CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU TIÊU DÙNG, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
TRONG NƯỚC DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ VÀ QUÝ I NĂM 2025
Năm 2024, kinh tế cả nước tiếp tục phục hồi và đạt
được những kết quả tích cực, với sự đóng góp quan trọng của ngành Công Thương
trong việc thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh
tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, lạm phát toàn cầu có nguy cơ tăng
trở lại khi một số nước lớn bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, ngành Công
Thương đã chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để bảo đảm cân đối
cung cầu, bình ổn thị trường và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Nhờ đó, các hoạt
động sản xuất, kinh doanh đã nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau những
khó khăn do thiên tai và biến động thị trường.
Tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 7,09%, vượt mức kỳ
vọng theo kịch bản tăng trưởng năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
tiêu dùng cả năm theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với
cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 5,9% so với năm 2023). CPI
bình quân cả năm 2024 tăng 3,63% so với năm trước, tiếp tục nằm trong giới hạn
chỉ tiêu Quốc hội giao về kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, ngành Công Thương đã
triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại nội
địa, và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, góp phần thúc đẩy tiêu
dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên
tình hình xung đột chính trị leo thang ở nhiều khu vực và những biến động khó
lường của thị trường hàng hóa thiết yếu vẫn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến
thị trường trong nước trong thời gian tới. Để tiếp tục phát huy những thành tựu
đã đạt được, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, và tạo tiền đề cho tăng trưởng mạnh
mẽ hơn nữa trong năm 2025, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công
ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các
phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường, đồng
thời nghiêm túc thực hiện các công việc sau:
1. Sở Công Thương các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
- Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt
hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá
nhiều trên địa bàn. Chủ động triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối
cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn
nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để dự báo nhu cầu tiêu dùng, từ đó xây
dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phù hợp.
- Triển khai thực hiện kế hoạch, phương án chuẩn bị
nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết và các biện pháp bình ổn thị
trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối
các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức
tín dụng trên địa bàn để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đề xuất các chính sách
hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường
khả năng cung ứng, dự trữ hàng hóa.
- Phối hợp với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối
tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn, đồng bộ
trên toàn quốc, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân mua sắm
hàng Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi
số trong các hoạt động thương mại; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa
trên địa bàn ứng dụng công nghệ số để mở rộng thị trường, tăng cường kết nối
cung cầu. Khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử triển khai các chương
trình khuyến mại, giảm giá, đặc biệt trong dịp Tết để kích thích tiêu dùng, áp
dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai các chương trình
ưu đãi khi mua sắm trực tuyến để thúc đẩy tiêu dùng.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết,
dịch bệnh, thiệt hại sau bão, lũ, đánh giá năng lực sản xuất, khả năng khôi phục
sản xuất sau thiên tai để cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu
cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Phối hợp với các địa phương
trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền,
sản phẩm OCOP, nhằm tạo đầu ra ổn định cho người nông dân và đáp ứng nhu cầu
tiêu dùng trong nước.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên
quan, tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung
cấp hàng hóa thiết yếu nhằm tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; phối
hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối
cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền, kết
hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết. Tăng cường tổ chức các hội chợ Xuân, các sự kiện
quảng bá sản phẩm gắn với giá trị văn hóa, truyền thống của Tết Nguyên đán, nhằm
thu hút người tiêu dùng và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
- Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc
vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tổ chức các chương trình
đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chuyến bán
hàng về vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, các khu công nghiệp,
khu chế xuất, để kích cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt chú trọng công tác
cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do thiên tai với số lượng đủ, giá cả
hợp lý, chất lượng bảo đảm.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên
địa bàn dự trữ đầy đủ xăng dầu theo quy định; Có phương án đảm bảo nguồn cung
xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; Phối hợp với các cơ
quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện
các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại
chúng để tuyên truyền sâu rộng về các chương trình bình ổn thị trường, các điểm
bán hàng bình ổn, các chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Đẩy
mạnh truyền thông về các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, các chương
trình khuyến mại lớn, tạo niềm tin và khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng
hàng Việt Nam.
- Phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan
trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu
cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,
hàng kém chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng thiết
yếu phục vụ Tết.
2. Các Tập đoàn, Tổng công ty,
Công ty sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết
a) Đối với các đơn vị sản xuất (Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần
Bia Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt
may Việt Nam...):
- Tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất, cung ứng
hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và Quý I năm 2025, bảo đảm nguồn cung hàng hóa
thiết yếu với giá cả hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có khả năng cạnh tranh
với hàng nhập khẩu. Ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, tiết
giảm chi phí sản xuất. Hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết để
tránh gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng. Giám sát chặt chê việc bán hàng
trong hệ thống phân phối, ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá ảo do các
nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.
- Đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, giảm giá,
kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm sản xuất trong nước. Tăng cường quảng
bá các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử
dụng hàng Việt Nam.
b) Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Chủ động lập phương thức trực vận hành cung cấp
điện, phối hợp với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện
quốc gia (NSMO) huy động các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia để bảo đảm
cung ứng đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và Quý I năm
2025.
- Xây dựng phương án dự phòng để bảo đảm cung cấp
điện ổn định, liên tục, đặc biệt tại các khu vực sản xuất hàng hóa thiết yếu,
các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu vực dân cư đông đúc. Chú trọng
công tác bảo đảm an toàn phòng chống sự cố điện, sự cố cháy nổ do nguyên nhân từ
lưới điện tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.
c) Công ty NSMO: Lập phương án huy động các nguồn
điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện trong dịp Tết
Nguyên đán và Quý I năm 2025, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người
dân.
d) Đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh
thương mại
- Tích cực tham gia các Chương trình bình ổn thị
trường tại địa phương, các hoạt động trong chương trình kích cầu tiêu dùng theo
Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu
tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Tăng cường các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông
sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP.
- Đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, đặc
biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nhằm cung
ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt Nam nói riêng cho người dân.
Tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ cho người dân thuộc diện chính sách,
người dân ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm mọi người dân đều được
tiếp cận hàng hóa chất lượng với giá cả hợp lý.
- Tổ chức các chương trình bán hàng Tết với giá ưu
đãi, giảm giá sâu, kết hợp với các hoạt động khuyến mại tập trung quy mô lớn, tạo
hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân mua sắm hàng hóa Việt Nam.
đ) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu:
- Thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu
thông, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao năm 2025, bảo đảm nguồn
cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân. Không để xảy
ra tình trạng gián đoạn, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.
- Tăng cường kiểm soát chất lượng, giá bán, đo lường
trong hệ thống phân phối, tránh xảy ra tình trạng gian lận trong hoạt động kinh
doanh xăng dầu. Thực hiện nghiêm túc các quy định về thời gian bán hàng tại các
điểm bán lẻ xăng dầu, bảo đảm công tác an toàn phòng chống cháy nổ.
- Các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước bảo
đảm duy trì sản xuất ổn định, cung cấp xăng dầu cho thị trường theo kế hoạch và
hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
3. Các Hiệp hội, ngành hàng
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ,
ngành liên quan:
+ Rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu,
đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Nguyên đán như
thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, quần áo, giày dép và các sản phẩm
tiêu dùng khác. Theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để ứng
phó kịp thời với những biến động bất thường, chủ động đề xuất các biện pháp
bình ổn thị trường khi cần thiết.
+ Phối hợp đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn
cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm hỗ trợ sản xuất,
kinh doanh và lưu thông hàng hóa. Phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ
doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng
cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước. Đề xuất các chính sách hỗ trợ tài
chính, tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp sản
xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.
+ Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng mạng lưới
phân phối, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải
đảo, nhằm bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận hàng hóa chất lượng với giá cả
hợp lý.
+ Tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng theo
Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, như tổ chức các chương trình khuyến
mại tập trung, giảm giá sâu, và các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên:
+ Duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, bảo đảm
cung ứng đầy đủ nguồn hàng hóa cho thị trường. Ưu tiên sử dụng nguyên liệu
trong nước, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm
để tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
+ Chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu,
bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Tăng
cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến và các sản phẩm có thế
mạnh của Việt Nam, đồng thời bảo đảm ưu tiên nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho
thị trường trong nước.
+ Tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá,
kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm sản xuất trong nước. Khuyến khích
các doanh nghiệp thành viên tham gia các chương trình bình ổn thị trường, mở rộng
mạng lưới phân phối hàng hóa đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải
đảo.
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ số và thương mại điện
tử, phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn để quảng bá và tiêu thụ các sản
phẩm Việt Nam chất lượng cao.
4. Các đơn vị thuộc Bộ Công
Thương
a) Vụ Kế hoạch - Tài chính
- Chủ trì, đôn đốc các đơn vị liên quan triển khai
các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01
năm 2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Nghị quyết 02/NQ-CP về những
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực
cạnh tranh quốc gia năm 2025, đặc biệt tập trung vào các giải pháp kích cầu tiêu
dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất,
kinh doanh.
- Đề xuất các chính sách tài chính hỗ trợ doanh
nghiệp, như giảm thuế, phí hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn để tăng khả năng cạnh
tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp
tham gia các chương trình bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng.
b) Vụ Thị trường trong nước
- Theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt
hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên
đán. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương
đánh giá cung cầu các mặt hàng thiết yếu, chủ động đề xuất các biện pháp bảo đảm
cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống
của người dân.
- Thực hiện công tác điều hành giá các mặt hàng do
nhà nước quản lý, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong Ban chỉ đạo điều
hành giá để có giải pháp điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm đạt mục
tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các
thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu thực
hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh xăng dầu, xây dựng kế hoạch bảo đảm
đủ nguồn hàng, tổ chức tốt việc cung ứng xăng dầu liên tục, đáp ứng nhu cầu sản
xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, đôn đốc và tạo điều kiện cho
các địa phương, các doanh nghiệp triển khai Chương trình bình ổn thị trường. Hỗ
trợ các hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác thương mại vùng miền, và triển khai
các giải pháp kích cầu tiêu dùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ
thị số 29/CT-TTg.
- Phối hợp với các địa phương, đơn vị tăng cường tổ
chức các sự kiện xúc tiến thương mại, các hoạt động kết nối cung cầu để thúc đẩy
tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người
Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các chương trình khuyến mại, giảm
giá, và các hoạt động quảng bá sản phẩm Việt Nam chất lượng cao. Khuyến khích
các doanh nghiệp tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng
sâu, vùng xa và hải đảo, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận hàng hóa chất
lượng với giá cả hợp lý.
c) Các Đơn vị: Công nghiệp, Điều tiết điện lực,
Hoá chất, Dầu khí và Than
- Chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý:
+ Duy trì hoạt động sản xuất ổn định các mặt hàng
thiết yếu như thực phẩm chế biến, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo,
xăng dầu, điện, phân bón... để bảo đảm cung ứng đủ và ổn định cho sản xuất và đời
sống nhân dân, đặc biệt trong Tết Nguyên đán.
+ Tăng cường dự trữ nguyên liệu đầu vào và thành phẩm,
bảo đảm nguồn cung liên tục, tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa hoặc gián đoạn
sản xuất trong giai đoạn cao điểm.
+ Đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các
giải pháp tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và giảm chi phí sản xuất. Tập trung
vào việc hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của
hàng hóa sản xuất trong nước.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan:
+ Theo dõi sát diễn biến giá cả nguyên liệu đầu
vào, đặc biệt là các mặt hàng như xăng dầu, phân bón, và nguyên liệu chế biến
thực phẩm, để kịp thời đề xuất các biện pháp điều chỉnh phù hợp, bảo đảm ổn định
giá thành sản phẩm.
+ Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó
khăn về nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu, nhằm bảo
đảm duy trì sản xuất liên tục.
- Tăng cường sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết:
+ Ưu tiên sản xuất các mặt hàng có nhu cầu cao
trong dịp Tết, như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, và thực phẩm chế biến. Đảm
bảo chất lượng sản phẩm, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
trong nước và cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
+ Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất điện và xăng dầu
bảo đảm cung ứng đủ nguồn năng lượng, phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong dịp Tết
Nguyên đán.
- Thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ:
+ Phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng và các
doanh nghiệp phân phối để xây dựng kế hoạch tiêu thụ hàng hóa, bảo đảm lưu
thông thông suốt từ sản xuất đến thị trường.
+ Tăng cường kết nối với các địa phương và doanh
nghiệp phân phối để đưa hàng hóa thiết yếu đến các khu vực nông thôn, vùng sâu,
vùng xa, và hải đảo.
d) Cục Xuất nhập khẩu
- Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu:
+ Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông
sản, đặc biệt là các mặt hàng đến thời kỳ thu hoạch trong giai đoạn cuối năm,
nhằm bảo đảm tiêu thụ hiệu quả và tránh tình trạng dư thừa.
+ Phối hợp với các cơ quan chức năng và Hiệp hội,
ngành hàng để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các vấn đề
liên quan đến thủ tục hải quan, logistics và tiếp cận thị trường quốc tế.
- Ưu tiên bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho
thị trường trong nước:
+ Theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, đặc biệt
là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phân bón và nguyên liệu chế biến thực
phẩm, để kịp thời điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ổn định
cho thị trường trong nước.
+ Phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế
hoạch nhập khẩu hợp lý, bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong
nước, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu
các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, nhằm nâng cao hiệu quả kinh
tế và giảm áp lực tiêu thụ trong nước.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng để giảm chi
phí logistics, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là
các mặt hàng thiết yếu.
đ) Tổng cục Quản lý thị trường
- Triển khai Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian
lận thương mại và hàng giả, trong đó chỉ đạo:
+ Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập
trung vào các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong
dịp Tết như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát,
hoa quả, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, gia súc, gia cầm... và các mặt
hàng thực phẩm tươi sống.
+ Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ, găm
hàng, không niêm yết giá, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập
lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giá, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ và hàng
kém chất lượng.
- Phối hợp với các lực lượng chức năng:
+ Tăng cường phối hợp với Công an, Bộ đội Biên
phòng, Hải quan, tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận
thương mại tại các khu vực biên giới, cảng hàng không, các kho hàng và điểm tập
kết hàng hóa.
+ Tăng cường kiểm tra các sàn thương mại điện tử, bảo
đảm các sản phẩm được kinh doanh trên các nền tảng này đáp ứng đầy đủ các tiêu
chuẩn về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
- Chú trọng kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm
đối với các mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát và thực
phẩm tươi sống, bảo đảm các sản phẩm lưu thông trên thị trường đáp ứng đầy đủ
các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm.
- Giám sát chặt chẽ các hệ thống phân phối, bảo đảm
hàng hóa được cung ứng đầy đủ và bán đúng giá niêm yết, tránh tình trạng đầu
cơ, găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông
tin kịp thời về các biện pháp kiểm soát thị trường, nhằm tạo niềm tin cho người
tiêu dùng và tránh tình trạng hoang mang do tin đồn thất thiệt.
e) Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
- Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi
hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi bị nghiêm
cấm theo quy định của pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng hóa thiết yếu
và dịch vụ có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán; Tăng cường giám sát các hoạt
động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, bảo đảm quyền lợi người
tiêu dùng, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo hoặc cung cấp hàng hóa kém
chất lượng.
- Tập trung giám sát cạnh tranh trong các lĩnh vực
hàng hóa thiết yếu, như thực phẩm, xăng dầu, điện và các sản phẩm tiêu dùng phục
vụ Tết, nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; Phối hợp với các cơ
quan chức năng để kiểm tra, xử lý các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị
trường, liên kết độc quyền hoặc thao túng giá cả, đặc biệt trong các ngành hàng
có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để
tuyên truyền về quyền lợi người tiêu dùng, các quy định pháp luật về cạnh tranh
và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Hỗ trợ người
tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin và giải quyết khiếu nại, đặc biệt là
các vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa và dịch vụ trong dịp cao điểm tiêu
dùng.
g) Cục Phòng vệ thương mại
- Hỗ trợ và hướng dẫn các ngành sản xuất trong nước:
+ Hướng dẫn các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng
về các quy định pháp luật liên quan đến điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ
thương mại, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không
lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu.
+ Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó với các vụ
kiện phòng vệ thương mại: Cung cấp thông tin và tư vấn pháp lý cho các doanh
nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu, để
bảo vệ quyền lợi trong các vụ kiện phòng vệ thương mại quốc tế.
- Đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh:
+ Chủ động phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để
rà soát và đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo đảm nguồn cung ổn định
và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
+ Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để
xử lý các hành vi gian lận thương mại quốc tế, như bán phá giá, trợ cấp không
công bằng, hoặc nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng.
h) Vụ Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà
soát việc chấp hành các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt
là các mặt hàng phục vụ Tết như rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo và sản
phẩm tươi sống.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn
kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm
chi phí sản xuất, và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước;
Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, ưu tiên sử dụng
nguyên liệu trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và bảo đảm nguồn cung ổn
định.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại
các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp
Tết như thực phẩm chế biến, bánh kẹo và đồ uống; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
về chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của người
tiêu dùng.
i) Cục Xúc tiến thương mại
- Đôn đốc các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp
triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường
tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ Tốt Nguyên đán; Hỗ trợ
doanh nghiệp trong việc kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản,
thực phẩm chế biến và các sản phẩm OCOP.
- Phối hợp với các Sở Công Thương và các đơn vị
liên quan tổ chức các hội chợ, triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại
nội địa và các hoạt động kết nối cung cầu, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản
xuất trong nước, trong đó chú trọng quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền
và các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao thông qua các chương trình xúc tiến
thương mại và hội chợ Xuân.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương trong việc
xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm
có tiềm năng xuất khẩu.
- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các nền tảng
thương mại điện tử, tổ chức các chương trình khuyến mại trực tuyến và ứng dụng
công nghệ số trong xúc tiến thương mại, tiếp cận người tiêu dùng. Phối hợp với
các sàn thương mại điện tử lớn để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam, đặc
biệt là các sản phẩm phục vụ Tết.
k) Văn phòng Bộ
- Đầu mối tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện việc
kích cầu tiêu dùng, bảo đảm cung cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và
Quý I năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các
cơ quan truyền thông, báo chí thuộc Bộ để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời,
khách quan, tạo sự đồng thuận của xã hội về công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ
Công Thương trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường và kích
cầu tiêu dùng.
- Tăng cường giám sát và hỗ trợ:
+ Theo dõi sát, đôn đốc tình hình triển khai nhiệm
vụ của các đơn vị thuộc Bộ, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ về những khó khăn, vướng
mắc để có biện pháp xử lý phù hợp.
+ Hỗ trợ các đơn vị trong việc hoàn thiện báo cáo,
bảo đảm nội dung báo cáo phản ánh đúng thực tế và đáp ứng yêu cầu của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ.
I) Các cơ quan thông tin báo chí thuộc Bộ
- Tăng cường thông tin, truyền thông về các chủ
trương, chính sách, quy định của nhà nước liên quan đến sản xuất, kinh doanh
hàng hóa, đảm bảo cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng
thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán; Ngăn chặn tình trạng tin đồn thất thiệt gây rối
loạn thị trường, ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan
truyền thông để tuyên truyền về: Công tác điều hành các mặt hàng thiết yếu theo
quy định của Bộ Công Thương; Các chương trình bình ổn thị trường, chương trình
xúc tiến thương mại trong nước; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng
Việt Nam.”; Các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa và các Hội chợ Xuân;
Tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, và các sản phẩm Việt
Nam chất lượng cao nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
- Phối hợp với các Sở Công Thương, các doanh nghiệp
và các hiệp hội ngành hàng để thông tin kịp thời về tình hình thị trường, giá cả
và các chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng; Hỗ trợ các doanh
nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ Tết,
thông qua các kênh truyền thông chính thống.
- Đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng truyền thông số và
mạng xã hội để lan tỏa thông tin nhanh chóng, hiệu quả về các chương trình bình
ổn thị trường, xúc tiến thương mại và các hoạt động phục vụ Tết; Tăng cường
tương tác với người dân và doanh nghiệp, tiếp nhận và phản hồi kịp thời các ý
kiến, phản ánh liên quan đến thị trường và tiêu dùng.
5. Tổ chức thực hiện
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng
công ty, doanh nghiệp ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực
thuộc Trung ương và Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng chịu trách nhiệm thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc, các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ
đạo.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ
(để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- UBND các tỉnh thành trực thuộc TW (để phối hợp);
- Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN (để phối hợp);
- Sở Công Thương các tỉnh thành trực thuộc TW;
- Tổng Cục Quản lý thị trường;
- Văn phòng Bộ;
- Các Cục: CN, XTTM, HC, XNK, ĐTĐL, PVTM;
- Các Vụ: KHTC, DKT, TTTN, KHCN;
- Ủy ban CTQG;
- Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương;
- Các Hiệp hội: Lương thực, Thép, Phân bón, Gas, Xăng dầu, Bán lẻ;
- Các TĐ, TCT: Dầu khí, Điện lực, Hoá chất, Dệt may; Xăng dầu, Thép, Thuốc
lá, Habeco, Sabeco;
- Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối;
- Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia;
- Lưu: VT, TTTN (Nhungnth).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Diên
|