Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 58/2018/NĐ-CP bảo hiểm nông nghiệp

Số hiệu: 58/2018/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 18/04/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp năm 2018

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp.

Theo đó, mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với các đối tượng là lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau; trâu, bò , lợn, gia cầm; tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra được quy định như sau:

- Hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo;

- Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm đối với:

+ Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo;

+ Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tập trung, quy mô lớn, có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.

Ngoài ra, Nghị định còn đưa ra quy định cụ thể đối với các loại rủi ro được bảo hiểm hỗ trợ, cụ thể:

- Rủi ro thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, mưa lớn, lũ, … (thiên tai phải được công bố và xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

- Rủi ro dịch bệnh:

+ Dịch bệnh động vật: bao gồm các loại dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản;

+ Dịch hại thực vật;

Xem chi tiết tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/6/2018.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH

VỀ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp).

2. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm), doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên mua bảo hiểm nông nghiệp là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm nông nghiệp có thể đồng thời là người được bảo hiểm nông nghiệp.

2. Người được bảo hiểm nông nghiệp là tổ chức, cá nhân có đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

3. Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

4. Đồng bảo hiểm nông nghiệp là việc hai hay nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng tham gia giao kết hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm để bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm nông nghiệp với cùng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm.

5. Tái bảo hiểm nông nghiệp là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhận một khoản phí bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm khác để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.

Điều 4. Các loại hình bảo hiểm nông nghiệp

1. Bảo hiểm đối với rủi ro định danh, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho tổn thất thực tế do các rủi ro được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp gây ra.

2. Bảo hiểm mọi rủi ro, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho tổn thất thực tế do mọi rủi ro gây ra, trừ các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

3. Bảo hiểm đối với tổn thất về thu nhập, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường chi phí sản xuất nông nghiệp để bù đắp cho tổn thất do các rủi ro được bảo hiểm gây ra theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

4. Bảo hiểm theo chỉ số năng suất, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo mức sụt giảm năng suất thực tế của một khu vực địa lý (huyện, xã,...) theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.

5. Bảo hiểm theo chỉ số thời tiết, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo biến động của chỉ số thời tiết (mưa, gió, hạn hán, ngập lụt, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần...) theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.

6. Bảo hiểm theo chỉ số viễn thám, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo sự biến động của chỉ số viễn thám theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.

7. Các loại hình bảo hiểm nông nghiệp khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

Điều 5. Nguyên tắc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

1. Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.

2. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Mục 1. QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỰC HIỆN BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Điều 6. Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp

1. Ngoài các nội dung theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận cụ thể và ghi rõ tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp các nội dung sau:

a) Tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân và đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

b) Cách thức xác định số tiền bảo hiểm.

c) Các trường hợp áp dụng mức miễn thường, giảm trừ số tiền bồi thường (nếu có).

d) Công tác giám định tổn thất; cơ quan, tổ chức giám định tổn thất; chi phí giám định tổn thất.

đ) Xác định sự kiện bảo hiểm, căn cứ bồi thường; các trường hợp bồi thường căn cứ vào công bố hoặc xác nhận thiên tai, dịch bệnh của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; các trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, thỏa thuận cụ thể về các chỉ số có liên quan trực tiếp đến tổn thất của đối tượng bảo hiểm, cơ quan, tổ chức xác định mức độ chênh lệch chỉ số thực tế so với chỉ số được bảo hiểm; cách thức xác định số tiền bồi thường.

e) Hình thức bồi thường; hồ sơ bồi thường (trong đó thỏa thuận cụ thể các tài liệu bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm); thời hạn bồi thường.

g) Trách nhiệm của các bên trong công tác kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Nghị định này.

h) Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong việc thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (nếu có).

2. Hợp đồng bảo hiểm giao kết giữa tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Điều 7. Đồng bảo hiểm nông nghiệp

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo phương thức đồng bảo hiểm nhằm phân tán, chia sẻ rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh.

2. Trường hợp thực hiện đồng bảo hiểm nông nghiệp:

a) Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp phải ghi rõ tên và tỷ lệ đồng bảo hiểm của từng doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm; tên doanh nghiệp bảo hiểm giữ vai trò đầu mối thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải cùng chịu trách nhiệm về những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với bên mua bảo hiểm.

b) Doanh nghiệp bảo hiểm giữ vai trò đầu mối có trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến việc giao kết hợp đồng bảo hiểm và thay mặt các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm khác giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

Điều 8. Tái bảo hiểm nông nghiệp

1. Trường hợp tái bảo hiểm trong nước, doanh nghiệp tham gia nhận tái bảo hiểm phải bảo đảm:

a) Đáp ứng các yêu cầu về vốn, biên khả năng thanh toán và tuân thủ các quy định về nhận tái bảo hiểm theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Có chương trình tái bảo hiểm nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.

2. Trường hợp tái bảo hiểm ra nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật về tái bảo hiểm ra nước ngoài.

Điều 9. Bồi thường bảo hiểm nông nghiệp

1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện giải quyết bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.

2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của đối tượng bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm dựa trên sự thay đổi của chỉ số thực tế so với chỉ số đã được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.

3. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều 10. Giải quyết tranh chấp

1. Tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp trước hết được giải quyết trên cơ sở thương lượng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp không giải quyết được bằng thương lượng, các bên liên quan có quyền đưa vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam để giải quyết theo quy định pháp luật.

Điều 11. Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp

1. Doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, các quy định pháp luật có liên quan và thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trước khi triển khai.

2. Trường hợp thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp trước khi triển khai. Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp

1. Giải thích và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp khi bên mua bảo hiểm xác nhận đã hiểu rõ các nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp.

2. Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm nguyên tắc số đông bù số ít và chủ động thực hiện phân tán, chia sẻ rủi ro thông qua các phương thức đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm nông nghiệp.

3. Chủ động thực hiện kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.

4. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, kịp thời cử cán bộ tiếp cận đối tượng bảo hiểm và hướng dẫn người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp hạn chế tổn thất (nếu có). Chi trả các chi phí cần thiết, hợp lý để hạn chế tổn thất.

5. Tổ chức công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất công khai, minh bạch theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật. Trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, thu thập công bố, xác nhận của cơ quan chức năng về sự kiện bảo hiểm (nếu có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm); tổ chức công tác xác định mức độ chênh lệch chỉ số thực tế so với chỉ số được bảo hiểm đã thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

6. Trường hợp xác định tổn thất thuộc trách nhiệm bồi thường, cử cán bộ hướng dẫn người được bảo hiểm các hồ sơ, tài liệu cần cung cấp để phục vụ công tác giải quyết bồi thường.

7. Trả tiền bồi thường đầy đủ cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.

8. Thực hiện các trách nhiệm khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp

1. Bảo đảm có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm theo quy định pháp luật.

2. Cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm (bao gồm cả trường hợp đối tượng bảo hiểm bị thiệt hại) cho doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp sau khi đã hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp, giải thích.

4. Chủ động thực hiện kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.

5. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm.

6. Kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm để hạn chế tổn thất.

7. Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất, giải quyết bồi thường.

8. Thực hiện các trách nhiệm khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.

Mục 2. KIỂM SOÁT RỦI RO, ĐỀ PHÒNG, HẠN CHẾ TỔN THẤT VÀ PHÒNG, CHỐNG GIAN LẬN BẢO HIỂM

Điều 14. Trách nhiệm trong việc kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan có trách nhiệm trong việc kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm khi thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17 Nghị định này.

Điều 15. Kiểm soát rủi ro

1. Kiểm soát rủi ro trong bảo hiểm nông nghiệp là quá trình nhận dạng, đánh giá, giám sát, quản lý những rủi ro tiềm tàng, có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm:

a) Xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát rủi ro, quy trình kiểm soát rủi ro, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân và bộ phận trong việc thực hiện quy trình kiểm soát rủi ro.

b) Định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, đánh giá lại, bảo đảm tính hiệu quả và hiệu lực của biện pháp kiểm soát rủi ro và quy trình kiểm soát rủi ro.

3. Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro, quy trình kiểm soát rủi ro đối với đối tượng bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó cần thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, bảo vệ môi trường; quy chuẩn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp do cơ quan có thẩm quyền ban hành và những quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm.

4. Các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức triển khai, giám sát, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thực hiện công tác kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; tổ chức thông tin, tuyên truyền về công tác kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Điều 16. Đề phòng, hạn chế tổn thất

1. Đề phòng, hạn chế tổn thất trong bảo hiểm nông nghiệp là việc áp dụng các biện pháp để tránh, hạn chế những tổn thất có thể xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm.

2. Đề phòng, hạn chế tổn thất trước hết là trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống dịch bệnh và khắc phục thiệt hại sau dịch bệnh theo quy định pháp luật; thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm (nếu có).

3. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đề phòng, hạn chế tổn thất trong bảo hiểm nông nghiệp theo quy định sau:

a) Các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất bao gồm:

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giáo dục; hỗ trợ công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp của chính quyền địa phương;

- Tài trợ, hỗ trợ các phương tiện, vật chất để đề phòng, hạn chế rủi ro;

- Hỗ trợ xây dựng các công trình nhằm mục đích đề phòng, giảm nhẹ mức độ rủi ro cho các đối tượng bảo hiểm;

- Thuê các tổ chức, cá nhân khác giám sát, đề phòng, hạn chế tổn thất.

b) Doanh nghiệp bảo hiểm được chi tối đa 10% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp thu được để chi cho các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất quy định tại điểm a Khoản này.

4. Các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, trong đó thực hiện giám sát phát hiện sớm và thông báo tình hình dịch bệnh động vật, dự báo, cảnh báo dịch bệnh động vật; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức chống dịch, thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch hại thực vật; chỉ đạo thực hiện các biện pháp để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch; tổ chức công tác ứng phó thiên tai, hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức tuyên truyền về công tác đề phòng, hạn chế tổn thất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Điều 17. Phòng, chống gian lận bảo hiểm

1. Phòng, chống gian lận bảo hiểm trong bảo hiểm nông nghiệp là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi gian lận trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, giảm thiểu các hành vi gian lận bảo hiểm; tổ chức công tác tuyên truyền phòng, chống gian lận bảo hiểm.

3. Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động tham gia vào công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm. Trường hợp phát hiện các hành vi gian lận bảo hiểm, kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

4. Các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tổ chức công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm tại địa bàn, bảo đảm ổn định trật tự xã hội trong quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Chương III

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Điều 18. Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ

1. Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau.

2. Vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm.

3. Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Điều 19. Mức hỗ trợ

1. Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

2. Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

3. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Điều 20. Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ

1. Rủi ro thiên tai, bao gồm:

Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Rủi ro dịch bệnh, bao gồm:

a) Dịch bệnh động vật:

- Dịch bệnh động vật trên cạn: Các bệnh truyền nhiễm của động vật trên cạn theo danh mục bệnh động vật phải công bố dịch (bao gồm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa người và động vật) do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thú y.

- Dịch bệnh động vật thủy sản: Các bệnh của động vật thủy sản theo danh mục bệnh phải công bố dịch do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thú y.

b) Dịch hại thực vật: Sinh vật gây hại thực vật có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây hại nghiêm trọng đối với thực vật theo quy định của pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 21. Địa bàn được hỗ trợ

1. Địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp thuộc các vùng sản xuất chính theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

2. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể triển khai toàn bộ địa bàn hoặc trên một số địa bàn cấp huyện, xã. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng được hỗ trợ, loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc địa bàn được hỗ trợ tổ chức lựa chọn, công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 22. Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trong từng thời kỳ

1. Căn cứ quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20 và Khoản 1 Điều 21 của Nghị định này và khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cụ thể về đối tượng tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ; loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ; loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ; mức hỗ trợ; thời gian thực hiện hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng tổ chức, cá nhân được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp có đối tượng bảo hiểm và tham gia bảo hiểm cho rủi ro được bảo hiểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Khoản 1 Điều này và thuộc địa bàn được hỗ trợ theo công bố của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này.

Điều 23. Nguồn kinh phí hỗ trợ

1. Kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

2. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp thực hiện theo quy định về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Điều 24. Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt đối tượng được hỗ trợ

1. Hồ sơ đề nghị phê duyệt đối tượng được hỗ trợ gồm các tài liệu sau:

a) Đơn đề nghị xem xét, phê duyệt đối tượng được hỗ trợ theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Bản kê khai về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Tài liệu chứng minh thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trường hợp đối tượng được hỗ trợ là tổ chức sản xuất nông nghiệp.

2. Trình tự, thủ tục phê duyệt đối tượng được hỗ trợ

a) Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về địa bàn được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp lập hồ sơ đề nghị phê duyệt đối tượng được hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều này và gửi (trực tiếp hoặc theo đường bưu điện) đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất nông nghiệp.

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về địa bàn được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đề nghị phê duyệt đối tượng được hỗ trợ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về địa bàn được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này, hồ sơ đề nghị phê duyệt đối tượng được hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi và báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm định, tổng hợp danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Quyết định này được gửi đến Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã có liên quan.

đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện niêm yết công khai danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, thông báo trên hệ thống thông tin, truyền thông của xã và sao gửi cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp yêu cầu.

3. Định kỳ hàng quý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan tổ chức thực hiện công tác phê duyệt đối tượng được hỗ trợ trong trường hợp có đề nghị phê duyệt mới của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều này; đồng thời thực hiện rà soát, điều chỉnh danh sách đối tượng được hỗ trợ đã được phê duyệt đối với các trường hợp có thông báo theo quy định tại Khoản 4 Điều này.

4. Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp có tên trong Quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ có trách nhiệm rà soát, trường hợp không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ hoặc trường hợp thay đổi diện hộ nghèo, cận nghèo theo kết quả điều tra, rà soát hàng năm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến thay đổi mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ hoặc thời điểm có hiệu lực của quyết định công nhận hộ nghèo, cận nghèo, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc tháng, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh danh sách đối tượng được hỗ trợ đã được phê duyệt theo quy định tại Khoản 3 Điều này và thẩm định hồ sơ đề nghị chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 26 Nghị định này.

Điều 25. Phương thức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp

Việc hỗ trợ phí bảo hiểm được thực hiện thông qua doanh nghiệp bảo hiểm theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 26 Nghị định này khi đã thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Điều 26. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

1. Hồ sơ đề nghị chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước do doanh nghiệp bảo hiểm lập và bao gồm các tài liệu sau:

a) Đơn đề nghị chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Bảng kê (kèm theo bản sao) hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp mà doanh nghiệp bảo hiểm đã ký kết với tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Trình tự và thủ tục chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc tháng, doanh nghiệp bảo hiểm lập hồ sơ đề nghị chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều này và gửi (trực tiếp hoặc theo đường bưu điện) đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 1 Điều này, căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 24 Nghị định này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hoàn thành việc thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hỗ trợ. Trường hợp từ chối chi trả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm và nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định chi trả, Sở Tài chính căn cứ vào Quyết định chi trả của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để lập lệnh chi tiền cho doanh nghiệp bảo hiểm qua Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thực hiện chuyển tiền về tài khoản của doanh nghiệp bảo hiểm mở tại các ngân hàng thương mại.

d) Trường hợp chưa hoàn thành việc chi trả cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài chính thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm và nêu rõ lý do.

Điều 27. Chấm dứt việc hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp

1. Trường hợp có sự thay đổi chính sách dẫn đến thay đổi điều kiện được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục được hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp đã giao kết cho đến khi hết thời hạn hiệu lực bảo hiểm.

2. Trường hợp thay đổi diện hộ nghèo, cận nghèo theo kết quả điều tra, rà soát hàng năm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến thay đổi mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục được hưởng mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp đã giao kết cho đến khi hết thời hạn hiệu lực bảo hiểm.

3. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp chấm dứt hiệu lực trước thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thực hiện hoàn trả lại ngân sách nhà nước số phí bảo hiểm nông nghiệp đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Khoản 4 Điều này.

4. Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp chấm dứt việc hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và hoàn trả lại ngân sách nhà nước số phí bảo hiểm nông nghiệp đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm kể từ thời điểm:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định này (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này).

b) Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp trước thời hạn hiệu lực.

Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp hoàn trả lại số phí bảo hiểm nông nghiệp đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua doanh nghiệp bảo hiểm theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 5 Điều này.

5. Trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều này, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện thủ tục theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định này và doanh nghiệp bảo hiểm để thực hiện thủ tục hoàn phí bảo hiểm đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thông báo ghi rõ thời điểm tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

b) Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xử lý hậu quả pháp lý liên quan đến số phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Khoản 6 Điều này.

6. Trình tự, thủ tục hoàn phí bảo hiểm đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc tháng, doanh nghiệp bảo hiểm tổng hợp lại các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này, gửi văn bản thông báo (trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện) đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của doanh nghiệp bảo hiểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành việc thẩm định:

- Số phí bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm hoàn lại cho ngân sách nhà nước tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm (trong trường hợp ngân sách nhà nước đã chuyển đủ phí bảo hiểm nông nghiệp hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp). Chi phí hợp lý thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

- Số phí bảo hiểm mà ngân sách nhà nước có trách nhiệm chuyển trả cho doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với thời gian đã được bảo hiểm tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm (trong trường hợp ngân sách nhà nước chưa chuyển đủ phí bảo hiểm nông nghiệp hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp).

Đối với trường hợp quy định tại điểm a Khoản 4 Điều này, thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Đối với trường hợp quy định tại điểm b Khoản 4 Điều này, thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm được tính từ thời điểm chấm dứt hiệu lực bảo hiểm trước thời hạn.

Kết quả thẩm định phải được lập thành văn bản và được lưu giữ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Căn cứ kết quả thẩm định, trong thời hạn 10 ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập báo cáo trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chuyển trả cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chuyển trả lại ngân sách nhà nước số phí bảo hiểm theo quy định tại điểm b Khoản này.

Quyết định này được gửi cho các cơ quan liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đối tượng được hỗ trợ và doanh nghiệp bảo hiểm có liên quan.

d) Căn cứ quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định, Sở Tài chính lập lệnh chi tiền cho doanh nghiệp bảo hiểm qua Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thực hiện chuyển tiền về tài khoản của doanh nghiệp bảo hiểm mở tại các ngân hàng thương mại hoặc ngược lại doanh nghiệp bảo hiểm đến trực tiếp Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh để thực hiện thủ tục hoàn trả lại ngân sách nhà nước.

Điều 28. Lập dự toán ngân sách

Cùng với thời gian lập dự toán ngân sách hàng năm, căn cứ vào số lượng tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nhu cầu tham gia bảo hiểm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gửi Sở Tài chính tổng hợp, xác định rõ phần ngân sách địa phương phải cân đối và phần ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cùng với dự toán chi ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định.

Điều 29. Phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí

1. Phân bổ dự toán

a) Hàng năm, căn cứ dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính thực hiện bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

b) Căn cứ dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao và phần ngân sách địa phương tự đảm bảo: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lập phương án phân bổ dự toán kinh phí, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định phân bổ kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trong dự toán chi đã được duyệt.

2. Về quản lý và quyết toán kinh phí

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý và sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước. Trường hợp kết thúc năm, kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp không sử dụng hết (nếu có) được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Trường hợp trong năm thiếu kinh phí, các địa phương chủ động ứng trước kinh phí để chi trả cho doanh nghiệp bảo hiểm; đồng thời gửi văn bản về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét bổ sung từ ngân sách trung ương (đối với các địa phương được ngân sách trung ương hỗ trợ). Kết thúc thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ còn dư (nếu có), đề nghị địa phương hoàn trả ngân sách trung ương.

b) Kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được tổng hợp vào quyết toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của từng cấp ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 30. Điều kiện doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu sau:

1. Được triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp theo Giấy phép thành lập và hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về vốn, khả năng thanh toán theo quy định, có quy trình của doanh nghiệp bảo hiểm về khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm nông nghiệp, quy trình kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ theo quy định pháp luật; có chương trình tái bảo hiểm nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu hoặc doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định làm đầu mối thực hiện hợp đồng bảo hiểm có trụ sở chính hoặc chi nhánh đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Điều 31. Phương thức triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo phương thức đồng bảo hiểm trên tất cả các hợp đồng bảo hiểm.

Điều 32. Hợp đồng bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm quy định sau:

1. Hợp đồng bảo hiểm có đầy đủ các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này.

2. Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm khi tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định này và đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.

3. Giao kết độc lập với các hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp khác.

4. Tách biệt cụ thể số phí bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ và số phí bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp tự chịu trách nhiệm đóng (không được ngân sách nhà nước hỗ trợ).

5. Thỏa thuận cụ thể về thời hạn và phương thức đóng phí bảo hiểm bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật. Trong đó, đối với số phí bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ, việc đóng phí bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

6. Thỏa thuận thời hạn hiệu lực bảo hiểm không quá 01 năm.

Điều 33. Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê chuẩn/thay đổi sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp

1. Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm gửi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) 01 bộ hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn bao gồm các tài liệu sau:

a) Đơn đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai;

c) Công thức, phương pháp và giải trình cơ sở kỹ thuật dùng để tính phí, dự phòng nghiệp vụ của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai có xác nhận của chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán về việc phí bảo hiểm được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm;

d) Mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng và các mẫu giấy tờ khác mà bên mua bảo hiểm phải kê khai và ký khi mua bảo hiểm.

3. Trình tự, thủ tục phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính tổng hợp, xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản tham gia ý kiến về đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm.

c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản tham gia ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ hồ sơ đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính xem xét, có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được phê chuẩn. Trường hợp thay đổi phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi thực hiện.

Điều 34. Theo dõi doanh thu, chi phí

Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo dõi riêng doanh thu, chi phí, kết quả thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và doanh thu, chi phí, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Tổ chức tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê chuẩn/thay đổi sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

4. Bố trí ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị định này theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 36. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tổ chức tuyên truyền thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

2. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính phê chuẩn/thay đổi sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

4. Ban hành văn bản hướng dẫn quy trình công bố thiên tai; quy trình xác nhận thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.

5. Phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị định này theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

6. Ban hành quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Điều 37. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn phối hợp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

3. Tổ chức thực hiện phê duyệt đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.

4. Căn cứ dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

5. Chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện công tác kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.

6. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định sau:

a) Định kỳ hàng quý, hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập báo cáo chi tiết về kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Bộ Tài chính; báo cáo kết quả thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Thời hạn báo cáo

- Báo cáo quý: Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

- Báo cáo năm: Chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Điều 38. Trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam

1. Phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

2. Hướng dẫn, vận động hội viên tuân thủ quy định pháp luật về thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

3. Chủ động tuyên truyền về việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

Điều 39. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

1. Tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có trách nhiệm:

a) Thực hiện lập và gửi cho Bộ Tài chính các báo cáo nghiệp vụ theo tháng, quý, năm theo Mẫu số 10, Mẫu số 11 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý, năm theo Mẫu số 12, Mẫu số 13 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Thời hạn báo cáo

- Báo cáo tháng: Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc tháng.

- Báo cáo quý: Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

- Báo cáo năm: Chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

c) Ngoài các báo cáo nghiệp vụ quy định tại điểm a Khoản này, Bộ Tài chính có thể yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo bổ sung về tình hình hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp để phục vụ cho công tác thống kê và đánh giá tình hình triển khai bảo hiểm nông nghiệp.

d) Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo của mình.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018. Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo Khoản 1 Điều 22 Nghị định này trong từng thời kỳ.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đối tượng áp dụng của Nghị định chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2). XH

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

Mẫu số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ XEM XÉT, PHÊ DUYỆT ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn....

Căn cứ Nghị định số .../2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số /QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về....;

Trường hợp cá nhân sản xuất nông nghiệp:

- Tên cá nhân sản xuất nông nghiệp: [Tên đầy đủ]

- Ngày, tháng, năm sinh:

- CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân số: [...] do [Tên cơ quan cấp] ngày...tháng...năm...tại [Nơi cấp]

- Địa chỉ thường trú:

- Thuộc diện: □ Hộ nghèo □ Hộ cận nghèo □ Hộ khác

Trường hợp tổ chức sản xuất nông nghiệp:

- Tên tổ chức sản xuất nông nghiệp: [Tên đầy đủ]

- Giấy phép đăng ký kinh doanh số: [...] do [Tên cơ quan cấp] ngày...tháng...năm...

- Địa chỉ:

- Là tổ chức sản xuất nông nghiệp thuộc diện đối tượng tổ chức được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số .../QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn ... rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chúng tôi là đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định số /2018/NĐ-CP ngày... tháng... năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.

Tôi cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của Đơn này và hồ sơ kèm theo.

Hồ sơ kèm theo:

- Bản kê khai về cây trồng, vật nuôi, thủy sản….
(Liệt kê đầy đủ)

…., ngày.... tháng.... năm...
Chủ hộ/Người đại diện tổ chức
(Ký tên, đóng dấu (nếu có))

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …;

Mẫu số 02

BẢN KÊ KHAI

VỀ CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THỦY SẢN

Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp:...

STT

Loại cây trồng/ vật nuôi/thủy sản

Diện tích cây trồng

Số lượng vật nuôi

Diện tích nuôi trồng thủy sản

1

2

...

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH/
THÀNH PHỐ...
-------

Mẫu số 03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……./QĐ-UBND

….., ngày … tháng … năm 20…

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm theo Nghị định số ... /2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH/THÀNH PHỐ...

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số..../2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số /QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về....;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố...,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm theo Nghị định số /2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn... (danh sách kèm theo).

Điều 2. Định kỳ hàng quý, theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định số /2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh/thành phố rà soát, đảm bảo danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm kèm theo Quyết định này phù hợp với Quyết định số /QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về ...

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ NN&PTNT;
- Bộ Tài chính;
- Sở Tài chính tỉnh/thành phố...;
- Sở NN&PTNT tỉnh/thành phố...;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh/thành phố...;
- …..

CHỦ TỊCH
(Ký tên và đóng dấu)

DANH SÁCH ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ BẢO HIỂM

(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 20... của UBND tỉnh/thành phố...)

STT

Địa bàn

Tổ chức/cá nhân sản xuất nông nghiệp

Diện hộ/ tổ chức sản xuất nông nghiệp

Loại cây trồng/ vật nuôi/ thủy sản

Diện tích cây trồng

Số lượng vật nuôi

Diện tích nuôi trồng thủy sản

A

Huyện...

I

Xã….

1

2

...

II

Xã…

1

2

...

B

Huyện...

I

Xã…

1

2

...

II

Xã…

1

2

...

Mẫu số 04

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

THÔNG BÁO KHÔNG CÒN THUỘC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ BẢO HIỂM/THAY ĐỔI DIỆN HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã.

Căn cứ Nghị định số .../2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số /QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về....;

Trường hợp cá nhân sản xuất nông nghiệp:

- Tên cá nhân sản xuất nông nghiệp: [Tên đầy đủ]

- Ngày, tháng, năm sinh:

- CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân số: [...] do [Tên cơ quan cấp] ngày...tháng...năm...tại [Nơi cấp]

- Địa chỉ thường trú:

- Chúng tôi xin thông báo:

□ Không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ

□ Thay đổi diện hộ nghèo, cận nghèo (Trước đây...; Hiện nay...)

Trường hợp tổ chức sản xuất nông nghiệp:

- Tên tổ chức sản xuất nông nghiệp: [Tên đầy đủ]

- Giấy phép đăng ký kinh doanh số: [...] do [Tên cơ quan cấp] ngày...tháng...năm...

- Địa chỉ:

- Chúng tôi xin thông báo: Chúng tôi không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Tôi cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của Đơn này và hồ sơ kèm theo.

Hồ sơ kèm theo:

- Bản kê khai về cây trồng, vật nuôi, thủy sản….
(Liệt kê đầy đủ)

…., ngày.... tháng.... năm...
Cá nhân/Người đại diện
theo pháp luật của tổ chức
(Ký tên, đóng dấu (nếu có))

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …;

Mẫu số 05

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐỀ NGHỊ CHI TRẢ PHÍ BẢO HIỂM

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Căn cứ Nghị định số .../2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số /QĐ-TTg ngày tháng năm 20... của Thủ tướng Chính phủ về....;

Căn cứ số lượng tham gia bảo hiểm tại địa bàn tỉnh, thành phố...

Chúng tôi là:

- [Tên đầy đủ và chính thức của doanh nghiệp bảo hiểm]

- Giấy phép thành lập và hoạt động số:……. do Bộ Tài chính cấp ngày.... tháng.... năm....

- Địa chỉ trụ sở chính:

Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố... thực hiện các thủ tục cần thiết để chi trả cho công ty chúng tôi phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số .../2018/NĐ-CP ngày...tháng....năm 2018.

Số tiền đề nghị chi trả: ……. đồng

Công ty cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của Đơn này và hồ sơ kèm theo.

Hồ sơ kèm theo:

(Liệt kê đầy đủ)

…., ngày.... tháng.... năm...
Đại diện trước pháp luật
Chủ tịch/Tổng Giám đốc
(Ký tên và đóng dấu)

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …;

Mẫu số 06

BẢNG KÊ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TẠI ĐỊA BÀN TỈNH....

TÊN DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM...

Báo cáo tháng... (từ ngày... tháng... đến ngày... tháng... năm 20...)

STT

HĐBH

Đối tượng hỗ trợ

Số tiền bảo hiểm (đồng)

Số phí bảo hiểm (đồng)

Tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm

Số HĐBH

Ngày HĐBH

Nghèo, cận nghèo

Không thuộc nghèo, cận nghèo

Tổ chức

Cây trồng

Vật nuôi

Thủy sản

Tổng số

NSNN hỗ trợ

Tổ chức, cá nhân nộp

1

2

...

Chúng tôi cam kết những thông tin trên là đúng sự thật./.

...., ngày.... tháng.... năm....
Đại diện trước pháp luật
Chủ tịch/Tổng Giám đốc

(Ký tên và đóng dấu)


Mẫu số 07

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

..., ngày...tháng...năm… …

ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHÊ CHUẨN

SẢN PHẨM BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Kính gửi: Bộ Tài chính.

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểmLuật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ Nghị định số /2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;

Chúng tôi là:

- Tên đầy đủ và tên viết tắt của doanh nghiệp bảo hiểm/chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

Giấy phép thành lập và hoạt động số... do Bộ Tài chính cấp ngày....

Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận sản phẩm bảo hiểm với những nội dung như sau:

1. Tên sản phẩm bảo hiểm đề nghị phê chuẩn/sửa đổi, bổ sung

STT

Tên sản phẩm

Nghiệp vụ bảo hiểm

Tên thương mại (nếu có)

..

2. Nội dung chính của sản phẩm bảo hiểm đề nghị phê chuẩn/sửa đổi, bổ sung (tóm tắt các nội dung cơ bản)

- Bên mua bảo hiểm

- Người được bảo hiểm

- Thời hạn bảo hiểm, thời hạn đóng phí bảo hiểm

- Quyền lợi bảo hiểm

3. Đối với đề nghị sửa đổi, bổ sung sản phẩm bảo hiểm

- Nội dung đề nghị sửa đổi (liệt kê rõ các nội dung trước và sau sửa đổi);

- Giải trình lý do sửa đổi, bổ sung trong đó kèm theo các giải trình kỹ thuật liên quan.

Chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm về sự chính xác và phù hợp với quy định pháp luật, các thông lệ quốc tế về định phí bảo hiểm đối với quy tắc, điều khoản, biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm đề nghị phê chuẩn./.

CHUYÊN GIA TÍNH TOÁN/
CHUYÊN GIA TÍNH TOÁN DỰ PHÒNG VÀ KHẢ NĂNG THANH TOÁN
(Ký và ghi rõ họ tên)

TỔNG GIÁM ĐỐC/
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên và đóng dấu)

Hồ sơ kèm theo:

- Liệt kê rõ tài liệu kèm theo


Mẫu số 08

BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHI TRẢ PHÍ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố

Báo cáo quý, năm

Đơn vị: nghìn đồng

STT

Địa bàn

Số lượng cá nhân/tổ chức tham gia bảo hiểm

Tổng giá trị bảo hiểm

Tổng phí bảo hiểm

Bao gồm

Lý do chưa thanh toán

Phần các cá nhân/ tổ chức đã nộp

Phần NSNN hỗ trợ (đã chi)

Bao gồm

Cây trồng

Vật nuôi

Nuôi trồng thủy sản

Cây trồng

Vật nuôi

Nuôi trồng thủy sản

Chi từ nguồn NSTW

Chi từ nguồn NSĐP

Chưa thanh toán theo đề nghị của DNBH

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

2

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

...

Tổng số

Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thật.

….., ngày ….. tháng ….. năm …..
CHỦ TỊCH UBND TỈNH
(Ký tên đóng dấu)

Mẫu số 09

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố

Báo cáo quý, năm

STT

Tên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản

Đơn vị tính

Số lượng tham gia bảo hiểm

Tổng giá trị bảo hiểm (triệu đồng)

Số hộ tham gia (hộ)

Tổng phí bảo hiểm (triệu đồng)

Số lượng được hỗ trợ bảo hiểm

Số hộ được hỗ trợ (hộ)

Tổng phí bảo hiểm do ngân sách hỗ trợ (triệu đồng)

Rủi ro xảy ra

Đền bù thiệt hại

Số hộ bị ảnh hưởng (hộ)

Khối lượng thiệt hại

Giá trị thiệt hại (triệu đồng)

Khối lượng

Giá trị bồi thường (triệu đồng)

Số hộ được bồi thường (hộ)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

I

Loại cây trồng

ha

1

Lúa

2

Cao su

3

Cây....

II

Vật nuôi

Con

1

Trâu

2

3

Con ……

III

Thủy sản

1

Tôm sú

ha

2

Cá tra

ha

3

Thủy sản ……

Tổng số

Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thật

….., ngày …. tháng ….. năm …..
CHỦ TỊCH UBND TỈNH
(Ký tên đóng dấu)

Ghi chú: Số liệu ở cột 4, 8, 12, 14 được ghi theo đơn vị tính ở cột 3

Mẫu số 10

BẢNG TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG HỘ, DIỆN TÍCH CÂY TRỒNG, SỐ LƯỢNG VẬT NUÔI, DIỆN TÍCH NUÔI THỦY SẢN THAM GIA BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ ..../2018/NĐ-CP

Tên doanh nghiệp bảo hiểm:

Báo cáo tháng, quý, năm

STT

DNBH

Số lượt cá nhân/tổ chức tham gia

Số lượng cá nhân/tổ chức tham gia

Diện tích cây trồng tham gia BH (ha)

Số lượng vật nuôi tham gia BH (con)

Diện tích nuôi trồng thủy sản tham gia BH (ha)

Doanh thu phí bảo hiểm gốc (đồng)

Tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại (đồng)

Giá trị được bảo hiểm (triệu đồng)

Bồi thường bảo hiểm gốc (đồng)

Bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại (đồng)

Tổng số tiền đã bồi thường

Dự phòng bồi thường

A

CÂY TRỒNG

I

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

...

II

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

...

B

VẬT NUÔI

I

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

...

II

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

….

C

THỦY SẢN

I

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

II

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

...

TỔNG CỘNG

Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thật.

Người lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)

…, ngày.... tháng... năm
Người đại diện trước pháp luật
(Ký và đóng dấu)

Mẫu số 11

BẢNG TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG HỘ, DIỆN TÍCH CÂY TRỒNG, SỐ LƯỢNG VẬT NUÔI, DIỆN TÍCH NUÔI THỦY SẢN ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ ..../2018/NĐ-CP

Tên doanh nghiệp bảo hiểm:

Báo cáo tháng, quý, năm

STT

DNBH

Số lượt cá nhân/tổ chức tham gia

Số lượng cá nhân/tổ chức tham gia

Diện tích cây trồng tham gia BH (ha)

Số lượng vật nuôi tham gia BH (con)

Diện tích nuôi trồng thủy sản tham gia BH (ha)

Doanh thu phí bảo hiểm gốc (đồng)

Tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại (đồng)

Giá trị được bảo hiểm (triệu đồng)

Bồi thường bảo hiểm gốc (đồng)

Bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại (đồng)

Tổng số tiền đã bồi thường

Dự phòng bồi thường

A

CÂY TRỒNG

I

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

II

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

B

VẬT NUÔI

I

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

II

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

...

C

THỦY SẢN

I

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

...

II

Tỉnh...

1

Huyện...

1.1

Xã...

1.2

Xã...

TỔNG CỘNG

Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thật.

Người lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)

...., ngày.... tháng... năm
Người đại diện trước pháp luật
(Ký và đóng dấu)

Mẫu số 12

BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ ……./2018/NĐ-CP

Tên doanh nghiệp bảo hiểm:

Đơn vị tính: đồng

Chỉ tiêu

Mã số

Tại thời điểm 31/12/....

Tại thời điểm 31/12/20....

1. Doanh thu phí bảo hiểm (01 = 01.1 + 01.2 - 01.3)

1

- Phí bảo hiểm gốc

01.1

- Phí nhận tái bảo hiểm

01.2

- Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm

01.3

2. Phí nhượng tái bảo hiểm (02 = 02.1 - 02.2)

2

- Tổng phí nhượng tái bảo hiểm

02.1

- Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm

02.2

3. Doanh thu phí bảo hiểm thuần (03 = 01-02)

3

4. Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm

4

5. Doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm (10 = 03+04)

5

6. Chi bồi thường (6 = 6.1 - 6.2)

6

- Tổng chi bồi thường

6.1

- Các khoản giảm trừ (Thu đòi người thứ 3 bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%)

6.2

7. Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm

7

8. Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm

8

9. Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm

9

10. Tổng chi bồi thường bảo hiểm (10 = 6 - 7 + 8 - 9)

10

11. Dự phòng dao động lớn

11

12. Chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm (12 = 12.1 + 12.2)

12

- Chi hoa hồng bảo hiểm

12.1

- Chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm (chi tiết từng mục chi lớn)

12.2

13. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (13 = 10 + 11 + 12)

13

14. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm (14 = 5 - 13)

14

15. Chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ cho nghiệp vụ (chi tiết từng mục chi lớn)

15

16. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (16 = 14 -15)

16

Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thực.


Người lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)

...., ngày.... tháng... năm
Người đại diện trước pháp luật
(Ký và đóng dấu)

Mẫu số 13

BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ ……/2018/NĐ-CP

Tên doanh nghiệp bảo hiểm:

Đơn vị tính: đồng

Chỉ tiêu

Mã số

Tại thời điểm 31/12/....

Tại thời điểm 31/12/20....

1. Doanh thu phí bảo hiểm (01 = 01.1 + 01.2 - 01.3)

1

- Phí bảo hiểm gốc

01.1

- Phí nhận tái bảo hiểm

01.2

- Dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm

01.3

2. Phí nhượng tái bảo hiểm (02 = 02.1 - 02.2)

2

- Tổng phí nhượng tái bảo hiểm

02.1

- Dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm

02.2

3. Doanh thu phí bảo hiểm thuần (03 = 01-02)

3

4. Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm

4

5. Doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm (10 = 03+04)

5

6. Chi bồi thường (6 = 6.1 - 6.2)

6

- Tổng chi bồi thường

6.1

- Các khoản giảm trừ (Thu đòi người thứ 3 bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%)

6.2

7. Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm

7

8. Dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm

8

9. Dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm

9

10. Tổng chi bồi thường bảo hiểm (10 = 6 - 7 + 8 - 9)

10

11. Dự phòng dao động lớn

11

12. Chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm (12 = 12.1 + 12.2)

12

- Chi hoa hồng bảo hiểm

12.1

- Chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm (chi tiết từng mục chi lớn)

12.2

13. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (13 = 10 + 11 + 12)

13

14. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm (14 = 5 - 13)

14

15. Chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ cho nghiệp vụ (chi tiết từng mục chi lớn)

15

16. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (16 = 14 - 15)

16

Chúng tôi xin đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thực.


Người lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)

...., ngày.... tháng... năm
Người đại diện trước pháp luật
(Ký và đóng dấu)

THE GOVERNMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 58/2018/ND-CP

Hanoi, April 18, 2018

 

DECREE

AGRICULTURAL INSURANCE

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

Pursuant to the Law on Insurance Business dated December 09, 2000 and the Law on amendments to some articles of the Law on Insurance Business dated November 24, 2010;

Pursuant to the Resolution No. 32/2016/QH14 dated November 23, 2016 of the National Assembly on further raising effect and the effectiveness of implementation of the national target program on building a new countryside associated with agricultural restructuring;

At the request of the Minister of Finance;

The Government hereby promulgates a Decree on agricultural insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Decree provides for agricultural insurance and agricultural insurance assistance policy aimed at encouraging insurance enterprises to sell agricultural insurance and enable producers of agricultural, forest and aquatic products to take remedial actions and indemnify for financial losses caused by risks during the production process.

Article 2. Regulated entities

This Decree applies to:

1. Organizations and individuals that produce agricultural, forest and aquatic products (hereinafter referred to as “agricultural producers”).

2. Non-life insurance enterprises, branches of foreign non-life insurance enterprises hereinafter referred to as “insurer”), reinsurers that are established, organized and operate in accordance with regulations of the Law on Insurance Business and relevant regulations of law.

3. Organizations and individuals related to sale and purchase of agricultural insurance and implementation of agricultural insurance assistance policy.

Article 3. Definitions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. “agricultural insurance policyholder” means an organization/individual signing an agricultural insurance policy with an insurer and paying insurance premiums. The agricultural insurance policyholder may also be the insured.

2. “the insured” mans an organization/individual whose agricultural, forest and aquatic products are insured under the agricultural insurance policy.

3. “agricultural insurance” means a type of insurance which insures agricultural producers, whereby the policyholder pays premiums and insurer indemnifies the insured in the case of an insured event.

4. “agricultural co-insurance” means two or multiple insurers signing an agricultural insurance policy with the policyholder in order to insure an insured agricultural product according to the same policy wording and premiums.

5. “agricultural reinsurance” means an insurer or reinsurer receiving an amount of agricultural insurance premiums of another insurer to commit to indemnify admitted liabilities to provide insurance.

Article 4. Types of agricultural insurance

1. Insurance against identified risks, whereby, upon occurrence of an insured event, the insurer indemnifies for the actual loss caused by the risks specified in the agricultural insurance policy.

2. All-risk insurance, whereby, upon occurrence of an insured event, the insurer indemnifies for the actual loss caused by all risks, except for the insurance exclusions specified in the agricultural insurance policy.

3. Business income insurance, whereby, upon occurrence of an insured event, the insurer indemnifies for agricultural production costs to compensate the loss caused by the insured risks specified in the agricultural insurance policy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Weather index-based insurance, whereby, upon occurrence of an insured event, the insurer provides indemnity according to changes in weather index (rain, wind, droughts, floods, cold, hail, frost, earthquake, tsunami, etc.) under the agricultural insurance policy without regard to the actual loss of the subject matter insured.

6. Remote sensing index -based insurance, whereby, upon occurrence of an insured event, the insurer provides indemnity according to changes in remote sensing index under the agricultural insurance policy without regard to the actual loss of the subject matter insured.

7. Other types of agricultural insurance under the agricultural insurance policy.

Article 5. Rules for signing agricultural insurance policy and implementation of agricultural insurance assistance policy

1. An agricultural insurance policy is signed according to the voluntary agreement rule without restricting the number of insurance participants, subject matters insured and insured risks, and coverage.

2. The agricultural insurance assistance policy shall be implemented within the budget in each period by providing assistance in agricultural insurance premiums for some agricultural producers, subject matters insured, insured risks and within a certain area in order to implement social security policy and agricultural production development program of the Government.

Chapter II

REGULATIONS ON AGRICULTURAL INSURANCE

Section 1. SPECIFIC REGULATIONS ON AGRICULTURAL INSURANCE

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. In addition to the contents specified in the Law on Insurance Business, the policyholder and the insurer shall agree upon and specify the following contents in the agricultural insurance policy:

a) Name and address of the individual and affiliated entity of the insurer that is responsible for addressing the issues concerning execution of the agricultural insurance policy.

b) Methods for determining the sum insured.

c) Cases in which deductible and deduction of the indemnity (if any) are applied.

d) Loss survey; loss surveyor; loss survey costs.

dd) Determination of insured event, grounds for providing indemnity; cases in which indemnity is provided according to the notice or confirmation of disasters or diseases given by a competent authority; cases in which index-based insurance is provided/purchased, specific agreement on the indexes directly related to loss of the subject matter insured; the authority that determines the difference between the actual index and the index insured; methods for determining the indemnity.

e) Methods for providing indemnity; indemnity claim (specifying agreement on responsibility of the policyholder or the insured documents for providing necessary documents for the insurer); time limit for providing indemnity.

g) Responsibilities of parties for risk management and loss prevention and minimization, and prevention and fight against insurance fraud in accordance with regulations of this Decree.

h) Responsibilities of the insurer and the insured for complying with all technical procedures and standards in agricultural production (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 7. Agricultural co-insurance

1. The insurer may sell agricultural insurance according to co-insurance method in order to allocate and share risks, ensure financial safety and maintain a healthy competitive environment.

2. Cases in which agricultural co-insurance policy is executed:

a) The agricultural insurance policy shall specify name and co-insurance ratio of each co-insurer; name of the insurer in charge of executing the insurance policy. Insurers shall take joint responsibility for the commitments specified in the agricultural insurance policy with the policyholder.

b) The insurer in charge shall complete procedures for signing the insurance policy, and coping with tasks related to execution of the agricultural insurance policy on behalf of the co-insurers.

Article 8. Agricultural reinsurance

1. In the case of domestic reinsurance, the reinsurer shall:

a) satisfy requirements for capital and solvency margin and comply with regulations on reinsurance prescribed in the Law on Insurance Business and its guiding documents.

b) run an agricultural reinsurance plan in a safe and effective manner and comply with regulations and law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 9. Agricultural reinsurance indemnity

1. Upon occurrence of an insured event, the insurer shall provide indemnity under the agricultural insurance policy and regulations of law.

2. The indemnity paid by the insurer to the insured shall be determined according to the market value of the subject matter insured at the time and place where the loss is incurred and the degree of actual loss, unless otherwise provided in the insurance policy. In the case of index-based insurance, the insurer shall provide indemnity to the insured according to the change in the actual index compared to the index specified in the insurance policy and regulations of law.

3. The indemnity paid by the insurer to the insured must not exceed the sum insured, unless otherwise provided in the insurance policy.

Article 10. Dispute settlement

1. Any dispute that arises during execution of the agricultural insurance policy shall be initially settled under the insurance policy, regulations of the Law on Insurance Business and relevant regulations of law.

2. In case of failure to settle the dispute by negotiation, relevant parties may bring the case to a Vietnamese competent Court.

Article 11. Policy wording and premiums

1. The insurer shall, on its own initiative, establish policy wording and premiums in accordance with regulations of the Law on Insurance Business and relevant regulations of law and notify the Ministry of Finance in writing before establishment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 12. Responsibilities of the insurer for signing and executing an agricultural insurance policy

1. Provide explanation and sufficient information about insurance policy, policy wording and premiums for the policyholder. Sign the agricultural insurance policy only if the policyholder has confirmed its/his/her clear understanding of information concerning the agricultural insurance policy, policy wording and premiums.

2. Sign the agricultural insurance policy by following the principles of voluntariness, free will and equality; ensure adherence to the law of large numbers and allocate and share risks through co-insurance and reinsurance.

3. On its own initiative, control risks, prevent and minimize losses, and prevent and fight insurance fraud as prescribed in Section 2 Chapter II of this Decree.

4. Upon occurrence of an insured event, promptly assign officials to reach the subject matter insured and instruct the insured to take measures to minimize losses (if any). Pay necessary and appropriate costs to minimize losses.

5. Organize loss surveys to determine causes and degree of the loss in a public and transparent manner under the agricultural insurance policy and regulations of law. In the case of index-based insurance, obtain and publish the competent authority’s confirmation of the insured event (if specified in the insurance policy); determine the difference between the actual index and the index specified in the insurance policy.

6. In the case of determination of loss subject to the indemnity, assign officials to instruct the insured to provide the documents necessary for indemnity.

7. Provide sufficient indemnity to the insured under the agricultural insurance policy and regulations of law.

8. Bear other responsibilities specified in the agricultural insurance policy and regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Protect the insurable interest of the subject matter insured as prescribed by law.

2. Sufficiently and truthfully provide information concerning the subject matter insured (including the case in which the subject matter insured suffers loss) for the insurer.

3. Sign the agricultural insurance policy after having a clear understanding of information about the agricultural insurance policy, policy wording and premiums that is explained and provided by the insurer.

4. On its/his/her own initiative, control risks, prevent and minimize losses, and prevent and fight insurance fraud as prescribed in Section 2 Chapter II of this Decree.

5. Enable the insurer to inspect fulfillment of requirements for assurance of safety of the subject matter insured.

6. Promptly notify the insurer of the insured event; take measures for loss minimization under the guidance of the insurer.

7. Closely cooperate with the insurer in surveying losses to determine causes and degree of the loss and provide indemnity.

8. Bear other responsibilities specified in the agricultural insurance policy and regulations of law.

Section 2. RISK CONTROL, LOSS PREVENTION AND MINIMIZATION AND PREVENTION AND FIGHT AGAINST INSURANCE FRAUD

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The insurer, policyholder, the insured and competent authorities shall control risks, prevent and minimize losses, and prevent and fight insurance fraud upon sale/purchase of agricultural insurance and implementation of agricultural insurance assistance policy in accordance with Articles 15, 16 and 17 of this Decree.

Article 15. Risk control

1. Control of risks during the policy period means a process of identifying, assessing, monitoring and managing inherent risks that may potentially exert negative effect on sale of agricultural insurance and implementation of the agricultural insurance assistance policy.

2. The insurer shall:

a) Formulate and take risk control measures and establish and follow risk control procedures specifying specific responsibilities of each individual and division for completion of the risk control procedures.

b) Annually review and re-inspect risk control measures and risk control procedures to ensure their effectiveness and validity.

3. The policyholder and the insured shall, on their own initiative, take risk control measures and follow risk control procedures with respect to the subject matter insured during agricultural production, including complying with regulations on prevention and fight against animal diseases, plant quarantine and protection and environmental protection, technical standards in agricultural production issued by the competent authority and other relevant regulations of law on order to ensure safety of the subject matter insured.

4. Relevant authorities shall control, supervise and instruct agricultural producers to control risks during agricultural production; disseminate information concerning control of risks during agricultural production.

Article 16. Loss prevention and minimization

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Loss prevention and minimization serves as a responsibility of the policyholder and the insured. The policy holder and the insured shall, on their own initiative, prevent and respond to disasters and provide disaster relief, and prevent, fight and take remedial actions against diseases as prescribed by law, immediately notify the insurer of the insured event, and take measures for prevention and minimization of losses (if any) under the guidance of the insurer.

3. The insurer shall prevent and minimize losses during the policy period according to following regulations:

a) Measures for loss prevention and minimization include:

- Provide training and carry out dissemination activities; assist local governments in providing training in and disseminating agricultural insurance assistance policy;

- Provide and assist with equipment and facility to prevent and minimize losses;

- Assist in building works aimed at preventing and mitigating losses incurred on the subject matters insured;

- Hire other organizations and individuals to carry out supervision, prevent and minimize losses.

b) The insurer shall use up to 10% of revenue from agricultural insurance premiums to take loss prevention and minimization measures prescribed in Point a of this Clause.

4. Relevant authorities shall provide guidelines for measures for preventing and minimizing losses during agricultural production, including carrying out supervision to early detect and notify animal diseases, issue forecast and warning about animal diseases; provide guidelines for measures for preventing and fighting animal diseases; fight diseases and take measures for protecting production upon occurrence of plant pests; direct implementation of remedial measures to quickly control and eradicate diseases and pests; respond to disasters and provide disaster relief; disseminate information concerning prevention and minimization of losses during agricultural production.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Prevention and fight against agricultural insurance fraud mean the adoption of measures for preventing and reducing the fraud during signing and execution of the agricultural insurance policy with the aim of appropriating a sum of money from the insurer.

2. The insurer shall, on its own initiative, formulate and take measures for preventing, detecting and reducing insurance fraud, and disseminate information about prevention and fight against insurance fraud.

3. The policyholder and the insured shall, on their own initiative, participate in prevention and fight against insurance fraud. In case any act of insurance fraud is found, it is required to promptly notify the insurer and competent authority.

4. Relevant competent authorities shall cooperate with the insurer, the policyholder and the insured in preventing and fighting insurance fraud within their area in a manner that maintains social order during execution of the agricultural insurance policy and implementation of the agricultural insurance assistance policy.

Chapter III

AGRICULTURAL INSURANCE ASSISTANCE POLICY

Article 18. Insured subject matters eligible for assistance

1. Plants: Rice, rubber trees, peppers, cashew trees, coffee trees, fruit trees, vegetables.

2. Domesticated animals: Buffaloes, cows, pigs, poultry.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 19. Assistance

1. An individual that produces agricultural products and is a member of a poor household or near poverty household is eligible for an assistance of not greater than 90% of agricultural insurance premiums.

2. An individual that produces agricultural products and is not a member of a poor household or near poverty household is eligible for an assistance of not greater than 20% of agricultural insurance premiums.

3. An organization that produces agricultural products by using large-scale and concentrated cooperation model that applies advanced technologies and production process towards green, hi-tech and environmentally friendly agriculture is eligible for an assistance of not greater than 20% of agricultural insurance premiums.

Article 20. Insured risks eligible for assistance

1. Disaster risks, including:

Storm, tropical depressions, lightning, cyclones, heavy rain, floods, flash floods, inundations, landslides and land subsidence due to floods or water currents, water level rise, seawater intrusion, extremely hot weather, droughts, damaging cold, hail, hoarfrost, earthquakes, tsunamis. Disasters shall be announced or confirmed by a competent authority.

2. Disease risks, including:

a) Animal diseases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Aquatic animal diseases: Aquatic animal diseases included in the List of animal diseases subject to outbreak declaration of Vietnam promulgated by a competent authority in accordance with regulations of the law on veterinary medicine.

b) Plant pests: Harmful organisms that may potentially spread on a large scale and cause severe damage to plants in accordance with regulations of the law on plant protection and quarantine.

Diseases and pests shall be announced or confirmed by a competent authority.

Article 21. Areas eligible for assistance

1. A province or central-affiliated city that is within the major area where agricultural products are produced according to agriculture restructuring orientations and agriculture development plan shall be provided with assistance in agricultural insurance premiums. The Prime Minister shall decide on the list of provinces and central-affiliated cities provided with assistance in agricultural insurance premiums as prescribed in Clause 1 Article 22 of this Decree.

2. Each province or central-affiliated city may implement the agricultural insurance assistance policy within its total area or some district and commune. According to the Prime Minister’s decision on eligible entities, types of plants and domesticated animals, aquaculture, types of insured risks eligible for assistance, the People's Committee of the province or central-affiliated city within the area eligible for assistance shall select and announce the areas eligible for assistance in agricultural insurance premiums through the local mass media and notify them in writing to the Ministry of Finance and the Ministry of Agriculture and Rural Development.

Article 22. Implementation of agricultural insurance assistance policy in each period

1. According to Articles 18, 19 and 20 and Clause 1 Article 21 of this Decree and capacity of budget in each period, the Prime Minister shall issue a decision on agricultural producers, types of plants and domesticated animals, aquaculture and types of insured risks eligible for assistance, assistance, time for providing assistance, areas eligible for assistance, funding allocated by the central government budget to the local government budget for provision of assistance in agricultural insurance premiums.

2. Agricultural producers will receive assistance in agricultural insurance premiums if they are the ones eligible for assistance in agricultural insurance premiums who have subject matters insured and provide insurance for the insured risks according to the Prime Minister’s decision prescribed in Clause 1 of this Article and who are within the areas eligible for assistance included in announcement by People's Committees of provinces and central-affiliated cities prescribed in Clause 2 Article 21 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Funding for providing assistance is covered by the central and local government budget and included in the annual state budget estimate.

2. The funding allocated by the central government budget to the local government budget to provide assistance in agricultural insurance premiums shall adhere to the rules for provision of dedicated funding allocated from the central government budget to the local government budget to implement social security policies.

Article 24. Applications and procedures for approving entities eligible for assistance

1. An application for approval for entities eligible for assistance includes:

a) An application form (Form No. 01 in the Appendix hereof).

b) A list of plants, domesticated animals and aquatic animals (Form No. 02 in the Appendix hereof).

c) Documentary evidences for eligibility for assistance in agricultural insurance premiums regarding the entity eligible for assistance that is an organization that produces agricultural products.

2. Procedures for approving entities eligible for assistance

a) According to the Prime Minister’s decision and announcement of areas eligible for assistance of the People’s Committee of the province prescribed in Clause 2 Article 21 of this Decree, the agricultural producer shall prepare and submit an application for approval prescribed in Clause 1 of this Article, directly or by post, to the People’s Committee of the commune where such agricultural producer produces agricultural products.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Within 15 days from the date on which the list sent by the People’s Committee of the commune is received, according to the Prime Minister’s decision, announcement of areas eligible for assistance of the People’s Committee of the province prescribed in Clause 2 Article 21 of this Decree, the application for approval sent by the People’s Committee of the commune and the list sent by the People’s Committee of the commune, the People’s Committee of the district shall approve, consolidate and send the list of agricultural producers eligible for assistance the Department of Agriculture and Rural Development.

d) Within 05 working days from the date on which the list of agricultural producers eligible for assistance sent by the People’s Committee of the district is received, according to the Prime Minister’s decision and the list of agricultural producers eligible for assistance sent by the People’s Committee of the district, the Department of Agriculture and Rural Development shall consolidate and submit the list to the People’s Committee of the province for issuance of the decision on approval for the list of agricultural producers eligible for assistance in agricultural insurance premiums (Form No. 03 in the Appendix hereof). Such decision shall be sent to the Department of Finance, Department of Agriculture and Rural Development and People’s Committee of the relevant district and commune.

dd) Within 05 working days from the date on which the People’s Committee of the province issues the decision, the People’s Committee of the commune shall openly post the list of agricultural producers eligible for assistance in agricultural insurance premiums at the People’s Committee, announce it through its local mass media and send a copy of the decision to the agricultural producer at their request.

3. On a quarterly basis, the People’s Committee of the province shall direct the Department of Agriculture and Rural Development and relevant People’s Committees at all levels to approve the list of agricultural producers eligible for assistance at the request of the agricultural producers according to the procedures specified in Clause 2 of this Article, and shall review and adjust the approved list of agricultural producers eligible for assistance in the cases specified in Clause 4 of this Article.

4. The agricultural producer included in the decision on approval for the list of agricultural producers eligible for assistance shall carry out review. In the cases where such agricultural producer is no longer eligible for assistance or according to the results of annual investigation and review carried out by the competent authority, a poor or near poverty household is re-classified, resulting in a change in the assistance in agricultural insurance premiums, within 05 working days from the date on which the agricultural producer is no longer eligible for assistance or from the effective date of the decision on recognition of a poor or near poverty household, the agricultural producer shall send a written notice made using the Form No. 04 in the Appendix hereof to the People’s Committee of the commune.

Within 10 days from the end of the month, the People’s Committee of the commune shall consolidate and send the approved list of agricultural producers eligible for assistance to the People’s Committee of the district, which will consolidate and send it to the Department of Agriculture and Rural Development for review and adjustment to the list according to Clause 3 of this Article and approve the application for provision of assistance in agricultural insurance premiums as prescribed in Point b Clause 2 Article 26 of this Decree.

Article 25. Methods for provision of assistance in agricultural insurance premiums

The assistance in insurance premiums shall be provided through the insurer according the procedures specified in Article 26 of this Decree after the insurance policy is signed and the insured liability has arisen.

Article 26. Applications and procedures for provision of assistance in agricultural insurance premiums covered by the state budget

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) An application form (Form No. 05 in the Appendix hereof).

b) A list (enclosed with a copy) of the agricultural insurance policy signed with the agricultural producer (Form No. 06 in the Appendix hereof).

2. Procedures for provision of assistance in agricultural insurance premiums covered by the state budget

a) Within 10 days from the end of the month, the insurer shall prepare an application for provision of assistance in agricultural insurance premiums covered by the state budget prescribed in Clause 1 of this Article, directly or by post, to the Department of Agriculture and Rural of the province or central-affiliated city.

b) Within 10 days from the date on which the satisfactory application is received, according to the Prime Minister’s decision and decision on approval for the list of agricultural producers eligible for assistance of the People’s Committee of the province prescribed in Article 24 of this Decree, the Department of Agriculture and Rural Development shall take charge and cooperate with the Department of Finance in completing the approval and requesting the People’s Committee of the province to issue the decision on provision of assistance in agricultural insurance premiums covered by the central and local government budget. In the case of rejection, the Department of Agriculture and Rural Development shall provide written explanation for the insurer.

c) Within 10 days from the date on which the People's Committee of the province issues the decision on provision of assistance, the Department of Finance shall, according to the decision on provision of assistance, make payment to the insurer through the State Treasury of the province, which will transfer cash to the insurer's account opened at a commercial bank.

d) In case the payment is yet to be made to the insurer as prescribed in Point c Clause 2 of this Article, the People's Committee of the province shall direct the Department of Agriculture and Rural Development to provide written explanation for the insurer.

Article 27. Stop receiving assistance in agricultural insurance premiums

1. In the cases where changes in the policy results in changes in eligibility requirements for assistance in agricultural insurance premiums, entities eligible for assistance and assistance in agricultural insurance premiums, the agricultural producers shall continue to receive assistance in agricultural insurance premiums under the signed agricultural insurance policy until the expiry of the policy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In the cases where the agricultural insurance policy expires before the specified period, the agricultural producer shall return the agricultural insurance premiums covered by the state budget to the state budget corresponding to the remaining period of the insurance policy according to Clause 4 of this Article.

4. The agricultural insurance policy shall stop receiving assistance in agricultural insurance premiums and return the agricultural insurance premiums covered by the state budget to the state budget corresponding to the remaining period of the insurance policy from the date on which:

a) the agricultural producer no longer satisfies all eligibility requirements for receipt of assistance in agricultural insurance premiums prescribed in Clause 2 Article 22 of this Article (except for the case specified in Clause 1 of this Article).

b) the agricultural insurance policy is terminated before the specified period.

The agricultural producer shall return the agricultural insurance premiums covered by the state budget through the insurer according to the procedures specified in Clause 5 of this Article.

5. In the event the agricultural producer no longer satisfies all eligibility requirements for receipt of assistance in agricultural insurance premiums according to Point a Clause 4 of this Article, the agricultural producer and the insurer shall comply with the following regulations:

a) Within 05 working days from the date on which the agricultural producer is no longer eligible for assistance in agricultural insurance premiums, the agricultural producer shall notify the People’s Committee of the commune to follow the procedures specified in Clause 4 Article 24 of this Decree and the insurer to return the insurance premiums covered by the state budget. The notification shall specify the date on which the agricultural producer is no longer eligible for assistance in agricultural insurance premiums.

b) The insurer shall take remedial actions against legal consequences concerning the insurance premiums covered by the state budget according to Clause 6 of this Article.

6. Procedures for returning the agricultural insurance premiums covered by the state budget

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Within 10 days from the date on which the consolidated notice sent by the insurer is received, the Department of Agriculture and Rural shall take charge and cooperate with the Department of Finance and the insurer in approving:

- The premiums returned to the state budget by the agricultural producer corresponding to the remaining period of the insurance policy after deducting reasonable costs related to the insurance policy (in the cases where the state budget has sufficiently allocated assistance in agricultural insurance premiums to the agricultural producer). Reasonable costs are specified in the insurance policy.

- The premiums returned by the state budget to the agricultural producer corresponding to the period over which insurance has covered by the time of terminating the insurance policy (in the cases where the state budget has not yet sufficiently allocated assistance in agricultural insurance premiums to the agricultural producer).

Regarding the case specified in Point a Clause 4 of this Article, the remaining period of the insurance policy begins from the date on which the agricultural producer no longer satisfies all eligibility requirements for receipt of assistance in agricultural insurance premiums.

Regarding the case specified in Point b Clause 4 of this Article, the remaining period of the insurance policy begins from the date of terminating the insurance policy before the specified period.

The approval results shall be made in writing and retained at the Department of Agriculture and Rural Development.

c) According to the approval results, within 10 days, the Department of Agriculture and Rural Development shall prepare and submit a report to the People’s Committee of the province, which will consider issuing a decision on return of agricultural insurance premiums covered by the state budget to the insurer or request the insurer to return the agricultural insurance premiums covered by the state budget to the state budget as prescribed in Point b of this Clause.

Such decision shall be sent to relevant authorities: Department of Agriculture and Rural Development, Department of Finance, State Treasury of the province of the area where the entities eligible for assistance are available and relevant insurers.

d) According to the decision of the People’s Committee of the province, within 10 days from the date on which the People's Committee of the province issues the decision, the Department of Finance shall make payment to the insurer through the State Treasury of the province, which will transfer cash to the insurer's account opened at a commercial bank or the insurer shall follow procedures for return directly at the State Treasury.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Together with making annual budget estimate, according to the number of agricultural producers eligible for assistance specified in the Prime Minister’s decision and demand for participation in agricultural insurance, the Department of Agriculture and Rural Development shall estimate the funding for provision of assistance in agricultural insurance premiums and submit the estimate to the Department of Finance, which will clearly determine the local government budget that needs to be balanced and the central government budget used for provision of assistance as prescribed and submit a report enclosed with the local government budget expenditure estimate prescribed by the Law on State Budget to the Ministry of Finance, which will include it in the annual state budget estimate as prescribed.

Article 29. Estimate allocation and funding management and settlement

1. Estimate allocation

a) Annually, according to the estimate given by the Prime Minister, the Ministry of Finance shall provide dedicated additional funding from the central government budget to the local government budget to implement the agricultural insurance assistance policy as prescribed in this Decree.

b) According to the estimate given by the Prime Minister and the…………………., the Department of Finance shall take charge and cooperate with the Department of Agriculture and Rural Development in preparing and submitting a funding estimate allocation plan to the People’s Committee of the province, which will submit it to the People's Council at the same level for decision on allocation of funding for implementation of the agricultural insurance assistance policy that is included in the approved expenditure estimate.

2. Funding management and settlement

a) The People’s Committee of the province shall manage, use and settle funding for right purposes and in accordance with the Law on State Budget. At the end of the year, the remaining assistance in agricultural insurance premiums (if any) shall be managed as prescribed by the Law on State Budget. In case of lack of funding during the year, local governments shall, on their own initiative, advance funding to make payment to the insurer and request the Ministry of Finance and the Ministry of Agriculture and Rural Development in writing to consider providing additional funding from the central government budget (regarding the areas provided with funding from the central government budget). After the end of the agricultural insurance assistance policy, the remaining funding provided by the central government budget (if any) shall be returned to the central government budget.

b) Funding for providing assistance in agricultural insurance premiums shall be aggregated with the annual state budget expenditure estimate as prescribed by the Law on State Budget, legal documents elaborating laws and applicable list of state budget entries.

Article 30. Conditions to be satisfied by the insurer in charge of implementing agricultural insurance assistance policy

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The insurer shall be entitled to sell agricultural insurance according to the establishment and operation license, satisfy requirements for capital and solvency as prescribed, have procedures for agricultural insurance business, survey and indemnity, internal control and internal audit procedures prescribed by law, and have an agricultural reinsurance program that shall be executed in a safe and effective manner and in accordance with regulations of law.

2. The major insurer or insurer delegated to be in charge of executing the insurance policy shall have its headquarters or branch located in the province or central-affiliated city where the agricultural insurance assistance policy is implemented.

Article 31. Methods for implementing agricultural insurance assistance policy

The insurer shall implement the agricultural insurance assistance policy using co-insurance method with respect to all insurance policies.

Article 32. Insurance policy executed upon implementation of agricultural insurance assistance policy

When signing an agricultural insurance policy, the agricultural producer eligible for assistance and the insurer shall comply with the following regulations:

1. The agricultural insurance policy contains all contents prescribed in Clause 1 Article 6 of this Decree.

2. The agricultural policy shall be signed when the agricultural producer has satisfied all eligibility requirements for receipt of assistance in agricultural insurance premiums prescribed in Clause 2 Article 22 of this Article and the People’s Committee of the province has approved of the agricultural producer being eligible for assistance in agricultural insurance premiums as prescribed in Article 24 of this Decree.

3. The agricultural insurance policy shall be signed separately from others.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Time limit and method for paying premiums shall be agreed upon in accordance with regulations of law. Payment of the premiums covered by the state budget shall be made as prescribed in Article 26 of this Decree.

6. The effective period of the agricultural insurance policy shall be agreed upon but not exceed 01 year.

Article 33. Applications and procedures for approving/changing agricultural insurance products are

1. The agricultural insurance products provided by the insured for the agricultural producer eligible for assistance in agricultural insurance premiums shall be approved by the Ministry of Finance.

2. The insurer shall submit an application for approval, directly or by post, to the Ministry of Finance. The application includes:

a) An application form (Form No. 07 in the Appendix hereof);

b) Policy wording and premiums of the insurance product expected to be provided;

c) Formula, methods and explanation for technical specifications for determination of premiums and reserves of the insurance product expected to be provided with the reserving actuary's endorsement showing that the premiums are established according to statistics, guarantee solvency of the insurer and corresponds to insurance conditions and responsibilities;

d) Insurance request form, insurance policy, brochures, sales materials and other forms that must be provided and signed by the policyholder upon purchase of insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Within 10 days from date on which the satisfactory application prescribed in Clause 2 of this Article is received, the Ministry of Finance shall send an enquiry about the insurer's request for approval for the agricultural insurance product to the Ministry of Agriculture and Rural Development.

b) Within 10 days from date on which the enquiry is received, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide written opinions about the insurer's request for approval for the agricultural insurance product.

c) Within 10 days from date on which the written opinions are received, the Ministry of Finance shall, according to the application for approval, consider granting a written approval. In case of rejection of the application, the Ministry of Finance shall provide written explanation.

4. The insurer shall adhere to the approved policy wording and premiums. In case of any change, it is required to obtain approval from the Ministry of Finance.

Article 34. Keep records of revenues and costs

The insurer shall keep separate records of revenues of revenues from, costs and results of sale of agricultural insurance, and revenues from, cost and results of implementation of the agricultural insurance assistance policy.

Chapter IV

IMPLEMENTATION

Article 35. Responsibilities of the Ministry of Finance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Take charge and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in establishing Prime Minister's decision prescribed in Clause 1 Article 22 of this Decree.

3. Take charge and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in approving/changing agricultural insurance products as prescribed in Article 33 of this Decree.

4. Provide budget for implementation of the agricultural insurance assistance policy.

5. Take charge and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in submitting reports on implementation of this Decree at the request of the Government and Prime Minister.

Article 36. Responsibilities of the Ministry of Agriculture and Rural Development

1. Disseminate regulations on agricultural insurance in accordance with this Decree.

2. Cooperate with the Ministry of Finance in establishing Prime Minister's decision prescribed in Clause 1 Article 22 of this Decree.

3. Cooperate with the Ministry of Finance in approving/changing agricultural insurance products as prescribed in Article 33 of this Decree.

4. Promulgate documents providing guidelines for procedures for announcement of disasters and procedures for confirmation of disasters and diseases prescribed in Article 20 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Promulgate technical procedures, regulations and standards in agricultural production to facilitate execution of the agricultural insurance policy and implementation of the agricultural insurance assistance policy.

Article 37. Responsibilities of the People’s Committees of provinces and central-affiliated cities

1. Disseminate regulations on and encourage agricultural producers to purchase agricultural insurance in accordance with this Decree.

2. Organize execution of agricultural insurance policy and implementation of the agricultural insurance assistance policy in accordance with this Decree. Direct Departments, sectors and local governments within their area to execute agricultural insurance policy and implement the agricultural insurance assistance policy in accordance with this Decree.

3. Approve the entities eligible for assistance as prescribed in Article 24 of this Decree.

4. According to the budget estimate approved by the competent authority, allocate the local government budget for provision of assistance in agricultural insurance premiums and provide assistance in agricultural insurance premiums in accordance with this Decree.

5. Direct relevant authorities in organizing risk control, loss prevention and minimization and prevention and fight against insurance fraud as prescribed in Section 2 Chapter II of this Decree.

6. Comply with the following reporting regulations:

a) Prepare and submit quarterly and annual detailed reports on funding for provision of assistance in agricultural insurance premiums using the Form No. 08 in the Appendix hereof to the Ministry of Finance; submit reports on provision of plant, domesticated animal and aquaculture insurance using the Form No. 09 in the Appendix hereof to the Ministry of Agriculture and Rural Development.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Quarterly reports shall be submitted at least 30 days before the end of the quarter.

- Annual report shall be submitted at least 60 days before the end of the fiscal year.

Article 38. Responsibilities of Vietnam Farmers' Union

1. Cooperate with local governments in providing agricultural insurance as prescribed in this Decree.

2. Instruct and encourage its members to comply with regulations of law on agricultural insurance and relevant regulations of law on cultivation, husbandry, forestry and aquaculture.

3. Disseminate regulations on agricultural insurance in accordance with this Decree.

Article 39. Responsibilities of insurers

1. Organize sale of agricultural insurance and implementation of the agricultural insurance assistance policy in accordance with this Decree.

2. Insurers in charge of implementing the agricultural insurance assistance policy shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Reporting period

- Monthly reports shall be submitted at least 15 days before the end of the month.

- Quarterly reports shall be submitted at least 30 days before the end of the quarter.

- Annual report shall be submitted at least 90 days before the end of the fiscal year.

c) In addition to the professional reports prescribed in Point a of this Clause, the Ministry of Finance may request insurers to submit additional reports on their operation and financial situation for the purposes of statistics and assessing provision of agricultural insurance.

d) Insurers shall be responsible for the accuracy and truthfulness of their reports.

Chapter V

IMPLEMENTATION CLAUSE

Article 40. Effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies and Presidents of People's Committees of provinces and central-affiliated cities and regulated entities of the Decree are responsible for the implementation of this Decree./.

 

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 58/2018/NĐ-CP ngày 18/04/2018 về bảo hiểm nông nghiệp

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


35.728

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.27.70
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!