác nhận mức độ khuyết tật đặc biệt nặng.

Điều 79. Giải quyết hưởng lương hưu, hưởng bảo hiểm xã hội một lần

1. Trong thời hạn 20 ngày trước thời điểm người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại Điều 77 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong thời hạn 20 ngày trước thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nộp hồ sơ quy định tại Điều 77 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động khi đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ quy định tại Điều 78 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Trong thời hạn 20 ngày, không bao gồm ngày nghỉ lễ, tết, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người đề nghị hưởng lương hưu hoặc trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 80. Hồ sơ đề nghị tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong trường hợp đã bị tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng

Hồ sơ đề nghị tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 75 của Luật này bao gồm văn bản đề nghị tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và giấy tờ khác tùy theo từng trường hợp sau đây:

1. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước đối với trường hợp quy định điểm a khoản 3 Điều 75 của Luật này;

2. Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố là đã chết đối với trường hợp quy định điểm b khoản 3 Điều 75 của Luật này.

Điều 81. Giải quyết tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong trường hợp đã bị tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng

1. Người đề nghị tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nộp hồ sơ quy định tại Điều 80 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 82. Thay đổi hình thức nhận, nơi nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng

1. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng có nguyện vọng thay đổi hình thức nhận hoặc thay đổi nơi nhận do chuyển nơi cư trú trong nước thì có văn bản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang chi trả.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 83. Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội

1. Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

2. Việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch. Hội đồng giám định y khoa chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả giám định.

Mục 4. CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Điều 84. Đối tượng hưởng chế độ tử tuất

Đối tượng hưởng chế độ tử tuất của người tham gia bảo hiểm xã hội bị chết là thân nhân quy định khoản 2 Điều 86, các điểm a, b và c khoản 2 Điều 88 của Luật này; người thừa kế quy định tại điểm d khoản 2 Điều 88 của Luật này; tổ chức, cá nhân lo mai táng quy định khoản 1 Điều 85 của Luật này và thân nhân quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật này.

Điều 85. Trợ cấp mai táng

1. Người sau đây khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên;

b) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Người đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu; người đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

2. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức tham chiếu tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

3. Trường hợp đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 86. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này khi chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thân nhân quy định tại khoản 2 Điều này được hưởng tiền tuất hằng tháng:

a) Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên;

b) Đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu;

c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2. Thân nhân của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

a) Các con bao gồm cả con khi người mẹ đang mang thai mà người cha chết, con khi lao động nữ mang thai hộ đang mang thai mà người cha hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ chết thì được hưởng đến khi đủ 18 tuổi;

b) Con bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Vợ, chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động. Vợ, chồng chưa đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

d) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; thành viên khác của gia đình đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động mà người quy định tại khoản 1 Điều này đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;

đ) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; thành viên khác của gia đình chưa đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3. Không áp dụng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều này là người đang hưởng tiền lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, trợ cấp hằng tháng mà mức hưởng bằng hoặc cao hơn mức tham chiếu, không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

4. Kết quả khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng phải được xác định chậm nhất 06 tháng kể từ ngày người tham gia bảo hiểm xã hội chết hoặc kể từ ngày thân nhân quy định tại điểm a khoản 2 Điều này hết thời hạn hưởng trợ cấp theo quy định.

5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp để giải quyết chế độ tử tuất.

Điều 87. Mức trợ cấp tuất hằng tháng

1. Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức tham chiếu; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc xác định thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng.

2. Trường hợp một người chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 86 của Luật này thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tối đa 04 người; trường hợp có từ 02 người chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết trở lên thì thân nhân được hưởng 02 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được tính kể từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng mà đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 86 của Luật này chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Trường hợp con được sinh sau thời điểm người cha, người cha là chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ chết thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.

Điều 88. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần

1. Các đối tượng sau đây chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được xét hưởng trợ cấp tuất một lần:

a) Người đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội;

b) Người đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu; người đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất một lần trong các trường hợp sau đây:

a) Không đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 86 của Luật này;

b) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 86 của Luật này nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 86 của Luật này;

c) Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 86 của Luật này nhưng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần;

d) Trường hợp không có thân nhân quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật này thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Điều 89. Mức trợ cấp tuất một lần

1. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này bằng mức trợ cấp tuất cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội nhân với số năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng không thấp hơn 03 tháng mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 72 của Luật này tính đến thời điểm dừng đóng. Mức trợ cấp tuất cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

a) Bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có cả trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi;

b) Bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi.

2. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu và được quy định như sau:

a) Trường hợp chết trong 02 tháng đầu thì mức trợ cấp tuất một lần bằng 48 tháng lương hưu của tháng đang hưởng;

b) Trường hợp chết từ tháng thứ ba trở đi thì cứ mỗi tháng mức trợ cấp tuất một lần giảm 0,5 tháng lương hưu so với mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này nhưng không thấp hơn 03 tháng lương hưu của tháng đang hưởng.

3. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi chết bằng 03 tháng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng của tháng đang hưởng.

4. Mức tham chiếu dùng để tính trợ cấp tuất một lần là mức tham chiếu tại tháng mà đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này chết.

5. Chính phủ quy định việc giải quyết chế độ tử tuất đối với trường hợp người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng chưa nghỉ việc hoặc còn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đồng thời là người đang hưởng lương hưu.

1. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ tử tuất đối với thân nhân của người đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử hoặc bản sao quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết;

c) Tờ khai của thân nhân;

d) Bản chính hoặc bản sao biên bản điều tra tai nạn lao động đối với trường hợp chết do tai nạn lao động; bản sao bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp;

đ) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy xác nhận mức độ khuyết tật đặc biệt nặng có thể hiện kết luận của Hội đồng giám định y khoa ghi rõ tỷ lệ phần trăm suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

2. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ tử tuất đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc bao gồm:

a) Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử hoặc bản sao quyết định của Toà án tuyên bố là đã chết;

b) Tờ khai của thân nhân;

c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy xác nhận mức độ khuyết tật đặc biệt nặng có thể hiện kết luận của Hội đồng giám định y khoa ghi rõ tỷ lệ phần trăm suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

3. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp mai táng đối với trường hợp chỉ hưởng trợ cấp mai táng bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng;

b) Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử hoặc bản sao quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết;

c) Tờ khai của tổ chức, cá nhân lo mai táng.

4. Việc giải quyết hưởng chế độ tử tuất đối với người nước ngoài do Chính phủ quy định.

Điều 91. Giải quyết hưởng chế độ tử tuất

1. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng chết thì thân nhân hoặc tổ chức, cá nhân lo mai táng nộp hồ sơ quy định tại Điều 90 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chết thì thân nhân hoặc tổ chức, cá nhân lo mai táng nộp hồ sơ quy định tại Điều 90 của Luật này cho người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ thân nhân của người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 92. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm so với thời hạn quy định

1. Trường hợp nộp hồ sơ quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48, khoản 1 Điều 49, khoản 1 Điều 62, khoản 1 Điều 63, khoản 1 Điều 79, khoản 1 và khoản 2 Điều 91 của Luật này thì phải giải trình bằng văn bản và gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội khi nộp hồ sơ.

2. Trường hợp nộp hồ sơ quá thời hạn quy định hoặc giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thụ hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Điều 93. Hình thức chi trả lương hưu và chế độ bảo hiểm xã hội

1. Thông qua tài khoản của người thụ hưởng mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

2. Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền.

3. Thông qua người sử dụng lao động.

Chương VI

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

Mục 1. TRỢ CẤP THAI SẢN

Điều 94. Đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp thai sản

1. Đối tượng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ sinh con;

b) Lao động nam có vợ sinh con.

2. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.

3. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản quy định tại khoản 1 Điều này thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.

4. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.

5. Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.

6. Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Điều 95. Trợ cấp thai sản

1. Mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.

2. Ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Điều 96. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản là một trong các giấy tờ sau đây:

1. Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

2. Trường hợp thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ hoặc con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là một trong các giấy tờ sau đây:

a) Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có thể hiện thông tin con chết;

b) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của lao động nữ sinh con có thể hiện thông tin con chết;

c) Bản sao giấy báo tử của con;

d) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp con chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh.

Điều 97. Giải quyết hưởng trợ cấp thai sản

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 96 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 2. CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

Điều 98. Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.

Điều 99. Mức lương hưu hằng tháng

1. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 98 của Luật này được tính như sau:

a) Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;

b) Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

2. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật này.

3. Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này.

Điều 100. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

1. Lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn quy định tại khoản 1 Điều này bằng 0,5 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật này mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp bằng 02 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định tại khoản 1 Điều này kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.

Điều 101. Thời điểm hưởng lương hưu

1. Thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng quy định tại Điều 98 của Luật này được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật này.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.

3. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 của Luật này thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này; quy định về việc tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp để giải quyết chế độ hưu trí.

Điều 102. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần

1. Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;

d) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;

đ) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) Bằng 1,5 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với năm đóng trước năm 2014.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có cả trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi để tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

b) Bằng 02 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng nhưng không quá 02 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này.

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.

5. Trường hợp người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này vừa đủ điều kiện hưởng lương hưu vừa đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động được lựa chọn hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 103. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 hoặc chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 102 của Luật này hoặc chưa hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 23 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 104. Mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng bình quân các mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.

2. Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Điều 105. Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm sổ bảo hiểm xã hội và văn bản đề nghị hưởng lương hưu.

Điều 106. Hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần

1. Hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Văn bản đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.

2. Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 102 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh để định cư ở nước ngoài;

c) Thẻ thường trú dài hạn ở nước ngoài của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp;

d) Giấy tờ hợp pháp khác thể hiện việc định cư ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

3. Trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 102 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm bản tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc bản chính hoặc bản sao giấy ra viện.

4. Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 102 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy xác nhận mức độ khuyết tật đặc biệt nặng.

Điều 107. Giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần đối với người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Trong thời hạn 20 ngày trước thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nộp hồ sơ quy định tại Điều 105 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động khi đủ điều kiện và có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ quy định tại Điều 106 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của tháng dừng đóng bảo hiểm xã hội hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động là căn cứ để xác định thời điểm đủ điều kiện giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 102 của Luật này.

3. Trong thời hạn 20 ngày, không bao gồm ngày nghỉ lễ, tết, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người đề nghị hưởng lương hưu hoặc trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 3. CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Điều 108. Đối tượng hưởng chế độ tử tuất

Đối tượng hưởng chế độ tử tuất của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bị chết là tổ chức, cá nhân lo mai táng quy định tại khoản 1 Điều 109 của Luật này; thân nhân quy định khoản 3 Điều 109 của Luật nàykhoản 1 Điều 110 của Luật này.

Điều 109. Trợ cấp mai táng

1. Những người sau đây khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

a) Người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên;

b) Người đang hưởng lương hưu, tạm dừng hưởng lương hưu.

2. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức tham chiếu tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

3. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 110. Trợ cấp tuất một lần

1. Người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

2. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính như sau:

a) Bằng 1,5 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có cả trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi;

b) Bằng 02 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi;

c) Bằng số tiền đã đóng đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng chưa đủ 60 tháng.

3. Trường hợp người có cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 lần của mức bình quân tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

4. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu và được quy định như sau:

a) Trường hợp chết trong 02 tháng đầu thì mức trợ cấp tuất một lần bằng 48 tháng lương hưu của tháng đang hưởng;

b) Trường hợp chết từ tháng thứ ba trở đi thì cứ mỗi tháng mức trợ cấp tuất một lần giảm 0,5 tháng lương hưu so với mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này nhưng không thấp hơn 03 tháng lương hưu của tháng đang hưởng.

Điều 111. Chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định như sau:

a) Có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên nếu thuộc đối tượng quy định tại Điều 64 của Luật này, có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên nếu thuộc đối tượng quy định tại Điều 65 của Luật này thì điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc;

b) Có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc;

c) Có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng trợ cấp mai táng theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 112. Hồ sơ đề nghị và giải quyết hưởng chế độ tử tuất

1. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ tử tuất được quy định như sau:

a) Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ tử tuất đối với thân nhân của người đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 90 của Luật này;

b) Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ tử tuất đối với thân nhân của người đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 90 của Luật này;

c) Hồ sơ đối với trường hợp chỉ hưởng trợ cấp mai táng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật này.

2. Việc giải quyết hưởng chế độ tử tuất thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu chết thì thân nhân nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 113. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chậm so với thời hạn quy định

1. Trường hợp nộp hồ sơ quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 97, khoản 1 Điều 107, điểm a khoản 2 Điều 112 của Luật này thì phải giải trình bằng văn bản và gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội khi nộp hồ sơ.

2. Trường hợp nộp hồ sơ quá thời hạn quy định hoặc giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thụ hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Điều 114. Hình thức chi trả lương hưu và chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Thông qua tài khoản của người thụ hưởng mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

2. Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền.

Điều 115. Trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư; chuyển nơi hưởng lương hưu; tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư nếu có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần và việc giải quyết hưởng trợ cấp một lần thực hiện như sau:

a) Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trong đó mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi được tính bằng 02 tháng lương hưu đang hưởng; sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng;

b) Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng 03 tháng trợ cấp đang hưởng;

c) Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần bao gồm văn bản đề nghị hưởng trợ cấp một lần kèm theo bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 106 của Luật này;

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Người đang hưởng lương hưu chuyển đến nơi ở khác trong nước và có nguyện vọng hưởng bảo hiểm xã hội ở nơi cư trú mới được thực hiện như sau:

a) Người đang hưởng lương hưu có nguyện vọng thay đổi hình thức nhận hoặc thay đổi nơi nhận do chuyển nơi cư trú trong nước thì có văn bản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang chi trả;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quy định tại điểm a khoản này, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Việc tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại các Điều 75, 80 và 81 của Luật này.

Chương VII

QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Mục 1. HÌNH THÀNH VÀ SỬ DỤNG QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 116. Quỹ bảo hiểm xã hội

1. Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật về kế toán và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Định kỳ 03 năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội, hoạt động đầu tư quỹ và báo cáo kết quả với Quốc hội. Theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, quỹ bảo hiểm xã hội được kiểm toán đột xuất.

Trường hợp tiến hành hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước về bảo hiểm xã hội, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước xử lý theo quy định của Luật Thanh traLuật Kiểm toán nhà nước, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc một cơ quan kiểm toán nhà nước; bảo đảm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 117. Các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội

1. Người sử dụng lao động đóng theo quy định.

2. Người lao động đóng theo quy định.

3. Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ.

4. Ngân sách nhà nước.

5. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 118. Các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp

1. Quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm các quỹ thành phần sau đây:

a) Quỹ ốm đau và thai sản;

b) Quỹ hưu trí và tử tuất;

c) Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

2. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.

Điều 119. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội

1. Chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đối tượng theo quy định tại Chương V, Chương VI của Luật này và trợ cấp hằng tháng quy định tại Điều 23 của Luật này.

2. Chi đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng sau đây:

a) Người đang hưởng lương hưu;

b) Người nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

c) Người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;

d) Nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

đ) Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

3. Chi trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp không do người sử dụng lao động giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 120 của Luật này.

5. Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định tại Mục 2 Chương này.

Điều 120. Chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội

1. Chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, tư vấn chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội;

b) Cải cách hành chính bảo hiểm xã hội; phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;

c) Đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, thuê, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ liên quan đến quản lý và hoạt động bảo hiểm xã hội;

d) Tổ chức thu, chi trả bảo hiểm xã hội và hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

2. Mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, không bao gồm số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Định kỳ 03 năm, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội.

4. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán hằng năm đối với báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Mục 2. ĐẦU TƯ QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 121. Nguyên tắc đầu tư

1. Hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, bền vững và hiệu quả.

2. Đa dạng hóa danh mục đầu tư, cơ cấu và phương thức đầu tư phù hợp với năng lực và cơ sở vật chất của tổ chức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn.

3. Hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội thực hiện theo chiến lược đầu tư dài hạn và phương án đầu tư hằng năm.

Điều 122. Danh mục đầu tư và phương thức đầu tư

1. Danh mục đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại thị trường trong nước bao gồm:

a) Công cụ nợ của Chính phủ, bao gồm trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước, công trái xây dựng Tổ quốc;

b) Trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

c) Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt;

d) Trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt.

2. Đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại thị trường quốc tế là trái phiếu Chính phủ.

3. Phương thức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm tự đầu tư, ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước, thị trường quốc tế.

4. Chính phủ quy định lộ trình đa dạng hóa, tiêu chí danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 121 của Luật này.

Điều 123. Quản lý hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội

1. Quỹ bảo hiểm xã hội được đầu tư và hạch toán độc lập theo từng quỹ thành phần.

2. Hoạt động đầu tư quỹ phải được kiểm soát, quản lý rủi ro và trích lập dự phòng rủi ro.

3. Chính phủ quy định quy trình kiểm soát, quản lý rủi ro đầu tư, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro.

Chương VIII

BẢO HIỂM HƯU TRÍ BỔ SUNG

Điều 124. Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung

Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng lao động và người lao động.

Điều 125. Nguyên tắc bảo hiểm hưu trí bổ sung

1. Mức đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận.

2. Khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.

3. Hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

4. Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.

Điều 126. Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung

1. Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán.

2. Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung bao gồm đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ.

3. Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý.

Điều 127. Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung

1. Khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm hưu trí bổ sung, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch; tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

3. Chính phủ quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Chương IX

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 128. Quyền khiếu nại về bảo hiểm xã hội

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 129. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội, người có thẩm quyền trong cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong hoạt động thanh tra về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 130. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội

1. Quyết định về bảo hiểm xã hội là văn bản do cơ quan bảo hiểm xã hội, người có thẩm quyền trong cơ quan bảo hiểm xã hội ban hành để thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Hành vi về bảo hiểm xã hội là hành vi của cơ quan bảo hiểm xã hội, người có thẩm quyền trong cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện hoặc không thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Trình tự khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:

a) Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội nơi người có hành vi về bảo hiểm xã hội hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Thủ trưởng cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

4. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội được quy định như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:

a) Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của mình, của người có thẩm quyền do mình quản lý trực tiếp;

b) Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội đã được Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp dưới giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

5. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi có liên quan đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hoặc tính thời gian công tác trong khu vực nhà nước để hưởng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà không đủ hồ sơ gốc, không còn hồ sơ gốc hoặc không còn cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động được thực hiện như sau:

a) Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh giải quyết khiếu nại lần đầu;

b) Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu của Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

6. Thời hiệu khiếu nại, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 131. Tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội

1. Việc tố cáo, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ về bảo hiểm xã hội và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

2. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trước năm 1995.

4. Trình tự, thủ tục tố cáo, giải quyết tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 132. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

1. Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương X

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 133. Nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Thực hiện công tác thống kê nhà nước về bảo hiểm xã hội.

4. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực về bảo hiểm xã hội.

5. Tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm xã hội.

6. Cơ chế tài chính, tài chính quỹ bảo hiểm xã hội.

7. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

8. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng về bảo hiểm xã hội.

9. Hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội.

Điều 134. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài chính bảo hiểm xã hội, tài chính quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trong thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội tại địa phương.

5. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Điều 135. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Thống nhất quản lý, chỉ đạo, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện và các cơ quan có liên quan trong thực hiện bảo hiểm xã hội.

2. Quy định việc lập quyết toán và phân công cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc duyệt, thẩm định, phê chuẩn quyết toán chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội; quy định việc quyết toán thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

3. Thực hiện cải cách hành chính về bảo hiểm xã hội để bảo đảm thuận tiện, có lợi hơn cho người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định biện pháp xử lý, biện pháp hỗ trợ trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động, người sử dụng lao động.

5. Định kỳ hằng năm, báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội. Định kỳ 05 năm, báo cáo Quốc hội về việc đánh giá, dự báo khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất.

Điều 136. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật về trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiến lược, kế hoạch phát triển bảo hiểm xã hội. Ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

5. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ quy định tại khoản 2 Điều 137 của Luật này.

6. Chủ trì phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động.

7. Chủ trì phối hợp thực hiện công tác thống kê, thông tin về bảo hiểm xã hội.

8. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về bảo hiểm xã hội.

9. Tổ chức nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội.

10. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo của Chính phủ quy định tại khoản 5 Điều 135 của Luật này.

11. Trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

Điều 137. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế tài chính về bảo hiểm xã hội; quy định về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 120 của Luật này.

2. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội.

3. Chủ trì xây dựng nội dung về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, xây dựng báo cáo của Chính phủ quy định tại khoản 5 Điều 135 của Luật này.

4. Chủ trì xây dựng báo cáo của Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này.

5. Trình Chính phủ quy định về hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; hạch toán, phân bổ các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội.

6. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung; theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung; xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm hưu trí bổ sung; thực hiện công tác thống kê, thông tin về bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Điều 138. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi địa phương.

2. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;

b) Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình cơ quan có thẩm quyền quyết định;

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;

d) Kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;

đ) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Chương XI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 139. Sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến bảo hiểm xã hội

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 42 như sau:

“7. Chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 43 như sau:

“1. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục này là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, i và l khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 44 như sau:

“b) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ theo quy định tại Điều 120 và Điều 121 của Luật Bảo hiểm xã hội;”;

d) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 49 như sau:

“3. Việc tạm dừng, hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ thực hiện theo quy định tại Điều 75 của Luật Bảo hiểm xã hội; hồ sơ, trình tự giải quyết hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng thực hiện theo quy định tại Điều 80 và Điều 81 của Luật Bảo hiểm xã hội.”;

đ) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 49 như sau:

“5. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần; mức trợ cấp một lần bằng 03 tháng mức trợ cấp đang hưởng. Hồ sơ, trình tự giải quyết trợ cấp một lần thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.”;

e) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 53 như sau:

“3. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật Bảo hiểm xã hội.”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 57 của Luật Việc làm số 38/2013/QH13 như sau:

“e) Chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;”.

3. Bãi bỏ khoản 2 Điều 17 của Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12.

Điều 140. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

2. Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 84/2015/QH13, Luật số 35/2018/QH14, Bộ luật số 45/2019/QH14 (sau đây gọi chung là Luật số 58/2014/QH13) và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 141. Quy định chuyển tiếp

1. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc, trợ cấp hằng tháng đối với công nhân cao su và người đang hưởng trợ cấp hằng tháng sau khi đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Chính phủ.

2. Người bị đình chỉ, tạm dừng hưởng bảo hiểm xã hội do chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm bị đình chỉ, tạm dừng.

3. Người lao động đã có thời gian công tác và tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 tại nơi có phụ cấp khu vực, người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 thì được hưởng trợ cấp khu vực một lần khi giải quyết hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc hưởng chế độ tử tuất.

4. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng mà đồng thời đang hưởng phụ cấp khu vực hằng tháng tại nơi thường trú có phụ cấp khu vực thì được tiếp tục hưởng phụ cấp khu vực theo mức đang hưởng. Khi thay đổi nơi thường trú thì việc xác định hưởng phụ cấp khu vực thực hiện theo quy định của Chính phủ.

5. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà người lao động đang nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật số 58/2014/QH13 thì tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn đã được giải quyết.

6. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, đang hưởng trợ cấp hằng tháng sau khi đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động, đang hưởng trợ cấp hằng tháng đối với công nhân cao su, đang hưởng trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc khi chết thì thân nhân được giải quyết chế độ tử tuất theo quy định của Chính phủ.

7. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì thời gian này được tính để hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Chính phủ.

8. Hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.

9. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, trừ trường hợp người lao động có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật này.

10. Người lao động có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và có văn bản của cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu được quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ thì được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Cán bộ xã thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ đã có quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng trợ cấp hằng tháng của cơ quan bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp hằng tháng khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.

11. Đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d, đ, g và i khoản 1 Điều 2 của Luật này đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.

12. Đối với số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng theo quy định của Luật số 58/2014/QH13, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025 mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ thì được xử lý theo quy định về chậm đóng, trốn đóng của Luật này.

13. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.

14. Văn bản ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và chế độ khác theo quy định của Luật số 58/2014/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2026.

15. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2024.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

THE NATIONAL ASSEMBLY
OF VIETNAM
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

Law No. 41/2024/QH15

Hanoi, June 29, 2024

 

SOCIAL INSURANCE LAW

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Social Insurance Law.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for rights and responsibilities of organizations and individuals with regard to social insurance and organization of social insurance implementation; social retirement benefits; registration, collection and payment of social insurance; compulsory and voluntary social insurance policies; social insurance funds; supplemental retirement insurance; complaints, denunciations and actions against violations of regulations on social insurance; state management of social insurance.

Article 2. Compulsory and voluntary social insurance participants

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) People working under indefinite-term employment contracts, employment contracts with terms of at least 01 month, even if they are referred to by other names by the employers and employees, as long as they specify the job, salary, remuneration, and the management of one party;

b) Officials and public employees;

c) Workers, public employees in military forces; police workers, people doing other jobs in cipher organizations;

d) Officers and career military personnel of the people's army; officers and non-commissioned officers in police forces; and people doing cipher work and receiving the same salaries as military personnel;

dd) Non-commissioned officers and soldiers of the people’s army; non- commissioned officers and conscripts of the police; military, police and cipher cadets entitled to subsistence allowances;

e) Standing militia personnel;

g) Vietnamese guest workers defined by the Law on Vietnamese Guest Workers, unless otherwise prescribed by international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

b) Spouses who accompany members of Vietnamese diplomatic missions overseas during their tenure, do not receive salaries from state budget, and are entitled to subsistence allowances;

i) Enterprise managers, controllers, representatives of state capital, representatives of enterprises’ capital as prescribed by law; members of Boards of Directors, General Directors, Directors, members of Boards of Controllers or Controllers, and other elected managerial positions of cooperatives and cooperative unions prescribed by the Law on Cooperatives who receive salaries;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



l) People who are mentioned in Point a of this Clause, do not work full time and whose salaries in the month is equal to or higher than the lowest salary on which compulsory social insurance is paid;

m) Owners of household businesses that participate in social insurance as prescribed by regulations of the Government;

n) Enterprise managers, controllers, representatives of state capital, representatives of enterprises’ capital as prescribed by law; members of Boards of Directors, General Directors, Directors, members of Boards of Controllers or Controllers, and other elected managerial positions of cooperatives and cooperative unions prescribed by the Law on Cooperatives who do not receive salaries.

2. Foreign nationals working in Vietnam shall participate in compulsory social insurance if they work for employees in Vietnam under employment contracts with terms of at least 12 months, except in the following cases:

a) They are circulated within the enterprise as prescribed by regulations of law on foreign workers in Vietnam;

b) They have reached the retirement age by the time of conclusion of the employment contract as prescribed in Clause 2 Article 169 of the Labor Code;

c) An International treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory prescribes otherwise.

3. Employers that are social insurance participants include: state agencies, public service providers; agencies, units, enterprises of the people's armed forces, the police and cipher organizations; political organizations, socio-political organizations, socio-politico-professional organizations, socio-professional organizations and other social organizations; foreign agencies and organizations, and international organizations operating within Vietnam’s territory; enterprises, artels, cooperatives, cooperative unions, household businesses, other organizations and individuals having employees working under employment contracts.

4. Voluntary social insurance participants include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) People who are mentioned in Point a and Point b Clause 1 of this Article and have their employment contracts or working contracts suspended, unless both parties agree to continue paying compulsory social insurance during the suspension period.

5. If a person has to participate in various types of compulsory social insurance prescribed in Clause 1 of this Article, the participation in compulsory social insurance shall comply with the following regulations:

a) If a person in any of the cases specified in Point a and Point l Clause 1 of this Article enters into employment contracts with multiple employers, the first employment contract shall be used for participation in compulsory social insurance.

In case the employment contract that is used as the basis for participation in compulsory social insurance is being suspended and both parties do not have any agreement on paying compulsory social insurance during the suspension period, the employment contract that was concluded next (chronologically) shall be used as the basis for participation in compulsory social insurance.

b) If the participants mentioned in Point b and Point i Clause 1 of this Article are also participants prescribed in Point a or Point l Clause 1 of this Article, they shall participate in accordance with Point b or Point i Clause 1 of this Article;

c) If a person mentioned in Point i or Point n Clause 1 of this Article works for multiple enterprises, cooperatives or cooperative unions, he/she shall participate in compulsory social insurance in the first enterprise/cooperative/cooperative union in which he/she participates in management;

d) If a person mentioned in Point g and Point k Clause 1 of this Article also has to participate in compulsory social insurance under Point a, I and l Clause 1 of this Article, he/she shall participate under Point a, i or l Clause 1 of this Article in chronological order;

dd) If a person mentioned in Point k Clause 1 of this Article also has to participate in compulsory social insurance under Point m or Point n Clause 1 of this Article, he/she shall participate in accordance with Point k Clause 1 of this Article;

e) If a person mentioned in Point m and Point n Clause 1 of this Article also has to participate in compulsory social insurance under Clause 1 of this Article, his/her participation in compulsory social insurance shall comply with regulations of the Government;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Standing committee of the National Assembly shall decide participation compulsory social insurance by people who are not mentioned in Clause 1 of this Article but have regular and stable employments and incomes on the basis of proposals of the Government and suitability for socio-economic development in each period.

7. The following people are not compulsory social insurance participants:

a) People who are receiving pension, social insurance benefits, monthly allowances.

The Government shall specify beneficiaries of pension and monthly allowances who are not compulsory social insurance participants;

b) Domestic workers;

c) Participants in Point m and Point n Clause 1 of this Article who have reached retirement age according to Clause 2 Article 169 of the Labor Code, except for the cases specified in Clause 7 Article 33 of this Law.

Article 3. Definitions

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. “social insurance” means the guarantee to fully or partially offset a participant income that is reduced or lost due to his/her sickness, maternity, occupational accident, occupational disease, retirement or death, on the basis of his/her contributions to the social insurance fund or coverage by state budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. “compulsory social insurance” means a form of social insurance organized by the State in which employees and employers are required to participate.

4. “voluntary social insurance” means a form of social insurance organized by the State in which Vietnamese citizens may participate voluntarily and select their own premium rate and a method of premium payment suitable for their incomes.

5. “supplemental retirement insurance” means a form of voluntary insurance which follows market principles and is meant to increase retirement benefits among compulsory social insurance benefits and establish a fund contributed by employers or both employers and employees.

6. “social insurance payment period” means the total period over which compulsory social insurance, voluntary social insurance premiums prescribed in this Law, unless otherwise prescribed by international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

7. “family” or “family member” of a participant means his/her natural child, adopted child, spouse, natural father, natural mother, adoptive father, adoptive mother, father-in-law or mother- in-law, or another family member who is a dependant of the participant in accordance with the law on marriage and family.

8. “beneficiary” means a person who is eligible to receive social insurance benefits as prescribed by this Law.

9. “social insurance registration” means a process in which the employer and the employee submit documents containing information about the employer and the employee, salary, income on which social insurance premiums are paid, method of payment, and other relevant information to a social security authority in order to participate in social insurance.

10. “electronic transaction” in social insurance means a transaction that is conducted electronically, including registration, issuance of social insurance books, social insurance premium payment; provision of social insurance benefits, and other activities in social insurance sector.

11. “national social insurance database” means a shared database that contains information about social insurance, unemployment insurance, health insurance which is digitized, standardized, stored and managed using information infrastructure to serve state management and transactions of organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) issued by competent authorities from master registers;

b) authenticated by competent authorities;

c) issued in other cases prescribed by the Government.

Article 4. Forms of social insurance and social insurance benefits

1. Social retirement benefits include:

a) Monthly social retirement benefits;

b) Funeral allowances;

c) Health insurance benefits paid by state budget.

2. Compulsory social insurance benefits include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Maternity benefits;

c) Retirement benefits;

d) Survivorship allowance;

dd) Occupational accident and occupational disease insurance payouts under the Law on Occupational Hygiene and Safety.

3. Voluntary social insurance benefits include:

a) Maternity benefits;

b) Retirement benefits;

c) Survivorship allowance;

d) Occupational accident insurance payouts under the Law on Occupational Hygiene and Safety.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Supplementary retirement insurance payouts.

Article 5. Social insurance principles

1. Compulsory social insurance and voluntary social insurance payouts shall be calculated according to the premium rates and payment period and the sharing of the participants in accordance with regulations of this Law.

2. Compulsory social insurance premium shall be calculated according to the participant’s salary on which compulsory social insurance is paid. Voluntary social insurance premium shall be calculated according to the income declared by the participant.

3. A person who pays both compulsory and voluntary social insurance premiums will be entitled to the monthly allowances, retirement benefits and survivorship allowance for the period of payment of compulsory social insurance and voluntary social insurance.

The period of social insurance premium payment over which lump-sum social insurance allowance has been provided shall not be included in the period used to calculate social insurance benefits.

4. The social insurance fund shall be managed in a centralized, uniform, public and transparent manner; used for proper purposes and independently accounted by component funds and groups of the employees receiving state-regulated salaries and the employer-decided salaries.

5. Social insurance shall be implemented in a simple, easy and convenient manner, promptly and fully ensuring the interests of the beneficiaries.

6. The minimum social insurance payment period for receipt of pension and monthly survivorship allowance shall be expressed in year (1 year = 12 months). An incomplete year shall be rounded up to the nearest half a year (1 – 6 months will be rounded up to half a year, 7 – 11 months will be rounded up to one year).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 6. State policies on social insurance

1. Develop a multi-level social insurance system including social retirement benefits, compulsory social insurance and voluntary social insurance, supplemental retirement insurance with an aim to achieve nationwide social insurance coverage following a roadmap that is adjusted according to socio-economic development.

2. Ensure lawful rights and interests of organizations and individuals participating in social insurance; provide credit assistance for workers who have been paying social insurance and lose their jobs.

3. State budget shall cover social retirement benefits and certain benefits prescribed by this Law.

4. Ensure security and growth of the social insurance fund

5. Assist voluntary social insurance participants.

6. Local governments should, within their budgets and socio-economic conditions, by mobilizing social resources, provide subsidies for voluntary social insurance participants and provide extra assistance for beneficiaries of social retirement benefits.

7. Complete social insurance laws and policies; develop a professional, modern, transparent and effective social insurance organization system; prioritize investment in information technology infrastructure to serve digital transformation, electronic transactions and social insurance management.

8. Encourage participate in supplemental retirement insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Reference level is an amount decided by the Government to calculate the premiums and benefits of certain types of social insurance specified in this Law.

2. The reference level shall be adjusted according to the increase in consumer price index, economic growth, in consideration of the capacity of state budget and social insurance.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 8. International cooperation in social insurance

1. International cooperation in social insurance shall ensure mutual benefits compliance to international laws and Vietnam’s laws.

2. Encourage international cooperation in improvement of managerial capability and organization of social insurance; develop a system of social insurance policies that are flexible, diverse, modern, and capable of international integration, aiming towards nationwide coverage and suitability for socio-economic development of Vietnam; harmonize payment and enjoyment; ensure equality, fairness, sharability and sustainability.

3. Promote negotiation and conclusion of international treaties and international agreements on social insurance in order to protect interests of Vietnamese guest workers and foreign workers in Vietnam.

4. In case a international treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory has a specific period of social insurance participation by workers in Vietnam and overseas as a condition for receiving social insurance benefits, the social insurance payout in Vietnam shall be calculated according to the period over which social insurance is paid by the employee in Vietnam.

Article 9. Prohibited acts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Appropriation of social insurance or unemployment insurance payouts.

3. Obstructing or infringing upon lawful and legitimate rights and interests of participants or beneficiaries of social insurance or unemployment insurance.

4. Falsifying or forging documents in the implementation of social insurance or unemployment insurance.

5. Using the social insurance fund or unemployment insurance fund against the law.

6. Accessing or providing the database on social insurance or unemployment insurance against the law.

7. Registering, making untruthful reports or providing inaccurate information on social insurance or unemployment insurance.

8. Colluding, harboring, abetting other organizations and individuals committing violations against regulations of law on social insurance and unemployment insurance.

9. Pledging, trading, depositing social insurance books in any shape or form.

10. Other acts prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



RIGHTS AND RESPONSIBILITIES OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS FOR SOCIAL INSURANCE AND ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION OF SOCIAL INSURANCE

Section 1. RIGHTS AND RESPONSIBILITIES OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS FOR SOCIAL INSURANCE

Article 10. Rights of social insurance participants and beneficiaries

1. Social insurance participants have the rights to:

a) Enjoy the social insurance benefits prescribed in this Law;

b) Be granted social insurance books;

c) Receive monthly information from social security authorities about payment of social insurance premiums via electronic media; have information about payment of social insurance premiums confirmed by social security authorities on demand;

d) Request employers, relevant agencies and organization to fulfill their responsibility social insurance for employees as prescribed by law.

dd) Receive information about social insurance laws and policies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Lodge complaints or denunciations or initiate lawsuits about social insurance in accordance with law.

2. Social insurance beneficiaries have the rights to:

a) Fully, promptly and conveniently receive social insurance benefits;

b) Receive health insurance benefits while receiving pensions; while on leave and receiving monthly occupational accident or occupational disease allowance; while on maternity leave for at least 14 working days in the month; while on sick leave for at least 14 working days in the month; while on sick leave due to the diseases requiring long-term treatment on the list issued by the Minister of Health; while receiving benefits specified in Article 23 of this Law;

c) Have the medical assessment costs reimbursed if medical assessment is recommended by the employer if the medical assessment result indicates eligibility for social insurance benefits prescribed by this Law;

d) Authorize another person in writing to receive social insurance benefits. In case of pension, social insurance benefits and other benefits, the authorization document shall be effective for up to 12 months from the day on which it is created. authorization documents must be authenticated in accordance with regulations of law on authentication;

dd) People aged 80 and older may request social security authorities or service providers authorized by social security authorities to pay pension or social insurance benefits at the residences within Vietnam’s territory;

e) Receive monthly information from social security authorities about provision of social insurance benefits via electronic media; have information about payment of social insurance premiums confirmed by social security authorities on demand;

g) Lodge complaints or denunciations or initiate lawsuits about social insurance in accordance with law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 11. Responsibilities of social insurance participants and beneficiaries

1. Social insurance participants have the responsibilities to:

a) Pay social insurance premiums in accordance with this Law;

b) Monitor fulfillment of social insurance-related responsibility to themselves;

c) Provide accurate, truthful and adequate information when registering social insurance participation.

2. Social insurance beneficiaries have the responsibilities to:

a) Implement regulations on social insurance-related procedures and other regulations on receipt of social insurance benefits of this Law and relevant laws;

b) Return social insurance benefits if a competent authority issues a decision that such social insurance benefits were provided against regulations;

c) Annually, social insurance beneficiaries, via their personal bank accounts, have the responsibility to cooperate with social security authorities or service providers authorized by social security authorities in verifying their eligibility for social insurance benefits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Reject requests which are contrary to the law on social insurance.

2. Suspend payment of compulsory social insurance premiums in accordance with Article 37 of this Law.

3. Receive instructions for social insurance procedures from social security authorities.

4. Receive information about social insurance laws and policies;

5. Lodge complaints or denunciations or initiate lawsuits about social insurance in accordance with law.

Article 13. Responsibilities of employers

1. Register participation in compulsory social insurance for employees in accordance with this Law; cooperate with social security authorities in returning physical social insurance books to employees.

2. Prepare documentation for employees to receive social insurance benefits.

3. Cooperate with social security authorities in certifying social insurance payment period for employees who terminate their employment contracts, working contracts or hand in their resignation as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Have employees prescribed in Article 65 of this Law undergo medical assessment to determine their work capacity reduction.

6. Cooperate with social security authorities in providing social insurance benefits for employees (in the cases where social insurance benefits are provided via employers).

7. Present, provide accurate, sufficient and timely information and documents relating to the payment of social insurance premiums and receipt of social insurance benefits at the request of competent authorities.

8. Recompense employees for failure to pay or fully pay compulsory social insurance in accordance with this Law, thereby harming lawful rights and interests of employees.

9. Cooperate with and enable social security authorities to recover social insurance payouts that are provided against regulations when requested by competent authorities.

Article 14. Rights and responsibilities of trade unions, Vietnam Fatherland Front and its member organizations

1. Within the scope of their functions and duties, and under relevant laws, trade unions have the following rights and responsibilities:

a) Protect lawful rights and interests of employees who are social insurance participants;

b) Request employers and social security authorities to provide information on employees’ social insurance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Carry out supervision and request competent authorities to take actions against social insurance-related offences;

d) Participate in inspection of implementation of social insurance laws;

e) File lawsuits against people who commit social insurance-related offences that might affect lawful rights and interests of employees or employee collectives;

g) Participate in the formulation, amendment and supplementation of social insurance laws.

2. Within the scope of their functions and duties, and under relevant laws, Vietnamese Fatherland Front and its member organizations have the following rights and responsibilities:

a) Encourage the people, union members and members to implement social insurance laws and policies; participate in various forms of social insurance that are appropriate for themselves and their families;

b) Participate in the protection of lawful rights and interests of union members and members; share information and data on their employees and members with social security authorities;

c) Carry out supervision; make comments; cooperate with state agencies in development and implementation of social insurance laws and policies.

Article 15. Rights and responsibilities of employers’ representative organizations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Participate in the formulation, amendment and supplementation of social insurance laws and policies.

3. Propagate and disseminate social insurance laws and policies among employers.

4. Encourage employers that are their members to comply with social insurance laws and policies.

5. Participate in the inspection and supervision of implementation of social insurance laws.

6. Request competent authorities to take actions against social insurance-related offenses.

Section 2. ORGANIZATION OF SOCIAL INSURANCE IMPLEMENTATION

Article 16. Social security authorities

1. A social security authority is a state agency that is established to implement social insurance policies; manage and use social insurance fund, health insurance and unemployment insurance funds, inspect payment of social insurance, unemployment insurance and health insurance premiums, and perform other tasks prescribed by this Law and relevant laws.

2. The Government shall specify functions, tasks, powers and organizational structure of social security authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Request employers to present their labor management books, pay scales, payrolls, other information and documents related to payment of compulsory social insurance, unemployment insurance and health insurance premiums.

2. Be provided with information copies of operating licenses, certificates of operation, certificates of registration of enterprises, cooperatives, household businesses for inspection of registration for participation in compulsory social insurance by new enterprises and organizations by business registration authorities, issuers of certificates of operation of operating licenses.

3. Be provided with information about salary expenses of employers for taxation and information related to social insurance participation by tax authorities in accordance with regulations of law on tax administration.

4. Reject claims for compulsory social insurance, voluntary social insurance, unemployment insurance, health insurance benefits if they are not conformable with law; provide written response and explanation for rejection.

5. Inspect the implementation of regulations of law on compulsory social insurance, voluntary social insurance, execution of medical examination and treatment contracts covered by health insurance, provision of unemployment insurance and health insurance benefits. Carry out specialized inspection of social insurance, unemployment insurance, health insurance premium payments.

6. Propose formulation, revision and supplementation of policies and laws on social insurance, unemployment insurance, health insurance and the management of social insurance, unemployment insurance and health insurance funds to competent authorities.

7. Take actions or request competent authorities to take actions against violations of law on compulsory social insurance, voluntary social insurance, unemployment insurance, and health insurance.

Article 18. Responsibilities of social security authorities

1. Disseminate information, provide explanation and counseling for policies and regulations of law on compulsory social insurance, voluntary social insurance, unemployment insurance, health insurance; develop and submit the strategy for development of the social insurance sector and the long-term investment plan to competent authority for approval; develop and submit annual investment plans to the Management Board of Vietnam Social Security (VSS) for decision; organize assessment and announcement of organizations’ and individuals’ satisfaction with the implementation of social insurance, unemployment insurance, health insurance policies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Collect social insurance, unemployment insurance and health insurance premiums and pay social insurance, unemployment insurance and health insurance benefits in accordance with law.

4. Receive applications for participation in compulsory social insurance, voluntary social insurance, and unemployment insurance; issue social insurance books and health insurance cards to employees.

5. Receive and process social insurance claims; organize payment of pension, social insurance and unemployment insurance benefits; make sure they are provided in full, conveniently and on schedule.

6. Confirm social insurance payment period and unemployment insurance payment period for each employee; promptly provide information about payment and eligibility to receive insurance benefits, procedures for implementation of compulsory social insurance and voluntary social insurance when requested by employers or trade unions.

7. Apply information technology; carry out administrative reform; ensure transparency, simplicity and convenience for social insurance participants and beneficiaries; retain dossiers of social insurance and unemployment insurance participants and beneficiaries as prescribed by law.

8. Manage and use social insurance, unemployment insurance and health insurance funds in accordance with law.

9. Take measures to preserve and grow social insurance, unemployment insurance and health insurance funds under decisions of the Management Board of VSS.

10. Perform statistical and financial accounting work on social insurance, unemployment insurance and health insurance.

11. Provide professional training in and guidance on social insurance, unemployment insurance and health insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Submit reports on implementation of social insurance, unemployment insurance and health insurance policies to Social Insurance Management Council every 03 months;

b) Submit reports on implementation of compulsory social insurance, voluntary social insurance and unemployment insurance policies to the Ministry of Labor, War Invalid and Social Affairs every 06 months; submit reports to the Ministry of Health on provision of health insurance benefits;

c) Local social security authorities shall submit reports to same-level People’s Committees on implementation of social insurance, unemployment insurance and health insurance policies in their areas every 06 months;

d) Submit annual reports to the Ministry of Finance on the management and use of social insurance, unemployment insurance and health insurance funds.

13. Carry out assessment and forecast the capacity of the pension and survivorship fund every 05 years.

14. Provide documents and information about implementation of policies and regulations of law on social insurance, unemployment insurance and health insurance at the request of competent authorities.

15. Handle settle complaints and denunciations about the implementation of regulations on social insurance, unemployment insurance and health insurance of this Law and relevant laws.

16. Carry out international cooperation in social insurance, unemployment insurance and health insurance.

17. Identify and monitor employees and employers that are social insurance participants according to Article 30 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 19. Management Board of Vietnam Social Security (VSS)

1. The Management Board of VSS shall be organized at national level and has the responsibility to assist the Government and the Prime Minister directing and supervising the operation of social security authorities, and provide counseling on social insurance, health insurance and unemployment insurance policies

2. The Management Board of VSS shall be composed of representatives of the Vietnam General Confederation of Labor, employers’ representative organizations, the Ministry of Finance, the Ministry of Labor, War Invalid and Social Affairs, the Ministry of Health, the Ministry of Home Affairs, Vietnam Social Security, the Ministry of Public Security, the Ministry of National Defense, State Bank of Vietnam, relevant organizations and individuals.

3. The Management Board of VSS has a Chairperson, Deputy Chairpersons and members, who shall be appointed, relieved from duty and dismissed by the Prime Minister; the term of members of the Management Board of VSS is 05 years.

4. The Government shall specify the procedures for establishment, working regulations, responsibilities and operating budget of the Management Board of VSS and its assistance apparatus.

Members of the Management Board of VSS shall be personally responsible for their decisions and opinions offered during questionnaire surveys or voting with regard to regulations of Article 20 of this Law.

The Chairperson of the Management Board of VSS shall report unsettled issues among members of the Management Board to the Prime Minister.

Article 20. Tasks, entitlements and responsibilities of the Management Board of VSS

1. Approve social insurance development strategies, long-term, 5-year plans on implementation of social insurance, unemployment insurance and health insurance policies, and long-term investment plans before submitting them to competent authorities for approval; or approval annual plans for implementation of social insurance, unemployment insurance, health insurance policies; inspect the implementation of approved strategies, plans and schemes by social security authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Make decisions and take responsibility before the Government for the investment portfolios, structure and methods of social insurance, health insurance and unemployment insurance funds on the basis of proposals from social security authorities.

4. Approve the following:

a) Schemes, plans for preservation and growth of social insurance, unemployment insurance and health insurance funds.

b) Annually estimate the revenue and spending of social insurance, unemployment insurance and health insurance funds; expenditures on social insurance, unemployment insurance, health insurance activities; prepare statements of expenditures on social insurance organization and activities; long-term investment plans before they are submitted by social security authorities to competent authorities;

c) Annual investment plans.

5. Propose to competent authorities the formulation, revision and supplementation of policies and laws on social insurance, health insurance and unemployment insurance, social insurance development strategies, strengthening of the organizational apparatus of social insurance agencies, and mechanisms for management and use of social insurance, health insurance and unemployment insurance funds.

6. Submit annual reports to the Government and the Prime Minister on the performance of the tasks and exercise of the powers in accordance with this Law.

7. Perform other tasks and exercise other powers assigned by the Government and the Prime Minister.

Chapter III

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 21. Beneficiaries and eligibility for social retirement benefits

1. A Vietnamese citizen shall be eligible for social retirement benefits when the following conditions are fully satisfied:

a) His/her age is 75 years or older;

b) He/she is not receiving pension or monthly social insurance allowances, except in certain cases specified by the Government;

c) He/she submits an application for social retirement benefits.

2. Vietnamese citizens aged from 70 to under 75 who live in poor households, near-poor households and fully satisfy the conditions specified in Point b and Point c Clause 1 of this Article shall be eligible for social retirement benefits.

3. Standing committee of the National Assembly shall gradually reduce the age eligible for social retirement benefits on the basis of proposals of the Government, socio-economic development, and state budget capacity in each period.

4. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.

Article 22. Types and procedures for receipt of social retirement benefits

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In consideration of socio-economic conditions, state budget capacity and mobilized social resources, the People’s Committees of provinces shall request the People's Councils of the same provinces to consider providing extra assistance for beneficiaries of social retirement benefits.

2. If a beneficiary mentioned in Article 21 of this law is also eligible for monthly social allowance, the more favorable benefits shall be provided.

3. Upon the death of a beneficiary of monthly social retirement benefits who has health insurance paid by state budget in accordance with regulations of law on health insurance, the organization or individual responsible for his/her burial will receive a funeral allowance in accordance with regulations of law on elderly people.

4. The Government shall specify procedures for provision of social retirement benefits.

Article 23. Benefits for workers who are not eligible for pension and not old enough to receive social retirement benefits

1. If a Vietnamese citizen who has reached retirement age, has paid social insurance, but is not eligible to receive pension and social retirement benefits according to Article 21 of this Law, and chooses not to receive lump-sum social insurance payout and not to reserve the social insurance payment period, he/she will receive monthly benefits from their own payments according to Clause 2 of this Article.

2. The duration and level of monthly benefits shall be determined according to the payment period and total social insurance premiums paid by the employee.

3. The minimum monthly benefit shall be equal to the monthly social retirement benefit specified in Clause 1 Article 22 of this Law.

If the total social insurance premium paid by the employee is higher than the amount used for calculation of monthly benefit, which is equal to the social retirement benefits for the period between the statutory retirement age and the age eligible for social retirement benefits, the higher monthly benefits shall be provided for the employee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The monthly benefits specified in Clause 3 of this Article shall apply the adjustments specified in Article 67 of this Law.

5. When a person receiving monthly benefits dies, his/her family will receive a lump sum allowance for the remaining months plus (+) a funeral allowance if eligible according to Point a Clause 1 Article 85 or Point a Clause 1 Article 109 of this Law.

6. People who are receiving monthly benefits shall have health insurance premiums paid by state budget.

7. The Government shall elaborate this Article.

Article 24. Procedures for provision of benefits for workers who are not eligible for pension and not old enough to receive social retirement benefits

1. The employees mentioned in Clause 1 Article 23 of this Law shall submit applications to social security authorities. An application shall include:

a) The social insurance book;

b) The written request for provision of monthly benefits.

2. Within 05 working days from the day on which the satisfactory application specified in Clause 1 of this Article is received, the social security authority shall decide whether to grant or reject the application. If the application is rejected, a written response and explanation must be provided.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



REGISTRATION OF PARTICIPATION, MANAGEMENT OF COLLECTION AND PAYMENT OF COMPULSORY AND VOLUNTARY SOCIAL INSURANCE PREMIUMS

Section 1. REGISTRATION OF PARTICIPATION IN COMPULSORY AND VOLUNTARY SOCIAL INSURANCE

Article 25. Social insurance books

1. Each employee shall be issued with a separate social insurance book, which contain his/her personal information, payment of premiums, receipt of benefits and other relevant and necessary information.

2. Electronic and physical social insurance books have the sale legal value.

By January 1st 2026, electronic social insurance books shall be issued. Physical social insurance books will be issued if requested by participants.

3. Data on social insurance books shall be accurately and promptly updated, compared and managed as per regulations.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 26. Electronic transactions in social insurance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Documents used in electronic transactions shall comply with regulations of law on electronic transactions. Electronic transactions in social insurance mentioned in Clause 1 of this Article have the same legal value as that of transactions using physical documents.

3. By January 1st 2027, social security authorities shall be capable of electronic transactions in social insurance.

4. The Government shall elaborate this Article and adjust, reduce, simplify documentation and procedures for transformation from physical documents to electronic transactions for the convenient of social insurance participants and beneficiaries.

Article 27. Application for participation in compulsory and voluntary social insurance

1. Composition of an application for participation in compulsory social insurance (except for participants specified in Point m and Point n Clause 1 Article 2 of this Law):

a) The employer’s declaration form for participation in social insurance enclosed with a list of employees who participate in social insurance;

b) Employees' declaration forms for participation in social insurance.

2. The application for participation in compulsory social insurance by participants specified in Point m and Point n Clause 1 Article 2 of this Law shall have the documents specified in Clause 1 of this Article if it is submitted by the employer. The application shall be the declaration form mentioned in Point b Clause 1 of this Article if it is submitted by the employee.

3. The application for participation in voluntary social insurance shall be the declaration form for participation in social insurance prepared by the voluntary social insurance participant.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The employer shall prepare and submit the application for participation in compulsory social insurance for the employees specified in Clause 1 and Clause 2 Article 27 of this Law to the social security authority within 30 days from the day on which the employees are subject to compulsory social insurance participation, except for the cases specified in Clause 2 of this Article.

2. If a person mentioned in Point m or Point n Clause 1 Article 2 of this Law submits the application himself/herself, the application shall be the declaration form mentioned in Point b Clause 1 Article 27 of this Law and shall be submitted to the social security authority within 30 days from the day on which he/she is subject to compulsory social insurance participation.

3. Voluntary social insurance participants shall submit applications according to Clause 3 Article 27 of this Law to social security authorities.

4. Within 05 working days from the day on which the satisfactory application is received, the social security authority shall decide whether to grant or reject the application. If the application is rejected, a written response and explanation must be provided.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 29. Adjustment of declared information for social insurance participation

1. When declared information for social insurance participation has to be adjusted, the declarant mentioned in Article 28 of this Law shall submit the application for information adjustment enclosed with relevant documents to the social security authority.

2. Within 05 working days from the day on which the satisfactory documents are received, the social security authority shall adjust the participant's information. If information cannot be adjusted, a written response and explanation must be provided.

Section 2. MANAGEMENT OF COLLECTION AND PAYMENT OF COMPULSORY AND VOLUNTARY SOCIAL INSURANCE PREMIUMS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Social security authorities shall take charge and cooperate with relevant organizations and individuals in Identifying and monitoring compulsory social insurance participants specified in Article 2 of this Law; supervise and provide instructions on preparation of applications for compulsory social insurance participation.

Ministries, ministerial agencies, the People’s Committees at all levels shall cooperate with social security authorities in organizing the identification of compulsory social insurance participants.

2. Social security authorities shall take charge and cooperate with relevant organizations and individuals in encouraging voluntary social insurance participation.

3. Governing bodies of national databases and specialized databases on labor, population, tax, enterprise registration shall carry out connection, share information and data on social insurance participations with social security authorities in accordance with regulations of the Government.

Article 31. Incomes and salaries on which social insurance premiums are paid

1. Salaries on which compulsory social insurance is paid:

a) For employees receiving State-regulated salaries, the salary on which social insurance premiums are paid shall be the monthly salary (position-, title-, grade-, step-, rank-based salary) plus position-based allowances, extra seniority pay, occupation-based seniority pay, reserved difference coefficient (if any);

b) For employees receiving employer-decided salaries, the salary on which compulsory social insurance is paid shall be the monthly salary, including the work-based or title-based salary, allowances and other extra payments that are periodically and stably paid under agreements.

In case an employee is on leave but still receiving a monthly salary that is equal to or higher than the minimum salary on which compulsory social insurance is paid, compulsory social insurance premiums shall be paid on the salary received during the leave period;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Participants specified in Points g, h, m and n Clause 1 Article 2 of this Law may choose their own salary on which compulsory social insurance is paid, which shall be 1 – 20 times the reference level applicable at the time of payment.

After at least 12 months of social insurance payment on the selected salary, they can adjust the salary on which social insurance premiums are paid;

dd) The minimum salary on which compulsory social insurance is paid shall be 1 – 20 times the reference level applicable at the time of payment.

2. The minimum income on which voluntary social insurance is paid shall be that of poor household in rural areas and shall not exceed 20 times the reference level applicable at the time of payment.

3. The Government shall elaborate Point b Clause 1 of this Article and specify the retrospective collection and payment of compulsory social insurance premiums.

Article 32. Social insurance payment ratios

1. Compulsory social insurance payment ratios:

a) 3% of the salary on which social insurance premiums are paid to the sickness and maternity fund;

b) 22% of the salary on which social insurance premiums are paid to the pension and survivorship fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 33. Levels, methods and time limits for compulsory social insurance payment by employees

1. Levels and methods of social insurance payment by the participants specified in Points a, b, c, d, i, k and l Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law:

a) Monthly payment: 8% of the salary on which compulsory social insurance is paid to the pension and survivorship fund;

b) Method of payment: Monthly payment to social security authorities.

Participants specified in Point a Clause 1 Article 2 of this Law who receive piece rate or project-based income enterprises, cooperatives, cooperative unions, household businesses in the fields of agriculture, forestry, fishery or salt making shall pay social insurance premiums every month, 03 months or 06 months.

2. Levels, methods and time limits for social insurance payments by participants specified in Point g Clause 1 Article 2 of this Law:

a) Monthly payment: 22% of the salary on which compulsory social insurance is paid to the pension and survivorship fund;

b) Social insurance premiums shall be paid to social security authorities every 03 months, 06 months or 12 months, or as a lump sum for the entire duration of the Vietnamese guest worker contract; payment shall be made by the last day of the month succeeding the payment cycle.

Employees who have their contracts renewed or sign new contracts in the host countries shall pay social insurance premiums according to the method specified in this Point for the duration of the renewed or new contract, or retrospectively pay social insurance premiums after they return to Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Monthly payment: 22% of the salary on which compulsory social insurance is paid to the pension and survivorship fund;

b) Payment shall be made through their supervisory organizations when they are designated as members of diplomatic missions of the Socialist Republic of Vietnam every month, 03 months or 06 months; payment shall be made by the last day of the month succeeding the payment cycle.

4. Levels, methods and time limits for social insurance payments by participants specified in Point m and Point n Clause 1 Article 2 of this Law:

a) Monthly payment: 3% of the salary on which compulsory social insurance is paid to the sickness and maternity fund, 22% of the salary on which compulsory social insurance is paid to the pension and survivorship fund;

Payment shall be made directly to social security authorities or through the household businesses, enterprises, cooperatives, cooperative unions every month, 03 months or 06 months; payment shall be made by the last day of the month succeeding the payment cycle.

5. Participants specified in Points a, b, c, d and I Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law who do not receive salary for 14 working days or more in a month are not required to pay social insurance premiums for that month, unless the employer and the employee has an agreement to pay social insurance for the employee for that month on the latest salary on which social insurance premiums are paid.

Regulations of the Government shall apply to participants specified in Points dd, e and k Clause 1 Article 2 of this Law who do not work for 14 working days or more in the month.

6. If the employee takes sick leave for at least 14 working days in the first working month or the first month the employee returns to work, the employee still has to pay social insurance for that month.

7. In case the compulsory social insurance premiums have to be paid for up to 06 more months for the employee to be eligible for pension or monthly survivorship allowance, the employee or his/her family may pay a lump sum to the pension and survivorship fund for the remaining month, which is equal to the total amount payable by the employee and the employer before the employee resigns or dies. This supplemental payment period shall not be considered the period of doing heavy, hazardous, dangerous or extremely heavy, hazardous, dangerous works on the list promulgated by the Minister of Labor, War Invalid and Social Affairs or period of working in extremely disadvantaged areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. The Minister of Labor, Invalids, and Social Affairs shall elaborate Clause 7 of this Article.

Article 34. Levels, methods and time limits for compulsory social insurance payment by employers

1. Employers shall monthly pay compulsory social insurance on the salary on which compulsory social insurance is paid of the participants specified in Points a, b, c, d, i, k and l Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law as follows:

a) 3% to the sickness and maternity fund;

b) 14% to the pension and survivorship allowance fund.

2. The employee shall monthly pay 22% of the salary on which compulsory social insurance is paid to the pension and survivorship fund for the participants specified in Point dd and Point e Clause 1 Article 2 of this Law.

3. Employers are not required to pay social insurance for the participants specified in Clause 5 Article 33 of this Law, unless the employer and the employee has an agreement to pay social insurance for the employee in that month on the latest salary on which social insurance premiums are paid.

4. Methods and deadlines for compulsory social insurance payment by employers:

a) The last day of the succeeding month for monthly payment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 35. Reminding payment of compulsory social insurance and unemployment insurance premiums

1. In the cases specified in Clause 1 Article 38 of this Law, social security authorities shall issue written reminders.

In case of late payment by employers in the cases specified in Clause 2 and Clause 3 Article 38 of this Law and evasion of insurance payment, social security authorities shall issue written reminders.

2. Social security authorities shall publish on their websites the lists of employers that delay or evade paying compulsory social insurance and unemployment insurance.

3. Social security authorities shall send information about employers that delay or evade paying compulsory social insurance and unemployment insurance for regulatory authorities responsible for social insurance, unemployment insurance and relevant inspection agencies for taking actions.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 36. Levels, methods and time limits for voluntary social insurance payment

1. A person specified in Clause 4 Article 2 of this Law shall monthly pay an amount of 22% of the income as the basis for voluntary social insurance payment to the pension and survivorship fund.

In consideration of socio-economic development conditions and state budget capacity in each period, the Government shall decide the levels, subjects and duration of subsidization of voluntary social insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Monthly payment;

b/ Quarterly payment (every 03 months);

c) Biannual payment (every 06 months);

d) Annual payment (every 12 months);

dd) A lump sum for multiple years at a lower rate than the rate specified in Clause 1 of this Article;

e) A lump sum for the remainder of the social insurance payment period in order to receive pension at a rate higher than the rate specified in Clause 1 of this Article.

3. Time limits for voluntary social insurance payment:

a) Within the month for monthly payment;

b) Within 03 months for quarterly payment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Within the first 07 months for annual payment;

dd) On the date of registration of method of payment and monthly income as the basis for voluntary social insurance payment in the cases specified in Point dd Clause 2 of this Article;

e) On the date of registration of method of payment and monthly income as the basis for voluntary social insurance payment in the cases specified in Point e Clause 2 of this Article but not sooner than the month preceding the month in which the participant reaches the retirement age.

4. The Government shall elaborate Point dd and Point e Clause 2 of this Article.

Article 37. Suspension of compulsory social insurance payment

1. Suspension of payment to the pension and survivorship fund:

a) In case a struggling employer has to suspend their production or business activities, making them and their employees unable to pay social insurance premiums, the payment to the pension and survivorship fund may be suspended for up to 12 months;

b) Upon the expiration of the suspension period specified in Point a of this Clause, the employer and employees shall continue paying compulsory social insurance premiums and make supplementary payment for the suspension period.

The deadline for making the supplementary payment is the last day of the month in which the suspension period ends. The supplementary amount shall be equal to the amount incurred over the suspension period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Government shall elaborate this Article and specify other cases of suspension of compulsory social insurance payment.

Article 38. Late payment of compulsory social insurance and unemployment insurance

Cases of late payment of compulsory social insurance and unemployment insurance by the employer:

1. Failure to pay or fully pay the amount payable according to the submitted applications for participation in compulsory social insurance and unemployment insurance after the deadline for social insurance payment specified in Clause 4 Article 34 of this Law or after the deadline for unemployment insurance payment under unemployment insurance laws, except for the cases specified in Point dd and Point e Clause 1 Article 39 of this Law;

2. Failure to register or fully register compulsory social insurance participants within 60 days from the deadline specified in Clause 1 Article 28 of this Law;

3. Failure to register or fully register unemployment insurance participants within 60 days from the deadline for participation in unemployment insurance under unemployment insurance laws.

4. It is not the cases of evasion of compulsory social insurance and unemployment insurance payment specified in Clause 2 Article 39 of this law.

Article 39. Evasion of compulsory social insurance and unemployment insurance payment

1. It is considered evasion of compulsory social insurance and unemployment insurance payment if the employer commits any of the following acts to evade paying or fully paying social insurance and unemployment insurance for employees:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The employer fails to register or fully register unemployment insurance participants after the 60-day period from the deadline for participation in unemployment insurance under unemployment insurance laws has elapsed.

c) The employer registers a lower salary as the basis for compulsory social insurance payment than that specified in Clause 1 Article 31 of this Law;

d) The employer registers lower salary as the basis for unemployment insurance payment than that specified by unemployment insurance laws.

dd) The employer fails to pay or fully pay the compulsory social insurance premiums after the 60-day period from the deadline specified in Clause 1 Article 28 of this Law has elapsed and after a reminder is issued by a competent authority as prescribed in Article 35 of this Law;

e) The employer fails to pay or fully pay the unemployment insurance premiums after the 60-day period from the deadline for participation in unemployment insurance under unemployment insurance laws has elapsed and after a reminder is issued by a competent authority as prescribed in Article 35 of this Law;

g) Other cases considered evasion of compulsory social insurance and unemployment insurance payment defined by the Government.

2. The Government shall elaborate this Article and specifies the cases that are mentioned in Clause 1 of this Article but are not considered evasion of compulsory social insurance and unemployment insurance payment for good reasons.

Article 40. Actions against late payment of compulsory social insurance and unemployment insurance

1. Enforced payment of the arrears plus an interest of 0,03%/day on the arrears to the social insurance and unemployment insurance funds.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Disqualification from commendation and awards.

4. The Government shall elaborate Clause 1 of this Article.

Article 41. Actions against evasion of compulsory social insurance and unemployment insurance payment

1. Enforced payment of the arrears plus an interest of 0,03%/day on the arrears to the social insurance and unemployment insurance funds.

2. Administrative penalties or criminal prosecution as prescribed by law.

3. Disqualification from commendation and awards.

4. The Government shall elaborate Clause 1 of this Article.

Chapter V

COMPULSORY SOCIAL INSURANCE

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 42. Beneficiaries and eligibility for sickness benefits

1. The participants specified in Points a, b, c, d, i, k, l, m and n Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law will be eligible for sickness benefits while they are on leave in one of the following cases, except the cases specified in Clause 2 of this Article:

a) Undergoing treatment for diseases other than occupational diseases;

b) Undergoing treatment for injuries that are not caused by occupational accidents;

c) Undergoing treatment for injuries caused by accidents that happen during commute between home and work with reasonable time and route according to regulations of law on occupational hygiene and safety;

d) Undergoing treatment and rehabilitation due to disability or relapse of diseases caused by occupational accidents, occupational diseases or accidents mentioned in Point c of this Clause;

dd) Donation, transplantation of human organs or tissues as prescribed by law;

e) Taking care of sick children under 07 years.

2. Employees are not eligible for sickness benefits in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Using narcotic substances, narcotic precursors under the list promulgated by the Government, except use of precursors or combined drugs that contain precursors by prescription of physicians in medical facilities;

c) During the first leave for treatment or rehabilitation after occupational accidents or occupational diseases;

d) The leave period mentioned in Clause 1 of this Article is also a rest period prescribed by labor laws, a paid leave prescribed by other laws, maternity leave, or convalescent leave prescribed by social insurance laws.

Article 43. Duration of sickness benefits

1. Sickness benefits shall be provided for up to one year (from January 1st to December 31st) for the participants specified in Points a, b, c, i, k, l, m and n Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law, and only for working days, excluding public holidays and weekends. To be specific:

a) An employee who is working under normal conditions will receive sickness benefits for 30 days if he/she has paid social insurance premiums for under 15 years; 40 days if he/she has paid social insurance premiums for between full 15 years and under 30 years; 60 days if he/she has paid social insurance premiums for at least 30 years;

b) An employee doing heavy, hazardous or dangerous jobs extremely heavy, hazardous or dangerous jobs on the list issued by the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs, or working in extremely disadvantaged areas will receive sickness benefits for 40 days if he/she has paid social insurance premiums for under 15 years; 50 days if he/she has paid social insurance premiums for between 15 years and under 30 years; 70 days if he/she has paid social insurance premiums for at least 30 years.

2. If the period of provision of sickness benefits specified in Clause 1 of this Article has elapsed but treatment has to be still carried on, the employee who takes leave due to a disease requiring long-term treatment on list issued by the Minister of Health will continue to receive sickness benefits at the rates specified in Clause 3 Article 45 of this Law. In this case, sickness benefits shall be provided for working days, excluding public holidays and weekends.

3. The duration of sickness benefits for employees specified in Point d Clause 1 Article 2 of this Law shall vary according to the duration of inpatient treatment at health facilities and the leave duration prescribed by physicians at health facilities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The leave period to take care of a sick child in a year (from January 1st to December 31st) must not exceed 20 days if the child is under 03 years old, or 15 days if the child is between 03 years and under 07 years old.

2. If both parents are compulsory social insurance participants, the leave period of the father or mother to take care of the sick child shall comply with Clause 1 of this Article.

3. The leave period for sick children specified in this Article shall include working days, exclude public holidays and weekends.

Article 45. Sickness allowance

1. Sickness allowance shall be calculated by month on the following basis:

a) The salary on which social insurance premiums are paid of the month preceding the month in which the employee takes sick leave;

b) The salary on which social insurance premiums are paid of the first month in which the employee participates in or resumes participation in social insurance if he/she has to take sick leave during such month.

2. The sickness allowance for employees specified in Clause 1 Article 43 and Article 44 of this Law shall be 75% of the salary on which social insurance premiums are paid as prescribed in Clause 1 of this Article.

3. Sickness allowance for employees specified in Clause 2 Article 43 of this Law:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) 55% of the salary on which social insurance premiums are paid specified in Clause 1 of this Article if compulsory social insurance has been fully paid for 15 years to under 30 years;

c) 50% of the salary on which social insurance premiums are paid specified in Clause 1 of this Article if compulsory social insurance has been fully paid for under 15 years.

4. Sickness allowance for employees specified in Clause 3 Article 43 of this Law shall be 100% of the salary on which social insurance premiums are paid as prescribed in Clause 1 of this Article.

5. daily sickness allowance for one day equals (=) monthly sickness allowance divided by (:) 24 days. The sickness allowance for half a day shall be 50% of the sickness allowance for one day.

When calculating sickness allowance, sick leave period shall be rounded up to the nearest half a day (a period of less than half a day shall be rounded up to half a day; a period of more than half a day but less than a day shall be rounded up to one day).

6. The Minister of Labor, War Invalid and Social Affairs shall elaborate the determination of working days, calculation of and eligibility for sickness allowance.

Article 46. Convalescent leave

1. If an employee has taken sick leave for at least 30 days in a year and has not recovered within 30 days from the end of the sickness leave period, he/she may take a convalescent leave for up to 10 days in a year (from January 1st to December 31st).

A continuous convalescent leave also includes public holidays and weekends. The convalescent leave duration shall be determined within the year in which the employee takes it. In case a convalescent leave begins at the end of one year and ends in the beginning of the next year, its duration shall be determined for the previous year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) 10 days for employees whose health has not yet recovered after having a disease requiring long-term treatment;

b) 07 days for employees whose health has not yet recovered after undergoing an operation;

c) 5 days in other cases.

3. The convalescent leave benefit for one day shall be 30% of the reference level.

4. The Minister of Labor, War Invalid and Social Affairs shall elaborate the determination of and eligibility for convalescent leave.

Article 47. Application for sickness benefits

1. The application for sickness benefits for an employee or an employee’s child who is undergoing inpatient treatment shall be original or copies of one of the following documents:

a) Hospital discharge note;

b) Medical record summary;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The application for sickness benefits for an employee or an employee’s child who is undergoing outpatient treatment shall be original or copies of one of the following documents:

a) The certificate of eligibility for social insurance-covered leave;

b) Original or copy of the hospital discharge note which specifies the duration of outpatient treatment after inpatient treatment;

c) Original or copy of the medical record summary which specifies the duration of outpatient treatment after inpatient treatment.

3. The application for sickness benefits for an employee or an employee’s child who is undergoing treatment overseas shall be medical documents issued by the overseas medical facility which specify the disease and treatment duration, and satisfy the following requirements:

a) There are notarized or authenticated Vietnamese translations in accordance with regulations of law on notarization and authentication;

b) They are granted consular legalization, unless otherwise prescribed by an international treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

4. The Minister of Health shall issue set forms, procedures and authority to issue the documents specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article of medical facilities, and substitute documents in force majeure events such as natural disasters, calamities, epidemics.

Article 48. Provision of sickness benefits

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Within 07 working days from the day on which the satisfactory application is received from the employee, the employer shall compile a list of employees applying for sick leave enclosed with the applications and submit them to the social security authority.

3. Within 07 working days from the day on which satisfactory applications are received from the employer, the social security authority shall decide whether to grant or reject each application. If an application is rejected, a written response and explanation shall be provided.

Article 49. Provision of convalescence benefits

1. Within 07 working days from the day the employee takes convalescent leave, the employer shall compile a list of employees applying for convalescence benefits and submit it to the social security authority.

2. Within 07 working days from the day on which the employer’s list is received, the social security authority shall decide whether to provide convalescence benefits. In case of rejection, a written response and explanation shall be provided.

Section 2. MATERNITY BENEFITS

Article 50. Beneficiaries and eligibility for maternity benefits

1. The participants specified in Points a, b, c, d, i, k, l, m and n Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law will be eligible for maternity benefits in one of the following cases:

a) Pregnant female employees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Pregnant female employees who are surrogate mothers in surrogacy arrangements;

d) Female employees who are intended mothers in surrogacy arrangements;

dd/ Employees adopting children under 06 months old;

e) Employees undergoing contraception procedures which have to be done at health facilities;

g) Male employees whose wives give birth as normal mothers or surrogate mothers, provided the male employees are covered by compulsory social insurance.

2. The participants specified in Points b, c, d and dd Clause 1 of this Article shall pay compulsory social insurance for at least 06 months within 12 months before the childbirth, child relinquishment, or adoption of the child under 06 months old.

3. If a participant mentioned in Point b and Point c Clause 1 of this Article has paid compulsory social insurance for at least 12 months and has to take maternity leave by prescription of a physician of a medical facility, he/she must pay compulsory social insurance for at least 03 months within 12 months before the childbirth.

4. Employees who fully satisfy the conditions specified in Clause 2, Clause 3 or Clause 5 of this Article and terminate their employment contracts or working contracts or resign before the date of childbirth, child relinquishment or adoption of children under 06 months old are still eligible for maternity benefits prescribed in Articles 53, 54, 55 and 56, and Clauses 1, 2 and 3 Article 58 of this Law. The period over which maternity benefits are paid shall be excluded from the social insurance payment period.

5. If a participant specified in Point b Clause 1 of this Article has to take leave to undergo infertility treatment, he/she has to pay compulsory social insurance for at least 06 months within 24 months before the childbirth.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Pregnant female employees may take maternity leave for prenatal checks-up up to 05 times, each of which must not exceed 02 days.

2. The maternity leave period shall include working days, exclude public holidays and weekends.

Article 52. Maternity leave period upon miscarriage, abortion, antepartum stillbirth, preterm stillbirth, ectopic pregnancy

1. The duration of maternity leave upon miscarriage, abortion, antepartum stillbirth, preterm stillbirth, ectopic pregnancy shall be decided by physicians at health facilities and not exceed the following limits:

a) 10 days if the fetus is under 05 weeks old;

b) 20 days if the fetus is between 05 weeks and under 13 weeks old;

c) 40 days if the fetus is between 13 weeks and under 22 weeks old;

d) 50 days if the fetus is at least 22 weeks old.

2. If a pregnant female employee suffers from miscarriage, abortion, antepartum stillbirth or preterm stillbirth from at 22 weeks or later and satisfies the requirements specified in Clause 2 or Clause 3 or Clause 5 Article 50 of this Law, she and her husband may take parental leave similarly to the female employee’s maternity leave for childbirth.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 53. Maternity leave period for childbirth

1. Maternity leave period of female employees for childbirth shall comply with Clause 1 Article 139 of the Labor Code.

In case a female employee returns to work before the expiration of the maternity leave period prescribed in Clause 4 Article 139 of the Labor Code, she will be paid by the employer for the working days and continue to receive maternity benefits at the rate specified in Article 59 of this Law. The employer and the employee shall pay compulsory social insurance for the time the employee returns to work.

2. A male employee covered by compulsory social insurance will be entitled to paternity leave when his wife gives birth. Paternity leave duration:

a) 05 working days;

b) 07 working days, if the wife has to undergo caesarean delivery or the child is born before 32 weeks;

c) 10 working days if the wife gives birth to twins, and 03 more working days for each subsequent child;

d) In case of caesarean delivery of twins, paternity period shall be 14 working days, and 03 more working days for each subsequent child.

3. The paternity leave period mentioned in Clause 2 of this Article must begin within 60 days from the childbirth. If the leave period is divided into shorter periods, the last leave period must begin within the first 60 days from childbirth and the total leave period must not exceed the limits specified in Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. In case only the mother is covered by compulsory social insurance or both parents are covered by compulsory social insurance but the mother dies in childbirth, the father or the direct fosterer may take parental leave for the remaining period applicable to the mother as specified in Clause 1 of this Article. In case the mother who is covered by compulsory social insurance but does not fully satisfy the conditions specified in Clause 2, Clause 3 or Clause 5 Article 50 of this Law dies, the father or the direct fosterer make take parental leave until the child is 06 months old.

6. If the father or the direct fosterer does not take parental leave under Clause 5 of this Article, in addition to salary, he/she will be s entitled to the maternity benefits for the remaining period applicable to the mother since the day succeeding the death of the mother as prescribed in Clause 1 of this Article.

7. In case only the father is covered by compulsory social insurance and the mother dies in childbirth or faces a postnatal risk that makes her unable to care for the child, as certified by a competent health facility, the father is entitled to a parental leave until the child is 06 months old.

8. Maternity leave period for Female employees giving birth, employees adopting children under 06 months old, female employees who are surrogate mothers giving birth, female employees who are intended mothers shall be considered compulsory social insurance payment period during which the employees and the employers are not required to pay social insurance.

In other cases where the maternity leave period is 14 working days or more in a month, it will be considered compulsory social insurance payment period during which the employees and the employers are not required to pay social insurance.

9. The maternity leave period specified in Clause 1, 4, 5, 6 and 7 of this Article is inclusive of public holidays and weekends.

Article 54. Maternity benefits for female employees as surrogate mothers

1. Female employees who are surrogate mothers may take maternity leave for prenatal checks-up as prescribed in Article 51 of this Law.

2. Female employees as surrogate mothers who suffer from miscarriage, abortion, antepartum stillbirth, preterm stillbirth or ectopic pregnancy are entitled to maternity leave prescribed in Article 52 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Take a maternity leave until the time of relinquishing the child to the intended mother. The maternity leave period must not exceed the time limits specified in Clause 1 Article 53 of this Law.

In case the period from the date of childbirth to the time of relinquishing the child is shorter than 60 days, the surrogate mother is stilled entitled to maternity benefits until the 60-day period elapses, including public holidays and weekends. The time of relinquishing the child shall be that specified in the certification of the surrogate mother and the intended parent(s).

In case the child dies before 60-day maternity leave period elapses, the surrogate mother is stilled entitled to maternity benefits until the 60-day period elapses, including public holidays and weekends;

b) If the surrogate mother does not recover within the first 30 days from the expiration of the maternity leave period prescribed in Clause 2 of this Article and Point a of this Clause, she will be may take a convalescent leave as prescribed in Article 60 of this Law, unless she has her employment contract terminated or hands in resignation before childbirth.

4. When the surrogate mothers gives birth, her husband may take a parental leave as prescribed in Clause 2 and Clause 3 Article 53 of this Law, provided he is covered by compulsory social insurance.

Article 55. Maternity benefits for female employees as intended mothers

Entitlements of an intended mother who has paid compulsory social insurance for at least 06 months within 12 months before the child is relinquished by the surrogate mother:

1. Maternity leave from child relinquishment until the child is 06 months old, and 01 more moth for each subsequent child in case of multiple births.

In case the intended mother does not take leave, she will be entitled to maternity benefits in addition to her salary;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the intended mother’s husband or the direct fosterer who is covered by social insurance but does not take a leave, in addition to salary, he/she will be entitled to maternity benefits for the remaining period of the intended mother as specified in Clause 1 of this Article.

Article 56. Maternity benefits when adopting children under 06 months old

1. An employee who adopts a child under 06 months old will be entitled to a maternity leave from the adoption date until the child is 06 months old.

In case both parents are covered by social insurance and fully satisfy the requirements for maternity benefits as specified in Clause 2 Article 50 of this Law, only the father or the mother only may take the maternity leave.

2. If the employee does not take leave, he/she will be entitled to a lump-sum allowance as prescribed in Article 58 of this Law.

Article 57. Leave period when taking contraceptive measures

1. The duration of maternity leave when taking contraceptive measures shall be decided by physicians at health facilities and shall not exceed 07 days for female employees using intrauterine devices and 15 days for employees undergoing sterilization.

2. The maternity leave period mentioned in Clause 1 of this Article also includes public holidays and weekends.

Article 58. Lump-sum allowance upon childbirth, surrogate child relinquishment, or adoption of children under 06 months old

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Female employees who give birth but do not fully satisfy the requirements Clause 2, Clause 3 or Clause 5 Article 50 of this Law are entitled to lump-sum allowance for childbirth if their husbands fully satisfy the requirements specified in Clause 2 Article 50 of this Law..

2. Female employees who are surrogate mothers and fully satisfy the requirements specified in Clause 2 or Clause 3 Article 50 of this Law are entitled to lump-sum allowance upon childbirth.

In case the surrogate mother is not covered by compulsory social insurance or does not fully satisfy the requirements, the intended mother will be entitled to lump-sum allowance if she has been paying compulsory social insurance for at least 06 months within 12 months before the date of child relinquishment.

In case the surrogate mother is not covered by compulsory social insurance or does not fully satisfy the requirements, the intended mother will be entitled to lump-sum allowance if she has been paying compulsory social insurance for at least 06 months within 12 months before the date of child relinquishment.

In case the surrogate mother, the intended mother and the intended mother’s husband are not covered by compulsory social insurance or do not fully satisfy the requirements, the surrogate mother’s husband will be entitled to lump-sum allowance if he has been paying compulsory social insurance for at least 06 months within 12 months before childbirth by the surrogate mother.

3. Employees who adopt children under 06 months old and fully satisfy the requirements specified in Clause 2 Article 50 of this Law are entitled to lump-sum allowance.

4. The lump-sum allowance per child mentioned in Clauses 1, 2 and 3 of this Article shall be 02 times the reference level of the month in which the child is born, relinquished or adopted.

Article 59. Maternity benefits

1. The monthly maternity benefits of employees specified in Articles 51, 52, 53, 54, 55, 56 and 57 of this Law shall be 100% the average salary on which compulsory social insurance is paid over the last 06 months before the employees take maternity leave.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The per-diem maternity benefit in the cases specified in Article 51 and Clause 2 Article 53 of this Law equals (=) monthly maternity benefit divided by 24 days.

3. The maternity benefits upon childbirth, surrogate child relinquishment or adoption of children under 06 months old shall be calculated according to Clause 1 of this Article; in case of an incomplete month of the cases specified in Article 52 and Article 57 of this Law, the per-diem benefit equals (=) the monthly benefit divided by 30 days.

4. Maternity benefits for female employees who are surrogate mothers and intended mothers shall be provided in accordance with Clauses 1, 2 and 3 of this Article and calculated on the average salary on which compulsory social insurance is paid under this Article before they take maternity leave.

5. The Minister of Labor, War Invalid and Social Affairs shall elaborate the calculation of and eligibility for maternity benefits.

Article 60. Postpartum convalescent leave

1. If the female employee cannot recover within 30 days from the end of the maternity leave period specified in Article 52, Clause 1 or Clause 4 Article 53, Point a Clause 3 Article 54 of this Law, she may take a convalescent leave.

The convalescent leave period is inclusive of public holidays and weekends. In case a convalescent leave begins at the end of one year and ends in the beginning of the next year, its duration shall be determined for the previous year.

2. The convalescent leave period mentioned in Clause 1 of this Article shall be decided by the employer and the Executive Board of the internal trade union. In case of disagreement, the employer shall decide the convalescent leave duration in consideration of proposals of the Executive Board of the internal trade union. In case an internal trade union is not available, the employer shall decide the convalescent leave duration. Maximum convalescent leave duration:

a) 10 days for female employees who give birth to twins or more;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) 05 days in other cases.

3. The postpartum convalescent leave benefit for one day shall be 30% of the reference level.

4. Regulations of Clauses 1, 2 and 3 of this Article do not apply if the female employee goes back to work before expiration of the maternity leave period specified in Clause 1 Article 53 of this Law.

5. The Minister of Labor, War Invalid and Social Affairs shall elaborate the determination of and eligibility for postpartum convalescent leave.

Article 61. Application for maternity benefits

1. The application for maternity benefits for a female employee giving birth, female employee giving birth as a surrogate mother or female employee as intended mother shall be a copy or extract of the birth certificate or Certificate of Live Birth and other documents in the following cases:

a) Documents proving the process of infertility treatment of the female employee in the cases specified in Clause 5 Article 50 of this law;

c) A copy of the death certificate or extract of the death declaration of the female employee giving birth or the intended mother if she dies after childbirth;

c) The original or copy of the health facility’s certification that the birth mother or the intended mother is not healthy enough to take care of the child after child birth or child relinquishment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) A copy of the altruistic surrogacy arrangement under Article 96 of the Law on Marriage and Family and a copy of the document certifying the time of child relinquishment between the surrogate mother and the intended mother in case the surrogate mother gives birth or relinquishes the child.

2. In case of neonatal death before the Certificate of Live Birth is issued or the cases specified in Clause 2 Article 52 of this Law (miscarriage, abortion, antepartum stillbirth or preterm stillbirth from at 22 weeks or later), the application for maternity benefits for the female employee giving birth, female employee giving birth as a surrogate mother or the pregnant employee shall be one of the following documents:

a) The original or copy of the medical record summary specifying the death of the child or the fetus;

b) The original or copy of the hospital discharge note of the female employee specifying the death of the child or the fetus;

c) Copy of the child’s death certificate;

d) Written confirmation of the People’s Committee of the commune if the child dies within 24 hours after birth.

3. The application for maternity benefits for female employees having prenatal checks-up as prescribed in Article 51 of this Law; female employees suffering from miscarriage, abortion, antepartum stillbirth, preterm stillbirth, ectopic pregnancy as prescribed in Article 52 of this Law; employees taking contraceptive measures as prescribed in Article 57 of this law shall be one of the following documents:

a) The original or copy of the hospital discharge note or medical record summary or documents proving the inpatient treatment in case of inpatient treatment;

b) The certificate of eligibility for social insurance-covered leave in case of outpatient treatment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The application for maternity benefits for an employee who adopts a child under 06 months old shall be copies of the certificate of adoption and child handover record.

5. The application for maternity benefits or lump-sum allowance for a male employee whose wife is giving birth shall be a copy or extract of the birth certificate or Certificate of Live Birth. If the Certificate of Live Birth does not mention caesarean delivery or the child is born before 32 weeks, it is mandatory to include the original or copy of a document specifying this issued by the health facility.

If the child dies after birth before the Certificate of Live Birth is issued, the application shall be the original or copy of the medical record summary or hospital discharge note of the mother specifying the death of the child.

6. The application for lump-sum allowance for the intended mother’s husband shall include a copy or extract of the birth certificate or Certificate of Live Birth. If the child dies after birth before the Certificate of Live Birth is issued, the application shall be the original or copy of the medical record summary or hospital discharge note of the surrogate mother or another document issued by the health facility specifying the death of the child.

7. The application for maternity leave or lump-sum allowance for the surrogate mother’s husband upon childbirth shall include the following documents:

a) A copy or extract of the birth certificate or Certificate of Live Birth. If the Certificate of Live Birth does not mention caesarean delivery or the child is born before 32 weeks, it is mandatory to include the original or copy of a document specifying this issued by the health facility;

b) A copy of the altruistic surrogacy arrangement under Article 96 of the Law on Marriage and Family.

8. The documents mentioned in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6 and 7 of this Article or similar documents that are issued by foreign competent organizations and persons shall satisfy the following requirements:

a) There are notarized or authenticated Vietnamese translations in accordance with regulations of law on notarization and authentication;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. The Minister of Health shall issue set forms, procedures and authority to issue the documents specified in Points a, c and d Clause 1 of this Article of medical facilities, and substitute documents in force majeure events such as natural disasters, calamities, epidemics.

Article 62. Provision of maternity benefits for compulsory social insurance participants

1. The employee shall submit the application specified in Article 61 of this Law to the employer within 45 days from the expiration of the maternity leave period.

Within 07 working days from the day on which the satisfactory application is received from the employee, the employer shall compile a list of employees applying for maternity leave enclosed with the applications prescribed in Article 61 of this Law and submit them to the social security authority.

2. In case the employee resigns before the time of childbirth, child relinquishment or adoption of a child under 06 months old, or the employer no longer exists, the employee shall submit the application specified in Article 61 of this Law to the social security authority.

3. Within 07 working days from the day on which satisfactory applications are received from the employer, 05 working days from the day on which the satisfactory application is received from the employee, the social security authority shall decide whether to provide grant each application. In case of rejection, a written response and explanation shall be provided.

Article 63. Provision of postpartum convalescent benefits

1. Within 07 working days from the day the employee takes the postpartum convalescent leave, the employer shall compile a list of employees applying for postpartum convalescent leave benefits and submit it to the social security authority.

2. Within 07 working days from the day on which the list is received, the social security authority shall decide whether to grant postpartum convalescent benefits. In case of rejection, a written response and explanation shall be provided.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 64. Beneficiaries and eligibility for pension

1. A person will be eligible for pension if he/she is a social insurance participant specified in Points a, b, c, g, h, i, k, l, m and n Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law, has paid compulsory social insurance for at least 15 years before retirement, and satisfies one of the following requirements:

a) He/she has reached the retirement age prescribed by Clause 2 Article 169 of the Labor Code;

b) He/she has reached the retirement age prescribed by Clause 3 Article 169 of the Labor Code and has paid compulsory social insurance for at least 15 years while doing heavy, hazardous or dangerous jobs extremely heavy, hazardous or dangerous jobs on the list issued by the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs, or working in extremely disadvantaged areas, including the time of working in areas to which a coefficient of 0,7 of higher applies before January 1st 2021;

c) He/she is younger than the age prescribed in Clause 2 Article 169 of the Labor Code by up to 10 years and has spent at least 15 years working in coal mines according to regulations of the Government;

d) He/she is infected with HIV/AIDS during performance of his/her duties.

2. A person will be eligible for pension if he/she is a social insurance participant specified in Points d, dd and e Clause 1 Article 2 of this Law, has paid compulsory social insurance for at least 15 years before retirement, and satisfies one of the following requirements:

a) He/she is younger than the age prescribed in Clause 2 Article 169 of the Labor Code by at least 05 years, unless otherwise prescribed by the Law on Officers of the Vietnam People’s Army, the Law on People’s Public Security, the Law on Cipher, the Law on Professional Servicemen and Women, National Defense Workers and Officials;

b) He/she is younger than the age prescribed by Clause 2 Article 169 of the Labor Code by at least 10 years and has paid compulsory social insurance for at least 15 years while doing heavy, hazardous or dangerous jobs extremely heavy, hazardous or dangerous jobs on the list issued by the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs, or working in extremely disadvantaged areas, including the time of working in areas to which a coefficient of 0,7 of higher applies before January 1st 2021;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Government shall specify pensions for people whose dates of birth cannot be determined, whose dossiers are lost, and in other cases.

Article 65. Beneficiaries and eligibility for pension upon working capacity reduction

1. A person will be eligible for a lower pension than that for people who satisfy the conditions specified in Points a, b and Clause 1 Article 64 of this law if he/she is a social insurance participant specified in Points a, b, c, g, h, i, k, l, m and n Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law, has paid compulsory social insurance for at least 20 years before retirement, and satisfies one of the following requirements:

a) He/she is younger than the age prescribed in Point a Clause 1 Article 64 of this Law by up to 05 years and has work capacity reduction of 61% to under 81%;

b) He/she is younger than the age prescribed in Point a Clause 1 Article 64 of this Law by up to 10 years and has work capacity reduction of at least 81%;

c) He/she has spent at least 15 years doing heavy, hazardous or dangerous jobs extremely heavy, hazardous or dangerous jobs on the list issued by the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs and has work capacity reduction of at least 61%.

2. A person will be eligible for a lower pension than that for people who satisfy the conditions specified in Points a and b and Clause 1 Article 64 of this law if he/she is a social insurance participant specified in Points d, dd and e Clause 1 Article 2 of this Law, has paid compulsory social insurance for at least 20 years before retirement, has work capacity reduction of at least 61%, and satisfies one of the following requirements:

a) He/she is younger than the age specified in Point a Clause 1 Article 64 of this Law by up to 10 years;

b) He/she has spent at least 15 years doing heavy, hazardous or dangerous jobs extremely heavy, hazardous or dangerous jobs on the list issued by the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Monthly pensions for people who fully satisfy the conditions specified in Article 64 of this Law:

a) For female employees: 45% of the average salary on which social insurance premiums are paid under Article 72 of this Law for 15 years of social insurance payment, plus (+) 2% for each additional year of social insurance payment, but must not exceed 75%.

b) For male employees: 45% of the average salary on which social insurance premiums are paid under Article 72 of this Law for 20 years of social insurance payment, plus (+) 2% for each additional year of social insurance payment, but must not exceed 75%.

For male employees who have paid social insurance for 15 years to under 20 years: 40% of the average salary on which social insurance premiums are paid under Article 72 of this Law for 15 years of social insurance payment, plus (+) 1% for each additional year of social insurance payment.

2. Monthly pensions of people doing special works in the people’s armed forces shall be prescribed by the Government and funded by state budget.

3. Monthly pensions of people who fully satisfy the conditions specified in Article 65 of this Law shall be calculated according to Clause 1 of this Article, and reduced by 2% for each year of early retirement.

In case an employee retires less than 06 months before the statutory retirement age, then pension will not be reduced. In case an employee retires from 06 months to less than 12 months before the statutory retirement age, pension will be reduced by 1%.

4. Monthly pensions of eligible employees who have paid social insurance for 15 years under international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory shall be 2,25% of the average salary on which social insurance premiums are paid under Article 72 of this Law for each year of payment.

5. The Government shall specify the rates and eligibility for pensions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Pensions shall be adjusted according to the increase in consumer price index, capacity of state budget and the social insurance fund.

2. Adjustments to pensions must be reasonable for people receiving low pensions and retire before 1995, gradually reduce the gap of pensions of people in different periods.

3. The Government shall specify the time, subjects and levels of adjustments of pension mentioned in this Article.

Article 68. Lump-sum allowance upon retirement

1. In addition to pensions, male employees whose social insurance payment period is more than 35 years and female employees whose social insurance payment period is more than 30 years are entitled a lump-sum allowance upon retirement.

2. The lump-sum allowance for each extra year of social insurance payment mentioned in Clause 1 of this Article shall be 50% of the average salary on which social insurance premiums are paid under Article 72 of this Law until the employee reaches the statutory retirement age.

In case the employee who is eligible for pensions according to Article 64 and Article 65 of this Law continues paying social insurance, the allowance shall be 02 times the average salary on which social insurance premiums are paid under Article 72 of this law for each extra year of social insurance payment mentioned in Clause 1 of this Article (after the employee reaches the statutory retirement age until he/she actually retires).

Article 69. Time of pension eligibility

1. The time of pension eligibility of the people specified in Points a, b, c, d, dd, e, i, k and l Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law who are covered by compulsory social insurance shall be the time of fulfillment of the conditions for receiving pension and written in the employer’s document certifying the termination of the employment or employment contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Minister of Labor, Invalids and Social Affairs shall elaborate this Article; specify the time of pension eligibility in the cases specified in Clause 7 Article 33 of this law, the calculation and eligibility for retirement benefits on a case-by-case basis.

Article 70. Lump-sum social insurance allowance

1. If a person specified in Clause 1 Article 2 of this law has stopped participating in social insurance, he/she will be eligible for lump-sum social insurance allowance if he/she makes a request and satisfies one of the following conditions:

a) He/she reaches the retirement age but has paid social insurance for less than 15 years.

The employee may choose between receiving lump-sum social insurance allowance or monthly allowances under Article 23 of this Law;

b) He/see emigrates from Vietnam to a foreign country;

c) He/she has one of the following diseases: cancer, polio, decompensated cirrhosis, severe tuberculosis, AIDS;

d) He/she has ≥ 81% work capacity reduction; or severe disability;

dd) Before the effective date of this Law, he/she has paid social insurance for less than 20 years and does not participate in voluntary social insurance after 12 months since the day he/she is no longer covered by compulsory social insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If a person specified in Clause 2 Article 2 of this law has stopped participating in social insurance, he/she will be eligible for lump-sum social insurance allowance if he/she makes a request and satisfies one of the following conditions:

a) He/she reaches the retirement age but has paid social insurance for less than 15 years;

b) He/she has one of the following diseases: cancer, polio, decompensated cirrhosis, severe tuberculosis, AIDS;

c) He/she has ≥ 81% work capacity reduction, or severe disability;

d) He/she is eligible for pension as per regulations but no longer resides in Vietnam;

dd) His/her employment contract is terminated; or his/her work permit, practicing certificate, practicing license is expired and not renewed.

3. The lump-sum social insurance allowance shall be calculated according to the number of years of payment and the salary on which social insurance premiums are paid, excluding the state subsidies on voluntary social insurance. The lump-sum social insurance allowance for each year shall be:

a) Before 2014: 1,5 times the average monthly salary on which social insurance premiums are paid.

If social insurance is paid both before and after 2014 and there is an incomplete year before 2014, it will be aggregated with the social insurance payment period from 2014 onwards to calculate lump-sum social insurance allowance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) If the social insurance payment period is shorter than one year, the lump-sum social insurance allowance shall be equal to the paid amount but not exceeding 02 times the average monthly salary on which social insurance premiums are paid.

4. In the cases specified in Point c and Point d Clause 1 of this Article, the lump-sum social insurance allowance shall be calculated according to the number of years of payment and the salary on which social insurance premiums are paid, including the state subsidies on voluntary social insurance. The lump-sum social insurance allowance for each year shall calculated in accordance with Points a, b and c Clause 3 of this Article.

5. The time of calculation of lump-sum social insurance allowance shall be the date of issuance of the social security authority’s decision on provision of lump-sum social insurance allowance.

6. Employees specified in Points b, c and d Clause 1 and Points b, c and dd Clause 2 of this Article may choose between receiving monthly pensions or lump-sum social insurance allowance if they are eligible for both pensions and lump-sum social insurance allowance.

7. The Government shall elaborate this Article.

Article 71. Reservation of social insurance payment period

Employees who have retired but are not eligible for pension specified in Article 64 or 65 of this Law or have not received the lump-sum social insurance allowance under Article 70 of this Law, or have not received monthly allowances under Article 23 of this Law are entitled to have their social insurance payment period reserved.

Article 72. Average monthly salary on which social insurance premiums are paid for calculation of pension and lump-sum allowance

1. Regarding employees who receive State-regulated salaries and pay social insurance entirely on such salaries, the average salary on which social insurance premiums are paid for the years of social insurance payment before retirement shall be:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The average monthly salary on which social insurance premiums is paid of the last 06 years prior to retirement if social insurance participation begins during the period from January 1st 1995 to December 31st 2000;

c) The average monthly salary on which social insurance premiums is paid of the last 08 years prior to retirement if social insurance participation begins during the period from January 1st 2001 to December 31st 2006;

d) The average monthly salary on which social insurance premiums is paid of the last 10 years prior to retirement if social insurance participation begins during the period from January 1st 2007 to December 31st 2015;

dd) The average monthly salary on which social insurance premiums is paid of the last 15 years prior to retirement if social insurance participation begins during the period from January 1st 2016 to December 31st 2019;

e) The average monthly salary on which social insurance premiums is paid of the last 20 years prior to retirement if social insurance participation begins during the period from January 1st 2020 to December 31st 2024;

g) The average monthly salary on which social insurance premiums is paid of entire social insurance payment period if social insurance participation begins from January 1st 2025 onwards.

2. Regarding employees who receive employer-decided salaries and pay social insurance entirely on such salaries, the average salary on which social insurance premiums are paid over the entire social insurance payment period shall be used.

3. In case an employee pays social insurance on both State-regulated salary and employer-decided salary in different periods, the average salary on which social insurance premiums are paid over both social insurance payment periods shall be used, where the average State-regulated salary shall be calculated in accordance with Clause 1 of this Article.

4. The Government shall elaborate this Article and specify the average salary on which social insurance premiums are paid of employees receiving State-regulated salaries in special cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The salaries on which compulsory social insurance is paid as the basis for calculation of the average salary prescribed in Article 72 of this Law of employees receiving State-regulated salaries shall be adjusted as follows:

a) Salaries of employees who started to participate in social insurance before January 1st 2016 shall be adjusted according to the reference level at the time of enjoyment of retirement benefits.

b) Salaries of employees who started to participate in social insurance from January 1st 2016 onwards shall be adjusted in accordance with Clause 2 of this Article.

2. The salaries on which compulsory social insurance is paid for calculation of average salaries prescribed in Article 72 of this Law of employees receiving employer-decided salaries shall be adjusted on the basis of the consumer price index of each period according to regulations of the Government.

Article 74. Implementation of social insurance when applying position-, title-, rank-based salaries instead of the existing current payroll system

In case the State pays position-, title-, rank-based salaries instead of the existing current payroll system, the Government shall request the National Assembly to consider adjusting the salaries on which compulsory social insurance is paid, method for calculation of salaries as the basis for calculation of pensions social insurance benefits, adjustment of salaries on which compulsory social insurance is paid, and other necessary contents.

Article 75. Suspension, termination, resumption of enjoyment of monthly social insurance allowances and pensions

1. Provision of monthly social insurance allowances or pensions shall be suspended in one of the following cases:

a) The beneficiary illegally leaves Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The beneficiary’s information cannot be verified according to Point c Clause 2 Article 11 of this Law.

2. Provision of pensions or monthly social insurance allowances shall be terminated in one of the following cases:

a) The beneficiary dies or declared dead by the court;

b) The beneficiary submits a written renunciation of monthly social insurance allowances or pensions;

c) A competent authority concludes that social insurance benefits are being provided against the law.

3. Provision of monthly social insurance allowances and pensions of the people specified in Clause 1 and Point a Clause 2 of this Article, including unreceived amounts of previous months, shall be resumed in the following cases:

a) The person who illegally left Vietnam returns to Vietnam;

b) The court issues a decision to revoke the missing person or death declaration;

c) The beneficiary’s information mentioned in to Point c Clause 1 of this Article can be verified in accordance with Point c Clause 2 Article 11 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. If a person has unreceived monthly social insurance allowances or pension before death, his/her family will be entitled to those amounts.

6. In case provision of monthly social insurance allowances or pensions is suspended after the court declares a person missing and the court subsequently declares that person dead, his/her family will not receive the monthly social insurance allowances or pensions for the suspension period.

7. The Government shall specify the cases of suspension, termination, resumption of enjoyment of monthly social insurance allowances and pensions.

Article 76. Lump-sum allowances upon emigration of beneficiaries of monthly social insurance allowances and pensions

1. Beneficiaries of pension or monthly social insurance allowances may apply for lump-sum allowances when they emigrate to foreign countries.

2. The lump-sum allowance for pensioners shall be calculated according to their social insurance payment period. To be specific: 1,5 times the current monthly pension for each year of social insurance payment before 2014; 02 times the current monthly pension for each year of social insurance payment from 2014 onwards; 0,5 time the current monthly pension shall be deducted from the lump-sum allowance for each month’s pension received. The lowest lump-sum allowance shall be 03 times the current monthly pension.

3. The lump-sum allowance for a person receiving monthly social insurance allowances shall be 03 times the current monthly benefits.

4. The application for lump-sum allowance shall include the written request for lump-sum allowance and a copy of the competent authority’s certification of Vietnamese nationality renouncement or notarized or authenticated Vietnamese translation of one of the documents specified in Points a, b, c, and d Clause 2 Article 78 of this Law.

5. Within 07 working days from the day on which the satisfactory application is received, the social security authority shall decide whether to grant the application. In case of rejection, a written response and explanation shall be provided.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. An application for pension of a person covered by compulsory social insurance shall include:

a) The social insurance book;

b) The original or copy of the document indicating the termination of the employment or employment contract, or the written request of the person specified in Point g, h, m and n Clause 1 Article 2 of this Law.

2. An application for pension of a person whose compulsory social insurance payment period is reserved shall include:

a) The social insurance book;

b) The applicant’s written request.

3. In the cases specified in Article 65 of this Law, in addition to the documents specified in Clause 1 of this Article, the application must also include the work capacity reduction assessment record issued by the Medical Examination Council or a copy of the confirmation of severe disability issued by Medical Examination Council, which must specify the percentage of work capacity reduction

4. In the cases specified in Point d Clause 1 and Point c Clause 2 Article 64 of this Law, in addition to the documents specified in Clause 1 of this Article, the application must also include the certification of HIV infection due to occupational exposure.

Article 78. Application for lump-sum social insurance allowance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The social insurance book;

b) The employee’s application form for lump-sum social insurance allowance.

2. In the cases specified in Point b Clause 1 Article 70 of this Law, in addition to the documents specified in Clause 1 of this Article, the application must also include a copy of the competent authority’s certification of Vietnamese nationality renouncement or notarized or authenticated Vietnamese translation of one of the following documents:

a) The passport issued by a foreign country;

b) The Visa issued by a competent authority of the foreign country certifying such country’s permission for immigration;

c) The long-term residence card issued by a competent authority of the foreign country;

d) Other documents indicating the permanent residence in the foreign country according to regulations of the Government.

3. In the cases specified in Point c Clause 1 and Point b Clause 2 Article 70 of this Law, in addition to the documents specified in Clause 1 of this Article, the application must also include a copy of the medical record summary or hospital discharge note.

4. In the cases specified in Point d Clause 1 and Point c Clause 2 Article 70 of this Law, in addition to the documents specified in Clause 1 of this Article, the application must also include the work capacity reduction assessment record issued by the Medical Examination Council or a copy of the confirmation of severe disability.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Within 20 days before the employee is eligible for pension, the employer shall submit the application specified in Article 77 of this Law to social security authority.

Within 20 days before the date of eligibility for pension, the person whose social insurance payment period is being reserved shall submit the application specified in Article 77 of this Law to social security authority.

2. When eligible for lump-sum social insurance allowance, the employee shall submit the application specified in Article 78 of this Law to the social security authority.

3. Within 20 days, excluding public holidays and weekends, from the day on which the satisfactory application for pension is received, 07 working days from the day on which the application for lump-sum social insurance allowance is received, the social security authority shall decide whether to grant the application. In case of rejection, a written response and explanation must be provided.

Article 80. Application for resumption of pension or monthly social insurance allowance in case of suspension or termination

The application for resumption of pension or monthly social insurance allowance in the cases specified in Point a and Point b Clause 3 and Clause 4 Article 75 of this Law shall include a written request for resumption of pension or monthly social insurance allowance and other documents on a case-by-case basis as follows:

1. A document issued by a competent authority about the applicant's repatriation in the cases specified in Point a Clause 3 Article 75 of this Law;

2. The court’s decision to revoke the missing person or death declaration in the cases specified in Point b Clause 3 Article 75 of this Law.

Article 81. Processing applications for resumption of pension or monthly social insurance allowance in case of suspension or termination

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Within 10 working days from the day on which the satisfactory application is received, the social security authority shall decide whether to grant the application. In case of rejection, a written response and explanation shall be provided.

Article 82. Change of method and location for receipt of pension and monthly social insurance allowance

1. A person who is receiving pension and monthly social insurance allowance and wishes to change the receiving method or location due to change of his/her residence within Vietnam may send a document to the paying social security authority..

2. Within 05 working days from the day on which the document mentioned in Clause 1 of this Article is received, the social security authority shall decide whether to approve the change. In case of rejection, a written response and explanation must be provided.

Article 83. Documentation and procedures for assessment of work capacity reduction serving provision of social insurance benefits

1. The Minister of Health shall specify the documentation and procedures for assessment of work capacity reduction serving provision of social insurance benefits.

2. The assessment of work capacity reduction must be accurate and transparent. The Medical Assessment Council shall take responsibility for the accuracy of the assessment results.

Section 4. SURVIVORSHIP ALLOWANCE

Article 84. Beneficiaries of survivorship allowance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 85. Funeral allowance

1. When the following persons die, the organization or individual in charge of their funeral are entitled to a lump-sum funeral allowance:

a) The people specified in Clause 1 and Clause 2 Article 2 of this Law who have paid compulsory social insurance for at least 12 months;

b) People who die of occupational accidents and occupational disease according to regulations of law on occupational hygiene and safety;

c) Retired people who are receiving or being suspended from receiving pensions; people who are receiving or being suspended from monthly occupational accident or occupational disease allowance.

2. The funeral allowance shall be equal to 10 times the reference level of the month in which the person mentioned in Clause 1 of this Article dies.

3. In case a person mentioned in Points a, b and c Clause 1 of this Article is declared dead by the court, his/her family shall receive the funeral allowance prescribed in Clause 2 of this Article.

Article 86. Eligibility for monthly survivorship allowance

1. When a social insurance participant mentioned in Clause 1 Article 2 of this Law dies or declared dead by the court in one of the following cases, his/her family as prescribed in Clause 2 of this Article shall be eligible for monthly survivorship allowance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The social insurance participant is receiving pension or being suspended from receiving pension;

c) The social insurance participant dies of an occupational accident or occupational disease according to regulations of law on occupational hygiene and safety;

d) The social insurance participant is receiving or being suspended from receiving monthly occupational accident or occupational disease allowance with at least 61% work capacity reduction.

2. Monthly survivorship allowance shall be provided for the following family members of the social insurance participant mentioned in Clause 1 of this Article 2:

a) Children including those whose father died during the mother’s pregnancy, children whose father or intended mother died during the surrogate mother’s pregnancy, in which case they will receive monthly survivorship allowance until they are 18 years old;

b) Children with at least 81% work capacity reduction;

c) The social insurance participant’s spouse who has reached the age specified in Clause 2 Article 169 of the Labor Code. The social insurance participant’s spouse who has not reached the age specified in Clause 2 Article 169 of the Labor Code but has at least 81% work capacity reduction;

d) Natural parents of the social insurance participant’s, natural parents of the social insurance participant’s spouse; other family members who have reached the age specified in Clause 2 Article 169 of the Labor Code who are dependants of the social insurance participant under regulations of law on family and marriage;

d) Natural parents of the social insurance participant’s, natural parents of the social insurance participant’s spouse; other family members who have not reached the age specified in Clause 2 Article 169 of the Labor Code, are suffering from at least 81% work capacity reduction, and are dependants of the social insurance participant under regulations of law on family and marriage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The work capacity reduction assessment result as the basis for provision of monthly survivorship allowance shall be given within 06 months from the death of the social insurance participant or the expiration of the allowance period for his/her family mentioned in Point a Clause 2 of this Article.

5. The Minister of Labor, War Invalid and Social Affairs shall elaborate the calculation of and eligibility for survivorship allowance on a case-by-case basis.

Article 87. Levels of monthly survivorship allowance

1. The monthly survivorship allowance for each family member shall be 50% of the reference level; 70% of the reference level if the family member is self-reliant.

The Minister of Labor, Invalids, and Social Affairs shall specify the identification of self-reliant family members.

2. When a person is dead or declared dead by the court according to Clause 1 Article 86 of this Law the number of family members entitled to monthly survivorship allowance must not exceed 04. In case 02 or more people are dead or dead by the court, their family members shall be entitled to 02 times the allowance specified in Clause 1 of this Article.

3. The monthly survivorship allowance period begins on the first day of the month succeeding the month the person defined in Clause 1 Article 86 of this Law dies or is declared dead by the court. In case a child is born after the father, the husband of the intended mother or the intended mother dies, the monthly survivorship allowance period shall begin from the month in which the child is born.

Article 88. Cases of eligibility for lump-sum survivorship allowance

1. When the following people die or are declared death by the court, their family may apply for lump-sum survivorship allowance:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Retired people who are receiving or being suspended from receiving pensions; people who are receiving or being suspended from monthly occupational accident or occupational disease allowance.

2. When a person specified in Clauses 1 of this Article dies, his/her family will be entitled to a lump-sum survivorship allowance in the following cases

a) The conditions specified in Point a Clause 1 Article 86 of this Law are not fully satisfied;

b) It is one of the cases specified in Clause 1 Article 86 of this Law but there is no family member receiving monthly survivorship allowance according to Clause 2 Article 86 of this Law;

c) The family member who is eligible for monthly survivorship allowance according to Clause 2 Article 86 of this Law wishes to receive a lump-sum survivorship allowance;

d) If there is no family member according to Clause 7 Article 3 of this Law, lump-sum survivorship allowance shall be provided in accordance with inheritance laws.

Article 89. Levels of lump-sum survivorship allowance

1. The lump-sum survivorship allowance for family of the people specified in Point a Clause 1 Article 88 of this Law equals (=) the survivorship allowance for each year of social insurance payment multiplied by (x) the number of years over which social insurance is paid but not smaller than 03 times the average monthly salary on which social insurance premiums are paid, which shall be calculated according to Article 72 of this Law by the time payment is stopped. The survivorship allowance for each year of social insurance payment shall be:

a) 1,5 times the average monthly salary on which social insurance premiums are paid for the years of social insurance payment before 2014.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) 02 times the average monthly salary on which social insurance premiums are paid for the years of social insurance payment from 2014 onwards.

2. The lump-sum survivorship allowance for family of a person who dies while receiving pension or while being suspended from receiving pension shall be calculated according to that person’s period of pension enjoyment and the following regulations:

a) If the person dies within the first 02 months, the lump-sum survivorship allowance shall be 48 times the current monthly pension;

b) If the person dies after the first 02 months, the allowance shall be reduced by 0,5 time the monthly pension for subsequent month but shall not be smaller than 03 times the current monthly pension.

3. The lump-sum survivorship allowance for the family of a retired person receiving monthly occupational accident or occupational disease allowance and has received the lump-sum social insurance allowance before he/she dies shall be 03 times the current monthly occupational accident or occupational disease allowance.

4. The reference level for calculation of lump-sum survivorship allowance shall be the reference level of the month in which the person mentioned in Point a Clause 1 Article 88 of this Law dies.

5. The Government shall elaborate regulations on provision of lump-sum survivorship allowance for people receiving monthly occupational accident or occupational disease allowance but still working or have had social insurance payment period reserved, and people receiving both monthly occupational accident or occupational disease allowance and pensions.

Article 90. Application for survivorship allowance

1. An application for provision of survivorship allowance for a family member of a person who was participating in social insurance or having social insurance payment period preserved shall include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) A copy of the death certificate, extract of the death declaration or copy of the death notification or copy of the court’s declaration of death.

c) The family member’s declaration form;

d) The original or copy of the occupational accident investigation record in case of death by occupational accidents; copy of the occupational disease treatment record in case of death by a occupational disease.

dd) The work capacity reduction assessment record issued by the Medical Examination Council or a copy of the certification of severe disability with the verdict of the Medical Examination Council specifying that the family member has at least 81% work capacity reduction.

2. An application for provision of survivorship allowance for a family member of a retired person who was receiving or being suspended from receiving pension or monthly occupational accident/occupational disease allowance shall include:

a) A copy of the death certificate, extract of the death declaration or copy of the death notification or copy of the court’s declaration of death;

b) The family member’s declaration form;

c) The work capacity reduction assessment record issued by the Medical Examination Council or copy of the certification of severe disability with the verdict of the Medical Examination Council specifying that the family member has at least 81% work capacity reduction.

3. An application for funeral allowance (if only funeral allowance is applicable) shall include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) A copy of the death certificate, extract of the death declaration or copy of the death notification or copy of the court’s declaration of death.

c) A declaration form completed by the organization/individual in charge of the funeral.

4. The Government shall promulgate regulations on provision of survivorship allowance for foreigners.

Article 91. Provision of survivorship allowance

1. Within 90 days after the death of a person having his/her social insurance payment period reserved, a person who is receiving or being suspended from receiving pension, monthly occupational accident or occupational disease allowance, his/her family or the organization/individual in charge of his/her funeral shall submit the application specified in Article 90 of this Law to the social security authority.

2. Within 90 days after the death of a person who was participating in compulsory social insurance, his/her family or the organization/individual in charge of his/her funeral shall submit the application specified in Article 90 of this Law to his/her employer.

Within 30 days after receiving the satisfactory application from the employee’s family, the employer shall submit it to the social security authority.

3. Within 10 working days from the day on which the satisfactory application is received, the social security authority shall decide whether to grant the application. In case of rejection, a written response and explanation shall be provided.

Article 92. Delayed provision of compulsory social insurance benefits

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In case of the late submission of applications or delayed provision of compulsory social insurance benefits causes damage to lawful rights and interests of the beneficiary, recompense shall be provided in accordance with law, unless it is the fault of the beneficiary.

Article 93. Method of payment of pensions and social insurance benefits

1. Through accounts of beneficiaries opened at commercial banks and foreign bank branches established in Vietnam.

2. Directly from social security authorities or service providers authorized by social security authorities.

3. Through employers.

Chapter VI

VOLUNTARY SOCIAL INSURANCE

Section 1. MATERNITY BENEFITS

Article 94. Beneficiaries and eligibility for maternity benefits

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Female employees giving birth;

b) Male employees whose wives give birth.

2. In case only the mother is covered by compulsory social insurance and dies after childbirth, the father or the direct fosterer will is entitled to maternity benefits.

3. In case both parents are covered by social insurance and fully satisfy the requirements for maternity benefits as specified in Clause 1 of this Article, only the father or the mother is entitled to maternity benefits.

4. In case a person mentioned in Clause 1 of this Article is eligible for maternity benefits covered by both voluntary social insurance and compulsory social insurance, he/she is only entitled to the maternity benefits covered by compulsory social insurance.

5. In case the mother is eligible for maternity benefits covered by compulsory social insurance and the father is eligible for maternity benefits covered by voluntary social insurance, the mother will be entitled to maternity benefits covered by compulsory social insurance and the father will be entitled to maternity benefits covered by voluntary social insurance.

6. In case the father is eligible for maternity benefits covered by compulsory social insurance and the mother is eligible for maternity benefits covered by voluntary social insurance, the father will be entitled to maternity benefits covered by compulsory social insurance and the mother will be entitled to maternity benefits covered by voluntary social insurance.

Article 95. Maternity benefits

1. The maternity benefit shall be 2.000.000 VND for each child being born and each case of antepartum stillbirth or preterm stillbirth at 22 weeks or more.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. State budget shall provide funding for implementation of Clause 1 of this Article. The Government shall decide adjustments to maternity benefits according to socio-economic developments and capacity of state budget in each period.

Article 96. Application for maternity benefits

The application for maternity benefits shall be one of the following documents:

1. Copy or extract of the birth registration certificate, or copy of the Certificate of Live Birth of the child;

2. In case of antepartum stillbirth, preterm stillbirth or neonatal death before the Certificate of Live Birth is used, the application shall be one of the following documents:

a) The original or copy of the medical record summary specifying the death of the child;

b) The original or copy of the female employee’s hospital discharge note specifying the death of the child;

c) Copy of the child’s death certificate;

d) Written confirmation of the People’s Committee of the commune if the child dies within 24 hours after birth.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Within 60 days from the date of childbirth, the employee shall submit the application specified in Article 96 of this law to the social security authority.

2. Within 05 working days from the day on which the satisfactory application is received, the social security authority shall decide whether to grant the application. In case of rejection, a written response and explanation shall be provided.

Section 2. RETIREMENT BENEFITS

Article 98. Beneficiaries and eligibility for pension

People covered by voluntary social insurance will receive pensions when they reach the retirement age specified in Clause 2 Article 169 of the Labor Code and have paid social insurance for at least 15 years.

Article 99. Monthly pensions

1. Monthly pensions for people who fully satisfy the conditions specified in Article 98 of this Law:

a) For female employees: 45% of the average income on which social insurance premiums are paid under Article 104 of this Law for 15 years of social insurance payment, plus (+) 2% for each additional year of social insurance payment, but must not exceed 75%;

b) For male employees: 45% of the average income on which social insurance premiums are paid under Article 104 of this Law for 20 years of social insurance payment, plus (+) 2% for each additional year of social insurance payment, but must not exceed 75%.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The adjustment of pensions must comply with Article 67 of this Law.

3. Monthly pensions of eligible employees who have paid social insurance for 15 years under international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory shall be 2,25% of the average income on which social insurance premiums are paid under Article 104 of this Law for each year of payment.

Article 100. Lump-sum allowance upon retirement

1. In addition to pensions, male employees whose social insurance payment period is more than 35 years and female employees whose social insurance payment period is more than 30 years are entitled a lump-sum allowance upon retirement.

2. The lump-sum allowance for each extra year of social insurance payment mentioned in Clause 1 of this Article shall be 50% of the average income on which social insurance premiums are paid under Article 104 of this Law until the employee reaches the statutory retirement age.

In case the employee who is eligible for pensions according to Article 98 of this Law continues paying social insurance, the allowance shall be 02 times the average income on which social insurance premiums are paid under Article 104 of this law for each extra year of social insurance payment mentioned in Clause 1 of this Article (after the employee reaches the statutory retirement age until he/she actually retires).

Article 101. Time of pension eligibility

1. The time of pension eligibility of the people specified in Article 98 of this Law shall be the first day of the month succeeding the month in which the conditions for pension are fully satisfied according to Article 98 of this Law.

2. In case the social insurance participant continues paying voluntary social insurance after having fulfilled the conditions for pension, the time of pension eligibility shall be the first day of the month succeeding the month in which social insurance payment is stopped and pension is claimed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Minister of Labor, War Invalid and Social Affairs shall elaborate this Article; specify the calculation and determination of eligibility for retirement benefits on a case-by-case basis.

Article 102. Lump-sum social insurance allowance

1. A voluntary social insurance participant specified in Clause 4 Article 2 of this Law may claim lump-sum social insurance allowance in one of the following cases:

a) He/she has reached the retirement age specified in Clause 2 Article 169 of the Labor Code, has paid social insurance for less than 15 years and does not wish to continue social insurance participation.

The employee may choose between receiving lump-sum social insurance allowance or monthly allowances under Article 23 of this Law;

b) He/see emigrates from Vietnam to a foreign country;

c) He/she has one of the following diseases: cancer, polio, decompensated cirrhosis, severe tuberculosis, AIDS;

d) He/she has ≥ 81% work capacity reduction, or severe disability;

dd) Before the effective date of this Law, he/she has paid social insurance for less than 20 years and does not continue paying social insurance after 12 months.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Before 2014: 1,5 times the average monthly income on which social insurance premiums are paid.

If social insurance is paid both before and after 2014 and there is an incomplete year before 2014, it will be aggregated with the social insurance payment period from 2014 onwards to calculate lump-sum social insurance allowance;

b) From 2014 onwards: 02 times the average monthly income on which social insurance premiums are paid.

c) If the social insurance payment period is shorter than one year, the lump-sum social insurance allowance shall be equal to the paid amount but not exceeding 02 times the average monthly income on which social insurance premiums are paid.

3. The lump-sum social insurance allowance for the subjects eligible for the State’s support under Clause 2 of this Article is exclusive of the state subsidies on voluntary social insurance, except for the cases specified in Point c and Point d Clause 1 of this Article.

4. The time for provision of lump-sum social insurance allowance shall be written on the decision issued by the social security authority.

5. Employees specified in Points b, c and d Clause 1 of this Article may choose between receiving pensions or lump-sum social insurance allowance if they are eligible for both pensions and lump-sum social insurance allowance.

6. The Government shall elaborate this Article.

Article 103. Reservation of social insurance payment period

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 104. Average monthly income on which voluntary social insurance is paid

1. Average monthly income on which voluntary social insurance is paid is the average value of the incomes on which social insurance premiums are paid over the entire payment period.

2. Monthly incomes used for calculating the average monthly income on which social insurance premiums are paid shall be adjusted according to the consumer price index in each period under the Government’s regulations.

Article 105. Application for pensions of people covered by voluntary social insurance

An application for pension of a person covered by voluntary social insurance shall include the social insurance book and the written request for pension.

Article 106. Application for lump-sum social insurance allowance

1. An application for lump-sum social insurance allowance shall include:

a) The social insurance book;

b) The employee’s application form for lump-sum social insurance allowance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The passport issued by a foreign country;

b) The Visa issued by a competent foreign agency certifying such country’s permission for immigration;

c) The long-term residence card issued by a competent authority of the foreign country;

d) Other documents indicating the permanent residence in the foreign country according to regulations of the Government.

3. In the cases specified in Point c Clause 1 Article 102 of this Law, in addition to the documents specified in Clause 1 of this Article, the application must also include a copy of the medical record summary or hospital discharge note.

4. In the cases specified in Point d Clause 1 Article 102 of this Law, in addition to the documents specified in Clause 1 of this Article, the application must also include the work capacity reduction assessment record issued by the Medical Examination Council or a copy of the confirmation of severe disability.

Article 107. Provision of pension and lump-sum social insurance allowance of people whose social insurance payment period is reserved and voluntary social insurance participants

1. Within 20 days before the date of eligibility for pension, the person whose social insurance payment period is being reserved or the voluntary social insurance participant shall submit the application specified in Article 105 of this Law to social security authority.

2. When eligible for lump-sum social insurance allowance, the employee may submit the application specified in Article 106 of this Law to the social security authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Within 20 days, excluding public holidays and weekends, from the day on which the satisfactory application for pension is received, 07 working days from the day on which the application for lump-sum social insurance allowance is received, the social security authority shall decide whether to grant the application. In case of rejection, a written response and explanation must be provided.

Section 3. SURVIVORSHIP ALLOWANCE

Article 108. Beneficiaries of survivorship allowance

Beneficiaries of survivorship allowance of social insurance participants who are dead shall be the organizations and individuals in charge of their funeral as prescribed in Clause 1 Article 109 of this Law; their families as prescribed in Clause 3 Article 109 and Clause 1 Article 110 of this Law.

Article 109. Funeral allowance

1. When the following persons die, the organization or individual in charge of their funeral are entitled to a lump-sum funeral allowance:

a) Any person who has social insurance for at least full 60 months;

b) Any person who is receiving pension or being suspended from receiving pension.

2. The funeral allowance shall be 10 times the reference level of the month in which the person mentioned in Clause 1 of this Article dies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 110. Lump-sum survivorship allowance

1. Upon the death of a person who was being covered by voluntary social insurance, having the social insurance payment period reserved, receiving pension or being suspended from receiving pension, his/her family will be entitled to a lump-sum survivorship allowance.

2. The level of lump-sum survivorship allowance for families of people who were being covered by voluntary social insurance or having their social insurance payment period reserved shall be calculated according to the years over which social insurance is paid. The lump-sum survivorship allowance for a year shall be:

a) 1,5 times the average income on which social insurance premiums are paid for the years of social insurance payment before 2014.

If social insurance is paid both before and after 2014 and there is an incomplete year before 2014, it will be aggregated with the social insurance payment period from 2014 onwards;

b) 02 times the average income on which social insurance premiums are paid for the years of social insurance payment from 2014 onwards;

c) The paid amount if the social insurance payment period is under 60 months.

3. If the person was paying both compulsory social insurance and voluntary social insurance, the minimum lump-sum survivorship allowance shall be 03 times the average salary and income on which social insurance premiums are paid.

4. The lump-sum survivorship allowance for family of a person who dies while receiving pension or while being suspended from receiving pension shall be calculated according to that person’s period of pension enjoyment and the following regulations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If the person dies after the first 02 months, the allowance shall be reduced by 0,5 time the monthly pension for each subsequent month but shall not be smaller than 03 times the current monthly pension.

Article 111. Retirement benefits and survivorship allowance benefits for people who pay both compulsory social insurance and voluntary social insurance

1. Retirement benefits and survivorship allowance benefits for people who pay both compulsory social insurance and voluntary social insurance:

a) If a person has paid compulsory social insurance for at least 15 years and satisfies the conditions specified in Article 64 of this Law; has paid compulsory social insurance for at least 20 years and satisfies the conditions specified in Article 65 of this Law, his/her pension shall be provided in accordance with compulsory social insurance policies

b) If a person has paid compulsory social insurance payment for at least 15 years, he/she will be entitled to monthly survivorship allowance under compulsory social insurance policies;

c) If a person has paid compulsory social insurance payment for at least 12 months, he/she will be entitled to funeral allowance under compulsory social insurance policies.

2. The Government shall elaborate this Article.

Article 112. Application for and provision of survivorship allowance

1. Application for survivorship allowance:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) An application for provision of survivorship allowance for family of a person who was receiving or being suspended from receiving pension shall be prepared in accordance with regulations of Points a and b Clause 2 Article 90 of this Law;

c) The application for funeral allowance only shall be prepared in accordance with Clause 3 Article 90 of this Law.

2. Processing applications for survivorship allowance:

a) Within 90 days after the death of the person having his/her social insurance payment period reserved, the person covered by voluntary social insurance, the person receiving pension or being suspended from receiving pension, his/her family shall submit the application to the social security authority;

b) Within 10 working days from the day on which the satisfactory application is received, the social security authority shall decide whether to grant the application. In case of rejection, a written response and explanation shall be provided.

Article 113. Delayed provision of voluntary social insurance benefits

1. If the application is submitted after the deadline specified in Clause 1 Article 97, Clause 1 Article 107, Point a Clause 2 Article 112 of this law, a written explanation must be submitted to the social security authority together with the application.

2. In case of the late submission of applications or delayed provision of voluntary social insurance benefits causes damage to lawful rights and interests of the beneficiary, recompense shall be provided in accordance with law, unless it is the fault of the beneficiary.

Article 114. Method of payment of pensions and voluntary social insurance benefits

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Directly from social security authorities or service providers authorized by social security authorities.

Article 115. Lump-sum allowance for pensioners who emigrate to foreign countries; suspension, termination, resumption of pension

1. When a pensioner who is covered by voluntary social insurance emigrates to a foreign country, he/she may apply for a lump-sum allowance as follows:

a) The lump-sum allowance for pensioners shall be calculated according to their social insurance payment period. To be specific: 1,5 times the current monthly pension for each year of social insurance payment before 2014; 02 times the current monthly pension for each year of social insurance payment from 2014 onwards; 0,5 time the current monthly pension shall be deducted from the lump-sum allowance for each month’s pension received. The lowest lump-sum allowance shall be 03 times the current monthly pension;

b) The lump-sum allowance for a person receiving monthly social insurance benefits shall be 03 times the current monthly benefits;

c) The application for lump-sum allowance shall include the written request for lump-sum allowance and a copy of the competent authority’s certification of Vietnamese nationality renouncement or notarized or authenticated Vietnamese translation of one of the documents specified in Points a, b, c, and d Clause 2 Article 106 of this Law;

d) Within 07 working days from the day on which the satisfactory application is received, the social security authority shall decide whether to grant the application. In case of rejection, a written response and explanation shall be provided.

2. When a pensioner moves to another location within Vietnam and wishes to receive social insurance benefits at the new location:

a) The pensioner who wishes to change the receiving method or location due to change of his/her residence within Vietnam shall send a document to the paying social security authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The suspension, termination, resumption of pensions shall comply with Articles 75, 80 and 81 of this Law.

Chapter VII

SOCIAL INSURANCE FUND

Section 1. CONTRIBUTIONS TO AND USE OF THE SOCIAL INSURANCE FUND

Article 116. Social insurance fund

1. The social insurance fund is a financial fund that is independent from state budget; its accounting, financial statements and internal audits shall comply with accounting laws and relevant laws.

2. Every 03 years, State Audit Office shall audit the social insurance fund, its investment activities and submit reports to the National Assembly. Ad hoc audits shall be carried out at the request of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee and the Government.

If overlapping issues or repetitions are discovered during inspection and state audit of social insurance, the inspecting authority shall cooperate with the auditing authority in handling in accordance with the Law on Inspection and the Law on State Audit, making sure an activity of an organization or individual is the subject of only one inspecting authority or auditing authority, ensuring prevention, discovery and handling of social insurance-related offences.

Article 117. Sources of contributions to the social insurance fund

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Premiums paid by employees as per regulations.

3. Profits from investments of the fund.

4. State budget funding.

5. Other lawful sources of revenues.

Article 118. Component funds of the social insurance fund, unemployment insurance fund

1. The social insurance fund consists of the following component funds:

a) Sickness and maternity fund;

b) Pension and survivorship fund;

C) Occupational accident and occupational disease insurance fund under the Law on Occupational Hygiene and Safety.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 119. Use of the social insurance fund

1. Provision of compulsory social insurance and voluntary social insurance benefits for the beneficiaries specified in Chapter V and Chapter VI of this Law, and monthly allowances in accordance with Article 23 of this Law.

2. Payment of health insurance premiums for the following people:

b) Pensioners;

B) People who are taking leave and receiving monthly occupational accident or occupational disease allowance;

c) People who are taking leave and receiving maternity benefits for at least 14 working days in the month;

d) Employees who are taking leave and receiving sickness benefits due to diseases on the list of diseases requiring long-term treatment promulgated by the Minister of Health;

dd) People who are taking leave and receiving sickness benefits for at least 14 working days in the month;

3. Payment for assessment of work capacity reduction in case the assessment is not requested by the employer and the assessment result shows that the employee is eligible for social insurance benefits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Investment to preserve and develop the fund under Section 2 of this Chapter.

Article 120. Budget for organization and activities of social insurance

1. The budget for organization and activities of social insurance shall be used for performance of the following tasks:

a) Dissemination and counseling of policies and law on social insurance; providing professional training and advanced training in social insurance;

b) Reforming social insurance administration; development and management of social insurance participants and beneficiaries;

c) Investing in, upgrading, renovating, expanding, maintaining, repairing property; leasing, purchasing property, goods and services relevant to social insurance management and activities;

d) Organizing collection of social insurance premiums and payment of social insurance benefits; maintaining operation of social security authorities and the Management Board of VSS.

2. The budget for organization and activities of social insurance shall be a percentage of the estimated revenue and spending of social insurance, excluding payment of health insurance premiums for social insurance beneficiaries and extracted from the profit from investments of the social insurance funds

3. Every 03 years, the Government shall report to Standing committee of the National Assembly for decision on the budget for organization and activities of social insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The Government shall elaborate Clause 1 and Clause 2 of this Article.

Section 2. INVESTMENTS OF THE SOCIAL INSURANCE FUND

Article 121. Investment principles

1. Investment activities of the social insurance fund must ensure safety, sustainability and effectiveness.

2. The investment portfolio must be diversified; investment structure and methods must be appropriate for the capacity and physical facilities of the social insurance investment organization; prioritize investment in Government bonds, especially long-term Government bonds.

3. Investments of the social insurance fund shall follow the long-term investment strategy and annual investment plans.

Article 122. Investment portfolio and investment methods

1. The investment portfolio of the social insurance fund in the domestic market shall include:

b) Municipal bonds, government-backed bonds;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Bonds, certificates of deposit of state-owned commercial banks and joint-stock commercial banks over 50% of charter capital of which is held by the State; do not invest in commercial banks being put under special control.

2. Investment of the social insurance in international markets shall be Government bonds.

3. Investment methods of the social insurance fund include direct investment and indirect investment on the domestic market and international market.

4. The Government shall promulgate regulations on diversification and criteria of investment portfolio, investment structure and investment methods of the social insurance fund, ensuring compliance with Article 121 of this Law.

Article 123. Management of social insurance fund investment

1. Investments of each component fund of the social insurance fund shall be recorded separately.

2. Investment of the social insurance fund must be controlled, undergo risk management and have loan loss provisions.

3. The Government shall promulgate regulations on control, investment risk management, making and use of loan loss provisions.

Chapter VIII

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 124. Policyholders of supplemental retirement insurance

Policyholders of supplemental retirement insurance are employers and employees.

Article 125. Supplemental retirement insurance principles

1. Supplemental retirement insurance premiums shall be agreed upon by the employer and the employees.

2. Contributions to the supplemental retirement insurance funds shall be managed separately for each individual retirement account.

3. Management and investment of supplemental retirement insurance funds shall be transparent and lawful.

4. Supplemental retirement insurance payouts shall be determined according to the individual retirement account balance at the time of payment, which is accrued through investment of the supplemental retirement insurance funds on market principles.

Article 126. Supplemental retirement insurance funds

1. Supplemental retirement insurance funds are financial funds that are independent from state budget; its accounting, financial statements and audits shall comply with accounting laws and audit laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Supplemental retirement insurance funds shall be used to pay supplemental retirement benefits for employees and cover their operating costs.

Article 127. State policies on supplemental retirement insurance

1. Encourage development of supplemental retirement insurance through incentive policies in accordance with tax laws.

2. Complete laws and policies on supplemental retirement insurance; organize implementation of supplemental retirement insurance policies in a professional, modern and transparent manner; provide employers and employees with more options to make contributions and receive higher pensions.

3. The Government shall promulgate regulations on supplemental retirement insurance.

Chapter IX

COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS ABOUT, AND ACTIONS AGAINST SOCIAL INSURANCE-RELATED VIOLATION

Article 128. Rights to file complaints about social insurance

Organizations and individuals are entitled to request competent organizations and persons to reconsider the latter's decisions or actions if the former has good reasons to believe that such decisions or actions are contrary to social insurance laws and infringe upon their lawful rights and interests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The filing and handling of complaints against social insurance-related administrative decisions, administrative actions of State administrative agencies and competent persons therein, the filing and handling of complaints against administrative penalty decisions of social security authorities and competent persons therein shall comply with regulations of law on complaints, except for the cases specified in Clause 2 of this Article.

2. The filing and handling of complaints against decisions and actions in social insurance-related inspection shall comply with inspection laws.

Article 130. Filing and handling complaints against social insurance-related decisions and actions

1. Social insurance-related decisions are documents issued by social security authorities and competent persons therein to implement regulations of law on social insurance.

2. Social insurance-related actions are performance or non-performance of duties by social security authorities and competent persons according to regulations of law on social insurance.

3. Except for the cases specified in Clause 5 of this Article, complaints against social insurance-related decisions and actions shall be filed in the following order:

a) When a person has good reasons to presume that a social insurance-related decision or action is unlawful or infringing upon his/her lawful rights and interests, he/she (the complainant) shall file the first complaint to the person who issued the decision or the social security authority where the social insurance-related action is taken, or initiate a lawsuit at court as prescribed by law;

b) In case the complainant disagrees on the first-time complaint settlement decision, or the complaint is not settled by within the time limit, the complainant may file a second complaint to the head of the social security authority that is directly superior to the initial complaint settler or initiate a lawsuit at a court as prescribed by law.

In case the complainant disagrees on the first-time complaint settlement decision of the head of Vietnam Social Security, or the complaint is not settled by within the time limit, the complainant may initiate a lawsuit at a court as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Authority to settle complaints against social insurance-related decisions and actions, except for the cases specified in Clause 5 of this Article:

a) Heads of social security authorities have the authority to settle first-time complaints against social insurance-related decisions and actions of themselves and competent persons under their management;

b) Heads of directly superior social security authorities have the authority to settle second-time complaints against social insurance-related decisions and actions that cannot be settled by the heads of the inferior social security authorities, and complaints that are not settled within the time limits.

5. Complaints against decisions and actions related to provision of social insurance benefits or calculation of working period in the public sector for enjoyment of social insurance benefits before January 1st 1995 without adequate original documents or when the employers no longer exist:

a) The first-time complaint shall be handled by the head of the provincial social security authority;

b) In case the complainant disagrees on the first-time complaint settlement decision of the head of the provincial social security authority, or the complaint is not settled by within the time limit, the complainant may file a complaint to the President of the People’s Committee of the province or initiate a lawsuit at a court as prescribed by law;

c) In case the complainant disagrees on the second-time complaint settlement decision of the head of the provincial social security authority, or the complaint is not settled by within the time limit, the complainant may initiate a lawsuit at a court as prescribed by law.

6. Time limits for filing social insurance-related complaints, procedures for handling social insurance-related complaints must comply with regulations of law on complaints.

7. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The lodging and settlement of denunciations about violations committed during performance of social insurance-related duties and violations against regulations of law on state management of social insurance must comply with the law on denunciations.

2. Social security authorities shall handle denunciations about violations against regulations of law on state management of social insurance, except for the cases specified in Clause 3 of this Article.

3. Presidents of the People’s Committees of provinces shall handle denunciations about violations committed by organizations and individuals before 1995 against regulations of law on state management of social insurance.

4. Procedures for settlement of denunciations about violations of the law mentioned in Clause 2 and Clause 3 of this Article must comply with the law on denunciations.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 132. Actions against violations of social insurance laws

1. Organizations that commit violations against this Law shall, depending on the nature and severity of the violations, face administrative penalties or criminal prosecution, and pay recompense for any damage caused.

2. Individuals that commit violations against this Law shall, depending on the nature and severity of the violations, face administrative penalties, disciplinary actions or criminal prosecution, and pay recompense for any damage caused.

Chapter X

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 133. Contents of state management of social insurance

1. Promulgating, proposing promulgation of and organizing implementation of strategies, policies and laws on social insurance.

2. Dissemination and education of social insurance laws.

3. Statistical and information work on social insurance.

4. Provision of training and development of social insurance workforce.

5. Organization of the social insurance apparatus.

6. Financial mechanism and financial management of the social insurance fund.

7. Inspection, settlement of complaints and denunciation, and handling violations against regulations of law on social insurance.

8. Social insurance-related assessments, rewards and commendations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 134. Responsibility for state management of social insurance

1. The Government shall perform the unified state management of social insurance.

2. The Ministry of Labor, War Invalid and Social Affairs shall take charge in assisting the Government in state management of social insurance. The Ministry of Finance shall assist the Government in state management of social insurance-related finance and financial management of the social insurance fund.

3. Ministries and ministerial agencies shall, within their jurisdiction, perform and cooperate with the Ministry of Labor, War Invalid and Social Affairs and the Ministry of Finance in performing state management of social insurance.

4. The People’s Committees at all levels shall perform the state management of social insurance within their administrative divisions.

5. Vietnam Social Security shall participate and cooperate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Finance and People’s Committees of provinces in state management of social insurance.

Article 135. Responsibilities of the Government

1. Unify management, provide instructions, ensure close cooperation between state authorities, organizing agencies and relevant agencies in social insurance implementation.

2. Promulgate regulations on finalization; assign state agencies to verify and approve expenditures on social insurance organization and activities; finalization of revenues and expenditures of the social insurance fund, health insurance fund and unemployment insurance funds.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Issue decisions or request competent authorities to issue decisions on measures for protection of lawful rights and interests of employees and employers.

5. Submit annual reports to the National Assembly on implementation of policies and law on social insurance, management and use of the social insurance fund. Submit reports to the National Assembly on assessment and forecasting of the balancing capacity of the pension and survivorship fund every 05 years.

Article 136. Responsibilities of the Ministry of Labor, Invalids, and Social Affairs

1. Draft and promulgate or propose promulgation of polices and regulations of law on social retirement benefits, compulsory social insurance, voluntary social insurance, social insurance development plans and strategies. Promulgate the indicators of satisfactions of organizations and individuals with the implementation of social insurance and unemployment insurance policies.

2. Take charge and cooperate with Vietnam Social Security and relevant organization in developing and proposing development targets for compulsory social insurance and voluntary social insurance participants.

3. Organize dissemination and education of regulations of law on social retirement benefits, compulsory social insurance and voluntary social insurance.

4. Provide instructions on implementation of policies and law on social retirement benefits, compulsory social insurance and voluntary social insurance.

5. Carry out inspection, settlement of complaints and denunciation, and handling violations against regulations of law on social retirement benefits, compulsory social insurance and voluntary social insurance, except for the cases specified in Clause 2 Article 137 of this Law.

6. Take charge and cooperate with other Ministries, ministerial agencies, Vietnam Social Security in proposing necessary measures for protection of lawful rights and interests related to social insurance of employees to the Government for decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Organize training in social insurance.

9. Organize scientific research and international cooperation in social insurance.

10. Take charge and cooperate with the Ministry of Finance in preparing reports of the Government specified in Clause 5 Article 135 of this Law.

11. Propose regulations on functions, tasks, powers and organizational structure of social security authorities to the Government according to Clause 2 Article 16 of this Law.

Article 137. Responsibilities of the Ministry of Finance

1. Formulate and promulgate or propose promulgation of financial management mechanisms for social insurance, regulations on expenditures on social insurance organization and activities under Article 120 of this Law.

2. Carry out inspection; handle handling violations and settle complaints and denunciations about financial management of social insurance.

3. Draft the report on management and use of the social insurance fund, send it to the Ministry of Labor, War Invalid and Social Affairs for summarization and reporting to the Government under Clause 5 Article 135 of this Law.

4. Take charge of the preparation of reports of the Government specified in Clause 3 Article 120 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Formulate and promulgate or propose promulgation of policies and regulations of law on supplemental retirement insurance; provide guidance on implementation of regulations of law on supplemental retirement insurance; monitor, evaluate, inspect the implementation of supplemental retirement insurance; handle violations, handle complaints and denunciations about supplemental retirement insurance; perform statistical tasks and information about supplemental retirement insurance.

Article 138. Responsibilities of the People’s Committees

1. The People’s Committees of provinces shall be responsible for the People's Councils of the same provinces for directing and organizing the implementation of social insurance policies, increasing social insurance participants and voluntary social insurance participants, taking actions against evasion and late payment of compulsory social insurance in their provinces.

2. The People’s Committees shall perform the state management of social insurance within their administrative divisions as designated by the Government and have the responsibility to:

a) Direct and organize the implementation of policies and law on social insurance;

Set development targets for social insurance participants and voluntary social insurance participants for inclusion in annual socio-economic development plans and submit them to competent authorities for decision.

c) Organize dissemination of social insurance laws and policies;

d) Carry out inspection, handle administrative violations, complaints and denunciations about social insurance;

dd) To propose to competent authorities amendments and addition of policies and law on social insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 139. Amendments to some social insurance-related laws

1. Amendments to the Law on Occupational Hygiene and Safety No. 84/2015/QH13:

a) Amendments to Clause 7 Article 42:

“7. Expenditures on organization and activities of occupational accident and occupational disease insurance shall comply with the Law on Social Insurance.”;

b) Amendments to Clause 1 Article 43:

“1. Subjects of occupational accident and occupational disease insurance prescribed in this Section are employees covered by compulsory social insurance prescribed in Points a, b, c, d, dd, e, i and l Clause 1 Article 2 and employers prescribed in Clause 3 Article 2 of the Law on Social Insurance.”;

c) Amendments to Point b Clause 2 Article 44:

“b) Profits from investments of the fund according to Article 120 and Article 121 of the Law on Social Insurance;";

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 “3. The suspension and resumption of enjoyment of monthly occupational accident and occupational disease allowances shall comply with Article 75 of the Law on Social Insurance; documentation and procedures for provision of monthly occupational accident and occupational disease benefits shall comply with Article 80 and Article 81 of the Law on Social Insurance.”;

dd) Amendments to Clause 5 Article 49:

“5. A person who is receiving monthly occupational accident and occupational disease allowances will be entitled to a lump-sum allowance when he/she repatriates; the allowance shall be 03 times the current monthly benefit. Documentation and procedures for lump-sum allowance shall comply with the Law on Social Insurance.”;

e) Amendments to Clause 3 Article 53:

 “3. The employee dies during injury or disease treatment without assessment of work capacity reduction.

Applications for survivorship allowance in case employees die of occupational accidents and occupational diseases shall comply with Clause 1 Article 90 of the Law on Social Insurance.”.

2. Amendments to Point e Clause 3 Article 57 of Employment Law No. 38/2013/QH13:

“e) Expenditures on organization and activities of unemployment insurance shall comply with the Law on Social Insurance;”.

3. Clause 2 Article 17 of the Law on the Elderly No. 39/2009/QH12 is annulled.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. This Law comes into force from July 1st 2025.

2. The Law on Social Insurance No. 58/2014/QH13, which is amended by Law No. 84/2015/QH13, Law No. 35/2018/QH14, Code No. 45/2019/QH14 (hereinafter referred to as Law No. 58/2014/QH13) and the National Assembly’s Resolution No. 93/2015/QH13 dated June 22nd 2015 on provision of lump-sum social insurance allowance for employees cease to have effect from the effective date of this Law.

Article 141. Transitional provisions

1. Ongoing monthly incapacity allowances, occupational accident or occupational disease allowances, monthly survivorship allowances, monthly allowances for retired commune-level officials, monthly allowances for rubber workers, and people who are receiving monthly allowances after expiration of the incapacity allowance period shall be adjusted in accordance with regulations of the Government.

2. People who are suspended from social insurance benefits due to imprisonment without suspended sentences before January 1st 2016 shall comply with regulations of law on social insurance that are applicable at the time of suspension.

3. Employees who worked and participated in social insurance before January 1st 1995 in areas with region-based allowances, employees who paid social insurance including region-based allowances before January 1st 2007 shall be entitled to lump-sum region-based allowances when claiming pension or lump-sum social insurance allowance or survivorship allowance.

4. People who are receiving not only monthly pension, incapacity allowance, occupational accident or occupational disease allowance but also monthly region-based allowance at their permanent residences (where region-based allowance is applicable) may continue receiving the current region-based allowance. When their permanent residences are changed, the region-based allowance shall be determined in accordance with regulations of the Government.

5. From the effective date of this Law, employees who are taking sick leave due to diseases on the list of diseases requiring long-term treatment promulgated by the Minister of Health and employees taking maternity leave under Law No. 58/2014/QH13 may continue taking their leave until expiration of the previously granted leave periods.

6. Upon the death of people who are receiving incapacity allowance or monthly allowance after expiration of the incapacity allowance period, rubber workers who are receiving monthly allowance, retired commune-level officials who are receiving monthly allowance, the families will be entitled to survivorship allowance under regulations of the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Annually, the State shall transfer an amount from state budget to the social insurance fund to ensure full payment of pension and social insurance allowances to people receiving pension and social insurance benefits before January 1st 1995.

9. People who participate in voluntary social insurance before January 1st 2021 and have paid voluntary social insurance for at least 20 years will receive pensions when they reach the age of 60 for males and 55 for females, unless they wish to receive pensions under Article 98 of this Law.

10. Employees who have paid social insurance for at least 15 years and have not reached the statutory retirement age as confirmed in writing by social security authorities according to the Government’s Decree No. 12/CP dated January 26th 1995, which is amended by the Government’s Decree No. 01/2003/ND-CP dated January 9th 2003, they will receive pension when they reach the age of 60 for males, and 55 for females.

Commune officials regulated by the Government’s Decree No. 09/1998/ND-CP dated January 23rd 1998 who have not reached the statutory retirement age for receiving monthly allowance as confirmed in writing by social security authorities will receive monthly allowance when they reach the age of 55 of males and 50 for females.

11. The minimum monthly pensions of employees specified in Points a, b, c, d, dd, g and i Clause 1 Article 2 of this Law who have participated in social insurance before the effective date of this Law and have paid compulsory social insurance for at least 20 years shall be the reference level.

12. The compulsory social insurance and unemployment insurance premiums that are payable by employers under Law No. 58/2014/QH13, and Employment Law No. 38/2013/QH13 but are not paid or fully paid by employers by June 30th 2023 will be handled in accordance with regulations of this Law on evasion and late payment of social insurance.

13. Before the annulment of the statutory pay rate, the reference level prescribed in this Law shall be the statutory pay rate. Upon annulment of the statutory pay rate, the reference level shall not fall below the statutory pay rate.

14. Documents authorizing other people to receive pension, social insurance benefits and other benefits under Law No 58/2014/QH13 shall remain effective until the end of June 30th 2026.

15. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

PRESIDENT OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Tran Thanh Man

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Bảo hiểm xã hội 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


86.411

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.115.218
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!