Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 143/2024/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện

Số hiệu: 143/2024/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Lê Thành Long
Ngày ban hành: 01/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Những điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ

Ngày 01/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ

Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP có quy định về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:

- Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định tại Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

+ Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP .

- Người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động tại Điều 4 của Nghị định 143/2024/NĐ-CP nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:

+ Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;

+ Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

+ Sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.

Thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Người lao động hoặc thân nhân người lao động bị nạn nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 143/2024/NĐ-CP cho cơ quan bảo hiểm xã hội đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trong thời hạn như sau:

- 30 ngày, kể từ ngày nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

- 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bị chết.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.

Xem chi tiết Nghị định 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG THEO HÌNH THỨC TỰ NGUYỆN ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÔNG THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện); Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; quyền và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người lao động đối với bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động).

2. Nghị định này cũng được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Điều 3. Tai nạn lao động

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc người lao động làm các nghề, công việc theo thời gian và nơi làm việc đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định này.

Chương II

CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG TỰ NGUYỆN

Điều 4. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Giám định mức suy giảm khả năng lao động.

2. Trợ cấp tai nạn lao động.

Điều 5. Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định tại Điều 4 của Nghị định này khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

b) Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động tại Điều 4 của Nghị định này nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:

a) Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;

b) Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

c) Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.

Điều 6. Giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Người lao động bị tai nạn lao động chủ động đi giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định;

b) Sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định;

c) Đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

2. Cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả phí giám định đối với người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng hoặc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

3. Thời điểm chi trả phí giám định đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện cùng với thời điểm trả trợ cấp tai nạn lao động quy định tại Điều 7 của Nghị định này.

Điều 7. Trợ cấp tai nạn lao động

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng ba lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định (sau đây gọi tắt là tháng lương tối thiểu vùng IV), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV;

c) Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động quy định tại điểm b khoản này là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

d) Trợ cấp tai nạn lao động một lần quy định tại khoản này được tính theo công thức sau:

Mức trợ cấp một lần

=

Mức trợ cp tính theo mức suy giảm khả năng lao động

+

Mức trợ cp tính theo snăm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

=

{3 + (m-5%) x 0,3} x Lmin

+

{0,5 + (t-1) x 0,3} x Lmin

Trong đó:

Lmin: tháng lương tối thiểu vùng IV tại thời điểm hưởng trợ cấp.

m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 100).

t: tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Ví dụ 1: Vào tháng 8 năm 2024, khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được 01 tháng, ông A bị tai nạn lao động lần thứ nhất. Sau khi điều trị ổn định, ông A đi giám định lần thứ nhất. Tháng 8 năm 2024, Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động của ông A do vụ tai nạn lao động này là 30%. Lương tối thiểu vùng IV vào tháng 8 năm 2024 là 3.450.000 đồng. Số tiền trợ cấp lần thứ nhất cho ông A được tính như sau:

Mức trợ cấp một lần

=

{3 + (m-5%) x 0,3} x Lmin

+

{0,5 + (t-1) x 0,3} x Lmin

=

{3 + (30-5) x 0,3} x 3.450.000

+

{0,5+ (1-1) x 0,3} x 3.450.000

=

37.950.000 (đồng).

2. Thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;

b) Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đau do tai nạn lao động;

c) Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

3. Trợ cấp tai nạn lao động thực hiện theo nguyên tắc tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.

4. Trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp, người lao động được hưởng thêm trợ cấp bổ sung một lần để bảo đảm hưởng đủ mức trợ cấp tương ứng với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tăng thêm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Mức trợ cấp một lần bổ sung được tính theo công thức sau:

Mức trợ cấp một lần bổ sung

=

Mức trợ cấp tính theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tăng thêm

=

(m1 - m) x 0,3 x Lmin

Trong đó:

Lmin: tháng lương tối thiểu vùng IV tại thời điểm hưởng trợ cấp

m1: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động sau khi giám định lại (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m1 ≤ 100).

m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 100).

5. Thời điểm hưởng trợ cấp

a) Thời điểm để xác định tháng lương cơ sở vùng IV làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp (sau đây gọi tắt là thời điểm hưởng trợ cấp) quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được tính vào tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú. Trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa;

b) Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được tính tại tháng người lao động bị chết;

c) Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa

Ví dụ 2: Năm 2027, thương tật do vụ tai nạn lao động lần thứ nhất tái phát, ông A (được nêu ở Ví dụ 1) đi giám định lại. Tháng 3 năm 2027, Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động của ông A do vụ tai nạn lao động này là 40% (mức suy giảm khả năng lao động tăng so với lần giám định lần thứ nhất là 10%). Lương tối thiểu vùng IV vào tháng 3 năm 2027 là 3.850.000 đồng. Mức trợ cấp một lần bổ sung cho ông A được tính như sau:

Mức trợ cấp một lần bổ sung

=

(m1 - m) x 0,3 } x Lmin

=

(40 - 30) x 0,3 x 3.850.000

=

11.550.000 (đồng)

Chương III

QUỸ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG TỰ NGUYỆN

Điều 8. Nguyên tắc quản lý hoạt động của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Quỹ bảo hiểm xã hội và được hạch toán độc lập.

2. Việc quản lý Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thực hiện theo quy định quản lý về Quỹ bảo hiểm xã hội tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị định này.

3. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được tính trên cơ sở lương tối thiểu vùng IV. Mức tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho việc đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định trong Nghị định này được Chính phủ quyết định căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

4. Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động và thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Điều 9. Sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Chi trả các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

2. Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thực hiện theo nội dung chi phí quản lý quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

3. Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Điều 10. Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Tiền đóng của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại Điều 11, Điều 12 của Nghị định này.

2. Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

3. Hỗ trợ của Nhà nước.

4. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 11. Phương thức đóng và mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội theo một trong hai phương thức đóng sau đây:

a) Đóng 06 tháng một lần;

b) Đóng 12 tháng một lần.

2. Người đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thay đổi phương thức đóng. Việc thay đổi phương thức đóng được thực hiện sau khi đã hoàn thành chu kỳ đóng đã đăng ký trước đó.

3. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:

a) Mức đóng 06 tháng bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng IV;

b) Mức đóng 12 tháng bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng IV.

4. Thời điểm đóng bảo hiểm tai nạn lao động đối với phương thức đóng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Lần đầu, ngay khi đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

b) Lần tiếp theo, trong vòng 10 ngày trước khi hết chu kỳ đóng.

c) Ngay khi đăng ký lại bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo Điều 17 của Nghị định này.

Điều 12. Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, cụ thể như sau:

a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;

b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn;

c) Bằng 10% đối với người lao động khác.

2. Phương thức hỗ trợ:

a) Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng phần trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy nhiệm theo quy định của pháp luật;

b) Định kỳ 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội;

c) Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện 6 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện của năm đó.

3. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng cho người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 13. Tạm dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Khi quá thời điểm đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 11 của Nghị định này mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện không đóng bảo hiểm thì được coi là tạm dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

2. Người đang tạm dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này.

Chương IV

HỒ SƠ, THỦ TỤC THAM GIA, GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG TỰ NGUYỆN

Điều 14. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện lần đầu là Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong đó phải có các thông tin cụ thể về nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc được đăng ký để tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Trường hợp có thay đổi về nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc thì thực hiện khai báo điều chỉnh thông tin theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

2. Hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp hỏng hoặc mất bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động;

b) Sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng.

Điều 15. Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện

Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện bao gồm:

1. Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;

2. Sổ bảo hiểm xã hội;

3. Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các giấy tờ khác liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Giải quyết đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội

1. Người lao động nộp hồ sơ đăng ký tham gia, cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, hồ sơ điều chỉnh thông tin theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Nghị định này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn sau đây:

a) 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu;

b) 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội; trường hợp quá trình xác minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phức tạp thì không quá 45 ngày. Trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 17. Thủ tục đăng ký lại phương thức đóng

1. Hồ sơ đăng ký lại phương thức đóng làm căn cứ đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Giải quyết đăng ký lại phương thức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

a) Người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong ngày đối với trường hợp nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 18. Phân loại, khai báo, điều tra tai nạn lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Việc phân loại tai nạn lao động để thực hiện khai báo, điều tra, thống kê báo cáo đối với người lao động thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (sau đây viết tắt là Nghị định số 39/2016/NĐ-CP)

2. Việc khai báo tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được quy định như sau:

a) Khi xảy ra tai nạn đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thì người lao động bị nạn hoặc thân nhân người bị nạn phải báo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn theo mẫu khai báo tai nạn lao động quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Khi nhận được tin báo tai nạn của người lao động hoặc gia đình người lao động bị tai nạn, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn phải báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện theo mẫu báo cáo nhanh quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì đồng thời phải báo với cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra tai nạn.

3. Sau khi nhận được thông tin khai báo xảy ra tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để điều tra các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn làm bị thương nặng từ 02 người trở lên. Thời hạn điều tra, trình tự thủ tục điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao độngChương III Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.

4. Sau khi nhận được thông tin khai báo xảy ra tai nạn lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tai nạn thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để điều tra các vụ tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động, tai nạn lao động nhẹ theo quy định sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thành lập ngay Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo mẫu Quyết định quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Thành phần Đoàn điều tra bao gồm đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện làm Trưởng đoàn, các thành viên là đại diện Phòng Y tế, đại diện Liên đoàn Lao động cấp huyện, đại diện Thanh tra cấp huyện, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn và một số thành viên khác;

b) Nhiệm vụ của Đoàn điều tra tai nạn lao động thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP;

c) Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây:

c.1) Thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động. Yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội nơi người lao động đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này cung cấp Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

c.2) Lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động theo mẫu biên bản quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;

c.3) Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết);

c.4) Phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra tai nạn lao động; kết luận về vụ tai nạn lao động; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi trong vụ tai nạn lao động; các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn;

c.5) Lập Biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu biên bản quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

c.6) Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu biên bản quy định tại Phụ lục VI kèm theo Nghị định này;

c.7) Thành phần cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động bao gồm: Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động; thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động; người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn;

c.8) Thành viên dự họp có ý kiến không nhất trí với nội dung Biên bản điều tra tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động;

c.9) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động, Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gửi Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động tới người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân người bị nạn; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, cơ quan bảo hiểm xã hội nơi người lao động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.

d) Thời hạn điều tra thực hiện theo quy định đối với Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

5. Chi phí điều tra tai nạn lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 39/2016/NĐ-CPĐiều 21 Nghị định này.

Điều 19. Điều tra tai nạn lao động xảy ra trong quá trình tham gia giao thông

Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động trong quá trình tham gia giao thông thì Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh quy định tại khoản 3 và Đoàn điều tra cấp cơ sở quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định này tiến hành xác minh, lập biên bản điều tra tai nạn lao động căn cứ vào một trong các văn bản, tài liệu sau đây:

1. Hồ sơ giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông.

2. Văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã (hoặc của chính quyền địa phương) nơi xảy ra tai nạn theo mẫu văn bản xác nhận quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 20. Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo

1. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động, nếu có khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật thì việc điều tra lại tai nạn lao động thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, cơ quan thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo;

b) Trường hợp người khiếu nại, tố cáo không nhất trí với ý kiến trả lời của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết nêu tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền điều tra lại tai nạn lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động để tiến hành điều tra lại tai nạn lao động; đồng thời thông báo bằng văn bản kết quả điều tra lại cho người khiếu nại hoặc tố cáo biết; trường hợp không tiến hành điều tra lại thì phải nêu rõ lý do;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tai nạn và Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh đã điều tra vụ tai nạn lao động có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp trung ương đối với tai nạn xảy ra cho người lao động;

d) Kết luận của Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp trung ương là kết luận cuối cùng.

2. Biên bản điều tra tai nạn lao động trước sẽ hết hiệu lực pháp lý khi biên bản điều tra lại được công bố.

Điều 21. Chi phí điều tra, điều tra lại tai nạn lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Cơ quan có thẩm quyền điều tra, điều tra lại tai nạn lao động, cơ quan cử người tham gia đoàn điều tra, điều tra lại tai nạn lao động chi trả các khoản công tác phí cho người tham gia đoàn điều tra theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, điều tra lại tai nạn lao động chịu trách nhiệm chi trả các chi phí bao gồm: dựng lại hiện trường; chụp, in, phóng ảnh hiện trường và nạn nhân; trưng cầu giám định kỹ thuật, giám định pháp y (khi cần thiết); khám nghiệm tử thi; in ấn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động; phương tiện đi lại tại nơi xảy ra tai nạn lao động phục vụ quá trình điều tra tai nạn lao động; tổ chức cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động và các chi phí hợp lý liên quan đến điều tra tai nạn lao động của người lao động.

3. Các khoản chi phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được hạch toán trong chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị; được thanh, quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Chi phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Điều 22. Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm có:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú;

c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;

d) Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đối với trường hợp chết do tai nạn lao động;

đ) Biên bản điều tra tai nạn lao động;

e) Đơn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người lao động hoặc thân nhân người bị nạn đối với trường hợp tai nạn lao động chết người theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;

g) Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.

2. Trường hợp kết quả giám định lại làm tăng mức suy giảm khả năng lao động được quy định tại khoản 4 Điều 7 của Nghị định này, Hồ sơ đề nghị bổ sung chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm có:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;

c) Đơn đề nghị giải quyết bổ sung chế độ tai nạn lao động của người lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.

Điều 23. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Người lao động hoặc thân nhân người lao động bị nạn nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 22 Nghị định này cho cơ quan bảo hiểm xã hội đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trong thời hạn như sau:

a) 30 ngày, kể từ ngày nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;

b) 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bị chết.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.

Điều 24. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện chậm so với thời hạn quy định

1. Trường hợp vượt quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này, thì người lao động hoặc thân nhân người lao động phải có văn bản nêu rõ lý do, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội cùng với hồ sơ hưởng.

2. Trường hợp vượt quá thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định này, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải trình bằng văn bản cho người nộp hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do.

3. Trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và chi trả tiền trợ cấp chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của bản thân người lao động hoặc của thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động.

Điều 25. Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Hồ sơ, trình tự khám giám định (bao gồm cả giám định lần đầu và giám định lại) mức suy giảm khả năng lao động do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

2. Việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch. Hội đồng giám định y khoa chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả giám định của mình theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 26. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Căn cứ khả năng đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quyết định điều chỉnh mức đóng, việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn về điều tra lại các vụ tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

5. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ hằng năm và đột xuất việc triển khai chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Điều 27. Trách nhiệm của Bộ Y tế

Hướng dẫn về hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Điều 28. Quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Kiểm tra việc đóng, hưởng các chế độ hỗ trợ đối với người lao động.

2. Từ chối yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện không đúng quy định của pháp luật.

3. Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật, quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

4. Yêu cầu điều tra lại các vụ tai nạn lao động.

5. Xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.

6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; hướng dẫn chi tiết các thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

2. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hỗ trợ thông tin phòng ngừa tai nạn lao động và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

3. Đối chiếu người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định này với danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do chính quyền địa phương quyết định công nhận để xác định đối tượng hỗ trợ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng hợp số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, gửi cơ quan tài chính địa phương cùng với số tiền ngân sách hỗ trợ bảo hiểm tự nguyện về hưu trí, tử tuất để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội.

4. Thực hiện việc thu, chi trả hoặc ủy quyền cho tổ chức dịch vụ chi trả các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, ủy quyền thu bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

6. Quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; theo dõi riêng tình hình thu, chi Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

7. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

8. Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cùng với Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

9. Hằng năm, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cùng với bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý, đồng thời gửi cho Sở Lao động - Thương binh và xã hội địa phương.

10. Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo yêu cầu của Đoàn điều tra tra tai nạn lao động, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và người lao động hoặc tổ chức đại diện.

11. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 31 của Nghị định này;

b) Chỉ đạo các cơ quan liên quan lập dự toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của địa phương cho các đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, căn cứ vào số thực hiện trong năm trước liền kề hoặc tương đương với mức hỗ trợ bảo hiểm tự nguyện về hưu trí, tử tuất, đảm bảo tuân thủ theo quy định mọi khoản thu, chi ngân sách phải có dự toán;

c) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trên địa bàn;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp bảo đảm ngân sách để hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho người lao động tham gia theo quy định tại Nghị định này;

đ) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trên địa bàn;

b) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trên địa bàn. Thực hiện khai báo, thành lập Đoàn điều tra tai nạn cấp cơ sở để điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định của pháp luật;

d) Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

đ) Báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Thực hiện khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động theo quy định pháp luật hiện hành; tham gia Đoàn điều tra tai nạn cấp cơ sở để điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này;

b) Cung cấp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm cho cơ quan bảo hiểm xã hội để đối chiếu đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm tai nạn lao động;

c) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra các vụ tai nạn lao động.

3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định của pháp luật.

5. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

6. Báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

7. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Quyền của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Nghị định này.

2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.

3. Nhận chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:

a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;

b) Thông qua tài khoản thanh toán của người lao động mở tại ngân hàng.

4. Ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

5. Được cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

6. Được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại Nghị định này.

7. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Trách nhiệm của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định của Nghị định này.

2. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

3. Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Điều 35. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thành Long

PHỤ LỤC I

MẪU KHAI BÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG
(Kèm theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

….., ngày … tháng ... năm …..

KHAI BÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã....

1. Thông tin về vụ tai nạn:

- Thời gian xảy ra tai nạn:.. giờ ... phút.. ngày ... tháng ... năm ...

- Nơi xảy ra tai nạn:.............................................................................................................

- Tóm tắt diễn biến/hậu quả vụ tai nạn:..............................................................................

..........................................................................................................................................

2. Thông tin về nạn nhân:

- Họ và tên: .............................................................................. Nam/Nữ:...........................

- Ngày tháng năm sinh: .......................................................................................................

- Địa chỉ:.............................................................................................................................

- Số sổ bảo hiểm xã hội:.....................................................................................................

NGƯỜI KHAI BÁO
(Ký, ghi rõ họ tên, quan hệ với người bị tai nạn)

PHỤ LỤC II

MẪU BÁO CÁO NHANH TAI NẠN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÔNG THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG THAM GIA BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG TỰ NGUYỆN
(Kèm theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ/PHƯỜNG....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:…/BC-UBND

…, ngày… tháng … năm …..

Kính gửi:

- Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội………

- Ủy ban nhân dân huyện...

- Công an huyện…………1

1. Thông tin xã/phường:

- Xã/phường nơi xảy ra tai nạn:...........................................................................................

- Địa chỉ:.............................................................................................................................

- Điện thoại:......................................................... Fax:.............................

2. Thông tin vụ tai nạn lao động

- Thời gian xảy ra tai nạn lao động: Giờ.. ..phút... ngày ... tháng .... năm....

- Nơi xảy ra tai nạn lao động:...............................................................................................

3. Sơ lược thông tin nạn nhân

- Họ và tên:......................................................... Nam/Nữ:.................................................

- Ngày tháng năm sinh:........................................................................................................

4. Sơ bộ diễn biến vụ tai nạn lao động:................................................................................

5. Tình trạng thương tích của nạn nhân:................................................................................

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Ký tên, đóng dấu)

______________________________

[1] Chỉ áp dụng trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên.

PHỤ LỤC III

MẪU QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP ĐOÀN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG CẤP CƠ SỞ DÀNH CHO TAI NẠN LAO ĐỘNG XẢY RA NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÔNG THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG THAM GIA BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG THEO HÌNH THỨC TỰ NGUYỆN
(Kèm theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …/QĐ-UBND

…, ngày… tháng … năm … ...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN...

Căn cứ Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động;

Căn cứ Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;

Theo đề nghị của…………

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở của huyện..................................

Gồm các ông, bà có tên dưới đây:

1. Họ tên…………………………..., Chức danh ……..……………………., Trưởng đoàn;

2. Họ tên…………………………..., Chức danh ……..……………………., Thành viên;

3........................................................................................................................................

Điều 2. Đoàn điều tra tai nạn lao động có trách nhiệm tiến hành điều tra vụ tai nạn lao động xảy ra tại…………………………………………..hồi.... giờ .... phút, ngày .... tháng .... năm ....

Điều 3. Các ông, bà có tên tại Điều 1, các cá nhân có liên quan đến vụ tai nạn lao động chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC IV

MẪU BIÊN BẢN LẤY LỜI KHAI
(Kèm theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

ĐOÀN ĐIỀU TRA TNLĐ ....1.....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:…/BB-…….

BIÊN BẢN LẤY LỜI KHAI

Hồi... giờ ... ngày...tháng... năm...

Tại .....................................................................................................................................

Tôi:.............................................................................. ; Chức vụ:...................................... và ông/bà: ; Chức vụ:...............................................

Tiến hành lấy lời khai của:

Ông/bà: ............................................................................................................................. ;

Tên gọi khác:......................................................................................................................

Sinh ngày...tháng...năm....tại:..............................................................................................

Nơi đăng ký thường trú:......................................................................................................

Chỗ ở:................................................................................................................................

Nghề nghiệp:......................................................................................................................

Làm việc tại:.......................................................................................................................

Số chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu, căn cước công dân) số………, cấp ngày....tháng....năm…….Nơi cấp:…………..

Mối quan hệ với người bị tai nạn:........................................................................................

Tư cách người khai: Người bị nạn/người biết sự việc/người có liên quan đến vụ tai nạn lao động.

Ông/bà………………………đã được giải thích quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật và ký tên xác nhận dưới đây:

HỎI VÀ ĐÁP

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

Việc lấy lời khai kết thúc hồi ...giờ ...ngày...tháng ...năm...

Biên bản này đã được đọc lại cho người khai nghe, công nhận đúng và ký tên xác nhận dưới đây.

NGƯỜI KHAI
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN NGƯỜI LẤY LỜI KHAI
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC V

MẪU BIÊN BẢN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG CẤP CƠ SỞ DÀNH CHO TAI NẠN XẢY RA ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÔNG THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG THAM GIA BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG TỰ NGUYỆN
(Kèm theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:…/BB-UBND

…, ngày… tháng … năm …..

BIÊN BẢN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG

...1…..(Nhẹ hoặc nặng)……..

1. Nơi xảy ra tai nạn:

- Tên địa phương xảy ra tai nạn lao động (cấp xã):............................................................

- Thuộc huyện, tỉnh:.............................................................................................................

- Số điện thoại, Fax, E-mail:................................................................................................

2. Thành phần Đoàn điều tra (họ tên, đơn vị công tác, chức vụ của từng người): …………………………………………………………………

3. Tham dự điều tra (họ tên, đơn vị công tác, chức vụ của từng người): ……………………………………………………………………………………..

4. Sơ lược lý lịch những người bị nạn:

- Họ tên:................................................................ ; Giới tính:............................. Nam/Nữ;

- Ngày, tháng, năm sinh:....................................................................................................

- Quê quán:.........................................................................................................................

- Nơi thường trú:.................................................................................................................

- Hoàn cảnh gia đình (bố, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con):....................................................

- Nơi làm việc:....................................................................................................................

- Nghề nghiệp: …………2……………………………………………………………….

- Tuổi nghề:…………………………….(năm); Bậc thợ (nếu có):........................................

- Đã được huấn luyện về ATVSLĐ: có/không.

- Nơi đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện3: …………………………………………………………………………………………

5. Thông tin về vụ tai nạn:

- Ngày, giờ xảy ra tai nạn: Vào hồi... giờ ... phút, ngày ... tháng ... năm...

- Nơi xảy ra tai nạn:.............................................................................................................

- Thời gian bắt đầu làm việc:................................................................................................

- Số giờ đã làm việc cho đến khi tai nạn xảy ra:... giờ ... phút.

6. Diễn biến của vụ tai nạn:................................................................................................

..........................................................................................................................................

7. Nguyên nhân gây ra tai nạn: (trong đó phải xác định rõ tai nạn lao động xảy ra do một trong các nguyên nhân sau: lỗi của người lao động bị nạn; lỗi của người khác; lỗi của cả người lao động bị nạn và người khác; nguyên nhân khác).

8. Kết luận về vụ tai nạn: (là tai nạn lao động hoặc không phải là tai nạn lao động).

9. Kết luận về những người có lỗi, đề nghị hình thức xử lý:......................................

10. Biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn:

- Nội dung công việc:..........................................................................................................

..........................................................................................................................................

- Người có trách nhiệm thi hành:........................................................................................

- Thời gian hoàn thành:........................................................................................................

11. Tình trạng thương tích:

- Vị trí vết thương:...............................................................................................................

- Mức độ tổn thương:.........................................................................................................

12. Nơi điều trị và biện pháp xử lý ban đầu:..................................................................

13. Thiệt hại do tai nạn lao động:

Thiệt hại tài sản/thiết bị: ………………………………….đồng.

CÁC THÀNH VIÊN KHÁC
CỦA ĐOÀN ĐIỀU TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

TRƯỞNG ĐOÀN ĐIỀU TRA
TAI NẠN LAO ĐỘNG
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu (nếu có)

NHỮNG NGƯỜI THAM DỰ
ĐIỀU TRA

(Ký, ghi rõ họ tên)

______________________________

1 Căn cứ danh mục yếu tố gây chấn thương.

2 Ghi tên và mã số nghề nghiệp theo danh mục nghề nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Thống kê.

3 Ghi chi tiết Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội huyện).

PHỤ LỤC VI

BIÊN BẢN CUỘC HỌP CÔNG BỐ BIÊN BẢN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÔNG THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
(Kèm theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN CUỘC HỌP

CÔNG BỐ BIÊN BẢN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG

Vào lúc ………… giờ …… phút, ngày …….. tháng …… năm ………..

Tại......................................................................................................................................

Đoàn điều tra tai nạn lao động tổ chức tiến hành cuộc họp công bố Biên bản điều tra vụ tai nạn lao động.

I. Thành phần tham dự cuộc họp gồm có:

1. Đoàn điều tra tai nạn lao động:............................................................................... 1........

2. Ủy ban nhân dân xã nơi xảy ra tai nạn lao động:...................................... 2.......................

3. Cơ sở (hoặc cá nhân) có liên quan:............................................................. 3...................

II. Nội dung cuộc họp

…………………………………………………………………………………………………………

Cuộc họp kết thúc vào lúc………giờ .... phút cùng ngày, Biên bản đã được đọc lại cho các thành phần dự họp cùng nghe và cùng ký tên dưới đây.

THÀNH VIÊN ĐOÀN ĐIỀU TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

TRƯỞNG ĐOÀN
(Ký, ghi rõ họ tên)

CƠ SỞ (HOẶC CÁ NHÂN)
CÓ LIÊN QUAN KHÁC THAM DỰ HỌP
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI GHI BIÊN BẢN
(Ký, ghi rõ họ tên)

______________________________

1 Ghi họ tên, chức vụ, cơ quan của từng người.

2 Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động.

3 Ghi rõ họ tên của những nạn nhân, người biết sự việc, người có liên quan đến vụ tai nạn lao động.

PHỤ LỤC VII

ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG
(Kèm theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

..., ngày ... tháng... năm……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội....

Thông tin người đề nghị:

- Họ và tên:.........................................................................................................................

- Địa chỉ:.............................................................................................................................

Bằng đơn này tôi đề nghị Bảo hiểm xã hội.... giải quyết chế độ tai nạn lao động cho tôi/thân nhân của tôi bị tai nạn lao động với thông tin như sau:

1. Thông tin về vụ tai nạn:

- Thời gian xảy ra tai nạn:.. giờ ... phút.. ngày ... tháng ... năm ...

- Nơi xảy ra tai nạn:.............................................................................................................

- Tóm tắt diễn biến/hậu quả vụ tai nạn:...............................................................................

..........................................................................................................................................

Đã được điều tra, kết luận theo Biên bản điều tra tai nạn lao động số.... của Đoàn điều tra tai nạn lao động…………

2. Thông tin của người được đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động:

- Họ và tên:.........................................................................................................................

- Năm sinh:………………………., Nam/Nữ:………………………………………………….

- Địa chỉ:.............................................................................................................................

- Số sổ bảo hiểm xã hội:.....................................................................................................

3. Hồ sơ gửi kèm:

- ……….

NGƯỜI ĐỀ NGHỊ
(Ký, ghi rõ họ tên, quan hệ với người bị tai nạn)

PHỤ LỤC VIII

ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG
(Kèm theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

...., ngày... tháng... năm .....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT BỔ SUNG CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội…………….

Thông tin người đề nghị:

- Họ và tên:.........................................................................................................................

- Địa chỉ:.............................................................................................................................

Bằng đơn này tôi đề nghị Bảo hiểm xã hội.... giải quyết bổ sung chế độ tai nạn lao động cho tôi với thông tin như sau:

1. Thông tin về vụ tai nạn:

- Thời gian xảy ra tai nạn:.. giờ ... phút.. ngày ... tháng ... năm ...

- Nơi xảy ra tai nạn:.............................................................................................................

Đã được điều tra, kết luận theo Biên bản điều tra tai nạn lao động số.... của Đoàn điều tra tai nạn lao động………..

2. Thông tin của người được đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động:

- Họ và tên:.........................................................................................................................

- Năm sinh:…………….……………………….., Nam/Nữ:………………..

- Địa chỉ:.............................................................................................................................

- Số sổ bảo hiểm xã hội:.....................................................................................................

- Đã được Bảo hiểm xã hội giải quyết lần đầu theo Quyết định số…………………..ngày ….… tháng …….. năm của Bảo hiểm xã hội ……………………………

3. Hồ sơ gửi kèm:

- ………

NGƯỜI ĐỀ NGHỊ
(Ký, ghi rõ họ tên, quan hệ với người bị tai nạn)

PHỤ LỤC IX

MẪU VĂN BẢN XÁC NHẬN BỊ TAI NẠN TRÊN ĐƯỜNG ĐI VÀ VỀ TỪ NƠI Ở ĐẾN NƠI LÀM VIỆC
(Kèm theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

……, ngày ….. tháng ….. năm ……

VĂN BẢN XÁC NHẬN

Về việc xác nhận bị tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn …..(1)

- Công an xã, phường, thị trấn....(1)

I. THÔNG TIN VỀ NGƯỜI ĐỀ NGHỊ

1. Họ và tên:.......................................................................................................................

2. Ngày tháng năm sinh:.............................................................. Giới tính:......................

3. Địa chỉ nơi cư trú: ..........................................................................................................

4. Điện thoại:......................................................................................................................

5. Số chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu, thẻ căn cước công dân):..............................

Ngày cấp:…………………………. Nơi cấp: ……………………………….

6. Quan hệ với người bị tai nạn:(2):.....................................................................................

..........................................................................................................................................

II. LÝ DO, CĂN CỨ ĐỀ NGHỊ

Tôi xin trình bày sự việc như sau (3):.....................................................................................

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

.......................................................................................................................................... ....

Tuy nhiên, do (4) ………………………nên không có lực lượng cảnh sát giao thông khám nghiệm hiện trường mà chỉ có Ủy ban nhân dân/cơ quan công an trật tự của xã, phường, thị trấn …………………(5) kiểm tra, ghi nhận sự việc.

Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Điều 23 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ, để lập biên bản điều tra tai nạn lao động đối với vụ tai nạn giao thông liên quan đến lao động thì có thể căn cứ vào một trong các văn bản sau đây: Văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn; hoặc văn bản xác nhận bị tai nạn của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn.

III. NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ

Với lý do và căn cứ trên tôi đề nghị quý (6)………………. xác nhận vụ tai nạn nêu trên với các thông tin sau:

1. Thời gian xảy ra tai nạn: ... giờ ... phút... ngày ... tháng …năm ...(7);

2. Nơi xảy ra tai nạn:...................................................................................... (8)

3. Thông tin về người bị tai nạn:

a) Họ và tên:.......................................................................................................................

b) Ngày tháng năm sinh:…………………….Giới tính ………………….

c) Số chứng minh thư (hoặc hộ chiếu, căn cước công dân):.............................................

Ngày cấp:.................................... Nơi. cấp:......................................................

4. Sơ bộ diễn biến vụ tai nạn:

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

5. Tình trạng thương tích của nạn nhân ngay khi xảy ra vụ tai nạn (nếu đã xác định được):

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ tên)

XÁC NHẬN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN/CƠ QUAN CÔNG AN CẤP XÃ

1. Xác nhận về vụ tai nạn (9): xác nhận các thông tin tại đơn đề nghị của ông/bà …………………………………. là (10)…………………………………….…......

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

2. Các ý kiến khác bổ sung khác về vụ tai nạn (nếu có):

..........................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

Nơi nhận:
- ………….;
- Lưu:….

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)

Ghi chú:

(1) Ghi cụ thể theo tên của Ủy ban nhân dân, cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi đã tiến hành kiểm tra, ghi nhận sự việc ngay khi xảy ra (phải phù hợp và thống nhất với nội dung mô tả tại Phần II của đơn đề nghị).

(2) Nếu người viết đơn là người bị nạn thì không cần ghi nội dung này. Nếu người viết đơn là thân nhân người bị nạn thì ghi rõ mối quan hệ với nạn nhân như cha mẹ, anh, chị, em, vợ/chồng, đồng nghiệp,....

(3) Nêu tóm tắt sự việc phù hợp với diễn biến vụ việc nêu tại điểm 4 Phần III của Đơn đề nghị; bao gồm các thông tin cơ bản sau: Công việc, hành động đang tiến hành của người bị nạn khi xảy ra tai nạn; sơ bộ lý do, yếu tố gây ra tai nạn, thương tích hoặc thiệt hại của các bên ngay (nếu đã xác định được ngay khi xảy ra tai nạn) ...

(4) Ghi rõ nguyên nhân không có lực lượng cảnh sát giao thông khám nghiệm hiện trường, chẳng hạn: vụ tai nạn đơn giản, chấn thương nhẹ, do vụ tai nạn xảy ra tại nơi có địa hình hẻo lánh, xa xôi, ít người qua lại...

(5) Ghi rõ tên cơ quan tiến hành kiểm tra, ghi nhận sự việc.

(6) Ghi rõ tên 01 cơ quan (hoặc Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an cấp xã) đề nghị xác nhận (là 1 trong các cơ quan tiến hành kiểm tra, ghi nhận sự việc).

(7) Trường hợp không xác định chính xác thời gian thì ghi khoảng thời gian; từ .... đến...

(8) Ghi cụ thể các thông tin: số nhà, đường phố (hoặc km số... đại lộ), thôn, tổ xóm, xã/phường, thị trấn, quận huyện, tỉnh/thành phố...

(9) Ghi rõ tên của 01 cơ quan xác nhận phù hợp theo đơn đề nghị là Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an cấp xã.

(10) Ghi theo 01 trong 02 trường hợp sau:

- Trường hợp đủ thông tin để xác nhận các nội dung trong đơn đề nghị là đúng sự thật thì ghi “Xác nhận các thông tin tại đơn đề nghị của ông/bà ............................. là đúng sự thật”.

- Trường hợp không đủ thông tin để xác nhận các nội dung trong đơn đề nghị là đúng sự thật hoặc trên thực tế, cơ quan không cử người đến kiểm tra, ghi nhận tại hiện trường ngay khi sự việc xảy ra, thì ghi rõ “Chưa đủ cơ sở xác nhận các thông tin tại đơn đề nghị của ông/bà…………….. là đúng sự thật”, đồng thời nêu rõ lý do hoặc nêu rõ những nội dung chưa chính xác.

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

No. 143/2024/ND-CP

Hanoi, November 1, 2024

DECREE

ON OCCUPATIONAL ACCIDENT INSURANCE IN THE FORM OF VOLUNTARY PARTICIPATION FOR WORKERS WITHOUT EMPLOYMENT CONTRACTS

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Occupational Safety and Hygiene dated June 25, 2015;

At the proposal of the Minister of Labor, Invalids, and Social Affairs;

The Government promulgates a Decree on occupational accident insurance (hereinafter referred to as OAI) in the form of voluntary participation for workers without employment contracts.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



This Decree deals with the benefits of occupational accident insurance in the form of voluntary participation for workers without employment contracts (hereinafter referred to as voluntary OAI); the Voluntary OAI Fund; the applications and procedures for participation and settlement of benefits under voluntary OAI; and the rights and responsibilities of the social security agency, labor management authority, and workers concerning voluntary OAI.

Article 2. Regulated entities

1. Workers subject to this Decree are those aged 15 and above, working without employment contracts, not subject to compulsory social insurance for occupational accidents and diseases, and participating in voluntary OAI (hereinafter referred to as workers).

2. This Decree also applies to agencies, organizations, and individuals related to voluntary OAI.

Article 3. Occupational accidents

Occupational accidents are accidents causing harm to any part or function of the body or resulting in death for workers, occurring during the labor process, associated with the work performed under the occupations and jobs at the time and workplace registered for voluntary OAI as stipulated in Clause 1, Article 14 of this Decree.

Chapter II

VOLUNTARY OAI BENEFITS

Article 4. Voluntary OAI benefits

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Occupational accident allowance.

Article 5. Conditions for receiving voluntary OAI benefits

1. Workers participating in voluntary OAI are entitled to the benefits outlined in Article 4 of this Decree when the following conditions are met:

a) Having a work impairment of 5% or more caused by an occupational accident that occurred during the period of voluntary OAI participation;

b) The case does not fall under the circumstances specified in Clause 2 of this Article.

2. Workers are not eligible for the benefits outlined in Article 4 of this Decree if the accident occurs due to one of the following reasons:

a) A personal conflict between the victim and the perpetrator unrelated to work or labor tasks;

b) The worker intentionally harms their own health;

c) The worker uses narcotic substances, addictive substances in violation of the law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Workers who suffer occupational accidents may proactively undergo an initial or repeat assessment of their degree of work impairment in the following cases:

a) After the initial injury has been treated and stabilized;

b) After the recurrence of an injury has been treated and stabilized;

c) For injuries deemed non-stabilizable by the Ministry of Health, the worker may request assessment before or during the treatment process.

2. The social insurance agency shall cover the assessment fees for workers who proactively undergo an assessment of their degree of work impairment, provided the assessment results meet the eligibility criteria for receiving or increasing voluntary OAI benefits.

3. The timing for covering the assessment fees for eligible cases as stipulated in Clause 2 of this Article shall coincide with the payment of occupational accident benefits as specified in Article 7 of this Decree.

Article 7. Occupational accident allowance

1. Workers with a degree of work impairment ranging from 5% to 100% due to an occupational accident are entitled to a lump sum allowance calculated as follows:

a) A 5% work impairment entitles the worker to three times the minimum monthly wage for Region IV, as stipulated by the Government (hereinafter referred to as "region IV minimum monthly wage").

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) The calculation of the period for the occupational accident benefit outlined in Point b of this Clause is based on the total time the worker has contributed to the Voluntary OAI Fund up to the month immediately preceding the accident. Non-continuous contributions are aggregated, and one year is counted when there are 12 full months of contributions.

d) The lump sum occupational accident allowance specified in this Clause is calculated using the following formula:

Lump sum allowance

=

Allowance based on the degree of work impairment

+

Allowance based on years of contributions to the Voluntary OAI Fund

=

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



+

{0,5 + (t-1) x 0,3} x Lmin

Where:

Lmin: region IV minimum monthly wage at the time of the allowance.

m: degree of work impairment due to the occupational accident (absolute value, 5 ≤ m ≤ 100).

t: Total number of years of contributions to the Voluntary OAI Fund.

Example 1: In August 2024, after participating in voluntary OAI for one month, Mr. A experienced his first occupational accident. After receiving treatment and stabilization, Mr. A underwent his first assessment. In August 2024, the Medical Assessment Council concluded that Mr. A's degree of work impairment due to this accident was 30%. The region IV minimum monthly wage in August 2024 was 3,450,000 VND. The first allowance amount for Mr. A is calculated as follows:

Lump sum allowance

=

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



+

{0,5 + (t-1) x 0,3} x Lmin

=

{3 + (30-5) x 0,3} x 3.450.000

+

{0,5+ (1-1) x 0,3} x 3.450.000

=

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Dependents of workers who die due to occupational accidents are entitled to a lump sum allowance equal to 31.5 times the region IV minimum monthly wage, applicable in the following cases:

a) The worker dies while working due to an occupational accident;

b) The worker dies during the initial treatment period for an occupational accident;

c) The worker dies during treatment for injuries from an occupational accident without an assessment of degree of work impairment.

3. Occupational accident benefits are provided based on the principle that each occupational accident is compensated separately, without accumulating benefits from previous accidents.

4. In cases where a reassessment results in an increased degree of work impairment compared to the previously compensated degree, the worker is entitled to a lump sum supplementary allowance to ensure full compensation corresponding to the additional impairment rating as stipulated in point a, clause 1 of this Article. Lump sum supplementary allowance is calculated using the following formula:

Lump sum supplementary allowance

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Allowance based on the increased degree of work impairment

=

(m1 - m) x 0,3 x Lmin

Where:

Lmin: region IV minimum monthly wage at the time of the allowance.

m1: degree of work impairment due to the occupational accident after reassessment (absolute value, 5 ≤ m ≤ 100).

m: degree of work impairment due to the occupational accident (absolute value, 5 ≤ m ≤ 100).

5. Time of benefit receipt

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) The time of benefit receipt for cases specified in Clause 2 of this Article is determined as the month when the worker passes away.

c) The time of benefit receipt for the case specified in Clause 4 of this Article is determined as the month when the Medical Assessment Council issues its conclusion.

Example 2: In 2027, the injury from Mr. A's first occupational accident recurred (as mentioned in Example 1), and he underwent a re-assessment. In March 2027, the Medical Assessment Council concluded that Mr. A’s degree of work impairment from this accident is 40% (an increase of 10% compared to the first assessment). The region IV minimum monthly wage in March 2027 was 3,850,000 VND. The lump sum supplementary allowance is calculated as follows:

Lump sum supplementary allowance

=

(m1 - m) x 0,3 } x Lmin

=

(40 - 30) x 0,3 x 3.850.000

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



=

11.550.000 (VND)

Chapter III

VOLUNTARY OAI FUND

Article 8. Principles for managing the Voluntary OAI Fund

1. The Voluntary OAI Fund is a part of the Occupational Accident and Occupational Disease Insurance Fund under the Social Insurance Fund, and it is accounted for independently.

2. The management of the Voluntary OAI Fund complies with the regulations on managing the Social Insurance Fund as stipulated in the Law on Social Insurance, the Law on Occupational Safety and Hygiene, and this Decree.

3. The contribution rate for voluntary OAI is based on the region IV minimum wage. The amount of state budget support for voluntary OAI contributions, as stipulated in this Decree, is determined by the Government based on socio-economic conditions and the state budget's capacity during each period.

4. The amount of voluntary OAI allowance is determined based on the degree of work impairment and the duration of participation in voluntary OAI.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Covering benefits under the OAI scheme specified in Article 4 of this Decree.

2. Managing voluntary OAI in accordance with the management expense regulations stipulated in the Law on Social Insurance.

3. Investing to preserve and grow the fund as per the provisions of the Law on Social Insurance.

Article 10. Sources of the Voluntary OAI Fund

1. Contributions from workers participating in voluntary OAI as stipulated in Articles 11 and 12 of this Decree.

2. Earnings from investment activities of the Fund as regulated in the Law on Social Insurance.

3. State budget support.

4. Other lawful revenues.

Article 11. Contribution methods and contribution rates for workers participating in voluntary OAI

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Pay once every six months;

b) Pay once every twelve months.

2. Workers currently participating in voluntary OAI can change their contribution method. Such changes are permitted after completing the previously registered contribution cycle.

3. The contribution rates for voluntary OAI are as follows:

a) A six-month contribution equals 6% of the region IV minimum wage;

b) A twelve-month contribution equals 12% of the region IV minimum wage.

4. The timing for OAI contribution under the methods specified in Clause 1 of this Article is as follows:

a) The first contribution is made immediately upon registration for voluntary OAI;

b) Subsequent contributions are made within 10 days before the current contribution cycle ends.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 12. State support for voluntary OAI contributions for workers without employment contracts

1. Workers without employment contracts who participate in voluntary OAI are eligible for state support for their contributions, based on a percentage of the insurance contribution rate, as follows:

a) 30% support for participants from households classified as poor according to the rural poverty standard;

b) 25% support for participants from households classified as near-poor according to the rural near-poverty standard;

c) 10% support for other workers.

2. Support methods:

a) Workers participating in voluntary OAI who are eligible for support must pay their contribution portion directly to the social security agency or service organization authorized by the social security agency in accordance with the law.

b) Every six or twelve months, the social security agency consolidates the list of eligible beneficiaries, the amount collected from them, and the amount of state budget support. This is done using a form issued by the Vietnam Social Insurance after obtaining agreement from the Ministry of Finance. The consolidated information is then sent to the financial agency to transfer funds to the social insurance fund;

c) The financial agency, based on the local budget management regulations and the consolidated list of participants and state-supported contributions provided by the social security agency, is responsible for transferring funds to the Voluntary OAI Fund every six months. The transfer must be completed by December 31 each year for that year's contributions.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 13. Suspension of voluntary OAI contributions

1. If a worker fails to make the required contribution by the deadline specified in point b, clause 4, Article 11 of this Decree, their participation in voluntary OAI will be considered temporarily suspended.

2. Workers whose contributions are temporarily suspended must re-register their contribution method as specified in Article 17 of this Decree if they wish to resume participation.

Chapter IV

APPLICATIONS, PROCEDURES FOR PARTICIPATION AND SETTLEMENT OF CLAIMS FOR VOLUNTARY OAI BENEFITS

Article 14. Applications for registration of participation and reissuance of social insurance books for workers participating in voluntary OAI

1. The initial application for participation in voluntary OAI is the worker’s Social Insurance participation application form. This must include specific information about the occupation, job, working time, and workplace registered for voluntary OAI participation. Any changes in occupation, job, working time, or workplace must be updated and adjusted as specified in Article 15 of this Decree.

2. Applications for reissuance of the social insurance book in cases of damage or loss include:

a) An application form for reissuance of the social insurance book of the worker;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 15. Adjustment of personal information for voluntary OAI participation

The application for adjusting personal information of workers participating in voluntary OAI includes:

1. An application form for personal information adjustment;

2. The social insurance book;

3. Copies of documents issued by a competent authority and other related documents required for adjusting personal information as per legal regulations.

Article 16. Processing registration and issuance of the social insurance book

1. Workers shall submit applications for registration of participation, reissuance of the social insurance book, or information adjustment as specified in Articles 14 and 15 of this Decree to the social security agency.

2. The social security agency is responsible for issuing the social insurance book within the following timeframes:

a) Within 7 days from the date of receiving complete documents as per regulations for first-time participants in voluntary social insurance;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Within 10 days from the date of receiving complete documents as per regulations for adjustments to social insurance participation information, the social security agency must reissue the social insurance book. If unsettled, the agency must respond in writing, explaining the reason.

Article 17. Procedures for re-registering contribution methods

1. An application for re-registering contribution methods for voluntary OAI includes:

a) The social insurance book;

b) A social insurance participation application form.

2. Processing re-registration of contribution methods for voluntary OAI:

a) Participants in voluntary OAI shall submit the documents specified in clause 1 of this Article to the social security agency;

b) The social security agency is responsible for processing the request on the same day upon receiving complete documents as per regulations. If unsettled, the agency must respond in writing, explaining the reason.

Article 18. Classification, declaration, and investigation of occupational accidents involving workers participating in voluntary OAI

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The declaration of occupational accidents involving workers participating in voluntary OAI is stipulated as follows:

a) When an occupational accident occurs involving a worker participating in voluntary OAI, the affected worker or their relatives must immediately notify the People's Committee of the commune where the accident occurred using the occupational accident declaration form prescribed in Appendix I issued with this Decree;

b) Upon receiving the accident report from the worker or their relatives, the commune-level People's Committee where the accident occurred must promptly notify (directly, via phone, fax, telegram, or email) the Labor Inspectorate of the Department of Labor, Invalids, and Social Affairs, as well as the district-level People's Committee, using the quick report form specified in Appendix II of this Decree. For accidents involving fatalities or serious injuries to two or more workers, the district-level Police must also be notified.

3. Upon receiving a declaration of an occupational accident involving a worker participating in voluntary OAI, the Department of Labor, Invalids, and Social Affairs will establish a provincial-level Occupational Accident Investigation Team (hereinafter referred to as to Investigation Team) investigate cases involving fatalities or serious injuries to two or more workers. The investigation timeline and procedures will comply with Article 35 of the Law on Occupational Safety and Health and Chapter III of Decree No. 39/2016/ND-CP .

4. Upon receiving a declaration of an occupational accident involving a worker participating in voluntary OAI, the district-level People's Committee will establish a grassroot-level Investigation Team to investigate cases involving serious injuries to one worker or minor injuries. The procedures include:

a) The district-level People's Committee must promptly establish a grassroot-level Investigation Team as specified in Appendix III of this Decree. The investigation team consists of a representative from the District Division of Labor, Invalids, and Social Affairs as the team leader, with members including representatives from the District Health Division, the District Labor Union, the District Inspectorate, the People’s Committee of the commune where the accident occurred, and other relevant members;

b) The investigation team performs tasks outlined in Article 12 of Decree No. 39/2016/ND-CP ;

c) The grassroots-level Investigation Team conducts investigations following these processes and procedures:

c.1) Collect traces, evidence, and documents related to the occupational accident. Request the social security agency where the worker is registered for voluntary OAI, as specified in Article 14 of this Decree, to provide the voluntary OAI registration application;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c.3) Propose technical or forensic assessments (if deemed necessary);

c.4) Analyze and conclude on the following: the sequence of events, causes of the occupational accident; conclusions about the accident; degree of violations, and recommended measures for addressing the responsible parties; measures for preventing similar or repeated accidents;

c.5) Prepare the Occupational accident investigation report using the form provided in Appendix V issued with this Decree;

c.6) Organize a meeting and prepare the minutes of the meeting to announce the Occupational accident investigation report, following the form provided in Appendix VI issued with this Decree;

c.7) Participants in the meeting to announce the Occupational accident investigation report include: the Head of the Investigation Team; members of the Investigation Team; the victim or their representative; witnesses or individuals related to the accident;

c.8) Any participant who disagrees with the contents of the Occupational accident investigation report may record their opinions and sign the minutes of the meeting announcing the Occupational accident investigation report;

c.9) Within 3 working days from the date of the meeting to announce the Occupational accident investigation report, the grassroot-level Investigation Team shall send the Occupational accident investigation report and the minutes of the meeting to the injured worker or their representative, the Department of Labor, Invalids, and Social Affairs Inspectorate where the accident occurred, the district-level Division of Labor, Invalids, and Social Affairs Office, and the social insurance agency where the worker is registered for voluntary OAI participation.

d) The investigation timeframe for the grassroot-level Investigation Team is carried out in accordance with the provisions of Article 35 of the Law on Occupational Safety and Health.

5. Expenses for occupational accident investigations are handled as stipulated in Clause 2, Article 27 of Decree No. 39/2016/ND-CP and Article 21 of this Decree.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



In cases where workers suffer occupational accidents while traveling in traffic, the provincial-level Investigation Team as stipulated in Clause 3, and the grassroots-level Investigation Team as stipulated in Clause 4, Article 18 of this Decree shall proceed to verify and prepare an accident investigation report based on one of the following documents:

1. Traffic accident settlement records from the traffic police authority;

2. Confirmation of the accident from the commune-level police authority or local government where the accident occurred, using the confirmation form outlined in Appendix IX of this Decree.

Article 20. Re-investigation of occupational accidents in case of complaints or denunciations

1. Within 90 days from the date the Occupational accident investigation report is published, if a complaint or denunciation is made in accordance with the law, the re-investigation of the occupational accident shall proceed as follows:

a) Within 10 working days of receiving the complaint or denunciation, the authority that established the Investigation Team must review and resolve the issue in accordance with the procedures and authority stipulated in the Law on Complaints and the Law on Denunciations;

b) If the complainant or denouncer disagrees with the response provided by the authority or organization responsible for resolving the issue as stated in Point a of this Clause and continues to file complaints or denunciations, the competent authority shall re-investigate the occupational accident in accordance with Clauses 2 and 3, Article 35 of the Law on Occupational Safety and Hygiene, by establishing an occupational accident investigation team to conduct the re-investigation. A written notification of the re-investigation results will be sent to the complainant or denouncer. If no re-investigation is conducted, the reasons must be clearly stated;

c) The district-level People's Committee where the accident occurred and the provincial-level occupational accident investigation team that conducted the investigation are responsible for providing all documents, items, and means related to the occupational accident to the central-level occupational accident re-investigation team for accidents involving the workers;

d) The conclusions of the Central-level Investigation Team are final.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 21. Costs of investigating and re-investigating occupational accidents for workers participating in voluntary OAI

1. The authority conducting the investigation or re-investigation, or the authority sending representatives to the investigation team, shall cover travel and subsistence allowances for team members as per legal regulations.

2. The district-level People's Committee and competent authorities responsible for investigating and re-investigating occupational accidents shall bear the following costs: reconstructing the accident scene; photographing and printing images of the accident scene and victims; technical and forensic assessments (if required); autopsy costs; printing investigation-related documents; transportation at the accident site to support the investigation process; organizing meetings to announce the investigation report; and other reasonable expenses related to the occupational accident investigation.

3. Expenses stipulated in Clauses 1 and 2 of this Article shall be accounted for in the regular operational budget of the respective organizations and settled in accordance with the Ministry of Finance’s regulations.

4. Re-investigation costs requested by the social security agency shall be handled in accordance with Clause 2(c), Article 56 of the Law on Occupational Safety and Health and relevant guiding documents.

Article 22. Documentation for claiming voluntary OAI benefits

1. The required documents to claim voluntary OAI benefits include:

a) The social insurance book;

b) Hospital discharge papers or a certified extract of the medical records for in-patient treatment of occupational accidents;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) A copy of the death certificate, an extract of the death registration, a notice of death, or a copy of the legally effective court decision declaring the worker deceased in cases of death due to an occupational accident;

dd) Occupational accident investigation report;

e) Application for occupational accident benefits by the worker or their relatives in cases of fatal occupational accidents, as per the form in Appendix VII of this Decree;

g) Original invoices and legally valid documents related to medical assessment expenses.

2. If the re-assessment results in an increased degree of work impairment, as stipulated in Clause 4, Article 7 of this Decree, the documents required for additional voluntary OAI benefits include:

a) The social insurance book;

b) Medical assessment council report on the degree of work impairment;

c) Application for additional occupational accident benefits by the worker, as per the form in Appendix VIII attached to this Decree;

d) Original invoices and legally valid documents related to the costs of the medical assessment.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. The worker or their relatives must submit the required documents specified in Article 22 of this Decree to the social security agency where the worker is registered for voluntary OAI within the following timeframes:

a) Within 30 days of receiving the Medical assessment council report on the degree of work impairment;

b) Within 90 days from the date of death of a worker currently enrolled in voluntary OAI participation.

2. Within 7 working days of receiving the complete documents, the Social security agency must settle the claim for OAI benefits. If the claim is not approved, the agency must issue a written explanation to the applicant, clearly stating the reasons.

Article 24. Delayed resolution of voluntary OAI claims

1. If the claim submission exceeds the timeframes specified in Clause 1, Article 23 of this Decree, the worker or their relatives must provide a written explanation of the delay along with the required documents to the social security agency.

2. If the settlement of claims exceeds the timeframe specified in Clause 2, Article 23 of this Decree, the social security agency must issue a written explanation to the applicant, clearly stating the reasons for the delay.

3. If there is a delay in settling claims or disbursing benefits, resulting in harm to the legal rights and interests of the beneficiary, compensation must be provided in accordance with the law, except in cases where the delay is due to the fault of the worker or their relatives.

Article 25. Documents and procedures for medical assessments of work impairment to settle voluntary OAI benefits

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Medical assessments of degree of work impairment must ensure accuracy, transparency, and fairness. The Medical Assessment Council is responsible for the accuracy of its assessment results as per legal regulations.

Chapter V

IMPLEMENTATION

Article 26. Responsibilities of the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs

1. Based on the capacity to balance the Voluntary OAI Fund, economic and social development conditions, and the state budget capacity in each period, the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs shall propose adjustments to the contribution levels and financial support for voluntary OAI contributions to the Government.

2. Lead and coordinate with relevant agencies to disseminate and promote policies and laws on voluntary OAI, and apply information technology in managing voluntary OAI.

3. Inspect and monitor the implementation of laws on voluntary OAI.

4. Address complaints and denunciations related to voluntary OAI in accordance with the law. Provide guidance for re-investigating occupational accidents involving workers not under employment contracts who participate in voluntary OAI.

5. Report to the Prime Minister on an annual and ad-hoc basis on the implementation of voluntary OAI policies.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



The Ministry of Health shall provide guidance on the documentation and procedures for medical assessments of degree of work impairment to settle OAI claims for workers participating in voluntary OAI.

Article 28. Rights of the social security agency

1. Inspect contributions and benefit entitlements for workers.

2. Deny claims for voluntary OAI benefits that do not comply with the law.

3. Recommend that competent authorities draft, amend, or supplement policies, laws, and regulations for managing and utilizing the Voluntary OAI Fund.

4. Request re-investigations of occupational accidents.

5. Address and recommend handling of violations of laws on voluntary OAI in accordance with the law.

6. Exercise other rights as stipulated by law.

Article 29. Responsibilities of the social security agency

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Coordinate with the Department of Labor, Invalids and Social Affairs to provide information on occupational accident prevention and conduct occupational safety and hygiene training.

3. Verify participants of voluntary OAI, as stipulated in Clause 1, Article 12 of this Decree, against the list of poor and near-poor households approved by local authorities to identify eligible beneficiaries for state support. Summarize the total amount of state budget support for participants and submit it to local financial authorities, along with the funds for voluntary pension and survivorship insurance contributions, to transfer into the social insurance fund.

4. Collect, disburse, or authorize service providers to pay benefits under voluntary OAI; delegate the collection of contributions to authorized social insurance service providers in accordance with the law.

5. Apply information technology in the management of voluntary OAI.

6. Manage and utilize the Voluntary OAI Fund; maintain separate records of revenues and expenditures related to the fund.

7. Organize statistical and accounting activities related to voluntary OAI.

8. Annually, the Vietnam social security agency must report to the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs on the implementation of voluntary OAI; simultaneously, report to the Ministry of Finance on the management and utilization of the Voluntary OAI Fund alongside the mandatory Occupational Accident and Occupational Disease Insurance Fund.

9. Annually, local social insurance agencies must report to the People's Committees at the same level on the implementation of voluntary OAI benefits within their jurisdiction, alongside mandatory occupational accident and disease insurance. Reports should also be sent to the local Department of Labor, Invalids and Social Affairs.

10. Provide complete and timely information on the implementation of voluntary OAI benefits as requested by accident investigation teams, competent management agencies, workers, or their representatives.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



12. Fulfill other responsibilities as prescribed by law.

Article 30. Responsibilities of the People’s Committees at all levels

1. Responsibilities of province-level People’s Committees:

a) Direct the Department of Labor, Invalids and Social Affairs to carry out the tasks specified in Article 31 of this Decree;

b) Direct relevant agencies to prepare budget estimates for local funding to support individuals participating in voluntary OAI. The estimates must be based on the previous year's actual figures or align with the level of support for voluntary pension and survivorship insurance, ensuring compliance with regulations requiring all budget revenues and expenditures to have estimates;

c) Inspect and monitor the implementation of laws on voluntary OAI within the province;

d) The President of the province-level People’s Committee must report to the province-level People's Council to ensure sufficient budget allocation for supporting voluntary OAI contributions for participating workers as stipulated in this Decree;

dd) Fulfill other responsibilities as prescribed by law.

2. Responsibilities of district-level People’s Committees

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Inspect and monitor the implementation of laws on voluntary OAI in the district. Report accidents and establish grassroot-level investigation teams to examine occupational accidents involving workers without employment contracts participating in voluntary OAI, as stipulated in Article 18 of this Decree;

c) Address complaints and denunciations related to voluntary OAI in accordance with the law;

d) Propose to competent authorities the formulation, amendments, and supplementation of policies, laws, and measures to handle violations related to voluntary OAI;

dd) Submit annual and ad hoc reports to the province-level People’s Committee and the Department of Labor, Invalids and Social Affairs as required by law;

e) Fulfill other responsibilities as prescribed by law.

3. Responsibilities of commune-level People’s Committees:

a) Report, compile statistics, and document occupational accidents in accordance with current laws; participate in grassroots investigation teams to examine accidents involving workers without employment contracts who are covered by voluntary OAI, as specified in Article 18 of this Decree;

b) Provide the annual list of poor and near-poor households to the social security agency for verification of eligible beneficiaries and levels of state support for voluntary OAI contributions;

c) Fulfill other responsibilities as prescribed by law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Lead and coordinate with relevant agencies to disseminate and promote policies and laws on voluntary OAI.

2. Lead and coordinate with functional agencies in investigating occupational accidents.

3. Inspect and monitor the implementation of laws on voluntary OAI.

4. Address complaints and denunciations related to voluntary OAI in accordance with the law.

5. Propose to competent authorities the development, amendments, and supplementation of policies, laws, and measures to address violations of voluntary OAI laws.

6. Submit annual and ad hoc reports to the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs and the province-level People’s Committee as required by law. Apply information technology in the management of voluntary OAI.

7. Fulfill other responsibilities as prescribed by law.

Article 32. Rights of workers participating in voluntary OAI

1. Participate in and receive social insurance benefits as stipulated in this Decree.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Receive voluntary OAI benefits fully and promptly through one of the following contribution methods:

a) Directly from the social security agency or a service organization authorized by the social security agency;

b) Via the worker’s bank account.

4. Authorize another person to collect their voluntary OAI benefits.

5. Obtain information from the social security agency regarding contributions and benefits.

6. Receive state financial support for voluntary OAI contributions, as provided by this Decree.

7. File complaints, denunciations, or lawsuits concerning social insurance in accordance with the law.

Article 33. Responsibilities of workers participating in voluntary OAI

1. Pay voluntary OAI premiums in accordance with this Decree.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Safeguard their social insurance book.

Chapter VI

IMPLEMENTATION

Article 34. Entry into force

This Decree comes into force as of January 1, 2025.

Article 35. Responsibilities for enforcement

1. The Minister of Labor, Invalids, and Social Affairs shall guide the implementation of this Decree.

2. The Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, and Presidents of Province-level People’s Committees and relevant organizations and individuals shall implement this Decree./.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Le Thanh Long

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 143/2024/NĐ-CP ngày 01/11/2024 quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


16.130

DMCA.com Protection Status
IP: 18.224.73.107
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!