Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 11/NQ-CP 2022 Chương trình phục hồi kinh tế xã hội Nghị quyết 43/2022/QH15

Số hiệu: 11/NQ-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Lê Minh Khái
Ngày ban hành: 30/01/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/NQ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2022

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Kết luận số 24-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 46/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 669/TTr-BKHĐT ngày 27 tháng 01 năm 2022 và văn bản số 717/BKHĐT-TH ngày 28 tháng 01 năm 2022;

Trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ.

QUYẾT NGHỊ:

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hằng năm và 5 năm 2021-2025.

Triển khai Kết luận số 24-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là Chương trình) và các chính sách chủ yếu thực hiện Chương trình như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN HỖ TRỢ

1. Quan điểm

a) Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023).

b) Điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chỉ tăng bội chi ngân sách nhà nước để tăng chi đầu tư phát triển và bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước khi thực hiện giải pháp miễn, giảm thuế để hỗ trợ Chương trình.

c) Chính sách hỗ trợ Chương trình có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động thúc đẩy cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu.

d) Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, triển khai ngay, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh; trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thì thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn.

đ) Huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; cân đối hợp lý giữa các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách; bảo đảm hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.

2. Mục tiêu

a) Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

b) Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

c) Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Đối tượng, thời gian hỗ trợ

a) Đối tượng hỗ trợ bao gồm:

- Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;

- Các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

b) Thời gian hỗ trợ: chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh

a) Ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023); tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

b) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hướng dẫn và tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thực hiện thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí phù hợp; phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư trong kiểm soát dịch bệnh và thực hiện chính sách.

c) Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

2. Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm

a) Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

b) Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.

c) Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội:

- Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng.

- Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

- Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Việc cho vay để trang trải chi phí học tập thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 và các văn bản liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng.

- Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng.

- Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng.

- Cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay ưu đãi thuộc Chương trình theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý quy định tại quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội.

d) Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022-2023. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng.

đ) Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

e) Đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động; xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực cơ sở tuyến đầu của hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, chăm lo cho các đối tượng bị sang chấn tâm lý, cơ nhỡ và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

g) Trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tổng kinh phí tối đa là 1.000 tỷ đồng.

3. Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

a) Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí:

- Trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

- Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

- Áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2021 và các văn bản có liên quan.

- Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2021.

- Tiếp tục rà soát, giảm các loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

b) Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

c) Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Điều kiện hỗ trợ: Thuộc đối tượng thụ hưởng, đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận.

d) Nghiên cứu giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

đ) Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

e) Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

g) Rà soát, sửa đổi quy định tháo gỡ vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

h) Tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân.

4. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

a) Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; lao động - việc làm; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 02 năm 2022 và 2023, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại tiết đ, mục 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

b) Áp dụng các cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

c) Sử dụng hiệu quả nguồn lực của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet.

5. Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

a) Khẩn trương xây dựng, trình ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV.

b) Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững; khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch và quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

c) Tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.

d) Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

đ) Theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi để đạt được các chỉ tiêu trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; trường hợp có biến động, rủi ro lớn, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cân đối giải pháp tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

III. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Phân bổ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi của Chương trình theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó:

a) Tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước tối đa 240 nghìn tỷ đồng, bao gồm:

- Giảm thuế, phí, lệ phí theo quy định tại tiết a điểm 3 mục II Nghị quyết này tối đa 64 nghìn tỷ đồng.

- Chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển:

Bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19.

Cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 5 nghìn tỷ đồng, bao gồm: (i) Bổ sung cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thực hiện Chương trình theo cơ chế quy định tại Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội; (ii) Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 3 nghìn tỷ đồng theo quy định tại tiết d điểm 2 mục II Nghị quyết này.

Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng.

Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại theo quy định tại tiết c điểm 3 mục II Nghị quyết này.

Cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.

Bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

b) Sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại tiết a điểm 2 mục II Nghị quyết này.

c) Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại tiết b điểm 3 mục II Nghị quyết này khoảng 135 nghìn tỷ đồng.

d) Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2022 tối đa 19 nghìn tỷ đồng để cho vay theo quy định tại tiết c điểm 2 mục II Nghị quyết này.

đ) Sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc - xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết.

e) Sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng tối đa 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

g) Sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Huy động nguồn lực thực hiện Chương trình trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương và khả năng giải ngân để có phương án huy động phù hợp từng thời điểm thông qua các công cụ sau đây:

a) Phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Ưu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bằng nội tệ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm trong 2 năm 2022 và 2023. Trường hợp cần thiết phát hành bằng ngoại tệ, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi triển khai;

b) Vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách;

c) Trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm hoặc các nguồn khác theo quy định; cho phép phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:

a) Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan quy định tại Nghị quyết này; trường hợp cần thiết, chủ động, kịp thời hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.

b) Theo dõi, đánh giá, giám sát kết quả thực hiện Chương trình theo ngành, lĩnh vực quản lý; định kỳ trước ngày cuối tháng 8 năm 2022, tháng 8 năm 2023 và tháng 4 năm 2024 có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình.

c) Đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết này. Khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp tại Nghị quyết này; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin-cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách, giải pháp (nếu cần thiết), trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022 và 2023, báo cáo tổng kết tại kỳ họp giữa năm 2024.

b) Theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các nhiệm vụ giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế.

c) Trong quá trình thực hiện Chương trình, trường hợp cần thiết, đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của từng cấp, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ chi của Chương trình hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội thì báo cáo cấp có thẩm quyền xin chủ trương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

d) Trên cơ sở danh mục dự án tại Báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02 tháng 01 năm 2022, đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, kết quả rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, chịu trách nhiệm tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình; trước ngày 20 tháng 02 năm 2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xem xét, quyết định và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đã đủ thủ tục đầu tư, điều kiện giao kế hoạch vốn, xây dựng phương án phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 cho các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2022.

e) Căn cứ ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao tổng số vốn của Chương trình, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giao bổ sung dự toán và mức vốn đầu tư công năm 2022 cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.

g) Căn cứ khả năng và tình hình thực tế triển khai của các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, đề xuất của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022-2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

h) Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan thực hiện cơ chế đặc thù quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình:

- Ban hành hướng dẫn các bộ, cơ quan xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trong Quý I năm 2022.

- Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

i) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, trong Quý I năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản thống nhất quản lý) trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ Giao thông vận tải. Cơ quan chủ quản quy định tại khoản này được thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc đến khi hoàn thành dự án.

k) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 đối với các dự án giao thông do địa phương quản lý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

l) Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo quy định tại tiết c điểm 3 mục II Nghị quyết này.

3. Bộ Tài chính

a) Chủ trì thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình theo quy định tại điểm 2 mục III Nghị quyết này và thực hiện các giải pháp sau:

- Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, giảm bội chi, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, triển khai hóa đơn điện tử, tận dụng các dư địa tăng thu ngân sách nhà nước, nhất là dư địa tăng thu đối với các giao dịch số xuyên biên giới và các dịch vụ trên nền tảng số đang được cung cấp cho người tiêu dùng tại Việt Nam; thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai.

- Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình; báo cáo cấp có thẩm quyền phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện Chương trình;

- Phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; tích cực rà soát lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội, năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để đề xuất kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp; nghiên cứu có giải pháp huy động nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc huy động vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách.

- Trong trường hợp cần thiết, chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định phương án phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ, phương án huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

b) Sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hằng năm; bảo đảm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nói chung và thuộc Chương trình nói riêng.

c) Theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; trường hợp có biến động, rủi ro lớn, chủ trì báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

d) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đã đủ thủ tục đầu tư, điều kiện giao kế hoạch vốn, xây dựng phương án phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 cho các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2022.

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền việc sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

e) Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với các đối tượng chính sách theo quy định tại tiết c điểm 2 mục II Nghị quyết này trong Quý I năm 2022.

g) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; quy định về giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất theo nội dung tại tiết a và tiết b điểm 3 mục II Nghị quyết này.

h) Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quy định tại tiết c điểm 3 mục II Nghị quyết này.

i) Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong Quý I năm 2022.

k) Rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 15 tháng 02 năm 2022.

l) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cho vay đối với cho vay học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong tháng 02 năm 2022.

m) Khẩn trương sửa đổi các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý tại Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2016 trong Quý I năm 2022 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

b) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

c) Cân đối giải pháp về tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

d) Nghiên cứu thực hiện chính sách kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết.

đ) Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ.

e) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu vắc - xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

g) Trong Quý I năm 2022, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quy định tại tiết c điểm 3 mục II Nghị quyết này; trên cơ sở đó, ban hành Thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện.

h) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trong Quý I năm 2022.

i) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

k) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước trong Quý I năm 2022.

5. Bộ Công Thương

a) Theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại trong nước, xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại, cân đối năng lượng, kịp thời ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp bảo đảm cân đối, hài hòa thương mại hàng hóa, an ninh năng lượng để hỗ trợ cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế.

b) Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ giá điện, tiền điện cho doanh nghiệp, người dân vào thời điểm phù hợp.

c) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc phạm vi quản lý.

6. Bộ Y tế

a) Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, hướng dẫn và triển khai thực hiện các biện pháp y tế, an toàn, phù hợp với tình hình, lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện, bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí phù hợp.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng phương án và lộ trình thực hiện để bảo đảm nguồn cung vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư phòng chống dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả.

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc lĩnh vực y tế, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 15 tháng 02 năm 2022.

7. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với các địa phương có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động theo quy định tại tiết a điểm 2 mục II Nghị quyết này trong tháng 02 năm 2022.

b) Tổng kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đối với chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2022 để xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách này theo quy định tại tiết đ điểm 2 mục II Nghị quyết này.

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 đối với các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm và dự án chuyển đổi số, công nghệ thông tin thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 15 tháng 02 năm 2022.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương có liên quan để ban hành văn bản hướng dẫn trong tháng 02 năm 2022 việc thực hiện cơ chế đặc thù quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

9. Bộ Giao thông vận tải rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 đối với các dự án giao thông thuộc phạm vi quản lý của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 15 tháng 02 năm 2022.

10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 đối với các dự án đầu tư phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai và dự án chuyển đổi số, công nghệ thông tin thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 15 tháng 02 năm 2022.

11. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ động chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng, và xem xét, quyết định theo thẩm quyền kế hoạch mở cửa hoạt động du lịch quốc tế, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật theo lộ trình phù hợp, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

- Rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong phạm vi quản lý và cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 15 tháng 02 năm 2022.

12. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

b) Xây dựng phương án và quyết định theo thẩm quyền về việc hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam trong Quý I năm 2022.

c) Rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong phạm vi quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 15 tháng 02 năm 2022.

d) Chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí và trên hệ thống thông tin cơ sở những kết quả đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, về phòng, chống dịch, hỗ trợ y tế, chính sách an sinh xã hội, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục ý thức, kiến thức và kỹ năng phòng vệ của người dân trước thiên tai, dịch bệnh; thực hiện cung cấp thông tin, kỹ năng, dịch vụ khám, chữa bệnh và y tế dự phòng, trong đó có dịch bệnh COVID-19 cho người dân, địa phương. Phổ biến các mô hình tốt, cách làm hay của quốc tế; kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau; biểu dương, khích lệ kịp thời các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.

đ) Phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thông tin toàn diện về tình hình phòng, chống dịch, kinh tế - xã hội trên các kênh thông tin đối nội và đối ngoại; kịp thời ngăn chặn, phản bác, xử lý nghiêm các thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực, cản trở công tác phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm kết nối trực tuyến để chỉ đạo thông suốt từ Trung ương đến từng xã, phường, thị trấn.

13. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

14. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương sửa đổi Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2016 trong Quý I năm 2022 đối với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

15. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương quy định theo thẩm quyền tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình mở cửa trường học an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập trong Quý I năm 2022.

16. Ngân hàng Chính sách xã hội

a) Khẩn trương triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đối với các đối tượng ưu tiên tại Chương trình. Để phát huy hiệu quả nguồn lực, căn cứ tình hình thực tiễn, Ngân hàng Chính sách xã hội điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn trong năm từ nhiệm vụ có tiến độ thực hiện thấp sang nhiệm vụ có tiến độ thực hiện nhanh hơn và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b) Tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực hiện các chính sách thuộc Chương trình trong 02 năm 2022-2023 và từng năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trước ngày 15 tháng 02 năm 2022. Thực hiện quyết toán cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với Chương trình theo quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

c) Xây dựng Đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, gửi hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh cho Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cấp bảo lãnh Chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức phát hành, quản lý nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo đúng quy định của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

d) Theo dõi riêng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi nêu tại tiết c, điểm 2 mục II Nghị quyết này.

17. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương

a) Triển khai hiệu quả, nhất quán Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023); sử dụng các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động đến sản xuất kinh doanh; thực hiện các phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến khác nhau của dịch nhằm duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh có dịch.

b) Đẩy mạnh rà soát kỹ lưỡng, đề xuất tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã ban hành; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với hồi phục nhanh và phát triển bền vững.

c) Các địa phương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vào thời điểm phù hợp; bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách của Chương trình thuộc trách nhiệm ngân sách địa phương mình quản lý.

d) Chủ động xây dựng các giải pháp, chính sách cụ thể của ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững.

đ) Tăng cường khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạch định chính sách; xây dựng Chính phủ điện tử; cải cách thủ tục hành chính.

e) Đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng kế hoạch phòng chống, kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện; chuẩn bị phương án trong tình huống khẩn cấp và xấu nhất, không để bị động, bất ngờ, ảnh hưởng năng lực đối phó. Phát huy sức mạnh của người dân, hệ thống chính trị cơ sở trong tổ chức thực hiện phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

g) Căn cứ nhiệm vụ, dự án dự kiến đầu tư từ Chương trình tại Báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ, chủ động rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để tổng hợp theo yêu cầu; đối với các dự án chuyển đổi số, công nghệ thông tin, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 02 năm 2022.

- Về giải ngân vốn đầu tư công: (i) Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án thuộc Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan; (ii) Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; (iii) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; (iv) Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; (v) Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; (vi) Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra; (vii) Kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; (viii) Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; (ix) Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng.

- Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, địa phương: (i) Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương mình; (ii) Phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân, thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; (iii) Tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Không để tình trạng đầu tư công chậm trễ, kéo dài, kém hiệu quả trong khi nguồn lực hạn chế, dư luận bức xúc, quan tâm.

h) Định kỳ hằng Quý, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ đầu tư tính đến thời điểm báo cáo và tổng hợp nhu cầu giải ngân vốn trong Quý tiếp theo, gửi Bộ Tài chính để lập kế hoạch huy động vốn sát với thực tế, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

i) Triển khai hiệu quả, kịp thời các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh các dự án đầu tư công thuộc Chương trình, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

k) Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách; bảo đảm công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện.

18. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chủ động, tích cực hơn nữa để thông tin kịp thời, chuẩn xác, toàn diện về tình hình đất nước, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, kết quả thực hiện Chương trình.

19. Chính phủ đề nghị:

a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

b) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tăng cường giám sát, phối hợp đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình, đồng thời phản bác các tin giả, xấu độc, xuyên tạc về phòng, chống dịch bệnh để tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong Nhân dân; thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt tình hình, đề xuất giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

c) Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024.

20. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tích cực, chủ động triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết này; trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh vướng mắc, báo cáo, đề xuất kịp thời, đầy đủ với các cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

GOVERNMENT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 11/NQ-CP

Hanoi, January 30, 2022

 

RESOLUTION

ON SOCIO-ECONOMIC RECOVERY AND DEVELOPMENT PROGRAM AND IMPLEMENTATION OF RESOLUTION NO. 43/2022/QH15 OF NATIONAL ASSEMBLY ON FISCAL AND MONETARY POLICIES FOR SUPPORTING THE PROGRAM

GOVERNMENT

Pursuant to the Law on Governmental Organization dated June 19, 2015; Law on amendments to the Law on Governmental Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to Conclusion No. 24-KL/TW dated December 30, 2021 of the Politburo on Socio-Economic Recovery and Development Program;

Pursuant to Resolution No. 43/2022/QH15 dated January 11, 2022 of the National Assembly on fiscal and monetary policies for supporting Socio-economic recovery and development program; Resolution No. 46/2022/QH15 dated January 11, 2022 of the National Assembly on the first extraordinary meeting of the 15th National Assembly;

At the request of the Minister of Planning and Investment in document No. 669/TTr-BKHDT dated January 27, 2022 and document No. 717/BKHDT-TH dated January 28, 2022;

On the basis of the result of election of Government’s members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



From the beginning of 2020, COVID-19 has complicated developments, comprehensively impacts our economy and severely affects many areas of social life and the ability to implement goals, targets and tasks of socio-economic development annually and in 5 years 2021-2025.

Implementing Conclusion No. 24-KL/TW dated December 30, 2021 of the Politburo, Resolution No. 43/2022/QH15 dated January 11, 2022 of the National Assembly, to partly bring the economy overcome difficulties soon, catch pace with the global economic recovery process and at create a foundation and favorable conditions for socio-economic development for the whole period of 2021-2025 and the following years, improve efficiency , labor productivity, competitiveness, internal capacity and autonomy in the medium and long term, the Government unanimously directed all levels, central authorities and local authorities to focus on implementing the and socio-economic Development and Recovery Program (hereinafter referred to as “the Program”) and the main policies to implement the Program as follows:

I. VIEWPOINTS, OBJECTIVES, OBJECTS AND TIME

1. I. VIEWPOINTS

a) Complying with the Communist Party's guidelines and orientations, the National Assembly's Resolutions, maintaining the macroeconomic stability, improving the productivity, quality, effectiveness, competitiveness, self-control and adaptability of the economy, promptly meeting the immediate and long-term socio-economic development requirements, closely linking with the socio-economic development plan in the five-year period of 2021 – 2025, the annual socio-economic development plans, the economic restructuring plan for the period of 2021 – 2025, the plan for national finance, loaning and repayment of public debts in the period of 2021 – 2025, the medium-term public investment plan for the period of 2021 – 2025 and the anti-COVID program (2023 – 2023).

b) Flexibly operating and closely, harmoniously and effectively cooperating in fiscal, monetary and other macro policies; strictly controlling inflation, ensuring major balances of the economy; only increasing the State budget deficit to increase expenditure on development investment and ensuring the State budget balance when implementing tax exemption and reduction solutions to support the Program.

c) Policies on support for the Program are large enough to stimulate both the demand and the supply; are targeted and determined to support proper entities to solve urgent problems, avoid spreading and wastefulness of resources associated with responsibilities of Ministries, central authorities, local authorities and relevant organizations and individuals, especially their heads.

d) Policies and solutions must be feasible, prompt, effective and must be implemented within 2 years 2022 and 2023 with an appropriate roadmap in order to improve the capacity of preventing and combating COVID-19, recovering and developing socio-economic activities; resources for disbursement and quick absorption; in case of necessity to amend, supplement or promulgate new legal documents, the simplified order and procedures shall be implemented.

dd) Mobilizing, allocating, managing and using resources in an effective manner; ensuring the rational balance between regions, areas and entities given priority; easily implementing, examining, supervising and assessing; preventing negative practices, corruption, groups of benefits or policy beneficiaries; ensuring effectiveness, fairness, publicity and transparency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Restoring and rapidly developing business and production, stimulating growth motives, giving priority to several important industries and fields, striving to achieve objectives in the 2021 – 2025 period: the average GDP growth rate will be 6.5 – 7%/year, the public debt indicators will be below the warning level that the National Assembly gives its permission to achieve by the National Assembly's Resolution No 23/2021/QH15, the unemployment rate in urban areas is below 4%; maintaining the macro-economic stability and ensuring the major balances in medium and long term.

b) Reducing costs, supporting cash flow, ensuring the proactiveness and creating favorable conditions for enterprises, economic organizations and people.

c) Effective preventing and controlling of COVID-19; ensuring social security and people's life, especially workers, the poor, weak people and people heavily affected by COVID-19; ensuring national defense, security, social order and safety.

3. Beneficiaries and duration

a) Entities eligible for support (beneficiaries) include:

- People, workers affected by the COVID-19;

- Enterprises, cooperatives and household businesses;

- Industries and fields creating motives for recovery and development of the economy.

b) Duration of support is mainly in a 2-year period of 2022-2023; Some policies may be prolonged or their resources may be added depending on developments of the epidemic.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Open the economy in association with investment in improving the health capacity and Covid-19 prevention and control

a) Promulgate and effectively and promptly implement the anti-covid Program (2022-2023); continue to guide and implement the roadmap for reopening tourism and air transport, art, culture and entertainment in association with assurance of disease-free status.

b) Continue reviewing, adjusting and supplementing regulations on guiding and intensifying organization of implementation, examination, supervision and uniformly implementing regulations on workers movement, goods and service circulation and safe production, maintaining stable and continuous operation with proper capacity and costs; bring into play the effectiveness of the population database in epidemic control and implementation of policies.

c) Concentrate on speeding up the implementation and disbursement of investment projects on building, renovating and upgrading medical treatment facilities in necessary places, concentrate on raising the quality and effectiveness of services of the foundation health system; increase preventive medicine capacity and regional disease control centers; increase the anti-covid capacity of central institutions and hospitals in association with training and raising the quality of human resources in healthcare, domestic production of vaccines and drugs for COVID-19 treatment to meet requirements for COVID-19 prevention and control.

2. Ensure social security and employment support

a) Support three months rents for workers who are working in labor relations, renting houses/ accommodation or working in industrial parks, export processing zones or key economic zones, of which the support level is VND 1 million/month for workers who return to work and VND 500.000/month for workers who are working in enterprises. Implementation duration is within the first 6 months of 2022.

b) Continue reviewing, studying and adopting policies to promptly support people and workers who face difficulties caused by COVID-19.

c) Effectively implement policies on preferential loans by Vietnam Bank for Social Policies:

- Policy on loans applied for job creation, maintenance and extension as prescribed in Decree No. 61/2015/ND-CP dated July 9, 2015, Decree No. 74/2019/ND-CP dated September 23, 2019 and relevant documents. The total loan capital is up to VND 10.000 billion.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Policy on loans applied for purchase of computers, online learning equipment and cover for learning costs for pupils and students. Policy on loans applied for job creation, maintenance and extension as prescribed in Decree No. 61/2015/ND-CP dated July 9, 2015, Decree No. 74/2019/ND-CP dated September 23, 2019 and relevant documents. The total loan capital is up to VND 3.000 billion.

- Policy on loans applied for execution of the national target Program for socio-economic development in ethnic minority and mountainous areas for the period of 2021-2030 under Resolution No. 88/2019/QH14 and the Resolution No. 120/2020/QH14 of the National Assembly. The total loan capital is up to VND 9.000 billion.

- Policy on loans applied for non-public preschools or primary schools that are suspended for at least 01 month to meet anti-covid requirements. The total loan capital is up to VND 1.400 billion.

- Policy on subsidy on interest rate and management cost of up to VND 2.000 billion to arrange concessional loan under the Program according to the mechanism for subsidization of interest rates and management cost specified in the Vietnam Bank for Social Policies’ financial management regulation.

d) Support loan interest of 2% in the 02-year period of 2022-2023 for loans with interests of more than 6% per year disbursed by the Vietnam Bank for Social Policies in the period of 2022-1013. Total interest support capital is up to VND 3.000 billion.

dd) Continue refinancing to the Bank for Social Policies for lending to employers for payment of furlough and production recovery wages and ensuring its feasibility and quick implementation.

e) Invest in reinforcing the connection between the national labor supply and demand on the online foundation to serve the job consultancy and recommendation and labor supply; building, renovating, upgrading, expanding and modernizing vocational training and job creation facilities, especially a high quality college, and carrying out the digital transformation in the field of occupational education; raise capacity of first-line facilities in the system of social assistance facilities to care for people undergoing traumatic events, street homeless people and vulnerable people affected by COVID-19.

g) Equip tablet computers according to the “Sóng và máy tính cho em” Program from the Vietnam Public-Utility Telecommunication Service Fund (VTF), ensuring publicity, transparency, proper entities and efficient use. Total funding is up to VND 1.000 billion.

3. Support recovery of enterprises, cooperatives and household businesses

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- In 2022, a 2% VAT reduction applies to certain groups of goods and services which were previously subject to 10% VAT (to 8%) for business facilities using VAT credit-invoice method and a 20% reduction in the percentage used as the basis for VAT calculation applies to business facilities, business households and individuals using the VAT direct method, except for some groups of goods and services such as telecommunications, information technology, operation of finance, banking, securities, insurance, real estate business, metals, prefabricated metal products, mining products (excluding coal mining), coke, refined petroleum, chemical products, goods and services subject to excise tax.

- 50% reduction in environmental protection tax on aviation fuel is applied according to Resolution No. 13/2021/UBTVQH15 dated December 31, 2021 of the Standing Committee of National Assembly.

- Include contributions and donations of enterprises and organizations to Covid-19 prevention and control activities in Vietnam in deductible expenses of the tax year 2022..

- 30% reduction in land rent and water surface rent in 2022 is applied to organizations, units, enterprises, households and individuals that are directly leasing land from the State under decisions or contracts or certificates of land use rights and rights to ownership of house and other properties associated with the land issued by competent state authorities via the method of land lease with annual rental payment and have to suspend production or business due to COVID-19.

- The export and import tax rates are prescribed in Decree No. 101/2021/ND-CP dated November 15, 2021 and relevant documents.

- 50% deduction of the registration fee for domestically manufactured and assembled motor vehicles is applied according to Decree No. 103/2021/ND-CP dated November 11, 2021.

- Continue reviewing and deducing fees and charges in order to support and solve difficulties caused by the COVID-19 to affected entities.

b) Extend deadlines for payment of corporate income tax, personal income tax, value-added tax, excise tax and land rent in 2022.

c) Support interest of 2% per year in the 2-year period of 2022-2023 via the commercial bank system to enterprises, cooperatives and business households which are capable of repaying debts and recovering in aviation, warehousing transport; tourism, accommodation, food and drink, education and training; agriculture, forestry and fisheries; processing and manufacturing industry (including machinery, equipment, medicines, pharmaceuticals and herbal materials); software production; computer programming and related activities; information services; loans on renovation of old condominiums, construction of social houses and houses for purchase, lease and lease-purchase by workers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Research in maintaining the maximum rate of short-term capital used for medium- and long- term loans, reasonably calculating the reserve requirement, carrying out the open market operation, refinancing, instructing credit institutions to continue to reduce the operation cost to reduce the loan interest by 0.5% - 1% in the 2-year period of 2022 - 2023, especially in the prioritized sectors.

dd) Continue restructuring time limit for debt payment, exempt or reduce loan interest and keep intact debt groups for customers affected by COVID-19, closely monitor developments of economy, monetary market to have suitable solutions to support for enterprises, the people and ensure safety for operation of system of credit institutions.

e) Increase in authorized capital by using net profits after taxes and after setting funds aside for the period of 2021 – 2023 for joint-stock commercial banks more than 50% of charter capital of which is held by the State, and by using the state budget allocation for the Bank for Agriculture and Rural Development.

g) Review and amend regulations on solving difficulties in regulations on disbursing and managing the science and technology development fund of enterprises; facilitate technological innovation, technology incubation, science and technology enterprise incubation, commercialization of findings on scientific research and technological development applicable to enterprises; reverse engineering; purchase equipment, machinery and raw materials for innovating technology and directly serving business operation of enterprises.

h) Continue researching in deduction from electricity and water charges for enterprises and people.

4. Invest in development of infrastructure

a) Concentrate capital on important and urgent projects which have great pervasive influence, have capability of quick disbursement and absorption in the economy, are conformable with the planning, effectively use capital sources, ensure capital balance to complete projects in the period of 2022 – 2025; prioritize support for site clearance for some new projects which have significance with socio-economic development.

Strive to complete soon the entire eastern North-South expressway, roads linking the northern mountainous region and the Central Highlands with Central Vietnam, express ways in the southeastern region and the Mekong River delta; transport infrastructure linking regions, seaports, border gates, industrial parks and clusters; digital transformation; healthcare and social infrastructure; labor-employment; river bank and coast landslide prevention and control, reservoir safety assurance, adaptation to climate change and remedies for consequences of natural disasters.

Selection and allocation of funds to projects of the Program must ensure that funds of the Program are disbursed in the 2-year period of 2022-2023, adhere to the principles and criteria specified in point dd1.2 clause 1 Article 3 of the National Assembly's Resolution No. 43/2022/QH15.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Effectively use resources of the VTF to invest in developing telecommunication and internet infrastructures.

5. Reform institutions, reform administration and improve investment and business environment

a) Promptly formulate and submit for promulgation according to schedule, ensure quality of documents elaborating and guiding implementation of Laws and Resolutions in the second meeting and the first irregular meeting of the 15th National Assembly.

b) Continue reviewing and removing institutional, structural, policy-related and regulatory barriers to business and production; accelerate the roadmap to reduce and simplify administrative procedures and improve business environment and investment climate; strengthen the handling of administrative procedures on the online foundation; continue studying and implementing breakthrough solutions, encouraging innovation, digital transformation and developing digital economy, green economy and circular economy in association with sustainable development; promptly research and remove difficulties related to structure, policies, laws, planning and land fund related to social housing and workforce housing.

c) Concentrate on raising capabilities of state management, social governance, qualifications and capabilities of officials at all levels; intensify supervision and examination and strictly handle violations.

d) Synchronously and flexibly regulate monetary policy tools, closely cooperate with fiscal policy and other macro-economic policies in supporting actively the process of recovering and developing economy and society but not be subjective with inflation risk, maintain macro-economic stability and credit institution system safety.

dd) Strictly monitor macro indicators to have promptly solutions to ensure macroeconomic stability and major balances, especially the inflation rate and bad debt ratio; strive to increase revenues, save expenditures, reduce budget deficit to achieve targets specified in the Plan on National Finance, public debt loan and repayment for the 5-year period of 2021-2025; in case of fluctuations or major risks, promptly report to competent authorities for consideration and decision. Balance the Program's monetary measures with general plan on restructuring banks under special control.

III. RESOURCES FOR IMPLEMENTATION OF THE PROGRAM

1. Allocate resources for implementation of disbursement tasks of the Program according to regulations prescribed in Article 3 of Resolution No. 43/2022/QH15 of the National Assembly. To be specific:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Reduce up to VND 64.000 billion of tax, fees and charges as prescribed in point 3a section II hereof.

- Directly disburse up to VND 176.000 billion from the state budget to invest in development of:

Set up to VND 14.000 billion to invest in building, renovating and upgrading medical treatment facilities in necessary places, raise the service quality of the foundation health system; increase preventive medicine capacity and regional disease control centers; increase the anti-covid capacity of central institutions and hospitals in association with training and raising the quality of human resources in healthcare, domestic production of vaccines and drugs for COVID-19 treatment.

Grant up to VND 5.000 billion to the Vietnam Bank for Social Policies, including: (i) Supplement interest rate and management costs of up to VND 2.000 billion to implement the concessionary loan policy to execute the Program according to the structure specified in the Regulation on financial management of the Vietnam Bank for Social Policies; (ii) support the interest rate (2%/year) of up to VND 3.000 billion as prescribed in point 2d section II hereof.

Invest in building, renovating, upgrading, expanding and modernizing vocational training facilities, social support facilities and job creation facilities of up to VND 3.150 billion.

Support the interest rate (2%/year) of up to VND 40.000 billion via the commercial bank system as prescribed in point 3c section II hereof.

Grant the authorized capital of up to VND 300 billion to the Tourism Development Fund.

Supplement up to VND 113.550 billion of investment capital of the state budget to develop infrastructure: traffic, information technology, digital transformation, prevention and control of river shore and sea shore erosion, assurance about safety of reservoirs, adaptation to climate change and remedy for disasters.

b) Use about VND 6.600 billion of the revenue growth and expenditure saving resources of central government budget in 2021 to support rents to workers according to point 2a section II hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Increase the government guarantee limit for domestic bonds of the Vietnam Bank for Social Policies of up to VND 38.400 billion, including VND 19.000 billion in 2022 for loans under point 2c section II of this Resolution.

dd) Use up to 46.000 billion of other legal financial sources to import vaccines, treatment medicines and medical equipment and supplies for prevention and control of COVID-19 in necessary cases.

e) Use about VND 5.000 billion of the Vietnam Public-Utility Telecommunication Service Fund for development of telecommunications and Internet infrastructure, of which VND 1.000 billion will be used to equip tablet computers to execute the “Sóng và máy tính cho em” program.

g) Use about VND 5.000 billion for technological innovation, technology incubation, science and technology business incubation, commercialization of findings on scientific research and technological development; technology decryption; acquisition of equipment, machinery and raw materials for technological innovation to serve business/production of enterprises.

2. Mobilize resources to execute the Program on the basis of making the most use of available resources, revenue growth and expenditure saving sources of the central government budget and disbursement capacity to make appropriate plans for mobilizing sources by time-period via:

a) Issuance of Government bonds, assurance about the principle of close cooperation in the administration of monetary policy, fiscal policy and other macro policies, maintenance of stability of macro-economy, financial and monetary market and assurance about major balances; adaption to the solvency, disbursement and absorption ability of the economy to ensure the effectiveness and avoid waste. Priority is given to domestic issuance of Government bonds in local currency, average duration of bonds may be shorter than 9 years in the 02-year period of 2022 - 2023. In case of necessity to issue foreign currencies, the Government shall report such to competent authorities for consideration and decision before applying them;

b) Official development assistance (ODA) loans, external concessional loans in the form of budget balance;

c) Loan from other appropriate lawful financial sources and repayment of them when having financial sources in the annual financial-state budget plan or other financial sources as prescribed in necessary cases; permission to directly issue Government bonds to the State bank of Vietnam.

IV. ORGANIZING IMPLEMENTATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Focus on the implementation of relevant tasks and solutions prescribed in this Resolution; proactively and promptly provide specific instructions for implementation in case of necessity.

b) Monitor, evaluate and supervise results of implementation of the Program by sectors and fields under their management; before the end of August 2022, August 2023 and April 2024, periodically submit reports to the Ministry of Planning and Investment for aggregation and submission to the Government and the Prime Minister and the National Assembly on the results of implementation of the Program.

c) Raise awareness of their responsibilities, especially responsibilities of heads for controlling and directing organization of implementation of contents and policies prescribed in this Resolution. Expeditiously work out specific programs and action plans and direct authorities, units, officials, public employees and employees under their management to implement these programs and plans; properly guide, disseminate and mobilize the business community and people to implement mechanisms, policies and solutions specified in this Resolution; eliminate bureaucracy, harassment of the people and enterprises; take the initiative in cooperating with relative ministries and authorities in solving arising problems. Regularly supervise, inspect and urge implementation and have strictly handling measures for collectives and individuals causing difficulties and harassing the people and enterprises, stagnating and lacking responsibilities in implementation of their assignments.

2. The Ministry of Planning and Investment shall

a) Monitor, consolidate and evaluate results of implementation of the Program, propose revisions to policies and solutions (if necessary), present them to Government and Prime Minister for consideration and decision, report them to the National Assembly in the final sessions of 2022 and 2023 and generally report in the mid-year session of 2024.

b) Strictly monitor the situation of implementation and promptly report it to the Government and Prime Minister, propose tasks and solutions to maintain stability of macro-economy and major balances of the economy.

c) In the period of implementation of the Program, in necessary cases, as for contents under competence of each authority, take charge and cooperate with the Ministry of Finance and relevant ministries and authorities, report these cases to the Government and Prime Minister to adjust flexibly among expenditure tasks of the Program or report them to competent authorities for consideration and decision; in urgent cases, in the recess of two National Assembly sessions, report these urgent cases to competent authorities for submission to the National Assembly Standing Committee for consideration, decision and report them to the National Assembly in its nearest session.

d) On the basis of the list of projects specified in Report No. 01/BC-CP and Statement No. 02/TTr-CP dated January 02, 2022, reported to the National Assembly by the Government in the first irregular meeting session of the 15th National Assembly, results from review and proposals of ministries, central and local authorities, be responsible for compiling lists of tasks, projects and plans for capital allocation in the 02-year period of 2022-2023 and in each year 2022 or 2023 of the Program; before February 20, 2022, report them to the Prime Minister for considering, deciding and authorizing the Minister of Planning and Investment to inform the overall capital amount, detailed list and estimated capital amounts for each task and project of each Ministry, central or local authority as the basis for expeditious completion of investment procedures as prescribed.

dd) Take charge and cooperate with the Ministry of Finance in compiling tasks and projects of the Program that have completed investment procedures, conditions for assigning capital plans and developing plans for allocation and estimate of the state budget for 2022 expenditure tasks of the Program, and report them to the Government and the Prime Minister in the first quarter of 2022

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) On the basis of actual capacity and situation of implementation of tasks and projects of the Program, proposals of Ministries, central and local authorities, take charge and cooperate with the Ministry of Finance in developing plans for flexibly adjusting public investment capital sources of the Plan for medium-term public investment in the period of 2021-2025 and public investment capital sources of the Program in the period of 2022-2023, report them to the Government and the Prime Minister for consideration and decision within their competence.

h) Take charge and cooperate with relevant ministries and authorities in implementing particular mechanisms prescribed in Article 5 of Resolution No. 43/2022/QH15 of the National Assembly on appointment of contractors in 2022 and 2023 for consultancy contract packages and serving contract packages for relocation of technical infrastructure, contract packages for compensation, site clearance and relocation, contract packages for construction and installation of national important projects and major and urgent projects on traffic and healthcare infrastructure of the Program:

- Supply instructions to ministries and authorities for considering and deciding cases of direct appointment of contractors under competence of ministries and authorities in the first quarter of 2022.

- Verify and appeal to the Prime Minister for considering and deciding cases of direct appointment of contractors under competence of the Prime Minister.

Contractors shall execute contract packages prescribed in this clause until completing their projects Procedures for implementation of direct appointment of contractors shall be prescribed by laws on bidding.

i) Take charge and cooperate with the Ministry of Transport in appealing to the Prime Minister in the first quarter of 2022 for consideration of and decision to decentralization of the People's Committees of provinces having sufficient capacity and experience to manage and having written proposals to be a governing body implementing expressway sections under the form of public investment going across provinces that the Program is executed (except for the Eastern North – South expressway project in the period of 2021 – 2025 under the management of the Ministry of Transport acting as the governing body) on the basis of use of the maximum capacity of the Ministry of Transport. The governing body prescribed in this clause may implement expressway sections until completing its project.

k) Take charge and cooperate with the Ministry of Transport and local authorities in reviewing and developing the list and estimated capital amounts of the Program allocated to each task or project in the 02-year period of 2022-2023 and in each year of the period for traffic projects under management of local authorities, report the Government and Prime Minister considering and deciding under their competence.

l) Cooperate strictly with the State Bank of Vietnam in developing and appealing to the Government to promulgate a Decree on guidelines for implementation of interest support from the state bank for enterprises, cooperatives and household businesses in some industries or fields prescribed in point 3c section II hereof.

3. The Ministry of Finance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The Ministry of Finance shall strictly manage revenues, strive to increase revenues, reduce budget deficit, thoroughly economize state budget expenditure, especially public service expenditure with investment nature; accelerate the tax reform, prevention of loss of revenues, transfer of pricing, tax evasion, reduction of tax arrears; modernize tax system, customs, state treasury, implement electronic invoices, take advantage of the surplus of state budget revenue growth, especially the surplus of revenue growth for cross-border digital transactions and digital services provided for consumers in Vietnam; withdraw the regular expenditures that are slow to be allocated and implemented.

- The Ministry of Finance shall flexibly use appropriate mechanisms, policies and instruments to mobilize more internal and external resources to execute the Program; report plans for increase of excise taxes for some goods that need to limit consumption to competent authorities to be promptly applied in the period of implementation of the Program;

- The Ministry of Finance shall cooperate with ministries, central and local authorities in boosting the equitization and divestment of state capital in state-owned enterprises; actively reviewing non-state budget financial funds, sources of capital from trade unions and socio-political organizations, the investment capacity of State Capital and Investment Corporation (SCIC) to propose appropriate capital raising and use plans; doing researches on solutions for raising capital entrusted from local government budget to VBSP.

- The Ministry of Finance shall take charge and cooperate with the Ministry of Planning and Investment, appeal to the Prime Minister to decide the raising of ODA capital and external concessionary loan in the form of budget support.

- The Ministry of Finance shall take charge and cooperate with the State Bank of Vietnam in reporting in reporting competent authorities deciding plans for issuing Government bonds in foreign currency and plans for mobilizing from other appropriate lawful financial sources; submit them to the Prime Minister for consideration of and decision on directly issuing Government bonds to the State bank of Vietnam.

b) Flexibly use capital sources mobilized for the Program and capital sources mobilized under the 5-year and annual plan on national finance, public debt loan and payment; ensure sufficient and prompt allocation of funds for expenditure tasks of the state budget in general and of the Program in particular.

c) Strictly monitor criteria in the plan on national finance, public debt loan and payment for the 05-year period of 2021-2025; In cases of big fluctuations or risks, assume reporting and present reports to the Government or the Prime Minister to promptly report competent authorities considering and deciding.

d) Cooperate with the Ministry of Planning and Investment in compiling tasks and projects of the Program that have completed investment procedures, conditions for assigning capital plans and developing plans for allocation and estimate of the state budget for 2022 expenditure tasks of the Program, and report them to the Government and the Prime Minister in the first quarter of 2022.

dd) Take charge and cooperate with the Ministry of Health and the State Bank of Vietnam in reporting the use of other legal financial sources to import vaccines, treatment medicines and medical equipment and supplies for prevention and control of COVID-19

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Appeal to the Government and Prime Minister to promulgate documents elaborating implementation of tax exemption or reduction policies under Resolution No. 43/2022/QH15; prescribing reduction of land rent and extension of tax and land rent payment duration according to points 3a and 3b section II hereof.

h) Cooperate strictly with the State Bank of Vietnam in developing and appealing to the Government to promulgate a Decree on guidelines for implementation of loan interest support from the state bank for enterprises, cooperatives and household businesses in some industries or fields prescribed in point 3c section II hereof.

i) Take charge and cooperate with the State Bank of Vietnam and relevant authorities in appealing to the Government to promulgate a Decree on guidelines for implementation of interest support for the VBSP in the first quarter of 2022.

k) Review and develop a list and estimated capital amount of the Program allocated to each task or project in the 02-year period of 2022-2023 and in each year of the period under its management and submit them to the Ministry of Planning and Investment for consolidation before February 15, 2022.

l) Take charge and cooperate with the Ministry of Education and Training and relevant authorities, appeal to the Prime Minister to promulgate a Decree on student loan to buy computer serving online learning due to the COVID-19 in February 2022.

m) Promptly amend contents in fields of its management prescribed in Circular No. 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC dated June 28, 2016 in the first quarter of 2022 to promptly resolve difficulties during the period of use of Science and Technology Development Funds of enterprises.

4. The State Bank of Vietnam shall

d) Synchronously and flexibly regulate monetary policy tools to partly maintain macro-economic stability, control inflation and ensure credit institution system safety and support actively to socio-economic recovery and development; implement solutions to handle bad debts of the credit institution system.

b) Direct credit institutions to continue to reduce the operation cost to strive to reduce the loan interest by 0.5% - 1% in the 2-year period of 2022-2023, especially for prioritized fields.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Research in implementing policies on extension of duration of restructuring deadlines for debt payment, loan interest deduction or exemption and retention of debt categories for borrowers affected by COVID-19 in necessary cases.

dd) Properly regulate currency, closely cooperate in fiscal policy, enable the issuance of Government bonds and enable credit institutions to invest continually in Government bonds.

e) Cooperate with the Ministry of Finance and the Ministry of Health in using other lawful financial sources to meet needs for importing vaccines, curative medicines, medical equipment and supplies for the prevention and control of COVID-19.

g) In the first quarter of 2022, take charge and strictly cooperate with the Ministry of Finance and the Ministry of Planning and Investment in appealing to the Government for promulgating a Decree guiding implementation of loan interest rate assistance from the state budget for enterprises, cooperatives and business households according to point 3c section II hereof; and, on that basis, issue a Circular guiding commercial banks to implement this Decree.

h) Take charge and cooperate with relevant ministries and central authorities in appealing to the Government to promulgate a Decree on preferential credit policies for implementation of the national target program for socio-economic development in ethnic minority and mountainous areas for the period of 2021-2025 in the first quarter of 2022.

i) Take charge and cooperate with the Ministry of Finance in appealing to the Prime Minister to consider and decide plans for increasing the charter capital from profits after tax and after allocating funds for the 2021 – 2023 period to joint-stock commercial banks that more than 50% of the charter capital of which is held by the State.

k) Take charge and cooperate with the Ministry of Finance in appealing to the Government to review and report plans for increasing the charter capital of the Bank for Agriculture and Rural Development from the state budget in the first quarter of 2022 to the National Assembly.

5. Ministry of Industry and Trade

a) Closely monitor domestic trade, import and export and trade balance, balance energy, promptly promulgate or propose competent authorities to issue solutions to balance and harmonize goods trade and energy security in order to assist economic recovery and development.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Cooperate with the Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs in reviewing and formulating lists and expected capital amounts of the Program allocated to each task and project in the 2-year period of 2022-2023 and in each year of the period under its management.

6. Ministry of Health

a) Closely and effectively cooperate with ministries, central and local authorities in continually reviewing, instructing and implementing medical measures in a safe manner and in conformity with the reality and roadmap for opening tourism and air transportation, entertainment, cultural and art services in association with the disease-free assurance; review, revise and supplement regulations on instructing and strengthening inspection, supervision and organization of implementation, ensure the consistent implementation of provisions on movement of employees, circulation of goods and services, safe production and continually and stably maintenance of operations with the appropriate capacity and cost.

b) Take charge and cooperate with authorities in developing plans and implementation roadmaps for assurance about the supply of vaccines, curative medicines and equipment and supplies for the prevention and control of COVID-19 in a prompt and effective manner.

c) Take charge and cooperate with ministries, central and local authorities in reviewing and formulating lists and expected capital amounts of the Program allocated to each health task and project in the 2-year period of 2022-2023 and in each year of the period, and send them to the Ministry of Planning and Investment for aggregation before February 15, 2022.

7. Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs

a) Take charge and cooperate with relevant local authorities in formulating and appealing to the Prime Minister to promulgate a decision on rent support for employees as prescribed in point 2a section II hereof in February 2022.

b) Make a summary and assessment of policies on assisting the people and employees affected by the Covid-19 epidemic; propose and report them to competent authorities for consideration and continued implementation of prompt assistance policies for the people and employees affected by the Covid-19 epidemic. For policies on assistance with loan and payment of furlough salary, pay salary for production recovery to employees, carry out an assessment of the implementation result, report it to the Prime Minister in February 2022 for review and further implementation of these policies in accordance with point 2d section II hereof.

c) Take charge and cooperate with ministries, central and local authorities in reviewing and formulating lists and estimated capital amounts of the Program allocated to each task and project in the 2-year period of 2022-2023 and in each year of the period applicable to facilities of social assistance, training, vocational training and job creation, and projects on digital transformation and information technology under their management, and send them to the Ministry of Planning and Investment for consolidation before February 15, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. The Ministry of Transport shall review and develop lists and estimated capital amounts of the Program allocated to each task and project in the 2-year period of 2022-2023 and in each year of the period applicable to traffic projects under its management, and send them to the Ministry of Planning and Investment for aggregation before February 15, 2022.

10. c) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall take charge and cooperate with ministries, central and local authorities in reviewing and formulating lists and estimated capital amounts of the Program allocated to each task and project in the 2-year period of 2022-2023 and in each year of the period applicable to projects on investment in prevention and control of riverbank and seashore landslides, assurance about reservoir safety, adaptation to climate change and natural disaster recovery, and digital transformation and information technology projects under their management, and submit them to the Ministry of Planning and Investment for consolidation before February 15, 2022.

11. Ministry of Culture, Sports and Tourism

- Actively take charge and cooperate with the Ministry of Health, ministries, local authorities in formulating, considering and deciding plans on opening international tourism, entertainment, cultural and art services under their competency according to a proper and safe roadmap.     

- Review and develop lists and estimated capital amounts of the Program allocated to each task and project in the 2-year period of 2022-2023, and in each year of the period under its management of digital transformation and information technology, allocate charter capital to the Tourism Development Assistance Fund, and send them to the Ministry of Planning and Investment for consolidation before February 15, 2022.

12. Ministry of Information and Communication

a) Take charge and cooperate with the Ministry of Education and Training and relative ministries, central and local authorities in equipping tablet computers according to the Program “Sóng và máy tính cho em” from the Vietnam Utility Telecommunications Service Fund.

b) Formulate plans and decisions within its competence on assistance in development investment of telecommunications and Internet infrastructure from the Vietnam Utility Telecommunications Service Fund in the first quarter of 2022.

c) Review and develop lists and estimated capital amount of the Program allocated to each task and project in the 02-year period of 2022-2023 and in each year of the period under its management of digital transformation and information technology and submit them to the Ministry of Planning and Investment for consolidation before February 15, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Cooperate with the Central Propaganda Commission in directing comprehensive information about the prevention and response to epidemics and socio-economic development via domestic and foreign communication channels; promptly prevent, respond to, and take strict actions against the information that is harmful, false, incite, and negatively affect the prevention and control of epidemics, recovery and socio-economic development. Ensure online connection for thorough direction from the central government to each commune, ward and town.

13. The Ministry of Construction shall take charge and cooperate with the State Bank of Vietnam, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Vietnam Bank for Social Policies, and other ministries, central authorities and local authorities in focusing on solving problems in mechanisms, policies, laws, effectively implementing policies to support social housing, housing for workers; renovating and rebuilding old apartments.

14. The Ministry of Science and Technology shall promptly amend contents in fields of its management prescribed in Circular No. 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC dated June 28, 2016 in the first quarter of 2022 to promptly resolve difficulties during the period of use of Science and Technology Development Funds of enterprises.

15. The Ministry of Education and Training shall take charge and cooperate with the Ministry of Health and local authorities in prescribing standards, requirements and procedures for opening schools in a safe, scientific, appropriate and effective manner under their competence; take charge and cooperate with the Ministry of Finance and Vietnam Bank for Social Policies and relative authorities in appealing to the Government of Vietnam to promulgate a Decision on requirements, procedures and loan interest rate for non-public primary school and pre-schools in the first quarter of 2022.

16. The Vietnam Bank for Social Policies

a) Expeditiously execute concessional loan programs for priority entities of the Program. For the purpose of effectively promoting resources, and on the basis of the reality situation, the Vietnam Bank for Social Policies shall flexibly adjust annual capital sources from tasks with low implementation progress to tasks with faster implementation progress and have comprehensive responsibility before the Government of Vietnam and the Prime Minister of Vietnam.

b) Summarize funding demands for subsidization of interest rates and management cost to implement policies of the Program in the 2-year period of 2022-2023 and in each year of the period, submit the Ministry of Planning and Investment to consolidate before February 15, 2022. Implement finalization of the interest offset and management cost for the Program under policy management regimes for Vietnam Bank for Social Policies.

c) Develop Projects on issuance of Government-guaranteed bond, submit an application for issuance of guarantee to the Ministry of Finance in order to appeal to the Prime Minister of Vietnam to approve and issue the Government guarantee to Vietnam Bank for Social Policies and organize issuance and management of the capital source for issuance of Government-guaranteed bond according to regulations of laws on issuance and management of the Government guarantee and Resolution No. 43/2022/QH15 of the National Assembly.

d) Separately monitor outstanding loans of preferential credit programs mentioned in point 2c section II of this Resolution.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Effectively and consistently execute the Program on COVID-19 prevention and control (2022-2023); flexibly and effectively apply anti-covid measures to reduce effect on production and business; carry out production and business methods which are safe and adapt to different disease situations to thoroughly maintain production and business amid the Covid-19 epidemic.

b) Strengthen thorough review and propose removal of institutional barriers and legal regulations that hinder production and business; accelerate the roadmap for cutting, simplifying administrative procedures, improving the business investment environment issued; strengthen settlement of administrative procedures on the online platform; research and implement breakthrough solutions, encourage innovation, digital transformation, digital economy, green economy, circular economy associated with rapid recovery and sustainable development.

c) Local authorities shall study and propose competent authorities to continue supporting enterprises and people at appropriate times; allocate funds to implement policies of the Program under their management of local budgets.

d) Proactively develop specific solutions and policies of industries, fields and regions in order to quickly recover and sustainably develop the economy.

dd) Strengthen exploitation of national databases on population for policy-making purposes; build e-government; carry out administrative reform.

e) Provide training in improving capacity of state management, social administration, and qualifications, capacity of officials; develop a plan for disease prevention, control and adaptation, regularly inspect and supervise the implementation; prepare plans for the most urgent and worst situations, avoid being passive and unexpected, to affect to the response capacity. Promote strength of the people and grassroots political system in organizing prevention and control of natural disasters and epidemics.

g) On the basis of the tasks and projects expected to be invested from the Program in Report No. 01/BC-CP and Submission No. 02/TTr-CP dated January 2, 2022 of the Government of Vietnam, actively review and develop lists and estimated capital amounts of the Program for each task or project in the 02-year period of 2022-2023 and each year of the period under their management, send them to ministries of management of industries and fields for consolidating as required; for projects on digital transformation and information technology, submit them to the Ministry of Planning and Investment before February 15, 2022.

- Regarding disbursement of public investment capital: (i) Expeditiously complete investment procedures for projects of the Program in accordance with the Law on Public Investment and relevant laws; (ii) Speed up the progress of site clearance, promptly remove difficulties related to land and natural resources; (iii) Urge and speed up the progress of construction; carry out commissioning, make payment documents as soon as the volume is available; (iv) Review and transfer capital plans from projects with low disbursement progress to projects with faster disbursement progress and lack of capital; (v) Establish a working group to promote capital disbursement in each ministry, authority and region in order to urge, inspect, supervise and handle bottlenecks in disbursement of public investment capital; (vi) Review responsibilities of the concerned collectives, heads and individuals in case the disbursement plan is not completed according to the set schedule; (vii) Resolutely fight stagnation, strictly handle negative cases in public investment; (viii) Conduct online bidding according to regulations, ensure publicity and transparency, select qualified contractors; (ix) Strictly handle cases that contractors violate the progress and quality of their contracts.

- Heads of ministries, central and local authorities: (i) Take full responsibility before the Government and the Prime Minister for results of urging, inspecting and organizing the disbursement of public investment capital of the ministries, authorities and their regions; (ii) Assign specific leaders of authorities and units directly taking charge and directing the disbursement, regularly check progress in the field, promptly remove difficulties for each project; (iii) Organize weekly briefings with governing bodies and investors on the implementation of projects and the disbursement of public investment plans. Do not let the public investment be delayed, prolonged or inefficient while resources are limited and public opinion is pressing and concerned.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i) Effectively and promptly implement specialized mechanisms to speed up the public investment projects of the Program, ensure publicity, transparence and prevention of negativity, corruption and waste.

k) Strengthen inspection and supervision, promote prevention and control of negativity, corruption and waste, prevent acts of negativity, corruption and self-profit of policy; ensure publicity and transparence in organizing implementation.

18. Vietnam Television, Voice of Vietnam and Vietnam News Agency shall be more proactive and active to promptly, accurately and comprehensively provide information on the country's situation, policies on support for enterprises and people and results of the implementation of the Program.

19. The Government of Vietnam proposes:

a) The Standing Committee of National Assembly, Ethnic Minority Council and Committees of the National Assembly, Delegations of the National Assembly, members of the National Assembly, the People's Councils of provinces or central-affiliated cities, Vietnam Fatherland Front, member organizations shall, within the ambit of their duties and powers, supervise the implementation of this Resolution.

b) The Central Committee of the Vietnam Fatherland Front, the Vietnam Confederation of Trade and Industry, the Vietnam General Confederation of Labor, socio-political organizations, socio-professional organizations shall strengthen supervision and cooperation in urging, inspecting and evaluating the implementation of the Program, and reject fake, malicious and distorting news on epidemic prevention and control to create consensus and trust among the people; regularly research, grasp the situation, propose solutions to support, remove difficulties for enterprises.

c) The State Audit Office of Vietnam shall organize annual audits of the implementation of the Program, ensure fast, effective, public and transparent implementation, prevention of negativity, corruption, group interests, and report the National Assembly at the last session of 2022, 2023 and the middle session of 2024.

20. Ministers, heads of ministerial authorities, governmental authorities, presidents of the people's committees of provinces of central-affiliated cities, presidents of members' councils, general directors of state-owned corporations shall be directly responsible before the Government and Prime Minister for active and proactive implementation and implementation results of this Resolution; promptly and fully report difficulties arising during the implementation period to competent authorities according to regulations./.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



ON BEHALF OF. GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Le Minh Khai

 

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình do Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


61.515

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.114.8
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!