Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 135/2021/NĐ-CP sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm

Số hiệu: 135/2021/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phạm Minh Chính
Ngày ban hành: 31/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ DANH MỤC, VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ VÀ QUY TRÌNH THU THẬP, SỬ DỤNG DỮ LIỆU THU ĐƯỢC TỪ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT DO CÁ NHÂN, TỔ CHỨC CUNG CẤP ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về:

1. Việc quản lý, sử dụng, đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng (sau đây viết chung là trật tự, an toàn giao thông), bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

2. Quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia (sau đây viết chung là vi phạm hành chính).

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp, tiếp nhận, thu thập, sử dụng dữ liệu, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc dữ liệu, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là máy móc, thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, đo lường, phân tích, kiểm định, lưu trữ, trích xuất thông tin, dữ liệu được đầu tư, mua sắm, thuê, trang bị từ ngân sách nhà nước và nguồn hợp pháp khác, sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính.

2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật là máy móc, thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, đo lường, phân tích, kiểm định, lưu trữ, trích xuất thông tin, dữ liệu do cá nhân, tổ chức tự đầu tư, mua sắm, trang bị.

3. Dữ liệu, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật (sau đây viết chung là dữ liệu) là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, thông tin, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lạm dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức.

2. Không tuân thủ đúng quy trình, quy tắc trong việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

3. Cố ý hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

4. Cản trở, hạn chế hoặc vô hiệu hóa tính năng kỹ thuật của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

5. Giao phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền quản lý, sử dụng.

6. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hoặc chưa được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật.

7. Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

8. Làm giả, làm sai lệch kết quả, dữ liệu thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

9. Lạm dụng việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu để chiếm giữ, sử dụng trái phép phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cá nhân, tổ chức.

Điều 5. Kinh phí đầu tư, mua sắm, thuê, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; mua sắm vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Kinh phí đầu tư, mua sắm, thuê, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và mua sắm vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chương II

DANH MỤC VÀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ

Điều 6. Danh mục và tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Ban hành kèm theo Nghị định này danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm:

a) Danh mục I: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Danh mục II: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

c) Danh mục III: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa;

d) Danh mục IV: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng hải;

đ) Danh mục V: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng không dân dụng;

e) Danh mục VI: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường;

g) Danh mục VII: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

h) Danh mục VIII: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về phòng, chống ma túy;

i) Danh mục IX: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chuyên dùng và bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Đúng đối tượng, đúng mục đích, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao;

b) Tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với khả năng ngân sách của Nhà nước.

3. Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ ban hành quy định chi tiết về tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho cơ quan, đơn vị của các lực lượng quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Điều 7. Nguồn hình thành phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Nguồn hình thành phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Hàng năm, căn cứ vào danh mục, tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính của ngành và địa phương, các bộ quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và mua sắm vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước.

Điều 8. Thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Việc thuê, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đấu thầu và pháp luật có liên quan.

2. Điều kiện thuê của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:

a) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này và đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định;

b) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật mới có tính năng tương tự như phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này nhưng hiện đại, có hiệu quả phát hiện vi phạm cao và chính xác hơn;

c) Đảm bảo các quy định về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định của pháp luật.

3. Việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được thuê, phải tuân thủ theo các quy định về chế độ quản lý, sử dụng tại Nghị định này.

Điều 9. Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Nguyên tắc trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:

a) Phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị;

b) Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quy định tại khoản 2 Điều này và yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính;

c) Tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Lực lượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm:

a) Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Quản lý xuất nhập cảnh, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Công an cấp xã);

b) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng, Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không;

c) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường;

d) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển;

đ) Kiểm lâm, Kiểm ngư, Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn;

e) Hải quan;

g) Quản lý thị trường;

h) Thanh tra Y tế và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về Y tế;

i) Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội;

k) Thanh tra Giáo dục và Đào tạo;

l) Thanh tra Khoa học và Công nghệ; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

3. Các lực lượng quy định tại khoản 2 Điều này, khi tham gia phối hợp với các lực lượng khác được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trang bị cho lực lượng của mình để phát hiện vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Thẩm quyền quyết định trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:

Bộ trưởng các bộ quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do cấp mình đầu tư, mua sắm hoặc quản lý cho các lực lượng thuộc quyền quản lý quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 10. Lập, quản lý hồ sơ và báo cáo việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ đối với phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được giao quản lý, sử dụng.

2. Hồ sơ quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm:

a) Hồ sơ, lý lịch liên quan đến việc hình thành, biến động, thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Hồ sơ tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

c) Quy trình hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất;

d) Sổ theo dõi tình trạng kỹ thuật, thời gian hoạt động của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

đ) Giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (nếu có);

e) Sổ giao, nhận phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

g) Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

h) Dữ liệu về phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;

i) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

3. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập, quản lý hồ sơ quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

4. Các bộ quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm kê, báo cáo số lượng, giá trị, tình hình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 11. Bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và xử lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị

1. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng, vận hành phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có trách nhiệm thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đúng chế độ, tiêu chuẩn, đo lường, định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

2. Việc thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, xử lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 12. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các yêu cầu sau đây:

a) Đối với các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, so sánh theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, so sánh theo quy định.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, so sánh trước khi đưa vào sử dụng;

b) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được bố trí cố định hoặc lưu động trên tuyến, địa bàn để phát hiện vi phạm hành chính.

2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi có quyết định, kế hoạch phê duyệt của các chức danh sau đây:

a) Người có thẩm quyền quyết định trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Trưởng Công an cấp huyện); Trưởng phòng nghiệp vụ hoặc tương đương thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Công an cấp tỉnh) gồm: Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát đường thủy (sau đây viết chung là Cảnh sát giao thông), Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Quản lý xuất nhập cảnh, Cảnh sát cơ động; Chánh thanh tra Công an cấp tỉnh; Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Cục trưởng các Cục: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Quản lý xuất nhập cảnh; Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Chánh Thanh tra Bộ Công an;

c) Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Giám đốc các Cảng vụ: Đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải; Cục trưởng các Cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam; Cục trưởng Cục quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

d) Chánh Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường;

đ) Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng; Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;

e) Chánh Thanh tra Sở Y tế; Giám đốc Sở Y tế; Chánh Thanh tra Bộ Y tế; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế;

g) Chi cục trưởng các Chi cục: Hải quan, Kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng các Cục: Điều tra chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Hải quan cấp tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

h) Đội trưởng Đội quản lý thị trường; Cục trưởng các Cục: Nghiệp vụ quản lý thị trường, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Quản lý thị trường cấp tỉnh, Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;

i) Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng các Chi cục: Kiểm lâm, Kiểm lâm vùng, Kiểm ngư vùng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục trưởng các Cục: Kiểm lâm, Kiểm ngư; Tổng cục trưởng các Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy sản; Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

k) Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

l) Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo;

m) Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

3. Thay đổi tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh có thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

a) Trường hợp các chức danh quy định tại khoản 2 Điều này có thay đổi về tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của các chức danh đó được giữ nguyên;

b) Trường hợp các chức danh quy định tại khoản 2 Điều này không có thay đổi về tên gọi nhưng có thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì không còn thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Điều 13. Yêu cầu, trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, thanh tra viên chuyên ngành, công chức, viên chức thuộc các lực lượng quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Nắm vững chế độ quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

2. Trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:

a) Thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn, giữ gìn, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Điều 14. Sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:

a) Cơ quan, đơn vị sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bố trí kho lưu trữ, thiết bị, phương tiện cần thiết và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu theo quy định của pháp luật về lưu trữ và pháp luật có liên quan;

b) Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được lưu vào hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính.

2. Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản, gồm các thông tin cơ bản sau:

a) Tên cơ quan, đơn vị và chữ ký, họ tên của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm (trường hợp xác minh được);

c) Bản ảnh, hình ảnh (đối với thiết bị ghi hình, phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh); âm thanh (đối với thiết bị ghi âm);

d) Chỉ số đo, phân tích (đối với phương tiện, thiết bị có chức năng đo lường, phân tích, kiểm định);

đ) Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;

e) Hành vi vi phạm hoặc kết luận về kết quả đo lường, phân tích, kiểm định;

g) Các thông tin khác liên quan đến hành vi vi phạm (nếu có).

3. Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quá thời hạn nói trên mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm không ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền thì kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không còn giá trị sử dụng.

Điều 15. Xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Khi có kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và thực hiện theo các bước sau:

a) Xác định thông tin về tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính;

b) Gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, trừ trường hợp người có thẩm quyền đã xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa điểm, tuyến, địa bàn xảy ra hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính;

c) Lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm;

d) Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp tỉnh khác và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm hoặc vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp huyện này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp huyện khác mà việc đi lại gặp khó khăn và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm, thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cùng cấp, nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, cư trú để tiếp tục thực hiện các bước xử lý theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Văn bản thông báo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này có thể được gửi bằng phương thức điện tử đến tổ chức, cá nhân vi phạm trong trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin, yêu cầu về giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

Chương III

QUY TRÌNH THU THẬP, SỬ DỤNG DỮ LIỆU THU ĐƯỢC TỪ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT DO CÁ NHÂN, TỔ CHỨC CUNG CẤP

Điều 16. Cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật

1. Dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt bằng một trong các hình thức sau:

a) Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp;

b) Thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng;

c) Dịch vụ bưu chính;

d) Kết nối, chia sẻ dữ liệu.

2. Quyền của cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu:

a) Cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền thuộc các lực lượng quy định tại Điều 18 Nghị định này;

b) Bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

c) Yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp.

3. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu:

a) Cung cấp thông tin về họ tên, địa chỉ, phương thức liên lạc trong trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền thuộc các lực lượng quy định tại Điều 18 Nghị định này cần liên hệ;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp;

c) Hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu.

Điều 17. Yêu cầu và giá trị sử dụng của dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật

1. Yêu cầu về dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật:

a) Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

b) Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật;

c) Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;

d) Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.

2. Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, nếu đáp ứng được yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu

1. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt:

a) Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp xã;

b) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt.

2. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa:

a) Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội, Công an cấp xã;

b) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa, Cảng vụ đường thủy nội địa;

c) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.

3. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng hải:

a) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng hải, Cảng vụ hàng hải;

b) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển;

c) Kiểm ngư;

d) Cảnh sát giao thông.

4. Cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng không dân dụng:

a) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng không;

b) Cảng vụ hàng không;

c) Quản lý xuất nhập cảnh; Công an cấp xã; Đồn Công an.

5. Cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường;

a) Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát giao thông, Quản lý xuất nhập cảnh, Công an cấp xã;

b) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường; thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch;

c) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa, hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải;

d) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển;

đ) Hải quan;

e) Quản lý thị trường;

g) Kiểm lâm, Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an cấp xã;

b) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

c) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng hải, Cảng vụ hàng hải;

d) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển;

đ) Hải quan;

e) Kiểm lâm.

7. Cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về phòng, chống ma túy:

a) Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp xã;

b) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển;

c) Hải quan;

d) Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội.

8. Cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia:

a) Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an cấp xã;

b) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về Y tế;

c) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển;

d) Thanh tra Giao thông vận tải;

đ) Quản lý thị trường;

e) Hải quan;

g) Thanh tra Giáo dục và Đào tạo;

h) Thanh tra Khoa học và Công nghệ.

Điều 19. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu

1. Công khai địa chỉ trụ sở cơ quan, đơn vị, địa chỉ bưu chính, thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị mình để cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu.

2. Bố trí người thực hiện việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu.

3. Bảo đảm bí mật các thông tin của cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định này và cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

4. Gửi văn bản thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu cho cá nhân, tổ chức đã cung cấp nếu cá nhân, tổ chức đó có yêu cầu.

Điều 20. Tiếp nhận, thu thập và xử lý dữ liệu

1. Dữ liệu được tiếp nhận, thu thập từ các nguồn sau:

a) Dữ liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến đề nghị kiểm tra, xác minh;

b) Dữ liệu đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng;

c) Dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 16.

2. Trình tự tiếp nhận, thu thập dữ liệu:

a) Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện cung cấp dữ liệu theo quy định tại Nghị định này;

b) Thực hiện việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu từ các nguồn quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật được cung cấp không có tên, địa chỉ rõ ràng, cụ thể của cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu nhưng có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm và có cơ sở để kiểm tra, xác minh thì cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp nhận, thu thập dữ liệu, tiến hành việc kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định;

c) Vào sổ và báo cáo công tác tiếp nhận, thu thập dữ liệu.

Dữ liệu tiếp nhận, thu thập được phải ghi chép vào sổ hoặc phần mềm theo dõi và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết, xử lý theo quy định.

3. Xử lý dữ liệu tiếp nhận, thu thập:

Cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xử lý dữ liệu tiếp nhận, thu thập được như sau:

a) Dữ liệu thuộc thẩm quyền xử lý thì tiến hành thủ tục xác minh theo quy định tại Điều 21 Nghị định này;

b) Dữ liệu không thuộc thẩm quyền xử lý thì chuyển cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc xác minh;

c) Kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại Điều 22 Nghị định này thì không phải thực hiện việc xác minh; việc xử lý thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Điều 21. Xác minh dữ liệu và kết luận vụ việc

1. Thời hạn xác minh và sử dụng dữ liệu để xác minh:

a) Thời hạn xác minh không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý xác minh. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý xác minh;

b) Thời hạn sử dụng dữ liệu để xác minh được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.

2. Nội dung xác minh:

a) Có hay không có hành vi vi phạm hành chính; thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm hành chính;

b) Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính; lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;

c) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

d) Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

đ) Giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

e) Các tình tiết khác có liên quan (nếu có).

3. Biện pháp xác minh:

Người có thẩm quyền có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp nghiệp vụ sau đây để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm rõ vụ việc:

a) Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị để phát hiện, xác định hành vi vi phạm hành chính;

b) Làm việc trực tiếp với cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu; cá nhân, tổ chức bị phản ánh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức có liên quan, người làm chứng, biết vụ việc xảy ra, để thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc;

c) Xác minh thực tế ở những địa điểm cần thiết để thu thập, kiểm tra, xác định tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung vụ việc;

d) Trưng cầu giám định dữ liệu, mẫu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về giám định;

đ) Các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Thủ tục xác minh:

a) Người có thẩm quyền tự mình tiến hành xác minh hoặc thành lập tổ xác minh. Trường hợp thành lập tổ xác minh phải có từ 02 người trở lên.

Khi tiến hành xác minh thực tế, làm việc với cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu, cá nhân, tổ chức bị phản ánh vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức có liên quan, phải lập thành biên bản, có chữ ký của người tiến hành xác minh và những người có liên quan trong buổi làm việc. Trường hợp cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản thì trong biên bản phải ghi rõ việc cá nhân, tổ chức không ký;

b) Kết thúc việc xác minh, người được giao xác minh phải có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về kết quả xác minh;

c) Các tài liệu, tình tiết tiếp nhận, thu thập được phải được ghi nhận bằng văn bản và lưu trữ vào hồ sơ vụ việc theo quy định của pháp luật.

5. Kết luận vụ việc:

Căn cứ dữ liệu tiếp nhận, thu thập được, kết quả xác minh, người có thẩm quyền phải kết luận nội dung vụ việc, thực hiện như sau:

a) Trường hợp phát hiện có vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp xác định không có vi phạm hành chính hoặc không đủ căn cứ để chứng minh vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không xử phạt vi phạm hành chính;

c) Trường hợp trong và sau quá trình xác minh, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, cảng hàng không, sân bay, điều hành bay, kinh doanh vận tải cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông

1. Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng kết quả thu thập được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe, thiết bị ghi âm và ghi hình, hệ thống camera giám sát an ninh, điều hành giao thông, camera lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải, thiết bị ghi tham số bay, hệ thống ghi dữ liệu tàu bay, hệ thống giám sát điều hành bay của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, cảng hàng không, sân bay, điều hành bay, kinh doanh vận tải cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.

2. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại khoản 1 Điều này phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định có liên quan tại Nghị định này;

b) Người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải là nhân viên của tổ chức có phương tiện, thiết bị kỹ thuật và đảm bảo yêu cầu, trách nhiệm theo quy định tại Điều 13 Nghị định này;

c) Việc xử lý kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

2. Bãi bỏ Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Điều 24. Quy định chuyển tiếp

Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được trang bị, sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nếu vẫn đáp ứng các yêu cầu quy định tại Nghị định này thì tiếp tục sử dụng để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính.

Điều 25. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và việc thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

DANH MỤC I

PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
(Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

1. Phương tiện đo độ dài.

2. Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới.

3. Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh.

4. Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở.

5. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

6. Phương tiện đo khoảng cách giữa hai phương tiện giao thông đang chạy.

7. Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh.

8. Thiết bị đo, thử chất ma túy.

9. Thiết bị ghi đo bức xạ.

10. Thiết bị đánh dấu hóa chất.

11. Phương tiện đo áp suất khí nén.

12. Thiết bị đo hiệu quả phanh xe cơ giới.

13. Phương tiện đo độ ồn.

14. Thiết bị đo âm lượng.

15. Phương tiện đo nồng độ khí thải.

16. Phương tiện đo độ khói.

17. Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

18. Thiết bị đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

19. Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

20. Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình.

21. Thiết bị trích xuất dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

22. Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự, điều hành giao thông.

23. Bộ máy quét hiện trường.

24. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

DANH MỤC II

PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
(Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

1. Phương tiện đo độ dài.

2. Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở.

3. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

4. Thiết bị đo, thử chất ma túy.

5. Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh.

6. Phương tiện đo thủy bình.

7. Thước đo chiều cao đầu đấm móc nối.

8. Thước đo giang cách bánh xe trên một trục.

9. Thước đo đường kính bánh xe.

10. Thước đo gờ lợi, chiều dày đai bánh xe.

11. Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

12. Đồng hồ bấm giây.

13. Phương tiện đo độ ồn.

14. Thiết bị đo âm lượng.

15. Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

16. Thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe.

17. Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh.

18. Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình.

19. Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự, điều hành giao thông.

20. Bộ máy quét hiện trường.

21. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

DANH MỤC III

PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
(Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

1. Phương tiện đo độ dài.

2. Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở.

3. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

4. Thiết bị đo, thử chất ma túy.

5. Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

6. Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

7. Phương tiện đo độ sâu của nước.

8. Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh.

9. Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh.

10. Phương tiện đo vận tốc dòng chảy.

11. Thiết bị đo vận tốc gió.

12. Thiết bị đo độ dày vỏ tàu.

13. Phương tiện đo nồng độ khí thải.

14. Phương tiện đo độ ồn.

15. Thiết bị đo âm lượng.

16. Cân kiểm tra trọng tải xe cơ giới.

17. Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình.

18. Hệ thống nhận dạng tự động (AIS).

19. Bộ máy quét hiện trường.

20. Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự, điều hành giao thông.

21. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

DANH MỤC IV

PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG HÀNG HẢI
(Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

1. Phương tiện đo độ dài.

2. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

3. Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh.

4. Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

5. Phương tiện đo độ sâu của nước.

6. Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở.

7. Thiết bị đo, thử chất ma túy.

8. Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới.

9. Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh.

10. Phương tiện đo nồng độ khí thải.

11. Phương tiện đo độ ồn.

12. Thiết bị đo âm lượng.

13. Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

14. Cân trọng lượng hiển thị số.

15. Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS).

16. Hệ thống nhận dạng tự động (AIS).

17. Hệ thống truy theo tầm xa (LRIT).

18. Phương tiện đo vận tốc dòng chảy.

19. Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình; máy chủ lưu trữ hành trình tàu cá từ thiết bị giám sát tàu cá.

20. Phương tiện đo nhanh nước thải, mặt nước.

21. Phương tiện phân tích nước thải, nước mặt và chất lỏng.

22. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

DANH MỤC V

PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
(Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

1. Phương tiện đo độ dài.

2. Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở.

3. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

4. Thiết bị đo, thử chất ma túy.

5. Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh.

6. Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

7. Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh.

8. Phương tiện đo nồng độ khí thải.

9. Phương tiện đo độ ồn.

10. Thiết bị đo âm lượng.

11. Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

12. Thiết bị đo khoảng cách.

13. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

DANH MỤC VI

PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

1. Phương tiện đo nhanh khí thải, không khí.

2. Phương tiện đo nhanh nước.

3. Phương tiện đo hàm lượng bụi trong không khí.

4. Phương tiện đo hàm lượng bụi trong khí thải.

5. Phương tiện đo độ rung.

6. Phương tiện đo độ ồn.

7. Thiết bị đo phóng xạ.

8. Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

9. Thiết bị đo sóng viba.

10. Thiết bị ghi đo bức xạ.

11. Thiết bị đo điện từ trường.

12. Phương tiện phân tích nước và chất lỏng.

13. Phương tiện phân tích khí thải, không khí.

14. Thiết bị phân tích đất.

15. Thiết bị phân tích chất rắn.

16. Thiết bị phân tích các yếu tố vi sinh vật.

17. Thiết bị đo vi khí hậu.

18. Phương tiện đo vận tốc dòng chảy.

19. Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh.

20. Thiết bị thu mẫu môi trường.

21. Thiết bị bảo quản mẫu môi trường.

22. Thiết bị trắc địa.

23. Trạm kiểm định môi trường di động.

24. Phương tiện đo tự động liên tục các thông số môi trường nước thải, khí thải.

25. Thiết bị thu, bảo quản, phân tích mẫu thực phẩm.

26. Thiết bị phân tích mẫu thuốc bảo vệ thực vật.

27. Thiết bị phân tích mẫu thuốc thú y.

28. Thiết bị phân tích mẫu phân bón.

29. Thiết bị phân tích hóa chất trong nông nghiệp.

30. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

31. Thiết bị phân tích mẫu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

32. Thiết bị quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

33. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

DANH MỤC VII

PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ
(Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

1. Thiết bị ghi âm và ghi hình, Camera nhiệt, máy chụp ảnh nhiệt.

2. Thiết bị thử, kiểm tra đầu báo cháy (khí, khói, nhiệt, lửa, tia chiếu).

3. Thiết bị đo khoảng cách bằng tia hồng ngoại.

4. Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

5. Thiết bị đo lưu lượng chất lỏng.

6. Cân trọng lượng.

7. Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

8. Thiết bị đo áp suất (chất lỏng, chất khí).

9. Thiết bị đo điện trở hệ thống chống sét.

10. Thiết bị đo nồng độ khí nguy hiểm cháy, nổ.

11. Thiết bị đo thông số dòng điện và đo điện trở.

12. Thiết bị đo mức chất lỏng trong bình.

13. Thiết bị đo mực nước.

14. Thiết bị đo áp suất không khí dư.

15. Thiết bị kiểm tra vận tốc gió, lưu lượng hút khói.

16. Thiết bị đo cường độ âm thanh.

17. Phương tiện đo độ dài.

18. Thiết bị đo độ dốc.

19. Thiết bị đo độ dày sơn chống cháy.

20. Thiết bị đo nhiệt độ từ xa.

21. Thiết bị kiểm tra độ dày đường ống.

22. Thiết bị đo nồng độ bụi.

23. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

DANH MỤC VIII

PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY
(Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

1. Thiết bị đo, thử chất ma túy.

2. Cân trọng lượng.

3. Đèn pin tử ngoại.

4. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

5. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

DANH MỤC IX

PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
(Kèm theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

1. Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở.

2. Thiết bị đo nồng độ cồn trong máu.

3. Phương tiện đo nồng độ cồn trong rượu, bia.

4. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

5. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


41.677

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.76.183
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!